Saturday, October 27, 2018


TA VỀ ĐÂU LẦN NỮA HẢ EM?

                                              Ngô Quốc Sĩ
        Ra đi, trở về, là lối mòn quen thuộc của dòng đời ngược xuôi. Nhưng trong dòng sinh mệnh chia lìa xuống biển lên non của dân Việt, ra đi và trở về thường nhuộm màu bi đát. Ra đi không về, hay “anh trở về trong đôi nạng gỗ, anh trở về dang dở đời em! “. Cũng thế,  Phạm Duy “Hai lần bỏ xứ”ra đi, một ngày 54 một ngày 75, rồi đã trở về tưởng là hồi hương, nhưng đành ra đi trong cô đơn trên quê hương đọa đày! Nguyễn Cao Kỳ ra đi rồi trở về, tưởng góp công xây dựng đất nước, nhưng  đã nhắm mắt trong tủi nhục như vết nhơ đáng nguyền rủa muôn đời. Còn Văn Nguyên Dưỡng, nhà thơ nực mùi áo trận cũng ra đi, cũng trở về, nhưng sao lòng cứ băn khoăn tự hỏi không biết về đâu! Bài thơ “Ta về đâu?” đã chuyên chở niềm tâm cảm ray rứt đó, làm nhiều người ngậm ngùi chua xót..
          Qua bài thơ, tác giả đã chia sẻ nỗi đau qua 2 lần ra đi và trở về. Lần đầu ra đi vào ngục tù cộng sản sau 75, rồi trở về từ cõi chết mà nhìn đất nước tang thương, nhà cửa tan nát! Lần sau bỏ nước ra đi tìm tự do, lưu vong trên đất khách, tâm nguyện trở về nhưng chẳng biết về đâu khi quê hương đã mờ khuất!
          Lần đầu “trở gót về quê” từ ngục tối, tác giả tưởng “thành sầu đã khép lại” Oái oăm thay, thành sầu còn đó và còn dâng cao hơn, với những nỗi đau chất ngất. Mẹ đã nhắm mắt. Em cũng ra đi, bỏ lại nửa mảnh dư đồ rách nát:     
                   Một tấc lòng cảm khái
                   Còn một nửa mảnh dư đồ đổ nát
                   Sót lại
                   Mẹ mất rồi
                   Em cũng đã ra đi
                   Ta về đâu
                   Ta sẽ về đâu hỡi
        Trong nỗi mất mát lớn lao đó, tác giả chỉ còn biết quay về tìm lại bóng mình, nhưng đâu còn thấy gì ngoài những kỷ niệm đau buồn thời chinh chiến:
                    Học chưa thành
                   Danh chưa toại
                   Mà thân đã vùi sâu trong lửa binh
                   Hủy hoại
          Bản thân đáng thương, đất nước còn đáng thương hơn, với lửa máu ngập trời, xương trắng và thây người phơi trên hoang lộ như chứng tích của thời sử đen:
                   Trời ơi lửa và máu
                   Xương trắng vùi nông sâu
                   Mà thây người đầy hoang lộ
                   Ta khóc cho người hay khóc cho ta
          Tác giả đã khóc, khóc cho ta và bi đát hơn là khóc cho người, bởi lẽ dân Việt đang trải qua một cuộc đổi đời quá bi thảm. Người gạt lệ ngậm ngùi rời quê cha đất tổ, người ở lại cúi đầu nén dòng lệ tủi, nhìn quê hương thay ngôi đổi chủ:
                   Cửa nhà ta đã mất
                   Bạn bè cũng bỏ nhau
                   Người ra đi
                   Kẻ đứng lại cúi đầu
                   Khóc thân phận
                   Hay khóc quê hương đổi chủ
          Tất cả trở thành xa lạ. Còn đâu phố cũ người xưa! Sài Gòn ngà ngọc nay mang tên tội đồ dân tộc. Áo lụa Hà Đông thay bằng bà ba đen, dép râu tai bèo nón cối, nghênh ngang giữa hàng cờ máu phất phơ:
                   Thương phố cũ thay người
                   Ngác ngơ giữa thành đô
                   Phất phơ hàng cờ máu
                   Ta đau lòng
                   Quê hương ta đâu
          Đáng buồn nhất là quê hương luôn ám ảnh bởi hình bóng ngoại bang. Hôm nay, những tên chủ mới đã nhẫn tâm làm tay sai cho Tàu, dâng hiến gia tài của mẹ cho kẻ thù truyền kiếp của dân tộc:            
                   Một tấc đấc một tấc vàng
                   Pháp
                   Nhật
                   Mỹ
                   Tàu
                   Hết kẻ ra người vào
                   Rồi bán buôn đổi chác
                   Trên đầu những người ngu
                   Của từng thế hệ
          Trở về lần hai, từ quê hương tạm dung, về thực hay chỉ trong tâm tưởng, cũng không phải chỉ để khoe áo gấm hay mặc áo the đi guốc mộc, mà để biểu lộ khí phách Kinh Kha qua Dịch Thủy.Tác giả đã nhìn thẳng vào mặt bọn bạo chúa  mà hỏi, đất nước này có còn thuộc về dân Việt không?
                   Bây giờ ta trở lại
                   Hỏi thử người bên kia
                   Hay tự hỏi lòng
                   Non sông này
                   Có phải là đất trời chung
        Hỏi để mà hỏi, chứ thừa biết, non sông này là của chung, nên xin mời mọi người mười phương tám cõi về đây chung chén Hồ Trường, vỗ đùi mà ngâm một bài thơ hay, bàn về khí phách người cuồng sĩ:
                   Hỏi người ơi tám cõi
                   Ai là người tri kỷ
                   Hãy đến cùng ta ngâm một bài thơ hay
                   Mà bàn về khi phách
                   Nhưng đừng luận anh hùng
          Thấm men rượu và hồn thơ lai láng, tác giả thoáng thấy quê xưa hiện về, với lịch sử liệt oanh, với linh địa Phong Châu, Đền Hùng, với non sông hùng vĩ, văn hiến nghìn năm:
                   Hình như khí thiêng còn tích tụ
                   Đất Phong Châu
                   Đền Hùng
                   Nơi nước dâng đá dựng
                   Như phượng múa rồng chầu
                   Như gấm thêu lụa trải
                   Phong thủy thâm sâu kỳ bí
                   Bốn nghìn năm hùng vĩ một trời Nam
                   Quê hương ta đó
                   Ta có về được không
          Từ niềm hãnh diện với non song cẩm tú, dân tộc bất khuất và tổ tiên anh hùng, tác giả đã chửi thẳng vào mặt bọn con hoang phản bội:
                    Ta những người thua cuộc
                   Ta đánh mất tự do
                   Bây những người thắng cuộc
                   Bây sẽ đánh mất tổ quốc
          Rồi như một thông điệp cứu nguy tổ quốc, tác giả đã tha thiết kêu gọi bọn con hoang mau thức tỉnh, quay về tạ tội với tổ tiên:   
                   Hỡi thế hệ Việt Nam
                   Thế hệ Hồ Chí Minh
                   Thế hệ Nguyễn văn Linh
                   Hỡi thế hế Trọng Lú
                   Hãy quay về đất tổ
                   Đền Hùng
                   Để dập đầu tạ lỗi
                   Cùng tổ tiên
                   Đã mãi quốc cầu vinh
          Tạ lỗi với tổ tiên, đồng thời tỏ lòng sám hối, quay về với đại khối dân tộc, kề vai chung sức xây dựng  đất nước:
                   Mau ăn năn hối cãi
                   Để giữ còn sông núi
                   Và chống giặc Bắc phương
          Không mấy hy vọng những kẻ thắng cuộc hồi tâm tỉnh trí, dù hôm nay, trí thức bỏ đảng đang là hiện tượng phổ biến. Riêng tác giả, là một người thua cuộc lưu vong, cũng xin cúi đầu tạ tội các thế hệ con cháu:
                   Ta cúi đầu tạ lỗi những thế hệ Việt Nam
                   Từ nghìn trước muôn sau
                   Xin tạ lỗi quê hương
                   Và đồng bào yêu dấu
                   Thân bất như vân tải
                   Bốn biển một trời sầu
          Bốn biển một trời sầu. Văn Nguyên Dưỡng đã sầu. Toàn dân Việt đang sầu. Sầu mất nước. Sầu lưu vong. Sầu mất tự do dân chủ. Xin hỏi những kẻ thắng cuộc có còn chút lương tri và và tâm cảm để chia sẻ mối sầu “lấp cả vòm trời” này không?




TRÍ THỨC BỎ ĐẢNG
TIỄN CHẾ ĐỘ XUỐNG ĐÁY MỒ
                                                                                    Ngô Quốc Sĩ
                    Cộng sản muôn thuở vẫn coi “trí thức thua cả cục phân”, nên đã chủ trương trù giập trí thức không nương tay. Hẳn người ta không thể quên những nhà đại trí thức như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo .. đã nhắm mắt trong tủi hận. Người ta cũng còn nhớ những lý thuyết gia cộng sản Hoàng Minh Chính, Lê Hiếu Đằng, Lý Chánh Trung..cũng ra đi trong nỗi tuyệt vọng chua chát.
          Đáng nói hơn, Nguyễn Đình Cống, Tống Văn Công, Vũ Thư Hiên, Bùi Tín, cũng đã bỏ đảng và còn thẳng thắn phơi bày bộ mặt dối trá và bạo lực của chế độ, làm cho Hà Nội ăn không ngon, ngủ không yên.
          Đặc biệt hôm nay, những khuôn mặt trí thức gạo cội như nhà văn Nguyên Ngọc, giáo sư Chu Hảo rủ áo ra đi, kéo theo nhiều nhà trí thức khác, đang làm dậy lên trận cuồng phong chống đối chế độ độc tài đảng trị, phản dân hại nước..
                    Được biết, GS. Chu Hảo, Giám đốc và là Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) đề nghị kỷ luật vì  “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa', và vi phạm, khuyết điểm của ông là ‘rất nghiêm trọng'”.
                    Đài Á Châu Tự Do nhận định sự kiện GS Chu Hảo bị kỷ luật sẽ gây ra những hậu qủa  nghiêm trọng: “Hệ quả tất yếu là ít người Việt Nam biết đến các tư tưởng tiến bộ, và còn ít hơn nữa người Việt Nam hiểu rõ các tư tưởng đó. Sự chậm tiến trong tư tưởng của người Việt Nam về các giá trị nền tảng hẳn là một phần nguyên nhân của sự chậm tiến trong tiến trình dân chủ.”
                         Thựa ra, giáo sư Chu Hảo rủ áo ra đi, cũng là nối gót tiến sĩ Nguyễn Đình Cống, đã từng chia sẻ với ông: Tôi đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu và khẳng định Chủ nghĩa Mác Lê (CNML) là sai cơ bản, sai từ gốc, đi theo nó, có đạt được cái gì đó chỉ là tạm thời, còn tổng thể sẽ phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác…Tôi nghĩ, biết CNML sai, trong lúc nhiều người bị lừa mà mình không nói cho họ biết là một tội lớn... Chính vì để giữ sự trung thực mà tôi ra khỏi Đảng”
                   Riêng Trương Duy Nhất đã cảm thấy phấn khởi, hy vọng GS Chu Hảo sẽ mở ra một phong trào trí thức thoát đảng: Hiện tượng Chu Hảo. Liệu đã đủ để đánh rung những trí thức cấp tiến với tư duy “phản biện trung thành”? Liệu có tạo nên một phong trào phản tỉnh để thoát đảng. Tự thoát cho mình, cũng là tìm lối thoát cho xã hội, quốc gia…Một làn sóng thoái đảng, tại sao  không!”
                   Kami còn thấy quyết định bỏ đảng của giao sư Hảo là hợp    tình hợp lý và hợp thời:Thực chất  chế độ ở Việt Nam hiện nay mục ruỗng lắm rồi, trực chỉ ngày sụp đổ nếu có đủ điều kiện. Chỉ cần một tia lửa. Lòng dân hôm nay ví tựa như một kho thuốc súng, chỉ chờ một tia lửa là có thể  tiêu hủy một chính quyền buôn dân bán nước. Việc người dân vui mừng, hoan hỉ hay sung sướng mỗi khi có lãnh đạo cao cấp chết, hay dém giầy vào mặt người đại diện của chính quyền là những chỉ dấu rõ nhất của lòng dân. Tôi chưa thấy ở bất kỳ quốc gia nào, mà người dân có thứ tình cảm “khốn nạn” như thế đối với lãnh đạo quốc gia.                      
            Đặc biệt, Viện Nghiên Cứu và Phát Triển đã gửi kiến nghị cho Bộ Chính trị và UBKT Trung Ương, phản đối quyết định kỷ luật giao sư Chu Hảo: “ Chúng tôi cho rằng sự quy kết như vậy của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về ông Chu Hảo là không chính đáng, không đúng sự thật,   thể hiện sự trấn áp thô bạo những nỗ lực rất đáng trân trọng của một trí thức hết lòng vì dân  vì nước, chà đạp những ý kiến chân thật và xây dựng của ông về những vấn đề quan trọng của đất nước..”
                   Điều đáng khích lệ là sự ra đi của GS Chu Hảo đã tạo ra hiện tượng dây chuyền, kéo theo nhiều người khác như Bùi Ngọc Tấn đã ghi nhận “Chiều 25/10 năm 2018, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam ra thông cáo báo chí về kỳ họp thứ 30 trong đó đề nghị xem xét,thi hành kỷ luật giáo sư Chu Hảo tới tư tưởng xã hội.” Qua ngày hôm sau, nhà văn Nguyên Ngọc và T.S Mạc Văn Trang tuyên bố là  hai ông chính thức từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ hôm nay. Cả hai đều đã lớn tuổi, và đều bầy tỏ những ý kiến rất tiêu cực về cung cách sinh hoạt và đường lối chính sách của ĐCSVN.”
                    Nhà văn Nguyên Ngọc khẳng định: “Tôi đã suy nghĩ và định làm việc này từ lâu, nhưng muốn làm một cách bình thường, không gây ồn ào. Nay sau việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng kỷ luật PGS.TS. Chu Hảo, tôi quyết định ra tuyên bố này, chính thức từ bỏ Đảng Cộng    sản Việt Nam kể từ hôm nay…Từ nhiều năm qua, tôi nhận thấy Đảng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của mình,“tự diễn biến” thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước. Tôi không thể còn đứng trong một tổ chức như vậy…Tôi vẫn tin ở tương lai của đất nước, nhất           là ở lớp trẻ, vì không có lực lượng vô luân nào có thể ngăn trở dân tộc này quyết định vận mệnh của mình.”
                   Hẳn nhiên, chúng ta nên giữ chừng mực, không nên tâng bốc qúa đáng những khuôn mặt đã từng một thời đem thân phục vụ chế độ, như khuyến cáo của Phạm Thanh Nghiên. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, sự ra đi của những khuôn mặt có công lớn với đảng có thể đánh thức nhiều người khác, làm bừng khởi làn sóng trí thức chống đối chế độ, hướng dẫn quần chúng đứng lên viết trang sử mới. Thay vì “trí thức thua cả cục phân”, thì trí thức           hôm nay cần ý thức vai trò kẻ sĩ “dân hữu tứ sĩ vi chi tiên” mà ra tay “buồm lái với cuồng phong”cứu nguy tổ quốc,  như lời khuyến cáo của Kami “Thoái đảng chỉ là sự phản đối. Lập chính đảng mới, mới là sự thách thức, xem chúng nó dám làm gì? Hỡi các cây Đại thụ của dân tộc!”



Friday, October 26, 2018


DẤU CHÂN LỊCH SỬ BI HÙNG
Giới thiệu tác phẩm
Trần Văn Thạch
Cây bút chống bạo quyền áp bức”

        Tác phẩm mang tên “Trần Văn Thạch, Cây Bút Chống Bạo Quyền Áp Bức”, xin mạo muội gọi là “Dấu Chân Lịch Sử Bi Hùng.” Đây là một tập biên khảo dày 506 trang gồm 6 chương và phần Phụ Lục, ghi dấu cuộc tìm kiếm rất công phu một nhân vật lịch sử với quyết tâm dùng ngòi bút chống lại bạo quyền và áp bức. Đối tượng tìm kiếm là Trần Văn Thạch, một nhà đấu tranh thuộc nhóm Đệ Tứ, và người đi tìm  là Trần Mỹ Châu, ái nữ của nhân vật chính, đã lạc mất lối đi của người cha thân yêu từ buổi thiếu thời.
          Một số người tỏ ra dị ứng với nhóm Đệ Tứ, cho rằng là Đệ Tam hay Đệ Tứ thì cũng đều là cộng sản bị nhiễm độc bởi tư tưởng Mác Xít. Thực ra, nếu tìm hiểu thấu đáo, chúng ta sẽ có một cái nhìn chân xác hơn về lòng yêu nước của những nhà ái quốc thuộc phái Troskist Việt Nam như Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Bùi Quang Chiêu, Hồ Văn Ngà, Hồ Hữu Tường và đặc biệt là Trần Văn Thạch..
          Cuộc truy tầm lịch sử trải dài qua những nguồn tài liệu tiếng Việt và thiết yếu là tiếng Pháp, với những sử gia tên tuổi, những chứng liệu và chứng nhân đáng tin cậy, đúng như ghi nhận của Phan Thị Trọng Tuyến người đặc trách chuyển ngữ Pháp-Việt: “ Chị lùng lục khắp các thư viện, hỏi han các sử gia trên thế giới. Chị theo dõi từng bước đi của cha, kiếm tìm từng bài trong những tờ báo cũ, như những mẩu đời ngắn gọn với những con số cho biết ngày tháng, như một thứ nhật ký, những mảnh ghép rời rạc mục nát..”
          Qua nét bút Trần Mỹ Châu, được biết Trần Văn Thạch là một nhà trí thức miền Nam, sang Pháp du học tại Đại học Toulouse năm 1926. Ông đã  tham gia phong trào trí thức chống chế độ thuộc địa, gồm nhiều khuynh hướng được gọi là “Pháp Việt đề huề,” có cả quốc gia, cộng sản và trotskist, gọi là “Đệ Tứ”, để phân biệt với cộng sản Đệ Tam của Stalin.
          Sau khi trở về nước tiếp tục tranh đấu chống chính sách đô hộ của thực dân, Trần Văn Thạch bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo cùng một số đồng chí, sống đời lao tù thật ác nghiệt: “Chế độ cấm cố đày đọa khắc nghiệt, bị đánh đập thường xuyên, phòng giam chất ních bẩn thỉu, ăn uống thiếu thốn..Tù chính trị chết nhiều, chết vì bị hành hạ, thiếu ăn, thiếu thuốc men, bệnh tật, nhất là bệnh kiết lỵ và phù thủng..” Điều cần nói ngay, là ông Thạch không chết vì thực dân, mà lại chết thảm trong tay cộng sản Đệ Tam đã từng một thời hợp tác tranh đấu..
          Đi sâu vào tác phẩm, chúng ta sẽ nhận thức rõ ràng lý tưởng, chủ trương đường lối và phương thức cũng như đối tượng đấu tranh của nhóm Trotskist nói chung và Trần Văn Thạch nói riêng.
          Về lý tưởng đấu tranh thì phái Troskist quyết chống lại áp bức và bạo quyền nhằm thực hiện độc lập tự do và dân chủ.
          Về chủ trương và đường lối thì phái Trotskist quyết thực hiện “cuộc cách mạng thường trực” biến cuộc “cách mạng tư sản đang bùng nổ tại Âu Châu thành cuộc cách mạng vô sản, và biến cuộc cách mạng vô sản quốc gia thành cuộc cuộc cách mạng vô sản quốc tế.
          Về phương thức đấu tranh, thì có sự phối hợp giữa mặt trận truyền thông báo chí và hoạt động nghị trường với chủ truơng đấu tranh  ôn hòa bất bạo động, như tác phẩm đã khẳng định: “Thạch lúc nào cũng chủ trương tranh đấu công khai hợp pháp, ôn hòa bất bạo động,  trên báo chí, tại nghị trường để nhân dân có quyền tự do dân chủ căn bản, để công nhân nông dân và lao động không bị bóc lột, để  dân nghèo được phúc lợi xã hội, để quần chúng không bị thực dân, tư sản quan lại hà hiếp..”
          Truyền thông thì tờ La Lutte được coi là cơ quan ngôn luận chính thức của nhóm Trotskist.Trên diễn đàn nầy, Trần Văn Thạch đã tạo được uy tín và niềm tin quần chúng, như bà Phương Lan Bùi Thế Mỹ đã viết: “Trên văn đàn La Lutte, Thạch được ngưỡng mộ , chính trường,  cách mạng. Thạch được nhiều guời kính mến, tôn sùng. Họ thường đến báo quán La Lutte ở số 99 đường Lagrandere để được biết mặt Thạch, tiếp xúc với Thạch là một vinh hạnh cho họ nhiều..”
          Hoạt động nghị trường thì nhóm La Lutte  đã tranh cử vào Hội Đồng Thành Phố với danh hiệu “Lao Động”, và 4 người đã trúng cử, gồm Trần Văn Thạch và Tạ Thu Thâu thuộc khuynh hướng Đệ Tứ, Nguyễn Văn Tạo và Dương Bạch Mai thuộc khuynh hướng Đệ Tam.
          Ban đầu, lý tưởng và đường lối đấu tranh đã thu hút giới trí thức Việt Nam tại Pháp, quy tụ nhiều tên tuổi vào một tổ chức chung dưới cái dù Mác Xít.  Điều đó đã biện giải lời tự thú của Milovan Djilas, Bí Thư Đảng cộng sản Nam Tư: “ 20 tuổi mà không theo cộng sản là không có trái tim. 40 tuổi mà không từ bỏ cộng sản là không có cái đầu..”
          Đúng thế, sau một thời gian ngắn, cái đầu đã giúp cho nhóm Trotskist nhận ra bản chất độc ác của cộng sản nên mới tách rời khỏi cộng sản Đệ Tam thành lập nhóm Đệ Tứ
          Tác phẩm đã làm sáng tỏ những khác biệt căn bản giữa hai khuynh hướng chính trị nói trên:
-        Đệ Tứ thể hiện lòng yêu nước chân chính, yêu quốc gia dân tộc, chứ không đồng hóa yêu nước với “yêu  xã hội chủ nghĩa” như Đệ Tam.
-         Đệ Tứ theo đuổi lý tưởng dân chủ tự do thực sự trong khi Đệ Tam chủ trương độc tài toàn trị, bóp chết tự do dân chủ.
-        Đệ Tứ coi cuộc tranh đấu là nỗ lực chung của toàn dân, chứ không tôn sùng cá nhân như Đệ Tam, tiêu biểu như Tố Hữu tôn thờ Stalin:
              Yêu biết mấy nghe con tập nói
              Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!
              Mồm con thơm sữa xinh xinh
              Như con chim của hoà bình trăng tron

     Hay Đỗ Nhuận tôn thờ Hố Chí Minh:
              Tháp Mười đẹp nhất bông sen
              Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ

-        Đệ Tứ chủ trương tranh đấu ôn hòa bất bạo động, khác với Đệ Tam chủ trương sắt máu “giết giết nữa bàn tay không ngưng nghỉ..”
          Tác phẩm xác định:  “Những người Đệ Tứ chống đối thuyết “thực hiện xã hội chủ nghĩa trong một nước do Staline đề xướng, chống chế độ độc đảng quan liêu và sùng bái cá nhân Stalin của Đệ Tam Quốc tế..”
          Như thế, cuộc đấu tranh của Trần Văn Thạch và nhóm Đệ Tứ nhắm vào  2 đối tượng, một là thực dân Pháp, hai là cộng sản Đệ Tam.
          Đệ Tứ đã coi cộng sản Đệ Tam là thảm họa của dân tộc: “Cách mạng Tháng tám thường được nhắc lại là một điểm vinh quang trong lịch sử kháng chiến Nam Bộ, nhưng nó cũng mang cái tang rất lớn cho dân tộc: Cả một tầng lớp nhân sĩ, trí thức yêu nước bị giết chết ở tuổi trung niên, ở tuổi còn nhiều tiềm lực đóng góp cho đất nước. Hậu qủa thảm khốc của một chính sách độc quyền lãnh đạo trong tay những người với bản chất hung bạo, tư tưởng cực đoan..”
          Cần mở dấu ngoặc để minh định rằng, chủ trương “quốc tế vô sản chuyên chính” một thời thu hút trí thức Việt Nam, nay không còn thích hợp với xu thế thời đại. Đông Âu và ngay cả Liên Sô cũng đã từ bỏ thiên đường chuyên chính vô sản. Nay Trung cộng và Việt cộng cũng đang tập tễnh bước vào con đường tư bản với các nhóm lợi ích. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận lòng ái quốc và lý tưởng dân chủ mà nhóm Troskist theo đuổi, dân chủ đích thực, chứ không phải dân chủ giả hiệu bánh vẽ của cộng sản Đệ Tam.
          Xung khắc Đệ Tứ với Đệ Tam đã đưa đến phỉ báng, nhục mạ và tiêu diệt nhau. Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh đã lên án nhóm Đệ Tứ bằng những lời lẽ ác hiểm hết chỗ nói: “Trong tất cả các nước, bọn Trotkít đều dùng những tên gọi hoa mỹ để che dấu những công việc kẻ cướp bẩn thỉu của chúng. Bọn Trotkít không chỉ là kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản, mà còn là kẻ thù của nền dân chủ tiến bộ. Đó là bọn phản bội và mật thám tồi tệ nhất..”
          Trường Chinh đã nhại theo Nguyễn Ái Quốc, chụp mũ Đệ Tứ là việt gian làm chó săn cho Nhật: “Bọn Trotkít khua môi múa mép hồi mặt Trận Dân Chủ Đông Dương, nay đã hoàn toàn làm chó săn cho Nhật..”
          Trần Huy Liệu cũng rập khuôn theo Nguyễn Ái Quốc và Trường Chinh chụp mũ những người Trotskist là tay sai của Phát Xít: “Bọn Trotkít, con đẻ sinh đôi và tay sai của phát xít Nhật”
          Chụp mũ và nhục mạ phỉ báng, Nguyễn Ái Quốc còn chỉ thị đàn em phải thẳng tay tiêu diệt những người Đệ Tứ: “Đối với bọn Trotkít, không thể có thỏa hiệp nào, một nhượng bộ nào. Phải dùng mọi cách để lột mặt nạ làm tay sai cho chủ nghĩa phát xít. Phải tiêu diệt chúng về chính trị..”
          Thế rồi việc gì phải đến cũng đã đến, và số phận Trần Văn Thạch đã được an bài như lời kể của nhà báo Nguyễn Kỳ Nam: “Phòng nhóm im lặng như tờ. Mọi người đều nhìn Thạch như biết số mạng của Thạch đã định..nơi khẩu súng lục kia rồi.. Tôi hồi hộp. Tim đập mạnh. Từ đó, tôi mất hết tinh thần. Nhiều bạn ký giả ngồi chung quanh tôi thì thầm: Thạch đã tự mình ký tên vào bản án tử hình rồi..”
          Kết qủa thế nào thì ai cũng có thể đoán được. Hãy nghe Trần Văn Tự kể lại trong chương 3, dưới tiêu đề ‘Thương Nhớ Cha” như sau: “Dì Ba tiếp một người khách lạ. cả hai nói chuyện thì thào, tôi không nghe rõ được. Chỉ thấy dì thỉnh thoảng lấy khăn lau nuớc mắt. Cuối cùng khách cũng đứng dậy cáo từ nói: Em xin chị cho em gửi lại cái đồng hồ và cặp mắt kiếng của anh Thạch để làm kỷ niệm. Còn quyển sổ tay xin gửi lại chị. Ra khỏi đây, em sẽ đi biệt vô âm tín. Xin chị đừng tìm..”
          Người đưa tin rồi ra đi biệt vô âm tín là một tù nhân bị nhốt chung với Trần Văn Thạch, cho biết Việt Minh đã bắt và thủ tiêu ông cùng lúc với nhiều người khác..Thật đau lòng phẫn nộ đến nghẹn lời! Ông ra đi khi tuổi mới 40 với trí óc sáng suốt và con tim nồng cháy “Tứ thập nhi bất hoặc!”(Xin một phút yên lặng để tưởng nhớ người qúa cố…)
          Cuộc tìm kiếm lịch sử của Trần Mỹ Châu thật đáng ca ngợi. Ái nữ của Trần Văn Thạch đã tìm thấy vết chân của người cha như một dấu chấm, đúng hơn như một nét son trong dòng  sử Việt được mô tả là “tuôn tràn trên lửa máu”. Điều đáng nói là qua tác phẩm “Trần Văn Thạch , Cây Bút chống bạo quyền áp bức” chúng ta đã rút tỉa được những bài học lịch sử thật qúy giá, “ôn cố nhi tri tân
          Thứ nhất là bài học về lòng yêu nước thể hiện trong lý tưởng đấu tranh cho nền độc lập và hạnh phúc toàn dân. Ông Thạch viết: “Chỉ cần chúng tôi có một trái tim và một chút lương tri là đủ để chúng tôi là đủ để chúng tôi mong muốn đất nước chúng tôi được độc lập tự do..” Thực dân  bóp chết tự do với áp bức tù đày. Cộng sản Việt Nam cũng giết chết tự do với búa liềm cờ đỏ, biến Việt Nam thành nhà tù lớn, thành địa ngục trần gian được Dương Thu Hương mô tả là nơi chỉ có “vàng của kẻ thống trị trộn với máu và nước mắt của dân tộc bị trị..”       . Với lòng yêu nước thiết tha đó, Văn Thạch đã đi vào lịch sử với con đường mang tên Trần Văn Thạch dưới thời chính phủ Việt nam Cộng Hoà..
          Thứ hai là bài học về sự tri thức chính trị. Tuy ban đầu, với nhiệt tâm tuổi trẻ yêu nước, Trần Văn Thạch đã bị cuốn hút vào qũy đạo Mác Xít, hợp tác với những người cộng sản Đệ Tam sắt máu như Nguyễn Ái Quốc, Trần Văn Giàu,Trường Chinh ..Nhưng  ông đã sớm nhận ra bộ mặt thật của cộng sản Đệ Tam, và quyết chống lại chế độ phản bội bất nhân đó. Kết qủa, ông đã bị thủ tiêu bởi chính tay những người đã từng là đồng chí một thời! Đây hẳn là bài học qúy giá cho những ai còn ngây thơ hợp tác xây dựng cỗ máy chém giết hôm nay, chưa chịu mở mắt mà  học bài học qúa khứ, mà nhìn các nạn nhân như tướng Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Đinh Đức Thiện bị thanh toán, Nguyễn Bá Thanh đã bị hạ độc, Phùng Quang Thanh, Đinh Thế Huynh mất tích bí ẩn, nhất là Trần Đại Quang vừa bị triệt hạ trong tủi hận..
          Thứ ba là bài học về đấu tranh cách mạng. Đâu có áp bức và bất công thì đó có đấu tranh cách mạng. Trần Văn Thạch đã chống lại thực dân Pháp tàn ác, bất nhân tiêu biểu như Toàn Quyền Decoux “ Làm vua một cõi, thẳng tay trừng trị những ai mà ông coi là kẻ thù thâm căn cố đế của Pháp quốc, những người chống chế độ thực dân.” Ông cũng chống lại chính sách bạo trị bất nhân của cộng sản Đệ Tam, với khẩu hiệu “Trí Phú Địa Hào đào tận gốc trốc tận rễ hay “thà giết lầm còn hơn bỏ sót”
          Thứ tư là bài học về tự cường tự lập. Mỗi quốc gia đều đặt quyền lợi nước mình trên hết, nên dân Việt không thể trông chờ hay ỷ lại vào ngoại bang, mà phải tự mình đứng vững và vươn lên. Ông Thạch đã viết trên Diễn Đàn Đông Dương: “Hỡi dân tộc An Nam, đừng chờ ai hết, tưoơng lai dân tộc tùy thuộc ở chính dân tộc An nam mà thôi!” Đây hẳn là bài học sinh tử cho chế độ Việt gian Hà Nội đang nhẫn tâm làm tay sai Bắc Triều, gây bao oan khiên cho dân tộc!
          Như bài học kết thúc, Trần Văn Thạch đã nhấn mạnh vai trò quần chúng đối với chính quyền, như thể nước đưa thuyền đi và cũng có thể nhận chìm thuyền bất cứ lúc nào. “Chừng nào mà chính phủ còn được dư luận quần chúng ủng hộ, thì chừng đó họ còn đứng vững. Ngày nào mà dư luận không thích họ nữa, thì coi như ngày đó họ đã chết..” Đây hẳn là lời cảnh cáo chế độ cộng sản Việt Nam hôm nay đang mất chỗ đứng trong lòng dân tộc, và tất nhiên đang tuột dốc trên đà tự diệt..
          Lời cảnh báo của Trần Văn Thạch đang ứng nghiệm tại Việt Nam hôm nay với khí thế Diên Hồng chuẩn bi cho ngày toàn dân quật khởi. Dân Việt quyết không để một tấc đất lọt vài tay ngoại bang, và quyết tiêu diệt cộng sản Việt gian đang nhẫn tâm bán nước cầu vinh. Chắc chắn nơi chín suối, Trần Văn Thạch sẽ mỉm cười nhớ lời tiên tri của Nguyễn Chí Thiện “Khi  đất trời gió nổi.Tàn hung ơi! Bão lửa! Trốn vào đâu? Bám vào đâu?”
                                                          Ngô Quốc Sĩ
         
         
         

Thursday, October 25, 2018


KẺ CƯỚP TÂN THỜI
                   Ngô Quốc Sĩ
       Đảng cộng sản Việt Nam vẫn vỗ ngực tự hào là đại biểu của giai cấp lao động và là cứu tinh của dân tộc, nhưng thực tế hoàn toàn khác hẳn. Hà Nội có ra sức tô son điểm phấn cách mấy, thì bộ mặt chế độ vẫn lem luốc đáng ghê tởm và phỉ nhổ. Đảng  thường bị người  dân gọi là “đảng ác” với bàn tay sắt máu và chủ trương hủy diệt. Đảng cũng bị gọi là “đảng láo”, với bản chất lừa dối bằng chiêu bài, ngụy tạo và tuyên truyên láo khoét. Thậm chí, đảng còn bị coi là “đảng ngu” vì trước sau chỉ quanh quẫn trong chủ thuyết phản tiến hóa và giáo điều vô nghĩa..
       Nhà thơ Nguyễn Duy còn gọi đảng cộng sản là “đảng cướp” để lột trần bản chất gian manh tàn bạo và bất nhân của chế độ hôm nay. Mở đầu bài thơ mang tên “Cướp”, Nguyễn Duy đã nhắc tới 2 câu ca dao trong văn chương dân gian để phản ảnh xã hội bất an thời xưa:
                 con ơi mẹ dặn câu này
                  cướp đêm là giặc cướp ngày là quan
        Hẳn nhiên, đời nào cũng có thổ phỉ, từ dân thường đến quan chức, như Nguyễn Khuyến đã lên thơ mỉa mai vị quan tham bị kẻ cướp hành hung giữa ban ngày:
                 Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông
                 Nó lại mang ông bỏ giữa đồng
                 Cướp của giết người quân tệ nhỉ
                                    Thân già da cóc có đau không?
                     Hôm nay, Nguyễn Duy đã đi vào hiện thực xã hội chủ nghĩa để lột mặt nạ bọn cướp ngày cướp đêm, viết bản cáo trạng về tội ác của lũ con hoang đã đánh mất nhân tính. Theo ông, nếu so sánh bọn cướp ngày xưa với bọn cướp hôm nay, người ta sẽ nhận thấy bọn cướp đỏ hiện thời quyền thế và hung ác hơn nhiều, bởi lẽ bọn chúng có tổ chức, có đảng có đoàn, có quyền hành và có đủ mọi phương tiện trấn áp, như dùi cui, súng đạn và nhà tù:
                             Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
                   cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
                   có con dấu đóng đỏ tươi
                   có còng có súng dùi cui nhà tù
        Hơn thế nữa, bọn cướp hôm nay không cần lén lút như ngày xưa, mà cướp công khai giữa thanh thiên bạch nhật, khắp nơi khắp chốn, từ bàn giấy ra đồng ruộng, từ thành thị đến thôn xóm, lại còn phất cờ phóng loa gióng trống khoe khoang cổ võ:
                              cướp xưa lén lút tù mù
                             cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa
                             con trời bay lả bay la
                             cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng
                                Điều đáng nói thêm là bọn cướp ngày xưa chỉ là những “băng nhóm làng nhàng”, nên số nạn nhân bị cướp cũng chỉ giới hạn vào một nhóm người nào đó. Hôm nay khác hẳn. Bọn cướp là một tổ chức, một hệ thống quyền lực, một chế độ, nên nạn nhân bị cướp là cả một dân tộc, mà tiêu biểu là dân oan, mất nhà mất cửa, mất tài sản và mất cả quyền sống. Thật mỉa mai! Theo lời chứng của Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, 75% dân oan là những bà mẹ chiến sĩ đã từng là ân nhân của chế độ, chia sẻ chén cơm manh áo để bao che và nuôi nấng các cán bộ nằm vùng. Nay họ trở nên tay trắng, khố rách áo ôm, sống lây lất nơi công viên, vỉa hè xó chợ, kêu trời không thấu:  
                             dân oan tuôn lệ ròng ròng
                  mất nhà mất đất nát lòng miền quê
                  tiếng than vang động bốn bề
                  cướp từ thôn xóm tiến về thành đô
                   Còn gì mỉa mai hơn! Sài Gòn một thời là hòn ngọc Viễn Đông, là niềm mơ ước của nhiều quốc gia láng giềng, nay mang tên tội đồ được con cháu tôn vinh là “cha già dân tộc”, lại là hang động của lũ cướp, cướp cả đêm lẫn ngày.
                             ai qua thành phố Bác Hồ
                             mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
                             bây giờ mẹ phải dặn thêm
                             quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày
                   Cướp triền miên. Cướp không ngưng nghỉ, Cướp cả ngày đêm! Nếu hỏi cướp để làm gì, thì hiển nhiên là để xây ngai vàng đao phủ. Tiêu biểu như cướp đất Thủ Thiêm, nói là để xây đô thị mới, nở mặt với thế giới, thực chất chỉ là xây  biệt phủ và chỗ giải trí cho các quan chức lớn. Trong khi dân không có đất sống thì bọn cướp lại bỏ ra cả 1,500 tỷ để xây Nhà Hát Giao Hưởng làm người dân phẫn nộ, như Đài Á Châu Tự Do đã ghi nhận: Hơn hai mươi năm qua, dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đã đẩy người dân tại đây trở thành tha phương cầu thực. 14.600 hộ dân với hơn 60.000 nhân khẩu đã dời đi để nhường chỗ cho siêu dự án này. Thật đáng tủi hổ! Trong khi dân chúng cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thì hỏi ai sẽ vào nhà hát giao hưởng cả trăm ngàn tỷ để thưởng thức âm nhạc? Hiển nhiên còn ai ngoài bọn cướp ngày cướp đêm, bọn tư bản đỏ mà Lão Báng đã mô tả :                             
                             “Từ thằng khố rách áo ôm, ở hang
                 Bây giờ nhà to bự hơn trái núi
                 Tiền, vàng, hột xoàn, đô la đầy túi
                   Qúa oan ức vì bị cướp một cách trắng trợn, mất cả quyền sống, dân Thủ Thiêm đã thật sự đã đi vào đường cùng, có ngưới tự sát, có người mất trí, như đài Á Châu Tự Do đã ghi nhận: Đất Thủ Thiêm đã có người tự sát vì oan ức, đã có hàng chục người trở thành mất trí vì uất hận, đã có hàng trăm người bỏ công ăn việc làm chỉ để đi khiếu kiện, ngay cả ra tận Hà Nội họ cũng chấp nhận ..”
                   Không phải chỉ có dân oan Thủ Thiêm phẫn nộ, mà dân oan khắp nơi, từ Văn Giang đến Hà Nội, từ Tiền Giang đến Dương Nội, từ Kiên Giang đền Đông Yên, nói chung là mọi miền đất nước đều là nạn nhân của bọn cướp đỏ.
                  Lời chứng của Nguyễn Duy, quyết tâm bảo vệ dân oan của của cụ bà Lê Hiền Đức, tiếng kêu  thảm thiết của dân oan khắp các tỉnh thành đang vang vọng, làm bao con tim nhức nhối thổn thức. Nay bọn cướp đỏ vẫn an nhiên tự đắc, ngồi trong biệt phủ để hưởng thụ, chỉ tay năm ngón ra lệnh đàn em tiếp tục trấn lột dân chúng. Nhưng sức chịu đựng của dân Việt có giới hạn. Một khi nỗi phẫn uất lên lên cực độ thì chắc chắn “tức nuớc vỡ bờ”, cơn bão lửa sẽ bừng cháy thiêu rụi bọn cướp đỏ, cướp ngày cướp đêm..