Thursday, January 31, 2019


HƯƠNG XUÂN THUỞ ẤY CÒN NGUYÊN

                                  Ngô Quốc Sĩ
          Xuân lại về!  Thiên nhiên thay áo mới với nhiều sắc màu thắm tươi. Nhưng lòng dân Việt thì vẫn ngỗn ngang khó tả mỗi khi xuân về!  Có một chút rộn rã phơi phới, nhưng cũng rất nhiều ngậm ngùi cay đắng, bởi lẽ xuân đất khách thì đầy tủi hận nhớ thương, còn xuân quê nhà thì lại tang tóc, tả tơi như xác pháo! Thi ca mùa xuân vì thế thường chuyên chở những tâm cảm xa xưa, khi đất nước còn thanh bình, khi quê hương chưa bị tra chân vào cùm đỏ. Lòng xuân nay chỉ còn như một kỷ niệm xa xôi, ghi khắc trong đời như một vỗ về qúa khứ, một nụ đào hồng thuở ấy xa xưa…
          Trước hết, hãy nghe Phạm Duy vẽ lại mùa xuân tươi xưa kia với tất cả những  nét mỹ miều, có nắng vàng,  cỏ non, hoa cười, và ong bướm bay lượn:
                             Xuân vừa về trên bãi cỏ non
                             Gió Xuân đưa lá vàng xuôi nguồn
                             Hoa cười cùng tia nắng vàng son
                             Lũ ong lên đường cánh tung trời
          Phạm Đình Chương cũng thấy mùa xuân năm nào tuôn tràn sức sống với nắng vàng ấm áp, khóm hoa nhẹ rung và môi cười thẹn thùng e lệ:
                                       Kìa trong vạt nắng
                                      Mạch Xuân tràn dâng
                                      Khóm hoa nhẹ rung,
                                      môi cười thẹn thùng
                                      cùng bao nguồn sáng 
          Xuân quê hương thắm tươi thuở ấy thật là xuân vui. Lòng người rộn rã hưng phấn, quên đi những buồn bã lạnh lẽo của mùa đông tuyết giá. Trịnh Lâm Ngân đã  ngồi quanh bếp lửa hồng, chờ bánh chưng nóng, mà nghe tiếng pháo rộn ràng, mà ngắm má đào hây hây gợn tình:
                             ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui
                             nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi
                             bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng
                             trông bánh chưng ngồi chờ sáng
                             đỏ hây hây những đôi má đào 
          Niềm vui mùa xuân xưa càng rõ nét hơn qua dòng nhạc Minh Kỳ, với tiếng  em bé cười khúc khích, tiếng chim ríu rít, với bóng dáng  tiên nga lã lướt trong tà áo xanh chen bông tím vàng:
                             Ngoài trời bao la xinh tươi bao cô gái đẹp cười trông xinh như hoa
                             Lập lòe tà áo xanh xanh chen bông tím vàng đẹp hơn tiên nga
                             Vài bầy em bé rúc rích, khúc khích tiếng cười rủ nhau vui ca
                             Từng đàn chim non xinh xinh tung bay khắp trời cùng ríu rít ca 
               
        Ngày ấy, nàng xuân đã mang niềm vui về trong tiếng ca, tiếng chào hòa tiếng pháo, làm cho mọi người cảm thấy cuộc đời đáng sống, tha thiết yêu đời yêu người:
                             Một bài ca đón chào mừng hòa theo tiếng pháo đì đùng
                             Mừng xuân nay đã về rồi và đông đã vượt qua
                             Ngập trời bao tiếng chào mừng, nàng xuân duyên dáng về rồi
                             Về gieo bao thắm tươi vui lòng ta thấy yêu đời 

          Với Phạm Đình Chương, những mùa xuân ấy đã xóa mờ sầu thương, mang niềm vui về với quê hương thái hòa, khơi dậy tình yêu đời chan chứa:
                             Xuân dâng niềm vui,
                             Cho ngày xanh không hoen lời than
                             Sầu thương xóa mờ
                             Tình yêu đời càng thêm chan chứa
                             Khát khao Xuân tươi thái hòa..
          Xuân xưa đáng yêu vì xuân còn là xuân tình, khơi dậy yêu đương trong bao con tim nồng cháy. Từ Vũ nhìn thấy mùa xuân trải lối trên dáng em ngà ngọc giũ lụa trên sông Vân:
                             Em như cô gái hãy còn Xuân
                             Trong trắng thân chưa lấm bụi trần
                             Xuân đến hoa mơ, hoa mận nở
                             Gái Xuân giũ lụa trên sông Vân
          Châu Đăng Khoa lại thấy lòng xuân rộn ràng, xuân mang tình yêu tới, làm cho hương xuân ngào ngạt, hoa xuân tươi thắm và hồn xuân ngất ngây:
                             Xuân mang niềm vui đến
                             Xuân mang tình yêu tới
                             Muôn chim hòa ca trong nắng mới
                             Hoa mai đào khoe sắc
                             Hương xuân tràn ngây ngất
                             Ta nghe trong lòng rộn ràng rất vui
                Từ Công Phụng còn cám ơn mùa xuân đã đưa em đến với anh, để hai ta cùng tựa vào nhau, lắng nghe những khúc nhạc tình thì thầm trong đất, trong hồn:
                             qua ... ngày buồn đã qua
                             vì đã có em trong cuộc đời này
                             em, ngồi đây với anh
                             cùng nhau lắng nghe
                             giòng sông đang thầm thì trong đất những khúc nhạc tình ...
          Một nét đẹp khác của xuân xưa là xuân đoàn viên. Nếu ngoài trời chim én đã ra đi mùa đông giá lạnh, nay rủ nhau về đón chào mùa xuân, thì trong đời, người người cũng quay gót trở về quây quần bên nhau để chia sẻ hân hoan, trao nhau lời chúc và vui hưởng bình yên, qua dòng nhạc Châu Đăng Khoa:
                             Xuân cho màu xanh lá
                             Con tim bình yên quá
                             Phương xa người về quê đón Tết
                             Ngân vang ngàn câu chúc
                             Cho gia đình sung túc
                             Hân hoan chào mùa xuân mới sang
  1.                 Còn gì tình nghĩa hơn khi xuân về, tay nắm tay, mắt nhìn mắt đắm say mà tưởng như thiên đường dành riêng cho đôi ta, qua dòng nhạc Từ Công Phụng:

                             tay này tay nắm tay
                             nhìn nhau đắm say
                             như chưa bao giờ
                             nghe chừng trong mắt nâu
                             hồn anh đã tan thành muà xuân ngọt ngào phủ ấm thiên đường đôi ta ...
          Thêm nữa, xuân thuở ấy mãi là xuân mơ. Hoài Linh đã đón xuân với bao hy vọng ắp đầy, với niềm tin vào tương lai tươi sáng, cho duyên tình nở hoa, cho đất mẹ bình yên, ruộng đồng đấy lúa và gia đình quấn quýt bên nhau:
                             Xuân đến mang cho một niềm tin
                             Đất mẹ vui bình yên
                             Ruộng cày thêm nhiều lúa
                             Hạnh phúc dâng triền miên
                             Se những mối lương duyên
                             Mái tranh chung bóng nguyệt
                             Gia đình lại đoàn viên

          Anh Bằng truyền cảm hơn, đã mơ mùa xuân về nắng vàng với gió lộng, hoa lá đâm chồi, đường vui và mộng đẹp trên quê hương nhung gấm:
                             Anh nâng mầm chồi
                                                Em chuốt nắng vàng.
                             Đường vui naу bước thênh thang.
                             Tâm hồn lộng gió em ơi xâу đẹp mộng ước tương lai
          Vẫn biết quê hương Việt Nam hôm nay không có mùa xuân, chỉ còn mùa đông lạnh giá. Vũng Áng thổn thức. Phan Rí ngậm ngùi. Thủ Thiêm tan tác. Vườn Rau Lộc Hưng đổ nát hoang tàn...Nhưng  như  xin mọi người lắng đọng tâm hồn, cùng nâng ly rượu mừng với Phạm Đình Chương để chúc quê hương thanh bình, dân Việt ấm no hạnh phúc, vui hưởng tự do: 
                             Nhấc cao ly này
                             Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
                             Nước non thanh bình
                             Muôn người hạnh phúc chan hoà
 

                                                                        Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
                             Hương thanh bình dâng phơi phới..

                Hương thanh bình dâng phơi phới! Đó là xuân quê hương thuở ấy, và sẽ là xuân quê hương sắp tới khi không còn bóng dáng qủy đỏ trên đất nước thân yêu..                  





                            

Thursday, January 24, 2019


                                                     
XUÂN NHỎ LỆ
TRÊN GẠCH VỤN HOANG TÀN

Ngô Quốc Sĩ
                Mùa xuân là mùa tươi vui với thông điệp an bình, hy vọng và đoàn tụ. Dân Việt tại quê nhà, cũng như nơi đất khách tạm dung, đều nô nức chào đón xuân về với những ước mơ tròn đầy. Nhưng buồn thay! Tại quê hương dấu yêu, mùa xuân đã tàn héo trên vùng  đất chết, với bao oan khiên đổ xuống trên đầu dân Việt. Các nhà đấu tranh dân chủ nối nhau vào tù với những bản án phi lý bất công và bất nhân. Dân oan vẫn kéo lê cuộc sống trên vỉa hè, nơi công viên, cạnh bờ hồ. Tiêu biểu nhất là cư dân Vườn Rau Lộc Hưng vừa bị cưỡng chế nhà cửa  đất đai, trở thành vô gia cư, sống cảnh màn trời chiếu đất khi xuân  về. Hoàn cảnh khốn khổ và nỗi oan ức đó đã được Trúc Hồ trải lên dòng nhạc đấu tranh mang tên “Mẹ Ơi Xuân Này Con Không Nhà” làm bao con tim rụng rời..
          Như mọi người đều biết, ngày 4 tháng 1 năm 2019, nhà cầm quyền cộng sản Tân Bình đã cho trên 400 công an cảnh sát với súng ống dùi cui và xe ủi tới san bằng 468 căn nhà và nghiền nát vườn rau tươi tốt làm kế sinh nhai của dân di cư từ miền Bắc năm 1954. Nơi đây cũng có một số thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa tá túc với sự nâng đỡ của Dòng Chúa Cứu Thế. Tiêu biểu nhất là gia đình cô Phạm Thanh Nghiên, mới ra khỏi tù cộng sản, về đây dựng lại cuộc sống sau những ngày bị tước đoạt quyền sống.
          Vào nhạc, Trúc Hồ đã gióng lên tiếng kêu thất thanh của người dân Vườn Rau Lộc Hưng, trước cảnh nhà cửa bị cộng sản cày nát thành gạch vụn, bước vào thảm cảnh dân oan:
                   Mẹ ơi xuân này con không nhà
                   Giờ đây chợt nhà tan cửa nát
                   Vì ai vì ai đau thương lan tràn
                   Vì ai vì ai nước Việt lầm than
          Con kêu mẹ. Nhưng mẹ là ai và con là ai? Không nói thì mọi người đều biết, con mẹ là những nạn nhân hôm nay tại Lộc Hưng. Con mẹ cũng chính con dân đất Việt rải rác năm châu, trong nước cũng như ngoài nước. Còn mẹ con là Mẹ Việt Nam, mẹ Âu Cơ ngàn thương, và cũng là mẹ Quan Âm từ ái, mẹ Maria từ nhân.. Trăm con Việt đã cố kết với nhau trong bọc mẹ trăm trứng, quây quần bên mẹ thánh linh thiêng. Đàn con của mẹ hôm nay, đứa lang thang nơi xứ người, đứa vất vưởng tại quê nhà, bị cộng sản cướp bóc đọa đày trong gông cùm nghiệt ngã. Còn hỏi ai đã làm nhà tan cửa nát, gây đau thương lan tràn và làm cho nước Việt lầm than, thì nào còn ai ngoài bọn cộng sản, lũ con hoang đã đánh mất chất người, mất nhân tính, biến thành hoang thú hút máu người..
          Trong đàn con của mẹ là nạn nhân, trước tiên phải kể đến tuổi thơ Việt Nam đang bị chế độ cướp mất tương lai và lẽ sống. Trúc Hồ cảm thấy buốt nhức nhìn những em bé run rẫy trên tay mẹ lạnh cóng, đâu dám mơ chuyện khoe áo mới, mừng tuổi lì xì ngày xuân! Tương lai tuổi trẻ đi vào ngõ cụt. Đó chính là thảm nạn văn hóa Vũng Áng kéo dài hàng thế hệ đã làm cho Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp thổn thức. Nay thảm nạn Lộc Hưng cũng đã làm Trúc Hồ quặn thắt:
                   Mẹ ơi nhìn con thơ không nhà
                   Lòng con quặn đau từng cơn đau tới
                   Vì ai vì ai quê hương điêu tàn
                   Mẹ ơi xuân này người người không nhà
          Bên cạnh trẻ thơ bơ vơ, còn biết bao dân oan uất nghẹn. Họ là những người dân hiền lành chất phác, chỉ biết sống với ruộng vườn, với đàn gà chắt chiu như bà mẹ quê của Phạm Duy. Họ còn là những bà mẹ chiến sĩ, ân nhân của chế độ, đã từng bao che cho con cháu nằm vùng, tiêu biểu như cụ bà Lê Hiền Đức. Nay họ đã trở thành dân oan, bị cướp đoạt cửa nhà, ruộng vườn tài sản, bị đẩy ra khỏi quê hương nông thôn, sống lây lất nơi đầu đường xó chợ. Cư dân Vườn Rau Lộc Hưng hôm nay, một sớm một chiều cũng đã trở thành dân oan như Pham Thanh Nghiên đã xác nhận:Chúng tôi phải mặc trên mình không chỉ thân phận tù đày, bách hại, oan ức, mà còn là thân phận của những dân oan mất đất và một phần thân phận của đồng bào Miền Nam trong biến cố đau thương 1975.” Ở đây, Trúc Hồ đã thấm thía nỗi đau của dân oan khi gió mưa về trong cảnh màn trời chiếu đất:
                   Một kiếp dân oan biết về đâu khi đêm mưa về
                    Lắng nghe trong tim nỗi đau gần một thế kỷ
                   Nước mất nhà tan hư hao suốt một đời
                   Trời đất tan hoang xuân này con không nhà, mẹ ơi!
          Đáng thương nhất là những thương phế binh, đã hy sinh một phần thân thể, cánh tay, đôi chân, con mắt cho quê hương, nay cũng bị cộng sản cướp mất chút bám víu cuối cùng nơi cọng rau ngọn cỏ! Cộng sản đã ngoảnh mặt trước sư hy sinh của cá chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa tại Hoàng Sa năm 1974, đã bỏ quên hàng ngàn chiến sĩ miền Bắc đã bỏ xác trong trận chiến biên giới 1979. Cộng sản cũng đã làm ngơ trước sự hy sinh của các chiến sĩ hải quân miền Bắc tại Trường Sa năm  1988, Nay cộng sản lại cướp nốt chút hơi ấm còn lại của các thương binh tại Vườn Rau Lộc Hưng:
                   Người lính thương binh làm sao khi đêm mưa về
                   Lằng nghe trong tim nỗi đau gần một thế kỷ
                   Nước mất nhà tan hư hao một đời
                   Một kiếp thương binh xuân này không nhà, mẹ ơi!
          Thương cho trẻ thơ không nơi nương tựa. Thương cho dân oan vất vưởng điêu đứng. Thương cho thương phế binh mất nốt chút an ủi cuối cùng, Trúc Hồ đã chấp tay nguyện cầu mẹ thấu hiểu nỗi đau chất ngất của toàn dân Việt trong gông cùm của loài qủy đỏ.
                             Mẹ ơi có thấu nỗi đau không nhà
                             Mẹ ơi có thấu nỗi đau không nhà
          Mẹ thấu không? Mẹ ơi mẹ Việt Nam! Mẹ ơi mẹ thánh linh thiêng! Dân Việt mang nỗi đau không nhà. Dân Việt đang bị lưu đày trên chính quê hương mình. Xin mượn lời học giả Đường Thi Cao Phương Kỷ, vừa tạ thế, dâng lời nguyện “Xin mẹ cứu nước con..” Hãy cùng với Trúc Hồ cất tiếng hát “Mẹ ơi có thấu nỗi đau không nhà “ và cùng toàn thể  dân Việt nguyện cầu “Mẹ  ơi đoái thương xem nước Việt Nam…” 
         



Thursday, January 17, 2019


CỌNG RAU LỘC HƯNG

Một cọng rau nghiền nát
Bao thân xác tím bầm
Một làn môi mặn chát
Nghìn khóe mắt cuồng thâm

Một căn nhà kéo sập
Tan nát cả gia đình
Một mẹ già tay chấp
Ai gây nên tội tình?

Một em bé khát sữa
Suối thương đã cạn dòng
Một tiếng nấc uất nghẹn
Con tim ruớm máu hồng

Một mũi súng chỉa thẳng
Áo nâu sờn thất thanh
Một bàn tay buốt nhức
Vò nát triệu hờn căm

Một ánh mắt rực lửa
Thách đố với bạo cường
Một lời nguyền sắt thép
Quyết rửa sách tai ương

Một ước mơ nhỏ bé
Đất sống dậy men nồng
Hô vang lời sát thát
Tiêu diệt lũ cuồng ngông

                   Ngô Đức Diễm






Monday, January 14, 2019


NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT
NHỎ XUỐNG VƯỜN RAU LỘC HƯNG

                                               Ngô quốc Sĩ
          Ngày 4 tháng 1 năm 2019, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã điều động trên 400 công an cảnh sát với súng ống và xe ủi đến cưỡng chế khu Vườn Rau Lộc Hưng, nơi sinh sống của đồng bào dư cư từ miền  miền Bắc năm 1954. Gần 200 ngôi nhà đã bị san bằng thành gạch vụn trước tiếng gào thét kêu cứu của người dân thấp cổ bé miệng. Hành động cướp đất vô lý và bất nhân đó đã làm dư luận phẫn nộ tột cùng và nhiều người đã lên mạng chia sẻ những thương cảm và phẫn uất đến nghẹn lời.
          Theo lời trần tình của anh Cao Hoài Trực, một cư dân sinh sống tại đây từ năm 1954, khu đất Vườn Rau Lộc Hưng đã được Hội Thừa Sai Paris hiến tặng cho đồng bào di cư làm nơi sinh sống sau khi bỏ lại ruộng vườn ngoài Bắc vào Nam tìm tự do. Đó là quyền sở hữu hợp pháp, và từ đó tới nay, không ai đặt vấn đề chủ quyền đất đai của khu vuờn. Nay nhà cầm quyền Tân Bình ngang nhiên cưỡng chiếm khu đất này, hiển nhiên là hành động ăn cướp thực sự, bất chấp công lý và quyền tư hữu của nguời dân.
          Nói đến sự quan tâm của dư luận, thì trước hết phải cám ơn Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, tân Giám Mục giáo phận Hà Tĩnh đồng thời là Chủ Tịch Ủy Ban Công Lý Hoà Bình Việt Nam, Đức Giám Mục Hoàng Đức Oanh đã đến thăm ủy lạo các nạn nhân màn trời chiếu đất.  Linh Mục Phạm Trung Thành, nguyên Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế cũng lên xe đến thăm đồng bào trong cơn khổ nạn, nhưng đã bị công an chận lại, phải quay xe trở về! Riêng nhà thơ Đỗ Trung Quân, tác giả “Quê Hương là Chùm Khế Ngọt” có vẻ dị ứng với nhiều người, cũng biểu tỏ một thương cảm sâu xa với đồng bào trong cảnh khốn khó: “Tết này ai tổ chức nấu bánh chưng , bánh tét cho đồng bào lộc hưng tôi xin tham gia . Tôi khinh bỉ bọn cường quyền . Chỉ đơn giản thế. Hãy nổi lửa những nồi bánh chưng bánh tét giữa Lộc Hưng đổ nát. Hãy chia sẻ cùng đồng bào khốn khó. Đừng để một ai đã không còn nhà cửa mà phải đói khi tết đến”
          Đồng cảm với nhà thơ Đỗ Trung Quân, Bắc Phong đã thẳng thắn lên án hành động ăn cướp trắng trợn của nhà cầm quyền cộng sản với những vần điệu thật cay độc:
                   ai về vườn rau Lộc Hưng
                   coi quân cướp đất không ngừng thi công
                   phá sập nhà cửa nhân dân
                   theo lệnh đầu đảng ngông nghênh cướp ngày
          Lời thơ của Bắc Phong đã phản ảnh đúng nỗi lòng của Phạm Thanh Nghiên, một trong những nạn nhân bị cuỡng chiếm tại Lộc Hưng, mới thoát cảnh tù đày, dành dụm chắt bóp dựng lại cuộc sống, nay thành dân oan không cửa không nhà: Chúng tôi phải mặc trên mình không chỉ thân phận tù đày, bách hại, oan ức, mà còn là thân phận của những dân oan mất đất và một phần thân phận của đồng bào Miền Nam trong biến cố đau thương 1975.”
          Còn niềm bất hạnh nào hơn khi xuân về tết đến, mà người dân bỗng nhiên trở thành kẻ vô gia cư, trắng tay, ngồi trên đống gạch vụn mà thương tiếc than khóc. Không biết tiếng khóc dân oan Lộc Hưng, hòa với tiếng khóc dân oan khắp miền khắp chốn từ Nam chí Bắc có thấu Trời chăng? Bắc Phong than thở:         
                   cướp đất đập đổ bàn thờ
                   trong ngày giỗ Tết chẳng chờ sang Giêng
                   thất nhân ác đức bạo quyền
                   cả lò Cộng Sản đáng nguyền rủa không?
          Hỏi là để mà hỏi thế thôi! Chứ ai mà chẳng biết cộng sản thật đáng nguyền rủa muôn đời. Nếu Putin, cựu trùm KGB hiện là Tổng Thống Nga mà còn mắng chửi cộng sản thậm tệ “Kẻ nào tin những gì cộng sản nói là không có cái đầu. Kẻ nào làm theo lời cộng sản là không có trái tim”. Qủa thế, cộng sản là những “con người khổng lồ đầy gân thiếu trái tim”, những “bộ máy chém giết”, đúng như nhận xét của Nhân Văn Giai Phẩm trước kia, cũng như Nguyên Hồng hôm nay trước biến cố Vườn Rau Lộc Hưng: “Người dân Vườn Rau Lộc Hưng vô gia cư trên chính đất của mình. Đại nạn cướp đất kéo theo biết bao nạn nhân bao giờ mới thôi trên đất nước này? Dân oan có ở thành thị và ở cả nông thôn, từ bắc chí nam, khắp cả nước! "Hậu hôn điền thổ vạn cổ chi thù". Để xem chế độ này đùa được bao lâu với quả bom mang tên Đất đai.”
          Lê Vũ không dấu nổi nhạc nhiên khi nhìn thấy cảnh tượng cướp bóc và đàn áp giữa thanh thiên bạch nhật do chính những người vỗ ngực tự xưng là đại diện của dân, hay hơn nữa là đầy tớ của dân:
                   Ôi thời hoà bình mà “Chiều đi qua vườn rau
                   tôi vẫn thấy người ta bồng bế nhau chạy trốn”
                   Chẳng lẽ đây là điều “Thoả lòng Bác mong” sao?
                   Con dân Viêt Nam bao giờ hết khổ,
                   đây nước bao giờ mới thật sự bình yên !
                   Không còn người chạy trốn trên chính quê hương mình
          Trần Anh Tuấn còn mạnh dạn hơn, thẳng thắn tố cáo tội ác của cộng sản xâm lăng miền Nam, suốt 43 năm đày đọa dân Việt, với chủ trương vơ vét cho đầy túi tham để xây ngai vàng đao phủ, mặc kệ dân khổ dân chết. Dân Việt chỉ mong có ngày diệt sạch bè lũ tham tàn:
                   Đã là một lũ cướp rồi
                   Thì khi có dịp ối thôi chẳng từ
                   Bốn ba năm lẻ ...tháng tư
                   Miền Nam bị cướp khổ chừ...đến nay
                   Khổ nầy uất hận cam lai
                   Mong sớm có ngày diệt sạch cướp kia
          Còn gì mỉa mai hơn lời thơ của Xuân Hương, đã không ngại tặng cho đảng cộng sản danh hiệu là đảng cướp, cướp ngày cướp đêm, cướp luôn ngày nghỉ và cướp luôn cả đời!
                   Cướp ngày không đủ tranh thủ cướp đêm .
                   Nếu thấy không êm , cướp ngay ngày nghỉ.
                   Nếu thấy chưa phỉ ..cướp luôn cả đời 
          Nay thì cư dân Vườn Rau Lộc Hưng đang khiếu kiện để đòi công lý. Nhưng trong hệ thống luật rừng của cộng sản Việt Nam, đâu có công lý mà mà kiện mà đòi?  Nói là đất đai là sở hữu của toàn dân,  nhưng nhà nước quản lý. Thế là dân làm chủ bánh vẽ, bởi lẽ nhà nước toàn quyền cưỡng chế, cướp bóc, trấn lột. Dân chỉ có quyền vỗ tay trắng, nuốt oan khiên kêu trời chẳng thấu ..




                  

Thursday, January 10, 2019



   XUÂN ĐẤT KHÁCH                                                                              Ngô Quốc Sĩ
          Mùa xuân tha hương lại trở về với trên 3 triệu dân Việt nơi đất khách quê người. Thấm thoắt đã 43 năm sống xa quê hương, lòng dân Việt vẫn ngậm ngùi chua xót, nhớ về những xuân xưa mà tiếc mà thương, rồi lại nghĩ đến mùa xuân nay mà buồn mà tủi. Tiêu biểu như Thanh Nam với  Thơ Xuân Đất Khách”  Trần Trung Đạo với “Xuân đất khách” và  Bùi Giáng với  Chào Nguyên Xuân,”  đã chuyên chở niềm tâm cảm rã rời của dân Việt vì hoàn cảnh, phải rời bỏ quê hương, để lại sau lưng tất cả những gì thân thương nhất, trân qúy nhất, để đổi lấy hai chữ Tự Do đắt giá!
          Mang thân phận lưu vong với tâm thức lưu đày, Thanh Nam đã kéo lê kiếp sống bền lề thời gian như kẻ lạc loài với thân phận bọt bèo trôi giạt Đông Tây, với cả gánh ưu tư, cả một trời xót xa:
                   Trôi giạt từ đông sang cõi bắc
                   Hành trình trơ một gánh ưu tư
                   Quê người nghĩ xót thân lưu lạc
                   Đất lạ đâu ngờ buổi viễn du
          Nhất là cuộc sống mới, tuy thật sự có tự do và cuộc sống sung túc, nhưng lại chất chứa bao tủi nhục đắng cay, với tâm trạng ăn nhờ ở đậu, với nỗi cô đơn ê chề của một chiến sĩ bại trận:
                   Thức ngủ một mình trong tủi nhục
                   Dặm dài chân mỏi bước bơ vơ
                   Giống như người lính vừa thua trận
                   Nằm giữ sa trường nát gió mưa
          Tủi nhục với tâm trạng bơ vơ lạc loài đã đành, mà còn tủi nhục hơn, là tên cúng cơm cha mẹ đặt cho lúc chào đời cũng mất luôn, và tiếng mẹ phải lùi dần vào dĩ vãng, nhường chỗ cho tiếng lạ ngu ngơ:
                   Đổi ngược họ tên cha mẹ đặt
                   Học làm con trẻ nói ngu ngơ
                   Vùi sâu dĩ vãng vào tro bụi
                   Thân phận không bằng đứa mãng phu
          Oái oăm nhất là muốn quên mà không được! Càng muốn quên lại càng nhớ mồn một, bởi lẽ vết thương chưa thể thành thẹo, mãi còn rỉ máu. Hình ảnh chiến trường đẫm máu còn nguyên trong ngày đêm thức ngủ:

                   Khép mắt cố quên đời chiến sĩ
                   Làm thân cây cỏ gục ven bời
                   Chợt nghe từ đáy hồn thương tích
                   Vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa .
          Nhớ sa trường, nhớ mình một thuở tung hoành, nhưng nhớ nhất là nhớ quê hương khổ đau và các đồng đội đã thề sống chết bên nhau, nay mất nhau vĩnh viễn!
                   Ơi hỡi quê hương, bè bạn cũ
                   Những ai còn mất giữa sa mù
                   Mất nhau từ buổi tàn xuân đó
                   Không một tin nhà, một cánh thư

          Sống đời tạm dung, có người chủ trương quên đi qúa khứ để hội nhập vào cuộc sống mới và xây dựng tuơng lai con cháu nơi miền đất hứa. Nhưng Thanh Nam khác hẳn. Hoàn cảnh đã cướp mất mùa xuân của dân Việt. Từ năm 75, đất mẹ đã chết với búa liềm cờ đỏ, và thời gian cũng chết với uất hận tháng Tư:
                   Biền biệt thời gian mòn mỏi đợi
                   Rối bời tâm sự tuyết đan tơ
                   Một năm người có mười hai tháng
                   Ta trọn năm dài Một Tháng Tư !
          Đau đớn nhất là dân Việt đã phải chấp nhận thân phận kẻ thua cuộc một cách qúa phi lý! Bao xương máu đổ ra, bao chiến thắng lẫy lừng, tinh thần chiến đấu ngút ngàn như Phù Đỗng, thế mà đành buông súng đầu hàng trong nhục nhã. Hai mươi năm chiến đấu kiên cường, rốt cuộc tự do đã rẫy chết trong vỏn vẹn 52 ngày! Trách ai thì cũng đã muộn, chỉ còn biết khóc thương cho vận nước, cho cái giá của Tự Do qúa đắt!
                    Canh bạc chưa chơi mà hết vốn
                   Cờ còn nước đánh phải đành thua
                   Muốn rơi nước mắt khi tàn mộng
                   Nghĩ đắt vô cùng giá Tự Do !
                Đồng cảm với Thanh Nam, Trần Trung Đạo cũng  cảm đã âm thầm nhỏ lệ nhớ quê hương khi xuân về, với tâm trạng chim én lạc đàn xa tổ ấm:
                   Ai có về bên kia đất nước
                   Thở dùm tôi hơi ấm quê hương
                   Tôi, con én lạc mùa xuân trước
                   Vẫn khóc âm thầm nơi viễn phương 
          Trong lúc người ta hớn hở nâng ly ruợu mừng, thì tác giả một mình nghĩ tới thân phận lưu vong với tấm áo bạc màu, với xác pháo tả tơi, khẻ nhấp chén đng cay mà nhớ quê hương khổ đau:
                    Lòng tôi cũng bạc theo màu áo
                   Chiếc pháo giao thừa đã tả tơi
                   Chén rượu mừng xuân tôi chẳng uống
                   Chỉ uống đêm nay những ngậm ngùi.
          Ngậm ngùi vì thương nhớ quê hương bỏ lại. Đã xa rồi nơi thân thương đó, có tiếng mẹ cười, có em tha thướt trong áo lụa hồng thuở ấy..
                   Ðèn ai thắp sáng bên kia phố
                   Nhớ quá, chao ôi, tiếng mẹ cười ..
                   Hỡi em, cô gái mùa xuân trước
                   Còn đứng hong khô áo lụa hồng 
          Và nhất là nhớ chiếc bánh chưng xanh đượm tình dân tộc, với lời chúc xuân tình nghĩa đầm ấm:
                   Bếp lửa than hồng sao chẳng ấm
                   Tôi thèm một chiếc bánh chưng xanh
                   Thèm nghe ai nói lời tha thiết
                   Một lời chúc tụng bước sang năm 

          Bùi Giáng cũng trải vào thơ những vần điệu tha thiết khi xuân về trên đất khách, với hồng tàn lệ khóc như thể niềm đau bạc mệnh:
                   Xin chào nhau giữa làn môi 
                   Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam 
                   Thưa rằng bạc mệnh xin kham 
                   Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây 
          Xa quê hương, dân Việt nhìn nhau, chào nhau nơi đất khách, mà tâm hồn thì vẫn ở nơi đâu, thật xa xôi bên kia bờ đại dương:
                   Xin chào nhau giữa bụi đầy
 
                   Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu 
                   Hỏi rằng: người ở quê đâu 
                   Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà 
          Nói chung, dân Việt tị nạn vì hoàn cảnh đã chọn đất người làm quê hương, nhưng đó chỉ là quê hương tạm dung. Quê hương đích thực vẫn là quê hương bên kia bờ đại dương, nơi trở về của dân Việt, vì chỉ nơi đó mới có mùa xuân dân tộc tươi nở khi không còn bóng dáng thù trong giặc ngoài, như  tâm nguyện của Trần Trung Đạo:

                   Tôi sẽ về để sống với quê hương
                   Mai tôi chết xin làm phân nuôi đất.
          Xin Trời Đất chúc phúc cho ước nguyện đầu xuân của dân Việt, sớm thấy quê hương tự do thanh bình..