Saturday, September 29, 2018


VĂN HÓA HỦY DIỆT

Với nhiều người ngoại quốc, Việt Nam là những bãi biển cát trắng tuyệt đẹp, là món Phở thơm đầy hương vị, là những ruộng bậc thang vàng óng ả, là cốc cà phê quyến rũ hơn hết thảy các loại cà phê trên thế giới…

Nhưng nước Việt đẹp nhất là con người Việt, là chủ thể tạo nên những giá trị cốt lõi nhất của một Việt Nam đầy khác biệt. Tổ quốc không phải chỉ là một mảnh đất, vài hòn đảo, nếu chỉ dồn mọi căm hận để đòi giữ chủ quyền lãnh thổ, chúng ta đã quên đi mất sức mạnh dân tộc thật sự đến từ đâu.
Trong cả bộ phim siêu anh hùng Thor – Tận thế Ragnarok, có lẽ những lời của thần Odin nói với Thor trước khi rời đi đã cởi nút thắt trong tâm Thor và cũng là những lời có ý nghĩa hơn cả: “Asgard không phải là một mảnh đất. Nó chưa bao giờ là một mảnh đất… Asgard là nơi người Asgard đứng”.
Nhà văn trẻ Lê Nguyễn Nhật Linh khi viết cuốn sách bán chạy hơn 10.000 cuốn về Nhật Bản cũng đã khẳng định ngay từ trang đầu tiên, “nước Nhật đẹp nhất của tôi chính là người Nhật”.
Và một minh chứng hùng hồn khác là những người Do Thái lang bạt, sau cả thế kỷ di chuyển, họ vẫn giữ được những giá trị cốt lõi của dân tộc Do Thái hùng mạnh. Cho tới khi được an cư, dù vẫn phải đối diện với những xung đột sắc tộc, nhưng họ đã làm nên những kỳ tích Israel trên mảnh đất khô cằn nhờ sức mạnh dân tộc tới từ văn hóa truyền thống đầy bản sắc của mình.
Rõ ràng, điều làm nên sức mạnh quốc gia không phải ở độ rộng lớn của mảnh đất mà chúng ta gọi là tổ quốc. Văn hóa chính là điều làm nên sức mạnh của mọi dân tộc hùng cường trên thế giới. Ở vị thế luôn phải gồng mình, khéo léo chống trả sự ức hiếp của ngoại bang, người Việt ngày nay lại đang tự đánh mất đi sức mạnh của mình bằng những thứ văn hóa mới mẻ nhưng đầy tính hủy diệt.
Giá trị duy nhất để chúng ta tôn vinh là Văn Hóa, nhưng hãy suy ngẫm lại từ khoảng chục năm gần đây, liệu chăng văn hóa của chúng ta đã có còn nguyên vẹn.  (Ảnh: TDQ)
Văn hóa “Giả dối”
Có lẽ chưa bao giờ người Việt mất niềm tin vào nhau nhiều như thời nay. Sống trong một quốc gia mà chúng ta phải đề phòng, nghi ngờ từng nhánh rau, hột gạo mua ngoài chợ, cho đến tấm bằng tốt nghiệp của cả một thế hệ trẻ vốn là sức mạnh của tương lai dân tộc, thì liệu chúng ta có thể rộng lòng mà tin yêu những người xung quanh mình, thực lòng tin tưởng vào cộng đồng mà mình gọi là dân tộc?
Sự giả dối có mặt ở mọi nơi, ngay từ mảnh đất đáng nhẽ phải là trong sạch và thuần hậu nhất – Giáo dục. Đáng nhẽ đó phải là nơi ươm trồng nên những con người tốt trước khi trở thành người tài giỏi, nhưng các em lại được dạy phải chạy đua thành tích, phải đạt điểm tốt, danh hiệu, kết quả tốt bất chấp phương cách. Học là để sau này có điều kiện tốt mà kiếm nhiều tiền, để làm rạng danh gia tộc, làm bố mẹ nở mày nở mặt… chứ không phải là để làm người.
Giáo viên cũng không đặt cái nghề của mình ở vị trí thiêng liêng cao cả là dạy làm người, mà là nghề để kiếm miếng cơm manh áo. Doanh nghiệp, tổ chức tuyển người cũng không nhìn gì khác ngoài bằng cấp. Và cả xã hội chạy theo bằng cấp, hình thức trong khi ai cũng nhận ra sự phi lý mà chẳng thể thay đổi, bởi chúng ta đều chỉ cần được việc của mình là ổn rồi.
Một khảo sát xã hội vào năm 2008 của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm – Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng (ĐH Quốc gia Tp.HCM) đã chỉ ra, tỷ lệ nói dối ở học sinh cấp 1 là 22%, cấp 2 là 50%, cấp 3 là 64% và đến cấp đại học là 80%. Đó là những con số rất đáng báo động và đau lòng.
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm – Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng đã chỉ ra tỉ lệ nói dối ở bậc đại học lên tới 80%, vậy chăng chúng ta đang mất đi điều gì đó…(Ảnh: giaoduc.net)
“Trong một bài viết in trên báo Văn Nghệ số ra 10/01/1974, một nhà báo mỹ là Lady Borton kể rằng lúc đầu đến Việt Nam, bà có phần choáng ngợp trước một xã hội lành mạnh, mọi người rất ham đọc sách, rõ ra một xã hội có giáo dục. Còn giờ đây, bà được chứng kiến muôn điều tồi tệ. Một lần, tại một trong những trường đại học nổi tiếng nhất Hà Nội, bà dự buổi kiểm tra ở một lớp tiếng Pháp. Mọi sinh viên còn rất trẻ, người nào cũng lanh lợi. Thế mà lúc làm bài thi, chỉ thấy họ trổ ra mọi mánh lới man trá. Trong một giờ bà đã nhìn thấy những mánh lới nhiều hơn cả quãng đời trước đó của bà cộng lại, Lady Borton xem đây như một điều khủng khiếp”, tác giả Vương Trí Nhàn đã lấy ví dụ để minh chứng cho văn hóa giả dối từ trên học đường của thế hệ trẻ Việt Nam.
Từ giáo dục, cái nôi làm nên nhân cách con người, chúng ta đã được dạy về sự giả dối, nên đương nhiên sự giả dối sẽ là một phần của văn hóa chủ đạo của người Việt mới.
Quan chức thì chạy chức chạy quyền rồi sau đó phải tận lực vơ vét để “bù lỗ”, phải cho con em vào ngồi đầy công sở nào “ngon ăn”, vì làm quan không phải để lo cho dân mà là để kiếm thật nhiều tiền, để làm rạng danh dòng họ.
Người dân làm cái việc đơn giản hàng ngày như đi trên đường cũng phải vi phạm luật giao thông từ vài giây đèn đỏ cho tới trèo lên vỉa hè. Đơn giản hơn nữa, là xếp hàng mua đồ cũng phải chen ngang, lấn dọc, vào bệnh viện thì cũng đi cửa sau, làm dịch vụ cho nhanh… Sự chân thật không có chỗ khi văn hóa giả dối lên ngôi.
Gần đây nhất là sai phạm giáo dục tại Hà Giang, đăng trên tờ Lao Động có bài viết về nghi án giám đốc sở GD-ĐT Hà Giang “đánh một mẻ lớn” khi còn khoảng 72 ngày nữa là về hưu. (Ảnh: Lao Động)
“Ác” thay cho “Thiện”
“Thời xưa đi học… Học đến sách Minh tâm thì nhớ câu: ‘Cái mà mình không muốn, thì đừng làm cho người khác’” – (Trích Hà Nội thanh lịch), đó là lời cụ Hoàng Đạo Thúy chia sẻ trong cuốn sách cuối cùng của mình. Đó chính là cái đức Thiện của văn hóa truyền thống mãi luôn là kim chỉ nam đúng đắn cho con người mọi thời đại. Cái thời mà cụ nhắc đến đó cũng chỉ cách chúng ta khoảng 2 thế kỷ. Hơn 200 năm sau, những gì cổ nhân dạy đã được con cháu sáng tạo thành ngược lại hoàn toàn. Đó là làm gì cũng phải nghĩ đến bản thân trước tiên.
Cách đây chỉ vài chục năm, liệu có ai nghĩ được, cụm từ “người Việt đầu độc người Việt” lại trở nên phổ biến và không còn là điều gì quá sốc như bây giờ. Đến nông dân trồng rau cũng phân ra hai luống, một bên phun thuốc để đem bán cho đồng bào mình, một bên organic cho sạch sẽ để gia đình mình ăn. Thực phẩm sạch lên ngôi với giá đắt gấp 2, gấp 3 thực phẩm “bình thường”, mà đáng lẽ đồ sạch phải là điều đương nhiên người tiêu dùng được hưởng chứ không phải đặc cách dành cho người giàu.
Báo Tuổi trẻ ngày 22/03/2016 đăng một bản tin với cái tít gây sốc “Trên 6 triệu con heo xơi chất cấm vô bụng dân Việt”. Năm 2014, Tổ chức Y tế thế giới cho biết, mỗi năm ở Việt Nam có thêm 200.000 người mắc ung thư và 70.000 chết vì căn bệnh này. Với tỷ lệ đó, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về tỷ lệ mắc và chết vì ung thư. Nguyên nhân chính đến từ thực phẩm nhiễm bẩn. Nhưng dường như những thông tin như thế này không còn làm người Việt thấy choáng váng nữa, họ chỉ đơn giản là tự tìm cách bảo vệ mình hoặc tặc lưỡi cho qua và sống chung với lũ.
Năm 2016 trên tờ Tuổi Trẻ đưa tin hơn 6 triệu con heo xơi chất cấm vô bụng dân Việt, Người Việt đang đầu độc chính mình, chắc có lẽ thế mà tỉ lệ ung thư và các bệnh hiểm nghèo tăng chóng mặt. (Ảnh: Blikk)
Cái ác không chỉ thể hiện ở việc bất chấp mọi cách để làm giàu, chà đạp lên lợi ích của người khác với tầm nhìn ngắn ngủn vì chỉ thấy cái lợi của bản thân. Cái ác của người Việt ngày nay còn thể hiện ở mọi ngôn từ, lời nói, dù ở trên mạng xã hội nơi người ta không phân biệt nổi ảo và thật cho đến ngoài đời thường.
Truyền thông đầy rẫy những tít báo với từ ngữ như “bóc phốt”, “tố”, “ném đá”, “chơi khăm”, “không đội trời chung”, “thảm họa”… Ngôn từ của cả một thế hệ mới thì toàn “chém gió”, “chết đi!”, “ngu như…”, “mù à?”, “điên à?”, “thích chết à?”… Trên mạng xã hội thì đủ mọi cấp bậc của ngôn từ mang tính sát thương, người ta cũng sẵn sàng chửi bới nhau, mạt sát, thóa mạ, phán xét bằng lời cay nghiệt từ những chuyện nhỏ bé như anh chàng nào đó khoe khoang về độ sành điệu cho đến người này cướp chồng của người kia… Và tất nhiên với những vấn đề “nóng” trong xã hội, thì họ bàn luận bằng đủ loại góc nhìn, nhưng chẳng mấy khi có tính chất đóng góp, khách quan và rộng lượng.
Từ sự giả dối, ác mồm ác miệng, ác cả trong hành động vụ lợi chăm chút cho bản thân mặc kệ người khác, tất yếu sẽ đi kèm với một thứ văn hóa đầy tính thù địch khác. 
Khi chúng ta đang lạc lõng giữ một xã hội đầy góc nhìn đấu tranh, đấu tranh vì điều này điều khác, vậy phải chăng ngôn từ của chúng ta cũng đang bị biến dạng méo mó. (Ảnh: Dinside).
“Tranh đấu” từ những điều nhỏ nhặt nhất
Xã hội Việt Nam sau mấy chục năm kết thúc chiến tranh, vẫn ám ảnh bởi sự tranh đấu đến kỳ lạ. Trên các phương tiện truyền thông và ở mọi ngõ ngách của cuộc sống thời bình, người ta vẫn dùng những từ như “chiến sĩ”, “mặt trận”, “xung phong”, “xung kích”, “đấu tranh”, “chiến đấu”… “Thi” thì phải đi kèm với “đua”, “phòng” thì phải đi đối với “chống”. Thật ra chỉ cần làm thật tốt hết sức những gì mình có thể thì sẽ đạt kết quả tốt, không cần phải đua với ai. Và những cái xấu tự nó cũng không thể tồn tại nếu ai cũng làm việc tốt, vậy sao cần chống cái xấu, mà không phải là làm thật tốt cái ta có thể làm được, cái xấu tự nó sẽ mất đi. 
Ừ thì cứ cho là có thể dùng từ chống lại những thứ như tham nhũng, đói nghèo đi (mà thực tế là nó không thể tồn tại nếu con người không tạo ra nó, không biết chống là chống ai?)… nhưng ảo tưởng thành quen khi nghĩ có thể chống lại được cả thiên tai thì hiếm thấy có quốc gia nào. Vậy mà chúng ta vẫn “chống” cả lũ lụt từ bao lâu nay. 
Hiện vẫn chưa rõ những thứ chúng ta hô chống lại đó có suy yếu được không, nhưng rõ ràng là tự chúng ta lại hình thành một tâm lý “kháng chiến”, phân định lằn ranh “địch – ta” với ngay chính những người xung quanh mình. Trong công tác thì phải đạt “chiến sĩ thi đua”, nỗ lực trong cuộc sống thì gọi là “phấn đấu”, như thể muốn vươn lên thì ta nhất định phải đấu với ai đó. 
Với thứ văn hóa tranh đấu đó, chúng ta cảnh giác, hoài nghi và phán xét mọi sự khác biệt. Không có môi trường cho tinh thần khoan dung và sáng tạo phát triển. Người với người chỉ toàn hằm hè, thiếu tin tưởng và đố kỵ.
Người ta lo sợ khi chân thành tin tưởng vào điều mà lại bị lừa gạt, thì bản thân sẽ tổn thương sâu sắc. Càng chân thành càng bị tổn thương mãnh liệt, họ càng biểu hiện ra tâm lý cảnh giác cao độ, thậm chí đi đến cực đoan, không tin tưởng bất kỳ ai.
Người Việt trở nên hung hăng hơn, tưởng chừng như sự căng thẳng luôn hiện hữu và chỉ cần động đến cái tôi đó thì sẵn sàng động thủ, âu cũng vì cái Giả – Ác – Đấu đã ăn sâu vào trong tiềm thức, thay vì thông cảm, con người lại đấu đá lẫn nhau. (Ảnh: DNVN)
Người Việt thời nay hay phán xét thành công của người khác để giảm bớt cảm giác thua kém. Họ sẵn sàng chửi bới, hoặc nhẹ nhàng hơn thì cáu gắt khi chẳng may có ai đó chặn đường xe của mình. Họ chà đạp lên quyền lợi của người khác, chen lấn, cướp giật để tiến nhanh hơn hay đơn giản chỉ là để có được đồ ăn hạ giá.
Không cần phải dẫn chứng đầy đủ để chứng minh sự tồn tại của thứ văn hóa Giả – Ác – Đấu nói trên, bởi chỉ cần nhìn quanh môi trường chúng ta đang sống, những người chúng ta quen biết, bạn sẽ chắc chắn gặp một vài trường hợp của thứ văn hóa này đang hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày.
Giả – Ác – Đấu là thứ văn hóa mang tính hủy diệt
Văn hóa giàu bản sắc, thuần thiện, tốt đẹp thì sẽ là sức mạnh của cả một dân tộc. Nhưng nếu là thứ văn hóa xấu xí, nó sẽ luôn là vật cản, ngăn trở con người hoàn thiện bản thân, phát triển xã hội bền vững, thịnh vượng. Với văn hóa Giả – Ác – Đấu, xã hội sẽ không khác gì một vườn thú, cạnh tranh, sinh tồn và đầy hỗn loạn. Bạn trách cứ người khác, lên án thực trạng xã hội, bạn lo lắng cho tương lai của con cái mình, thế nhưng mọi người ai cũng có góp chút sóng mà thành bão.
Chúng ta kêu gọi phải đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh dân tộc, nhưng dân tộc với khái niệm ngay sát sườn là môi trường chúng ta đang sống thì lại là những con người mang trong mình văn hóa Giả – Ác – Đấu đến lạnh người. Nếu muốn đột phá, muốn vươn mình đứng dậy, tự tin bước ra thế giới, tự hào khi được nhắc tới là người Việt Nam, trước hết bạn phải loại bỏ thứ văn hóa mới mẻ nhưng đầy tính hủy diệt này.
Giả – Ác – Đấu chính là chống lại Chân – Thiện – Nhẫn, những giá trị nhân văn, phổ quát nhất của nhân loại mọi thời đại. Thay vì Chân thành, trung thực, người ta lại giả dối, lừa lọc. Thay vì Thiện lương, nhân ái, người ta lại ác độc, thâm hiểm. Thay vì Nhẫn nại, hòa ái, người ta lại đấu tranh, đầy hiềm khích. Thứ văn hóa mới đang ngang nhiên chống lại những điều đương nhiên mà con người phải có để có thể chung sống hòa bình và thịnh vượng, vậy thì tất nhiên nó sẽ là rào cản cho sức mạnh dân tộc.
Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, một ý thức vì người khác, bởi vì đơn giản: Khi ta tặng bạn hoa hồng tay ta còn vương mãi mùi hương. (Ảnh: ĐKN)
Vậy thì thay vì chỉ ngồi chửi rủa anh hàng xóm lớn mạnh đang ngày đêm gây hấn với chúng ta, thay vì nói xấu lẫn nhau, bêu rếu về người Việt xấu xí giữa làn sóng hội nhập đầy thách thức. Lòng yêu nước, tự hào dân tộc nên được hiện thực hóa từ những việc nhỏ nhặt nhất. Hãy cùng nhau dẹp bỏ thứ văn hóa Giả – Ác – Đấu, quay trở về với Chân – Thiện – Nhẫn để quy tụ sức mạnh.
Bởi một xã hội có Chân – Thiện – Nhẫn thì sẽ có sự ổn định, sự thịnh vượng, có môi trường tốt cho những đột khởi tích cực, và trên hết là có niềm tin. Khi tất cả mọi người dân đều tin tưởng lẫn nhau, tin tưởng vào quốc gia, vào những giá trị mà mình đại biểu và tin tưởng rằng làm điều tốt thì sẽ được đền đáp, thì đó chính là một tập thể hùng mạnh nhất.
Thuần Dương


Thursday, September 27, 2018


NHỮNG VẦN THƠ TIỄN BIỆT CHUA CAY
                                                   Ngô Quốc Sĩ
          Trần Đại Quang đã lặng lẽ ra đi. Trước cái chết đột ngột đầy bí ẩn của Quang, dư luận trong nước cũng như ngoài nước đang bàn tán thật sôi nổi. Hà Nội cho biết ông chết vì “bị nhiễm Virus hiếm và độc hại  thế giới chưa tìm ra thuốc chữa.” Nhưng theo ông Bùi Quang Vơm, dư luận không tin như thế: Nhưng người ta lại nói, ông Quang chết theo đúng quy trình, theo lý thuyết Xây dựng đảng mà ông Trọng là Giáo sư tiến sĩ.” Trang mạng Chân Trời Mới nói hoạch toẹt rằng, Trần Đại Quang bị Trung cộng hạ độc theo yêu cầu của Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc. Nhà văn Võ Thị Hảo cũng thổ lộ: Có thể chỉ vì 'đồng chí khác’ ấy đã biết quá nhiều. Biết quá nhiều là tội lớn cần loại trừ, kể cả khi đồng chí ấy 'cắn rơm cắn cỏ' lạy lục ngoan thật là ngoan. Và khi đó xẩy ra những cuộc ốm, cuộc mất tích, cuộc chết vì bệnh bất thường...Đó là cái chết của 'những đồng chí khác'.
          Tạm gác việc tìm hiểu cái chết của ông Quang để giới thiệu những vần thơ tiễn biệt đầy mỉa mai của các thi hữu, cùng với niềm phấn khởi của dân chúng, có vẻ không mấy thích hợp với truyền thống Việt tộc, như Phạm Chí Dũng đã nhận xét “Dù nghĩa tử nghĩa tận là truyền thống muôn đời của người Việt, nhưng vẫn đành phải nói thẳng một sự thật: cái chết của ‘chủ tịch nước Trần Đại Quang’ đã chỉ gom hứng được quá ít nước mắt trong khi số người hể hả nhiều hơn hẳn… chỉ thấy một bầu không khí vui mừng không thèm che giấu trên mạng xã hội..”
          Thật mỉa mai! Khi lãnh tụ Liên Sô ra đi, Việt Nam đã khóc sướt mướt: Ông Sta-lin ơi! Ông Sta-lin ơi! Hỡi ôi Ông mất! Đất trời có không?”. Nay lãnh tụ Việt nam mất thì dân chúng lại nâng chén reo mừng như Song Vinh đã chia sẻ:
                   nghe tin bác chủ tịt rồi
                   anh em nâng chén nhậu thôi đã đời
                   nghe tin bác đã tịt hơi
                   anh em nâng chén đã đời nhậu thôi
            Dân chúng mừng vui, còn văn thi hữu thì hạ bút thật cay độc! Nguyễn Hữu Vinh chỉ nhìn thấy gót chân ngập máu của người đi:
                   Gót chân anh, giờ đang còn ngập máu
                   Máu của nhân dân, chiến sĩ, đồng bào
          Chân Quang ngập máu với bộ máy công an trị, thẳng tay trấn áp và hủy diệt dân tộc. Dưới sự lạnh đạo của Quang, dân Việt đang rên xiết dưới gót giày đinh, sống lầm than nghẹt thở như chờ chết:
                   Đã bao năm, dân lầm than cơ cực
                   Rên xiết dưới giày đinh của chế độ bạo tàn
                   Đã bao người dân không còn đường sống
                   Cũng bởi vì đảng độc tài tàn bạo, dã man
          Phần lớn trách nhiệm phải đổ lên đầu Quang, ông trùm công an ngồi trên đỉnh cao quyền lực, ra oai tác quái, bỏ tù và bóc lột người dân tận xương tủy:
                   Từ vị trí đỉnh cao quyền lực
                   Anh ra oai, bỏ ngục dân lành
                   Họ trắng tay, chỉ còn một thứ
                   Lòng yêu nước thương nòi như ngọc sáng long lanh
           Lên án Trần Đại Quang, Nguyễn Hữu Vinh cũng chia sẻ niềm hân hoan của dân Việt trước cái chết của ông. Dân Việt không chỉ ghét Quang, mà còn căm hận và quyết loại bỏ cả bộ máy chém giết của loài qủy đỏ:
                   Nên hôm nay, nghe tin mà sửng sốt
                   Cả đất nước vui mừng, cứ như ở trong mơ
                   Không phải dân chỉ ghét anh nên thế
                   Họ ghét cả tập đoàn ma quỷ tựa Satan
                   Bớt được thằng nào, thì hay thằng ấy
                   Nếu được cả bầy, đất nước sẽ hân hoan
          Điếu văn tiễn biệt của Nguyễn Hữu Vinh kết thúc với nhắn nhủ tập đoàn lãnh đạo Hà Nội, đừng bắt chước Trần Đại Quang bám gót Hồ Chí Minh để bị lịch sử nguyền rủa muôn đời:
                    Nay nằm xuống, anh trở về với đất
                   Hay vào lăng, cho đời rủa không nguôi?
                    Tôi chưa rõ, chỉ chúc anh lần cuối
                   Hãy là tấm gương cho những tên đang bán cả giống nòi.
          Đồng cảm với Nguyễn Hữu Vinh, nhiều người cũng bày tỏ cảm nghĩ trên các diễn đàn với những lời lẽ chua chát, tiêu biểu như Phạm Thanh Nghiên:
                   Bác Quang thì đã đi rồi
                   Nghe đâu hoạn lợn cũng ới ời đi theo.
          Nguyễn Khắc Long quyết liệt hơn kêu gọi dân Việt thẳng tay loại bỏ từng tên đao phủ, không để ai sống sót:
                   Ba Đình đến lúc đảo điên
                   Mong rằng chúng chết gõ chiêng ăn mừng
                   Nhân dân chuẩn bị dây thừng...
                   Tên nào sót lại treo từng đứa lên !!!
          Riêng Trần Phong Vũ lại thương hại Trần Đại Quang nhắm mắt nhưng không thể yên giấc, vì sẽ mãi mãi bị ám ảnh bởi bóng ma của những mảnh đời cay đắng, những tiếng cười hờn căm, với bao tang thương rách nát do bàn tay vấy máu của ông trùm:
                    Đã chết chưa sao tôi thấy màu đen
                   Hình như tiếng ai cười trong đêm vắng
                   Còn sót bên lề những mảnh đời cay đắng
                   Có linh thiêng thì lũ lượt kéo nhau đi
                   Tôi chẳng buồn , vui cũng có ích chi
                   Bởi còn đấy bao tang thương rách nát
          Hồn Nhiên cũng không nặng lời trách cứ, mà chỉ thương hại cho ông Chủ Tịch đã bị Tổng Thái Thú Thiên Triều thủ tiêu bằng vi khuẩn lạ:
                    Anh Quang ơi hỡi anh Quang,
                   Sao anh đi sớm dễ dàng vậy anh?
                   Trọng lú ra sức hoành hành
                   Bịa "vi khuẩn lạ" giết anh 2 lần 
          Còn nhiều vần thơ đưa tiễn không sao kể hết. Thôi xin mượn lời Nguyễn Ngọc Thương để tiễn ông theo gót Nguyễn Bá Thanh về chầu Diêm Vương:      
                   Bác Quang ơi hỡi bác Quang!
                   Hôm qua mới nhắc nay sang từ trần.
                   Dân đen hớn hở... rần rần,
                   Bá Thanh mới... bị thịt, nay... ai mần thêm Quang?!
           “Bắt tay nhau hôm nay, ăn thịt nhau ngày mai” là chuyện cơm bữa của Xã Hội Chủ Nghĩa. Nhưng đáng buồn hơn, chắc chắn bọn lâu la sẽ tranh dành, cướp giật chiếc ghế trống của Quang như lũ kên kên rúc tỉa xác người:
                   Hết hồn, như sét trời... quang,
                   Hỡi ôi! Đang khỏe, chuyển sang... từ trần!
                   Lâu la có dịp tranh phần
                   Ngoi, chen, giành, đạp... ác nhân một bè!
          Thôi!  Xin khép lại những vần thơ tiễn biệt với lời Sấm của Trạng Trình:
                   Bỉnh chúc vô minh quang tự diệt.
                   Trọng ngân bạc phúc sản tất vong.
          Quang đã tận số. Trọng Ngân Phúc sẽ bạc phước ra đi và cộng sản nhất định tiêu vong.. Có chút thương hại cho Quang, nhưng thế cũng đáng đời!




Thursday, September 20, 2018


CẢM NHẬN TỪ ĐƯỜNG PHỐ VIỆT NAM

TS.Nguyễn Văn Tuấn

Tôi vừa có một chuyến đi gần 1 tháng ở bên nhà. Đó là một thời gian tương đối dài đối với tôi, một phần là vì công việc, và một phần khác là nghỉ hè. Chính vì hai việc này mà tôi có dịp đi đây đó, và có dịp quan sát quê hương -- không phải từ phòng máy lạnh, mà từ thực địa. Tôi e rằng những quan sát và cảm nhận của tôi hơi bi quan.

Thú thật, tôi không thấy một Việt Nam sẽ "tươi sáng", mà chỉ thấy một đất nước sẽ tiếp tục tụt hậu và lệ thuộc, nhất là trong bối cảnh cộng đồng kinh tế ASEAN

1. Một đất nước trên đà suy thoái. 

Cái ấn tượng chung và bao quát trong chuyến về thăm quê là đất nước này đang trên đà suy thoái hầu như về mọi mặt. Mặc cho những con số thống kê kinh tế màu hồng được tô vẽ bởi Nhà nước, trong thực tế thì cuộc sống của người dân càng ngày càng khó hơn. Hơn 70% dân số là nông dân hay sống ở miệt quê, nên chúng ta thử xem qua cuộc sống của một gia đình nông dân tiêu biểu, gồm vợ, chồng và 2 con. Gia đình này làm ra gạo để các tập đoàn Nhà nước đem đi xuất khẩu lấy ngoại tệ (và chia chác?) nhưng số tiền mà họ để dành thì chẳng bao nhiêu.. Gia đình này có thể có 5 công đất (hoặc cao lắm là 10 công đất), sau một năm quần quật làm việc "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", cả nhà chỉ để dành khoảng 10-15 triệu đồng, có khi còn không bằng một bữa nhậu của các quan chức.

Cuộc sống của người nông dân là nợ triền miên.. Đầu mùa thì vay ngân hàng để mua giống, mua phân, mua thuốc trừ sâu; thu hoạch xong thì phải trả nợ cộng tiền lời cho ngân hàng. Rồi đến mùa vụ kế tiếp thì cái vòng vay - trả nợ lại bắt đầu. Con của người nông dân đi học, thì mỗi đứa phải gánh ít nhất là 10 loại phí khác nhau, có khi lên đến 20 phí! Các trường, các uỷ ban nhân dân, các cơ quan công quyền, v.v. đua nhau sáng chế ra những loại phí để moi móc túi tiền người dân vốn đã quá ít ỏi. Họ không cần biết người dân có tiền hay không, phí là phí, và phải đóng phí. Không ít gia đình không có tiền đóng phí nên cho con nghỉ học. Đã có tình trạng người dân không đủ tiền trả viện phí nên tìm đến con đường tự tử.

Môi trường sống xuống cấp thê thảm. Sự gia tăng dân số gây áp lực vô cùng lớn đến môi sinh. Mật độ dân số tăng nhanh, ngay cả ở vùng nông thôn. Có thể nói rằng hầu hết các con sông ở VN đang chết. Tất tần tật, kể cả heo gà và có khi cả người chết, cũng bị vứt xuống sông. 


Những con sông VN đang chết vì chúng đã biến thành những bãi rác di động khổng lồ. Đó là chưa nói đến sự xâm nhập của nước mặn vào các con sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, một phần là do mấy cái đập lớn Tàu xây trên thượng nguồn của sông. Tôi cho rằng sự suy thoái về môi trường là mối đe doạ lớn nhất đến sự tồn vong của đất nước.

Ở đất nước này, chính quyền đã mắc cái bệnh vô cảm quá lâu, và bệnh đã trở thành mãn tính, rất khó cứu chữa. Cái bệnh vô cảm của chính quyền nó còn lan truyền sang cả xã hội, mà trong đó mọi người dùng mọi phương cách và thủ đoạn để tranh nhau ngoi lên mặt đất mà sống.. Có thể nói cả xã hội đang chạy đua. Cái chữ "chạy" ở VN đã có một ý nghĩa khác... Dân chạy để đưa con cái vào đại học, vào cơ quan Nhà nước để hi vọng đổi đời. Quan chức cũng chạy đua vào các chức vụ trong guồng máy công quyền, và họ chạy bằng tiền. Tiền dĩ nhiên là từ dân. Thành ra, cuối cùng thì người dân lãnh đủ. Sự suy thoái ở VN diễn ra trên mọi mặt, từ kinh tế, môi trường, y tế, giáo dục, đến đạo đức xã hội.

2. Đất nước đang bị "bán" 

  
Một anh bạn tôi vốn là một doanh nhân (businessman) thành đạt cứ mỗi lần gặp tôi là than thở rằng đất nước này đang bị bán dần cho người nước ngoài. Mà, đúng là như thế thật. Ở khắp nơi, từ Đà Nẵng, đến Nha Trang, tận Phú Quốc, người ta "qui hoạch" đất để bán cho các tập đoàn nước ngoài xây resort, khách sạn, căn hộ cao cấp. Một trong những "ông chủ" mới thừa tiền để mua tất cả của Việt Nam là người Tàu lục địa.

Chẳng những đất đai được bán, các thương hiệu của VN cũng dần dần bị các tập đoàn kinh tế nước ngoài thu tóm và kiểm soát. Chẳng hạn như các tập đoàn Thái Lan đã thu tóm những thương hiệu bán lẻ và hàng điện tử của Việt Nam.. Tuy nhiên, người dân có vẻ "ok" khi người Thái kiểm soát các cửa hàng này, vì dù sao thì người Thái đem hàng của họ sang còn có phẩm chất tốt và đáng tin cậy hơn là hàng hoá độc hại của Tàu cộng. 


Đó là chưa kể một loại buôn bán khác: buôn bán phụ nữ. Phụ nữ Việt Nam được quảng cáo ở các nước như Tàu, Đài Loan, Singapore và Đại Hàn. Chưa bao giờ người Việt Nam chịu nhục khi con gái VN được cho đứng trong lồng kiếng như là những món hàng để người ta qua lại ngắm nghía và trả giá! Thử hỏi, có người Việt Nam nào tự hào được khi đồng hương mình bị đem ra rao bán như thế.. Xin đừng nói đó là những trường hợp cá biệt; đó là tín hiệu cho thấy một đất nước đang bị suy thoái về đạo đức xã hội.

3. Tham nhũng tràn lan tràn


Không cần phải nhờ đến tổ chức minh bạch quốc tế chúng ta mới biết VN là một trong những nước tham nhũng nhất thế giới. Chỉ cần tiếp xúc với hải quan, hay bất cứ cơ quan công quyền nào, người dân đều có thể nếm "mùi tham nhũng". Tham nhũng từ dưới lên trên, từ bên này sang bên kia, từ cấp thấp đến cấp cao. Có khi tham nhũng công khai, và kẻ vòi tiền mặc cả cái giá mà không hề xấu hổ. Các cơ quan Nhà nước phải hối lộ các cơ quan Nhà nước khác, và họ xem đó là bình thường. Ngay cả những ngành dịch vụ tưởng như là "trí thức" như giáo dục và y tế mà cũng tham nhũng, và vì họ có học nên tham nhũng ở hai ngành này còn "tinh tế" hơn các ngành khác!

Có thể nói là tham nhũng (và hối lộ) đã trở thành một thứ văn hoá. Cái văn hoá này nó ăn sâu vào não trạng của cán bộ Nhà nước. Đã là văn hoá thì nó rất khó xoá bỏ một sớm một chiều. Ngay cả ông tổng Phú Trọng còn thú nhận rằng trạng tham nhũng như "ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu", nhưng cho đến nay ông cũng không làm được cái gì để giảm tình trạng này.


4. Xã hội bất an

 
Có thể nói không ngoa rằng VN là một xã hội bất an. Đọc báo hàng ngày thấy tin tức về tội phạm dày đặc khắp nơi. Chẳng những sự phổ biến của tội phạm, mà sự manh động của các vụ án càng ngày càng táo tợn. Chưa nơi nào có những vụ giết người vô cớ như ở VN: chỉ một cái nhìn cũng có thể dẫn đến cái chết!


Đáng ngại nhất là tội phạm đã lan tràn về tận vùng quê. Ở quê tôi, nơi mà ngày xưa là một làng êm ả, ngày nay là một cộng đồng bất an vì những vụ chém giết xảy ra hầu như hàng tuần! Người dân dưới quê cảm thấy mệt mỏi, không muốn nuôi trồng gì nữa, vì nạn trộm cắp hoành hành triền miên. Nuôi cá chưa đủ lớn thì đã bị trộm câu mất. Trồng một cây mít, trái chưa chín thì đã có trộm hái dùm. Chưa bao giờ tình trạng trộm cắp phổ biến như hiện nay ở vùng nông thôn. 


Đó là chưa nói đến tai nạn giao thông vốn còn kinh hoàng hơn cả trộm cắp. Ở VN, bước ra đường là chấp nhận rủi ro tai nạn, thậm chí chết vì sự hỗn loạn của hệ thống giao thông. Thật vậy, tai nạn giao thông ở VN đã và đang trở thành nỗi kinh hoàng của không chỉ người dân địa phương mà còn ở du khách.

Một dạng bất an khác là (mất) an toàn thực phẩm. Có thể nói rằng đây là vấn đề làm cho cả dân số quan tâm nhất (theo như kết quả của một cuộc điều tra xã hội chỉ ra). Đi đến đâu, ở bất cứ thời điểm nào, người ta cũng nói đến những loại hàng hoá độc hại được tuồn vào thị trường Việt Nam từ một cái nguồn quen thuộc: Tàu cộng. Ngay cả ở dưới quê tôi, người dân còn không dám mua trái cây có xuất xứ từ Tàu. Không có một nông sản nào của Tàu sản xuất được xem là an toàn. 

  
Ngày nay, ngay cả các bợm nhậu cũng e dè những món ăn ở nhà hàng, quán nhậu, vì không ai dám chắc đó là hàng hoá của VN hay của Tàu. Nhưng điều đáng buồn nhất là sự tiếp tay của các doanh nghiệp Việt Nam để cho hàng hoá Tàu hoành hành đất nước ta và dân tộc ta. Thật không ngoa khi gọi những doanh nghiệp này là "gian thương". Cũng không ngoa để nói rằng gian thương cấu kết với những cán bộ tham nhũng đang giết chết kinh tế nước nhà và người dân.

5. Trí thức không có tiếng nói, không có phản biện 

  
Theo dõi báo chí ở VN, dễ dàng thấy sự trống vắng tiếng nói của giới trí thức. Trước một sự kiện tương đối quan trọng như đại hội đảng csvn, mà không hề có bất cứ một bình luận độc lập nào, không hề có một bài phân tích về các nhân vật chóp bu trong đảng, hoàn toàn không có một phát biểu mang tính viễn kiến của bất cứ một nhân vật "lãnh đạo" tương lai nào! Thay vào đó là những tiếng nói của những người mang danh "sư sĩ" nhưng cách họ nói và ngôn ngữ của họ thì chẳng khác sự "cò mồi" là bao nhiêu..


Trước hiện tình đất nước, giới có học nói chung có vẻ lãnh đạm. Họ không quan tâm. Họ thường chạy trốn thực tế bằng cách biện minh rằng "chỉ lo việc chuyên môn".. Thật ra, cũng khó trách họ, vì nếu họ nói ra những ý kiến thì có thể sẽ bị phạt nặng nề, thậm chí tù đày. Ngay cả yêu nước là một tình cảm thiêng liêng mà cũng phải được tổ chức và ... cho phép. Một xã hội đối xử với giới trí thức như thế thì làm sao bền vững được.


6. Guồng máy quản lý bất tài 

  
Thật ra, sự bất tài của quan chức Nhà nước không còn gì là bí mật. Vì bất tài, nên họ thường "sản xuất" ra những qui định hài hước, và có khi cực kì vô lí và phi khoa học. Chúng ta còn nhớ trước đây, họ cho ra qui định mang danh "ngực nở chân dài"để được lái xe ô-tô, gây ra một trận cười cấp quốc gia. Tưởng như thế đã là hi hữu, ai ngờ họ lạ tái xuất với một qui định "trời ơi": Xe ô-tô 4 bánh phải có bình chữa cháy. Qui định này làm trò cười cho cả thế giới và các hãng sản xuất xe hơi. Tưởng qui định như thế đã là vô lí, họ còn cho ra một qui định "trên trời" như xe trên 10 chỗ ngồi phải có găng tay và khẩu trang lọc độc!(Tất nhiên, không phải ai trong guồng máy Nhà nước là bất tài, vẫn có người tài đó, nhưng cái ấn tượng chung mà người dân có thì đó là một guồng máy gồm những người bất tài, ăn bám nhân dân). 


7. Tuy bất tài, nhưng guồng máy đó rất giỏi trong việc hành dân

 
Sự hành dân của guồng máy quản lí & hành chính của Việt Nam phải nói là vô song trên thế giới. Đối với người dân, có việc đến cổng công đường là một nỗi sợ, một cơn ác mộng. Hầu như không có một việc gì, từ nhỏ đến lớn, mà trôi chảy lần đầu khi đến gặp các quan chức Nhà nước. Tôi về quê và nghe nhiều câu chuyện hành dân mà nói theo tiếng Anh là "incredible" -- không thể tin được. Chỉ cần cái họ viết sai dấu (như "Nguyển" thay vì "Nguyễn") là cũng bị hành và tốn tiền triệu! Những lỗi sai chính tả đó là của họ (quan chức, cán bộ), nhưng họ vẫn hành dân một cách vô tư.. Họ tìm mọi cách, mọi lúc để "đá" dân từ cơ quan này sang cơ quan khác, và biến dân như những trái banh để họ làm tiền. Thực dân Pháp ngày xưa có lẽ cũng không hành dân như cán bộ Nhà nước ngày nay. 


Năm 2016 này Việt Nam sẽ tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community hay AEC). Mục tiêu là hình thành một cộng đồng kinh tế có khả năng cạnh tranh cao, hàng hoá và dịch vụ, đầu tư sẽ tự do lưu chuyển giữa các nước thành viên. Tôi ghé thăm một đại học lớn ở Thái Lan vào năm 2013, và giới trí thức bên đó đã bàn rất nhiều về viễn cảnh này, họ tư vấn cho chính phủ để chuẩn bị hoà nhập vào AEC.. Nhưng ngạc nhiên thay, ở VN rất ít thảo luận về AEC và những tác động của nó đến cuộc sống của người dân! Nhưng với tình trạng suy thoái, đất nước bị "bán", tham nhũng tràn lan, xã hội bất an, trí thức không có tiếng nói, guồng máy quản lý bất tài nhưng giỏi hành dân, thì không nói ra, chúng ta cũng biết là khả năng cạnh tranh của VN không cao trong AEC. Khả năng cạnh tranh không cao rất có thể dẫn đến nguy cơ lệ thuộc.

Tái bút: 


Nhiều người khi đọc những bài và ý kiến như thế này thường hỏi một cách hằn học rằng “ông có phải là người Việt Nam hay không mà phê phán đất nước như thế”, “ông đã làm gì cho đất nước này”, hay "nói thì hay, vậy giải pháp là gì", v.v. 
  
Tôi nghĩ những câu hỏi đó không tốt mấy, và có phần ... lạc đề. Vấn đề là cái xấu đang hoành hành đất nước này, chứ đâu phải tôi là ai hay tôi đã làm gì cho đất nước. Chẳng lẽ chỉ có người có công và đóng góp cho đất nước mới được “phép” phê bình sao. Nghĩ như thế thì e rằng quá nhỏ mọn. Mà, muốn biết tôi đã làm gì thì cũng chẳng khó khăn gì trong thời đại google này. Giải pháp nó nằm ngay ở mỗi cá nhân chúng ta. Mỗi người cần phải làm tốt và sống tử tế là giải pháp tốt nhất để đẩy lùi cái ác, cái xấu, cái bất công, cái bất cập trong xã hội.

TS NGUYỄN VĂN TUẤN



TÊN ANH DẬY SÓNG BẠCH ĐẰNG

                                                                                                                Ngô Quốc Sĩ
          Trong niềm tin dân gian của dân Việt, tên gọi thường gắn liền với số mệnh của mỗi người. Mang tên Quốc, anh đã sớm bay vào lòng đất mẹ “Chiều nao anh đi anh về Đất. Chiều nao anh đi anh về Nước”. Mang tên Lệ Xuân, bà Nhu đã nửa đời khóc chồng bị bội phản và thảm sát. Mang tên Nguyệt Ánh, cô gái tị nạn cộng sản đã trở thành trăng rằm với những phát minh khoa học được thế giới ngưỡng mộ. Hôm nay, người tù mang tên Trần Huỳnh Duy Thức cũng đang làm bao con tim nóng bừng, đánh thức bao người đang ngái ngủ, khơi dậy tinh thần Diên Hồng, như thể cuộn lên những đợt sóng Bạch Đằng..
          Người tù mang tên Thức đó đã bị cộng sản Việt Nam kết án 16 năm tù với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, thực ra chỉ vì yêu nước, quyết tâm tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền. Điều làm thế giới ngưỡng mộ, là anh vừa tuyệt thực 34 ngày để đòi cộng sản Việt Nam trả tự do cho anh vô điều kiện, bởi lẽ anh hoàn toàn vô tội nên không cần nhận tội để được đặc xá hay cho ra nước ngoài. Tuy thân xác rũ liệt, tinh thần anh vẫn kiên vững, trí óc vẫn sáng suốt, quyết chí đi trọn Con Đường Việt Nam, làm cho thế giới cảm phục đến kinh ngạc.
          Trong lãnh vực thi ca, nhiều vần thơ nốt nhạc đã tôn vinh anh như một người tù tiết tháo, một ngôi sao sáng giữa đêm đen.
          Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích đã mô tả hình ảnh hào hùng của anh như mãnh hổ rừng xanh bức phá then cài ngục thất, làm náo động cả nhân gian:
                   Như hổ nhớ rừng, nhả tiếng gầm vang lộng,
                   Bức phá lao tù, lay động nhân gian!
                   Ba chục ngày đêm cả nước bàng hoàng,
                   Khi Duy Thức đấu tranh cùng bạo lực!
          Anh ngạo nghễ như mãnh hổ, bởi lẽ hồn anh đã chín với lý tưởng tự do dân chủ, với ý thức nhân phẩm và công bằng, quyết thách đố với bạo lực cường quyền:
                    Đầy khí tiết, anh đi vào tuyệt thực,
                   Ðòi lại Tự do, Nhân phẩm, Công bằng.
                   Truy bức , bạo hành, dối gạt, kiêu căng,
                   Nào khuất phục được Tâm Hồn Cao Thượng
          Với tâm hồn cao thượng, niềm tin sắt đá và chí hướng cao vời, anh đã xả thân tranh đấu cho công lý và sự thật, và trên hết là cho hạnh phúc đích thực của toàn dân:
                   Thêm vững mạnh Niềm Tin và Chí Hướng,
                   Trong trái tim nồng tuổi trẻ Việt Nam ,
                   Tranh đấu cho đời Công lý, Lương tâm
                   Cho dân tộc Việt đến gần chân Hạnh phúc
          Anh đã chấp nhận hy sinh đến thân tàn lực kiệt, nhưng con tim và hùng khí đang trào dâng ngất trời toả sáng như ánh sao soi đường dân chủ, như tiếng gọi núi sông vang vọng:
                   Anh nằm đó, xác thân tù suy kiệt,
                   Nhưng tim anh sôi máu nóng dâng trào,
                   Cả tâm hồn trong sáng tựa ngàn sao,
                   Và hùng khí vỡ lời vang thôi thúc!
          Thật mỉa mai và uất hận đến nghẹn lời! Trong khi người chiến sĩ dân chủ dành trọn con tim cho dân nước, thì bọn cầm quyền Hà Nội lại phản bội tổ tiên, đánh mất con tim, nhẫn tâm bán nước và  cúi đầu làm tay sai cho giặc,. Trần Huỳnh Duy Thức đã xuất hiện như lời hịch trừ gian diệt bạo:
                   Hang ổ Việt gian, ngông cuồng đui điếc,
                   Đánh mất trái tim, xác Việt hồn Tàu
                   Lời hịch truyền thấp thoáng bóng Cờ Lau
                   Diệt bạo, Trừ gian anh hùng Đinh Bộ Lĩnh
          Tin tưởng mạnh liệt vào truyền thống bất khuất của dân Việt, thể hiện qua Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tấn Ích đã kêu gọi toàn dân đứng lên vươn vai Phù Đổng, quyết tâm diệt thù với tinh thần Diên Hồng, với tiếng hô sát thát:
                   Anh phải sống cùng toàn dân kiên định
                   Vực dậy tinh thần Phù Ðổng Thiên Vương
                   Tiếng gọi Diên Hồng Hưng Đạo Đại Vương
                    Lời Sát Thát nung sôi dòng máu nóng!
          Đồng cảm với NguyễnTấn Ích, nhà thơ Nga Nguyễn cũng đã dành cho Trần Huỳnh Duy Thức những lời tuyên dương thật hào hùng. Nếu Nguyễn Công Trứ đã ca tụng tiết tháo kẻ sĩ như cây thông hiên ngang trước gió bão, thì  Nga Nguyễn cũng tô điểm hình ảnh Trần Huỳnh Duy Thức  như cây xương rồng hiên ngang giữa sa mạc nắng thiêu:
                   Như xương rồng mọc trên sa mạc
                   Trên những vùng nức nẻ chói chang
                   Thân vẫn xanh nhựa đầy sức sống
                   Dù nắng, mưa... khắc nghiệt bẽ bàng!
          Kiên cường thách đố với nghịch cảnh, người tù mang tên Thức còn xuất hiện như người quân tử qua hình ảnh cây trúc  tiết trực tâm hư”, đốt thẳng lòng rỗng, thể hiện sự tiết tháo và liêm khiết của người chiến sĩ:
                   Như trúc xanh giữa trời thẳng đứng
                   Cành lá đưa hiện nét hiện ngang
                   Người quân tử chẳng hề khuất phục
                   Trước sự ác, hèn của tiểu nhân!
          Ngoài phong cách tiết tháo và hiên ngang, Trần Huỳnh Duy Thức trong cảnh tù đày nghiệt ngã, còn xuất hiện như một “tâm hồn cao thượng” qua hình ảnh của bông sen, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn:
                   Như sen mọc từ bùn vươn mặt nước
                   Cứ tỏa hương hòa gió yêu thương
                   Ngục tù đày không thể xiềng xích
                   Trái tim quân tử rộng vô lường!
          Anh thật xứng đáng với tên gọi “Duy thức”. Anh đã nhận ra con đường nào phải đi. Đó chính là Con Đường Việt Nam được mở ra cho anh, cho dân tộc và cho lịch sử đúng theo truyền thống Việt tộc và xu thế thời đại. Đó chính là con đường tự do dân chủ, nhân phẩm và nhân quyền, công lý và sự thật. Với con đường Việt Nam rộng mở trong óc trong tim, Trần Huỳnh Duy Thức trong nỗi đau chất ngất, đã xuất hiện như ngôi sao rọi vào lòng người, chiếu sáng thế nhân:
                   Ngục đêm nay vầng trăng sáng quá!
                   Trăng lòng người soi chiếu thế nhân
                    Nguyện cho anh-tấm lòng cao cả
                   Trụ vững bền vượt thắng hận sân
          Anh mang tên Thức đúng theo số mệnh. Anh phải sống. Anh phải thức và sự tỉnh thức của anh đang đánh thức tất cả những ai còn ngái ngủ trước cảnh nước mất nhà tan. Thức dậy đi anh. Thức dậy đi em! Thế giới đang thức với anh. Từng đợt sóng Bạch Đằng đang cuộn lên trong lòng dân Việt và khắp các nẻo đường Việt Nam. Hẹn siết chặt tay anh ngày đất nước vinh quang sạch bóng quân thù..