Thursday, May 23, 2019


ANH ĐÃ VỀ THẬT RỒI
Ngô Quốc Sĩ
           
          Tô Thùy Yên là một nhà thơ lớn được nhiều người ái mộ. Anh đã để lại cho đời những tác phẩm giá trị như “Thơ Tuyển”, “Thắp Tạ”. Người ta thường nhắc tới những bài thơ đấu tranh của anh như “Anh Hùng Tận,”  “Bảy Tháng Kiên Giam”, “Phá Tam Giang”… Đặc  biệt bài thơ “Ta Về” qúa truyền cảm,  làm nhiều người thổn thức đến nghẹn lời..
                Ta về đâu và về từ đâu? Xin thưa một cách xác thực là tác giả đã về từ kiếp đoạ đày trong nhà tù cộng sản được mệnh danh là trại cải tạo, thực chất là địa ngục trần gian. Còn về đâu, thì còn nơi nào khác ngoài cuộc đời thường nay cũng biến thành nhà tù lớn. Sau cuộc đổi đời gọi là bi thảm, tất cả đã đổi thay. Người tù từ tù nhỏ trở về tù lớn như bóng ma lạc loài, lủi thủi, chẳng ai nhận ra mình, nói chi đến chuyện trìu mến để nâng vạt áo đề thơ:
                   Ta về một bóng trên đường lớn 
                   Thơ chẳng ai đề vạt áo phai 
                   Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ 
                   Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay 
           Có thể nói mười năm lao động khổ sai, tù nhân đã biến dạng. Nếu Nguyễn Chí Thiện đã nhận thấy nhà tù cộng sản biến con người thành vượn “Từ vượn lên người mất mấy triệu năm.Từ người xuống vượn mất bao năm”, thì Tô Thùy Yên cũng chứng nghiệm nhà tù cộng sản đã biến con người thành con vật. C0n người thật đã chết, đã nhắm mắt ngàn thu:
                                Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp
                   Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu
                   Mười năm mặt sạm soi khe nước
                   Ta hóa thân thành vượn cổ sơ 

          Rời nhà tù nhỏ về tù lớn, người-vượn đã cảm thấy như đánh mất tất cả. Còn lại chỉ là sầu hận, kết tụ thành hạt sương trên ngọn cỏ phất phơ giữa cõi sinh diệt:                   
                   Ta về như hạt sương trên cỏ 
                   Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời 
                   Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt 
                   Tội tình chi lắm nữa người ơi 

          Như hạt sương dễ vỡ, người tù còn cảm thấy mình như sợi tơ mành, có thế đứt lìa  bất cứ lúc nào. Thân xác mong manh mà hồn lại quặn thắt, người tù cảm thấy lạc nẻo trong cõi u buồn thanh vắng:
                   Ta về như sợi tơ trời trắng
                   Chấp chới trôi buồn với nắng hanh
                   Ai gọi ai đi ngoài cõi vắng
                   Dừng chân nghe quặn thắt tâm can

          Thê thảm nhất là người tù trở về đã trở thành xa lạ với chính mình. Cảm thức “ chết rồi” trong tù nay còn lởn vởn, biến người tù thành bóng ma hờn tủi. Nhìn lại chính minh, người tù chỉ còn nhìn thấy từng mảnh phế liệu, từng hài cốt vô danh:
                   Ta về như bóng ma hờn tủi
                   Lục lại thời gian kiếm chính mình
                   Ta nhặt mà thương từng phế liệu
                   Như từng hài cốt sắp vô danh 
          Thế đó! Ta chỉ còn là cái xác không hồn. Ta lê bước như thể bước xuống mộ,  lẻo đẻo đi theo thần chết:
                   Người chết đưa ta cùng xuống mộ
                   Đâu còn ai nữa đứng bờ ao
                   Khóc người ta khóc ta rơi rụng
                   Tuổi hạc ôi ngày một một hao 
          Có khi người tù trở về còn mang cảm thức của “đứa con phung phá” trong Th ánh Kinh, bỏ nhà cha đi hoang, rồi khánh kiệt, thân tàn ma dại, ê chề quay về xin tạ tội đã lỗi đạo làm con:
                   Ta về như đứa con phung phá
                   Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu
                   Mười năm, con đã già trông thấy
                   Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu 
          Thậm chí, người tù trở về còn mang mặc cảm vô dụng, chắng làm nên tích sự gì! Thế là đời trai uổng phí thành hư huyễn. Thôi! Một mình đành thầm khóc cho chính mình như Kiều “nghĩ mình mình lại thương mình xót xa”           
                   Con gẫm lại đời con thất bát
                   Hứa trăm điều một chẳng làm nên
                   Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn
                   Giọt lệ sương thầm khóc biến thiên 

          Điều đáng nói là cuộc trở về của Tô Thùy Yên tuy bi đát thật, nhưng đã thể hiện triết lý của cuộc hành trình dương thế. Thật vậy! Nếu Phật giáo gọi đời là bể khổ, là bến mê, và Lão giáo coi đời là phù vân hư ảo, thì cuộc trở về đời thường từ then cài ngục thất của Tô Thùy Yên cũng không tránh khỏi tính cách bi đát đó. Nhưng tác giả đã cảm thấy một nguồn an ủi lớn như thể lá rụng về cội. Đặc biệt, còn có chén rượu nồng giải oan, làm ấm lại bếp lửa nhân quần, làm sống lại tình người gắn bó:  
                   Ta về như lá rơi về cội
                   Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
                   Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
                   Giải oan cho cuộc biển dâu này 
          Một khi có rượu giải oan thì oan khiên cũng tan biến, nhường chỗ cho hoa cười cỏ mướt. Lúc ấy, người tù đã tìm lại được nguồn vui thuở nào, khi trại tù chưa giàn dựng, khi cùm đỏ chưa cứa nát bàn chân:           
                   Ta về cúi mái đầu sương điểm
                   Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
                   Cảm ơn hoa đã vì ta nở
                   Thế giới vui từ nỗi lẻ loi 

          Niềm vui trở về sẽ là niềm vui phục sinh, giúp Tô Thùy Yên tìm thấy hứng sống. Anh cảm thấy gần gũi với có cây hoa lá, sống lại một trời kỷ niệm dấu yêu:
                   Chiều nay ta sẽ đi thơ thẩn
                   Thăm hỏi từng cây, những nỗi nhà
                   Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?
                   Mười năm, cây có nhớ người xa? 

          Thế rồi, người tù đả cảm nghiệm được lượng từ bi của đất trời, cho người đã chết được sống lại, cho vượn trở lại làm người:
                   Ta khóc tạ ơn đời máu chảy
                   Ruột mềm như đá dưới chân ta
                   Mười năm chớp bể mưa nguồn đó
                   Người thức mong buồn tận cõi xa 
          Thế là thỏa nguyện. ta đã về nhà ta. Chỉ còn một ưu tư nhỏ, là ở tuổi hạc vàng, Tô Thùy Yên sợ không còn thời gian để  trải hết tâm tình với nước, với người và với đời:
                   Ta về như hạc vàng thương nhớ
                   Một thủa trần gian bay lướt qua
                   Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
                   Đành không trải hết được lòng ta

          Nay thì Tô Thùy Yên đã về thực, về lòng đất mẹ, về nhà cha. Tính cách hữu hạn của kiếp người không cho anh trải hết lòng mình cho nhân thế. Dù sao, bài thơ “Ta Về” cũng nói hết những u uẩn của lòng anh..








NỖI ĐAU DÂN TỘC KHÔN NGUÔI
Ngô Quốc Sĩ
      
        Từ ngày cộng sản Bắc Việt xâm chiếm mìền Nam, đưa cả nước vào cùm đỏ, toàn dân Việt đã phải sống trong nỗi đau chất ngất về tinh thần cũng như vật chất. Niềm uất hận dâng trào đã tô đậm thi ca yêu nước, làm vang vọng tiếng gọi đáp lời sông núi, đứng lên cứu nguy tổ quốc. Phạm Tín An Ninh, Văn Nguyên Duỡng, Hoàng Phong Linh, Tô Thùy Yên… đã thể hiện nỗi đau chất ngất đó qua những áng văn, những vần thơ hào hùng truyền cảm. Nay nhà thơ Lưu Nguyên Đạt cũng đã đem thi ca chuyên chở những nỗi đau triền miên của dân tộc như vết thương đang sưng mủ..
          Nỗi đau dân tộc đã được phản ảnh qua nhiều sắc thái, từ tình em cách ngăn đến tình mẹ buốt nhức, qua tình nước nhỏ máu trước cuộc đổi đời bi thảm.
          Trước hết là tình em. Mối tình đầu đã chớm nở thật thơ mộng với áo lụa mềm ngát hương tha thướt trong nắng mai ấm áp, như mật ngọt trên làn môi thắm:
áo lụa mai mềm hương chớm nở
tình đầu ẩn giọt nắng tinh sương 
từng đêm xuân ngọt môi xinh dậy
hoa mướt ngọc lan thơ thẩn mây
Xuân ngọt, môi xinh thật tuyệt vời. Nhưng hoàn cảnh đã chia cắt chúng ta như giải ngân hà, làm cho bên này nhớ thương bên kia, tìm nơi hẹn vu vơ đến nỗi phải rùng mình :
hồn chiều xa cách viễn du
dâng theo hạt nhớ uẩn u bàng hoàng 
mưa ngân sóng bạc lá vàng
em tìm nơi hẹn thênh thang rùng mình
          Hoàn cảnh đã chia cách tình em trong ngậm ngùi thương nhớ. Hoàn cảnh cũng đã chia cách tình mẹ với bao đắng cay buốt nhức. Hôm nay, mẹ đã phải nín cho khỏi bất tiếng khóc khi nhìn con đi vào lòng biển khơi. Phút giây ly biệt không hẹn ngày về, bỏ lại đàng sau quê hương và qúa khứ tủi hận, làm cho lòng mẹ tái tê!
sáng nay mẹ nín để con đi
cửa ngõ đóng sơ vội biệt ly
ngoảnh mặt giơ tay hàng vũ khí
ngoài khơi ngũ hải khóc chu kỳ
Hôm nay mẹ nín khóc nhìn con đi. Hôm qua, mẹ cũng đã nín khóc nhìn con đau với nỗi chết dần mòn sau then cài ngục thất, được mệnh danh là « trại cải tạo », mà thực chất chỉ là lao động khổ sai, với tay cùm chân xích, nhằm hủy diệt tinh hoa dân tộc :
sáng qua mẹ nín để con đau
tù ải quanh năm gối nhục màu
cải tạo tay lồng chân xích hậu
hồ mơ tát nước lấp kinh cầu
Rồi mẹ còn nín khóc thấy con điên vì phẫn nộ trước hiện thực bi đát của của quê hương, khi công lý bị bẻ cong, sự thật bị bóp méo, lịch sử bị ngụy tạo. Nước đã mất, nhà đang tan mà cái loa tuyên truyền vẫn huyên thuyên láo khoét:  
sáng hôm mẹ nín để con điên
công lý bẻ cong chữ tật nguyền
nước mất bờ vây thành hý viện
đó đây lời lẽ vẫn huyên thuyên
        Đến như tình nước thì nỗi đau càng thấm thía như vết thương nhỏ máu triền miên. Nhìn vào hiện thực bi đát hôm nay tại quê nhà, tác giả đã hoàn toàn thất vọng. Dân Việt đang ngộp thở trong nhà tù khổng lồ được vây kín bằng cờ đỏ búa liềm, dưới ách thống trị của bọn hoang thú  đạo tặc, ngu dốt và bất nhân :            
                   trăm vạn trăm nghìn đạo tặc sĩ
                   mua danh giấy bản mác-ku-li
                   i tờ chỉ đánh vần vài chữ
                   đã đủ mặt mày du đảng uy
          Mỉa mai thay! Đã ngu dốt lại còn tự cao vỗ ngực coi mình là “Đỉnh cao trí tuệ loài người”, thực chất chế độ chỉ là một lũ Mafia bám vào chủ thuyết ba xu để vơ vét cho đấy túi tham:
                   quyền lực ba xu cài ý hệ
                   từ trên xuống dưới tỷ no nê
                   than ôi đất nước rừng ngu phiệt
                   thực chất mafia chứng chỉ hề
           Thôi đừng hỏi tại sao, vì ai cũng biết, cộng sản luôn luôn chủ trương hủy diệt nền văn hóa trên 4 ngàn năm của dân tộc. Cộng sản đã cướp mất tất cả. Giờ đây chỉ còn lại tiếng khóc uất nghẹn, như thể tiếng quốc ão não:
                   đừng hỏi tại sao ta thất vọng
                   tổ tiên không độ đất âu phong
                   bốn ngàn năm hoá thân rồng rã
                   chỉ được một dòng lệ quốc vong
          Trách người hay trách ta? Lưu Nguyên Đạt cảm nhận rằng, thảm họa phần lớn đều do dân Việt thiếu sang suốt và tự trọng “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi môi đàng”. Một số người Việt đã tự hạ mình, để cho cộng sản nhồi nhét những giáo điều vô nghĩa, gieo rắc những tư tưởng sai lầm mị dân, nên dân tộc mới khốn đốn như hiện nay:
                   người ta lớn bởi vì anh quỳ xuống
                   học thuộc lòng những tư tưởng mạt ti
                   và cam phận tám mươi năm đảng trị
                   cả núi sông bờ cõi cũng hà tì
          Đã thế,nhiều người còn có thái độ an thân, vô can, để mặc bọn gian tặc  tự phong làm chủ nhân ông hành hạ sách nhiễu dân chúng như đầy tớ:
                   người ta hỗng bởi vì dân tôi tớ
                   để cán vơ cán vét cả khu trơ
                   có bao giờ tỉnh giấc bỗng ngợ ngờ
                   rằng đất nước chỉ còn nơi toang vỡ
          Câu hỏi căn bản là dân Việt phải làm gì để chấm dứt cơn khổ nạn? Thưa chỉ còn niềm tin yêu vào sự trường tồn của tổ quốc trong cơn sóng gió, vào sự mỹ miều của non sông như đào thắm hé nụ:
                    nước về chốn ấy xa hơn
                   nước thiêng nước cạn hồ gươm khát nhàu
                   nước xinh nước đẹp đủ màu
                   nước hoa đào thắm nước đầu tình phai
          Để kết, xin chia sẻ mối đồng cảm với Lưu Nguyên Đạt trong cảm nghiệm về nỗi đau chất ngất của dân tộc, và niềm tin tưởng vào ngày mai nhìn thấy đất nước đủ màu xinh đẹp, như nụ cười xuân tươi nở trên hoa đào thắm..

         




         

Wednesday, May 22, 2019


TÔ THÙY YÊN
NHỮNG VẦN THƠ VIẾT BẰNG MÁU

                                                               Ngô Quốc Sĩ
          Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, sinh tại Gia Định, là sĩ quan ngành Chiến Tranh Chính Trị trước 1975.  Anh bị  tù cộng sản gần 13 năm. Cuối  năm 1993, anh qua Hoa Kỳ, định cư tại Minnesota, làm thơ, viết văn, dịch sách, hoạt đông báo chí, xuất bản .
          Là một chiến sĩ và một thi sĩ, Tô Thùy Yên đã trải lên thơ những vần điệu và những ý thơ hùng hồn như thác đổ, sắc bén như dao cắt. Có thể nói thơ anh viết bằng máu và nặc mùi sắt thép.
          Trước tiên, thơ Tô Thùy Yên đã chuyên chở hình ảnh của quê hương khổ đau với những nỗi bất hạnh chất ngất, như thể địa ngục trần gian:   
                  Ở đây, địa ngục chín tầng sâu,
                   Cả giống nòi câm lặng gục đầu,
                   Cắn chết hàm răng, ứa máu mắt,
                   Chung xiềng nhưng chẳng dám nhìn nhau.
          Giống nòi bị trói trong xiềng xích của bọn cộng sản vô tâm, lại còn bị thiên tai hành hạ với nắng hạn, gió táp, thật bi thương, có khác nào sống trong ngày tận thế:
                   Xứ khổ, thêm chi mùa thảm khốc.
                   Than ôi, trời đã bỏ rơi dân !
                   Nắng kim khí chảy, đá ran nứt,
                   Gió táp, rừng khô rụm, cát tràn.

                   Cái chết tru rân giờ nguyệt tận…
                   Máu bung từ mỗi lỗ chân lông,
                   Mọi người nghe chính mình kêu rú…
                   Liệu sáng mai còn ai nữa không
          Bi đát nhất là dân Việt đang bị đày đọa trên quê hương như một nhà tù lớn, trong khi những tinh hoa đất nước bị cộng sản nhốt trong những nhà tù nhỏ, được mệnh danh là trại cải tạo, thật ra là những hộp kiên giam, vắng tiếng người, chỉ có ruồi muỗi giun dế:
                   Ta khắc khoải chờ nghe
                   Những tiếng động của người
                   Tiếng động nào bất kể
                   Đột phá những trùng vây điếc đặc muỗi râm ran …

                   Ta nhìn theo
                   Mấy con thằn lằn uể oải
                   Lũ dán lào xào
                   Con nhện bỏ trống lưới giăng …

                   Ta nhìn lên những giòng chữ trên tường
                   Viết bằng gạch, bằng than và hình như bằng cả máu …
          Từ chốn ngục tù tăm tối, nhà thơ đã hồi tưởng và tiếc nhớ một thời no ấm thanh bình của miền Nam Việt Nam, trước khi bọn cộng sản từ miền Bắc vào xâm lăng với chiêu bài giải phóng:
                   Còn ở đâu làn nước giếng khơi
                   Để ta đến uống một hơi dài,
                   Thỏa cơn khát nhớ như điên dại…
                   Nước giếng quê nhà mát ngọt thay!
          Giếng không còn mà suối cũng đã khô cạn. Khúc trường ca bất tận như tiếng quê hương réo gọi vẫn mãi vang vọng như tiếng quốc ão não:
                   Ở đâu còn ngọn suối thần tiên
                   Đã chảy đi từ tuổi dịu hiền,
                   Dàn khúc trường ca xanh bất tận
                   Còn nghe vang vọng cuối trời quên.
          Những vần thơ viết bằng máu và nước mắt của Tô Thùy Yên qủa là bản cáo trạng hùng hồn về tội ác cộng sản, với lý thuyết độc hại phản tiến hóa, với đầu óc ngu xuẫn , với thái độ rừng rú  mọi rợ, mà cứ tưởng là giải phóng con người:
                   Đám chủ mới y trang xúng xính,
                   Súng nghênh ngang, tiếng hét phàm phu,
                   Xua trăm họ, sá chi thân mạng
                  
          Hôm nay, cộng sản Việt Nam đang tái diễn tội ác đối với dân Việt như thời Bình Ngô Đại Cáo. Ngày xưa Lê Lợi đã tuyên cáo với quốc dân tội ác của bọn bán nước cầu vinh “ Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn. Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ” thì  giờ đây Tô Thùy yên cũng kết tội cộng sản Việt Nam đã bôi đen, đúng hơn là nhuộm đỏ lích sử, nuớng dân đen trên lửa đỏ đến nỗi như Bùi Minh Quốc gọi là “giàn thiêu.” Thậm chí, Hà Nội còn quật mồ cả thánh đế để phi tang chứng tích chống ngoại xâm:
                   Như tên phù thủy già điên loạn
                   Lịch sử lên cơn dữ bất thường,
                   Treo ngược con đen trên lửa đỏ,
                   Quật mồ thánh đế phi tang xương.
          Hận người cộng sản vỗ ngực tự xưng là chủ đất nước, gieo rắc tai họa, Tô Thuỳ Yên đã kêu gọi dân Việt hãy thét lên tiếng nói uất nghẹn cho vơi bớt hờn tủi:
                   Chú em hãy hát, hát thật lớn
                   Những điệu vui, bất kể điệu nào
                   Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ
                   Cho mái đầu ta chớ cúi sâu.
          Phải hát thật lớn cho tiếng hát biến thành “ tiếng hét  đánh thức dân Việt, xé toang mảng đời tăm tối, chọc thủng màn trời thảm thê để dân Việt nhận thức rõ ràng tội ác của loài qủy đỏ:
                   Ai hét trong lòng ta mỗi lúc
                   Như người bị bức tử canh khuya
                   Xé toang từng mảng đời tê điếng
                   Mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê.
          Ngoài mối hận cộng sản, nhà thơ còn oán hận cả những tên ngụy trí thức, những tên bồi bút, khiếp nhược bẻ cong ngòi bút để tô hồng chế độ, tiếp tay tuyên truyền cho cộng sản dối trá. Tô Thùy Yên khinh bỉ bọn người phù thịnh đó, và chỉ cười một một cách mỉa mai:
                   Ta khóc lẻ loi, cười một mình…
                   Thu hình ẩn náu dưới tâm linh,
                   Mắt chong kinh hãi đêm hư sử,
                   Thân lõa lồ đau cháy khổ hình.
          Khóc cười trong cô đơn giữa đêm hư sử, nhà thơ cảm thấy mình như thể đã ra khỏi trần thế, đầu óc trống rỗng như chiếc đầu lâu khô khốc não nề:
                   Gõ lấy đầu mình như gõ cửa.
                   Liên hồi kêu cứu giữa đêm khuya.
                   Đầu ta như chiếc đầu lâu cổ,
                   Tiếng rỗng không, khô khốc não nề.
          Tuy lấy máu viết thành những vần thơ đầy thương hận, nhưng từ bản chất nhân ái và truyền thống bao dung cửa dân tộc, Tô Thùy Yên đã không hằn học chửi rủa kẻ bất nhân, mà chỉ lên tiếng cảnh cáo để chúng tự sám hối và lịch sử phán xét:
                   Những ai hôm trước từng gây tội
                   Hãy lắng tâm tha lấy lỗi mình
                   Tự tại, thời gian chôn chính nó
                   Đời lên lại mãi tựa bình minh..
          Với ý thức nhân bản, nhà thơ đã chẳng trách ai, chỉ dồn hết nghị lực để phục vụ con người, người sống cũng như người đã khuất, đã nắm xuống cho quê hương đất nước:
                   Sẽ lo chẳng những cho người sống
                   Lo cả cho người khuất mặt kia
                   Quen lạ bạn thù chung giấc ngủ
                   Chung lời thương tiếc khóc trên bia
          Từ lòng nhân ái và truyền thống bao dung, nhà thơ đã nhìn về tương lai, mơ ước một cuộc sống thanh bình trên quê hương sạch bóng thù,  với dòng nước mát, với tiếng đàn khuya đầy tình tự dân tộc:
                   Bao giờ ta trở về dương thế,
                   Sống đáng vinh danh lại kiếp người,
                   Để thấy đường đi muôn lối rộng
                   Dập dìu những chéo áo reo vui?
          Quê hương thanh bình mở ra muôn lối mộng, nơi đó, con người được sống xứng đáng con người, lòng khấp khởi rung nhịp theo tiếng đàn khuya:
                   Quê ta đâu cũng là sông nước,
                   Phơi phới triều lên bát ngát bờ,
                   Cuốn tiếng đàn khuya trên bến bắc
                   Trải tình về lại lạch nguồn xưa.
          Nếu Nguyễn Chí Thiện đã mơ một ngày “tã trắng thắng cờ hồng” để nghe tiếng sao diều êm ả, thì Tô Thùy Yên cũng chờ đợi một ngày về vinh quang, lòng dân Việt ngát hương hoa:
                   Bao giờ, cho đến bao giờ nữa,
                   Em gánh vui về họp chợ đông,
                   Lòng ngát như hoa còn kịp buổi,
                   Áo chưa người giữ để xin buông?
           Lúc ấy, tác giả sẽ bắt gặp lại chính mình, dù cuộc đởi đổi thay, lòng Tô Thùy Yên vẫn chung thủy với quê hương, sắt son với dân tộc:
                   Lòng ta nay vẫn lòng ta trước,
                   Vẫn chảy về con nước thuở nào.
                   Sợi tóc mai kia dù có rụng,
                   Ba sinh còn để nhớ cho nhau
          Để kết, xin cám ơn Tô Thùy Yên với những vần thơ nhỏ máu. Nhưng qua những giọt máu oan khiên đó, dân Việt đã cùng với nhà thơ đứng lên, mơ ngày thanh bình, nắm tay nhau dựng lại quê hương.
                   Nghe này ba tiếng gõ sân khấu.
                   Màn mở, người tham dự đứng lên…
                   Thế giới, hãy còn thơ trẻ nhé,
                   Bắt đầu câu chuyện lớn thần tiên.
          Thế là màn sắt xé toang, sân khấu rực sáng với ánh nến phục sinh. Câu chuyện thần tiên bắt đầu, dân Việt dìu nhau đi vào cõi sống mới, không còn bị ám ảnh bởi búa liềm cờ máu…