Thursday, December 27, 2018


HOANG TƯỞNG VÀ HIỆN THỰC
                                                                                             Ngô Quốc Sĩ
                   Lịch sử Việt Nam cận đại chứa nhiều ngộ nhận và hàm hồ, phản ảnh cái nhìn một chiều, thiên vị và thiếu trung thực. Cụ thể là cuộc chiến tranh Việt Nam và hiện thực xã hội Việt Nam sau năm 1975 đã bị bóp méo, xuyên tạc và ngụy tạo, làm cho tuổi trẻ Việt Nam phải mò mẫm trong bóng đêm khi tìm về cội nguồn dân tộc. Rất may, vẫn còn những người trẻ chưa bị nhiễm độc, còn nhận thức được sự thật trớ trêu đàng sau những mây mù hôm nay. Bài thơ “Lớn Lên Mới Biết” của một tác giả ẩn danh trong nước đã thể hiện nhận thức đúng đắn đó.
                    GS Hà Văn Thịnh trước đấy đã nhận thấy 70% lịch sử Việt nam hôm nay là ngụy tạo giả dối. Quốc sử chính là đảng sử và chính sử biến thành ngụy sử. Hôm nay, tác giả cũng đã nhìn thấy tính cách thoái hóa của lịch sử, và học sử không phải để hiểu hay phục vụ đất nước, mà chỉ để phục vụ chế độ:
                  Hồi nhỏ tưởng học lịch sử để biết về tổ tiên nòi giống
                  Lớn lên mới biết là láu cá nhồi sọ
                  Hồi nhỏ tưởng ráng học thành tài để phục vụ đất nước
                  Lớn lên mới biết thành tài chỉ được phục vụ nước khác
                    Lịch sử thoái hóa vì chứa đầy huyền thoại. Tiêu biểu như Hồ Chí Minh được thần thánh hóa là “Cha già dân tộc” là “Nhà nhà đại cách mạng ái quốc”, thực ra già Hồ chỉ là tên cộng sản quốc tế được Trung cộng giàn dựng để đánh lừa dân Việt và thế giới. Nguyễn tất Thành thực sự đã chết, còn Hồ Chí Minh chỉ là ngụy tạo, là Hồ Quang gốc Hẹ từ Đài Loan.  Thậm chí, cờ đỏ sao vàng của cộng sản Việt Nam cũng chỉ là cờ Phúc Kiến Trung quốc!
                             Hồi nhỏ tưởng bác Hồ là người Việt Nam
                  Lớn lên mới biết là người Trung Quốc!
                             Hồi nhỏ tưởng cờ đỏ sao vàng là cờ tổ quốc
                  Lớn lên mới biết đó là cờ Phúc Kiến Trung Quốc
                   Cũng thế, Lê Văn Tám đốt kho xăng Thị Nghè, Tô Vĩnh Diện liều chết bảo vệ đại pháo tại Điện Biên Phủ, Hồ Thị Kỷ phá đồn cảnh sát Cà Mâu… chỉ là những anh hùng ngụy tạo để đánh lừa tuổi trẻ:
                             Hồi nhỏ tưởng Lê Văn Tám, Tô Vĩnh Diện, Hồ Thị Kỷ là anh hùng
                  Lớn lên mới biết đó chỉ láo khoét..
                   Đáng nói nhất là ngụy sử đã không che dấu được bản chất chế độ.  Tuyên truyền đã tô hồng cộng sản như những người yêu nước thương dân, thực chất chỉ là bọn đao phủ tàn ác, buôn dân  bán nước!
                             Hồi nhỏ tưởng Mỹ-Nguỵ là ác
                  Lớn lên mới biết CS mới ác
                  Hồi nhỏ tưởng bán vàng giàu nhất
                  Lớn lên mới biết bán nước giàu hơn
                    Mỉa mai thay! Thiện ác tốt xấu hoàn toàn đảo lộn đúng như hiện tượng “lọc ngược” của Hà Sĩ Phu. Ai mà tưởng tượng nổi, chế độ  đã dạy con người phải gian ác mới thành thánh thành tiên:
                             Hồi nhỏ tưởng muốn thành tiên thành thánh phải tu thân tích đức
                  Lớn lên mới biết gian manh xảo trá độc ác giết vài triệu người mới được thành tiên                                               thành thánh
                   Cũng thế, giải phóng, độc lập chỉ là chiêu bài che dấu ý đồ xâm lăng, đưa đất nước xuống vực thẳm, biến người dân thành đầy tớ, công cụ chế độ:
                             Hồi nhỏ tưởng Đảng giải phóng miền Nam đói rách
                  Lớn lên mới biết là cướp miền nam giàu có
                             Hồi nhỏ tưởng cán bộ là đầy tớ lo cho dân ấm no
                  Lớn lên mới biết dân là đầy tớ lo cho cán bộ ấm no
                   Thêm vào đó là nghịch lý về lòng ái quốc. Chân lý hiện nhiên, yêu nước là yêu tổ quốc. Nay cộng sản nhồi nhét vào đầu óc trẻ thơ ngụy ngữ “Yêu nước là yêu đảng” mà thực chất, đảng chỉ là thảm họa của nhân loại như Đức Datlai Latma đã ghi nhận “Cộng sản là loài cỏ dại, mọc trên hoang tàn của chiến tranh, là loài trùng độc, sinh sôi nảy nở trên rác rưởi của cuộc đời.” Nay sự thật đó đã phơi bày:
                  Hồi nhỏ tưởng yêu nước là yêu tổ quốc
                  Lớn lên mới biết yêu nước là yêu Đảng

                   Làm sao yêu đảng, khi đảng chỉ là lũ Việt gian bán nước, phản bội tổ tiên, dâng hiến gia tài của mẹ cho ngoại bang:
                  Hồi nhỏ tưởng thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, Đảo Gạc Ma là của Việt Nam
                  Lớn lên mới biết của Trung Quốc!
        Thì ra, Hà Nội chỉ là tay sai của Bắc Kinh. Quân đội mang danh là “quân đội nhân dân” cũng chỉ là lính đánh thuê cho ngoại thù, như Lê Duẫn đã khẳng định “ Chúng ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Sô và Trung Quốc”
                  Hồi nhỏ tưởng hi sinh xương máu đánh Mỹ là đánh cho dân tộc
                  Lớn lên mới biết đánh cho Liên Sô và Trung Quốc!

                   Sau cùng là sự đảo ngược về ý thức chống ngoại xâm. Từ nghìn xưa, yêu nước là xả thân bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền quốc gia dân tộc. Nay yêu nước lại là yêu ngoại thù xâm lăng:  
                  Hồi nhỏ tưởng chống TQ là yêu nước
                  Lớn lên mới biết chống TQ là phản quốc

                   Việt Khang ngồi tù vì viết nhạc chống Trung Quốc. Phạm Thanh Nghiên ngồi tù vì tọa kháng đòi Hoàng Sa Trường Sa. Mẹ Nấm ngồi tù vì chống kẻ thù xâm chiếm biển Đông và gây thảm họa Formosa. Thì ra hôm nay yêu nước là phản quốc! Còn phản quốc lại là yêu nước!
                   Bài thơ “Lớn lên mới biết” thể hiện sự tỉnh thức của tuổi trẻ Việt Nam. Một khi dân Việt hiểu rõ bản chất cộng sản, thì cộng sản sẽ tiêu vong như lời Nguyễn Chí Thiện “ Nếu nhân loại mọi người đều biết, cộng sản là gì tự nó sẽ tan đi. Thứ sinh thanh từ ấu trĩ ngu si. Sự hiểu biềt sẽ là mồ hủy diệt..”
                   Với nhận thức đúng đắn và ý chí đấu tranh của dân Việt, nhất là tuổi trẻ,  chắc chắn ngày tàn của Cộng sản đã gần kề…
          


Monday, December 24, 2018


ẤP Ủ TIM NỒNG

Đêm thánh ôi nhiệm mầu
Tuyết rơi buốt canh thâu
Hững hờ tim nhân thế
Chìm đắm trong thương đau

Ngôi Hai nay giáng thế
Thiên Chúa mang phận người
Đem Tin Mừng giải thoát
Lấy khổ giá cứu đời

Trần gian sao chật hẹp
Nỡ tiếc  một tấc lòng
Để hài nhi lạnh cóng
Run rẫy giữa trời đông

Lòng mẹ như dao cắt
Lời ru lạc giọng buồn
Dòng sữa thơm môi ấm
Suối thương mãi trào tuôn

Lấy chi đền ân thánh
Nhận gánh hết tội khiên
A Dong xưa bội ước
Để cháu con lụy phiền

Xin chấp tay sám hối
Nguyện thay áo xé lòng
Đón hồng ân cứu rỗi
Ấp ủ một tim nồng.
          Ngô Đức Diễm



Thursday, December 20, 2018


XIN ĐỔI KIẾP NÀY THAY KIẾP KHÁC
                                                                                         Ngô Quốc Sĩ
          Thơ được gọi là tiếng lòng, là hơi thở của cuộc đời . Thơ không có tuổi, bởi lẽ ở bất cứ tuổi nào, người ta cũng có những cảm nhận về cuộc đời và có thể trải lòng mình trên những vần điệu trầm bổng qua các thể loại. Có những nhà thơ cổ điển lão thành như Nguyễn Du, Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ..Cũng có những nhà  thơ mới trung niên như  Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng…Nhưng còn có những nhà thơ trẻ, rất trẻ, tiêu biểu như em Bích Ngân tuổi 14, với bài thơ “Xin Đổi Kiếp Này”,  phảng phất tư duy triết lý về thế sự và quê hương...
          Thật ngạc nhiên! Cô học sinh lớp 8 trường Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội đã khẩn khoản xin đổi kiếp này thay kiếp khác, chính vì tuổi trẻ của em hôm nay đã phải chứng kiến qúa nhiều tang thương của kiếp người nói chung và đất nước nói riêng, qua hàng cây khóm lá, biển rộng sông dài, ruộng đồng cỏ cháy, khí thở ngột ngạt và tiếng động chết người..
          Trước hết, Bích Trâm đã cảm nhận những tang thương của cây cỏ hoa lá trên quê hương gấm vóc. Quê hương Việt Nam mỹ miều với  hàng dừa xanh, lá vàng đỏ, lá me bay, hoa sữa trắng, hay những cánh rừng bốn mùa xanh mướt.  Hôm nay, vẻ đẹp thiên nhiên đó đang dần dần biến mất trước chủ trương khai thác gỗ qúy làm giàu, hay đô thị hóa nông thôn với nhà cao tầng, đường cao tốc! Tác giả xin biến thành cây để cảm nghiệm niềm đau quê hương dưới những nhát rìu oan nghiệt, với mùi khét xông lên từ từng thớ thịt:
                   Nếu đổi được kiếp này tôi xin hóa thành cây,
                   Thử những nhát rìu rạch sâu da thịt.
                   Trong biển lửa bập bùng thử mình cháy khét,
                   Thử chịu thói độc tàn, thử sống kiên trung.
          Ý tại ngôn ngoại. Những hàng cây bị rìu đốn ngã cháy thiêu không khỏi làm ta liên tưởng những đám củi khô củi tươi trong chiến dịch “đốt lò” của Nguyễn Phú Trọng, thiêu hủy tất cả những ai chống đối hay bất đồng quan điểm, như thể đốn hết cây xanh được coi nguy hiểm cho chế độ. Không biết trong lò thiêu độc tàn đó, ai sẽ sống còn và kiên trung?
          Tiếp đến, Bích Trâm cũng cảm nhận những thảm nạn trên ruộng đồng quê hương. Dân Việt đa số sống bằng nghề nông, với con đê ngăn nước, sông rạch dẫn thủy, với khoai sắn lúa ngô làm chất sống. Hôm nay, ruộng đồng Việt Nam khô chết vì thiếu nước, hay úng thủy vì lũ lụt, nhất là bị hóa chất nhiễm độc, biến thực phẩm thành độc dược giết hại người dân chân lấm tay bùn:
                   Nếu đổi được kiếp này, tôi xin hóa ruộng đồng,
                   Thử nếm vị thuốc sâu, thử sặc mùi hóa chất,
                   Thử chịu bão giông, thử sâu rầy, khô khát,
                   Thử ngập mặn, triều cường, núi lửa, sóng thần dâng.
          Từ cây cỏ ruộng đồng, cô bé lớp 8 đã trải rộng cảm nghiệm về nỗi oan khiên của đất nước ra tận biển khơi. Biển đảo là tài nguyên đất nước. Duyên hải trải dài từ Nam Quan xuống Cà Mâu là môi trường sống của dân Việt 3 miền. Hôm nay biển đảo đã bị cướp mất và môi trường sống đó đã bị ô nhiễm do chất độc công nghệ thải ra. Hoàng Sa Truờng Sa không còn. Vũng Áng biển chết. Cá tôm san hô cũng chết theo, bốc mùi hôi thối, cướp đi lẽ sống của ngư dân qua nhiều thế hệ:
                   Nếu đổi được kiếp này, tôi xin hóa đại dương,
                   Thử dầu loang hắc nồng, mùi cá trôi hôi thối,
                   Đau vì kiệt tài nguyên, khổ vì không biết nói,
                   Thử biết gồng mình, thử quằn quại đứng lên.
          Biển đảo bị xâm chiếm và nhiễm độc, còn đất liền lại xông mùi tử khí do khói bụi phun ra từ hãng xưởng và xe cộ mịt mù, với những tiếng động điếc tai chết người không ai chịu đựng nổi!
                   Nếu đổi được kiếp này, tôi xin làm không khí,
                   Thử khói bụi ngày đêm, thử ngột ngạt trưa hè,
                   Thử không còn trong xanh vì lũ người ích kỷ,
                   Thử tiếng ồn đinh tai, thử cái chết cận kề.
          Nguyên nhân gây thảm họa môi trường là do lòng người ích kỷ, muốn tận dụng mọi phương tiện, mọi nguồn lực để xây dựng ngai vàng đao phủ trên nỗi chết của đồng bào. Câu hỏi căn bản được nêu lên là “tôi phải làm gì đây?” Bích Trâm đã trả lời khẳng định :Tôi phải trả lại những gì tôi đã nhận, tôi phải hối cải những gì tôi đã phá hoại.
                   Tôi làm gì đây? Khi vẫn kiếp con người!
                   Tôi nhận về bao nhiêu? Tôi lấy gì trả lại?
                   Tôi phá hoại những gì? Tôi đã từng hối cải?
                   Xin đổi được kiếp này! Trời đất có cho tôi?"
          Khỏi cần nói thì mọi người đã hiểu, ai là kẻ đã nhận nhiều mà chưa trả lại, và ai là kẻ phá hoại mà chưa hối cải. Mỗi con dân dất Việt, đặc biệt là những người cộng sản, chính là những kẻ đã nhận qúa nhiều ân huệ của dân tộc và quê hương, nhưng thử hỏi họ đã làm gì để đền đáp, ngoài chủ trương ngu dân, khốn dân và giết dân? Cũng thế, chế độ hôm nay gồm toàn những tên phá hoại, phản dân hại nước. Bích Trâm tự hỏi, sao bọn chúng vẫn chưa hối cải, tạ tội với tổ tiên. Việt Khang đòi bọn chúng “phải trả lại cho dân" quyền tự do tự quyết. Bùi Tín kêu gọi chúng phải sám hối.Nay Bích Trâm cũng đòi bọn chúng phải hối cải và trả lại cho dân các món nợ. Nợ dân chủ thay đang chủ, nợ nhân quyền thay đảng quyền, nợ lịch sử thay đảng sử. Nợ làm người thay làm thú…
           Hạng Thác được coi là thần đồng từng làm cho Khổng Tử thán phục tấm tắc khen là “hậu sinh khả úy”. Nay Bích Trâm, cô nữ sinh lớp 8, với những vần thơ đầy tình người tình nước, trầm ngâm về thế sự, làm rung động hàng triệu con tim, chẳng lẽ không đáng cảm phục đó sao? Cám ơn Bích Trâm. Cám ơn tuổi trẻ Việt Nam..
         



                    

         


Wednesday, December 19, 2018

TRÁI CẤM
    
Từ buổi hồng hoang đầy phấn bụi
Địa đàng còn trái cấm trên cây
Người trai nguyên tổ  Adam hái
Vì thắm men tình hương tóc mây

Cám dỗ bắt ta thèm trái cấm
Như thèm đời có những cơn say
Như thèm cảm giác, thèm hơi ấm
Thèm để con tim đổ mộng đầy

Cũ mốc, cũ meo, đời cũ mèm
Tình ta đã cũ, quá hơi quen
Thời gian cũng cũ, đi mòn lối
Cũ cả lời yêu: anh với em

Vẫn cũ, dù em thường đổi áo
Tô son, đánh phấn bao nhiêu lần
Dù thu đã bắt đầu thay lá
Mời đón thời gian, gợi ý xuân

Vẫn cũ, dù tim anh hóa kiếp
Để tình yêu đổi mới toanh toanh
Ái ân cũng đến hồi da diết
Rồi đám rong rêu bám cuộc tình

Cám dỗ bắt ta thèm trái cấm
Như thèm đời có những cơn say
Từ trong nguyên tổ, và nguyên tội
– Con rắn nằm khoanh trên nhánh cây
     
                    KHANG LANG

Tuesday, December 18, 2018

Thoát Trung trong một cuộc chiến toàn diện và tổng hợp !
 Hà Sĩ Phu

  Tôi thật vui mừng được thấy GS LÊ XUÂN KHOA đã hoàn toàn đồng cảm khi khơi dậy một cách ngắn gọn và khúc chiết cái chủ đề quan trọng bậc nhất mà tôi đã đề cập ròng rã hơn 10 năm nay: Muốn thoát Trung buộc phải thoát Cộng, nhưng hai việc ấy phải làm đồng thời!

Trước khi nói thêm một số điều liên quan xin nhắc tên một số bài đã lưu trong Thư viện Hà Sĩ Phu về chủ đề này:  
                                                                  *
1/ Thoát Cộng là Thoát giặc Nội xâm.
Dân bị mất quyền làm chủ đất nước vào tay người cầm quyền trong nước thì đó là nạn Nội xâm (xin tham khảo bài Xin đừng gọi Tham nhũng là Nội xâm). Có người bảo: Dân ta vẫn có đầy đủ mọi thứ quyền công dân đấy chứ? Toàn là quyền trên giấy thôi. Nói gì nhiều, chỉ nghe TBT đảng nói “ Quốc hội là nơi cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng” và lời Chủ tịch của Quốc hội, nơi tập trung quyền lực cao nhất cỉa nhân dân, nói về việc thành lập ba đặc khu (3 nhượng địa của Tàu) rằng “ Bộ Chính trị đã quyết thì Quốc hội phải bàn cách thực hiện, không bàn cãi gì nữa” là đủ rõ “quyền làm chủ” của dân vĩ đại đến đâu rồi.
Nhân dân chưa bao giờ được bốc lên cao như trong chế độ CS, nào là người sáng tạo ra Lịch sử, nào là chủ nhân thật sự của đất nước, cán bộ chỉ là đày tớ của nhân dân. Nhưng Nhân dân chỉ làm nên Lịch sử để ĐCS cướp được chính quyền, chứ xong việc rồi, bây giờ “thằng dân” muốn làm nên Lịch sử thì hãy phải đi “học tập cải tạo” để thành công dân tốt của Đảng đã nhé! Đảng lại chủ trương “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”  (Nhà nước toàn người của ĐCS lãnh đạo)! Vậy là cả giải đất chữ S của tổ tiên nước nhà để lại nay do ĐCS độc quyền giữ “sổ đỏ” (dân chỉ được cho quyền sử dụng chứ không có quyền sở hữu). Ông chủ mà không được sở hữu “một mảnh đất cắm dùi” thì xách giép cho thằng đày tớ, rồi để họ hàng nhà giép lên tiếng như trường hợp cô Thùy Dương ở Thủ Thiêm. Đày tớ cầm “sổ đỏ” trong tay thì nó “sang nhượng” cho ai là rất đúng luật, đúng quy trình, còn cãi gì nữa? Thế thì nhân dân đã mất nước, từ trong nước, trước khi bị ngoại bang xâm lược vậy!

2/ Về quan hệ giữa Thoát Trung và Thoát Cộng: Như vậy, nhiệm vụ Thoát Trung và Thoát Cộng cũng có nghĩa là Thoát nạn Nội xâm và nạn Ngoại xâm, cũng tức là chống nạn Cộng sản và nạn Bắc thuộc-Hán hóa.
Vì VN sa vào chủ nghĩa CS nên mới đưa đất nước chui vào vòng tay Trung Cộng, ngược lại nếu VN ra khỏi quỹ đạo CS thì Trung Cộng chẳng còn cớ ràng buộc gì, lợi thế gì để trói buộc VN. Quan hệ giữa hai quốc nạn này, giữa hai nhiệm vụ này là quan hệ NGUYÊN NHÂN và KẾT QUẢ. Theo phép chữa bệnh thì diệt được nguyên nhân là chữa được bệnh: hết chế độ CS là hết bệnh Bắc thuộc. Nhưng ở đây cả nguyên nhân (chế độ CS) lẫn kết quả (nạn Trung Cộng xâm lược) đều là hai vật thể sống khổng lồ, quái ác và liên kết tương hỗ củng cố lẫn nhau, bảo vệ lẫn nhau để cùng hưởng lợi trên số phận của dân tộc VN. Nguyên nhân (chế độ CSVN) bám chặt lấy kết quả (bành trướng Trung Cộng) và kết quả (bành trướng Trung Cộng) quay lại giữ chặt nguyên nhân (CSVN). Điều quái ác là, người giữ chế độ chính trị CS ở VN không phải chỉ ĐCSVN mà chủ yếu là ĐCS Trung quốc. ĐCSVN hiện nay không muốn từ bỏ chế độ CS đã đành, nhưng cho dù có muốn vì nước vì dân mà thoát ly chế độ thì Trung Cộng cũng không cho phép. Tôi đã có lần trả lời phỏng vấn rằng với những gì hai nước đã thiết kế, Trung Cộng có thể dùng tiền mua chuộc bất cứ một kẻ cầm quyền VN nào muốn Thoát Trung, và nếu không mua được thì nó giết quách một cách thật dễ dàng (thân chư hầu khốn nạn như thế). Tóm lại, tuy Thoát Trung là mục tiêu cấp bách và trọng yếu số 1 nhưng không thể Thoát Trung mà chưa Thoát Cộng, lại cũng không thể Thoát Cộng trước rồi mới Thoát Trung. Hai việc ấy phải làm song song, vấn đề là phối hợp hai việc ấy với nhịp điệu như thế nào?
Nhưng Trời sinh ra tai họa nào cũng đồng thời cho luôn thuốc chữa nằm ở đâu đó. Trước đây, khi Trung Cộng chưa lộ rõ mặt xâm lược thì việc đấu tranh Thoát Cộng trong nội bộ quốc gia là cực kỳ khó. Lúc ấy lên án một vấn đề dân chủ-nhân quyền là rất khó và ít hiệu quả, vì ĐCS thừa sức che đậy và trấn áp. Nhưng khi Trung Cộng lộ diện xâm lược, thì chính giặc Ngoại xâm chứ không ai khác đã giúp dân ta vạch rõ mặt thật của giặc Nội xâm mà ĐCS khó cãi được. Hai việc lớn Thoát Trung và Thoát Cộng phải làm đồng thời là điều rất khó, nhưng mặt khác hai việc ấy lại tương hỗ nhau, tạo điều kiện cho nhau, làm dễ cho nhau. Gắn chặt hai việc ấy với nhau sẽ thành sức mạnh.

3/Thoát Cộng- Thoát Trung đều là việc khó, phải toàn diện và tổng hợp

a/ Cộng sản là loại Virus cực kỳ khó diệt: Nọc độc CS giống Virus HIV ở chỗ chỉ cần chạm vào da thịt một chút đầu kim tiêm còn dính HIV là sẽ mắc đúng bệnh AID/HIV ấy. Chỉ cần chấp nhận một một chút gì đó do CS truyền vào là trước sau cũng tái sinh đúng nọc độc đó một cách hầu như nguyên mẫu. Tại sao như vậy? Vì chủ nghĩa CS tuy bản chất là phi lý và phi tiến hóa nhưng cái ảo tưởng quá “hoành tráng” đến mê ly của nó lại rất dễ thấm sâu vào tâm can khốn cùng hoặc những trái tim cao cả duy cảm. CS khi đã cầm quyền là một thực thể tổng hợp tất cả mọi thứ trên đời và biến hóa như xiếc, khoa học và ảo tưởng, lý thuyết và thực dụng, dân túy và chuyên quyền, quốc gia và quốc tế, triết lý và ngụy biện, lời nói khác việc làm, Ác khoác áo Thiện…. cho nên dẫu bế tắc đến đâu nó cũng vẫn tìm được cách để lừa người ta, mà nghe cũng có vẻ có lý. Vừa lý thuyết vừa thực dụng, vừa đặc hiệu vừa pha tạp, CS là một tổng thể lừa hoàn chỉnh, đối thủ có khả năng “bao sân” chỗ nào cũng len vào được để hòng chế ngự con người. Virus ấy chỉ bị liệt nếu tách khỏi các cơ thể sống. Một tế bào sống để nó nhập vào là nó sinh sôi.
Muốn Thoát Cộng chỉ có cách thoát ly nó hoàn toàn, đừng luyến tiếc chút ưu điểm mà dính vào là chết.

b/ Bài học rút ra từ thực tiễn chính trị.
Phép làm xiếc ấy, phép lừa ấy lừa được cả dân thường và giới trí thức. Những người có học chúng ta cả đời được đào luyện để xem xét và xử lý mọi điều sao cho cho công bằng, cho có lý có tình, không thiên vị bên nào, và tự cho thế là vừa có óc vừa có tâm của con người chân chính. Chủ nghĩa CS lý thuyết cũng như thực tế đương nhiên bên cạnh mặt xấu căn bản cũng có những điểm tốt nhất thời có thể ghi nhận (mọi sự trên đời đều có hai mặt như vậy!). Nhưng như trên đã nói : Dính vào đầu mũi kim tiêm có nọc CS là trước sau cũng bị lôi vào quỹ đạo ấy, lúc đầu rất thuận tình nhưng vào bẫy rồi là bị áp đặt không ra được nữa, cứ quanh quẩn. giãy giụa mãi trong sự “chân chính” của mình mà thôi.
Sự “chân chính” ấy của số đông Trí thức chúng ta chỉ khiến cho kẻ chính trị lão luyện “cười vào mũi”, nó cứ giả vờ khen để sử dụng, chứ ít kẻ dám như Mao nói toẹt ra rằng “Trí thức suông không bằng cục phân!”.
Đạo đức vẫn dạy người ta: Trị cái Ác thì phải dùng cách cực Thiện, nó độc tài thì mình phải thật dân chủ, nó dấu giếm thì mình phải công khai, nó bất công thì mình phải thật công bằng…! Đạo đức dạy như thế bởi Đạo đức không dạy người ta làm Chính trị chân chính để diệt trừ cái Chính trị gian tà. Mà Thoát Trung và Thoát Cộng là sự nghiệp Chính trị chứ không phải học thuật.
Trong Chính trị, người yêu Hòa bình muốn diệt Chiến tranh nhiều khi lại phải dùng Chiến tranh mãnh liệt hơn mới mong kéo thế giới trở lại Hòa Bình. Mục đích và phương tiện nhiều khi phải ngược nhau, kẻ gian tà cũng nói như vậy (mục đích biện minh cho phương tiện) nhưng ngụy biện để biện minh cho mục đích thực ra rất xấu của nó.

 Trong khi trao đổi với bạn bè thân thiết, tôi thường nói thẳng đại ý như sau:
“Ông cứ bảo đổi mới là phải giữ cái tốt cũ, bỏ cái xấu, chứ không phải đổ bỏ tất cả, có thế mới là đổi mới trong ổn định. Xin thưa: Nếu chế độ CS cũng mọc ra từ sự kế thừa thì ta có thể tu sửa chế độ CS cũng trên tinh thần kế thừa mà cải tiến như thế, nhưng đặc biệt CNCS ra đời với phương trâm “đoạn tuyệt một cách triệt để nhất với các giá trị truyền thống”, khiến cho mọi giá trị đều bị lộn ngược, thì một chủ nghĩa như thế không thể được đổi mới bằng phương pháp kế thừa, mà lại phải đoạn tuyệt nó một cách triệt để nhất mới có thể đưa xã hội trở về trạng thái thăng bằng rồi tiếp tục cải tiến mà đi lên. Thế mới là khoa học thật sự. Vì thế Yeltsin mới tổng kết kinh nghiệm rằng chế độ CS chỉ có thể phá bỏ chứ không thể sửa chữa.
…Ông cứ muốn xử lý sao cho thật công bằng, xem xét cả ưu cả khuyết, không thiên vị bên nào ư? Xin thưa: Không ai khiến ông làm trọng tài thế giới hay quan tòa thế giới! Chỉ nhân dân VN đang đòi hỏi làm sao Thoát được Cộng Sản để Thoát được nạn Bắc thuộc mới đang xiết vào cổ dân ta đây này! ”. Vâng, đại loại tôi thường bộc bạch với bạn bè Trí thức thân cận như thế.

c/ Vì thế, muốn Thoát Cộng lại phải Thoát Hồ và Thoát Mác nữa.
Từ nhận thức như trên đã trình bày, đương nhiên dẫn đến kết luận: Còn lưu luyến một chút gì đó ưu điểm của các tổ sư CS như Mác-Lê-Xít và Hồ chí Minh thì không có cách gì ra khỏi mê lộ CS.
Chẳng có gì phải tiếc, một vài ưu điểm của các vị ấy nếu có thì cũng nằm trong tính chất của các hệ văn hóa khác, hệ văn minh khác phổ quát của nhân loại rồi. Bỏ các vị ấy đi ta không mất chút gì quý giá hết. Trái lại, những sai lầm của các vị ấy tất yếu dẫn đến thảm kịch khiến cho toàn dân tộc ta giờ đây phải đem hết sức bình sinh, huy động toàn tâm toàn lực chưa chắc đã ra khỏi cái ngõ cụt kinh hoàng mà các vị ấy đã tạo ra.
Về Marxism-Leninism:
Các ông tổ CS này có 5 sai lầm căn bản:
- Hiểu nhầm thời đại mình đang sống (thời kỳ văn minh Công nghiệp bột phát, mở đầu bước phát triển mới của nhân loại, thì các tổ sư CS tưởng đây là thời kỳ cáo chung, giãy chết của cái gọi là chủ nghĩa Tư bản nên rủ nhau định đào mồ chôn. Coi giai cấp thợ thuyền là giai cấp tiền phong của xã hội, không biết Trí tuệ mới là động lực tiên phong).
- Hiểu nhầm Lịch sử nhân loại (Coi Lịch sử chi là một chuỗi những cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh giai cấp là động lực  của tiến hóa của nhân loại, không biết tiến hóa của loài người là do có sự tích lũy và gia tăng Trí tuệ).
- Hiểu nhầm về nguyên nhân bất công ( coi tư hữu là nguyên nhân bất công, nhà nước là bộ máy áp bức cần phải tiêu vong).
- Hiểu nhầm về cách giải quyết bất công ( công hữu hóa hết thảy, tập thể hóa hết thảy, để người lao động tự quản, muốn cả xã hội đi vào một cõi định sẵn, thánh thiện như thần tiên, chỉ có hòa thuận không còn cạnh tranh, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu).
- Toàn bộ chương trình ước mơ ảo tưởng ấy lại phải do một đảng toàn quyền dẫn dắt, cuối cùng tạo ra một xã hội lộn ngược, phá nát mọi giá trị, lộn ngược so với ước mơ, làm khổ cả “búa” lẫn “liềm”,  nhưng kẻ cầm quyền với lợi quyền vô cực thì quyết giữ cơ chế lộn ngược ấy. Thế là ngõ cụt.
Chính hai nước lớn là quê hương của Mác và rất yêu mến Mác là Đức và Pháp đã cùng Hiệp hội 46 nước châu Âu ra Nghị quyết 1481 lên án chủ nghĩa CS mắc tội ác chống nhân loại, để vứt nó vào sọt rác.
Chỉ cần vài điều ấy thôi tưởng đã đủ thuyết phục để “kính mời” các vị ấy vào ngồi yên trong bảo tàng Lịch sử cho xong. Cố tìm ưu điểm gì nữa cũng bằng thừa. Sách vở về Mác còn xuất bản chẳng qua là điểm lại một hiện tượng trong quá trình nhận thức của nhân loại. (Riêng với VN thì chủ nghĩa ấy còn phạm tội ác nữa là đưa VN trở lại vòng tay của kẻ thù truyền kiếp Đại Hán Bắc phương).

Về nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh của Việt Nam:
Một khi cả quỹ đạo CS là quỹ đạo chống Nhân loại thì những ai đưa cái “chống Nhân loại” ấy vào VN đương nhiên mắc tội chống nhân dân VN, logique tự nhiên là như vậy. Hai đại nạn mà ta cần thoát là Thoát Cộng (nội xâm) và Thoát Trung (ngoại xâm) chẳng phải do chính tác giả HCM đem vào thì còn ai? Hãy bỏ qua mọi câu chuyện về con người cá nhân HCM, vì với nhân vật chính trị thì “con người chức năng” mới quan trọng. Chức năng là dẫn đường dân tộc mà dẫn đường vào ngõ cụt, nay cả nước phải cố thoát ra, thì dù với thái độ khoan dung ta cũng chỉ có thể thông cảm cho anh Ba chưa đủ tầm để nhìn ra nguy cơ tiềm ẩn thế kỷ ấy, chứ yêu cầu phải tôn thờ cho “sống mãi” một sai lầm tai hại thì chẳng hóa điên khùng lắm sao? 
Có một vài luận điểm bào chữa cho HCM có thể kể ra:
- HCM không phải người CS (?), chỉ mượn con đường CS để giành độc lập. Luận điểm này thật nhảm.
- Tình hình thế giới và dân trí VN lúc bấy giờ đương nhiên bị hút vào đường CS, không có HCM này thì sẽ có người khác theo đường như HCM thôi, trách HCM làm gì?. Mới nghe cũng xuôi tai, nhưng nói cù nhầy như vậy thì cũng vô lý như bảo “thời Trần Hưng Đạo nếu không có Hưng Đạo này thì cũng xuất hiện một Hưng Đạo khác, tôn thờ cá nhân làm gì?!! 
- Không ít người lo rằng đụng đến thần tượng là mắc tội chính trị rất lớn, là nói xấu lãnh tụ?
Xin thưa: ĐCS coi việc bảo vệ đảng và bảo vệ chế độ mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất. Nay ta đã dám công khai nói Thoát Cộng, tức công khai tẩy chay chế độ chính trị, thì những điều khác chỉ là chuyện nhỏ. Họ vẫn ra vẻ cung kính bắt toàn dân đưa thần tượng lên bàn thờ (cả trong chùa chiền nữa) chẳng qua vì thấy đa số dân vẫn còn tin hoặc còn sợ nên dùng luôn hình tượng ấy như một đức Bồ tát hoặc như ngáo ộp để răn đe bách tính, chứ trong lòng những người CS cầm quyền bây giờ phỏng có tôn sùng nhân vật ấy nữa không? Trên tường vẫn treo 5 điều Bác dạy mà cứ tham ô tiền tỷ chứ đâu có “Cần kiệm liêm chính”, đánh dân như đánh xúc vật chứ đâu có “kính trọng lễ phép” như lời Bác răn? Họ dùng “Bác Hồ” như dùng một công cụ để giữ ghế cao cho họ, như người dân vẫn bện “ông bù nhìn rơm” để giữ ruộng dưa. Hết ngày mùa, hoặc thấy chim chóc không sợ bù nhìn nữa thì họ cũng vứt ông bù nhìn vào bếp đun.

   Với những ai vẫn còn lòng tin nơi thần tượng bù nhìn, ta có thể ví tượng bù nhìn cũng linh thiêng như tượng Phật, tượng Chúa. Các vị ấy đều phúc đức không có tội gì. Nhưng nay có tên kẻ cướp cứ ẩn hiện tài tình núp sau bức tượng để bắn đồng bào ta, thì buộc lòng ta phải bắn tan bức tượng để tên cướp lộ nguyên hình. Diệt cướp xong người sùng đạo có thể dựng lại bức tượng hoành tráng hơn. Tình thế đã như vậy thì người Dân chủ đâu còn có thể cũng núp bóng những tượng Hồ tượng Mác ấy mà đấu tranh nữa?

KẾT LUẬN : Mục tiêu chiến lược bức thiết là Thoát Trung, nhưng muốn Thoát Trung buộc phải Thoát Cộng. Hai việc chống Nội xâm và chống Ngoại xâm ấy phải làm song song và tăng cường hiệu lực cho nhau. Đồng thời phải giải ảo các thần tượng CS còn được dùng như những tấm khiên bảo vệ ngai vàng cho các vua tập thể và che đậy cho âm mưu Hán hóa thôn tính Việt Nam. Vô hiệu hóa thần tượng không phải mục đích, cũng không phải xúc phạm điều thiêng liêng gì mà chỉ là vô hiệu hóa một công cụ mà những kẻ Nội xâm và Ngoại xâm cùng sử dụng để ngăn chặn làn sóng Thoát Trung và Thoát Cộng đó thôi.

                                                                            H.S.P. (16/12/2018)

Thursday, December 13, 2018


QUÊ HƯƠNG TRONG DÒNG NHẠC GIÁNG SINH
                                                                                                   Ngô Quốc Sĩ
          Giáng Sinh lại về trong buốt giá với những thông điệp ấm áp của Tin Mừng cứu rỗi. Giáng Sinh hôm nay không còn là một ngày lễ tôn giáo, mà trở thành lễ hội của mọi người, mọi giới và mọi sắc tộc, với hoa đèn, nến sáng lung linh và những lời chúc đầy linh thiêng..Đối với dân tộc Việt Nam, Giáng Sinh mang một ý nghĩa đặc biệt, thể hiện khát vọng hòa bình và đoàn tụ, khi đất nước tang tóc vì chiến tranh tàn phá, và dân tộc ly tán cách ngăn..
          Thật vậy! Tâm tình Giáng Sinh trong thi ca Việt Nam thường đậm nét quê hương. Quê hương một thuở thanh bình, anh nắm tay em đi lễ với tiếng chuông ngân,và cũng là quê hương lửa khói với áo lính bạc màu và tiếng lòng thổn thức của người em mòn mỏi…
          Trước hết, hình ảnh quê hương thanh bình mùa Giáng Sinh khá rõ nét trong “ Niềm Tin” của Anh Bằng với Đà Lạt thân thương có hoa anh đào đỏ thắm và Mimosa ánh vàng:
                   Chắc Đà Lạt vui lắm
                   Mimosa mimosa nở vàng
                   Anh đào khoe sắc thắm
                   Hương ngào ngạt không gian 
          Còn gì đẹp và thơ mộng hơn, dưới rừng hoa đầy sắc hương lại có bóng dáng người em gái hồi hộp đợi anh về cùng nắm tay chuyền hơi ấm trao thương:
                    Mấy mùa giáng sinh trước
                   Chỗ hẹn anh chờ hoài
                   Lần này không về được
                   Hồi hộp đợi tin anh
          Hình ảnh trao thương và hiệp dâng lời nguyện Giáng Sinh càng đậm nét hơn qua nốt nhạc của Đài Phương Trang vơi 2 mùa Noel:
                   Mùa Noel đó chúng ta quen bên giáo đường.
                   Mùa Noel đó anh dắt em vào tình yêu.
                   Quỳ bên hang sâu nghe lời kinh thánh vang cầu.
                   Nhìn nhau không nói nên câu
                   vì biết nói nhau gì đâu. 

          Rồi hình ảnh quê hương thanh bình, ấm áp và thân thương đó đã nhạt nhòa trong lửa khói chiến tranh. Lúc này, dòng nhạc Giáng Sinh tuy có chút ảm đạm, nhưng vẫn thắm đượm tình quê và tình người. Anh Bằng đã ghi lại nỗi lòng Giáng Sinh từ tiền đồn biên giới:
                   Lại một Noel nữa
                   Mấy mùa giáng sinh rồi
                   Anh ở đồn biên giới
                   Thương về một khung trời 

          Điểm đáng nói là dù giãi dầu nắng mưa sương gió, người chiến sĩ nơi địa đầu vẫn an nhiên chiến đấu với niềm vui Giáng Sinh trong tâm hồn:
                        Em biết chăng đời lính
                   Nắng sớm với sương chiều
                   Gió rừng rồi mưa lũ
                   Đã làm anh vui nhiều 

          Nguyễn văn Đông đã đón Giáng Sinh với tâm tình ảm đạm hơn, tự hỏi sao nhân loại vẫn hững hờ say ngủ khi quê hương rên xiết và kiếp người đọa đày:
                   Nhưng từng đêm chiếc lá lìa ngàn
                   Đêm từng đêm giấc mơ kinh hoàng
                   Nhân loại còn ngủ say
                   bên những kiếp người quê hương đọa đày
          Tiếng chuông đêm Giáng Sinh đã làm tác giả tê tái, như tiếng ngân sầu bi, bởi lẽ chiến tranh đã gây bao chia cách và nhớ thương:
                   Ôi đêm thánh vô cùng
                   lời thương rền khắp muôn trùng
                   Người mau về đi ! đừng gieo biệt ly!
                   từng hồi chuông nửa đêm sầu bi

          Quê hương chinh chiến còn thê thảm với những xác người trôi sông, những bước chân biền biệt không trở lại qua nốt nhạc Trần Thiện Thanh:
                   Xác người nào trôi sông
                   Quay đầu về biển Đông
                   Những bước chân nào đi
                   Có khi không trở lại 

          Trong niềm khổ đau quê hương với đạn bom đạn ngút trời, Trần Thiện Thanh đã thành khẩn hỏi Chúa có thấu chăng nổi khổ Việt Nam?
                    Lạy Chúa tôi con người không đạo
                   Nhưng tin có Chúa ở trên cao
                   Con nghe trong đêm Việt Nam tối tăm
                   Những mìn bom hoen dấu
                   Lạy Chúa trên cao Chúa ở nơi nào 

          Từ niềm đau chất ngất, dân Việt đã hướng về trời cao, thì thầm những mơ ước Giáng Sinh thành khẩn. Nơi tiền đồn, Ngân Giang đã ôm súng mơ ngày thôi chinh chiến, để được sóng bước bên em:
                   Những đêm mưa rơi nơi tiền đồn, ngồi ôm súng mơ màng ngày thôi chinh chiến
                   Em ơi ! mình về chung nhịp bước cùng đi lễ bên nhau và chắc em vui nhiều… 
                   Anh gom mây sao trời hoa lá dệt áo trắng cưới em 
                   Hoa đăng chợt sáng mừng đêm giáng sinh về
           Anh Bằng phóng khoáng hơn, đã trải lên nốt nhạc ước mơ hoà bình trên quê hương và toàn thế giới, mong cho những bước chân xa vắng trở về chung bước bên nhau:

                   Cùng cầu cho thế giới
                   Cho nhân loại hoà bình
                   Cho đôi ta gặp lại
                   Trong một mùa giáng sinh.
          Ước mơ rồi nguyện cầu. Trần Thiện Thanh đã  khấn nguyện chiến tranh sớm chấm dứt  và mây hồng về tô thắm quê hương khổ đau:
                   Chúa ơi Chúa ơi con người không đạo
                   Nhưng tin Chúa giúp đời thương đau
                   Như con tin trong một lần đã lâu
                   Những hờn đau thu ngắn
                   Để đám mây hồng âu yếm giăng ngang
           Cùng với Trần Thiện Thanh, Nguyễn Văn Đông  cũng chấp tay nguyện cầu cho quê hương thanh bình:
                   Chiến cuộc mấy mươi năm
                   mệnh trời bắt gian truân
                   Lạy Chúa chinh chiến lâu rồi
                   cho mùa Giáng Sinh này đến Thanh bình Chúa ơi!
          Với Trúc Hồ, tâm tình Giáng Sinh càng tha thiết. Anh đã đến với Mẹ Maria, cảm tạ Mẹ Thánh đã dìu dắt tác giả qua cơn nguy khó tuyệt vọng:
                   Khi con tuyệt vọng con tìm về với mẹ
                   Mẹ dìu dắt con vượt qua bao ngàn nguy khó
                   Tình mẹ bao la mang ánh sáng như tiếng chân trời
                   Mẹ nhắn nhủ con tình yêu là sức sống trên đời
          Và trong niềm tín thác đó, người nhạc sĩ đã tâm nguyện hiến thân cho đời, mang sứ điệp Giáng Sinh sưởi ấm muôn người:
                   Hôm nay con về nguyện dâng lên mẹ
                   Hồn xác của con từ đây và mãi mãi
                   Trọn đời hiến dâng mang sáng tình yêu cho người
                   Sống vì tha nhân cho đến hết đời con
                Thật tuyệt vời. Đó chính là thông điệp Giáng Sinh, thông điệp của TÌNH YÊU viết hoa. Đó cũng chính là thông điệp hoà bình cho quê hương Việt Nam đang chìm ngập trong thương đau hận thù..