Monday, May 18, 2020


MỘT NƠI ĐỂ TRỞ VỀ
Ngô Quốc Sĩ

          Người Việt lưu vong, chọn đất khách làm quê hương thứ hai, nhưng lòng vẫn hướng về quê mẹ như một nơi để trở về, dù chỉ trong tâm tưởng. Nguyệt Ánh đã “Mơ một ngày về”. Nam Lộc cũng đã mong ước “Cho tôi đi lại đoạn đường, hàng cây vương dài bóng mát.Cho tôi an phận ngàn đời, bên bờ đê vắng làng tôi.” Riêng Quyên Di, nhà văn, nhà thơ, và nhà giáo, đang  tiếp tục con đường phấn trắng bảng đen tại hải ngoại, cũng đã chia sẻ tâm tình nhớ thương quê nhà như một nơi muôn thuở để trở về, qua bài thơ “Miền Quá Khứ” viết cho cô nữ sinh viên với tất cả nỗi lòng u uất của một “ông thầy” trong kiếp tạm dung…
           Vào thơ, Quyên Di đã ngỏ lời với cô sinh viên UCLA đã trên đôi tám, bằng lời nhỏ nhẹ dịu dàng như bàn tay vỗ về của người mẹ dành cho con thơ, không được may mắn ôm ấp quá khứ dân tộc, nay đã trở thành xa lạ với nhiều người, đặc biệt là thế hệ sinh sau đẻ muộn. Quá khứ đó, dù thật đã trở nên xa lạ, nhưng lại là nơi chốn để trở về, như nguồn cội, như quê nhà dấu yêu ngàn đời không quên. Thế nên, dù bận rộn cách mấy, ông thầy vẫn cảm thấy có trách nhiệm giữ gìn quá khứ vàng ngọc đó để gửi lại cho thế hệ đến sau:
                   Con ạ, thầy sẽ để thì giờ
                   Dẫn con về miền tên là Quá Khứ
                   Miền ấy chắc chưa bao giờ con đến thử
                   Vì con còn nhỏ quá, biết gì đâu.
          Miền ấy mang tên Quá Khứ, nhưng ngày ngày vẫn hiện rõ nguyên hình trong mỗi bước đi, trên môi cười, nơi tiếng khóc, và trên cả gối mộng khi đêm về, bởi lẽ nó đã in vào tim óc, hòa vào giòng máu của người bỏ nước ra đi, với nắng cháy, với bão bùng, nói chung là với bao bất hạnh, bao oan khiên còn đọng trên áo sờn của mẹ, trên vai gầy của cha, trên những sỏi đá của lối mòn đất nước:
                    Miền ấy có hai mùa mưa nắng dãi dầu
                   Thầy đã có một thời sống và lớn lên ở đó
                   Miền ấy có những ngày bão bùng dông gió
                   Lại có những khi nóng rát nung người
          Quá khứ bất hạnh thế đó, không những vì nghịch cảnh thiên nhiên, mà còn vì chiến tranh tàn phá chết chóc hủy diệt. Dòng sinh mệnh dân tộc tuôn tràn  máu lửa và đầy nước mắt mồ hôi, nhưng điều cần nói và cần biết, là những con người mang giòng máu Lạc Hồng vẫn kiên cường thách đố với thiên nhiên, với nghịch cảnh, vượt qua sóng gió thử thách để sống còn và vươn lên như Phù Đổng, ấp ủ những mơ ước cao xa, đúng theo tên gọi cha ông đã đặt cho non sông xã  tắc bằng 2 chữ Việt Nam “Việt”=Trỗi vượt, “Nam”= tại phương Nam.
                   Thầy dẫn con về miền tên là Quá Khứ
                   Đứa bé lớn lên giữa những đau thương
                   Đất nước chiến tranh, người vẫn kiên cường
                   Nuôi lớn nhau, nuôi lớn cả những điều mơ ước.
          Nơi phương Nam trỗi vượt đó, đã mọc lên những hoa trái thơm tho, đã hun đúc những con người hiền hòa, và những nét đẹp đơn sơ nhưng đầy tình tự dân tộc. Chính vì  thế, Sài Gòn đã trở thành hòn ngọc Viễn Đông, làm cho các quốc gia láng giềng phải mơ ước được sánh vai chung lối:
                   Thầy dẫn con về thăm Sài Gòn thuở trước
                   Có chợ Bến Thành và những công viên
                   Có chị bán chè với nụ cười hiền
                   Có nước mía Viễn Đông, có thịt bò khô, đậu đỏ
          Sài gòn một thời hoa lệ mỹ miều như thế nên Y Vân mới phải thốt lên “Sài Gòn đẹp lắm! Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!”.  Nay thì Sài Gòn đã thay tên, đến nỗi Nguyễn Đình Toàn đã phải kêu lên: “Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên”.  Nay thì thủ đô ánh sáng đã bị vùi giập bằng dép râu liềm búa. Giờ đây, dân Việt chỉ còn biết tiếc nuối một thời vàng son, với hình ảnh Sài Gòn xưa, với cảnh đẹp người đẹp, với những nét sinh hoạt đầy thơ mộng của nam thanh nữ tú, với tà áo gió bay phất phơ và mái tóc dài thơm của nàng trước những con mắt ngơ ngẩn của mấy chàng trai đa tình:
                   Cô nữ sinh đạp xe mini, gót nhỏ
                   Trên những con đường, tà áo trắng tung bay
                   Mái tóc thơm dài theo với tháng ngày
                   Phố đông người, có chàng trai nhìn theo ngơ ngẩn
          Cảm nhận của Quyên Di cũng chính là cảm nhận của Nguyễn Tất Nhiên trước vẻ đẹp hồn nhiên của những bước chân chim rón rén ngoài đường phố, trong  sân trường:
                   Ta gặp nhau một chiều nắng quê hương.
                   Áo em vàng như màu nắng sân trường.
                   Ta mang nắng nhốt vào lớp học
                   Lúc tan trường thả nắng tung tăng.
          Tô điểm thêm cho nét đẹp thư sinh với áo trắng tóc dài và cái nhìn ngơ ngẩn, còn có vẻ đẹp hiền hòa thanh khiết của những bàn tay đầy phấn trắng của ông thầy đứng trên bục giảng, nhìn xuống những mái đầu xanh mắt nai, mà cảm thấy lòng rộn rực. Có một chút e lệ, như muốn dấu đi những rung cảm tuyệt vời phía sau thiên chức “ông thầy”:
                    Thầy dẫn con về thăm lớp, trường, bảng phấn
                   Có ông thầy còn rất trẻ, thư sinh
                   Là thầy nhưng đôi mắt chẳng dám nhìn
                   Sáu mươi nữ sinh ngây thơ mà nghịch ngợm.
          Đồng cảm với Quyên Di, người viết cũng đã có một thời đứng trên bục giảng với những rung cảm nhẹ nhàng kín đáo. Bài thơ “Dấu Chân Chim” tuy có chút lãng mạn, nhưng chỉ dừng lại trong trong lễ nghĩa thầy trò như nét đẹp văn hóa của dân tộc:
                   Em mang mùa thu vào lớp học
                   Phấn trắng ngỡ ngàng trên tay anh
                   Mây trời bỗng hạ xuống thật thấp
                   Chữ nghĩa vỗ cánh bay rất nhanh
          Nét đẹp văn hóa chữ nghĩa đó còn đậm đà hơn trong khung trời đại học, nơi đó có những trang sách miệt mài, những giảng đường thênh thang rợp bóng cây lá xôn xao:
                   Thầy dẫn con về miền tên là Quá Khứ
                   Thăm những khuôn viên đại học ngày nào
                   Những giảng đường bên ngoài cây lá xôn xao
                   Những sinh viên miệt mài bên trang sách.
          Nét đẹp quê hương với những kỷ niệm êm đềm đó nay đã xa! Quê hương hôm nay chỉ còn là quê hương trong tâm tưởng. Sài Gòn hôm nay cũng chỉ còn là “Sài Gòn Nhỏ”. Nhưng người ta vẫn nói “chúng ta còn mãi những gì chúng ta đã mất”, thì miền qúa khứ của Quyên Di vẫn hiện nguyên hình trong hiện tại và sẽ còn mãi trong tương lai, bởi lẽ đó chính là quê hương đích thực, là niềm an ủi vô bờ đối với tất cả những ai là ly khách muốn tìm về nguồn cội:
                   Miền Quá Khứ ấy vô cùng trong sạch
                   Trong trái tim của tuổi hoa niên
                   Bây giờ đã xa, chỉ thấy trong nỗi nhớ triền miên
                   Của ông thầy đã già theo năm tháng
          Thế đó. Đã một lần mang danh “ông thầy” thì sứ mệnh dẫn dắt lớp trẻ là sứ mệnh thiêng liêng, là thiên chức cao qúy, mãi đeo đuổi nhà giáo, đúng theo truyền thống “lương sư hưng quốc”. Trong niềm hãnh diện vô bờ đó, Quyên Di đã lùi vế quá khứ, hướng dẫn lớp trẻ Việt Nam hải ngoại hướng về miền thương nhớ ngọt ngào, tìm về nguồn suối thương bất tận của mẹ Âu Cơ:
                   Những kinh nghiệm cuộc đời lồng trong ngôn ngữ, văn chương?
                   Ông thầy lấy trong một chuỗi ngày thường
                   Ở một miền có tên là Quá Khứ.
                   Thầy sẽ để thì giờ dẫn con về miền Quá Khứ..
           Đẹp thay tình thầy trò. Cao quý thay sứ mệnh trồng người trăm năm của Quản Trọng “Bách niên chi kế mạc như thụ nhân”…Cám ơn Quyên Di. Nhớ ơn truyền thống văn hóa cao đẹp của dân tộc Việt Nam…






Sunday, May 10, 2020


THỎ THẺ MỘT LỜI

Lời này cho mẹ cho em
Như làn gió thoảng bên thềm trăng non
Nghĩa tình cao vút Thái Sơn
Âm môi từng giọt sữa thơm máu hồng
Lời này như hớp rượu nồng
Dậy từng tia nắng mây lồng dấu yêu
Lung linh bóng mẹ những chiều
Đong đưa gối mộng cánh diều lửng lơ
Lời này như khẻ dây tơ
Rung từng nốt nhạc ý thơ buông vần
Vút cao lay động tình trần
Chơi vơi trên ngọn mây tần khuất xa
Lời này như ánh trăng ngà
Sương đêm thỏ thẻ lời ca ngọt ngào
Đèn khuya hiu hắt dầu hao
Thương con lòng mẹ nôn nao tháng ngày
Lời này như áng mây bay
Chở theo mộng ước tháng ngày tha hương
Lòng con lữ khách vấn vương
Về trong cánh mẹ yêu thương ngàn đời
Lời này như suối không vơi
Thơm từng giọt ấm vành môi nghẹn ngào
Ấm lòng ấm cả trăng sao
Tình con tình mẹ trời cao ngậm ngùi…
                                      Ngô Đức Diễm









Tuesday, May 5, 2020


NHỮNG GIỌT HUYẾT NGÀ
Ngô Quốc Sĩ

          Nếu người mẹ được coi là tác phẩm tuyệt tác của Tạo Hóa, thì tình mẹ chính là ân huệ vô bờ của Trời Đất, như nguồn sống, nguồn thương và nguồn vui của con người. Văn chương dân gian đã ca tụng “nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Y Vân tôn vinh lòng mẹ “bao la như biển Thái Bình dạt dào”. Nguyễn Chí Thiện cũng chỉ mong ước “Mẹ ơi con lòng chỉ nguyện một điều. Được gần sống đừng xa lìa khỏi mẹ”. Trong kho tàng văn chương ca tụng tình mẹ, chúng ta không thể không nhắc tới bài thơ “Những giọt huyết ngà”của nữ sĩ Trinh Tiên, đã được đăng trong “Văn Hóa Ngày Nay” của Nhất Linh, sau được đưa vào “Hương Bình thi phẩm” của Hoàng Trọng Thược.
          Trước khi đi sâu vào nội dung của bài thơ, chúng ta hãy nghe các các nhà thơ tiền chiến nổi danh nói về tác giả. Năm 1944, khi đọc được bài thơ này trong thi tập "Tình Thơ" ở Huế, nhà thơ "Ông đồ" Vũ Đình Liên đã phải thốt lên: "Đông Tây Kim Cổ chưa từng có!" Thi sĩ Quách Tấn cũng xếp thi phẩm này vào bài viết "Những bài thơ bất hủ trên đất Khánh Hòa".           Riêng Vĩnh Hữu, con trai của tác giả cũng bày tỏ nỗi lòng gắn bó không rời với người mẹ kính yêu: Viết về Me, có lẽ viết bao nhiêu cũng không đủ, có viết dài lê thê thậm thượt cách mấy cũng trở thành ngắn ngủn sơ sài. Nếu hết thảy mười bốn anh chị em chúng tôi cùng ngồi lại với nhau để cùng viết mấy pho sách về Me cũng không thể viết hết chuyện, không thể kể hết lời, không thể diễn tả hết những gì Me - cũng như Ba - đã để lại cho con cái.” 
            Được con cái tôn vinh và người đời ca tụng là chuyện dĩ nhiên, bởi lẽ Trinh Tiên, lúc phong trào thơ mới vừa thịnh hành, đã làm say mê độc giả, với những vần điệu và ý thơ tuyệt vời, đúng như cảm nhận của Vũ Đình Liên, Đông Tây kim cổ chưa từng có. Và đến hôm nay, những ai có dịp thưởng thức bài thơ, cũng không cầm nổi nước mắt với những rung cảm sâu xa…
          Vào thơ, tác giả đã cảm nhận ơn Trời ban cho con người tình mẹ, chính là suối thương, là huyết sống, là hơi thở chảy thành nguồn sữa ngọt ngào, làm ấm môi và ấm lòng con thơ nhỏ dại. Niềm thương tuyệt đối của mẹ đã được tác giả diễn tả với lời thơ tuyệt bút, có thể nói là đến tận cùng của ngôn ngữ, như thể đi vào vô ngôn, khi nấu nguồn sữa bằng hơi thở, và đồng hóa sữa với máu:
                   Đây dòng sữa Me nấu bằng hơi thở
                    Truyền từ nguồn huyết thống, suối thương yêu
                    Huyết Me khô cho phần sữa thêm nhiều
                    Me vâng lĩnh ý trời, ban con đó!
            Phải nói đây chính là thứ ngôn ngữ không lời, và người ta thưởng thức bằng con tim bên kia ngưỡng cửa của lý trí, với cảm nghiệm thầm kín trong thinh lặng. Qủa vậy! Vành môi con thơ đã được tô son bằng máu mẹ, và khi chạm vào máu mẹ, môi con đã uốn cong như để nức cạn tình thương vô bờ. Máu và sữa hòa đã vào nhau thành mật ngọt, thành hơi ấm vỗ về tuổi thơ như một phép lạ từ trời:

                        Con uốn hai vành môi son thắm đỏ
                        Dòng huyết ngà tuôn theo nhịp vành môi
                        Huyết thân Me, nhưng phép lạ tay trời
                        Pha dịu ngọt trong đôi dòng sữa ấm
            Đẹp làm sao khi mỗi tia sữa bỗng nhiên biến thành luồng điện từ thân mẹ đi vào thân thể con thơ! Đây chính là nhân điện, điện của tình yêu làm say mê điên đảo cả mẹ lẫn con khi con ngất ngây áp vào ngực mẹ, nhấp từng giọt sữa để lòng say. Còn mẹ thì nghe từng giọt sữa nhỏ trong thớ thịt, rồi nâng niu con thơ như nâng vàng cưng ngọc:
                   Mỗi tia sữa là mỗi luồng điện sống,
                        Bú đi con! Hứng nhận cả lòng say...
                        Con nghĩ gì trong bộ óc thơ ngây,
                        Mà mơn trớn như nâng vàng hứng ngọc?
          Khi dòng sữa mẹ thấm vào thân con thì con bỗng hóa thân. Con không còn là đứa trẻ ngu ngơ bất động, mà là thực thể linh động đầy sức sống. Da của con thành da sữa. Thịt của con bốc hương thơm, và tiếng của con, dù là cười hay khóc, cũng là tiếng chim hót líu lo, làm vui cả nhà và cả đời:

                        Me yêu quá, giọng cười và tiếng khóc
                        Ai bày con tôi nói tiếng chim đây?
                        Dễ thương chưa? Da sữa thắm hây hây
                        Ai ướp cả muôn hương vào thớ thịt?
          Đẹp như thế và thương như thế là hết chỗ nói, thật đã cạn lời. Có nói cũng bằng thừa, vì làm sao diễn tả được tình thương tuyệt đích và vô bờ, cao như non, rộng như biển? Nếu Hàn Mặc Tử đã phải câm nín lặng nghe Trời giải nghĩa yêu:
                   Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
                        Để nghe dưới đáy nước hồ reo.
                        Để nghe tơ liễu run trong gió,
                        Và để xem trời giải nghĩa yêu.
           Thì ở đây, Trinh Tiên cũng đành câm lặng cảm tạ Đất Trời đã ban cho con người tình mẹ như một hồng ân không còn lời nào để diễn tả và ngợi ca. Tác giả chỉ còn biết hòa mình vào tiếng sóng biển, lời gió núi để cảm nghiệm tiếng lòng thỏ thẻ ngất ngây
                   Thương chẳng có chỗ cùng, thương tuyệt đích
                        Me thương con thắm thiết lắm, con ơi!
                        Cao như non? Cao sánh vút chân trời,
                        Rộng như biển? Rộng lan trùm trái đất

            Như một lời kết, Trinh Tiên đã thốt lên một tiếng như một tuyên ngôn tình mẹ vang vọng muôn đời. Con là tất cả. Là ý thơ. Là niềm vui. Là lẽ sống.
                   Con là tất cả ý niềm vui sống!          
          Xin thân tình chia sẻ nỗi vui và niềm hãnh diện  với những người con của mẹ Trinh Tiên như Nha Trang, Quy Hồng và Vĩnh Hữu, Vĩnh Hảo... Cũng xin chân thành tự hỏi những ai không may mắn có mẹ, hay không còn mẹ, có cảm thấy mất mát và ngậm ngùi tiếc nhớ nguồn sữa yêu thương như những giọt huyết ngà không? Cám ơn Trịnh Tiên, người nữ sĩ còn sót lại của văn chương tiền chiến. Cám ơn Quy Hồng đã cho thưởng thức bài thơ không tiền khoáng hậu của mẹ Trinh Tiên…



Saturday, May 2, 2020


ĐỢI NHÉ CỐ NHÂN ƠI!
Ngô Quốc Sĩ

          Sống trong dòng thời gian, con người có thể vui với hiện tại, nhớ tiếc qúa khứ hay hướng về tương để gửi gấm ước mơ. Riêng dân Việt, với nỗi buồn lưu vong nơi xứ người, với nỗi thất vọng trước hiện thực bi đát tại quê nhà, lại càng gắn chặt với qúa khứ đau thương như một mối hận khôn nguôi. Mối hận chất ngất đó đã tuôn trào thành những vần điệu cay đắng như những giọt nước mắt pha máu qua bài thơ “Thăm Mộ Cố Nhân” của Nguyễn Thanh Khiết.
          Vào thơ, tác giả đã mượn ly ruợu, không phải chén Hồ Trường của cuồng sĩ Nguyễn Bá Trác, lại càng không phải ly rượu mừng của Phạm Đình Chương, mà là  ly rượu tế để tưởng niệm hương hồn của người đã khuất, ngày nào ra đi tức tưởi không thể nhắm mắt. Tính cách bi đát tột cùng ở đây, là nhà thơ chỉ dành cho người qúa cố nửa ly thôi. Nửa ly còn lại xin dành cho chính mình, cho núi sông, cho đồng bào, cho thiên hạ hay hơn nữa cho cả đất trời, bởi lẽ tất cả đã chứng kiến nỗi đau chất ngất của dân Việt mà tiêu biểu là cái chết oan nghiệt của người  trai hùng từng ôm súng bảo vệ quê hương:
                   Tao rót cho mầy nửa ly thôi
                   Để nửa kia tế cáo đất trời
                   Tế thiên hạ, tế người cùng giống
                   Tế tao, tế mầy, tế núi sông.
          Có người đã bỏ nước ra đi tìm tự do, chấp nhận cuộc sống tạm dung trên quê hương thứ hai, với căn cước tị nnạn cộng sản, nhưng đã vội quên qúa khứ, chủ trương xóa bỏ hận thù, hòa giải hòa hợp với bên thắng cuộc. Với Nguyễn Thanh Khiết, người Việt không thể quên qúa khứ đau buồn, mà phải nhớ, nhớ thật rõ ngày tự do bị bức tử, ngày dân tộc tắt thở trong tủi nhục hờn căm:
                   Tao nhớ cái ngày ta thua trận
                   Giặc đuổi sau lưng, pháo nổ bầy
                   Một cái poncho gói mầy giữa núi
                   Đất đắp vội vàng lộ cả thây.
          Ngày ấy năm xưa, bao người trai Việt đã nắm xuống như những cánh sao rơi trong uất hận. Người may mắn còn sống, thì trở về như kẻ thua cuộc, gãy súng, chiến y tả tơi, bước chân rã rời giữa quê hương hoang tan đổ nát. Nỗi nhục nhã vô bờ đó không những làm hoen lấm đời trai thời loạn, mà còn làm nhơ nhuốc cả cuộc đời, và cả nơi tôn nghiêm linh thánh:
                   Ngày nầy năm đó mầy chết trận
                   Năm đó ngày nầy – tao kẻ thua
                   Nát áo về thành – thành đã mất
                   Nhục rửa làm dơ mấy cảnh chùa.
           Làm sao diễn tả được những nỗi đắng cay của người đã nhắm mắt ra đi cũng như người còn ở lại, cùng chia nhau một niềm đau và một nỗi tủi hờn dân tộc. Người sống mà như đã chết, chỉ biết tìm quên trong men say, nửa tỉnh nửa mê, cuộc đời chập chờn ảo ảnh:
                   Uống đi mầy uống nửa ly thôi
                   Chia với tao những đắng cay nầy
                   Mấy mươi năm – cái đời cơm áo
                   Tao sống còn – nửa tỉnh nửa say
          Tuy người sống  thương mình đang chết dở sống dở, nhưng thương mình thì ít mà thương người đã ra đi thì nhiều. Thật vậy, ngườiđã ra đi hồn tức tưởi nghẹn ngào, còn thân xác lại bị vùi giập vội vàng, không mộ bia, không hương khói, tuy  đã hy sinh tất cả cho đời, đã đem hết tâm huyết đền trả nợ nước thù nhà:
                   Chỉ tội thân mầy nằm ở đây
                   Mả lệch mồ xiêu đã bao ngày
                   Tấm bia vỏn vẹn hai cây chéo
                   Nợ nước thù nhà trả hai tay
          Như một hờn dỗi mỉa mai, tác giả đã nhắn nhủ người đi thôi cứ ngủ yên như thể vô niệm vô ưu, mặc cho đời hững hờ, cho rừng núi mưa gió thản nhiên, và nước non thay tên đổi chủ, trăm họ sống như đã chết, sống vô nghĩa, sống thừa:
                    Thì cứ nằm đây như lúc xưa
                   Mặc núi, mặc rừng, mặc gió mưa
                   Mặc nước, mặc non thay tên chủ
                   Mặc cho trăm họ sống như thừa
          Đáng mỉa mai hơn nữa là ngay cả những bạn bè đã bỏ xứ ra đi, chấp nhận cuộc lưu vong như một kẻ vô tổ quốc, nay cũng bị tha hóa, trở thành những đứa con hoang, sống vật vờ mất cả lý tưởng, quên cả khí phách, mất cả cội nguồn. Nói ra thì mất lòng, nhưng đành phải nói, vì thật tội nghiệp cho người đã nằm xuống, nghẹn ngào trong lòng đất mẹ tại quê nhà:
                   Mầy sẽ thấy bên kia phía biển
                   Đông lắm bạn bè bỏ xứ đi
                   Đứa giống con hoang – xin giữa chợ
                   Thằng như ở chực – chẳng ra gì
          Buồn cho hiện thực quê nhà vô vọng, cho hiện thực hải ngoại tha hóa vong thân, nhà thơ chỉ còn biết đi vào mộng tưởng để mơ về một khung trời huy hoàng, có mặt trời rực rỡ ánh vàng, có gió lùa mây bay và biển xanh dạt dào. Đó phải chăng là quê hương mơ ước? Đó phải chăng là đất nước thanh bình?
              Mai mốt nầy nếu có cơ may
                   Tao đưa mầy lên chỗ gần mây
                   Có biển xanh gió lùa vách đá
                   Mặt trời lên rực rỡ ngày ngày
          Rồi như một lời dặn dò tha thiết, nhà thơ đã nhờ người dưới mộ nằm yên đó như một gã cận vệ, canh giữ dùm giang sơn gấm vóc đang bị giày xéo bẳng dép râu, đang bị cứa nát bằng búa liềm, chờ ngày dân Việt đứng lên quang phục quê hương, dựng lại cờ vàng, mở hội hoa đăng:                
              Thôi kệ – nằm đây giữ dùm tao
                    Một cái giang sơn thấm máu đào
                    Một đời lá cờ ba sọc đỏ
                    Mấy đời vì nó – mấy đời đau
          Trước khi từ giã người dưới mộ, nhà thơ đã rót nốt nửa ly sau còn lại, rải khắp núi cao rừng thẳm, như thể những hạt mưa ân tình chan hòa nước mắt, khóc cho người đã nằm xuống cho quê hương. Những giọt mưa hồng pha máu sẽ bốc lên thành khói hương niệm hồn dân tộc:
              Tao rót thêm mầy nửa ly sau
                   Rải nửa ly nói với núi rừng
                   Bên mồ người trẻ – xưa chết trận
                   Bạn cũ về thăm dòng lệ rưng
          Thế đó! Người đã nắm xuống. Máu đã thấm vào lòng đất mẹ. Xin ngủ yên trong giấc ngàn thu, chờ ngày máu nở thành hoa, đúng như mơ ước của Nguyễn Chí Thiện ngày nào: “Máu ươm hoa hoa máu chan hòa. Hoa sẽ nở muôn nhà muôn vạn đoá..”