Thursday, October 31, 2019


VÌ ĐÂU NÊN NỖI?
Ngô Quốc Sĩ

                Tin về cái chết thê thảm của 39 nạn nhân người Việt thuộc Nghệ An và Hà Tĩnh trong thùng đông lạnh tại Anh Quốc đã làm thế giới ngậm ngùi đến quặn thắt. Tại Anh quốc, nhiều người đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân. Một số người Việt hải ngoại cũng như tại quê nhà, ở Hà Tĩnh, Nghệ An và Hà Nội cũng tổ chức những buổi cầu nguyện cho các nạn nhân đã chết một cách oan ức. Dư luận bàn tán sôi nổi. Tiếc thương cũng nhiều, mà lên án người gây ra thảm nạn càng nhiều hơn. Riêng Vũ Đăng Khoa, với con tim mẫn cảm, đã trải vào thơ những vần điệu thật ai oán, như điếu văn tưởng niệm những người đã nhắm mắt trong tức tưởi.
                Mở đầu bài thơ “Nếu Ngày Đó Biển Miền Trung Không Chết”, tác giả đã khẳng định rằng, nguyên nhân gây ra thảm nạn bi đát cướp đi mạng sống của của 39 nạn nhân Hà Tĩnh và Nghệ An chính là thảm họa Formosa. Chất độc thải từ lò gang thép Formosa đã biến đất sống của 4 tỉnh miền Trung thành đất chết. Người người đã nối đuôi nhau bỏ xứ ra đi tìm đất sống, dù phải đối diện với bao hiểm nguy, tiêu biểu như 39 nạn nhân đã chết ngộp trong thùng đông lạnh tại Anh tuần qua.
                             Nếu ngày đó Biển Miền Trung không chết
                             Chắc là con chẳng bỏ nước xa quê
                             Thì hôm nay đâu có cảnh ê chề
                             Tin con nhắn là dòng thư báo tử
          Biển chết. Cá chết. Người cũng chết theo vì đã bị cướp đoạt mất lẽ sống. Nếu hỏi tội đổ đầu ai, thì xin thưa chính là do bọn qủy dữ, nói rõ hơn là qủy đỏ, đã rước qủy nước ngoài về gieo tang tóc lên đầu dân Việt. Người ta bán nước với  công hàm, hiệp định mật ước, nhượng đất nhượng biển cho ngoại bang. Người ta còn bán nước với chính sách rước ngoại nhân vào khai thác tài nguyên, hủy hoại môi sinh, gây bao tại họa cho dân Việt, kéo dài nỗi chết trên thể xác và tâm hồn, đến nỗi người người phải bỏ xứ ra đi, xa gia đình, xa quê cha đất tổ, rồi phải bỏ xác nơi xứ người:
                             Nếu ngày đó không có loài quỷ dữ
                             Và kẻ thù rước quỷ Formosa
                             Thì ngày nay đâu có cảnh chia xa
                             Trời Âu đó con lìa xa trần thế
          Cái chết của em và các nạn nhân hôm nay là cái chết chung của cả dân tộc, bởi lẽ không những biển chết cá chết rừng chết, mà con người cũng chết theo vì mọi hy vọng đã tiêu tan. Dân Việt đã bị xô xuống vực thẳm. Thân xác lây lất. Hồn cũng lịm chết và bị chôn vùi dưới đáy sâu:
                             Quê hương mình biển rừng thiêng đã chết
                             Và lòng nguời đã chết rồi em ơi
                             Nên hôm nay giữa biển đời chơi vơi
                             Xô em xuống và hồn không về nữa
                Dân Việt đã chết! Em cũng đã bị xô xuống đáy biển đời và không bao giờ trở lại.Thế là anh đã mất em, người con gái da vàng vùng “cá gỗ” với dáng hình thanh tao tha thướt, với tóc  mây vờn bay theo gió biển chiều duyên hải. Em ra đi, kéo theo nắng ấm cuộc đời, để lại trần gian cơn mưa tầm tã. Mưa ngoài trời hay mưa trong lòng, anh cũng không biết nữa! Nếu Trần Dần ngày nào “bước đi không thấy phố thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ” thì hôm nay, Vũ Đăng Khoa cũng thấy mưa ngoài trời, mưa trong mắt đã phủ mờ hình bóng quê hương, làm cho hơi thở dân Việt thoi thóp mặn đắng. Còn hình bóng yêu kiều của em cũng chỉ còn là một kỷ niệm xa mờ qua làn mưa cay trong mắt anh:
                             Còn đâu nữa hoàng hôn bên sóng nước
                             Tóc mây ngàn tha thướt gió lay lay
                             Mưa chiều nay...hay nước mắt anh cay?
                             Mà mặn đắng xen vào từng hơi thở
          Giờ đây, dân Việt đã mất quê hương và chúng ta đã mất nhau. Em như chiếc lá thu bay xa. Hồn em đã lạc ngàn mây. Còn anh ở lại như tượng đá ôm mối tình lỡ. Có hỏi vì ai thì cũng chỉ khơi thêm nỗi  đớn đau và oán hờn của dân Việt trước cảnh đất nước ly tan:
                             Vì ai đây duyên tình ta đành lỡ
                             Để tàn khô tựa chiếc lá thu bay
                             Em bây giờ hồn giữa trong ngàn mây
                             Đớn đau không...hay là đang hờn oán?
                Nỗi nhục mất nước, niềm đau mất em, cộng thêm mối hận  lưu vong  làm tim anh đau nhói. Mỗi bước đi lại khuấy lên một gợn sóng căm hờn tê điếng. Hờn ai oán ai thì đã rõ. Nào còn ai ngoài những kẻ vỗ ngực tự hào là “bên thắng cuộc”, đã gây bao tang tóc, gieo bao tai ương, lại còn hớn hở xây ngai vàng hưởng thụ trên xương máu và nước mắt đồng bào.
                             Ai đã đến ươm mầm đau sầu khổ?
                             Ai đã về gieo tang tóc em ơi?
                             Anh quê người nô lệ kiếp chơi vơi
                             Mỗi bước đi nỗi niềm đau gợn sóng !
                Cụ thể hơn, nếu trước kia Hồ Chí Minh không đem chủ thuyết cộng sản ngoại lai phản tiến hóa về nhuộm đỏ dân tộc, nhất là nếu cộng sản Việt Nam không xâm lăng miền Nam với chiêu bài giải phóng, thì đâu có chuyện nước mất, biển chết và em chết như hôm nay!
                             Nếu ngày đó... ngày đó đừng giải phóng
                             Và ngày xưa không có giặc Hồ Ma
                             Quê hương mình sẽ bình yên em hả
                             Biển quê mình cũng chẳng chết đâu em
                Còn nữa! Nếu ngày đó không có giặc về thì quê hương mình đã bình yên, dân tộc mình đã vui sống hạnh phúc và anh  đã ấp ủ giấc mơ được nắm tay em dạo mát, nghe tiếng hát biển chiều vi vu..Ngờ đâu  hôm nay, biển đã phải ngân lên khúc hờn oán như tiếng oan hồn văng vẳng giữa thinh không!
                             Chiều xưa đó mơ phút sánh vai em
                             Cùng chung bước sớm chiều nghe biển hát
                             Ngờ đâu biển chiều nay rung khúc nhạc
                             Tiếng oan hồn ai khóc giữa thinh không...!
          Từ hiện thực bi đát hôm nay với nỗi đau mất quê hương và mất em, tác giả đã quay về nhìn lại chính mình, nhìn lại lịch sử đau buồn của dân tộc, và thầm trách mình đã không làm tròn trách nhiệm của người trai thời chiến. Hẳn nhiên, dân Việt đã từng chiến đấu kiên cường để bảo vệ tự do dân chủ và nền độc lập và chủ quyền của đất nước. Nhưng chúng ta cũng không  thể phủ nhận một sự thực phũ phàng, là nhiều người đã ngây thơ tin vào những lời đường mật của cộng sản, chưa xả thân tranh đấu chống thù trong giặc ngoài, đã để đất nước lọt vào tay qủy đỏ, nên mới phải lãnh hậu qủa bi đát hôm nay!
                   Nếu ngày đó anh và bao thế hệ
                   Vì quê hương để vùng lên đấu tranh
                   Giữ quê hương, sông hồ, biển trời xanh
                   Thì ngày nay em làm gì phải chết?
          Tóm lại, thay vì chỉ than khóc và thương tiếc cho 39 nạn nhân chết thảm trong thùng đông lạnh tại Anh Quốc, Vũ Đăng Khoa đã đi sâu vào nguyên nhân thực sự của thảm nạn. Anh đã hỏi ai đã gieo mầm đau khổ, đã gieo tang tóc, và anh đã thắng thắn trả lời là chính cộng sản Việt Nam đã rước ngoại bang về gieo oan khiên lên dầu dân tộc. Có thể gọi bài thơ “Nếu Ngày Đó Miền Trung Không Chết” là một bản cáo trạng tội ác của đảng cộng sản Việt Nam. Hẳn đây cũng là một niềm an ủi lớn cho các nạn nhân đã nhắm mắt trong tức tưởi nghẹn ngào, đặc biệt là Em, người con gái da vàng tuổi thanh xuân ắp đầy mộng mơ…

Monday, October 28, 2019



TƯỞNG NIỆM KIẾP NGƯỜI
                                   Tặng Trà My

Em bỏ nhà bỏ nước
Em bỏ mẹ bỏ cha
Bỏ cả quê hương ngàn đời yêu dấu
Xa lánh xã hội chủ nghĩa thiên đường
Tìm khí thở bên ngoài địa ngục trần gian
Tìm đất sống nơi phương trời xa lạ

Theo bước chân Do Thái tìm đất hứa
Những tưởng nhìn thấy tia sáng cuối đường hầm
Cánh chim bạt gió tung trời thênh thang
Ngờ đâu! Ngờ đâu! Ánh sao đêm vụt tắt!
Đêm phủ kín cả khung trời tím ngắt
Bóng tối ngập xuống đè nặng xác thân
Em ngột ngạt như cổ siết dây thừng
Thùng đông lạnh thành quan tài đậy nắp

Mẹ ơi! Mẹ ơi!
Con ngộp thở rồi! Chết không nhắm mắt!
Giấc mơ tự do thành ác mộng đắng cay
Khóc cho con cho mẹ và tất cả những ai
Vỗ ngực tự hào là cháu con Lạc Việt
Khóc cho quê hương giờ đây thoi thóp
Sức sống cạn khô mộng ước héo tàn
Triệu triệu người ngộp thở nuốt oan khiên
Ôi tuổi thơ chưa một ngày nắng ấm!

Vĩnh biệt mẹ, con ra đi câm lặng
Nói gì đây khi đất nước ngửa nghiêng
Xin chấp tay gọi hùng khí linh thiêng
Đốt hương khói niệm anh hồnViệt tộc
Thương nhớ con xin mẹ thôi đừng khóc
Dành nước mắt cho quê hương đọa đày
Nước mắt con nước mắt mẹ đong đầy
Chảy thành giòng cuốn trôi nhục sử…

Tạ ơn Trời tạ ơn Đất muôn thuở
Cho sao đêm lại sáng rực trời Nam
Cho bình minh nắng ấm phủ non ngàn
Trăm con Việt mười phương về núp cánh
Mẹ Âu Cơ mẹ Việt Nam hiển thánh
Tỏa ánh hồng tô thắm lại quê hương…
Mùa thu nước lũ chìm ngập giang sơn
Mùa xuân dân tộc ngát xanh trang sử mới…
                             Ngô Đức Diễm










XIN GIỮ CHO ĐỜI MỘT CHÚT DỄ THƯƠNG
Ngô Quốc Sĩ

          Con người ở đời luôn khao khát hạnh phúc. Có thể gọi cuộc hành trình trần thế là một cuộc tìm kiếm hạnh phúc. Nếu hỏi tìm kiếm ở đâu thì xin thưa, ở ngoài thiên nhiên, ở trong chính mình, và thiết yếu ở giữa cuộc đời với người đời. Thiên nhiên có trăng thanh gió mát, nắng ấm  chan hòa, hoa lá muôn màu. Chính mình có niềm hãnh diện về kinh nghiệm, hiểu biết cũng như thành tích và nhân cách cao vời. Còn người đời thì phải nói tới tình yêu, ân nghĩa và ủi an vỗ về..
          Thường tình là thế. Nhưng cảm nghiệm của Trần Ngọc về thiên nhiên, về người đời lại khác. Anh đã đọc thấy nghĩa tình gắn bó trong thiên nhiên như thể keo sơn, trong khi mối liên hệ giữa người và người lại qúa lỏng lẻo, nếu không nói là  vô tình, bất nhân bất nghiã!
          Trước hết là tình nghĩa của đất và nước. Đất thường làm nền móng, làm chỗ đứng của vạn vật. Đền Nam Giao của Việt Nam thuở xưa đã thể hiện sự kế hợp hài hòa  của Tam Tài Thiên -Địa- Nhân. Đất có hình vuông làm bệ cho Trời tròn tạo chỗ đứng cho con người “Đầu đội trời chân đạp đất”.Thế nên đất được gọi là đất đứng của người và con nguời là gạch nối giữa đất trời.  Còn nước lại thể hiện sự hoà lẫn vào nhau của vạn vật. Có nước hòa tan mới có sự “hoà đồng” vào nhau thật sự, như “vạn vật nhất thể” mà không phải là “đồng hóa”, vì mỗi cá thể vẫn giữ nguyên bản chất của mình. Nhất là nước đã thể hiện nguồn sống của vạn vật. Con người có thể nhịn ăn 40 ngày, nhưng không thể nhịn uống 2-3 ngày. Cũng thế, chỉ cần thiếu nước vài tháng là đất sống thành đất chết, cây cỏ tàn úa héo khô..
                   Tôi hỏi đất: Đất sống với nhau thế nào?
                   Đất trả lời: Chúng tôi làm nền móng cho nhau.
                   Tôi hỏi nước: Nước sống với nhau thế nào?
                   Nước trả lời: Chúng tôi hoà lẫn vào nhau.
          Tác giả tiếp tục hỏi gió và mây. Gió thể hiện sự nâng đỡ nhau để vươn cao tận trời và trải rộng bốn phương. Người ta không thể nhìn thấy gió ở đâu, từ đâu đến hay đi về đâu, mà chỉ thấy cây rung lá đổ, mặt hồ gợn sóng, mái tóc vờn bay. Không có gió, vạn vật sẽ trở thành bất động, và chết ngộp trong nắng thiêu. Còn mây, cũng quyện vào nhau như một kết hợp không thể chia lìa. Tuy mây có khi hợp có khi tan nên mới gọi là “bức tranh vân cẩu” , nhưng bản chất của mây vẫn là tan biến trong nhau:
                   Tôi hỏi gió: Gió sống với nhau thế nào?
                   Gió trả lời: Chúng tôi nâng cánh cho nhau.
                   Tôi hỏi mây: Mây sống với nhau thế nào?
                   Mây trả lời: Chúng tôi tan biến vào nhau.
          Tiếp theo, nhà thơ đã đi tìm dấu vết của cỏ và cây. Cỏ thì hẳn là khiêm tốn, chen lẫn vào nhau như thể tựa vai nhau mà sống. Cỏ còn chung lòng chung tiếng, cùng cất tiếng hát như thể lời thầm thiên nhiên, réo rắt bên nhau như tiếng sáo diều đồng nội, như lời ca dao thỏ thẻ khi làn gió lướt qua. Nguyễn Du cảm thấy đời tươi hẳn lên với “Cỏ non xanh tận chân trời”. Thảm cỏ xanh non chính là màu tươi mát của cuộc đời tuổi hoa mộng. Còn cây thì có cây lớn cây nhỏ, cây cổ thụ rợp bóng che chở cho cây non mới lên mầm nảy lộc. Đã thế, còn có những cây leo, bám vào thân cây già cỗi để vươn lên, quấn vào nhau như mẹ ôm con vào lòng:
                Tôi hỏi cỏ: Cỏ sống với nhau thế nào?
                   Cỏ trả lời: Chúng tôi hoà quyện và réo rắt bên nhau.
                   Tôi hỏi cây: Cây sống với nhau thế nào?
                   Cây trả lời: Chúng tôi che chở và leo quấn cho nhau
          Thiên nhiên là thế. Tình nghĩa hài hòa gắn bó như ruột thịt giữa vạn vật trăm loài nghìn thứ. Còn con người thì sao? Con người thường được tôn vinh làm chúa tể vũ trụ, hay hơn nữa là tâm vũ trụ. Thử hỏi con người đối xử với nhau thế nào? Trần Ngọc không khỏi ngạc nhiên đến sững sờ khi câu hỏi rơi vào khoảng trống như thể hòn đá ném vào khoảng không! Hàn Mặc Tử đã nghe được lời thầm của vạn vật như người yêu thỏ thẻ trao nhau lời thương “Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều. Để nghe dưới đáy nước hồ reo. Để nghe tơ liễu run trong gió.Và để xem trời giải nghĩa yêu.Nhưng sao xã hội con người lại im lặng như thể hư vô? Sao con người có thể thờ ơ, quay lưng, bịt tai và nhắm mắt, coi nhau như xa lạ, làm Trần Ngọc phải thốt lên một cách hằn học:
                   Tôi hỏi người: Người sống với nhau thế nào?
                    Không ai trả lời, Không ai nói gì cả!
          Câu hỏi rơi vào hư không, bởi lẽ con người đang dần dần bị tha hóa. Nho giáo đặt tên cho con người là “nhân”, với bản chất là “nhân ái”, là tình yêu. Nhưng thực tế, con người lại đối xử với nhau như lang sói đúng như thành ngữ tây phương “người là chó sói của người”, (Homo homini lupus) hay như triết gia hiện sinh Andre Gide “Địa ngục là tha nhân” (L’enfer c’est les autres). Phật giáo  đã nói tới “Tham Sân Si”. Tuân Tử cũng đã xác nhận “nhân chi sơ tính bổn ác”. Ở đây, Trần Ngọc cũng ghi nhận con người chỉ biết chà đạp lên nhau mà sống, chỉ biết giận hờn, thù ghét, tranh dành, bít lối cảm thông và đối thoại với nụ cuời và tâm hồn cởi mở:
                Vì người còn đang bận giận hờn và chà đạp lên nhau
                   Vì người còn chôn chặt nụ cười và không cùng chia sẻ.
          Đã thế, con người còn nghi kỵ, bày mưu chước ám hại nhau vì ghen ghét hay để trả thù, gieo rắc bao thương đau bất hạnh, biến kiếp người thành địa ngục oan khiên:
                   Vì người còn nghi kị và mưu chước lẫn nhau
                   Vì người còn nặng nỗi thương đau.  
          Con người đang bị nát thây tại Trung Đông. Con  người đang bị giập đầu tại Hồng Kông. Và con người cũng đang         bị dao kề cổ, cùm tra chân tại Việt Nam. Nhất là mới đây, không còn lời nào để diễn tả nỗi bi đát của kiếp người trước cảnh 39 nạn nhân người Việt, mang thông hành Trung Quốc, đa số là người Nghệ An và Hà Tĩnh, đã bị chết ngộp trong thùng đông lạnh như thể chiếc quan tài khổng lồ trên đường tìm đến Anh quốc để trốn thoát thiên đường xã hội chủ nghiã. Sao xã hội con người có thể đốn mạt đến thế? Sao số phận con người hẩm hiu đến thế? Người ta đã đánh mất con tim , nếu không nói là biến con tim thành dao sắc, búa liềm hay lưỡi hái tử thần để giết chết đồng loại! Sao con người không noi gương thiên nhiên mà sống, mà xem trời giải nghĩa yêu, và cùng nhau kiến tạo hạnh phúc như trời che đất chở, như chim liền cánh như cây liền cành?
          Rốt cuộc, chỉ vì thiếu tình yêu mà con người đã đánh mất bản chất người, đã  bỏ quên tình người. Thật mỉa mai! Cuộc đời ngắn ngủi. Sự sống rất mau tàn lụi. Nhưng thay vì hối hả yêu nhau mà sống như Xuân Diệu đã nhắn nhủ “Mau với chứ vội vàng lên với chứ. Em em ơi tình non sắp già rồi” thì người ta lại nhìn nhau bằng cặp mắt cú vọ, như thể muốn nuốt sống nhau?
                   Vì người còn quên cách yêu nhau
                   Vì người còn chưa biết được rằng sự sống vốn rất mau... tàn lụi...
          Thế là nguyên nhân của mọi tai họa chì vì con người quên yêu nhau! Tình yêu là lẽ sống. Tình yêu là suối nguồn hạnh phúc. Tình yêu là vĩnh cửu trong cuộc đời tàn lụi..Thôi! Trách móc cũng bằng thừa. Trần Ngọc chỉ xin chuyển đi một lời nhắn nhủ, như tiếng thì thầm trong gió “Xin giữ cho đời một chút dễ thương…” Lời xin tuy đơn giản nhưng rất chân tình. Không biết con người có đủ nhân ái để chia sẻ cho nhau một chút..một chút dễ thương không?


         



Thursday, October 24, 2019


TÌNH CHA NGẬM NGÙI
Ngô Quốc Sĩ

          Thi ca Việt Nam thường đậm nét tình mẹ. Điều đó dễ hiểu,
bởi lẽ, hình ảnh người mẹ luôn luôn gắn bó với con từ lúc mang
thai, đến ngày sinh nở bú mớm, và trải dài từ khi con chập chững
vào đời, đến ngày khôn lớn và tận cuối đời khi con nhắm mắt.
Hẳn nhiên tình cha cũng không kém tha thiết, nhưng có lẽ với
tâm lý và hoàn cảnh cũng như trách nhiệm gánh vác cuộc đời,
tình cảm của người cha kín đáo hơn, thâm trầm hơn và có khi
nghiêm khắc hơn.. Đời thường là thế. Nhưng trường hợp nhà thơ
Dzạ Chi có phần khác biệt. Qua bài thơ “Của Hồi Môn Cho Con”,
người ta nhìn thấy tình yêu của người cha đối với người con gái
trong ngày bước lên xe hoa qủa thật da diết, làm mủi lòng mọi
người, không còn lời nào để nói, chỉ còn biết cảm thông ngậm
ngùi…
          Vào thơ Dzạ Chi đã thổ lộ tâm tình người cha vừa chua xót,
vừa bùi ngùi khó tả, với nỗi lòng nửa đầy nửa vơi khi tiễn con về
nhà chồng. Vẫn biết rằng, con gái giã từ mẹ cha để theo chồng,
không phải là phân ly một đời, mà chỉ là rời tay người thân để xây
dựng cuộc đời mới với nhiều mộng ước trong lành. Nhưng với
tình yêu chan chứa, Dzạ Chi đã cảm thấy lòng mình chùng
xuống, nếu không nói là đứt đoạn khi phải rời tay con yêu:

                   Đêm nay Ta tiễn con đi
                   Cũng đâu hẵn đã phân ly một đời
                   Sao lòng Ta cứ đầy vơi
                   Hết chua xót phận lại bùi ngùi thương
          Thương con, nhớ con rời tay cha mẹ ra đi, như chim non
vừa đủ lông cánh rời tổ là chuyện dĩ nhiên. Nhưng trường hợp
Dzạ Chi, cũng như toàn thể dân Việt lưu vong, sống tạm dung nơi
đất lạ quê người, nỗi mất mát hình như lớn hơn bội phần. Từ
ngày bỏ lại sau lưng quê hương yêu dấu, xa ruộng vườn và mộ
phần tổ tiên, cảm thức ly tán đã ám ảnh dân Việt, làm cho mỗi
người muốn ghì chặt lấy những gì mình có như thể chút gì còn lại
trên bàn tay trắng. Đã thế, người Việt lưu vong còn mang tâm
cảm “nợ chưa trả, ân chưa đền” như thể chim bằng gãy cánh,
cuộc đời còn dang dở.. Nguyễn Công Trứ may mắn trả hết nợ
tang bồng nên có thể vỗ tay reo. Còn Dzạ Chi nói riêng, và dân
Việt nói chung, vẫn còn nặng nợ đối với quê hương dân tộc, với
cuộc đời, với gia đình và ngay cả đối với chính mình, nên lòng
còn vướng bận, tâm còn ray rứt, ngay cả khi đời đả xế chiều:
                   Xứ người nặng nợ lưu vong
                   Nợ cơm áo gọi ,nợ non sông đòi
                   Phần con lo đã mòn hơi
                   Thương con Ta phải trần phơi thân già
          Bi đát nhất là nhà thơ lưu vong đã cảm thấy mình như kẻ vô
gia cư, vô tổ quốc, lê gót chân lạc loài giữa chốn phồn hoa, bước
đi như kẻ không hồn, chẳng khác nào một người Chàm suốt đời
ôm hận Đồ Bàn:
                   Nhà hàng cửa chợ Ta qua
                   Đắng cay cũng lắm xót xa đã tràn
                   Mím môi nuốt hận Đồ Bàn
                   Thâu đêm một bóng dân Chàm cưu mang
          Làm thân mất nước, với nỗi buồn “quốc phá gia vong” Dzạ
Chi đã muốn ghì chặt lấy những gì còn sót lại. Đó là tình gia
đình. Nhưng oái oăm thay! Nhà thơ đành bó tay, cúi đầu chấp
nhận thêm mất mát khi con gái rời tay thương, xa tổ ấm, qua
sông trên chuyến đò ngang, ra đi xây cuộc sống mới trên bến lạ:
                   Tim Ta máu dẫu tuần hoàn
                   Giọt đau quốc phá giọt buồn gia vong
                   Giờ thêm một chuyến đò ngang
                   Con về bến lạ càng man mác sầu
          Xa con yêu, lòng cha cảm thấy bất an, thao thức trong âu lo.
Không biết người con vụng dại ngây thơ như con chim nhỏ có
vững bước chân giữa cuộc đời dâu bể này không? Xa vòng tay
âu yếm của cha mẹ, con yêu sẽ ra sao? Càng nghĩ càng lo, càng
chơi vơi trong nỗi buồn da diết, mặc cho đêm vui tân hôn rộn rã
tiếng cười…
                   Trôi đi đâu ?!! Bay về đâu ?!!
                   Ơi con chim nhỏ giữa dâu bể đời
                   Đêm vui gió lộng tiếng cười
                   Riêng mình Ta vẫn buồn chơi vơi buồn
          Như một mỉa mai vô cùng bi đát, giữa cảnh pháo đỏ rượu
nồng, trang phục lộng lẫy, tiếng nhạc rộn ràng, Dzạ Chi đã âm
thầm nhìn vào chính mình, nhìn lên tay mình, tìm chút gia tài còn
lại khi tóc đã hoa râm và đời đã xế bóng. Tác giả đã thấy gì? Tất
cả chỉ là trống vắng với bàn tay trơn, với lòng trống trải..Tự nhiên,
tác giả đã cảm thấy tủi thân. Tủi cho chính mình. Tủi cho dân Việt
mất quê hương:
                   Nhìn quanh.Pháo đỏ.Rượu nồng
                   Tủi thân ngó xuống đôi bàn tay trơn
          Còn gì bi đát hơn? Người ta tiễn con gái về nhà chồng với
của hồi môn qúy giá. Nào là gấm vóc lụa là. Nào là kim cương
vàng bạc. Còn ta? Của hồi môn cho con gái yêu chỉ là mấy vần
thơ suông đơn sơ, nhưng chan chứa cả một trời thương rút ruột
trải hồn. Tủi cho ta và cũng tủi cho con. Đó cũng chính là niềm tủi
hận của dân tộc trong kiếp sống lưu vong:
                   Thôi đành rút ruột trải hồn
                   Nỗi lòng Ta với mấy vần thơ suông
                   Bài thơ thay của hồi môn
                   Chào con…bến đục bến trong…xin chào.
          Hẳn nhiên là có tủi có hận. Nhưng xét cho cùng, của hồi
môn của nhà thơ Dzạ Chi tặng cho con gái lại qúy giá vô ngần.
Đó là tình cha tha thiết. Đó là nguồn thương bất tận. Và đó cũng
chính là nét đẹp tuyệt với của truyền thống văn hoá Việt
Nam.. “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong
nguồn chảy ra…” Nguồn thương còn chảy mãi, chảy mãi không bao
giờ ngừng…

Thursday, October 17, 2019


TÌM HOA HƯỚNG DƯƠNG
Ngô Quốc Sĩ

        Tình yêu vẫn thường là một cuộc đuổi bắt. Hẳn nhiên yêu nhau, người ta luôn luôn muốn được gần gũi gắn bó với nhau như hình với bóng. Nhưng trong thực tế, tình yêu ít khi suôn sẻ, mà thường gặp hoàn cảnh trái ngang làm cho người yêu phải xa nhau trong ngậm ngùi thương nhớ. Điều bi đát là khi xa nhau, người ta thường đi tìm nhau, nhưng cũng ít khi được gặp để nối lại hay ít ra cũng ôn lại tình xưa! Phạm Tín An Ninh trong bài thơ “O Huế” đã thể hiện tính cách bi đát của tình yêu trong lửa khói. Văn Nguyên Dưỡng trước đây cũng đã ôm “Chiếc áo khinh cừu” như thể ghì siết bóng hình người yêu đã mất. Nay, Văn Nguyên Dưỡng lại cảm tác bài thơ “Đi Hướng Tây Tìm Hoa Hướng Dương” để diễn tả nỗi bi đát của kiếp người và nỗi oan khiên của chiến tranh qua cuộc tìm kiếm người yêu trong vô vọng của Lê Kim Hoàng, một Dược Sĩ cũng là một chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa thuở nào..
          Qua những vần thơ truyền cảm, Văn Nguyên Dưỡng đã thuật lại mối tình chớm nở thật thơ mộng giữa chàng -người trai thời chiến, và nàng-em gái hậu phương, gặp nhau rồi yêu nhau nhưng chỉ là “thầm yêu trộm nhớ”:
                   Trăng khuyết, trăng tròn, trăng vẫn thương,
                   Ta nhớ em cười, má vẫn hường;
                   Em vẫn đi về trên lối cũ
                   Thương em, không dám nói rằng thương...
          Tuy chưa dám nói, nhưng con tim đã gắn bó, nên khi phải rời xa, chàng đã bỏ lại con tim bên vệ đường, như đ làm tin, hẳn là có dụng ý cho nàng nhặt bỏ vào mắt xanh, để đêm đêm  tưởng nhớ, thương về trên gối mộng:
                    Ta bước, tưởng chừng vướng lá vương, 
                   Bỏ lại con tim ở vệ đường...
                   Em nhặt, bỏ vào đôi mắt mộng,
                   Đêm về, nằm nhớ... nhớ mà thương.
          Thế rồi chiến tranh đã gieo tai ương bất hạnh. Ta đã yêu em da diết, nhưng đành phải chia tay, bởi lẽ bọn họ đã về nổi lửa đốt cháy quê hương, thiêu rụi mộng mơ của dân Việt. Họ là ai? Không cần nói thì ai cũng biết, đó là kẻ thù từ miền Bắc vào xâm lăng miền Nam gieo bao tang tóc lên đầu dân Việt, nổi lửa thiêu rụi cả quê hương:     
                    Ta yêu em suốt một đời ta, 
                   Như khách đường xa, ai biết xa...
                   Ai biết tai ương mà tránh được,
                   Họ về, nổi lửa đốt quê nhà!
          Từ ngày họ về, dân Việt đã kéo nhau ra đi, bỏ lại sau lưng tất cả những gì thân thương nhất, thơ mộng nhất, với vườn trăng, với nắng vàng và ruộng vườn phố thị. Quê hương nay chìm trong mưa giăng, làm ta liên tưởng tới làn mưa che lấp quê hương của Trần Dần trong Nhân Văn Giai Phẩm “ Tôi bước đi, không thấy phố, không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”:
                    Kẻ bỏ vườn thơ, kẻ bỏ trăng, 
                   Lớp lớp người đi bỏ nắng vàng...
                   Bỏ đất, họ cày lên máu đỏ,
                    Bỏ thành xưa cho gió mưa giăng!
          Bỏ đất bỏ thành ra đi, dân Việt mang theo cả trời sầu hận. Làm sao không sầu không hận khi tình nhà chưa trọn, nợ nước  chưa đền? Lòng người đi tan nát như những mảnh trăng khuyết. Cố hương xa cách. Cố nhân cũng biệt tăm!
                   Cố hương, cố quận, cố nhân ơi,
                   Xa lắm, ơ hay, xa lắm rồi!
                   Sao mãi trong lòng còn bận bịu
                   Tình nhà, nợ nước, mảnh trăng vơi...
          Thế là dân Việt đã mất quê hương và ta cũng đã mất em! Lòng người uất hận. Dân tộc tan tác. Người lên núi kẻ xuống biển, chạy trốn cộng sản, như thể theo dấu chân mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long, đi tìm đất hứa. Còn ta phải ở lại chiến đấu đến phút chót, trở lại tìm em thì ôi thôi! Em đã bay xa, khác nào người xưa của Thôi Hộ “nhân diện bất tri hà xứ khứ” ! Ta đành ở lại một mình trong cô đơn nghe gió lộng đêm dài…
                   Người theo hướng núi, người ra biển;
                   Em đi chăng? Ta bỏ trấn biên
                   Trở lại tìm nhau, không thấy nữa!
                   Nghe đêm dài gió lộng ngoài hiên...
          Lạc mất em rồi, nhưng trách ai oán ai? Ta đã ở lại trấn biên tận phút cuối khi bạn bè đã ra đi trước, đã buông súng, chỉ còn mình ta sau chót! Ta chẳng oán ai mà cũng chắng oán ta, vì dù sao, ta cũng đã chiến đấu đến phút cuối cùng:
                   Thất lạc em rồi, ta oán ai?
                   Oán ta, ta bận ngoài quan ải,
                   Bạn bỏ hết rồi, ta mới đi...
                   Buông súng, buông rồi một sớm mai!
          Thôi thì đã lỡ mất nhau, nay đành mò tìm khắp nơi khắp chốn. Nhưng bao nhiêu năm rồi  em vẫn biệt tăm. Hình như ta đã lạc lối. Làm sao tìm thấy em khi anh đi tìm hướng Tây, chốn tạm dung đất khách, còn em lại là hoa hướng dương, mắt không rời phương Đông, phía mặt trời mọc? Hẳn đó là quê hương bỏ lại?
                   Đi hướng Tây tìm Hoa Hướng Dương
                   Dừng chân bên quán trọ ven đường...
                   Chợt nhớ Xuân xưa vào đất lạ
                   Bỏ cả quê nhà, xa cố hương.
         Biết rằng em vẫn nhớ về anh, và anh vẫn quấn quýt bên em. Mùi hương xưa vẫn thoang thoảng đâu đây từng ngày từng giờ, nhưng cuộc tìm kiếm càng ngày càng vô vọng. Anh mãi tìm từ hướng Tây mà em lại đâu đó ở hướng Đông! Đại dương là sông Ngân cách trở tình ta. Thôi anh đành tự an ủi với chút hương xưa xa xôi mông lung:
                   Chỉ níu chút tình, nhớ chút hương...
                   Bao nhiêu năm ấy, nhớ đoạn trường! 
                   Ai bảo xa quê thì ráng nhớ
                   Đi hướng Tây, tìm Hoa Hướng Dương.
          Tìm bao nhiêu năm chẳng thấy, nhưng mãi vẫn đi tìm, vì vẫn còn níu chút hương xưa, tuy  vẫn biết là không đủ sưởi ấm lòng anh. Giờ đây, em vẫn biệt tăm làm tim anh lạnh giá:
                   Ta tìm em từ bao nhiêu năm
                   Hướng Dương nào thấy, thấy căm căm...
                   Những quảng đường dài xa tắp mãi,
                   Người ở đâu mà vẫn bặt tăm!..
          Nay hình như chẳng còn hy vọng gặp lại. Trong tuyệt vọng, anh đã có chút hoài nghi. Không biết em còn đó hay đã ra đi? Biết đâu em đang vui duyên mới với ai đó bên kia chân trời? Thôi! Anh chẳng trách ai oán ai, chỉ ngồi đây trong quán trọ mà nhấp nỗi cô đơn tột cùng:
                   Ta mất em vì em thất tung...
                   Hay vì em đã nên duyên mới,
                   ...............................................
                   Quán trọ đêm nay vẫn lạnh lùng!
          Bi đát thay! Đó là tình yêu như một cuộc đuổi bắt, hay đúng hơn, một cuộc tìm kiếm vô vọng. Nhất là tình yêu tình yêu thời chinh chiến thường nhuộm màu bi đát. Trách trời như chinh phụ “Trời kia thắm thẳm từng trên”, hay trách đời “sinh ly tử biệt” cũng vô ích. Thôi thì cứ hái lấy những niềm vui nhỏ hiện tại để sống, nhất là hãy vịn vào thơ để đứng dậy và tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm tình yêu là hạnh phúc đích thực…