Sunday, September 29, 2019


ĐẤT NƯỚC MÌNH BI THẢM ĐẾN THẾ SAO?
Ngô Quốc Sĩ

          Đất nước tôi hôm nay ra sao? Đất nước tôi còn hay đã mất? Đất nước tôi sẽ đi về đâu? Đó là những câu hỏi làm nhức buốt tim óc tất cả những ai còn tha thiết với tiền đồ tổ quốc. Cô giáo Lam thổn thức nhìn thấy đất nước hôm nay qúa bi thảm khi “sinh mạng con người chỉ như cái móng tay” bên cạnh tượng đài nghìn tỷ, bánh chưng kỳ vĩ. Trần Văn Lương tím gan trước hiện thực “Kẻ sống sót đã đành cam chịu khổ,Người chết sao cũng khốn khó trăm đường”. Riêng Thùy Dung được tặng cho cái tên khá ngộ nghĩnh “cô bé bán bánh mì”, cũng đã bày tỏ nỗi lòng chua xót, qua những vần thơ mộc mạc chân chất, không trau chuốt gọt dũa, như thể văn chương dân gian, thấm đượm tình quê, tình nước và tình nguời.
          Mở đầu bài thơ “Đất Nước Tôi Hôm Nay”, Thùy Dung đã biểu tỏ mối đồng cảm vơi cô giáo Lam trước hiện thực đất nước câm lặng một cách khó hiểu. Anh Bằng đã kêu gọi dân Việt “Đừng im tiếng mà phải lên tiếng” trước cảnh nước mất nhà tan. Trúc Hồ cũng đã hô hào dân Việt “Đứng lên đáp lời sông núi”. Còn với Thùy Dung, tuổi trẻ Việt Nam đang đứng trước một hiện thực thậtsự vô vọng. Người hiền vắng bóng, mà dân chúng thì im lìm như thế án binh bất động! Thật mỉa mai! Bất công dẫy đầy, công lý bị chà đạp, đất nước điêu linh, nhân dân khốn khổ, mà dân Việt vẫn im lìm như người ngoại cuộc, chẳng khác gì những “con chó câm” mà Đức Giáo Hoàng Benedict 16 đã lên án, không dám sủa trước bọn gian tà lộng hành, tác yêu tác quái:
                   Đất nước tôi hôm nay
                   Dân tình không chịu lớn
                   Tuy không còn bú mớm
                   Nhưng chẳng biết kêu la
                   Trước chế độ gian tà
          Trần Nhân Tông đã từng nhắn nhủ con cháu “không để một tấc đất của tổ tiên lọt vài tay giặc”.  Lê Lợi đã lên án “bọn gian tà còn bán nước cầu vinh.” Thế mà hôm nay, lũ con hoang lại nhẫn tâm đem gia tài của mẹ dâng hiến cho ngoại bang! Nhìn lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo, tài nguyên lọt vào tay giặc, cô bé Thùy Dung đã phẫn nộ thốt lên:
                   Đất nước tôi hôm nay
                   Biển đảo mất rồi đấy
                   Thằng Trung Cộng nó lấy
                   Hay đảng dâng hai tay
?
          Đối với ngoại bang thì nhẫn tâm bán nước. Còn đối với dân mình thì tàn ác bất công và bất nhân. Dân oan bị cướp sạch ruộng vườn nhà đất. Gái tơ bị bán làm nô lệ tình dục. Trai tráng bị còng tay nhốt vào ngục tù chỉ vì biểu tỏ lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền và độc lập của dân tộc. Dân Việt bó tay trước bất công và bất nhân, một phần vì bị cộng sản  đe dọa trấn áp, nhưng phần lớn chỉ vì thái độ cầu an, sợ mất chén cơm hằng ngày khi cộng sản cho nới lỏng bao tử như một ân huệ của đảng!
                   Đất nước tôi hôm nay
                   Bất công nhiều thật đấy
                   Dân tôi nhiều người thấy
                   Nhưng cũng đành bó tay?
          Thêm vào đó, đất nước đang bên bờ vực thẳm với những món nợ khổng lồ. Nếu hỏi nợ ai, thì xin thắng thắn trả lời là nợ Tàu, người cộng sản đàn anh đóng vai chủ nhân quan thầy, tước đoạt chủ quyền, độc lp và hạnh phúc của dân Việt, mà vẫn rêu rao là  Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt và đối tác tốt”! Nếu hỏi nợ gì, thì xin thưa, nợ xương máu khi quân Trung cộng giúp cộng sản Việt Nam chiến thắng Điện Biên Phủ, khi quân đội Bắc Kinh tràn vào miền Bắc giữ nhà cho “bộ đội cụ Hồ” vào xâm lăng miền Nam. Đó là chưa nói đến nợ tiền nợ bạc về vũ khí đạn dược và chiến cụ, quân trang quân dụng, giúp quân đội miền Bắc chiến thắng miền Nam. Còn phải nói thêm món nợ chính trị đối với quan thầy Bắc Triều, đã làm chỗ dựa cho bọn thái thù Hà Nội giữ ghế giữ đảng, chễm chệ ngồi tại Bắc phủ, vỗ ngực tự hào là kẻ chiến thắng, sống phè phỡn trên xương máu đồng bào!
                    Đất nước tôi hôm nay
                   Nợ công nhiều thật đấy
                   Nhiều như quân nguyên vậy
                   Dân tôi mấy người hay ?
          Đáng nói nhất là người dân hôm nay là nạn nhân của chế độ dối trá bạo lực với bao nỗi bất hạnh chất ngất. Nhưng hình như nguời dân đã bị thuần hóa, chấp nhận thân phận đọa đày như lẽ đương nhiên, chẳng còn cảm thấy bất bình nói chi đến phản kháng? Võ Thị Hảo đã biểu tỏ sự thất vọng đó khi cho rằng, hôm nay người dân chỉ mong con dao cộng sản đang kề cổ cùn đi một chút để cái chết đến chậm hơn, hầu có thể sống thêm ít năm, mà không nghĩ tới chuyện chung sức bẻ gãy con dao oan nghiệt đó! Ở đây, Thùy Dung cũng ghi nhận thái độ vô thức đến mê muội của người dân như thể bị bịt mắt với con tim đã hóa đá:
                   Đất nước tôi hôm nay
                   Dân tôi khổ thật đấy
                   Quyền ,tiền cộng sản lấy
                   Dân tôi vẫn chẳng hay ?

          Nhìn quanh nhìn quất, Thùy Dung chẳng còn tìm thấy tia hy vọng nào như ánh sáng cuối đường hầm, vì tất cả đang chìm vào giấc ngủ, ngủ thật say, không biết để quên hay để khỏi nhìn thấy hiện thực đau buồn. Bùi Minh Quốc không thể ghìm cơn mửa khi quay mặt bất cứ phía nào, nghĩa là nhà thơ còn tỉnh thức để cảm nhận niềm đau dân tộc. Còn Thùy Dung thật sự tê điếng khi nhìn thấy dân Việt ngủ say đến độ đánh thức hoài cũng không chịu tỉnh dậy! Đó là cơn mê lịch sử. Đó là nỗi chết trong tâm hồn và thể xác của thời sử đen:
                   Đất nước tôi hôm nay
                   Dân ngủ say thật đấy
                   Gọi hoài không chịu dậy
                   Buồn cho dân tộc này ?
          Thật đáng buồn bởi lẽ đất nước này đã thật sự không còn. Nếu Việt Khang hỏi “Việt nam còn hay đã mất?” Thùy Dung thẳng thắn trả lời “Việt Nam sắp mất” và dân Việt đang bước vào vòng nô lệ mới sau khi đã thoát vòng nô lệ ngàn năm!
                   Đất nước tôi hôm nay
                   Sắp mất thật rồi đấy
                   Tương lai dân tộc này
                   Nô lệ bạn có hay ?
          Thử hỏi, trước hiện thực bi đát của đất nước mà dân Việt mãi ngủ say như thế, thì còn hy vọng nào không? Tuy thất vọng thấy dân Việt ngủ say cả đêm lẫn ngày, nhưng cô bé bánh mì vẫn muốn gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh. Một khi dân Việt tỉnh dậy, nhận thức bộ mặt phản bội và bản chất độc ác tàn bạo của cộng sản, cũng như thân phận đọa đày của mình, thì đất nước sẽ đổi khác. Nhất là khi “người chiến sĩ tháng Tám” của Bùi Minh Quốc nhận thức được hiện thực “tự do bị vỡ nợ”  quyết định quay mũi súng, thì ánh nến phục sinh đã lóe sáng. Niềm hy vọng tuy mong manh, nhưng vẫn lóe sáng giữa đêm đen..

         


Thursday, September 26, 2019


SỰ THẬT KHÓ NÓI MÀ PHẢI NÓI
Ngô Quốc Sĩ

            Dân Việt tha hương, ai cũng thương nhớ quê cha đất tổ, ao ước trở về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn. Nhưng có một sự thật khó nói, nhưng phải nói ra, đó là hiện tượng một số người Việt tỵ nạn đã vội quên qúa khứ tủi hận của dân tộc, trở về không phải để thăm nhà, mà để vui chơi, rồi còn chụp hình những cảnh gọi là đổi mới phồn vinh, đem ra hải ngoại khoe khoang hãnh diện! Hiện tượng lố bịch đó đã làm cho Trần Văn Lương bực bội, thốt lên lời nhắn nhủ tha thiết nhưng không kém mỉa mai chua cay qua bài thơ “Đừng Khoe Tôi, hãy Chụp Dùm Tôi”.
          Vào thơ, Trần Văn Lương đã thẳng thắn lên án thái độ vô ý thức của một số người, nhẫn tâm quay mặt đi trước những khổ đau chất ngất của dân tộc, về Việt Nam hưởng thụ, lại còn dám mang những hình ảnh phồn vinh giả tạo từ địa ngục ra khoe với bà con hải ngoại:     
                    Đừng khoe tôi, hỡi người bạn tài hoa,
                   Những tấm ảnh mang ra từ địa ngục,
                   Nơi bạn mới về rong chơi hạnh phúc,
                   Dù bao người vẫn tủi nhục xót xa.
          Nếu có ai hỏi khoe những gì, thì đây, tác giả đã liệt kê những cảnh tượng gọi là đổi mới, phố xá có vẻ huy hoàng mà thật sự rã rượi, tha hóa, mất vẻ thanh nhã nên thơ ngày nào:
                   Đừng khoe tôi hình ảnh một quê nhà,
                   Mà bạn nghĩ đang trên đà ‘’đổi mới’’,
                   Những thành thị xưa hiền như bông bưởi,
                   Nay bỗng dưng rã rượi nét giang hồ
                Nói chung, tất cả chỉ là xô bồ với những cuộc vui chơi trụy lạc. Nếu Bùi Minh Quốc đã  bất bình nhìn thấy “Chúng nó nhậu trên thân em trinh bạch.Trên lưng mẹ già còm cõi một đời bom” thì Trần Văn Lương cũng phẫn nộ không kém trước hiện tình trụy lạc vô phương cứu chữa hôm nay:
                    Đừng khoe tôi những cảnh tượng xô bồ,
                   Những trụy lạc giờ vô phương cứu chữa.
                   Đất nước đã từ lâu không khói lửa,
                   Sao rạc rài hơn cả thuở chiến chinh.
          Thật mỉa mai lố bịch đến lợm giọng! Trong lúc đa số dân Việt đang vật lộn với chén cơm manh áo, nhà cửa ruộng vườn bị cướp đoạt, trẻ em bới rác trên vỉa hè, thì con cha cháu ông lại sống phè phỡn trong nhung lụa tại biệt phủ, vung tiền qua cửa sổ:
                   Đừng khoe tôi những yến tiệc linh đình,
                   Những phố xá ngập phồn vinh giả tạo,
                   Nơi thiểu số tung tiền như xác pháo,
                   Khi dân nghèo không muỗng cháo cầm hơi.
          Qúa phẫn uất trước những chướng tai gai mắt của bọn người mất gốc, đánh mất luôn căn cước tỵ nạn của mình, Trần Văn Lương đã hỏi thẳng họ, sao chỉ nhìn ngoài mặt mà không chịu nhìn sâu vào những thối tha bên trong, sao chỉ thấy vẻ hào nhoáng ngụy tạo mà không thấy những rệu rã từ gốc rễ, những bất hạnh chất ngất của trên 90 triệu dân lành trong địa ngục đỏ?
                   Bạn thân ơi, sao không chụp giùm tôi,
                   Nỗi thống khổ của triệu người dân Việt,
                   Nửa thế kỷ trong ngục tù rên xiết,
                   Oán hờn kia dẫu chết chẳng hề tan.
          Trong địa ngục tối tăm đó, dân Việt già trẻ lớn bé, trai cũng như gái, đều chung số phận hẩm hiu. Bao thiếu nữ phải bán thân làm nô lệ tình dục hay làm dâu xứ người, như những món hàng rẻ rúng:
                    Chụp giùm tôi đàn thiếu nữ Việt Nam,
                   Thân trần trụi xếp hàng chờ được lựa,
                   Hay bầy trẻ mặt chưa phai mùi sữa,
                   Bị bán làm nô lệ ở phương xa.
          Nơi đó cũng có khóe mắt thâm đen của  cha yếu mẹ già, lệ vẫn tiếp tục nhỏ thành máu vì thương cho số phận con cái một thuở trôi giạt giữa trùng khơi, nghẹn ngào nhắm mắt trong tay hải tặc:
                                Chụp giùm tôi đôi mắt mẹ, mắt cha,
                   Mà suối lệ chỉ còn là máu đỏ,
                   Khóc con cháu ra đi từ năm đó,
                   Biển dập vùi, đà tách ngõ u minh
          Đó là chưa kể tới những cụ già bị bọn đầu nậu bắt ra đường làm hành khất, rồi chiều về đem hết tiền bạc nộp lại cho chúng, chỉ đổi lấy chén cơm chan nước mắt:
                    Chụp giùm tôi hình ảnh những cụ già,
                   Bọn đầu nậu gom ra đường hành khất,
                   Để đêm đến, nộp hết tiền góp nhặt,
                   Đổi chén cơm dầm nước mắt nuôi thân.
          Ngoài ra, còn phải nói tới những thương phế binh đã hy sinh một phần thân thể cho quê hương, nay bị lãng quên, sống bên lề cuộc đời như những rác rưởi thân tàn ma dại:
                    Chụp giùm tôi số phận những thương binh,
                   Đã vì nước quên mình trên chiến trận,
                   Mà giờ đây ôm hận,
                   Tấm thân tàn lận đận giữa phong ba.
          Người sống đã thế, người chết cũng không yên thân. Nấm mộ bị cày nát, lấy đất làm sân chơi hay xây cao ốc biệt phủ cho bọn giạc cướp vô tâm:
                   Chụp giùm tôi những nghĩa địa buồn đau,
                   Chúng tàn phá, chẳng còn đâu bia mộ.
                   Kẻ sống sót đã đành cam chịu khổ,
                   Người chết sao cũng khốn khó trăm đường.
          Kể sao cho hết những nỗi oan khiên đang đổ xuống đầu dân Việt như những vết chém của búa liềm mã tấu. Nhưng còn phải kể thêm tội bán nước của lũ Việt gian, nhẫn tâm đem gia tài của cha ông dâng hiến cho ngoại bang. Nào là cắt đất biên giới. Nào là bán đứng cao nguyên. Nào là hiến tặng biển đảo, nào là mời mọc đặc khu…
                    Chụp giùm tôi mốc biên giới Việt Hoa,
                   Lấn vào đất của ông cha để lại,
                   Hay lãnh thổ cao nguyên còn hoang dại,
                   Lũ sài lang hèn nhát lạy dâng Tàu.
          Thế là Trần Văn Lương đã nhắn nhủ bọn người tha hóa mất gốc hãy mở mắt mở tâm mở trí mà nhìn sự thật cay đắng bị khuất lấp đàng sau những màn trình diễn đẹp mắt của chế độ phản dân hại nước hôm nay. Chỉ khi nào sự thật được phơi bày, mặt nạ cộng sản rơi xuống, thì thế giới nói chung và dân Việt nói riêng mới nhận rõ bản chất phi nhân của cộng sản, và quyết tâm loại bỏ “thứ cỏ dại mọc trên hoang tàn của chiến tranh, loài trùng độc sinh sôi nảy nở trên rác ruởi của cuộc đời” đúng như lời của Đức Dạt Lai Lạt Ma..



         
         

Friday, September 20, 2019


CON YÊU CỦA MẸ

Hoàng Chí Phong người con yêu của mẹ
Mẹ Hồng Kông mẹ dân chủ tự do
Chí quật cường bão gió nổi trời mơ
Vung kiếm báu chém đứt vòi bạch tuộc

Thân bé nhỏ mà chí trai cao ngất
Đời non xanh treo vút ngọn cỏ bồng
Tuổi trẻ nắm tay vươn vai Phù Đỗng
Dù vàng tỏa bóng rượi mát non sông

Trước công đường anh hiên ngang thách đố
Yêu sách năm điểm chói sáng trời Đông
Hồng Kông đứng lên tự do tự quyết
Người dân nhất tâm làm chủ non sông

Bắc triều căm giận tím gan nhức óc
Tưởng Thiên An Môn đạn đã lên nòng
Triệu triệu con tim căm hờn nhỏ máu
Dẫm nát oan khiên nối chí chung lòng

Thế giới  lắng nghe Hồng Kông réo gọi
Nhân loại ngả mũ chào đón anh tài
Vành môi nhỏ nhẹ buông lời đanh thép
Bàn tay ngạo nghễ biển cạn sông dài

Hoàng Chí Phong sánh vai Trần Quốc Toản
Tuổi trẻ Hồng Kông tuổi trẻ Việt Nam
Siết chặt tay nhau diệt lũ gian tham
Biển Đông rửa sạch vết nhơ lịch sử

Hẹn một ngày bình minh rực rỡ
Đêm lung linh tỏa ánh trăng rằm
Hồng Kông Việt Nam tiếng cười ngạo nghễ
Nữ thần thủ thỉ kể chuyện trăm năm…
                             Ngô Đức Diễm





SÀI GÒN TRONG TIM TÔI
Ngô Quốc Sĩ

          kể từ ngày cánh cửa tự do khép lại, dân Việt đã phải đối diện với bao oan khiên bất hạnh. Người rời bỏ quê hương sống lưu vong nơi đất khách quê người. Người ở lại quê nhà mang tâm trạng bị lưu đày trên chính quê hương mình. Riêng đối với người Việt tha hương, nỗi thương nhớ quê nhà đã làm cho cuộc sống mới tuy no ấm sung túc, vẫn thiếu vắng một cái gì không thể bù đắp. Đó là cội nguồn, là quê cha đất tổ, là tổ ấm của bọc mẹ trăm con…
          Trong nỗi nhớ quay quắt đó, có người tìm về sông Hương núi Ngự với giải khăn sô, người khác hướng về Đà Lạt với rừng ái ân, đồi thông hai mộ, hoa đào đỏ thắm hay tìm về Nha Trang với dừa xanh cát trắng, tháp Bà linh thiêng..Riêng Ngô Minh Hằng, hình ảnh thủ đô Sài Gòn luôn luôn canh cánh bên lòng, làm cho nhà thơ luôn  mang tâm trạng tầm gửi, xác ở đây mà hồn ở nơi đâu!
                Vào thơ, tác giả đã kêu lên 2 tiếng Sài Gòn như một điệp khúc văng vẳng tiếng quốc ão não. Còn đâu Sài Gòn năm xưa với hàng me bay, với con đường ngập nắng, chiến hạm đậu trên  bến mơ?
                   Sài Gòn !... tôi nhớ Sài Gòn ! ...
                   Nhớ hàng me thắm, nhớ con đường dài
                   Bạch Đằng, nhớ buổi ban mai
                   Hải quân, chiến hạm đậu ngoài bến mơ
          Thơ mộng nhất là trên bến mơ đó, dưới chân tượng đài Đức Thánh Trần, những cặp uyên ương âu yếm nắm tay nhau sóng bước như thể dạo bờ sông mây:
                   Trong màu nắng đẹp như thơ
                   Uyên ương từng cặp dạo bờ sông mây
                   Hóa Giang, hùng sử ghi đây 
                   Đức Trần Hưng Đạo chỉ tay thề nguyền ..
          Rời bến Bạch Đằng, khách  nhàn du có thể nhẹ gót vào Nguyễn Huệ ngắm hoa xuân, đến Lê Lợi hớp ngụm nước mía Viễn Đông, qua Bến Thành ngắm trai thanh gái lịch. Ôi lý thú làm sao! Ôi đất nước mình tươi đẹp làm sao!
                    Ngọt ngào nước mía Viễn Đông
                   Mai Hương kem lạnh mát dòng tuổi xanh
                   Lê Thánh Tôn, chợ Bến Thành
                   Ngựa xe, gái lịch, trai thanh sớm chiều
          Đáng nhớ nhất là con đường Thống Nhất được coi như xương sống thủ đô, với nhà thờ Đức Bà ngọn tháp ngất nghểu, vang vọng lời kinh, vút cao giấc mơ thanh bình, với Dinh Độc Lập oai nghiêm tráng lệ, tiêu biểu chủ quyền và cuộc sống hạnh phúc của vùng đất tự  do:
                   Tự Do, Thống Nhất dập dìu
                   Và Dinh Độc Lập thân yêu, vàng cờ
                   Đức Bà cung thánh nhà thờ
                   Tháp cao vói đỉnh trời mơ thanh bình !
          Cuối đường Thống Nhất là sở thú dập dìu bước chân chim, phất phơ tà áo trắng thư sinh một thời hoa mộng. Bên cạnh đó, con đường Duy Tân với Trường Luật bóng mát, thèm ly chanh đường của Nguyễn Tất Nhiên, càng làm tăng thêm nỗi luyến nhớ một thời dấu ái:
                   Thảo Cầm Viên thuở học sinh
                   Lang thang, những bước chân tình chơi vơi 
                   Duy Tân, trường luật, đông người
                   Trái tim Nguyễn Trãi, nụ cười Trưng Vương
          Nếu thảo cầm viên có gót hài Trưng Vương, thì Vườn Tao Đàn lại phất phơ tà áo Gia Long mượt mà, gợi tình gợi nhớ một thời  “nghiêng nghiêng tập vở, tà áo vờn bay..”
                   Gia Long nhớ đỏ má đào
                   Nhớ tà áo trắng làm xao xuyến lòng 
                   Tao Đàn nhớ thuở song song
                   Ngây thơ mộng biếc tình trong ngọc ngà
          Đó là Sài Gòn ngày xưa. Đó là quê hương thuở ấy. Nay thì tất cả đã chìm vào qúa khứ. Bộ mặt sài Gòn ngà ngọc mỹ miều nay đã bị hoen lấm, che phủ bởi nón tai bèo, dẫm nát bởi dép râu hoang thú. Thế là sài Gòn đã bị cưỡng đoạt, như thể giai nhân nhàu nát trong  vòng tay ác qủy:
                          Bây giờ ... mộng biếc ... trôi xa ...
                   Sài Gòn đã bị người ta cướp rồi !!!
                   Người đem đau khổ cho người
                   Nát cân Công Lý, tan đời Tự Do !
          Đã thế, Sài Gòn, tên gọi lịch sử ngời sáng còn bị thay tên đổi họ, mang tên tội đồ dân tộc Hồ Chí Minh, làm con tim dân tộc buốt nhức, tủi nhục đến rướm máu. Nếu Nguyễn Đình Toàn đã thổn thức Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên, như giòng sông nước quẩn quanh buồn, như người đi cách mặt xa lòng ,ta hỏi thầm em có nhớ không?” Và Nam Lộc đã nghẹn ngào “Sài Gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời. Sài Gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời. Còn lại đây, những kỷ niệm sống trong tôi, những nụ cười tắt trên môi, những giọt lệ vương sầu đắng..” thì Ngô Minh Hằng cũng xót xa đến nghẹn lời, khát khao lấy lại tên Sài Gòn cho hòn ngọc Viễn Đông:
                   Sài Gòn, người gọi thành Hồ
                   Viễn Đông, viên ngọc ngày xưa đâu rồi ?!
                   Ai ơi, xin hãy cứu đời
                   Đứng lên, lấy lại giùm tôi Sài Gòn !
          Từ nỗi khát khao lấy lại tên Sài Gòn, Ngô Minh Hằng còn lên tiếng kêu gọi trăm con Việt can trường đứng lên quét sạch nội thù, viết lại lịch sử đã bị bôi đen bởi lũ con hoang phản bội  công lao tổ tiên đã dày công dựng nước và giữ nước:
                   Đời cần những tấm lòng son
                   Và quê cần những người con ngoan cường
                   Để mà quang phục quê hương
                   Để đem bất khuất can trường cứu quê !
          Niềm mong ước trở về của Ngô Minh Hằng chắc chắn sẽ thành hiện thực một ngày không xa:
                    Bao giờ tôi được trở về
                   Sài Gòn, nhớ lắm, nhớ ghê...SÀI GÒN !!!
          Nhìn trụ bia “Little Saigon” tại San Jose, tôi cũng xin rưng rưng đồng cảm với Ngô Minh Hằng trong nỗi nhớ khôn nguôi:
                   Chiếc lá xuyên ngang đời hai nửa
                   Lạc bước quê người khuất nẻo quê cha
                   Sài Gòn nhỏ tim hoài vẫn lớn
                   Khung trời gần níu mảnh trời xa…
          Đó cũng là tâm cảm của mỗi người dân Việt tha hương..

                  


Monday, September 16, 2019


XIN HỎI VÀ XIN THƯA

Ai bảo “quê hương là chùm khế ngọt
Xin hỏi: Hôm nay khế còn ngọt hay chua?
Khi vạn nẻo thành lao tù đày đoạ
Địa ngục trần gian tim héo xác khô

Ai bảo “ Quê hương là đường đi học”
Xin hỏi: Học làm thú hay học làm người
Lấy máu dân lành xây ngai vàng đao phủ
Đỉnh cao trí tuệ ! Ngu xuẫn một đời

Ai bảo “Quê hương là đêm trăng tỏ”
Xin hỏi: Trăng có mọc đêm tối ba mươi
Ánh minh châu ngàn sao tắt lịm
Thuyền Lạc Hồng trôi giạt ngàn khơi

Ai bảo “quê hương mỗi người chỉ một?”
Xin hỏi: Sao triệu triệu người bỏ nước ra đi?
Mồ mả tổ tiên để lại vùng đất chết
Tìm đất sống trên cánh mỏi chim di

Ai bảo “ nhà… là chỉ một mẹ thôi
Xin hỏi: Sao tim mẹ bị búa liềm cứa nát
Bốn biển năm châu trăm con phiêu bạt
Tiếng ru hời đã tắt trên vành nôi!

Ai bảo “ Quê hương nếu ai không nhớ
Thì  Sẽ không lớn nổi thành người”
Xin hỏi:  Sao ve vuốt từng khúc ruột ngàn dặm
Ngửa tay xin từng ngụm sữa xa vời?

Ai bảo “Quê hương là chùm khế ngọt”
Xin hỏi: Sao trái đắng tê cứng làn môi
Ngày đêm dân Việt nghẹn ngào tủi hận
Tháng năm nguyện cầu khế rụng tả tơi…
                             Ngô Đức Diễm




Friday, September 13, 2019




THẦY ƠI…THẦY ĐÂU RỒI. ?
   Nguyễn Thị Thanh Dương.

Tôi trở về Việt Nam thăm thân nhân vào một mùa hè.
Tôi thuê xe đến ngôi trường cũ, một mình tìm lại kỷ niệm xưa, không chỉ là mái trưòng trung học thân yêu mà còn có bóng dáng một tình yêu.Thày Chuẩn, giáo sư môn toán của tôi suốt 3 năm liền từ lớp 10 đến lớp 12.
Kể từ ngày tôi đi vượt biên được đến Mỹ định cư. Đây là lần đầu tiên tôi trở về Việt Nam và ngôi trường cũ là một kỷ niệm tôi luôn mong muốn được gặp lại.
Đứng trước ngôi trường xưa lòng tôi bồi hồi thổn thức….
Ngôi trường đã hoàn toàn thay đổi, trường được xây mới và rộng thêm, cây phượng vỹ gìa nơi sát hàng rào trường không còn nữa. Bao mùa hoa Phượng của tôi chín đỏ sân trường nay về đâu, hoa Phượng ơi, thày cô ơi, bạn bè ơi..…
Tên trường không thay đổi, vị trí trường vẫn là đây, nơi tôi từng đi về suốt mấy năm trung học.
Trường lớp đóng cổng đóng cửa im vắng trong một buổi trưa hè. Mùa khai trường sắp đến rồi, mai mốt sân trường im vắng này lại rộn rã thày trò đông vui.
Nhìn dãy hành lang trường hun hút tôi nhớ bóng dáng thày Chuẩn thường đi qua. Nhìn phòng lớp im tiếng tôi nhớ những lúc thầy đứng giảng bài và tôi thì mơ mộng nhìn ra ngoài khung cửa, bài toán thày giảng giải xong mà tôi giấc mộng chưa tròn.
Nước mắt rưng rưng tôi bâng khuâng tự hỏi:
-         Thày ơi…thầy đâu rồi?
Không biết thày Chuẩn còn dạy ở trường này không? Mai này đến ngày khai trường tôi sẽ đến đây, không là cô học trò nhỏ năm xưa, chỉ là người khách lạ, tôi sẽ đứng ngoài cổng như thế này để tìm trong đám đông thày trò một bóng dáng thày. Nhất định tôi sẽ nhận ra thày, con người ấy, nét mặt ấy tôi vẫn chưa quên dù 20 năm đã xa, 20 năm chưa gặp lại thậm chí chưa nghe tin tức gì về thày.
Suốt bao năm tôi mải lo cuộc sống hiện tại nơi quê người và mối tình học trò mong manh nơi quê nhà luôn là kỷ niệm đẹp.
Năm tôi lên lớp 10 thày Chuẩn mới đổi về trường dạy môn toán, ngày đầu tiên thày vào lớp lũ học trò con gái chúng tôi xôn xao vì thày giáo trẻ tuổi đẹp trai lại vui tính ăn nói ngọt ngào.
Chúng tôi đã nhanh chóng điều tra ra “lý lịch” của thày, độc thân đẹp trai học giỏi chỉ mỗi tội con nhà nghèo.
Tôi còn nhớ bạn Kim Sa nói:
- Thày chỉ đáng tuổi anh chúng mình thôi, tao chẳng muốn gọi bằng “thày”.
Tôi cũng nghĩ thế và tôi chỉ muốn gọi thày bằng “Anh”.
Tôi thầm yêu thày ngay năm học đầu tiên, chờ mong từng giờ học với thày, mừng vui khi thấy bóng dáng cao cao của thày xuất hiện, hồi hộp khi thấy đôi mắt hiền sau cặp kính cận của thày nhìn tôi dù chỉ là cái nhìn bình thường hay thoáng qua.
Có lần trong hành lang trường, từ xa thấy thày đang đi đến gần tôi đâm ra luống cuống vụng về làm rơi cả mấy quyển vở đang cầm trên tay. Thày đã cúi xuống nhặt lên đưa cho tôi. Giây phút đối diện và chạm tay ấy tôi không bao giờ quên.
Thời kỳ bao cấp cuộc sống ai cũng ít nhiều khó khăn, tôi đã chứng kiến cảnh các giáo viên chia nhau nhu yếu phẩm gạo thịt tiêu chuẩn tại văn phòng. Tôi thương thày giáo độc thân của tôi cũng không thoát khỏi cảnh đời thực tế này, nhưng dường như tôi ít khi thấy thày Chuẩn mang những thứ nhu yếu phẩm ấy về nhà.
Một học trò lớp tôi nghỉ bệnh mấy ngày ở nhà, gia cảnh nó khó khăn, thày Chuẩn là thày giáo chủ nhiệm sẽ tổ chức một buổi đến thăm để “động viên” học trò. Tôi là trưởng lớp được đi cùng thày.
Tôi bất ngờ khi thấy thày mang theo miếng thịt heo nửa ký và bịch gạo 12 ký là tiêu chuẩn của thày vừa lãnh. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, thày nói:
- Nghe nói gia cảnh trò Hoa nghèo, lại ốm đau nghỉ học thày chẳng biết mang qùa gì, sẵn hôm nay có tiêu chuẩn gạo thịt này…
Tôi ngại ngùng và thương cảm…cho thày, chứ không phải cho bạn:
-  Thế…tháng này thày không có gạo thịt ăn hả? thày báo tin thăm Hoa đột xuất qúa em chẳng kịp góp phần mua qùa…
Thày Chuẩn mỉm cười:
-         Lo cho người bệnh chứ việc gì lo cho thày. Tháng này thày sẽ…ăn chực bố mẹ.
Sau này tôi biết thêm thày Chuẩn vẫn thỉnh thoảng nhường phần gạo thịt tiêu chuẩn của thày cho một vài bạn đồng nghiệp đông con hay gia cảnh khó khăn dù thày cũng chẳng khá gỉa .
Một nhà giáo chăm chỉ yêu nghề hết lòng chỉ dạy học trò, một nhà giáo luôn giúp đỡ bạn bè cả vật chất lẫn tinh thần, khi thì nhường tiêu chuẩn nhu yếu phẩm, khi thì thay bạn đứng lớp lúc họ bận việc hay ốm đau.
Lũ học trò chúng tôi đã “phát giác” ra những điều ấy không khó gì.
Thày là một chàng trai trẻ phóng khoáng và bao dung trong bộn bề cuộc sống.
Càng ngưỡng mộ thày tôi càng yêu mến thày.
Mùa hè năm lớp 12, mùa hè cuối cùng rồi mỗi người vào đời một hướng rẽ. Tôi sẽ đi xa hơn, cuộc chia tay này không thể nói cùng ai, gia đình tôi chuẩn bị cho hai chị em tôi đi vượt biên.
Ngày cuối cùng trước khi nghỉ hè tôi cố tình đợi để đối diện thày nơi hành lang lớp, lần này tôi không vụng về làm rơi cuốn vở mà vụng về nói chia tay với thày:
-         Em …chúc thày…ở lại… một mùa hè vui vẻ.
Thày ân cần :
-         Thày chúc em thi đậu đại học và tương lai mở ra phía trước. Còn thày dĩ nhiên vẫn ở lại làm “ông lái đò chở người qua sông”
“Anh lái đò” ơi, ước gì anh không chở em qua sông mà chở em trên suốt con sông dài cuôc đời nhỉ…
Tôi lãng mạn nghĩ thế. Thấy tôi không nói gì thêm thày định bước đi, tôi chợt tỉnh cơn mơ vội nói với theo:
-         Thày ơi…thày nhớ lo cho chính bản thân mình, giữ gìn sức khỏe…
Thày hiểu ý tôi và mỉm cười:
-         Em muốn nhắc lại chuyện thày đi thăm em Hoa với phần tiêu chuẩn lương thực của thày chứ gì. Xem này, thày có gày ốm đi tí nào đâu.
Khi bóng thày rẽ khuất vào một lớp học, tôi đứng ngẩn ngơ gọi thầm hai tiếng thân thương : “Thầy ơi…”.
Xa lớp xa trường đã buồn, xa thày tôi càng buồn hơn. Tôi ra đi mang theo một mối tình câm tuyệt vọng.
Để rồi hơn 20 năm sau trở về kỷ niệm năm nào bỗng thức dậy. Trong tôi vẫn còn hình bóng thày Chuẩn cao cao đẹp trai và rất đàn ông tính rộng rãi bao dung.
Bây giờ chắc thày đã có gia đình vợ con và vẫn là thày như thuở độc thân vui tính.
Tôi muốn biết thày còn dạy ở trường cũ không, để ngày khai trường sắp đến đây tôi nhất định sẽ đến trường, chỉ để nhìn thày bây giờ ra sao.
Tôi tự trách mình bấy lâu đã không tìm liên lạc với bạn bè đồng môn cũ để biết tin về thày.
Tôi cố moi óc nhớ lại những bạn bè cùng lớp cũ và nhớ ra nhà Kim Sa ở gần nhà tôi nhất nên đến thăm hỏi, Kim Sa đã dọn đi kể từ khi lập gia đình. Tôi xin được số điện thoại của Kim Sa..
Khi tôi gọi phone cho Kim Sa, nó mừng rỡ, chúng tôi cùng nhắc lại ngôi trường cũ bạn bè xưa. Tôi hỏi :
-         Kim Sa ơi, thày giáo Chuẩn đẹp trai, thần tượng ngày xưa của chúng mình đâu rồi ? thày còn dạy ở trường mình không?
-         Kim Sa định kể đây, thày Chuẩn đặc biệt nhất nên để dành kể sau cùng.
Tôi mừng rỡ, không kịp kìm nén lòng mình reo lên:
-         Thày Chuẩn đặc biệt là phải rồi. Một người tốt tính như thày chắc luôn gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.
-         Chỉ đúng một nửa, thày gặp…may mắn trong cuộc sống nhưng không còn đi dạy học nữa.
Kim Sa kể thày Chuẩn bây giờ giàu sang vào hàng đại gia. Thày lập gia đình với con gái một cán bộ cao cấp, gia đình vợ đã lo cho thày một chức vụ trong ngành giáo dục. Bao nhiêu năm qua thày làm giàu nhờ chạy điểm cho học sinh, muốn con em vào trường tốt, muốn con em vào đại học đều qua tay thày.
Nghe đến đâu tôi bàng hoàng đến đấy. Chàng tuổi trẻ thuở vào đời với tấm lòng hồn nhiên cởi mở, với nhiệt huyết yêu nghề yêu chữ đâu rồi?
- Lẽ nào thày Chuẩn lại thế??
Tôi cố tình chưa tin dù biết bạn đang nói thật, nói đúng. Kim Sa thản nhiên:
-         Bạn sống ở Mỹ nên không quen với những trò tiêu cực trong xã hội như thế này, chúng tôi ở Việt Nam thì là chuyện bình thường. Thời buổi này xã hội này ai có quyền lực trong tay mà không giàu mới là lạ.
Kim Sa nửa đùa nửa thật:
-         Thế bạn có muốn đến thăm thày xưa không?
Và Kim Sa tự nhanh nhẩu trả lời:
-         Đừng nhé, không ai tiếp bạn đâu. Vào cửa nhà thày phải có người giới thiệu, thày chẳng có thì giờ tiếp chuyện vớ vẩn những đứa học trò xưa. Với lại mùa hè này vợ chồng con cái thày đang đi du lịch Châu Âu chưa về.
Tôi chán nản nhưng vẫn mong là nãy giờ bạn…nói đùa:
-         Kim Sa đùa thế đủ chưa? Làm sao mà Kim Sa biết rõ về thày như thế ?
-         Ai dám nói đùa nói xấu một con người, lại là thày giáo cũ mà mình từng ngưỡng mộ. Từ một người bà con bên vợ của thày kể ra cho bạn bè anh ta và truyền đến bọn mình. Không tin thì cứ nhìn căn biệt thự lộng lẫy của gia đình thày cũng là một câu giải đáp. Thời buổi này nhà giáo chân chính có dạy trường điểm, dạy thêm ngoài giờ đến hao mòn sức khỏe, ho lao khạc ra máu cũng chỉ đủ sống chứ ai làm giàu cho nổi…

Tôi buông phone, những lời nói của Kim Sa đang bủa vây xung quanh tôi. Thày giáo trẻ tuổi đẹp trai con nhà nghèo nhưng tâm hồn không vướng bận vật chất lợi danh của ngày xưa đã thay thế bằng một ông cán bộ ngành giáo dục tham hư danh quyền lợi, bán rẻ lương tâm nhà giáo chỉ vì tiền.
Tôi đã mất thày rồi, tôi trách hoàn cảnh xã hội, trách người phụ nữ làm vợ thày đã lấy đi trong tôi hình ảnh đẹp của thày, lấy đi mối tình đầu đời tuổi học trò mới lớn của tôi, những thứ mà tôi từng trân trọng cất dấu trong đời..
Tôi thốt kêu lên trong thất vọng:
- Thày ơi…thày đâu rồi ??
  Nguyễn Thị Thanh Dương.
    ( August, 18, 2018)