Thursday, November 29, 2018


NỬA HỒN XUÂN LỘC
                                                                                 Ngô Quốc Sĩ
          Chinh chiến thường khoác mầu ảm đạm. Ngày xưa, chinh phụ đã tưởng nhớ chinh phu  “xông pha gió bãi trăng ngàn” ngoài chiến địa. Ngày nay, nhìn lại cuộc chiến bảo vệ miền Nam chống lại cộng sản miền Bắc 43 năm trước đây, hình ảnh người trai mình đầy khói súng lại xuất hiện trên các điểm nóng của đất nước, như  Khe Sanh, Charlie, Quảng Trị, Pleime, đặc biệt là An Lộc, Xuân Lộc.. Cuộc chiến đẫm máu đó đã ghi vào chiến sử những nét bi hùng nhưng rất nhân bản, với hình ảnh người chiến sĩ một lòng vì nước vì dân, quyết tâm bảo vệ tự do dân chủ và chủ quyền dân tộc, tiêu biểu như “Mùa hè Đỏ Lửa” của Phan Nhật  Nam, “Trường Ca Trên Bãi Chiến” của Văn Nguyên Dưỡng, “Sau Cuộc Biển Dâu” của Pham Tín An Ninh.. Đồng cảnh và đồng cảm với các tác giả trên, Nguyễn Phúc Sông Hương, qua bài thơ “Nửa Hồn Xuân Lộc” cũng đã chuyên chở những  nét bi hùng chinh chiến, với lòng ái quốc và niềm kiêu hãnh tuyệt vời của người chiến sĩ cộng hòa..
                   Xuân Lộc, cửa ngõ vài Sài Gòn, là một địa danh đáng nhớ trong lịch sử đấu tranh bảo vệ miền Nam Việt Nam. Trước cuộc tấn công vũ bão của cộng sản Bắc Việt, với xe tăng thiết giáp và    súng          đạn Nga Tàu, quân đội cộng hòa đành phải rút lui với nỗi đau như dao cắt. Những tưởng có thể rời  chiến địa thảnh thơi như người thượng sĩ già nào đó, nghe tin lui quân, chỉ thản nhiên nhìn trời, mỉm cười khinh bạc, nhìn đờibằng nửa con mắt:
                             Nếu được như bố già thượng sĩ
                             Nghe tin lui quân chỉ nhìn trời,
                             Vỗ lên nón sắt, cười khinh bạc,
                             Chắc hẳn lòng ta cũng thảnh thơi
                   Nhưngvới tâm hồn nhạy cảm, tác giả đã không có được sự thản nhiên khinh bạc đó. Ông đã  nhận lệnh rút quân với niềm uất hận sôi máu, nỗi đau chất ngất như vành khăn tang bịt cả đất trời, chân bước đi mà lòng ở lại vương vấn không rời:
                             Đêm nay Xuân Lộc vầng trăng khuyết
                             Như một vành tang bịt đất trời !
                             Chân theo quân rút, hồn ta ở
                             Sông nước La Ngà pha máu sôi
          Ôm hận sôi máu, bởi đã biết rằng, mất Xuân Lộc là mất lá chắn cuối cùng trên đường tiến vào Sài Gòn của địch. Tác giả đã ngậm ngùi ra đi, bỏ lại phía sau những gì thê thảm nhất, nhưng lại thân thương và oai hùng nhất, như thể nửa mảnh hồn bám chặt đất mẹ đang nhỏ máu:
                             Mây xa dù quen đời chia biệt
                             Ngoảnh mặt ra đi cũng ngậm ngùi.
                             Rút quân, bỏ lại hồn ta đó
                             Bảo Chánh, Gia Rai lửa ngút trời !
        Ngậm ngùi là phải. Anh phải rời nơi đây. Nơi đã cùng em chia sẻ niềm đau dân tộc. Nơi đã cùng em vui hưởng những ngày tình nghĩa gắn bó bên nhau. Nay chỉ còn em ở lại trong lửa khói. Còn anh xin ra đi, gửi em nửa mảnh hồn như trái sầu vỡ đôi:
                             Sáng mai thức dậy, em buồn lắm
                             Sẽ khóc trách ta nỡ phụ người.
                             Lòng ta như trái sầu riêng rụng
                             Trong vườn em đó vỡ làm đôi !
                   Mà không phải chỉ có mình em. Bên cạnh em còn biết bao nỗi lòng chinh phụ quặn thắt nhìn chồng ra đi không hẹn ngày trở lại. Những dòng nước mắt đó hẳn nhiên sẽ sưởi ấm lòng người đi, nhưng cũng không khỏi làm rạn vỡ những con tim sắt đá:
                             Vì chắc ôm nhau em sẽ khóc,
                             Khóc theo, vợ lính cả trăm người!
                             Em biết dù tim ta sắt đá
                             Cũng vỡ theo ngàn giọt lệ rơi.
       Mang theo những giọt lệ tiễn biệt của người thương, người đi còn phải mang theo những hình ảnh thân thương khó quên, với làn nắng vàng, buồng chuối chín, bầy gà ríu rít bên nắm lúa  phơi. Tất cả đều phảng phất nép đẹp quê hương, ấp ủ bao tình tự dân tộc:
                             Tiếc quá nắng vàng phơi áo trận,
                             Vườn nhà em chuối chín vàng tươi.
                             Ta nhớ người bên đàn thỏ trắng,
                             Cho bầy gà nắm lúa đang phơi,
Trên đuờng rút lui,nhìn lại chính mình, tác giả đã tự hỏi, phải chăng mình chưa làm tròn sứ mệnh của người trai thời chiến? Hẳn nhiên, lắm lúc vì hoàn cảnh nghiệt ngã, người trai đành bó tay trước vận nước ngả nghiêng mà cảm thấy như chưa thi thố hết tài năng. Thực ra hỏi để trải hết nỗi lòng cuồng nộ, nhưng không chút ân hận tiếc nuối:
                             Thân ta là ngựa sao không hí
                             Cho nỗi đau lan rộng đất trời.
                             Hồn ta là kiếm sao không chém
                             Rạp ngã rừng xanh, bạt núi đồi.
                   Hẳn biết ra đi là không hẹn quay về, nên người chiến sĩ tự thấy mình như xác không hồn, chân bước đi mà hồn vỡ đôi, nửa mang theo, nửa gửi lại trận địa hoang tàn:
                             Chao ơi tiếng tắc kè thê thiết
                             Kêu giữa đêm dài sợ lẻ loi,
                             Chân bước, nửa hồn chinh chiến giục
                             Nửa hồn Xuân Lộc gọi quay lui.

                   Người chiến sĩ nghẹn ngào ra đi khi tiếng đất nước còn réo gọi sau lưng! Làm sao đây? Với cảm  thức chưa tròn sứ mệnh, người chiến sĩ chỉ còn biết tạ lỗi với đồng bào, với quê hương và lịch sử:
                             Đêm nay Xuân Lộc, đoàn quân rút
                             Đành biệt nhau, xin tạ lỗi người.
                   Tiếng gọi quay lui chính là tiếng quốc thảm thiết. Sao đành! Sao đành! Đau đớn thay! Người chiến sĩ cộng hòa cũng như toàn thể dân Việt đâu còn có thể làm gì hơn khi vận nước đã đổi thay,   khi Việt Nam chỉ là con cờ thí trên bàn cờ quốc tế? Người ta nhẫn tâm quay mặt đi, để cho xe tăng nghiền nát Xuân Lộc, để cho búa liềm chém nát thi thể mẹ Việt Nam:          
                             Em ơi Xuân Lộc, em Xuân Lộc
                             Xích sắt nghiến qua những xác người.
                   Thế đó! Những vần thơ bi hùng của Nguyễn Phúc Sông Hương còn đậm nét trong sử Việt vàcòn rỉ máu trong tâm hồn mỗi con dân đất Việt. Hẳn nhiên, thơ sẽ nở thành hoa bởi lẽ thơ đã    tắm máu, như thểkhổ giá sẽ trổ hoa phục sinh, máu thánh sẽ kết tinh thành ngọc qúy đúng như Tuệ Sỹ đã nằm mơ:   
                             Ðêm qua chiêm bao ta thấy máu
                             Từ sông Ngân đổ xuống cõi người
                             Bà mẹ soi tim con thành lỗ
                             Móc bên trong hạt ngọc sáng ngời.
                   Máu Xuân Lộc, máu Việt Nam đã thấm xuống lòng đất mẹ, và chắc chắn sẽ trổ hoa đầy hương sắc, kết thành châu ngọc sáng ngời, tô điểm cho giang sơn cẩm tú, biến Việt Nam thành minh châu trời Đông..


Thursday, November 22, 2018


TÔI CÒN NỢ ANH
                                            Ngô Quốc Sĩ
           Ân đền nợ trả là luật đời bất thành văn “ân oán giang hồ”. Nợ tình với em, nợ hiếu với cha mẹ, nợ trung với tổ quốc, nợ tang bồng với chí trai, và nợ nhân nghĩa với trần hoàn. Nợ phải trả, nhưng mấy ai được may mắn như Nguyễn Công Trứ “nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo!” Thường tình, người ta vẫn băn khoăn tự hỏi làm sao trả dứt được nợ nước, nợ người và nợ đời ? Bao trường hợp “nửa đường đứt gánh” rồi ôm hận xuống tuyền đài như chàng trai mũ đỏ tên Đương, như ngũ tướng Nam- Hưng-Hai-Phú- Vỹ..
        Ngày 30 tháng 4 năm 1975, bao chiến sĩ cộng hòa đã phải buông súng khi tinh thần chiến đấu còn ngút ngàn. Rồi từ đó, bao tinh hoa đã nhắm mắt trong tức tưởi, người bỏ xác trong ngục tù, người bỏ nuớc ra đi trong tủi hận hay ở lại sống dở chết dở! Hoàng Nhật Thơ qua bài thơ “Người Lính Việt Nam cộng Hòa..Tôi nợ anh” đã trải hết tâm tình biết ơn đối với các chiến sĩ đã xông pha lửa đạn, đã ra đi như “đại bàng gãy cánh” khi mộng lớn chưa thành. Tác giả đã vẽ lại cuộc chiến kéo dài 20 năm với bao tang tóc, đồng thời thể hiện niềm tâm cảm nặng nợ đối với những người đã nắm xuống cho quê hương dân tộc.
        Vào thơ, tác giả đã ca tụng ý thức sứ mệnh của người trai Việt đã “xếp bút nghiên theo việc đao cung”  đáp lại tiếng gọi sông núi. Giặc đến nhà đàn bà phải đánh, thì tuổi trẻ Việt Nam, rường cột của nước nhà đâu có quyền ngồi yên?
                      Anh lớn lên ... quê hương dày lửa khói,
                       Sách vở buồn ... chữ nghĩa dở dang rơi,
                       Mực chưa vơi ... gác bút ... bước vào đời, 
                      Trường nghiêng nắng ... Ve ngân lời từ giã !
          Thế là đời trai đã thay đổi. Chàng thư sinh nho nhã ngày nào, nay thành người lính mới nơi quân trường nắng cháy thịt da, lời sông núi ca vang thay cho sách vở, chữ nghĩa phấn trắng bảng đen:
                    Nắng quân trường ... tháng ngày dài huấn nhục,
                    Đêm di hành lạnh buốt dưới mưa rơi,
                    Da sạm đen ... màu nắng đổi cuộc đời,
                    Người lính mới ... ca vang lời sông núi.
                   Rời quân trường bước ra chiến trường, người chiến sĩ đã đối diện với bao thử thách, với gió sương     và đạn thù hiểm nguy như chinh phu ngày nào “tên roi đầu ngựa giáo lan mặt thành”
                   Hai mươi năm ... Anh chưa tròn giấc ngủ,
                   Vì đạn thù vẫn cày nát quê hương,
                   Bước quân hành ... ngọn cỏ đọng giọt sương,
                   Anh dừng gót ... hậu phương ... hoàng hôn phủ.
                   Điều đáng nói là đối diện hiểm nguy, người chiến sĩ không hề nao núng. Anh đã ý thức được sứ mệnh người trai thời chiến, khi đất nước đang lâm nguy trước mộng xâm lăng của kẻ thù phương Bắc.
                   Ý thức rằng, Hà Nội đã nhẫn tâm chia đôi đất nước với Hiệp Định Geneve, chặt đứt thi thể mẹ Việt Nam, lại còn nuôi cuồng vọng xâm chiếm miền Nam, nên trai Việt phải lên đường:           
                     Sông Bến Hải ... lửng lơ buồn im lắng,
                     Chảy ngăn đôi ... đau xót Mẹ Việt Nam,
                      Gót giày Saut in dấu nẻo quan san,
                      Ngăn cuồng vọng lan tràn từ phương Bắc.
                   Cuồng vọng xâm lăng của phương Bắc đã gieo bao tai họa cho Miền Nam, từ thôn quê đến thị thành, tiêu biểu như Huế và Quảng Trị trong Tết Mậu Thân:
                     Tết Mậu Thân ... giặc đốt phá điêu tàn,
                     Chiếc cầu gãy ... Anh bàng hoàng chua xót !..
                     Ôi Quảng Trị ... Cổ thành nghiêng đổ nát,
                     Máu của anh ... từng viên gạch đỏ loang
                   Rồi Charlie, Tống Lê Chân, nhất là An Lộc, bao xương máu đã rưới ướt đất mẹ. Điều đáng nói là nỗi đau chiến tranh không làm nhụt chí người lính cộng hòa, trái lại càng nung nấu lòng căm hờn và nuôi chí chiến đấu, hiên ngang thách đố với bạo quyền như cây thông sừng sững giữa đất trời bão tố:
                    An Lộc Địa ... chín mươi ngày rung chuyển,
                    Hằng trăm ngàn đạn pháo ... máu xương rơi,
                    Anh hiên ngang sừng sững với đất trời,
                    Anh vẫn sống với cuộc đời đáng sống !
                   Nhất là làm sao quên được những giây phút hào hùng, người chiến sĩ nghiêng cánh bay lượn, tưởng như Kinh Kha mang kiếm sang Tần, thực hiện  sứ mệnh diệt trừ bạo tặc với búa liềm cờ đỏ:
                  Lững lờ mây ... xé trời nghiêng cánh sắt,
                   Anh tung hoành ngang dọc giữa không gian,
                   Giữ quê hương ... diệt lũ cộng bạo tàn,
                  Giáng những trận kinh hoàng trên đầu giặc.
                   Cuộc chiến kéo dài. Kiếp chinh nhân gian khổ. Nhưng người chiến sĩ không bao giờ than thở hay ngại ngần chùn bước, mà luôn vững tâm chiến đấu:
                   máu tuôn rơi thịt nát không ngại ngần
                    Vì tổ quốc chưa một lần buông súng..
                   Nhưng oái oăm thay!  Súng không buông mà gãy! Chí trai treo đầu súng đã rơi rụng khi đạn đã lên nòng mà không được bắn. Nhục nhã thay! Lệnh đầu hàng đã giáng cả trời oan khiên xuống đầu dân Việt với gươm kề cổ, dây thòng lọng lủng lẳng trên đầu:  
                    Tháng Tư Đen ... Ngày Ba Mươi ... gãy súng,
                    Giặc Hồ vào ... máu nhuộm đỏ quê hương,
                    Đôi dép râu mang chủ nghĩa bạo cường,
                   Gieo tang tóc ... xây thiên đường bằng máu !
                   Trong thiên đường máu, hạnh phúc vắng bóng và cuộc sống từng ngày tàn tạ. Đất mẹ thành đất chết. Dân Việt hấp hối, nghẹn ngào giã biệt quê hương:
                    Người còn sống giống như người đã chết,
                     Khác nhau chăng ... một xác chết biết đi,
                     Mất quê hương ... Anh còn lại những gì ...
                     Ngoài kỷ niệm khắc ghi vào quân sử 
                   Quê hương đã mất, nhưng máu các anh đã thấm ướt đất mẹ. Hữu danh hay vô danh, các anh đã đi vào lịch sử. Máu các anh là máu thánh, và phải được đền trả bằng máu thánh. Máu nở thành hoa như Nguyễn Chí Thiện đã mơ ước: “Máu ươm hoa hoa máu chan hòa, hoa sẽ nở muôn nhà muôn vạn đóa”. Đó là món nợ hoa máu, tác giả và dân Việt còn nợ các anh:
                   Tôi nợ Anh ... nhịp quân hành rộn rã,
                   Ánh đuốc thiêng ... khúc hát khải hoàn ca,
                    Tôi nợ Anh ... nợ nước với thù nhà,
                    Món nợ đó ... Tôi thề sẽ phải trả ...
                  
                    Món nợ đó ... Tôi thề sẽ phải trả ...
                    Trả cho Anh và Tổ Quốc Việt Nam
                   Ước mong dân Việt nắm chặt tay Hoàng Nhật Thơ cùng trả hết món nợ núi sông... 
                  


         
         

Thursday, November 15, 2018


TUỆ SỸ
 NẺO VỀ CUỘC ĐỜI VÀ QUÊ HƯƠNG
                                                     Ngô Quốc Sĩ
          Tuệ Sỹ được biết tới như một thiền sư, một học giả, nhưng thiết yếu được ái mộ như một nhà thơ với tình cảm dạt dào, yêu người và yêu quê hương tha thiết. Ông nguyên là giáo sư  Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn. Ông còn là nhà văn, nhà thơ, dịch giả và là một người bất đồng chính kiến với nhà nước cộng sản Việt Nam. Tháng 9 năm 1988 ông và Lê Mạnh Thát bị tuyên án tử hình vì tội hoạt động lật đổ chính quyền. Tháng 11 năm 1988 sau một cuộc vận động, bản án được giảm xuống còn tù chung thân. Ngày 1 tháng 9 năm 1998 ông được thả tự do từ trại Ba Sao-Nam Hà.
          Ông thông thạo tiếng Trung Hoatiếng Anhtiếng Pháp, tiếng Palitiếng Phạn và tiếng Nhật, đọc hiểu tiếng Đức. Ông được giới trí thức Việt Nam ngưỡng mộ với nhiều tiểu luận, chuyên khảo, thơ và nhiều công trình dịch thuật Phật giáo từ tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa và tiếng Nhật .
          Là một thiền sư, cái nhìn của ông về cuộc đời thắm đượm màu sắc Phật giáo. Dưới mắt ông, cuộc đời là một dòng sông chuyển hóa, mà người đời chính là lữ khách trong cuộc lữ hành mênh mang vô định, với nắng tà, mưa bay, thiên địa hoang tàn:
                   nghe từ thiên cổ
l                  lời ru mênh mang
                   bước vào cuộc Lữ
                   mấy chuyến đò ngang.
                   Tà dương có khóc
                   Nắng ngả ánh vàng
                   Mưa bay thoảng chốc
                   Thiên địa hoang tàn
          Trên chuyến đò ngang qua dòng đời đổi thay, tác giả đã cảm nghiệm đời người là cõi sinh diệt, hợp tan, khóc cười, trơ bãi tuyết, tê cánh hồng:
                   Ðồi mai ngơ ngác nụ cười
                   cánh hồng lả mộng của đời lưu ly
                   tồn sinh thấp thoáng nẻo về
                   dấu trơ bãi tuyết, ngoài tê cánh hồng
          Trong cõi sinh diệt đó, con người quay cuồng trong cuộc chơi vô nghĩa, mò mẫm trong cuộc hành trình viễn phương, òa vang tiếng khóc:
                  Ðá mòn phơi nẻo tà dương
                   nằm nghe bước lũ khóc chừng Cuộc Chơi
                   nghìn năm vang một nỗi đời
                   gió đưa cuộc lữ lên lời Viễn phương
          Thôi thì chẳng còn gì để níu kéo, bám chặt, chỉ còn chấp tay khấn nguyện trời đất cho mình giữ lại một chút thanh xuân của hoa lá, khi phải từ giã vô thường để tìm cõi vĩnh hằng, không biết có thực không, hay cũng chỉ là khói sương!
                Khói ơi, bay thấp xuống đi
                   Cho ta nắm lại chút gì thanh xuân
                   Ta đi trong cõi Vĩnh hằng
                   Nhớ tàn cây nhỏ mấy lần ra hoa
          Nhìn đời như thế không khỏi có chút bi quan. Còn nhìn về quê hương khổ đau, thơ Tuệ Sỹ chuyên chở một lòng yêu nước thiết tha với một niềm hy vọng tươi tắn. Hiện thực quê hương hôm nay qủa bi đát, tràn máu lệ. Mười năm bước đi trong hoang tàn đổ nát. Đông Hải và Trường Sơn là chứng tích và chứng nhân của thời sử đen:
                   Ngọn gió đưa anh đi mười năm phiêu lãng
                   Nhìn quê hương qua dấu tích điêu tàn
                   Triều Ðông Hải vẫn thầm thì cát trắng
                   Truyện tình người và nhịp thở Trường Sơn
          Rồi muời năm sau, tìm lại quê hương khổ đau, cũng chắng thấy có gì đổi mới, vẫn nguyên máu lệ và tủi hận như dòng sông ngậm ngùi:
                         Mười năm sau anh băng rừng vượt suối
                   Tìm quê hương trên vết máu đồng hoang
                   Chiều khói nhạt như lòng ai còn hận tủi
                   Từng con sông từng huyết lệ lan tràn
          Thì ra, con sông huyết lệ còn chảy dài, mười năm tiếp nối mười năm rồi them mười năm nữa! Dân Việt bị cơn hồng thủy nhậm chìm, cuốn trôi, mang cả mối sầu thiên cổ, lê bước trên trên những nẻo đường tang thương:
                   Và ngày ấy anh trở về phố cũ
                   Giữa con đường còn rợp khói tang thương
                   Trong mắt biếc mang nỗi hờn thiên cổ
                   Vẫn chân tình như mưa lũ biên cương
          Qúa đau khổ nhìn quê hương tan tác, có lúc thiền sư đã đi vào ảo giác, hòa vào tiếng suối reo, rồi ngỡ mình là  gã anh hùng có thể bẻ vụn mặt trời, sai khiến  cả ma vương qủy sứ:
                  Ta đã hát những bài ca của suối
                   Gã anh hùng bẻ vụn mặt trời
                   Gọi quỷ sứ từ âm ty kéo dậy
                   Ngập rừng xanh lấp lánh ma trơi
          Trong cuồng nộ của một ảo tưởng anh hùng, Tuệ Sỹ đã thấy sông Ngân tuôn đổ cả dòng máu xuống cõi người. Nhưng lúc này, máu không còn là đau thương, chết chóc hủy diệt, mà máu đã nở thành hoa, thành những hạt ngọc sáng ngời, những niềm hy vọng tươi tắn như “minh châu trời Đông”
                   Ðêm qua chiêm bao ta thấy máu
                   Từ sông Ngân đổ xuống cõi người
                   Bà mẹ soi tim con thành lỗ
                   Móc bên trong hạt ngọc sáng ngời.
          Nói máu ngọc đổ xuống tư sông Ngân là nói cho văn hoa theo ngôn ngữ của thơ, thực ra, đó là máu của dân Việt rưới xuống ruộng đồng phố thị, nhà tù và trại giam hay thấm xuống lòng biển khơi, nức nở trong tay hải tặc! Dòng máu Lạc Hồng đó sẽ nở thanh hoa tô thắm giang sơn như Nguyễn Chí Thiện đã cảm nhận:
                   Nếu chúng ta đồng tâm tất cả
                   Lấy máu đào tươi thắm tưới cho hoa
                   Máu ươm hoa, hoa máu chan hòa
                   Hoa sẽ nở muôn nhà muôn vạn đóa
                   Hoa hạnh phúc tự do vô giá
                   Máu căm hờn phun đẫm mới đâm bông
          Một khi máu nở thanh hoa thành ngọc, thì quê hương phục sinh. Lúc ấy, em sẽ nhẹ gót hài trên những nẻo đường quê hương yêu dấu. Mắt em sẽ là quán trọ sưởi ấm lữ khách tha phương:
                   Mắt em quán trọ của ngàn sao
                   Ngọt ngất hoang sơ ánh rượu đào
                   Pha loãng nắng tà dâng cát bụi
                   Ấm lòng khách lữ bước lao đao
          Thế là giữa cuộc đời phong ba, giữa quê hương lửa khói, thiền sư đã tìm thấy nẻo về như lữ khách tìm thấy “nhà cha”. Mùa thu đã hết. Cái gọi là “Cách mạng mùa thu” cũng đã chết. Giờ đây chỉ còn phấn nhụy trên hoa trên áo, chỉ còn tiếng đàn trên phím trong hồn:
                  Cho hết mùa thu biệt lữ hành
                   Rừng thu mưa máu dạy lều tranh
                   Ta so phấn nhụy trên màu áo
                   Trên phím dương cầm hay máu xanh..
          Máu xanh thay máu đỏ. Hồn Việt nở hoa. Cờ máu cuốn trôi. Búa liềm rữa nát..Lúc này, thiền sư nhẹ tay nâng bút, lòng dân Việt rộn âm ba:
                  Sương mai lịm khói trà
                   Gió lạnh vuốt tờ hoa
                   Nhè nhẹ tay nâng bút
                   Nghe lòng rộn âm ba…
          Một thuở thanh bình mở cửa mời dân Việt bước vào…

         



Thursday, November 8, 2018


SÀI GÒN NIỀM NHỚ KHÔN NGUÔI

                                                Ngô Quốc Sĩ
          Lìa xa quê hương, dân Việt vẫn luôn canh cánh bên lòng hình ảnh Sài Gòn dấu yêu một thời được mệnh danh là “Sài Gòn ngà ngọc” hay “Hòn ngọc Viễn Đông”. Hôm nay, Sài Gòn đã mất tên và bộ mặt ngà ngọc cũng đã bị vấy bùn lem luốc bởi lũ “khỉ người” hay bọn“thú hoang”, nhưng hình ảnh Sài Gòn năm xưa vẫn còn đậm nét trong thi ca và  trong lòng mỗi người dân Việt. Đó là hình ảnh “áo lụa hà Đông” của Nguyên Sa, “ly chanh đường” của Nguyễn Tất Nhiên,mini-jupe trắng nõn nà” của  Luân Hoán, “mưa rơi đêm lạnh” của Cung Trầm Tưởng.
                   Với Vũ Thất, hình ảnh Sài Gòn càng đậm nét, qua bài thơ của tác giả Saigonxua.org, làm người ta cảm thấy như đang thật sự sống lại những ngày vàng ngọc của thời thanh xuân tại quê nhà.
          Ra đi tìm tự do là một mất mát lớn, bỏ lại đàng sau tất cả để bước vào một định mệnh bấp bênh, nên Saigonxua.org cũng như mọi thuyền nhân vượt biển, đã cảm thấy đau xót tột cùng:
                  sóng loạn cuồng con thuyền trôi biền biệt
                   giăng buồm lên phương viễn xứ một ngày
                   Ta cũng biết còn xa vùng đất hứa
                   Phải đi qua địa ngục chín mươi tầng
        Thách đố với phong ba, nhưng rồi tác giả cũng đã vượt thắng số mệnh, tới bến bờ tự do như là bến đợi và đất hứa:   

                   Chuyện sinh tử dỡn chơi thêm ván cuối
                   cạn láng rồi thử thách với phong ba
                   ngôi tinh đẩu dẫn ta về bến đợi
                   đường biển vẽ rối tay lái thẳng lối qua.
          Thế là tác giả đã tới bến đợi, bắt đầu kiếp sống lưu vong, nhìn lại quê hương mà từng ngày thổn thức, nhớ về thương về.
          Truớc hết là nhớ những ngày quê hương chìm trong khói lửa trong cuộc chiến ủy nhiệm của cộng sản quốc tế do Bắc Việt thực hiện, với chủ truơng nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam:
                   nhìn tượng Chúa dưới tàng cây
                  
giơ vai chĩu nặng tháng ngày chiến tranh
                   mùa hạ mấy bước đi quanh
                   cổng trường đóng những đoạn đành thế thôi
          Trong khói lửa chiến tranh, vẫn chan chứa những hình ảnh thật dễ thương của những tà áo trắng thư sinh, gót nhẹ như chân chim, thơ mộng như nắng vàng thu len lén:
                   Thành phố ấy xôn xao tà áo trắng
                   nắng hanh vàng trải lụa những mùa thu
                   guốc chân sáo để hồn ai ngơ ngẩn
                   bước mênh mang nghe quẩn sợi sương mù
          Bên cạnh những tá áo trắng trinh nguyên dưới sương thu, tác giả còn hình dung lại những bước quân hành của người chiến sĩ cộng hòa dãi dầu nắng mưa, cầm súng bảo vệ tự do dân chủ của miền Nam trước cuộc chiến xâm lăng từ miền Bắc:
                   Bọn ta ba trăm thằng tuổi trẻ
                   Chọn không gian tổ quốc mênh mông
                   Mắt sáng môi tươi như tranh vẽ
                   Vào lửa binh không chút nao lòng..
                  Sách vở giảng đường thành dĩ vãng
                   Những chàng trai dệt mộng muôn phương.
          Xếp bút nghiên theo việc đao cung, người chiến sĩ cộng hòa đã hiên ngang bước vào cuộc thánh chiến chống ác qủy vô thần với tâm nguyện chiến thắng:
                   Ơi tiếng hát vinh danh đời lính chiến
                   Cho máu xương không uổng phí ngày mai
                   Có sương khói từ mắt thầm cầu nguyện
                   Cho lỡ làng không chĩu nặng bờ vai
            Nhưng oái oăm thay, gió đã thổi ngược, cuộc chiến đã xoay chiều, chiến thắng đã trở thành chiến bại:
                   Tiếng thê thiết gọi địa danh quen thuộc
                   Thuở dọc ngang mê mải ngọn cờ bay
                   Cuộc thánh chiến gió muộn phiền thổi ngược
                   Dấu giày buồn còn vết giữa sình lầy
          Thế rồi  bao chiến sĩ đã phải buông súng, tủi hận xếp hàng vào những trại tù dị sử được mệnh danh là “trại cải tạo” nhằm hủy diệt tinh hoa miền Nam. Mãn hạn tù, trở về từ cõi chết, người tù chính trị đã cảm thấy xa lạ, bơ vơ lạc loài giữa một xã hội đã đổi thay trở mặt:
                   Người trở về từ cuộc chiến lãng quên
                   Đôi mắt đục nhìn mỏi mòn kiếp khác
                   Dắt dìu nhau khập khiễng chuyến xe đời
                   Người thua trận phần thịt xương bỏ lại
                   Trên ruộng đồng sầu quê mẹ rã rời
          Tất cả đã đổi thay, chỉ còn lạnh nhạt dửng dưng! Người tù trở về cảm thấy lạc loài như thể bước vào một thế giới xa lạ, một cơn mê:
                   Đỏ bầm mặt nhựt cơn mê
                   lạnh tanh khuôn mặt người về dửng dưng
                   vào ra lối rẽ ngập ngừng
                   mấy năm sao lạ, nỗi mừng chợt xa
          Nhất là người tù sống sót trở về còn phải đối diện với cảnh sống mới, với ánh đèn đỏ bầm, với nhánh cây cuồng điên, với nắng thiêu mộng cũ, nhất là vời những cặp mắt cú vọ xoi mói, những nụ cười đen chọc ghẹo thách thức:

                   từ rừng máu giọt gót xiêu
                   thảm thương phố cũ nắng thiêu mộng người
                   đỏ bầm ánh điện đường soi
                   cây nhân sinh chợt nẩy chồi cuồng điên
                   nhìn soi mói nụ cười đen
                   mắt hằn dấu đóng chao nghiêng một ngày
.
          Đối diện với những cái nhìn cú vọ và những nụ cười đen của bọn ác thú đã đành, người tù trở về còn phải kéo lê những ngày còn lại giữa một xã hội rữa nát, không chút tình người. Nếu Trần Mạnh Hảo đã thương cảm cho một xã hội rữa nát đến nỗi hoa cũng phải xấu hổ thay người:
                   Cây thẹn thùng nép cỏ,
                   Lá nhắm hờ mắt gió trêu ngươi
          Thì Saigonxua.com cũng cảm thấy tủi thẹn cho một xã hội hóa đá, mất tính người và tình người:
                    hè phố rác lạc loài hoa dại
                   nở buồn tênh phiến gạch ngậm ngùi
                   cỏ đớn hèn hạt sầu kết trái
                   ươm bao năm dầu dãi nụ cười
          Điểm đáng nói là tuy tủi hận trước hiện thực đất nước tang thương dưới gót giày ác thú và xã hội rữa nát mất hết tình người, Saigonxua.com đã không tuyệt vọng. Tác giả đã vịn thơ chỗi dậy với niềm tin trong sáng, rằng sẽ có một ngày quê hương phục sinh, với những nụ cười tươi nở trên môi, với trăm bó đuốc thắp sáng  trong hồn. Đó là ngày mặt trời mọc từ phương Đông, xua tan bóng tối oan khiên của loài qủy đỏ:
                    Còn ngôn ngữ của Việt Nam đổ vỡ
                   Dù rã rời nhưng vẫn thắm nụ cười
                   Ta nghe rực trong hồn trăm bó đuốc
                   Mặt trời lên xua tăm tối cho đời..”
          Thế là nghiệm đúng lời tiên tri của Nguyễn Chí Thiện: “ Máu ươm hoa hoa máu chan hoà, hoa sẽ nở muôn nhà muôn vạn đoá..” Ngày đau khổ nở thành hoa chính là ngày hội lớn của trăm con quy tụ về bọc mẹ ngàn thương..