Sunday, December 29, 2019


NỖI BUỒN QUÊ HƯƠNG ĐỌA ĐÀY
Ngô Quốc Sĩ

            Hiện thực Việt Nam hôm nay đang làm dư luận quan tâm thật nhiều. Tuyên truyền cộng sản hết lời ca tụng chế độ ưu việt, đã đưa Việt Nam tới vinh quang với cao ốc, biệt phủ, cao tốc, liên mạng, nhất là vô địch bóng đá…Nhưng đàng sau vẻ hào nhoáng giả tạo bề mặt đó, là cả một vũng lầy với máu và nước mắt của dân lành bị trị, trộn với vàng của kẻ thống trị, đúng như ghi nhận của Dương Thu Hương ngày nào.
          Thật vậy, Việt Nam hôm nay, dù có tô son điểm phấn cách mấy, vẫn chỉ là địa ngục trần gian với tù lớn tù nhỏ, đàn áp thô bạo, bóc lột bất công và  hủy diệt bất nhân. Bài thơ “Chuyện Buồn Nước Tôi” của Trần Quốc Bảo đã nói lên sự thật phũ phàng đó làm nhiều người trầm ngâm tủi hận.
                Mở đầu bài thơ, tác giả đã thốt lên một tiếng than ai oán đầy phẫn nộ trước hiện thực con người bị coi như súc vật, bị rao bán như món hàng rẻ tiền, mục đích chỉ để làm giàu cho bọn con hoang đã mất hết chất người. Nếu ngày nào Nguyễn Chí Thiện đã lên án cộng sản Việt Nam biến con người thành vượn, thành ngựa trâu đĩ điếm, thì hôm nay, Trần Quốc Bảo cũng ghi nhận tội ác buôn người của cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như một cái chợ người thời tiền sử:
                   “Người” và “súc vật” khác nhau,
                   Văn minh nhân loại, có đâu bán người!
                   Thế mà Cộng Sản nước tôi,
                   Xã Hội Chủ Nghĩa, bán người Việt Nam.
          Nếu hỏi bán cho ai, thì xin thưa là bán cho cả thế giới, Hồng Kông, Mã Lai, Đài Loan, tiêu biểu là Trung quốc và Đại Hàn. Người con gái nhà lành Việt Nam đã phải bán thân nuôi miệng, bị kiểm kê trần truồng bởi những con mắt cú vọ thèm khát dục vọng:
                    Bán cho Trung Cộng, Đại Hàn,
                   Những cô gái Việt, nghèo nàn chân quê
                   Xếp hàng, nhục nhã, ê chề,
                   Trần truồng cho chúng kiểm kê thân mình!
          Thật mỉa mai và tủi hổ. Cộng sản Việt Nam đúng là một lũ Việt gian bán nước. Bán đất, bán biển, bán tài nguyên và bán cả giang sơn gấm vóc. Phan Văn Hưng đã phẫn nộ lên án lũ con buôn đang ngồi chễm chệ tại Hà Nội, cười nham nhở trước những tủi hờn của giang sơn:
                   Chúng đi buôn buôn tước buôn quyền
                   Chúng đi buôn cho nước đảo điên
                   Chúng đi buôn buôn núi buôn non
                   Buôn tủi hờn buôn cả giang sơn
          Hôm nay, Trần Quốc bảo lại kể tội buôn người của những kẻ vỗ ngực tư khoe là “Đỉnh cao trí tuệ loài người”, hãnh diện với tiến bộ vượt mức đến trăm năm sau thế giới cũng không theo kịp! Mỉa mai đến thế là cùng! Văn minh chỗ nào, trí tuệ chỗ nào, mà tự do dân chủ nhân quyền cũng như khoa học kỹ thuật và y tế giáo dục Việt Nam đều bị xếp vào hạng chót trên thế giới, thua cả các nước láng giềng một thời lẽo đẽo theo sau! Cộng sản còn nhẫn tâm bán hết gia tài của mẹ, rồi còn đem cả cái qúy giá nhất của con người là “cái đồng trinh” bán cho ngoại nhân qua các đường dây xuất khẩu lao động, làm dâu xứ người, thực chất chỉ là nô lệ tình dục:
                   Hỡi ôi! bán cái đồng trinh
                   Giúp nhà nghèo đói, còn mình... tan thây!
                   Đỉnh cao trí tuệ” là đây,
                   Xuất cảng lao động, mỗi ngày một đông
          Điều đáng nói là dân Việt đã bị lừa gạt một cách bỉ ổi. Tuyên truyền cộng sản cứ rêu rao là xuất khẩu để lấy chồng xa chồng giàu, thực chất chỉ là bán thân nuôi miệng đúng như Baky Hanoi đã ghi nhận một cách mỉa mai sống sượng:
                   Thân phận em chỉ làm điếm đi hoang
                   Chỉ bán trôn để lấy tiền nuôi miệng !
                Trần Quốc Bảo đã lột mặt nạ chủ trương tuyên truyền láo khoét của cộng sản Việt Nam qua các đường dây buôn người đang bị thế giới lịch liệt lên án, nhưng Hà Nội lại cổ võ khuyến khích kêu gọi dân chúng tham gia:
                    Đường giây xuất cảng đàn bà
                   Tuyên truyền rằng: Lấy chồng xa chóng giầu,
                   Sang giầu, đã chẳng thấy đâu,
                   Thân như con điếm, con hầu, khác chi!
          Nói là “lấy chồng “làm dâu” mà thực chất chỉ là làm hầu làm điếm. Thật tội nghiệp cho các cô gái nhà lành, chỉ vì miếng cơm manh áo, mà phải chấp nhận số phận hẩm hiu chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Cuộc đời nát tan. Nhân phẩm lấm bùn.
                   Suốt ngày, làm phận nô tỳ,
                   Suốt đêm, hứng chịu hành vi dâm loàn!
                   Bán sang Trung Cộng, Đại Hàn
                   Các cô gái Việt nát tan cuộc đời!
           Số phận đàn bà hẩm hiu đã thế, còn số phận đàn ông cũng chẳng có gì sáng sủa hơn. Người ta đã đưa lên liên mạng toàn cầu hình ảnh những ông tiến sĩ tốt nghiệp từ nước ngoài về Việt Nam phải làm nghề đạp xích lô hay lái xe ôm kiếm sống. Lý do dễ hiểu là vì xã hội chủ nghĩa chỉ dành cho “con cháu Bác” hay những tên mánh mung, bóc lột, cướp đoạt để làm giàu, bước lên ngai vàng tư bản đỏ. Còn dân lành thì “khố rách áo ôm”, thấp cổ bé miệng, kêu trời chẳng thấu. Thậm chí, nhiều người còn  sa vào đường dây buôn người, đi xuất khẩu lao động, mà thực chất cũng chỉ là nô lệ lao động, chẳng khác gì tù nhân lao động khổ sai. Đây chính là hình thức vong thân trong lao động mà cộng sản đã từng lên án! Đó là chưa nói tới trường hợp những người phải bỏ xác trên đường xuất ngoại, tiêu biểu như 39 nạn nhân bị chết ngộp trong thùng xe đông lạnh tại Anh quốc mới đây.

                   Đường giây xuất cảng đàn ông,
                   Đi làm nô lệ, thật không khác Tù
                   Tiền công, thời Đảng tận thu,
                   Tương lai đen tối, mịt mù xót xa!
          Nói sao cho hết và tả sao cho xiết những nỗi đau tột cùng của quê hương đọa đày dưới sao vàng cờ đỏ mà cộng sản vẫn rêu rao là “Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc”. Độc lập tư do hạnh phúc đâu chẳng thấy, mà chỉ thấy đói khổ lầm than, với tiếng kêu thảm thiết của dân oan, tiếng uất hận vọng ra từ ngục tối, tiếng gào thét đòi dân chủ nhân quyền, và nhất là tiếng nức nở của tuổi trẻ bị đầu độc, tương lai mịt mờ. Cộng sản Việt Nam bôi nhọ lịch sử, làm nhục tổ tiên nòi giống:
                    Chuyện buồn của đất nước tôi
                   Nói ra hổ thẹn giống nòi Âu Cơ
                   Giang sơn dưới ách cộng nô
                   Viết nên trang sử nhuốc nhơ vô cùng!!!
          Trang sử nhuốc nhơ đó hôm nay đến bao giờ mới rửa sạch đúng như quan tâm của tiền nhân “Trúc Nam Sơn không ghi hết tội.Nước Đông hải khó rửa sạch mùi”. Chỉ còn một con đường phục hồi danh dự và niềm kiêu hãnh của dân tộc, là nhận chìm xã hội chủ nghĩa xuống vực thẳm, bởi lẽ đó chính là nguồn gốc đau khổ của nhân loại và là nguyên nhân khốn cùng của dân tộc Việt Nam…Hồng Kông đang vùng lên. Dân Việt cũng đang âm ỉ “trận bão cát từ lòng giếng…”
          





Thursday, December 26, 2019


THẦM THÌ CUỐI NĂM

Năm cùng tháng tận rồi đó em
Chia sớt cho nhau hớp rượu nồng
Rót đầy ắp chén tình chén nghĩa
Nào tiếc nhau chi một nụ hồng

Ngu ngơ ta gặp em thuở ấy
Rừng hoa lạc nẻo quyện đầy thơ
Lối mộng thênh thang chim nhẹ gót
Man mác cõi người nhện vương tơ

Đường trần chung bước chân thấm mỏi
Mãi miết trầm ngâm một chữ thừa
Không nói giữ cho đời vẫn thiếu
Trăng khuyết đền em mấy cho vừa

Nào hay dấu cũ còn vương vấn
Áo lụa hiên trường vẫn ngất ngây
Giấy vở còn nguyên màu hoa ép
Chữ nghĩa vật vờ theo gió bay

Thời gian có bao giờ xếp cánh
Ngày xanh mộng thắm cũng bạc màu
Ban đầu phút ấy còn nguyên đó
Nụ hồng vẫn nở suốt canh thâu

Cuối năm tính sổ ta còn nợ
Đã trả em chưa những hẹn thề
Buồn vui ngọt đắng trên môi thắm
Mộng vàng chung trải lối đi về

Còn bao năm tháng trên tóc trắng
Mỗi sáng tinh sương nhuộm nắng hồng
Hoa cười  sưởi ấm  bờ môi lạnh
Trả nốt cho em những gịọt nồng…
                             Ngô Đức Diễm











Monday, December 23, 2019


TÌNH YÊU
TRÁI CẤM TỘI PHÚC
Ngô Quốc Sĩ

          Trái cấm vốn được coi là ngưỡng cửa từ thiên đường an lạc bước vào trần thế khổ đau. Thật vậy, nguyên thủy cây cấm được gọi là “cây biết lành biết dữ”, nằm giữa vườn địa đàng như một mời gọi sự thèm khát và tự do lựa chọn giữa sống và biết, cảm và thức, lành dữ, thiện ác. Adam và Eve sống an nhiên, vui hưởng những ân huệ trời đất như hoa thơm trái ngọt, hoàn toàn bằng tâm cảm vượt ngoài tri thức và tra vấn của triết lý về người đời và đời người. Nhưng từ khi ông bà đưa trái cấm lên miệng thì tâm cảm nhường bước cho tri thức, sống mở đường vào biết. Kết qủa là địa đàng khép lại, trần thế mở cửa đón con người trần truồng bước vào chốn bụi hồng khổ lụy.
          Ý nghĩa triết lý của trái cấm là thế. Nhưng trong thi ca, hình ảnh trái cấm thường được sử dụng để diễn tả tình yêu như “hoa hồng có gai”, “dao sắc bọc nhung” hay như “mật ngọt chết ruồi”, đưa con người vào dây oan hơn là cõi phúc.
          Mờ đầu bài thơ “Trái cấm”, Khang Lang đã cảm thương cho Adam, con người nguyên thủy, chỉ vì “thắm men tình” tỏa ra từ hương tóc mây của mỹ nhân, một phần thân thể của mình, mà đưa tay hái trái cấm, khởi đầu cuộc trầm luân bể dâu:
                   Từ buổi hồng hoang đầy phấn bụi
                   Địa đàng còn trái cấm trên cây
                   Người trai nguyên tổ – Adam –hái
                   Vì thắm men tình hương tóc mây
          Thắm men tình chỉ vì yêu, vị nể và chiều chuộng, nhắm mắt nghe theo tiếng gọi con tim, nên mới đưa trái cấm lên môi, bất chấp cả lời dặn của Thượng Đế, như thể “nhất vợ nhì trời”. Thế  mới biết tình yêu có mãnh lực vô song. Nói một cách nôm na, men tình luôn luôn là một cám dỗ, làm cho con người thèm khát đến nỗi không cưỡng lại được. Thật vậy, bản chất tình yêu là một sự thèm khát. Thèm cảm giác để lâng lâng nếm mùi mật ngọt. Thèm cơn say để lảo đảo ngất ngây. Thèm hơi ấm để sưởi đời lạnh giá. Thèm mộng mơ để chạy trốn hiện thực phũ phàng. Khang Lang thèm rất nhiều, nếu không nói là thèm tất cả:
                   Cám dỗ bắt ta thèm trái cấm
                   Như thèm đời có những cơn say
                   Như thèm cảm giác, thèm hơi ấm
                   Thèm để con tim đổ mộng đầy
          Cái bi đát của tình yêu là khởi đầu bằng thèm khát mãnh liệt đến nỗi con người phải khuất phục, chấp nhận bị sai khiến. Nhưng thật trớ trêu. Mới bước vào đường tình thì tất cả đều cháy bỏng như cuộc đời bốc lửa. Thế mà chẳng bao lâu, tất cả thành nhàm chán, nguội lạnh như thể tro tàn. Vũ Thành An đã tôn vinh “tình yêu vĩnh cửu”. Nguyễn Văn Khánh “yêu ai yêu cả một  đời”. Ở đây, Khang Lang trái lại, đã cảm nhận tính các bi đát, dòn mỏng và vụt thoáng của tình yêu bị thời gian xói mòn, sớm trở nên đồng điệu nhàm chán. Nếu Xuân Diệu ngày nào vội vả chạy đua theo thời gian để níu kéo tình yêu “mau với chứ vôi vàng lên với chứ.Em em ơi tình non sắp già rồi!”  thì Khang Lang hôm nay lại thấy thời gian vô tâm làm cho tình yêu ung thối mốc meo:
                   Cũ mốc, cũ meo, đời cũ mèm
                   Tình ta đã cũ, quá hơi quen
                   Thời gian cũng cũ, đi mòn lối
                   Cũ cả lời yêu: anh với em
          Hẳn nhiên, trong giòng thời gian cuốn trôi nhận chìm, con người thường cố ngoi lên, cưỡng lại như Lamartine đã thảng thốt kêu lên: “Hỡi thời gian hãy xếp cánh lại” (O temps suspends ton vol! ) Nhưng theo Khang Lang, dù có phản kháng hay níu kéo, thì thời gian vẫn hờ hững, tàn phá, xói mòn, biến cuộc đời thành hư ảo, đưa tình yêu vào khói sương:
                   Vẫn cũ, dù em thường đổi áo
                   Tô son, đánh phấn bao nhiêu lần
                   Dù thu đã bắt đầu thay lá
                   Mời đón thời gian, gợi ý xuân.
          Con người cảm thấy bất lực trước sự xói mòn của thời gian. Dù có tô son điểm phấn, người đổi áo, thu thay lá, thì xuân tình vẫn tàn phai héo úa. Đức Huy đã lạc quan tìm thấy màu hồng của tình yêu với sức mạnh cảm hóaVà con tim đã vui trở lại, tình yêu đến cho tôi ngày mai”. Khang Lang bi quan hơn, đã phải chào thua thời gian tàn phá, dù đã dốc hết tâm can, hóa kiếp tim mình để đổi mới tình yêu, nhưng mãi vẫn cảm thấy bó tay bất lực. Ái ân đã từng da diết thuở nào, nay chỉ còn lại rong rêu mục nát, như thể tất cả đã rệu rã hư không. Hình như con người càng cố níu kéo tình yêu thì tình yêu càng trôi xa. Con người càng ghì siết tình yêu tình yêu càng  vỡ vụn như dã tràng xe cát:
                   Vẫn cũ, dù tim anh hóa kiếp
                   Để tình yêu đổi mới toanh toanh
                   Ái ân cũng đến hồi da diết
                   Rồi đám rong rêu bám cuộc tình
          Lỗi tại ai? Ngọc Vân và Thương Linh trả lời Không phải tại em cũng không phải tại anh.Tại Trời xui khiến nên chúng mình thương nhau.”. Ở đây, Khang Lang cũng không trách mình hay trách em. Adam không trách Eve. Có trách là trách con rắn cám dỗ con người. Thật ra, con rắn dù bị Thượng Đế cảnh cáo sẽ bị một người nữ đạp giập đầu, cũng không hẳn đáng trách, bởi lẽ trời sinh con rắn, với bản chất tinh ranh qủy ma luôn luôn bám sát để cắn gót chân người? Thế thì trách ai? Chỉ còn trách tình yêu chính là  bản chất con người. Con người được sinh ra từ tình yêu và cuộc sống trần thế là cuộc hành trình đi tìm tình yêu. Nhưng tình yêu lại là cái bóng thấp thoáng chập chờn.Tình yêu có ngọt có đắng, có nhung mềm và gai nhọn, có thương và hận. Tình yêu đã đưa con người vào cơn say điên đảo như Vũ Hoàng Chương: Bốn tường nghiêng điên đảo bóng giai nhân”.  Nhưng chính trong cơn say chếnh choáng đó, con người lại hé thấy cuộc đời hư ảo khói sương:
                    Cám dỗ bắt ta thèm trái cấm
                   Như thèm đời có những cơn say
                   Từ trong nguyên tổ, và nguyên tội
                   Con rắn nằm khoanh trên nhánh cây
          Con rắn còn đó. Trái cấm cũng còn đó. Vườn địa đàng. Trái cấm và con rắn. Adam và Eve. Tất cả chỉ nói lên một chân lý bất diệt. Đó là chân lý của Tình Yêu và Tự Do. Vì tự do, Eve mới đưa tay hái trái cấm trái lời căn dặn của Thượng Đế. Vì tình yêu, Adam mới chiều ý Eve, đưa trái cấm lên miệng, thưởng thức hương vị ngọt đắng, mà nào hay đã nuốt vào những ngụm oan khiên của kiếp người. Nhưng điều đáng nói là tình yêu và tự do đều mang tính cách lưỡng giá. Có tự do, nên mới có lựa chọn thiện ác, hạnh phúc và khổ đau, thiên đàng hay trần thế. Cũng thế, có tình yêu, con người mới thỏa thuê với những cơn say cho đã thèm. Nhưng cũng vì tình yêu, con người rước lấy khổ lụy, vướng vào dây oan. Tình yêu đúng là trái cấm, như một cám dỗ triền miên. Nhưng  trái cấm lại là hình ảnh của tội phúc. Có trái cấm mới có sa ngã. Nhưng chính nhờ trái cấm, mới có Tin Mừng cứu rỗi, mới có Ngôi Hai xuống thế làm người. Tội ăn trái cấm là tội phúc lôi kéo trời cao xuống đất thấp! Cũng thế, có tình yêu trái cấm, con người mới thật sự là con người với con tim rung động, với làn môi trao thương. Tội lụy tình cũng chính là tội phúc, là thú đau thương, đúng như Xuân Diệu cảm nhận “yêu là chết trong lòng một ít”.     Với cảm nhận riêng tư, có thể nói, ngụp lặn trong tình yêu trái cấm là một mạo hiểm kỳ thú. Làm người với tình yêu trái cấm chẳng là một vinh dự, một ân huệ đất trời đó sao? Xin chân thành gửi “Tình yêu trái cấm” đến mọi người như món qùa Giáng Sinh 2020….



Saturday, December 21, 2019


LÀ TRĂNG

Là trăng, núp bóng hiên trường
Trải thơ lên áo lùa thương về nguồn
Vàng thu lá đổ chập chờn
Chao đưa phấn trắng ngỡ hồn ngất say

Là trăng, len lén vào mây
Tình xuân hé nụ vơi đầy nước non
Một khoang thuyền, một giòng thương
Thả trôi chữ nghĩa lát đường trải thơ

Là trăng, xa cách bến bờ
Ngọt ngào nỗi nhớ ngất ngơ giấc huyền
Xa trăng bến vẫn đợi thuyền
Buông neo gác mái đậu miền bồng lai

Là trăng, là nước là mây
Thiên tiên vén áo ngất ngây ngọn đào
Cõi người đã lắm hư hao
Ru ta say đắm chìm vào hoang sơ

Là trăng, vàng cõi người ta
Đầy vơi tròn khuyết vẫn là tơ duyên
Trăm năm một thuở còn nguyên
Vành môi mở khép ý thiền đong đưa..
                   `        Ngô Đức Diễm






Tuesday, December 17, 2019


MỘT LẦN RỒI THÔI

Hãy sống như ngày cuối cuộc đời
Trăm năm gót mỏi lạnh vành nôi
Tử sinh nào biết đâu điểm hẹn
Âm dương chỉ gang tấc đó thôi!

Hãy yêu như lần cuối cuộc tình
Thuyền hoa lảo đảo chèo nhẹ thênh
Sông nước e ấp thuyền nghiêng ngửa
Dòng đời sóng dậy sao lung linh

Hãy bước như bước cuối chung đường
Ngày mai lạc nẻo còn vấn vương
Lối về chân mây khuất bến đỗ
Hạc vàng vỗ cánh trời sao sương

Hãy nhấp như giọt cuối rượu hồng
Ấm môi đông lạnh trời giá băng
Mùa xuân vạn thuở nay hé nụ
Vườn thơ tình nghĩa ngát hương nồng

Hãy bơi trong mắt tận cuối dòng
Lên ngọn sông đào tắm suối trong
Lối vào thiên thai tiên trải yếm
Nhặt nắng vàng hanh dệt lụa hồng

Hãy khóa trong tim lời cuối cùng
Chưa bao giờ nói thôi làm thinh
Chẳng bao giờ viết đành câm lặng
Dấu mãi trong ta một chữ Tình…
                   Ngô Đức Diễm


Sunday, December 8, 2019


MƠ TƯỞNG VÀ HIỆN THỰC
  Ngô Quốc Sĩ
           Cuộc đời không có sẵn một ý nghĩa khách quan, như thế này thế kia. Ý nghĩa cuộc đơi tùy thuộc vào cái nhìn của mỗi người. Ngay cả những triết gia nổi tiếng thế giới cũng không ai có thể đưa ra một định nghĩa khách quan về cuộc đời. Thi sĩ Bùi Giáng, vốn được tặng cho danh hiệu “nhà thơ điên” với lối sống, ý thơ và lời thơ phá lệ chẳng giống ai, đã xuất hiện như một triết gia với cái nhìn cuộc đời thật phong phú và sâu sắc. Bài thơ “Đừng Tưởng” của ông, tuy đã có những tranh cãi về tác quyền của Sỹ Liêm và Trần Văn Sỹ, qủa là một suy tư triết lý về đời người và đời người nói chung, đồng thời phản ảnh hiện thực xã hội đảo lộn tại Việt Nam, mà Hà Sĩ Phu đã gọi là hiện tượng “lọc ngược”.
          Nhìn vào vũ trụ thiên nhiên, nhiều người có cảm tưởng có thể nắm bắt được thực tại khách quan. Thu phải có lá vàng. Đông phải có tuyết giá. Núi phải cao sông phải chảy.. Nhưng dưới cái nhìn của Bùi Giáng, ngoại hình của vạn vật trong nhiên giới chưa hẳn phản ảnh đúng thực tại. Núi chưa hẳn phải cao và sông chưa hẳn phải chảy, thu không chắc có lá vàng, hạ không hẳn có ve sầu:
                   Đừng tưởng cứ núi là cao
                   Cứ sông là chảy cứ ao là tù..
                   Đừng tưởng cứ gió là mưa
                   Bao nhiêu khô khát trong trưa nắng hè
                   Đừng tưởng cứ hạ là ve
                   Sân trường vắng qúa ai khe khẽ buồn
          Từ cái nhìn về vũ trụ thiên nhiên, Bùi Giáng đã đi sâu ta vào vũ trụ nhân sinh, khám phá nhiều ẩn dấu phức tạp. Thực tại nhiên giới hiển lộ như thế mà con người không nắm bắt được, thì thực tại nhân giới với nội tâm sâu kín, làm sao có thể hiển lộ chân tướng ra bên ngoài?
          Trước tiên, cuộc đời mãi vẫn là một bí ẩn và dù có dào sâu đến đâu cũng chỉ nhìn thấy lờ mờ những nghịch lý mâu thuẫn. Có khi êm đềm mà dậy sóng. Có khi ngọt ngào là hiểm độc, “mật ngọt chết người,” hay ngược lại, chọc cười là móc họng:
                   Đừng tưởng đời mãi êm đềm.. Nhiều khi dậy sóng, khó kềm bản thân.
                   Đừng tưởng cười nói ân cần.. Nhiều khi hiểm độc, dần người tan xương.
                   Đừng tưởng trong lưỡi có đường.. Nói lời ngon ngọt mười phương chết người
                   Đừng tưởng cứ chọc là cười... Nhiều khi nói móc biết cười làm sao
          Cũng thế, nhiều khi gian lao mà đáng tự hào, “lửa thử vàng, gian nan thử đức” hay giỏi lại là đắng cay, “cây càng cao gió càng lay”:
                   Đừng tưởng khó nhọc gian lao.. Vượt qua thử thách tự hào lắm thay..
                   Đừng tưởng cứ giỏi là hay.. Nhiều khi thất bại đắng cay muôn phần
          Đời người phức tạp như thế thì người đời lại càng khó hiểu hơn. Thật khó mà đánh giá người khác qua dáng vẻ bên ngoài, thấy vậy mà không phải vậy! Đẹp không hẳn là tiên, và có tiền chưa chắc đã mua được mọi thứ, giải quyết được mọi vấn đề:
                   Đừng tưởng cứ đẹp là tiên
                   Cứ nhiều là được cứ tiền là xong
          Lắm lúc, người ta chỉ lấy vẻ bề ngoài để che dấu những tâm trạng riêng tư thần kín, không muốn chia sẻ với ai, một mình mình biết, một mình mình hay. Không hẳn nhìn người mà bắt được hình dong. Người ta chẳng bảo “trong héo ngoài tươi” đó sao? Nhất là nhiều khi, người ta đóng kịch để che mắt thiên hạ, thấy vậy mà không phải vậy!

                   Đừng tưởng cứ khóc là sầu...
                   Nhiều khi nhỏ lệ mà vui trong lòng
                   Đừng tưởng cứ nghèo là hèn..
                   Cứ sang là trọng, cứ tiền là xong…
          Cái nhìn triết lý của Bùi Giáng, dù không nói trắng ra, cũng có thể ngầm hiểu là nhà thơ đã muốn phản ảnh hiện thực “lọc ngược” của xã hội Việt Nam hôm nay. Thật vậy, chính quyền, chế độ, người dân, kể cả kẻ tu hành cũng đã được nhà thơ nhắc tới với những lời lẽ mỉa mai chua chát. Hẳn nhiên, trong đời không thiếu những vị chân tu khả kính như Thiền Sư Vạn Hạnh. Đức Thầy Hùynh Phú Sổ, Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Nhưng hôm nay, Bùi Giáng đã phải chứng kiến những nhà tu hành giả tạo, khoác áo tu mà lòng dạ lang sói, đóng kịch  để đánh lừa thiên hạ “miệng Nam Mô, trong bụng cả bồ dao găm” tiêu biểu như những nhà lãnh đạo tôn giáo quốc doanh, cam tâm hạ mình làm công cụ cho chế độ để lũng đoạn và tiêu diệt tôn giáo chân chính:
                   Đừng tưởng cứ trọc là sư..
                   Cứ vâng là chịu cứ ừ là ngoan..
                   Đừng tưởng cứ dưới là ngu
                   Cứ cao là sáng cứ tu là hiền.
          Còn chế độ thì dù có được tô bóng, điểm phấn tô son thành “đỉnh cao trí tuệ loài người”,  thực chất vẫn chỉ là ngu muội và lạc hậu chậm tiến, như mây đen che phủ quê hương. Tiến bộ thực chất chỉ là thoái hóa thụt lùi. Tưởng là trăng rằm, đâu biết chỉ là đêm tối ba mươi!
                   Đừng tưởng cứ tiến là lên..
                   Cứ lui là xuống, cứ yên là nằm
                   Đừng tưởng rằm sẽ có trăng..
                   Trời giăng mây xám mà lên đỉnh đầu
          Mỉa mai và tủi nhục nhất, là thái độ hãnh diện và ngạo mạn của chế độ hôm nay, tưởng mình là kẻ thắng cuộc, là thần thánh ưu việt, rồi tự tung tự tác, coi khinh kẻ thua cuộc. Tuyên truyền vẫn rêu rao là “bách chiến bách thắng”, mà dấu nhẹm những thất bại ê chề. Hôm nay, người ta sống bắng huyền thoại giả trá, bằng chiêu bài mị dân, mà cố tình che dấu và bóp méo sự thật:

                   Đừng tưởng cứ thấp là khinh..
                    Cứ chùa là tĩnh cứ đình là to
                   Đừng tưởng cứ quyết là nên
                    Cứ mạnh là thắng cứ mềm là thua
          Lố bịch nhất nhất là tưởng mình khôn hóa ra dại, tưởng mình giàu sang thật ra chỉ là nghèo hèn. Cũng thế, cứ tưởng gian tham sẽ giàu, và giàu sẽ được thiên hạ xum xuê, vây cánh, nào hay có nhiều của lại càng cảm thấy cô đơn quạnh quẽ:
                   Đừng tưởng cứ lớn là khôn
                   Cứ bé là dại, cứ hôn… là chồng
                   Đừng tưởng giàu hết cô đơn
                    Cao sang hết ốm, tham gian hết nghèo
          Đó là chưa nói tới thái độ huênh hoang tự mãn của nhà cầm quyền, tự cho mình là “cha mẹ của dân”, sống như những ông hoàng ngự trị trên ngai vàng, trong biệt phủ, mà quên rằng, đó là xương máu và nước mắt của dân lành. Còn gì mỉa mai hơn! Tự hào là “lãnh tụ anh minh, cha già dân tộc”, mà thực chất chỉ là những thằng khốn nạn, như thể chó nhảy bàn độc, khỉ lên làm người…
                   Đừng tưởng vua là anh minh..
                    Nhiều thằng khốn nạn, dân tình lầm than.
                   Đừng tưởng đời mãi êm đềm.
                    Nhiều khi dậy sóng, khó kềm bản thân.
                   Đừng tưởng có của đã sang.
                    Cứ im lặng tưởng là vàng nguyên cây
           Người dân biết rõ trắng đen thực giả. Họ đã im lặng không nói ra, nhưng đừng tưởng là dân ngu không hiểu, dân mù không thấy, dân câm không nói. Biết đâu sự im lặng hôm nay chẳng âm ỉ cả một hoả diệm sơn, có thể bùng nổ bất cứ lúc nào, sẽ thiêu rụi và cuốn trôi tất cả rác rưởi oan khiên của thế lực đỏ:
                   Đừng tưởng quan chức là rồng
                   Đừng tưởng dân chúng là không biết gì…
                   Đừng tưởng không nói là câm
                   Không nghe là điếc không trông là mù
          Để kết thúc suy tư của mình về đời, về người, về hiện thực xã hội, Bùi Giáng đã đưa ra lời khuyên nhủ mang tính triết lý của một triết nhân khoác áo thiền sư.
                   Đời người lúc thịnh, lúc suy
                   Lúc khỏe, lúc yếu, lúc đi, lúc dừng.
                   Bên nhau chua ngọt đã từng
                   Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau.
          Nói chung, chỉ có một con đường giải thoát mê lầm và cứu vãn trần thế là con đường nhân nghĩa thủy chung. Nhưng mấy ai có được ý thức đạo đức nhân bản đó? Còn chế độ mang bản chất dối trá phỉnh gạt hôm nay thì thật là vô phương!
                   Ở đời nhân nghĩa làm đầu
                   Thủy chung sau trước, tình sâu, nghĩa bền.
                   Ai ơi nhớ lấy đừng quên…!

          Ai bảo Bùi Giáng điên? Điên mà nhìn rõ Điểm sau cái Diện, cái Trái sau cái Phải, cái Ẩn sau cái Hiện thì qủa thực là điên tỉnh không sai!
                  




                  
         

Tuesday, December 3, 2019


TÔI MỪNG SINH NHẬT TÔI

Tôi mừng sinh nhật tôi
Bảy mươi tám tuổi đời
Đường về quê chặng cuối
Chân thấm mỏi lưng đồi

Những tưởng đơn cánh nhạn
Bao thương nhớ nào hay!
Bạn bè khắp bốn cõi
Tình nghĩa mặn nồng thay!

Tôi thương tôi phiêu bạt
Tạm dung nửa kiếp người
Tóc lên màu hạc trắng
Tang bồng vẫn chưa nguôi

Tôi nhìn tôi thổn thức
Đã qua mấy thu tàn
Lối về đành lỗi hẹn
Quê hương mãi lầm than

Tôi nhìn gương soi bóng
Tìm lại dáng nhân xưa
Bỗng thấy mình xa lạ
Phấn trắng nhòa cơn mưa

Tôi nâng bước cao thấp
Theo giòng đời nhấp nhô
Trải bao cơn thử thách
Vẫn nguyên vẹn trời mơ

Tôi thương tôi bốn mắt
Nhìn rõ đời trớ trêu
Thân tâm chưa an lạc
Lòng ắp đầy tin yêu

Tôi chúc tôi sinh nhật
Vầng trán đã hằn sâu
Da mồi trông đẹp mắt
Ý thơ thoảng hương cau…
                   Ngô Đức Diễm