Friday, November 29, 2019

trả lai cho ta


TRẢ LẠI CHO TA
Ngô Quốc Sĩ

          Cộng sản Việt Nam đã cướp chính quyền quốc gia năm 1945 với chiêu bài độc lập, rồi  chiếm miền Nam năm 1975 dưới chiêu bài giải phóng, và thâu tóm toàn cõi Việt Nam vào qũy đạo đỏ dưới chiêu bài thống nhất đất nước. Qua giòng lịch sử đầy lửa máu, dân Việt đã không ngừng đấu tranh đòi lại gia tài đã bị cướp mất. Việt Khang đã đòi “Trả lại cho dân” và Nguyệt Ánh đả đòi “Trả ta sông núi”. Nay đến lượt Từ Yên qua bài “Hát cho Việt Nam”cũng lên tiếng đòi lại  non sông Việt Nam để dân Việt được hưởng cuộc sống tự do, ấm no thanh bình.
          Theo lời thổ lộ của tác giả, bản nhạc “Hát cho Việt Nam” là một trường hợp đặc biệt, được hoàn thành trong thời gian 8 năm ròng rã. Ban đầu, anh tính bỏ dở, nhưng khi thấy Việt Khang bị cầm tù vì sáng tác và hát nhạc đấu tranh, thì anh đã lấy lại cảm hứng và hoàn tất ca khúc, với ý hướng hòa hợp giữa lạc quan va cay đắng, để diễn tả đúng hiện thực Việt Nam hôm nay.
          Từ Yên thật đa tài, vừa là nhà thơ viết lời, vừa là nhạc sĩ sáng tác, vừa là ca sĩ trình diễn…
          Mở  đầu bản nhạc, anh đã trải lên cung bậc nỗi lòng đau xót của  dân Việt đã bị cướp mất giang sơn gấm vóc, lịch sử oai hùng, hồn thiêng sông núi, cũng như tự do dân chủ là niềm khát vọng chính đáng của dân tộc.  Trước nỗi mất mát lớn lao đó, dân Việt phải cương quyết đứng lên đòi lại cho bằng được những mảnh chi thể mẹ Việt Nam đã bị đứt lìa:
                   Trả lại cho tôi giang sơn Hùng Vương
                   Trả lại cho tôi anh linh Bạch Đằng, hồn thiêng nước Nam
                   Trả lại cho tôi Nam Quan, Hoàng Sa
                   Trả lại cho tôi quê hương tự do
          Tiếp đến, tác giả đã cảm thấy lòng quặn thắt khi thấy niềm vinh quang “làm người” nói chung với ý thức nhân bản, và “làm người Việt Nam” nói riêng, với giòng máu Lạc Hồng, với khí thiêng sông núi và lịch sử oai hùng, nay đang tàn tạ. Đúng như nhận xét của Mục Sư Hoàng và Đức Tường, Cộng sản Việt Nam là những con thú hoang, đã cướp mất bản chất người và bản chất người Việt Nam của dân Việt. Hồ Chí Minh đã mượn lời Quản Trọng hô hào “trăm năm trồng người”, mà thực chất chỉ là trồng thú. Thế nên, con đường cứu quốc phải bắt đầu bằng cách khôi phục con người với tinh thần nhân bản, và con người Việt Nam với ý chí hào hùng và niềm hãnh diện dân tộc cao vời:
                        Trả lại cho tôi vinh quang làm người, làm người Việt Nam
                   Tôi là Việt Nam, có quê hương bờ đại dương Thái Bình
                   Tôi dân Lạc Hồng, ngàn muôn trang sử oai linh
                   Tôi lớn khôn lên, mơ một cuộc sống thanh bình
                   Dựng xây đất nước, nối chí thiêng cha ông ngàn năm
          Thử hỏi ai đã đánh mất con người và con người Việt Nam? Từ Yên đã không ngần ngại trả lời, đó chính là bọn con hoang đã đem chủ thuyết cộng sản ngoại lai và bất nhân phản tiến hóa về đày đọa dân tộc trong đói nghèo, làm cho vận nước điêu tàn. Nhất là người cộng sản còn là lũ Việt gian nhẫn tâm làm tay sai bán đứng gia tài của mẹ cho ngoại bang. Nếu Lê Lợi ngày xưa đã lên án bọn thái thú rước voi giày mã tổ “Quân cuồng Minh thừa cơ gây hoạ. Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh”, thì hôm nay, cộng sản Việt nam lại tái diễn trò Chiêu Thống phản bội đó:
                   Tôi là Việt Nam, sáu mươi năm nhọc nhằn không nụ cười
                   Thương dân Việt nghèo, buồn cơn tai biến chưa nguôi
                   Căm oán quân gian gây vận nước điêu tàn
                   Thù giặc phương Bắc xâm lấn quê hương, non sông Lạc hồng .
                   Hai mươi năm xưa, hờn câu Nam Bắc phân ly
                   Bao nhiêu năm qua, lệ nô không thấy mặt trời
          Cộng sản vẫn lớn tiếng hô to khẩu hiệu mị dân “Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc” và chính Hồ Chí Minh cũng tuyên bố “Không gì qúy hơn Độc Lập Tự Do”, nhưng thực chất chỉ là tuyên truyền láo khoét. Miệng nói tự do mà hành động đàn áp dân chủ từ trong trứng nước, còn ban hành “luật an ninh mạng” để bóp chết tự do ngôn luận, tiểu biểu như BS Phạm Hồng Sơn chỉ phổ biến tài liệu “dân chủ là gì ?” mà phải lãnh án 13 năm tù ở và 3 năm quản chế! Cũng thế, hô hào tự do mà cho công an đưa tay bịt miệng Linh Mục Nguyễn Văn Lý trước tòa án nhân dân Huế Thừa Thiên! Còn độc lập thì khỏi nói. Độc lập đâu chẳng thấy, chỉ thấy nô lệ ngoại bang, đem biển đảo, lãnh thổ và tài nguyên dâng hiến cho Tàu để mong đàn anh giúp giữ vững chiếc ghế lãnh đạo, đúng theo khẩu hiệu “còn đảng thì còn mình”. Hoàng Sa Trường Sa đã mất. Tài nguyên, núi rừng, biển đảo cũng lọt vào tay ngoại xâm. Nay bãi Tư Chính, nguồn dầu khí và đất hiếm đá cháy như kho vàng qúy giá của Việt Nam cũng đang bị đe dọa! Các đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Văn Phong, Phú Quốc, tuy không chính thức cho thuê 99 năm, cũng đã âm thầm do người Tàu kiểm soát!
                   Tự do chi đây? sao tù đày cho người yêu nước
                   Độc lập chi đây? hay lọc lừa bán đất Việt Nam
                   Hai mươi năm xưa, mang hận thù xâu xé quê hương
                   Rồi ba mươi năm sau, đem biển Đông dâng hiến giặc Tàu..
          Thế đó! Hai mươi năm xưa cộng sản xâu xé quê hương với cuộc xâm lăng miền Nam, giết chết tự do dân chủ và cướp đoạt hạnh phúc của dân Việt. Rồi 30 năm sau,cộng sản lại vỗ ngực tự hào là kẻ chiến thắng, đem gia tài của tổ tiên dâng hiến cho giặc. Tác giả đã ngậm ngùi tự hỏi, không biết nỗi oan khiên còn ngập đầu dân Việt đến bao lâu? Còn bao lâu dân Việt mới rửa sạch nỗi nhục nhã của thời sử đen để hé thấy tương lai? Thử nhìn về Hồng Kông hôm nay rồi tự hỏi, sao Hồng Kông đang trên đà chiến thắng trong cuộc đấu tranh thoát khỏi gọng kìm của cộng sản Bắc Kinh và chính quyền tay ai, mà cuộc đấu tranh  giải cộng và thoát trung của dân Việt lại dậm chân tại chỗ? Lịch sử dân Việt  oai hùng. Truyền thống Việt tộc bất khuất. Nhưng đáng buồn thay, hôm nay trên 95 triệu con cháu Lạc Hồng vẫn bị trói chặt trong cùm đỏ, đang bị cứa nát bởi búa liềm mà không dám lên tiếng kêu đòi! Cô giáo Lam cảm thấy nhục nhã. Võ Thị Hảo cảm thấy bất bình. Nay, Từ Yên cũng nghẹn ngào ai oán:
                   Còn bao nhiêu đây? cho Việt Nam thôi nhục hèn ai oán
                   Và còn bao lâu cho dân tộc mình được thấy tương lai .
          Hỏi không phải chỉ là hỏi suông, mà chính là để tìm câu trả lời. Qúa hiển nhiên! Nếu dân Việt còn giữ thái độ an thân vô cảm mà cô giáo Lam đã cảnh báo “Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm.Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi...” thì nỗi bất hạnh sẽ còn kéo dài vô tận và dân Việt khó mà nhìn thấy tương lai. Chỉ còn một con đường sống là xả thân đấu tranh tiêu diệt thù trong giặc ngoài, để đòi lại gia tài đã bị cướp mất, dù có phải hy sinh xương máu như lời kêu gọi của Nguyễn Chí Thiện “lấy máu đào tô thắm cho hoa”. Con đường phục sinh phải là con đường núi Sọ. Dân Việt phải vác khổ giá để tiến lên núi Tabor nhìn thấy  ánh sáng huy hoàng:
                        Đòi lại đi thôi non sông Việt Nam
                        Đòi lại đi thôi giang sơn Hùng Vương
                   Đòi lại đi thôi, anh linh Bạch Đằng diệt quân xâm lăng
          Đòi là phải đòi tất cả. Không những đòi núi sông biển cả, Hoàng Sa Trường Sa, Cà Mâu Nam Quan, quê hương tự do, mà thiết yếu là đòi lại niềm vinh quang “làm người” và đặc biệt là “làm người Việt Nam”. Nếu Nguyễn Đức Quang đã nhắn nhủ “Ta khuyên cháu con nếu còn tiếp tục làm người, làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam” thì Từ Yên cũng quyết đòi lại niềm kiêu hãnh vút cao như sơn ca Việt điểu:
                   Đòi lại đi thôi Nam Quan, Hoàng Sa
                   Đòi lại đi thôi quê hương tự do
                   Đòi lại đi thôi vinh quang làm người, làm người Việt nam
          Một khi đòi lại được sơn hà, anh linh tổ tiên, tự do dân chủ và đặc biệt là con người Việt Nam, thì dân Việt sẽ  đón mừng ngày hội lớn. Đó là ngày đoàn viên, trăm con về dưới cánh mẹ Âu Cơ, vui hưởng tự do thanh bình..Việt Nam quê hương ngạo nghễ…
         
                   


Friday, November 22, 2019


NHAN SẮC TRÊN ĐẦU SÚNG
Ngô Quốc Sĩ

          Súng đạn và thơ văn thuộc hai lãnh vực khác nhau, bên văn bên võ, nhưng lại thường kết hợp hài hòa với nhau nơi những chiến sĩ vốn có tâm hồn lãng mạn. Cầm súng và cầm bút, vì thế cùng thể hiện một nhân cách hào hùng mẫn cảm, như nhà thơ Cao Mỵ Nhân, nhà thơ Tô Thùy Yên, nhà văn Phạm Tín An Ninh, và đặc biệt, nhà văn nhà thơ Văn Nguyên Dưỡng..
          Trước đây, hẳn chúng ta đã có dịp thưởng thức những vần thơ lãng mạn  đầy truyền cảm và bi hùng của Văn Nguyên Dưỡng, như “Tôi Đã Thấy Trường Sơn Trong Mắt Em”, “Chiếc Áo Khinh Cừu”   “Trường ca trên bãi Chiến..” Mới đây, cuối thu 2019, Văn Nguyên Dưỡng lại cho phổ biến bài thơ mang tên “Khuynh Thành” làm nhiều người thổn thức đến lịm người..
          Mở đầu, tác giả đã mời mọi người cùng rón rén bước vào vườn thơ để bắt gặp thật tình cờ một bóng dáng kiều diễm nhưng rất dễ vỡ như ánh trăng lung linh trong bóng đêm khói lửa điêu tàn. Hẳn nhiên đó chỉ là mộng mị, nhưng lại rất thật, bởi lẽ đó là kết tinh của vẻ đẹp vượt  thời gian, hầu như vô sắc vô thanh, quên cả “gam màu”, chợt đến nhưng  không rời, đúng như ngạn ngữ Tây Phương “Ta còn mãi những gì ta đã mất..”
                   Chậm một chút
                   Đừng vờn trong bóng nguyệt
                   Ta yêu em không vội với dung nhan
                   Ta yêu em trong khói lửa điêu tàn
                   Em chợt đến cho ta đi vào mộng
          Em chợt đến, nhưng bi đát thay! Anh lại chợt đi! Anh phải biến vào chiến trường để làm tròn sứ mệnh người trai thời chiến. Tình yêu khói lửa vốn mong manh như treo trên đầu súng, đâu biết lúc nào hợp tan, dù chỉ trong gang tấc. Thôi thì xin mượn chén ân tình như ly bôi để làm cho tim anh cháy bỏng, rồi sẽ mãi mãi bồng bềnh trong kiếp gian truân:
                   Trong gang tấc chiến trường xa chợt biến
                   Rót cho đầy một chén
                   Sôi tim
                   Đảo lộn đời ta cái kiếp bồng bềnh
                   Chén rượu ân tình
          Anh phải chợt biến, nên chúng ta không thể nhỡn nhơ khẻ nhấp chén men nồng, mà phải rót, phải dốc cạn như chạy đua với thời gian. Cạn một chén là chỉ  mới uống có nửa hồn em. Phải cạn cả bầu thì mới gói trọn hình em, không những với làn môi nho chín, với làn da mịn màng, mà cả giòng máu chan hoà vào nhau như ruột thịt. Thế là tình yêu đã biến chúng ta thành một “Mình với ta tuy hai mà một..” Em nhũn mềm trong tim anh. Anh cũng nhũn mềm trên môi em. Thế là trọn đời anh chỉ ấp ủ một bóng hình:
                    Cạn một chén
                   Dáng em đầy một nửa
                   Cạn một bầu
                   Em là máu chảy trong tim
                   Đầy đặn thay ôi da dẻ mịn màng
                   Ta nhũn mềm khi uống cạn môi em
                   Sống một kiếp trọn đời yêu một bóng
       Men cay đã đưa anh vào ảo giác. Anh không còn phân biệt  chỉ có một nốt nhạc ngân lên hay cả một  tấu khúc vang vọng. Chỉ biết rằng, ta đã lịm ngất trong mắt em, và nửa vòm trời thu nhỏ trong tay em. Điều kỳ lạ là ánh trăng thường làm hồn người dịu mát say đắm như Hàn Mặc Tử đã cảm nhận  Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm.Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe”. Ở đây, Văn Nguyên Dưỡng lại thấy ánh trăng đã hóa thân thành đóm lửa mặt trời thiêu đốt, làm hồn anh cháy thiêu và kinh thành cũng cháy theo. Người xưa vẫn nói “Sắc bất ba đào dị nịch nhân”. Nhan sắc không sóng gió cũng làm bao người đắm đuối.. Ở đây, nhan sắc cũng làm anh “chìm trong đôi mắt”, nhưng hơn thế nữa, đôi tay nõn nà, nét mặt khuôn trăng lại cháy bỏng, thiêu rụi cả hồn người, đốt cháy  cả trần gian:  
                  Một gam đầy hay một nốt nhạc lung linh
                   Sắc hương lửa
                   Đừng vội bảo khuynh thành
                   Ta chìm trong đôi mắt em say
                   Đôi tay nõn ôm trời
                   Lưng một nửa
                   Trăng nguyệt lãm vơi đầy riêng một cõi
                   Cháy hồn ta cháy xém nửa kinh thành
          Thế là em, là trăng đã đốt cháy hồn ta, đốt cháy kinh thành. Rồi em lẳng lặng ra đi. Thế chẳng là vô tình đó sao? Thế  chẳng là  mất mát đó  sao? Thời gian có bao giờ xếp cánh!  Dấu chân thời gian chỉ  còn là  dấu ấn kỷ niệm. Ta nay đầu đã bạc, nhưng tim còn nóng, sức sống chưa cạn khô, nên hồn còn run rẫy vì tiếc nhớ  một bóng hình, một ánh trăng:
                   Em đi rồi
                   Ta tiếc bóng thời gian
                   Tim ta bỏng
                   Mà đầu ta đã bạc
                   Và hồn ta run rẩy những từng đêm
          Thì ra tất cả chỉ là mộng. Dung nhan khuynh thành của em là thực, nhưng thực đã hóa mộng khi anh khoác chiến y. Khói lửa chiến tranh đã làm biến chất thực tại, làm lu mờ kiếp sống. Thời gian chỉ còn là một cuộc đuổi bắt dung nhan, níu kéo vẻ đẹp mãi vẫn chờn vờn trước mắt, thấp thoáng bay xa…
                   Em hỡi em
                   Dung nhan đâu
                   Ai bảo sắc khuynh thành
                   Chỉ là mộng
                   Khi ta thành chiến lữ
                   Thấy thời gian đang đuổi bắt dung nhan
          Nghĩ cho cùng, cuộc đuổi bắt dung nhan là một cuộc đuổi bắt vô vọng, nhưng ký thú. Vô vọng bởi lẽ dung nhan mãi chờn vờn như cái bóng, khi ẩn khi hiện, tưởng gần mà xa, ngoài tầm tay với. Kỳ thú bởi lẽ dung nhan không bao giờ tàn phai, vì đó là dung nhan  mơ tưởng, dung nhan tôn thờ, dung nhan bất diệt. Thế nên, dù ta có chết đi, thì dung nhan  sẽ còn mãi với thời gian như trời xanh vô tận:
                   Em nghìn sau
                   Xin giữ sắc khuynh thành
                   Ta có chết sẽ tìm em
                   Trong mọi cõi
                   Tôn thờ em trong khoảnh khắc mong manh
                   Mà bất diệt như trời xanh vô tận
          Thôi đành câm nín như Hàn Mặc Tử mà nghe trời giải nghĩa yêu đương khi phút thiêng liêng đã khởi đầu, khi cuộc đuổi bắt dung nhan biến thành cuộc tôn thờ, dù biết đó là mong manh, là khoảnh khắc! Chỉ xin mượn vần thơ để  thỏ thẻ vào tai em như tiếng lòng thổn thức, như lời kinh nguyện cầu, tôn vinh tình yêu vĩnh cửu..
                   Em hỡi em
                   Ôi sắc đẹp khuynh thành
                Thế là bình an. Thế là con người có thể yên giấc trong tình yêu, bất kể mộng hay thực. Nhan sắc khuynh thành dù khoảnh khắc cũng thành bất diệt. Tình yêu dễ vỡ nhưng cũng là vĩnh cửu ngàn thu…Cám ơn Văn Nguyên Dưỡng. Cám ơn tình yêu vô tận..


         

Thursday, November 21, 2019


BIỂN MÁU OAN KHIÊN

Mũi súng chỉa thẳng vào ngực anh bừng lửa
Hơi cay xối xả vào mắt mẹ tím đen
Dùi cui quất lên má em hồng phấn
Roi điện bổ xuống vai cha ngả nghiêng
Máu chảy từ tim anh
Máu đọng trên môi em
Máu tuôn trong mắt mẹ
Máu tắm đỏ cha hiền…

Máu loang tường thành đại học
Máu nhuộm hè phố thâm đen
Máu ngập buồng phổi khát khao khí thở
Máu tự do đấy ứ con tim
Máu lênh láng nhân quyền 
Máu đỏ tươi dân chủ
Thấm xuống lòng đất Hồng Kông tơi tả
Tràn qua duyên hải nhuộm đỏ biển xanh…

Anh hai mươi bỏ trường bỏ sở
Em mười sáu bỏ mẹ bỏ cha
Bỏ cả người yêu lao vào họng súng
Bỏ cả tương lai mờ mịt khói sương
Quyết tử với bạo quyền
Thách đố với oan khiên
Dương cao ngọn cờ tự do dân chủ
Giăng trải ước mơ sống được làm người
Tuổi trẻ hôm nay lót đường ngày mai
Nguyện hy sinh cho hạnh phúc vạn thuở …

Anh bị giập đầu bên vỉa hè loang lổ
Em bị hãm hiếp vất xác trôi sông
Ánh mắt trẻ thơ rực lửa căm hờn
Thề bẻ nát xích xiềng qủy đỏ
Máu tuôn giòng từ đỉnh cao núi Sọ
Máu đầy ứ trong khóe mắt con tim
Máu ươm hoa trên roi điện cùm gông
Nở muôn lòng muôn nhà muôn vạn đoá

Thương anh thương em rất thương tuổi trẻ
Hùng khí ngất cao hơn cả Thái Sơn
Tin yêu bừng khởi sóng cuộn Hoa Đông
Hồng Kông Hồng Kông rạng danh muôn thuở
Thế giới thương về chân trời bé nhỏ
Nhân loại cúi đầu ngưỡng mộ đảo xinh
Con đường dân chủ xây bằng máu xương
Thắp ngọn hải đăng soi đường hậu thế…
Ngô Đức Diễm












Thursday, November 14, 2019



AI LÀ KẺ PHẢN ĐỘNG ĐÍCH DANH
Ngô Quốc Sĩ
          Cụm từ “phản động”, “phản quốc” thường được cộng sản Việt Nam dùng để lên án tất cả những ai bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền, dám biểu tỏ  quan điểm và thái độ bất hợp tác hay chống đối. Chỉ cần lên tiếng đòi tự do dân chủ, đòi chủ quyền đất nước hay chống Trung Quốc xâm lăng, liền bị kết án là phản động, là phá rối trị an vì bị kích động bởi các thế lực thù địch..Bất bình và phẫn nộ trước chủ trương chụp mũ vô căn cứ nhằm triệt hạ những người yêu nước chân chính, Nguyễn Thủy Tiên đã mượn lời thơ thật chất phác để bày tỏ nỗi lòng phẫn uất, đồng thời gián tiếp phơi bày những thối tha của chế độ đang nhận chìm đất nước xuống vực thẳm.
          Mở đầu bài thơ “Phản động”, tác giả đặt ngay câu hỏi tại sao dân Việt bị kết án là phản động, khi họ chỉ thủ phận, chấp nhận kiếp nghèo do chính sách bần cùng hóa nhân dân của cộng sản, nhưng vẫn giữ tư cách con người Việt Nam liêm khiết, không giống như bọn “con cháu Bác” thi nhau rút tỉa của công, đục khoét ngân sách, vơ vét cho đầy túi để xây biệt phủ nguy nga, sống phè phỡn ăn chơi đúng điệu tư bản đỏ!
                                Sao lại là phản động,
                   Khi chúng tôi, những người
                   Không rút ruột ngân sách,
                   Để phè phỡn ăn chơi?
          Cũng thế, dân việt sống lương thiện và luôn luôn hài hòa với tha nhân, không cướp của ai, hay đẩy ai ra đường để lấy nhà lấy cửa, như chính sách kinh tế mớicủa cộng sản trước đây và dân oan hôm nay. Chỉ có con cháu Bác mới chiếm đoạt tài sản dân chúng, buộc họ phải làm kẻ ăn mày trên hè phố, làm kẻ vô gia nơi công viên, thậm chí còn phải làm nô lệ tình dục, bán thân nuôi miệng trong những hang động mãi dâm!
                    Chúng tôi không cướp đất,
                   Không đẩy ai ra đường
,
                         Phải ăn mày, làm điếm.
                   Những cảnh đời đáng thương.
          Có thể nói xã hội Việt Nam hôm nay đang thật sự băng hoại về mọi mặt. Người dân trở thành nạn nhân của bọn cướp ngày cướp đêm, cướp tại nhà, cướp ngoài đường, tiêu biểu như bọn côn đồ hay công an giả dạng, ẩn hiện đó đây để chặn xe lưu hành đòi mãi lộ:
                   Chúng tôi không đứng núp
                   Đâu đó trong bụi cây,
                   Chặn xe đòi mãi lộ
                   Cả đêm và cả ngày.
          Đáng nói nhất là chế độ hôm nay không hề lo cho dân cho nước, mà chỉ vơ vét cho đầy túi tham. Nào là tăng thuế tăng phí một cách vô tội vạ để ăn bớt ăn xén.  Nào là thiết lập những đường dây buôn người để làm giàu. Nào là ăn chặn tiền cứu trợ thiên tai cũng như nhân ta của các cơ quan cứu trợ! Ai mà không bất bình khi thấy tiền cứu trợ lụt lội của các cơ quan từ thiện đã lọt vào túi công an cán bộ quá nửa! Ai mà không phẫn nộ trước cái chết thê thảm của 39 nạn nhân của bọn buôn người trong thùng đông lạnh tại Anh trên đường tìm đất sống. Nhất là trong khi thế giới đã biểu tỏ lòng thương cảm cho những con người xấu số đó với vòng hoa, với lời cầu nguyện, thì cộng sản Việt Nam lại làm ngơ và còn ngăn cản gia đình nạn nhân không cho tiếp xúc với ai. Thật là bất công và bất nhân hết chỗ nói! Thậm chí cộng sản Việt Nam còn đòi gia đình các nạn nhân phải ký giấy nhường cho nhà nước phân nửa số tiền Anh Quốc hiến tặng  để đưa xác thân nhân về nước, được biết là 1.2 tỷ đồng cho mỗi gia đình!
                   Chúng tôi không ăn chặn
                   Tiền cứu trợ cho dân.
                   Không tăng thuế, tăng phí,
                   Mà tăng cao, nhiều lần.
          Một khía cạnh thối nát của chế vốn độ tự hào là “ưu việt” hôm nay, là chạy chọt, đút lót để đưa thân nhân vào bộ máy chính quyền hầu được hưởng đặc quyền đặc lợi, nhất là lợi dụng mọi cơ hội để bóc lột dân đen, sống phè phỡn trên xuơng máu và nước mắt đồng bào:
                              Chúng tôi không lén lút
                   Đưa người nhà của mình
                   Vào bộ máy nhà nước
                   “Đúng luật, đúng quy trình”…
          Ngoài ra, chế độ hôm nay còn phản bội tổ tiên, đem lãnh thổ lãnh hải, biển đảo và tài nguyên đất nước dâng hiến cho ngoại bang để thủ lợi. Cộng sản chỉ biết tận dụng mọi thủ đoạn để vơ vét cho đầy túi và giữ vững chiếc ghế của mình, mặc cho biển chết, sông chết, cá chết và nguời cũng chết theo! Đó không những là nỗi chết hôm nay, mà còn là thảm họa văn hóa kéo dài hằng thế hệ.
                  Chúng tôi không cấp phép
                   Cho doanh nghiệp nước ngoài
                   Làm sông chết, biển chết,
                   Gây hậu quả lâu dài.
          Thế là qúa rõ ràng! Chúng tôi đâu làm gì sai trái mà bị kết án là phản động? Chúng tôi không ăn cướp của dân, không đẩy dân ra ngoài đường sống như kẻ ăn mày!  Chúng tôi không mua bán chức quyền để ăn trên ngối trốc, để hưởng đặc quyền đặc lợi. Nhất là chúng tôi không bán đứng lãnh thổ và tài nguyên cho ngoại bang, không phản dân hại nước. Vậy phải xác định dứt khoát, kẻ phản động không phải chúng tôi-dân Việt thấp cổ bé miệng, mà chính là những kẻ đang vỗ ngực tự hào là chiến thắng, là đỉnh cao trí tuệ loài người, đang bám vào nhau  xây dựng giai cấp mới gọi là “ tư bản đỏ”, chỉ biết bóc lột và hưởng thụ, còn dân Việt thì thôi, sống chết mặc bay!
          Không phản động, chúng tôi-dân Việt cũng không phải là kẻ phản quốc. Chúng tôi chỉ ấp ủ những ước mơ chính đáng, là tự do dân chủ.Chúng tôi chỉ muốn bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Chúng tôi mong ước xây dựng một xã lành mạnh hài hòa. Thế mà bị lên án  là phản quốc hay sao? Trái lại, đó chính là ái quốc chân chính. Chỉ có lũ con hoang phản bội tổ tiên đang ngồi chễm chệ tại Ba Đình mới đúng là bọn phản quốc:
                   Cái chúng tôi mong muốn
                   Là đất nước chúng ta
                   Có tự do, dân chủ
                   Và xã hội hài hòa.
          Như thế, phải quay ngược mũi súng. Thay vì lên án chúng tôi- dân Việt, là phản động và phản quốc, thì chính “các ông” cộng sản Việt Nam mới là lũ phản động, cần phải loại trừ. Nếu văn chương dân gian đã kêu gọi “Bộ đội buông súng thì tha. Công an thì phải chặt ba khúc liền” thì Nguyễn Thủy Tiên cũng khẳng định, phản động là phải bắn bỏ:
                   Chúng tôi là như vậy.
                   Có phản động hay không?
                   Phản động thì bắn bỏ.
                   Phản động là các ông.
          Để kết cho bài thơ “Phản động”, Nguyễn Thủy Tiên đã xác quyết, con đường cứu nước là con đường giải thể chế độ cộng sản. Bùi Minh Quốc đã gọi cộng sản là “cổ máy chém giết”, là “giàn thiêu”, nên đã  kêu gọi “Bộ đội Cụ Hồ” quay mũi súng: Các anh đâu rồi, những người thángTám. Chẳng nhẽ khoanh tay nhìn những trò bội phản. Dân tộc này bị vỡ nợ tự do? Ở đây, Nguyễn Thủy Tiên cũng nhắn nhủ, cần thay đổi từ gốc rễ, nghĩa là phải phế bỏ tận gốc bộ máy chém giết hôm nay, dân Việt mới có khí thở, mới hé thấy tự do dân chủ:
                   Để làm được điều ấy,
                   Cần phải có đổi thay,
                   Đổi thay tận gốc rễ
                   Bộ máy khủng hiện nay.
          Công cuộc đấu tranh của dân Việt nhắm giải thể cộng sản đang tiếp tục một cách quyết liệt. Với trào lưu dân chủ đang nở rộ trên toàn cầu, với ý chí kiên cường và con tim bỏng cháy của toàn dân, chắc chắn cuộc cách mạng dân chủ tại Việt Nam sẽ thành công. Cộng sản phải ra đi. Dân Việt sẽ vui hưởng cuộc sống thanh bình tự do dân chủ. Lúc ấy, Nguyễn Thủy Tiên sẽ nắm tay bạn bè cùng ngâm nga bài ca chiến thắng…
         




Thursday, November 7, 2019


QUÊ HƯƠNG  NGẤN LỆ
Ngô Quốc Sĩ

          Từ ngày toàn cõi Việt Nam rơi vào qũy đạo đỏ với chiêu bài độc lập thống nhất, dân Việt đã thật sự mất quê hương. Kẻ lưu vong nơi quê người đất lạ. Người bị lưu đày trên chính quê hương mình. Kể từ đó, thi ca đã đượm vẻ bi hùng, vừa giăng trải nỗi lòng thương nhớ, vừa biểu tỏ quyết tâm đấu tranh dành lại quê hương đã mất. Đặc biệt, một tác giả ẩn danh đã mượn tên bài thơ mang tên “Cry,The Beloved Country” của Alan Paton để diễn tả nỗi lòng thương nhớ quê hương và niềm thương cảm cho 39 nạn nhân chết thảm trong thùng đông lạnh tại Anh quốc, đặc biệt là Trà My, người con gái Hà Tĩnh xinh đẹp đã ngỏ lời xin lỗi mẹ trước khi tắt thở.
          Mở đầu bài thơ “Cry,The Beloved Country xin tạm dịch là “Quê Hương Ngấn Lệ”,  tác giả đã giải bày niềm tâm cảm của một người trẻ sinh trưởng tại đất thần kinh, rất yêu những nét đẹp của quê hương, tiêu biểu là Huế với trường Quốc Học và Đồng Khánh đã hun đúc bao nhân tài đất nước, cũng như những xóm nghèo với  mái tranh ửng hồng trong nắng sớm như  Hàn Mặc Tử đã mô tả “Sao anh không về thăm thôn Vĩ, nhìn nắng hàng cau nắng mới lên..” Với tâm hồn tuổi thơ trong trắng, tác giả đã “yêu nước một cách lãng mạn”,chưa biết thù hận, chỉ sống một cách chân thật với giấc mơ tuổi trẻ huy hoàng. Tác giả  cũng thú nhận, trước năm 75 đã từng tham gia phong trào học sinh sinh viên tranh đấu tại Huế, xuống đường biểu tình chống chính phủ “một cách vô tư”, tưởng thế là yêu nước, là thể hiện ước mơ tự do dân chủ:
                   Lòng yêu nước lãng mạn tuổi hoa niên
                   Như giấc mộng lành không gối đầu thù hận
                   Dầu giòng lịch sử phong ba dẫy đầy cay đắng
                   Ước vọng huy hoàng yêu nước vô tư..
          Nhưng oái oăm thay! Lòng yêu nước vô tư đó đã bị phản bội. Mộng mơ tuổi hoa niên đã biến thành ác mộng khi phải đối diện với hiện thực qúa phũ phàng sau khi miền Nam sụp đổ, cánh cửa tự do khép lại một cách tức tưởi. Quê hương giờ đây chỉ còn là tiếng khóc dân oan, là then cài ngục thất, là vỉa hè ăn xin, bên cạnh những biệt phủ sang trọng với ngà voi gỗ qúy, cầu tiêu dát vàng!   Ước mơ hoà bình tự do độc lập giờ đây chỉ còn là những mỹ từ lừa đảo, những khẩu hiệu rỗng tuếch, đầu độc giới trẻ, lấp vùi cả đạo lý, giết chết dân Việt, biến dân Việt thành những kẻ vong thân:
                   Bốn mươi năm qua
                   Tàn cơn mộng mị:
                   Thời khẩu hiệu xả đầy sân đạo lý,
                   Có tâm hồn không chết cũng vong thân
          Trước đây, Trần Vàng Sao, một người trai xứ Huế, cũng đã ngây thơ theo phong trào sinh viên tranh đấu, rồi tập kết ra Bắc, tưởng là yêu nước thương nòi. Ngờ đâu, anh đã vỡ mộng, quay gót trở về, dùng ngòi bút mắng chửi cộng sản một cách thậm tệ: Tau chưởi.Tau phải chưởi. Tau chưởi bây. Tau chưởi thẳng vào mặt bây. Không bóng không gió. Không chó không mèo. Mười hai nhánh họ bây đem lư hương bát nước. Giường thờ chiếu trải sắp hàng một dãy ra đây. Đặng nghe tau chưởi..”
          Hôm nay, tác giả bài thơ “quê hương ngấn lệ” cũng là người con của Huế, tuy không đến nỗi hằn học như Trần Vàng Sao, nhưng cũng đã biểu tỏ niềm hối tiếc một thời ngây thơ lần lẫn, sau 75 mới mở mắt nhìn thấy bộ mặt thật của cái gọi là “Thiên đường Xã Hội Chủ Nghiã”.  Hiện thực phũ phàng với nỗi chết bi thảm của dân Việt dưới bàn tay những người tự hào là “kẻ thắng cuộc” đã làm cho người con xứ Huế hoàn toàn thất vọng.  Làm sao khỏi buốt nhức trước  những tiếng nấc nghẹn ngào, những giọt lệ đắng cay nhỏ xuống đồng không mông quạnh, bên cạnh các biệt phủ nguy nga tráng lệ của bọn đao phủ với ngà voi gỗ qúy, cầu tiêu dát vàng ! Qúa thất vọng, tác giả đành phải chôn vùi giấc mơ hoa niên, ngậm ngùi rời bỏ quê hương nay đã thành đất chết, để đi  tìm cuộc sống mới, chấp nhận thân phận thuyền nhân, tìm cái sống chỉ mành trong  cả trăm phần chết:
                   Cho đến một ngày tôi là Thuyền Nhân:
                   Vượt đại dương trên chiếc ghe nan đan bằng tre thiếu dầu sơn quét,
                   Trốn quê Mẹ giữa hai đầu sống chết.
                   Boat people! Nhân loại thốn tâm…
          Từ ngày đau thương gọi là Quốc Hận đó, dân Việt như đàn chim hải âu nối cánh nhau bỏ xứ  đi tìm đất sống. Nhưng oan ức thay! Bao cánh chim đã gãy nửa đường tìm về đất hứa. Bao thân xác đã rữa nát trong bụng cá hay vùi chôn dưới lòng biển sâu!
                   Bao nhiêu cánh hải âu đã gãy.
                   Bao thân tàn ma dại vượt biên.
                   Bao thân xác tiêu diêu trong bụng cá,
                   Dưới đáy biển sâu…
          Tác giả đã may mắn đến được bến bờ tự do, sống đời tạm dung. Mang thân phận lưu vong, người con xứ Huế vẫn luôn luôn canh cánh bên lòng hình ảnh quê hương yêu dấu.  Sau gần nửa thế kỷ xa cách, tác giả vẫn tưởng niềm đau đã khép lại, uất hận đã lắng xuống. Thậm chí ngày ngày từ miền đất khách, người Việt lưu vong lại còn được nghe tiếng vọng từ quê hương ngọt như mật ong. Nào là quê hương đẹp tươi chưa bao giờ có, nào quê hương là  chùm khế ngọt”, là “bông hoa sữa” của Hà Nội Phố…                  
                   Rồi nửa thế kỷ sau,
                   Cứ tưởng vạn niềm đau đã khép,
                   Từ quê người nghe tiếng vọng… lao xao:
                   “Có bao giờ quê hương ta đẹp như thế này đâu!”
          Thật là mỉa mai hết chỗ nói! Tiếng vọng lao xao về quê hương đẹp tươi chỉ là tuyên truyền lừa bịp. Quê hương tươi đẹp đâu chẳng thấy, mà chỉ thấy toàn bất hạnh khổ đau, nên tác giả phải thẳng thắn hỏi tội bọn người đã lừa gạt thế giới với những thủ đoạn tuyên truyền dối trá. Tại sao dân Việt hãnh diện với quê hương gấm vóc, với bốn ngàn năm văn hiến sáng  ngời mà hôm nay phải ngậm ngùi bỏ nước ra đi, tủi hận xa lìa cuống rốn thân yêu. Trước đây, cả triệu người đã lao mình vào biển cả, tìm cái sống mong manh. Nay, sau hơn 40 năm gọi là hòa bình thống nhất, dân Việt lại phải  lao vào con đường sinh tử để tìm khí thở, tiêu biểu như Trà My và 38 nạn nhân vừa chết dẫy dụa vì nghẹt thở  trong thùng đông lạnh tại Anh quốc!
                   Ai đã nói hãy cúi đầu tự hỏi:
                   Nước bốn nghìn năm có thời nào đến nỗi,
                   Quê Mẹ rốn lìa sinh tử ra đi!
                   Có bao giờ quê hương ta nghe lời nhắn Trà My:
                   “Con xin lỗi bố mẹ nhiều…
                   Con  đang chết vì không thở được…”
          Không còn lời nào để diễn tả nỗi đau dân tộc. Không còn nước mắt để khóc thương những mảnh đời xấu số mang thân phận Việt Nam thời nhục sử. Con, Trà My không thở được trong thùng đông lạnh. Dân Việt cũng đang ngộp thở trong ngục tù dị sử như những con thiêu thân. Trà My đã chết trong thùng đông lạnh. Dân Việt cũng đang chết trong tù nhỏ tù lớn trên quê hương đọa đày. Thân phận dân Việt qúa nhỏ bé như chiếc móng tay của cô giáo Lam, hay như mấy cùi hàng rẻ mạt trong tay bọn buôn người:
                   Nhân loại rụng rời tiếng nói Việt Nam!
                   Chết đau thương như số phận mấy cùi hàng,
                   Không gian rộng thân phận người khép lại,
                   Việt Nam ơi… hãy khóc những niềm đau:
                   Quê hương ta có khi nào tức tưởi thế này đâu!
                                Thuyền Nhân trước nay thành “Thùng Nhân” Việt…
          Nói ra thật đau lòng. “Thuyền nhân” hay “thùng nhân” thì cũng đều là con cháu Lạc Hồng đã bị chế độ ruồng rẫy, đuổi ra khỏi xã hội dành riêng cho “con cháu Bác”. Thôi! Khóc thương thế cũng đủ rồi. Chỉ xin chấp tay khấn nguyện cho vong linh những kẻ xấu số sớm an nghỉ trong cõi an vi, bên kia bờ sướng khổ, bên kia chốn thiên địa phong trần. Điều mong ước tha thiết của tác giả, cũng chính là ước nguyện của dân Việt, là nỗi oan khiên với cái chết tức tưởi hôm nay phải là tiếng chuông đánh thức lương tri nhân loại, cảnh tỉnh những tâm hồn ngây thơ còn tin vào lời đường mật dối trá của cộng sản:
                   Xin cầu nguyện cho những linh hồn vừa khuất bóng.
                   Giải oan khiên nầy thức tỉnh tận lương tri,
                   Chết là hết, hết hận thù sướng khổ,
                   Nguyện sớm về yên nghỉ cõi an vi.
          Lời trần tình của người con xứ Huế ẩn danh qủa là tiếng kêu của con tim thật truyền cảm, đánh động bao tâm hồn đang rướm máu trước những oan khiên chất ngất của dân tộc. Giải khăn sô cho Huế cũng chính là giải khăn tang cho đồng bào ruột thịt tại Hà Tĩnh Nghệ An, và là giọt nước mắt pha máu cho quê hương ngấn lệ hôm nay…