Wednesday, January 29, 2020


QUẶN THẮT LÒNG QUỐC
        Ngô Quốc Sĩ

          Dân Do Thái trong cuộc lưu đày, đã ngồi bên bờ sông Babylon mà than khóc thương nhớ Sion. Dân Việt, với truyền thống gắn bó với  cội nguồn, trong kiếp lưu vong vẫn luôn luôn canh cánh bên lòng hình ảnh quê hương, dù phải vật lộn với cuộc hội nhập vất vả cam go. Trong thi ca, nỗi nhớ quê hương cũng rất đậm đà, tiêu biểu như Lý Bạch với bài thơ Tĩnh Dạ Tứ “ Cử đầu vọng minh nguyệt. Đê đầu tư cố hương”. Riêng thi ca Việt hải ngoại, tâm thức lưu vong cũng rất đận nét với những dòng thơ tha thiết Tô Thùy Yên, Hoàng Phong Linh, Vĩnh Liêm, Quan Dương, Ngô Minh Hằng..Và hôm nay, Cao Nguyên, cũng đã trải hết nỗi lòng thương nhớ quê nhà qua những vần điệu thật truyền cảm làm lòng người thổn thức…
          Ra đi, bỏ lại quê hương sau lưng để tìm đất sống nơi quê người đất khách, dân Việt cảm thấy như thể chết đứng giữa hai niềm đau chất ngất. Đau nhìn về đất mẹ buồn thiu tận mãi trời Đông. Đau nhìn vào quê khách lạc lõng dửng dưng nơi trời Tây. Hẳn nhiên không thể chối cãi rằng, cuộc sống tạm dung có nhiều thuận lợi về học vấn, nghề nghiệp và tương lai con cháu, nhưng dân Việt vẫn phải đối diện với những mất mát tinh thần lớn lao, mà những tiện ích vật chất không thể bồi đắp.
                   bao năm trước, bấy năm sau
                   tôi đang đứng giữa niềm đau hai chiều
                   chiều Đông đất mẹ buồn hiu
                   chiều Tây quê khách quá nhiều dửng dưng
          Nhìn về đất mẹ, Cao Nguyên đã cảm thấy đau xót chứng kiến hiện thực đáng buồn trước thái độ thờ ơ tha hóa của nhiều người, đã vội quên qúa khứ đau buồn của dân tộc, đắm mình vào những cám dỗ của cuộc sống mới xô bồ, phồn vinh giả tạo, nhẫn tâm vui hưởng lạc thú  trên máu và nước mắt của đồng bào. Võ Thị Hảo, cô giáo Lam đã lên án thái độ vô cảm của đa số dân Việt, để cho con tim hóa đá trước những đau khổ của dân tộc. Bùi Minh Quốc cũng đã thật sự bất bình trước bọn người vô tâm say sưa nhậu nhẹt trên “thân xác em trinh bạch, trên lưng mẹ già còm cõi”. Hôm nay, Cao Nguyên cũng không dấu nổi sự phẫn uất trước thái độ vô ơn và vô thức của nhiều người:
                   ai đối mặt, ai quay lưng
                   trước mồ tử sĩ, trước hồn chinh nhân
                   ngó nhau ngặt nỗi phong trần
                   lợi danh ám khói còn mong công hầu
          Nói chung, đất nước đang trải qua một thảm trạng bi đát hầu như vô vọng. Người đối mặt với hiện thực thì cảm thấy buốt đau vì mặc cảm  bất lực như thể đầu hàng. Còn người quay lưng thì chỉ mong chạy trốn hiện tại thê lương, tỏ thái độ vô can khiếp nhược cầu an! 
                   kẻ đối mặt buốt lòng đau
                   người quay lưng dấu thật sâu đoạn trường
                   giữa nay sông núi thê lương
                   tương lai, quá khứ nhiễu nhương cơ cầu
          Đối diện với hiện thực đau buồn, có lúc tác giả đã đi vào mộng mơ, muốn thoát ly hiện tại để trở với qúa khứ, mong một ngày lại được nhìn thấy quê hương đẹp tươi ngày nào. Nhưng hình như niềm mong ước đó rất mong manh, bởi lẽ trong giòng thời gian chuyển biến và lòng người đổi thay, nào ai biết được khi trở về cố quận,  những nét đẹp thuở ấy còn không, hay chỉ là những kỷ niệm phai mờ?
          Trước hết, nhà thơ đã trầm ngâm tự hỏi, nếu một mai có cơ hội trở về, không biết có còn nhìn thấy  hình bóng quê hương  gấm vóc đã một thời nâng niu ôm ấp không? Xin hỏi  rừng còn xanh, gió còn reo và lá còn mừng chào đón con người như thuở nào quê hương thanh  bình?
                   một mai về lại phương trời cũ
                   biết gió còn reo rủ lá mừng
                   chiếc bóng ngày xưa vào lữ thứ
                   đang đứng nhìn rừng núi rưng rưng
          Tiếp đến, nhà thơ lại băn khoăn tự hỏi, không biết khi trở về có còn tìm thấy hình bóng ân tình cũ đã một thời đam mê say đắm, đã từng siết chặt vòng tay âu yếm và thỏ thẻ bên tai lời ru tha thiết? Nhiều người vẫn ca ngợi tình yêu dang dở, vẫn thích vẻ đẹp của vầng trăng khuyết. Nhưng không biết ân tình thuở ấy có còn nguyên vẹn đó không, hay đã tàn phai theo năm tháng?
                   một mai thăm lại ân tình cũ
                   liệu hình xưa còn đủ đam mê
                   ngồi giữa đôi vòng tay nhật nguyệt
                   nghe lời ru tha thiết lòng quê
          Tìm thấy hay không tìm thấy hình bóng ân tình cũ, thì nhà thơ cũng cảm thấy an ủi, ấm lòng vì hình như qúa khứ đã trở về trên làn môi ấm đang nở nụ cười, làm tác giả xúc động đến nỗi hai hàng lệ nóng trào tuôn. Dù sao, trong mất mát, cũng còn tìm lại được một chút gì, dẫu tim rối bời, mắt mờ lệ:
                   nếu thêm được một giòng lệ nóng
                   chảy vào môi sưởi ấm nụ cười
                   cho dẫu tim rối bời nhịp đập
                   cũng thỏa lòng khát vọng làm người
          Mong ước tìm lại được cảnh cũ người xưa, Cao Nguyên còn mơ được nhìn thấy cuộc đời tươi đẹp với tình người nồng thắm và hy vọng nở hoa trên quê hương phục sinh. Vẫn biết rằng, quê hương hôm nay là quê hương lưu đày, thiếu khí thở, thiếu tình người, thiếu chất sống, chẳng khác nào vũng lầy tăm tối. Nhưng Cao Nguyên vẫn mơ ước sẽ có một ngày quê hương bừng sáng, thoát khỏi đêm dài lịch sử đang đày đọa dân Việt hôm nay:
                    một mai còn chút lời thơ mộng
                   sẽ gởi quê mình di chúc thơ
                   thương yêu, nhân ái và hy vọng
                   mãi đẹp bên đời như ước mơ
          Từ ước mơ, tác giả đã bước qua một tâm cảm lạc quan hơn và tích cực hơn. Đó là niềm tin vào tương lai dân tộc. Nhà thơ vẫn tin tưởng mãnh liệt và chắc tâm rằng, một ngày không xa, ngọn lửa sẽ bừng sáng từ mỗi khung cửa phương đông. Đó có thể là ánh lửa phục sinh cứu thoát dân Việt khỏi bóng  đêm của chết chóc và hủy diệt.  Đó cũng chính là ngọn lửa hy vọng le lói như ánh sao trong đêm tối 30! Nếu ngày nào, Nguyễn Chí Thiện đã mơ ước ngọn lửa cách mạng sẽ thiêu rụi hết bọn qủy sứ  ma vương “khi đất trời gió nổi.Tàn hung ơi! Bão lửa! trốn vào đâu?bám vào đâu?, thì hôm nay, Cao Nguyên cũng sẽ thỏa lòng, dù có phải bỏ xác nơi quê hương tạm dung, nếu nhìn thấy ngọn lửa bừng cháy trên quê hương dấu yêu:
                    nếu thêm được niềm tin thắp lửa
                   rọi sáng từng khung cửa phương đông
                   cho dẫu lịm bên thềm đất hứa
                   cũng nhẹ hồn vào cõi mênh mông !
          Thế đó! Trong niềm đau nhớ về cố hương, Cao Nguyên nói riêng và dân Việt nói chung đã tìm thấy ánh lửa cứu rỗi. Đó là niềm tin vào truyền thống hào hùng dân tộc, vào sức mạnh Diên Hồng, vào ý chí Phù Đỗng và con tim Lạc Hồng…Hồn Việt còn và sẽ thảnh thơi trong cõi mênh mông…
         




Saturday, January 25, 2020


NHỮNG MÙA XUÂN TANG TÓC

Mùa xuân Đồng Tâm loang máu
Súng đạn bắn nát tim người
Hơi thở dân làng thoi thóp
Ý chí dâng cao ngất trời

Mùa xuân Lộc Hưng thoi thóp
Gạch vụn ướt đẫm lệ hờn
Đất sống trơ gan tuế nguyệt
Tiếng nấc máu nhỏ linh hồn

Mùa xuân Phan Rí nức nở
Hùng khí ngùn ngụt mây ngàn
Bàn tay dương cao chính nghĩa
Thách đố bạo quyền sói lang

Mùa xuân Thủ Thiêm buốt nhức
Dòng tu tức tưởi nghẹn lời
Thánh địa mưa cay trong mắt
Câu kinh uất nghẹn thấu trời

Mùa xuân Liên Trì tơi tả
Chùa thiêng gạch vụn hoang tàn
Chúng sinh nhìn nhau câm lặng
Còn đâu ngày tháng lạc an

Mùa xuân Vũng Áng nỗi chết
Chết cá chết biển chết người
Thảm nạn trải dài thế hệ
Máu lệ bao giờ cạn vơi

Mùa xuân Mậu Thân tang tóc
Người người chôn sống hầm sâu
Khăn sô mãi còn rỉ máu
Hồn thiêng vất vưởng nơi đâu

Mùa xuân bảy lăm uất hận
Tự do rẫy chết nào ngờ
Dép râu bàn chân dã thú
Qủy vương dẫm nát cơ đồ

Còn bao mùa xuân héo úa
Quê hương tù ngục lưu đày
Cờ đỏ búa liềm nhuộm máu
Thiên đường cộng sản là đây
                   Ngô Đức Diễm










Thursday, January 23, 2020


QUÊ HƯƠNG ĐỌA ĐÀY
LÒNG XUÂN HÉO ÚA
Ngô Quốc Sĩ

            Xuân về, người ta trao nhau những lời chúc tốt đẹp, những món qùa trân qúy, những chia sẻ thân thương. Không ngoài thông lệ, Trần Tuấn Kiệt khi còn sống và làm thơ tại quê nhà, cũng đã nhận được những món qùa tình nghĩa từ bạn hữu phương xa. Anh đã thật sự cảm kích, bày tỏ lòng biết ơn qua những vần thơ chí thiết, đồng thời gói ghém những niềm xuân cảm quê hương thật đậm đà, nhưng thật  ngậm ngùi da diết, làm buốt nhức bao con tim bốn phương…
          Mở đầu bài thơ viết cho các bạn phương xa, Trần Tuấn Kiệt đã thổ lộ niềm vui, cám ơn bạn qúy đã gửi qùa về, tạo điều kiện cho nhà thơ mua được cành hoa Đỗ Quyên ngắm Tết cho đỡ buồn. Người ta hé thấy phía sau ngôn ngữ một chút gì thật bi thảm, che dấu cuộc sống thiếu thốn của nhà thơ nói riêng và của dân Việt nói chung, đến nỗi một cành hoa chưng tết cũng không dễ có được:
                   Bạn bè cho chút đỉnh
                   Mua được cây Đỗ Quyên
                   Ngồi nhìn hoa nở đỏ
                   Lòng cũng bớt ưu phiền
          Nói là bớt ưu phiền, nhưng nhà thơ đã không dấu được cảm thức bi đát về tuổi già trước sức tàn phá của thời gian. Tóc xanh nay đã bạc, răng rụng thân gầy tong teo. Hẳn nhiên, “ lão bệnh tử” là lẽ đương nhiên của cuộc trần ai vô thường. Nhưng ở tuổi xế chiều, mấy ai giữ được tâm hồn an lạc thanh thản, khi nhìn thấy hình ảnh của chính mình với đầu bạc răng long, bước chân khập khễnh, trí nhớ cụt cùn, rồi chợt cảm thương cho mình, cho người và cho đời!
                   Năm nay già tám mươi
                   Đầu hoa râm điểm bạc
                   Răng rụng ốm tong teo
                   Thật qủa là giống Hạc
          Bất hạnh nhất của tuổi già là phải đối diện với niềm cô đơn, khi người thân ở xa, bạn bè cũng ít khi lui tới gần gũi. Ai cũng mong có tri kỷ tri âm như Bá Nha Tử Kỳ, nhưng thử hỏi mấy người có được sự may mắn đó? Trần Tuấn Kiệt trong những ngày buồn tại quê nhà, ngày đêm mong ngóng bạn bè bốn phương, nhưng tất cả đều xa vắng, ngoại trừ một ông bạn già ở gần, lom khom chống gậy lui tới thăm viếng đàm đạo:
                   Bạn ở xa ta qúa
                   Chỉ có Hồ Đắc Tâm
                   Chống gậy vườn thăm viếng
                   Đời có mấy tri âm!
          Trong nỗi cô đơn, nhà thơ đã cố thoát ra khỏi chính mình để nhìn vào cuộc đời và đất nước. Oái oăm thay! Cảm thức cuộc đời lại thường là khoác màu bi đát. Cuộc đời chóng qua vụt thoáng. La Martine đã kêu cứu “thời gian xếp cánh lại” nhưng đành bất lực. Trần Tuấn Kiệt cũng chẳng níu được thời gian qua mau  như “bóng câu qua cửa sổ”. Còn hiện thực quê hương đất nước lại càng chua xót đắng cay. Chung quanh, người ta chay đua theo cuộc sống xô bồ hưởng thụ qua ngày, với những cuộc vui ngắn ngủi giả tạo, mà quay lưng lại với nỗi đau chất ngất của dân tộc dưới gót giày ngoại tặc và nội thù. Một mình tác giả ngồi đó mà gặm nhấm nỗi buồn quê hương và tủi nhục nòi giống:
                   Bóng câu qua cửa sổ
                   Tết này sắp tới rồi
                   Nước non đầy lũ giặc
                   Buồn bã biết sao nguôi!
          Thật buồn cho hiện tại. Tác giả đã quay về qúa khứ tìm lại những kỷ niệm thuở nào, chỉ mong vơi bớt sầu buồn tủi nhục. Nhưng trở về qúa khứ, nhà thơ lại càng buồn hơn, tủi hơn, vì chỉ tìm thấy những bất hạnh chất ngất như những vết thương còn nhỏ máu. Tình yêu thì đã dang dở, trôi xa, chỉ còn lại một âm vang buồn thảm. Còn tình “huynh đệ chi binh” thì giờ đây cũng chỉ là dấu tích của đau thương và uất hận. Bao đồng đội quyết xả thân cho lý tưởng tự do độc lập và chủ quyền dân tộc, đã gục ngã trong tức tưởi hờn căm. Cuộc chiến kéo dài 20 năm đã kết thúc một cách phi lý trong đau thương nhục nhã:
                   Khúc tình ca thuở trước
                   Ngân vang vang trong hồn
                   Có bao nhiêu chiến sĩ
                   Gục ngã nơi chiến trường
          Gục ngã ngoài chiến địa tuy đớn đau nhưng cũng còn danh dự của thân trai thời loạn. Đến như cái chết uất nghẹn trong những trại tù dị sử do bên thắng cuộc dựng lên để hủy diệt tinh hoa dân tộc nhằm trả thù miền Nam thì mới tủi nhục và uất hận ngàn đời. Bao chiến sĩ, bao tù nhân lương tâm, bao nhân tài đất nước đã vùi xác không nấm mộ tại các trại lao động khổ sai nơi rừng thẳm âm u! Cộng sản vẫn rêu rao cổ võ “hòa giải dân tộc”, mà thực chất chỉ là “trả thù dân tộc” một cách man rợ bất nhân, đến nỗi dân Việt phải gọi bọn chúng lũ khỉ người, là hoang thú hay trâu ngựa, mất hết nhân tính và nhân tình:
                   Có bao nhiêu tù tội
                   Chết chẳng có mồ chôn
                   Thiên thu sầu hữu hạn
                   Bao người thành qủy oan
          Nói chung, từ khi Hồ Chí Minh đem chủ thuyết cộng sản ngoại lai phản tiến hóa về nhuộm đỏ dân tộc, thì Việt Nam biến thành nhà tù, tù nhỏ cũng như tù lớn, tù nhỏ nhốt tinh hoa, tù lớn nhốt toàn dân. Việt Nam hôm nay biến thành địa ngục trần gian, đày đọa dân Việt trong tối tăm bất hạnh. Thật mỉa mai hết chỗ nói. Trong khí thế giới văn minh tiến bộ theo chiều hướng nhân bản đưa con người vào con đường hạnh phúc hoan lạc, thì Việt Nam lại đi ngược trào lưu thế giới, nhận chìm con người xuống vực thẳm, tra chân người dân vào xiềng xích nô lệ, gây bao uất hận và căm hờn:
                   Thế giới đầy hoan lạc
                   Thanh bình chi quê hương
                   Thanh bình chi nô lệ
                   Xiềng xích khua căm hờn
          Có thể nói hôm nay, Việt Nam không còn mùa xuân, bởi lẽ đất sống đã trở thành đất chết, sức sống đã mỏi mòn thoi thóp. Lòng người héo úa như thể mùa đông lạnh giá trơ trụi:
                   Lá mùa thu rơi rụng
                   Hoa mùa đông eo xèo
                   Cội bàng trơ gỗ
                   Mong Tết về đẹp hơn
          Mong thế thôi, nhưng không biết có được không? Với bản chất bạo lực và dối trá, với thái độ tự mãn ngoan cố của bọn vỗ ngực tự hào là kẻ bách chiến bách thắng, là đỉnh cao trí tuệ loài người,  thì mong gì có đổi thay chuyển hóa? Người đời vẫn tin tưởng “Cơ thường đông hết hẳn sang xuân”, nhưng tại Việt Nam, mùa đông sẽ kéo dài vô tận khi cộng sản vẫn còn ngự trị trên đất nước. Chỉ khi cộng sản sụp đổ, bị thay thế chứ không hy vọng thay đổi, dân Việt mới thấy mùa xuân thực sự. Trong những tháng năm chờ đợi mỏi mòn đó, Trần Tuấn Kiệt chỉ biết tìm cho mình một chút an thái, với niềm vui nhỏ được ngắm hoa, làm thơ và nghĩ tới bạn bè :
                   Thôi thì ngồi ngắm hoa
                   Cho đoạn ngày đoạn tháng
                   Thôi thì ngồi làm thơ
                   Đỡ nhớ nhung bè bạn
          Nhưng buồn thay! Trần Tuấn Kiệt cũng chẳng kéo dài cuộc ngắm hoa làm thơ chờ đợi mùa xuân thanh bình về trên quê hương được bao lâu! Thương cho anh đã từ giã bạn bè ra đi khi quê hương còn chìm ngập trong bóng đêm thê lương, trong đông dài lạnh giá. Cội bàng mãi trơ gỗ. Mùa đông mãi eo xèo…Hôm nay đầu năm nơi chín suối, chắc hẳn anh vẫn nhớ bạn bè, nhơ quê hương và nóng lòng chờ đón mùa xuân mong ước…Bạn bè cũng mãi mãi nhớ anh, và xin gửi xuống tuyền đài một cành Đỗ Quyên đỏ thắm…

                  
         

         
         
                  
                  
         

Friday, January 17, 2020


ĐIẾU VĂN CHO CỤ KÌNH
Ngô Đức Diễm

 Ngày  9 tháng 1 ngày đầu năm mới
Trong bóng đêm lạnh cóng mờ sương
Ba ngàn bộ đội công an cảnh sát
Thiết giáp rền vang theo chó dẫn đường
   
Đạo quân tiến vào Đồng Tâm xóm nhỏ
Nhân danh chế độ đả hổ diệt ruồi  
Dân lành. Cứ tưởng rác rưởi tanh hôi
Âm mưu lật đổ chính quyền.Tội ác!

Cản trở nhân viên thi hành công tác
Bạo hành chống lại trật tự an ninh
Phản bội tổ quốc. Bản án tử hình
Nào hay nạn nhân, dân lành vô tội!

Đạn đã bay vèo, súng còn vang dội
Thú gườm nanh vuốt, thủ phạm là đây
Cụ già tám tư tóc trắng thân gầy
Hơn cả nửa đời hy sinh cho đảng.

Thành tích cách mạng bao ngày chói sáng
Giờ đây chỉ còn xác mướp thân tàn
Chanh vắt cạn rồi vỏ cũng nuốt luôn
Máu đọng môi khô tim óc rữa nát

Bàn chân vật vờ linh hồn tím ngắt
Thoi thóp bám vào mảnh đất thân yêu
Siết chặt tay nhau bảo vệ xóm nghèo
Muôn người như một  Đồng Tâm nhất chí

Đạn đã lên nòng trên tay sát thủ
Chỉa thẳng lên đầu xuống ngực vào tim
Con mắt cú vọ ứ máu qủy vương
Cụ già thản nhiên mỉm cười ngạo nghễ

Bắn! Bắn nốt cho xong một thể
Đã  sẵn đây bản án tử hình
Chế độ ta siêu việt oai linh!
Sá chi mảnh đời tàn dư khô héo

Ngài Chủ Tịch tuyên dương liệt sĩ
Ba tên sát thủ hành quyết cụ Kình
Lòng giếng cạn chết thảm giữa đêm đen
Ngọn ngành ra sao có trời mới biết!

Quả báo nhãn tiền đáng đời đáng kiếp
Kẻ thù nhân loại ác thú gian manh
Máu đã đền máu răng đã đền răng
Trần thế bớt đi những tên thổ phỉ

Cụ ơi! Xin cứ ngậm cười chín suối
Trời không dung đất cũng chẳng tha
Bọn hoang thú sẽ nối đuôi ra hầu tòa
Vành móng ngựa tội đền trước lịch sử

Con cháu bớt đau mẹ cha bớt tủi
Hân hoan giã từ bóng tối oan khiên
Người đi  đi mãi  an giấc miễn viên
Máu nở thành hoa thắm tươi sử Việt















Thursday, January 16, 2020


MỘT LẦN CHO TẤT CẢ ®
Ngô Quốc Sĩ

            Công cuộc đấu tranh giải thể cộng sản của dân Việt đã diễn ra trong suốt chiều dài lịch sử từ ngày Hồ Chí Minh đem chủ thuyết ngoại lai phản tiến hóa về nhuộm đỏ dân tộc. Từ các chiến khu Bùi Chu Phát Diệm đến cuộc di cư vĩ đại năm 1954, rồi cuộc khởi nghĩa Quỳnh Lưu 1956 và 20 năm chiến đấu kiên cường của quân dân miền Nam, dân Việt đã nêu cao chính nghĩa quốc gia và khẳng định lập trường không bao giờ chấp nhận hay thỏa hiệp với cộng sản. Nhất là những nỗ lực đấu tranh của dân Việt sau 1975 lại càng chứng tỏ quyết tâm phế bỏ cộng sản của dân Việt trong nước cũng như ngoài nước, đặc biệt là ngay trong lòng chế độ với những tiếng nói khẳng khái như những viên đạn xuyên thủng chế độ của Bùi Tín,Nguyễn Minh Cần, Nguyễn Hộ, Nguyễn Đình Cống, cũng như Bùi Minh Quốc, Phan Huy và Trần Vàng Sao…
          Hôm nay, xuất hiện một ngòi bút mang tên “Nông Dân Nam Bộ” như một làn đạn mới bắn thẳng vào lũ con hoang phản bội bất nhân, làm dư luận sôi sục, đặc biệt vào thời điểm cụ Lê Đình Kình, 84 tuổi đầu, cựu đảng viên với 56 tuổi đảng, vừa bị lực lượng công an và bộ đội thảm sát tại Đồng Tâm vì cương quyết  bảo vệ mảnh đất sống do cha ông để lại…
          Qua hai bài thơ “Nước ta Đi Về Đâu” và “Một Lần Cho Tất Cả”, tác giả đã phơi bày bộ mặt thật của cộng sản Việt Nam với bản chất độc ác bất nhân và đối trá phỉnh gạt của bọn hoang thú đã đánh mất chất người, đáng  gọi là “ngựa trâu”, hay “chó vàng cho đen,” đồng thời kêu gọi toàn dân đứng lên một lần cho tất cả để cứu nguy tổ quốc.
          Tự nhận là một người nông dân Nam Bộ, tác giả đã kể lại thảm cảnh cộng sản giết người không gớm tay, nơi thôn xómmiền Nam hiền hòa, gây cảnh huynh đệ tương tàn, tắm máu lịch sử:
                   Từ cái đêm hôm ấy
                    Sáng ra tôi đã thấy
                    Xác người thả trôi sông
                    Tương tàn cũng từ đấy!
          Kể từ hôm ấy, từ hôm cộng sản về, đất nước đã chìm xuống vực thẳm. Việt Nam trở thành địa ngục và con người biến thành hoang thú, đúng như Nguyễn Chí Thiện khẳng định, cộng sản biến con người “thành ngựa thành trâu” hay Đức Tường đã coi cộng sản là “bầy chó hoang”. Ở đây, tác giả cũng phẫn nộ trước nỗi ô nhục bị cộng sản tước quyền làm người, bắt  hạ xuống ngang hàng súc vật:
                   Ta sống trong ô nhục
                    Tận cùng đáy địa ngục
                    Không còn là con người
                    Xuống ngang hàng thú vật!

          Trước hiện thực bi đát hầu như tuyệt vọng hôm nay, tác giả đã buốt nhức tự hỏi, đất nước mình sẽ đi về đâu? Việt Khang đã hỏi thế, cô giáo Lam đã hỏi thế. Hôm nay người mang tên Nông Dân Nam Bộ lại nêu lên câu hỏi đắng cay đó:
                  Nước ta đi về đâu
                   Với cái đám bọ sâu
                   Lũ tội đồ dân tộc
                   Toàn là thứ ngựa trâu?

          Tự hỏi rồi cũng tự trả lời. Theo tác giả, muốn cứu nguy tổ quốc, dân Việt cần loại bỏ đám sâu bọ ngựa trâu, nhất là phải nhận thức một chân lý căn bản mà cựu Tổng Thống Nga Boris Yeltsin đã xác quyết “Cộng sản không thể thay đổi mà chỉ có thể thay thế”. Dân Việt phải dứt khoát loại bỏ cộng sản,  bởi lẽ bản chất cộng sản là dối trá và bạo lực, lại ngoan cố và tự mãn, có thể đổi dạng nhưng khó có thể biến chất:
                   Cộng sản không thể sửa
                    Ta phải thay thế thôi
                   Càng lâu càng mục rửa
                   Hận thù đang sục sôi!
          Thế đó! Ngày nào còn cộng sản thì oan khiên còn chồng chất và hận thù càng sục sôi. Ngày 19 tháng 8 năm 1945  là ngày tủi nhục và ngày 3o tháng 4 năm 1975 là ngày Quốc Hận, bởi lẽ từ những ngày tang tóc đó, đất nước thật sự điêu linh, dân tộc tan tác, lòng người quặn thắt và mẹ Việt Nam thi thể đứt lìa..       
                  Thù hận làm sao vơi?
                   Khi uất ức ngập trời
                   Oán hờn cao chất ngất
                   Nỗi căm thù lên ngôi!

          Làm sao vơi được thù hận khi cộng sản cứ tiếp tục gieo oan khiên lên đầu dân tộc với chính sách cai trị tàn bạo bất nhân, lại còn đem gia tài của tổ tiên dâng hiến cho ngoại bang, nhẫn tâm làm thái thú phản bội dân tộc, giết hại đồng bào chỉ vì ảo tưởng thiên đuờng xã hội chủ nghĩa, nhất là vì tham quyền tham lợi:
                  Bốn ngàn năm xương máu
                   Tổ Tiên ta đổ ra
                   Để cho lũ Hồ cáo
                   Đem dâng cho Nga Hoa?

          Rốt cuộc, dân Việt không thể chờ đợi lâu hơn nữa. Nước đã tràn ly. Dân Việt đã bị đẩy tới chân tường. Tức nước tất nhiên phải vỡ bờ. Bốn mươi lăm năm đã qúa đủ! Giờ đây dân Việt không còn chọn lựa nào khác ngoài “lấy máu đào tươi thắm tưới cho hoa”, nghĩa là chấp nhận hy sinh, quyết lấy máu mình tô thắm lịch sử như cụ Lê Đình Kình và dân Đồng Tâm đã làm, để xây tượng đài dân chủ trên quê hương và trong lòng dân tộc:
                  Ta không còn chọn lựa
                   Không chờ lâu hơn nữa
                   Hơn bốn mươi năm rồi
                   Cháu con ta nguyền rủa!

          Đây là một chọn lựa vô cùng khó khăn, bởi lẽ phải hy sinh tất cả những giá qúy giá nhất đời mình, kể cả mang sống. Nhưng đây là là sự hy sinh cần thiết, vì chỉ có con đường máu mới phá vỡ được then cài ngục đỏ, mới khai mở được cánh cửa vào cõi sống dân tộc:
                  Khao khát lắm người ơi
                   Một lần cho tất cả
                   Dù máu đổ thịt rơi
                   Nhưng cũng đành chịu thôi!

          Người ta vẫn gọi giòng sinh mệnh dân tộc là giòng sinh mệnh tuôn tràn trên lửa máu. Hiện thực bi đát hôm nay tại Việt Nam, với niềm đau dân oan, với  máu tuôn dân chủ, với lệ ướt nhân quyền, nhất là với nỗi nhục mất nước, đòi hỏi dân Việt phải hy sinh tối đa, như thể một lần cho tất cả. Ai mà chẳng đau lòng nhìn thấy cảnh máu đổ thịt rơi, nhưng dân Việt không còn chọn lựa nào khác! Trong máu lửa tuôn tràn, dân Việt đang hé thấy hoa trái tự do chớm nở, đúng như lời tiên tri của Nguyễn Chí Thiện: “Nếu  chúng ta đồng tâm tất cả. Lấy máu đào tươi thắm tưới cho hoa.Hoa sẽ nở muôn nhà muôn vạn đoá..”
          Đó chính là định mệnh của dân tộc Việt, được khai sinh, lớn lên và trường tồn trong lửa máu với ngàn năm nô lệ giặc Tàu, trăm năm đô hộ giặc Tây, và 75 năm hận thù giặc cộng. Nay hoa  tự do đang ươm nụ. Bão cát dân chủ  đang cuộn lên từ lòng giếng. Ánh đuốc nhân quyền đang le lói trong từng con tim Lạc Hồng. Ánh đuốc công lý đang xóa tan bóng tối…

         



Saturday, January 11, 2020


MÁU LỆ THẤM ƯỚT QUÊ HƯƠNG
Ngô Quốc Sĩ

          Trong lúc dân Việt khắp nơi chuẩn bị đón mừng xuân Canh Tý, thì cộng sản Việt Nam đã cho công an quân đội  và xe thiết giáp đến thảm sát những người dân Đồng Tâm đang lấy mạng sống để bảo vệ mảnh đất sống cha ông để lại. Người lãnh đạo chống bọn cướp đất là cụ Lê Đình Kình, một cựu đảng viên 84 tuổi với trên 50 tuổi đảng, đã bị bắn chết một cách man rợ, để lại niềm tiếc thương vô bờ và niềm uất hận chất ngất trên toàn thế giới. Riêng trong lãnh vực thi ca, người ta đã ngậm ngùi với những vần thơ ai oán của  Quan Dương, Bùi Thế Vinh, Nguyễn Duy, thì lại càng thắt ruột với dòng nhạc buốt nhức của Tuấn Khanh.
          Truớc hết, Quan Dương đã mô tả cảnh trấn áp man rợ không nương tay của bọn đao phủ, công cụ của chế độ vốn mang bản chất cướp bóc và chém giết. Người dân tay không, thấp cổ bé miệng, chỉ biết kêu than nhưng đành bất lực trước bạo quyền với thiết giáp và nòng súng:    
                   Mặc tiếng kêu gào than khóc của trẻ thơ
                   Những ngón tay bóp cò không thương tiếc
                   Khói lửa ngút trời trộn cùng nước mắt
                   Của người dân bất lực truớc cường quyền
          Điều mỉa mai là những kẻ phi pháp lại nhân danh luật pháp, mà thực ra chỉ là luật rừng, để trấn áp dân lành vô tội.  Người ta bắt người tủy tiện, đánh đập tùy tiện và giết chết tùy tiện..Con người cộng sản đã bị tha hóa, đánh mất tình người, trở thành hoang thú:
                   Dân bây giờ không biết sẽ ra sao
                   Khi uất hận không có nơi để trút
                   Khi kẻ ác được nhân danh luật pháp
                   Và tình người như phù phiếm xa hoa
          Tiếp đến, Bùi Chí Vinh cũng đã thét lên tiếng nói uất nghẹn nhìn thấy mặt trời đã tắt lịm trên quê hương khổ đau khi người cộng sản nhẫn tâm quay mặt đi trước tiếng kêu thảm thiết của dân lành. Tác giả đã tỏ lòng cảm phục và ngưỡng một sự hy sinh của cụ Lê Đình Kình như tảng đá xây tượng đài bằng nước mắt của toàn dân Việt trong ngục tối đọa đày. Cái chết của cụ là cái chết bi thảm nhưng vinh quang, sẽ được sử Việt ghi danh như một chứng tích oai hùng:
                   Chúng còn lâu mới nghe tiếng dân kêu
                   Bởi vậy cụ phải chết để động lòng trời đất
                   B
ốn giờ sáng cụ Lê Đình Kình hóa thân thành tượng đài của nhân dân, tượng đài được xây                      bằng nước mắt
                   Và mây đen bao phủ Đồng Tâm để kết liễu mặt trời …
          Nhà thơ Nguyễn Duy cũng đã thẳng thắn lên án chế độ bất nhân tàn bạo, vô ơn bạc nghĩa, phản bội nhân dân, cướp đoạt tài sản và quyền sống, đày đọa nhân dân trong vũng lầy tăm tối:
                   Sao nên nỗi người cày không có ruộng
                   luật hoang vu hoang hoá nhân tình?
                   Sao có kẻ sống mọt đời vắt vểu
                   ăn quả trên cành tè axit gốc cây?
          Tác giả không ngại gọi bọn con hoang hôm nay là giặc cướp mù lòa, tịt mũi, không còn biết ai là bạn là thù, không còn phân biệt đâu là mùi thơm và hôi thối. Bọn chúng đã tự biến mình thành kẻ thù của dân tộc:
                   Ai ủ cái ung mủ tanh khoang mũi
                   ngửi hoa hồng sặc một mùi hôi?
                   Ai nuôi cái mù loà đáy mắt
                   nhìn nhân dân ngấp ngoáng bóng thù?
                   Ai lăm lăm đẩy dân sang phía địch
                   tự biến thành thù địch trước nhân dân?

          Bước qua dòng nhạc Tuấn khanh, người ta thật sự nghẹn lời, không biết làm sao để chia sớt nỗi đau của người dân Đồng Tâm nói riêng và cũng chính là nỗi đau của toàn thể dân Việt nói chung như bầu cùng một giàn, ngựa chung một tàu. Trước tin cụ Lê Đình Kình bị thảm sát, tác giả đã cảm thấy xúc động đến tê tái như thể địa chấn trong đêm đen chan hòa máu lệ:
                   Đêm qua ngước nhìn nhau
                   Sao không thấy mặt người
                   Đêm nuốt lệ nghe lời trăn trối
          Với lòng yêu nước thiết tha, Tuấn Khanh hằng mơ ước nhìn thấy bình minh chiếu rạng trên quê hương, trên số phận dân tộc bị đọa đày. Nhưng oái oăm thay! Tác giả chỉ thấy dân tộc tội tình và  đất nước điêu linh. Với con tim nhạy cảm, tác giả đã trải hết nỗi lòng cảm thương cho người dân Đồng Tâm cũng như cho toàn dân Việt như thể cảm thương cho chính mình:
                   Tôi mơ dáng bình minh
                   Soi sáng cho phận người
                   Thương ai đang tội tình
                   Thương ai đau như thể thương mình
          Mơ rồi ước và nguyện cầu cho quê hương sớm thoát nhục hình, vui hưởng cuộc sống thanh bình. Nhưng càng trông đợi càng tuyệt vọng, bởi lẽ lũ con hoang đã biến đất nước thành ngai vàng đao phủ, chỉ nương nhau bảo vệ đặc quyền đặc lợi của cá nhân và phe nhóm:
                   Mẹ cứ ngóng trông hoài
                   Ngày không còn đao binh
                   Mẹ thương nhớ thanh bình
                   Nơi quê hương đã lắm nhục hình
          Hiện thực quê hương hôm nay đang trải qua tình trạng đảo lộn mà Hà Sĩ Phu gọi là hiện tượng “lọc ngược”, khó mà nhận ra đâu là phải đâu là trái, đâu là chính nghĩa và phi nghĩa, đâu là niềm vui và nỗi khổ, đàng sau những tuyên truyền đối trá, huyền thoại và ngụy sử:
                   Nhưng đâu phải hát hòa bình
                   Là không có chiến tranh
                   Đâu phải có nụ cười
                   Là nước mắt thôi rơi!
          Trước hiện thực bi đát vô phương cứu chữa, khi con nguời đã biến thành hoang thú, là “chó sói của người”,“địa ngục”, Tuấn Khanh đã chấp tay, hòa với lời kinh của toàn dân Việt,  nguyện Đấng Từ Bi đoái thương kẻ chết tức tưởi đêm qua, và người sống vất vưởng không nhà giữa cuối đông lạnh giá:
                   Nam Mô A Di Đà
                   Lạy người chết đêm qua
                   Lạy người sống không nhà
                   Lời kinh đau vang khắp sơn hà
          Trước lời cầu của Tuân Khanh, chúng ta cảm nhận rằng, nguyện cầu cho người chết tức tưởi và cho người sống vất vưởng là cử chỉ đáng ca ngợi. Đó là truyền thống ngàn đời của dân Việt vốn bao dung và nhân ái. Nhưng câu hỏi căn bản là làm sao chấm dứt tình tình trạng thảm khốc hôm nay để cứu nguy tổ quốc và cứu vớt con người? Nguyễn Chí Thiện đã kêu gọi dân Việt đồng tâm “lấy máu đào tươi thắm tưới cho hoa”. Hôm nay Nguyễn Duy cũng kêu gọi dân Việt noi gương tổ tiên anh hùng, cương quyết biểu dương sức mạnh dân tộc để  bảo vệ đất tổ:
                   Mảnh đất truyền đời

                   chát mồ hôi
                   đắng máu
                   lớp lớp anh hùng áo vải
                   lớp lớp xác người giữ đất
                   vẫn nhân dân.

          Tóm lại, chỉ có nhân dân với sức mạnh dân tộc với truyền thống hào hùng của tổ tiên mới làm nên lịch sử. Tinh thần Diên Hồng, ý chí Phù Đỗng là đón bẫy kiến tạo lịch sử. Quân đội nhân dân đâu rồi? Chiến sĩ Tháng Tám đâu rồi?  Sao chưa thức tỉnh như lời kêu gọi thống thiết của Nguyễn Duy: “Lai tỉnh. Hỡi lương tri. Lai tỉnh…”