Friday, August 26, 2016

GIAI THOẠI TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM

GIAI THOẠI TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM
                                                          Ngô Quốc Sĩ sưu tầm
       Giai thoại là một câu chuyện hay và đẹp.Từ điểnViệt Nam của Hội Khai Trí Tiến Đức định nghĩa giai thoại Là “một câu chuyện tình thú”, tiêu biểu như chuyên Tú Uyên. Tự điển Việt Anh của Nguyễn Văn Khôn dich giai thoại là một câu chuyện lý thú “ A beautiful  story”..



           Hiểu như thế, giai thoại là “một câu chuyện” đuợc chép lại hay kể lại để mua vui trên diễn đàn văn học, thuờng gợi hứng cho những nụ cười ý nhị, nhưng không thể xác định tính cách trung thực của nó.
          Giai thoại không phải chỉ để mua vui, mua nụ cười cho đời bớt tẻ nhạt, mà còn có giá trị văn chương, vừa thưởng ngoạn, vừa phản ảnh tư duy chính trị hay đạo đức. Xin trích dẫm một số giai thoại tiêu biểu:
 
          -Giai thoại “Tuyệt Tứ Khoái”
           Bốn ông Đồ ngồi uống ruợu, ngà ngà say, nổi hứng làm bài thơ Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt để vịnh cái khoái của đời. Mỗi người làm một câu, thế là tứ khoái!
           Đồ Gàn nhìn trời nóng chang chang, ruộng đất nứt nẻ, ứng khẩu đọc lên:
                     Đại hạn phùng cam lộ (Trời hạn hán, gặp mưa trong).
          Cử Tạ vốn là người xứ khác, một mình lạc đến vùng này, lúc nào cũng cảm thấy cô độc. Buồn cảnh đất khách quê người, ông thốt lên:
                    Tha hương ngộ cố tri (Xa nhà gặp lại bạn cũ).
            Nghè Đe ta mới giật mình vì không biết tả cái khoái gì. Nhìn quẩn nhìn quanh, chợt ông thấy hai con thạch sùng đang quấn đuôi trên trần nhà, đắc chí, Nghè Đe rung đùi rồi đọc:
                    Động phòng hoa chúc dạ (Động phòng đêm tân hôn).
           Đồ Hàn công danh lận đận, thi hỏng mãi phải quay về làng đi dạy học. Nghĩ đến đời mình, Đồ Hàn lẩm bẩm than:
                    Kim bảng quải danh thì (Bảng vàng đề tên).
          Thế là bốn ông Nho chùm ngồi vuốt râu và vừa đọc lại thơ, vừa khen lấy nhau…Lúc bấy giờ, chú tiểu đồng pha trà đi ngang, nghe lỏm thơ, cứ lắc đầu. Tinh mắt, ông Nghè mới bảo thằng tiểu đồng:
          -Mày thấy bài thơ tả bốn cái khoái trên đời này không đúng sao mà cứ lắc đầu mãi?”
          Tiểu đồng liền thưa:
          -Thưa cụ, bài thơ quả có hay và tả đúng bốn cái khoái, nhưng con thấy vẫn còn chưa thật là khoái ạ!”
          Cụ Nghè ngạc nhiên hỏi:
          -Thế làm sao mới thật là khoái?”
          Chú tiểu đồng ngẫm nghĩ rồi thưa
          -Dạ thưa cụ, con nghĩ nếu thêm vào mỗi câu hai chữ nữa thì mới thật là khoái ạ!”
          Các cụ ngạc nhiên nhao nhao lên mắng thằng tiểu đồng, làm thằng bé hốt hoảng nín thinh, ứa nước mắt.
          Đồ Hàn lên tiếng bênh thằng tiểu đồng:
          -Thôi các cụ cứ để cho nó nói hết! Mày cứ nói đi, nếu không ra gì thì chết với các cụ!”
          Tiểu đồng lấm la lấm lét rồi nói rằng:
          -Thưa cụ, câu thứ nhất thì con nghĩ nên thêm vào “Thập niên“. Nói xong nó đứng khoanh tay nhìn xuống đất.
          Các cụ nhìn nhau.
          -Thằng này cũng có lý vì nếu là mười năm hạn hán mà được mưa thì thật là càng khoái hơn nữa!
          Thế rồi câu thứ hai? – Một cụ hỏi.
                -Dạ con thêm vào “Lữ khách” vì xa nhà đã buồn, mà xa nhà một mình, bây giờ gặp bạn cũ thì thích lắm ạ.

          Các cụ gật gật đầu, có vẻ đồng ý. Nhưng đợi mãi, không thấy thằng tiểu đồng nói gì. Sốt ruột, một cụ lên tiếng giục them ý câu 3.  Tiểu đồng đỏ mặt:

          -Thưa cụ con không dám.”
Đồ Gàn:
          -Mày cứ nói, các cụ tha cho.
Tiểu đồng:
                - Dạ con xin thêm vào câu này chữ “Tu sĩ”
          Các cụ mỉm cười. Động phòng đã là thú rồi, mà lại là tu sĩ chưa bao giờ hưởng mùi vị thì chắc chắn là tuyệt.

          Không đợi các cụ, tiểu đồng thêm vào:

          -Còn câu cuối, con xin thêm vào “Hàn nho” vì thi đậu là thích, mà một nho sĩ nghèo, thi đậu để mang lại no ấm cho gia đình thì quả không gì bằng…”
Nghe đến đây, Đồ Hàn quay đi. Thế là bài thơ Tuyệt Tứ Khoái trở thành:
          Thập niên Đại hạn phùng cam lộ

          Lữ khách Tha hương ngộ cố tri
          Tu sĩ Động phòng hoa chúc dạ
          Hàn nho Kim bảng quải danh thì

         
-Giai thoại “đá bèo về Trạng Quỳnh;
          Một bà Chúa có nhan sắc mà tính kiêu ngạo, đi ra chơi phố

phường thấy ai trái ý là sai lính bắt đánh liền. Quỳnh lững thững đi
chơi, gặp kiệu Chúa. Gần đấy có cái ao bèo. Quỳnh vội vàng chạy
xuống cầu ao đứng đá nước chơi. Chúa biết Quỳnh, thấy chơi lẩn
thẩn như thế mới hỏi:
          - Ông làm gì đó?
Quỳnh ngẩng lên thưa:
          - Tôi ở nhà buồn quá, ra ao đá bèo chơi!
          Chúa đỏ mặt tía tai, bỏ đi.


-Giai thoại “Đón sứ Tàuvề Trạng Quỳnh
                  
          Triều đình chuẩn bị đón sứ nhà Thanh sang nước ta. Chúa nghe nói tên này là kẻ hống hách, hợm hĩnh, bèn kêu Quỳnh vào, giao cho giữ việc nghênh tiếp. Khách ra đi, xuống đò của Quỳnh. Khi đò đến giữa sông, một tên trong nhóm sứ Tàu nhột bụng, vãi rắm nghe một tiếng "bủm". Không thấy xấu hổ thì thôi, hắn còn đọc một câu chữa thẹn xấc xược:

                    Lôi động Nam bang (Sấm động nước Nam)
          Quỳnh đang cầm chèo, liền đứng cậy vạch quần đái vòng cầu qua đầu sứ, vừa đái vừa đọc:
                    Vũ qua Bắc hải (Mưa qua bể Bắc)
          Tên sứ Tàu giận điên tiết, xộc lại định đánh Quỳnh, Quỳnh trở cán chèo thủ thế rồi mắng:
          "Tiền phát lôi, hậu phát vũ, thiên địa chi lý nại hỉ "
(Sấm động trước, ắt sau sẽ có mưa, luật trời đất là thế )
          Cả bọn khách Tàu sửng sốt nhìn nhau, không thốt được một lời vì câu đối đáp bắt bí quá đúng của anh lái đò. Cả nhóm trong bụng vừa tức, vừa sợ, cứ ngậm miệng cho đến nơi. 


-Giai thoại “Cô hàng nuớc” về bà Đoàn Thị Điểm
          Bà Điểm nổi tiếng hay chữ. Nguời biết tiếng bà qua bản dịch Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn. Nhưng nguời ta còn phải cuời với bà qua giai thoại “cô hàng nuớc”  
          Triều đình chuẩn bị đón sứ nhà Thanh sang nước ta, bà Ðoàn Thị Ðiểm giả làm người bán hàng nước cho khách qua đường.

          Khách Tàu đến, đi ngang quán bà Ðiểm, thấy trong hàng có một cô gái xinh xắn ngồi bán, liền hùa nhau kéo vào uống nước, sẵn có buông lời chọc ghẹo, bỡn cợt. Một tên líu lo đọc bâng quơ:
"Nam bang nhất thốn thổ bất tri nhân canh"
(Một tấc đất nước Nam không biết bao nhiêu người cày, ý cho rằng đàn bà nước Nam lẳng lơ)
          Bà Ðiểm đang nhai trầu, nhổ toẹt một bãi, đọc:
          "Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất"
(Bọn quan quyền phương Bắc đều từ chỗ đó mà ra cả )
          Nghe xong câu ấy, cả bọn ngừng uống nước, tròn mắt, há hốc miệng nhìn bà Ðiểm. Chúng không thể ngờ rằng một bà bán nước bên

đung li có tài văn chương  đáng n như thế!

-Giai thoại “Ông Tổng Cóc” về bà Hồ Xuân Hương
          Ông Tổng Cóc có tên thường gọi là Kình, quê ở làng Gáp, xã Tứ Xã (Lâm Thao, Phú Thọ). Khi đi lính lên chức Đội, gọi là Đội Kình. Khi làm Phó tổng được gọi là Tổng Kình. Tên chữ của Tổng Kình là Nguyễn Công Hòa. Cóc là tên gọi lúc còn bé. Gọi tên xấu xí thế cho tà ma bớt quấy.  Hồ Xuân Hương là vợ bé của Tổng Cóc. Sau này Hồ Xuân Hương có bài thơ Khóc Tổng Cóc nên dân làng mới gọi ông là Tổng Cóc.
          Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ơi!

          Thiếp bén duyên chàng có thế thôi.
          Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé,(1)
          Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi!(2)



-Giai thoại Chiêu Hổvề bà Hồ Xuân Hương
 Chiêu Hổ nổi tiếng lẳng lơ, có khi sàm sỡ, chọc ghẹo Hồ Xuân Huơng, bị bà mắng cho:
                   Anh đồ tỉnh, anh đồ say

                   Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày
                   Này này chị bảo cho mà biết
                   Chốn ấy hang hùm chớ mó tay!

          Chiêu Hổ đúng là anh mặt dày, gan liều, trơ trẽn đã lắm, nên coi chuyện đó là thường, đốp lại:
                    Này ông tỉnh, này ông say

                    Này ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày
                    Hang hùm ví bẵng không ai mó
                    Sao có hùm con bỗng chốc tay?

Hồ Xuân Hương có lần trách và nhắn:
                                Sao nói rằng năm lại có ba

                   Trách người quân tử nói sai ngoa
                   Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt
                   Nhớ hái cho xin nắm lá đa!

Chiêu Hổ trả lời thật lỗ mãng:
                   Rằng gián thì năm, quý có ba

                    Trách người thục nữ tính không ra

                   Ừ rồi thong thả lên chơi nguyệt

                   Cho cả cành đa, lẫn củ đa…


-Trường hợp Đào DuyTừ và “Nụ Tầm Xuân’
          Nguyên văn bài Nụ Tầm Xuân như sau:
                Trèo lên cây bưởi hái hoa
          Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
          Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
          Em có chồng anh tiếc lắm thay!
                Ba đồng một mớ trầu cay
          Sao anh không hỏi những ngày còn không?
          Bây giờ em đã có chồng
          Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
          Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
          Chim vào lồng biết thuở nào ra.
          Ý nghiã của bài thơ thật chân chất, có một chút bóng gió nhưng không có gì bí hiểm.
          -Có một cuộc gặp gỡ giữa một một nguời con trai và nguời con gái đồng quê trong khung cảnh nên thơ, có hoa buởi, có vuờn cà, có nụ tầm xuân
          -Có một cuộc đối đáp thật chân tình giữa nguời con trai tỏ lòng  hối tiếc, đã bỏ lỡ cơ hội, không dám tỏ tình với ngươi con gái khi nàng còn độc thân. Và nguời con gái cũng trách người con trai đã để mất cơ hội, không ngỏ lời khi nàng chưa vướng bận vào duyên nợ vợ chồng.
          -Nguời con trai không vào đề thẳng mà di vòng quanh qua nhịp cầu thiên nhiên của vườn cà, hoa buởi, nụ tầm xuân, đúng theo tâm lý người dân quê Việt Nam sống với thiên nhiên và hòa mình vào cảnh vật..
          -Người con trai có tài tán tỉnh, nhưng không sỗ sàng chút nào. Chàng đã tỏ tình một cách kín đáo, tế nhị, chàng đã sử dụng lối ví von để ngầm ca tụng sắc đẹp của nàng như nụ hoa tầm xuân và hương thơm nàng toát ra như hoa bưởi.
          -Câu chuyện tâm tình trai gái có tiếc nuối, có tránh móc nhẹ nhàng chỉ dừng lại ở đó, kết thúc một mơ ước trễ muộn..Không hề có dọa dẫm, răn đe..nghĩa là tình lỡ vẫn đẹp, như cảm nhận của Hồ Dzếnh “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, Đời hết vui khi đã vẹn câu thề”…và Xuân Diệu đã gọi đó là “thú đau thương”. Đó phải chăng là vẻ đẹp của vần trăng khuyết?
          Hiện nay, đang có một cuộc tranh luận chưa ngã ngũ thế nào. Đó là cuộc tranh luận “bài Nụ Tầm Xuân là ca dao hay là thơ của Đào Duy Từ?”
          Nếu là ca dao thì bài nụ tầm xuân là văn chương dân gian, mà tác giả là một nguời bình dân nào đó, không để lại danh tánh và không thể xác định bài ca dao đuợc sáng tác trong hoàn cảnh cụ thể nào? 
          Còn nếu là thơ của Đào Duy Từ thì bài Nụ Tầm Xuân có tác giả hẳn hoi, và tất nhiên được sáng tác trong một trường hợp, một hoàn cảnh cụ thể, tiêu biểu như bà Huyện Thanh Quan sáng tác bài Qua Ngang khi bà dừng chân tại đèo này, tức cảnh sinh tình mà viết ra..Bà Hồ Xuân Hương sáng tác bài thơ Đèo Ba Dội khi ngắm cảnh đèo 3 khúc cheo leo..
          Một số người cho rằng, bài Nụ Tâm Xuân không phải là ca dao thuộc văn chương dân gian, mà là thơ của Đào Duy Từ, một dấu tích văn chương có pha lẫn với chính trị..
          Ông Ngọc Phương Nam Trong bài viết mang tên “Chuyên luận Hoàng kim” đã quả quyết rằng, bài thơ Nụ Tầm Xuân là của Đào Duy Từ. Ông đã đưa ra những chứng luận lịch sử để bổ túc cho quan điểm của ông như sau:
          Truớc hết Đào Duy Từ là một nhân tài vùng đất Thanh Hóa, đã bị chúa trịnh bạc đãi ở Đàng Ngoài. Lúc nhỏ, học rộng tài cao nhưng không đuợc đi thi, vì cha ông làm nghề kép hát, “xuớng ca vô loài”".  Mẹ ông phải dút lót, đổi họ cha là Đào thành họ mẹ là Vũ để đuợc dự thi. Vũ Duy Từ đậu thi Hương chuẩn bị thi Hội. Xã truởng Lưu Minh Phương đòi cuới bà Kim Chi làm vợ theo lời hứa để trả ơn. Bà từ chối, nên bị triều đình bắt Vũ Duy Từ phải  hủy bỏ kỳ thi Hội, cởi bỏ áo mũ và bắt giam truy xét. Bà Kim Chi phẫn uất tự tử.
          Đào Duy Từ vào Đàng Trong, được chúa Nguyễn Hoàng trọng dụng. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cử Đào Duy Từ làm quân sư chính trị và quân sự, đắp lũy xây thành chống quân Trịnh từ đàng ngoài. Đào Duy Từ nỗi tiếng như một anh tài
           Chúa trịnh tiếc rẻ, đã bỏ lỡ cơ hội không biết trọng dụng họ Đào một hiền tài xuất chúng , thật là uổng phí! Để chuộc lại cơ hội, Chúa Trịnh Tráng tìm cách liên lạc, vận động họ Đào bỏ chúa Nguyễn trở về Đàng Ngoài phục vụ chúa Trịnh.
          Chúa Trịnh Tráng dùng 4 câu thơ ve vãn như một lời tự trách và mở lòng đón chờ:
                    Trèo lên cây bưởi hái hoa
                    Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
                    Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
                    Em có chồng anh tiếc lắm thay!
          Đào Duy Từ đang phục vụ chúa Nguyễn ở Đàng Trong, đã từ chối lời mời của Chúa Trịnh bằng 6 câu thơ ý nhị:
                    Ba đồng một mớ trầu cay
                    Sao anh không hỏi những ngày còn không?
                    Bây giờ em đã có chồng
                    Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
                    Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
                    Chim vào lồng biết thuở nào ra.
          Qúa tiếc đã bỏ lỡ cơ hội, Chúa Trịnh vẫn kỳ nèo, mong Đào Duy Từ nghĩ lại, nhưng Đào Duy Từ đã dứt khoát từ chối bằng 2      câu thơ, thêm vào nguyên bản:
                   Có lòng xin tạ ơn lòng
                   Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen
          Nhưng theo Phan Bảo Thư, bài Nụ Tầm Xuân  ngoài 3 phần    đã ghi của Ngọc Phương Nam,  phần (1) là lời tiếc nuối của Trịnh Tráng, phần (2) là lời đối  đáp của Đào Duy Từ, phần (3) là lời từ tạ và từ biệt dứt khoát của Đào Duy Từ, còn có thêm phần (4), ghi lại những lời  hằn học của Trịnh Tráng như một đe dọa:
          Có ai về tới Đàng Trong,

          Nhắn nhe Bố Đỏ liệu trông đường về;
          Mãi tham lợi bỏ quê quán tổ,
          Đất nước người dù có như không.

          Ông Phan không dám khẳng định, bài Nụ Tầm Xuân là của  Đào Duy Từ. Theo ông, không biết ai là tác giả của những câu ca dao ấy, Trịnh Tráng và Đào Duy Từ sáng tác hay là chỉ góp nhặt từ trong dân gian như viên đá quý trong đám sỏi đá của văn chương bình dân mà họ đã gặp trên đường đi. Ông viết:
          “Lịch sử còn đó, Thanh Đô Vương Trịnh Tráng và Nội tán Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ đã đi vào lịch sử, chuyện chiêu dụ và khước từ cũng đã rõ ràng nhưng câu chuyện văn chương thì vẫn      còn là những ẩn khuất, lấy gì làm bằng chứng rằng hai bậc vương         hầu Trịnh-Đào đã đối đáp với nhau bằng những câu ca dao như thế. Văn khố nào lưu giữ bút tích của người xưa ? Chắc là khó vì xét cho cùng thì đó là những bí mật quân sự. Khó tìm thấy câu chuyện văn chương này trong những thư tịch khả tín nhưng giai thoại thì vẫn đồn đãi, lưu truyền trong dân gian…! Và rồi nếu câu chuyện văn chương có thật thì hoa tầm xuân nở ra xanh biếc cũng có thật. Phần khẳng định này phải nhờ đến những nhà nghiên cứu văn học và những nhà thực vật học”
          Tuy cuộc tranh luận còn kéo dài, nhưng công tâm mà nói, bài “Nụ tầm Xuân” chắc chắn phải là ca dao như xác nhận của đa số các nhà nghiên cứu văn học.
          Dương Quảng Hàm trong cuốn Việt Nam Thi HợpTuyển đã ghi bài Nụ Tầm Xuân duới tên: Tiếc sự biết nhau qúa chậm” trong phần Ca dao, gồm 10 câu như đã nói trong phần mở  đầu.
          Đỗ Văn Gia trong cuốn “Việt Nam Văn Học Sử” cũng đã giữ nguyên 10 câu Ca dao Đúng theo nguyên bản của Dương Quảng Hàm
          Nguyễn Văn Ngọc trong cuốn “Tục ngữ phong dao” lại chen thêm phần giữa gồm 4 câu:
                   (Em có chồng anh tiếc lắm thay..)
                   Thoạt vào anh nắm cổ tay
                   Sao trước em trắng mà rày em đen
                   Hay là lấy phải chồng hèn
                   Cơm sống canh mặn nó đen mất người
                   (Ba đồng..)
          Đi tìm sự thuận lý, chúng ta nhận định rằng, văn chương bình dân là kho tàng văn chương có giá trị riêng, phân biệt với kho tàng văn chương bác học nêu rõ tên tác giả và tác phẩm. Bài Nụ Tầm Xuân , trong ý tứ cũng như lời văn, không mấy thích hợp với giả thuyết về cuộc đối đáp lịch sử giữa Đào Duy Từ và Chúa Trịnh.
          Thật vậy cuộc tranh chấp lịch sử Đàng Trong chúa Nguyễn và Đàng ngoài Chúa Trịnh, gọi là Trịnh Nguyễn phân tranh là có thật. Câu nói đầy ẩn dụ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) nói với chúa Nguyễn Hoàng (1542-1613) sau khi người anh ruột của ông là Nguyễn Uông đã bị anh rể Trịnh Kiểm giết chết cũng có thể là thật:Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Sự kiện gia đình Đào Duy Từ bị bạc đãi do Chúa Trịnh Đàng ngoài, vì quan niệm kỳ thị “xuớng ca vô loài” nên Đào Duy Từ có tài mà bị chèn ép không ngẩng đầu lên đuợc, xem ra cũng có thể là thực trong xã hội phong kiến miền Bắc. Sự kiện Đào Duy Từ giúp chúa Nguyễn xây Lũy Trường Dục và Lũy Nhật Lệ còn gọi là Lũy Thầy, nhắm ngăn chặn quân Trịnh từ đàng Ngoài là có thực. Và sự kiện Trịnh Tráng tiếc rẻ đã bỏ lỡ cơ hội, nên muốn chiêu dụ Đào Duy Từ về Đàng Ngoài cũng có thể là thật.
          Nhưng cấu trúc bài “Nụ tâm Xuân”, nếu phân tích thấu đáo, người ta nhận thấy nhiều điểm “không thuận lý” khi coi Đào Duy Từ là tác giả của bài thơ này để ghi lại cuộc đối đáp giữa ông và chúa Trịnh Tráng.
          Trước hết, sáu câu giữa, nói là của Đào Duy Từ trả lời chúa Trịnh. Thế thì 4 câu đầu, lời ve vãn của Chúa Trịnh là của ai? Chẳng lẽ Đào Duy Từ sáng tác rồi gán cho Chúa Trịnh sao?
          Tiếp đến, nội dung 4 câu mở rất tình tứ, lãng mạn, trèo lên cây bưởi, rồi buớc xuống vuờn cà, hái hoa buởi, hoa tầm xuân, thích hợp với khung cảnh đồng quê và lời tỏ tình chân chất của trái gái làng quê, tiếc nuối cho mối duyên tình bỏ lỡ cơ hội, hơn là lời ngỏ ý ví von của bậc vương chúa.
          Nhất là ý nghĩa 6 câu giữa, nói là lời đáp của Đào Duy Từ càng không thuận lý, bởi lẽ Đào Duy Từ được chúa Nguyễn kính nể trọng dụng làm quân sư, làm “ thầy” chính trị cũng như quân sự,  nên mới đặt tên “Lũy Thầy” thì đâu có thể mang tâm trạng “chim bị nhốt trong lồng” hay “cá cắn câu” như thể mắc kẹt không còn cách gỡ, muốn thoát ra không đuợc!
          Cũng thế,  2 câu kết, Ngọc Phương Nam  nói là lời từ chối của Đào Duy Từ cũng chưa ai tìm thấy trong bài nụ tầm xuân đã được truyền bá trong văn chương. Đây có thể là một thêm thắt cho đầy đủ câu chuyện ve vãn chính trị đó thôi
          Ngoài ra, những câu  thơ hằn học mà Phan Bảo Thư nghe nói là lời Trịnh Tráng trách cứ Đào Duy Từ lại càng khó tin là có thực. Phải chăng có chuyện giàn dựng cho giai thoại thêm phần thú vị đó chăng?
          Phân tích Đặc tính của ca dao, người ta nhận ra một đặc điểm nổi bật của cao dao là “Sống với thiên nhiên” và “thông cảm gián tiếp”.
          Nguời dân quê sống với thiên nhiên với trăng thanh gió mát, nắng vàng tre xanh. Những cảnh đẹp thiên nhiên đó đã làm nảy nở trong lòng trai thanh nữ tú những tình cảm tuyệt vời. Chính vườn cà tím, hoa bưởi ngát thơm cộng với nụ tầm xuân chính là nụ tình, là nàng thơ cuả anh nên anh mới tiếc nuối, tiếc lắm thay!
          Thêm vào đó, thông cảm của nguới Việt Nam là thông cảm gián tiếp. Người Tây Phương có lối thông cảm trực tiếp, nói thẳng“I love You”  “I hate you” hay nhìn thẳng vào mắt nguời tình. Trong khi người Việt Nam tế nhị kín đáo nên phải đi đuờng vòng vo tam quốc khi tỏ tình. Anh phải đi từ “mây xanh mây trắng mây vàng” rồi mời dám thổ lộ tâm tình thầm kín với em“ước gì anh lấy được nàng”. Cũng thế, anh phải vòng vo ‘trèo lên câu bưởi, buớc xuống vuờn cà” rồi mới dám tỏ lòng hối tiếc ẩn dấu với em, vì đã bỏ lỡ cơ hội “em có chồng anh tiếc lắm thay”.. Đặc tính thông cảm gián tiếp nói lên bản sắc tế nhị kín đáo của dân Việt  trong cuộc sống bình thường, hơn là lời của các bậc vua chúa, vốn thẳng thắn và chưa nhiều cách khẩu khí, tiêu biểu như lời Đào Duy Từ đối đáp với Chúa Nguyễn Hoàng…
          Ngoài ra, theo cảm nhận chung“Văn là nguời (Le style c’est l’homme) lời nói của Tây Phương thật hợp lý. Bà Huyện Thanh Quan thể hiện lòng hoài Lê tha thiết trong những bài thơ rất đài các như Thăng Long Hoài Cổ. Nguyễn Du gửi gấm tâm tình qua thân phận nàng Kiều  với cuộc đời trôi giạt trong những lời thơ rất não nùng thiết tha. Cao Bá Quát bộc lộ cái ngông của một cuồng sĩ trong những câu thơ đầy khẩu khí: “Ba hồi trống dục đ.. cha kiếp, một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời”. Bùi Giáng cũng chuyên chở trong thơ hình ảnh con nguời nghệ sĩ khinh đời hận thế, ngông cuồng..
          Văn chương bình dân, lời lẽ chất phác, giọng điệu bình dị, phân biệt với văn chương bác học, lời lẽ trau chuốt, giọng điệu sang cả..Bài Nụ Tầm Xuân, xét về lời lẽ, giọng điệu và ý tuởng, phải là văn chuơng dân gian, xuất phát từ những nguời sống với đồng ruộng, hoa lá, cây cỏ, phản ảnh tâm lý chất phác và bản chất bình dị của người bình dân, nên không thể gán ghép một cách guợng gạo cho các bậc vua chúa hiền tài như  Đào Duy Từ hay Chúa Trịnh Tráng..Nếu ai chứng minh đuợc rằng, Trịnh Tráng có những câu thơ ve vãn Đào Duy Từ và Đào Duy Từ có dùng những  câu thơ trên để trả lời Chúa Trịnh, thì cũng rất có thể Chúa Trịnh và Đào Duy Từ  đã mượn lời ca dao “nhặt được bên đuờng”để ví von, chứ không thật sự sáng tác những câu thơ lục bát nhẹ nhàng và thấm thía đó đúng như nhận định của Phan Bảo Thư.. Rốt cuộc, câu chuyện nụ tầm xuân và Đào Duy Từ chỉ là một giai thoại. Bàn về văn chương, chúng ta nên cẩn trọng, phân biệt đâu l hiện thực và đâu là truyền thuyết. Giai thoại văn chuơng cũng có gía trị của nó, nhưng giai thoại vẫn là giai thoại, không thể lẫn lộn với văn chương hiện thực.


No comments:

Post a Comment