Wednesday, September 28, 2016

ĐỨC DATLAI LATMA VÀ CHỦ NGHĨA QUỐC GIA

ĐỨC DATLAI LATMA
VÀ CHỦ NGHĨA QUỐC GIA
                                                                             Ngô Quốc Sĩ
            Chủ nghĩa quốc gia là một cụm từ khá phổ biến, đang đuợc bàn cãi khá nhiều trước nhu cầu an ninh của Do Thái trong cộng đồng Ả Rập thù nghịch, trước hiện thực Việt Nam đang bị Trung Quốc đe dọa thôn tính, muốn biến thành một tỉnh bang của thiên triều, và nhất là trước chủ trương của những người cực đoan đang cố gắng thiết lập một “Nhà Nước Hồi Giáo”, chống lại Tây Phương bị gọi là tà đạo hay Satan!
Quan tâm về hiện thực thù nghịch này, có người đã hỏi Đức Datlai Latma về chủ nghĩa quốc gia, về lợi ích của nó chống lại những bất lợi hay khả năng tàn phá của nó thế nào. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời một cách rõ ràng và đầy tính cách thuyết phục.

          Trước hềt, Ngài cho biết, chủ nghĩa quốc gia tự nó không phải là xấu tự bản chất, mà tốt hay xấu là do người s dụng, Ngài giải thích “Tôi không nghĩ rằng chủ nghĩa quốc gia trong tự nó là tàn phá.  Là một thành viên của một quốc gia nào đấy có thể là một bộ phận cảm giác nhận biết của một người.  Do vậy, chủ nghĩa quốc gia có thể hữu ích, cho chúng ta một cảm nhận thuộc về, và chúng ta có thể có một cảm giác tự hào trong đặc tính quốc gia của chúng ta.  Điều này là tốt.  Tôi nghĩ chủ nghĩa quốc gia như một loại khí cụ hay như khoa học – nếu chúng ta sử dụng khoa học trong một cách sai  lạc, sau đó nó có thể đem thảm họa.  Nếu chúng ta sử dụng nó một cách thích đáng, nó sẽ mang đến lợi ích.  Thế nên, nó tùy thuộc vào việc chúng ta sử dụng nó trong phương pháp đúng đắn hay không.
          “Bây giờ khi chúng ta nói về chủ nghĩa quốc gia, chúng ta đang nói về những sự khác nhau căn cứ trên đặc tính quốc gia, một phần then chốt mà đấy là những  khác biệt trong di sản văn hóa, và quá khứ lịch sử.  Mỗi quốc gia có đặc trưng văn hóa hay nhóm văn hóa, một di sản văn hóa.  Dĩ nhiên, cũng có những biên giới địa lý giữa các quốc gia.  Đấy là một phần của nó.  Nhưng tôi nghĩ văn hóa là vấn đề chính.  Và, dĩ nhiên, mỗi cộng đồng phải có quyền để bảo tồn nền văn hóa của chính họ, kể cả ngôn ngữ, phong tục, và áo quần,v.v…
          Đó là ý nghĩa tích cực của chủ nghĩa quốc gia. Nhưng nhìn về mặt tiêu cực, Đức Datlai Latma cũng ghi nhận một số khuyết điểm phát xuất tứ óc cực đoan. Theo ngài, cần phân biệt giữa chủ nghĩa quốc gia lành mạnh và chủ nghĩa quốc gia cực đoan. Ngài phân tích cặn kẽ:“Ở đây, tôi muốn phân biệt giữa một chủ nghĩa quốc gia lành mạnh và chủ nghĩa quốc gia cực đoan. Khi chủ nghĩa quốc gia trở nên cực đoan, nó trở thành một ý tưởng nguy hiểm, quá mạnh có thể khích động dân chúng tiến hành những hành động khiêu khích.  Điều này có thể xảy ra như thế nào, chúng ta đã thấy một cách rất rõ ràng trong câu chuyện thảm kịch ở bán đảo Balkan vào cuối thế kỷ hai mươi, với thuật ngữ ‘làm sạch dân tộc’ và ‘Balkan hóa’ xâm nhập vào ngữ vựng hàng ngày của chúng ta.  Những gì chúng ta chứng kiến trong thảm kịch này là những đặc tính cực đoan quốc gia đã đưa đến một chu kỳ tội ác của bạo động giữa người Serbia, Croatia, và Bosnia.  Ở đây là một thí dụ về những tác động đặc tính quốc của con người đã dày xéo những khía cạnh đặc tính quốc gia của dân tộc khác mà nếu khác đi đã có thể cung ứng một căn bản cho việc đi đến với nhau.”
           Từ kinh nghiệm đau xót nói trên, Đức Datlai Latma đã đưa ra một bài học thiết thực cho thế giới.  Đó là cổ võ cho sự đa dạng văn hóa thay cho chủ nghĩa quốc gia cực đoan như một tình trạng tự cô lập. Ngài khẳng định: “Rõ ràng một bài học quan trọng mà chúng ta cần học là những đặc tính quốc gia dân tộc rất quan trọng đối với họ và phải nên tôn trọng.  Trong chi tiết, điều này nói với chúng ta là khi những đặc tính quốc gia dân tộc cùng tồn tại trong một nhóm rộng lớn, cho dù trong một liên hiệp quốc gia như Liên Hiệp Âu châu, hay một quốc gia riêng lẻ, chúng ta cần bảo đảm rằng những tính chất quốc gia dân tộc được quan tâm tôn trọng và làm cho hòa hiệp chân giá trị.  Dĩ nhiên, nếu chúng ta có một sự đa dạng văn hóa khác biệt trong một quốc gia, nhằm để cho tất cả phát triển lớn mạnh, tôi nghĩ tự do là rất quan trọng và một thể chế công bằng hữu hảo, với những nguyên tắc của luật lệ.”
           Cần ghi nhận rằng, ngay lúc Đức Đạt Lai Lạt Ma nói về những vấn đề  “ tự do, nguyên tắc luật lệ, sự tôn trọng tất cả những nền văn hóa, tất cả mọi quốc gia” thì truyền thống văn hóa Tây Tạng, và vị trí lịch sử Tây Tạng như một quốc gia, đang ở trong những gọng kìm của Trung Quốc, và Tây Tạng đang đối diện với một cuộc đấu tranh sinh tử quyết định sự sống còn của một truyền thống và di sản cổ xưa.  Đối với Đức Datlai Latma, đây là một vấn đề sống động, không chỉ là một triết lý trừu tượng. Những thuật ngữ như “tự do”,tôn trọng những nền văn hóa con người”, và “nguyên tắc luật lệ” không chỉ là những khẩu hiệu đối với ngài, mà thật sự  chuyên chở một cảm giác chân thành cấp bách, chứng tỏ rằng khổ đau của con người thật sự bi đe dọa, và rằng sự cống hiến của Đức Đạt Lai Lạt Ma đối với những nguyên tắc và những biên giới này trong sự quan tâm của ngài không chỉ dành cho nền văn hóa Tây Tạng mà thôi nhưng được mở rộng đến tất cả những nền văn hóa trên thế giới.  Ngài kết luận:  “Tôn trọng truyền thống người khác là rất quan trọng trong thế giới ngày nay.”
          Theo Đức Datlai Latma, hoà bình không phải là vắng bóng chiến tranh, mà là sự chấm dứt kỳ thị và thành kiến , nhất là sự tôn trọng truyền thống của người khác, của nền văn hóa khác: “Vâng, tôi nghĩ rằng chúng ta đã thảo luận về vấn đề một số cá nhân có thể có trình độ học vấn hơn hay giàu có hơn, v.v…, và một số có thể yếu kém hơn, nhưng mặc cho những loại khác biệt này, họ vẫn là những con người, và đáng trọng với phẩm giá con người và tôn trọng trên trình độ căn bản ấy.  Cùng nguyên tắc áp dụng trên trình độ văn hóa và dân tộc – có thể có những người khác dị biệt, lối sống của họ hay lối ăn mặc của họ mà chúng ta có thể không hiểu được, nhưng chúng ta vẫn có thể duy trì sự tôn trọng phù hợp với chân giá trị con người họ căn cứ trên lòng nhân đạo thông thường của chúng ta.”
          Như thế, theo Đức Datlai Latma, tính đa dạng là yếu tố thiết yếu của cuộc sống chung hòa bình như một sự dung hợp văn hoá. Ngài quãng diễn : “Nhưng ở đây có một vấn đề khác.  Điều gì đấy rất quan trọng trên nhiều trình độ:  học hỏi để biết thưởng thức sự đa dạng, thật sự phản chiếu trên giá trị của nó, khảo sát những niềm tin của nó.  Càng có thể đánh giá đúng sự đa dạng, chúng ta sẽ càng dễ dàng tôn trọng hơn những ai có thể là khác biệt.  Thí dụ, từ quan điểm nhân loại là một thể thống nhất, tôi nghĩ sự đa dạng văn hóa, đa dạng những nhóm chủng tộc có thể làm giảu cho nhân loại.  Nên vấn đề thật sự là nhằm để cho tập thể nhân loại phát triển lớn mạnh, những cá nhân thành viên của tập thể ấy phải thịnh vượng.  Tốt lành như một ngôi vườn.  Nhằm để cho một ngôi vườn xinh đẹp và kỳ diệu, ở đấy cần có sự đa dạng của bông hoa trong ngôi vườn, cây cỏ, và sự phối hợp của nhiều kích cở, hình dạng, và màu sắc khác nhau bổ sung cho ngôi vườn, và mỗi thứ cần phát triển trong môi trường riêng của chúng.  Trái lại, nếu chúng ta chỉ có một loại hoa trong vườn ấy, chì trong một sưu tập, điều ấy sẽ đơn điệu nhàm chán.  Chính sự đa dạng đã cho ngôi vườn sự xinh đẹp của nó.”
          Trong các cuộc thảo luận, Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã nói về mối quan hệ giữa cá nhân và nhóm. Một người có thể có một ý thức mạnh mẽ về đặc tính cá nhân, của sự độc lập, của sự tự tin và sự mạnh mẽ của cá nhân như thế nào và cùng lúc ấy có một ý thức sâu sắc về việc thuộc vào một nhóm, “Không phải là Tôi hay Chúng Ta, nhưng là Tôi và Chúng Ta.”   Ngài mở rộng nguyên tắc ấy đến những nhóm, cổ võ sự tin tưởng khả năng của nhiều nhóm sống trong một xứ sở, mỗi nhóm ca ngợi đặc thù của họ, vinh danh truyền thống của họ trong khi cùng lúc ấy trau dồi một ý thức của việc thuộc vào một đặc tính quốc gia.
          Tóm lại, đa dạng là một chiến thuật thực tiển đầy năng lực chống lại chủ nghĩa quốc gia cực đoan, giúp cho việc trau dồi sự tôn trọng đối với  những ai mà họ coi là khác biệt. Nói đến đa dạng là nói đến tập thể. Có người giải thích chữ tập thể-TEAM  là “Together Each Accomplishes More”. Ông Surowiecki tiếp tục ý tưởng của Đức Datlai Latma bằng một  nhận định sâu sắc: “Dưới những hoàn cảnh đúng đắn, những tập thể là thông minh một cách nổi bật, và thường sáng suốt hơn người thông minh nhất trong đám ấy.” Ý tưởng của Surowiecki hổ trợ thêm cho biện luận của Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng sự đa dạng, cho dù là sự đa dạng của những cá thể trong đám đông, sự đa dạng văn hóa trong một quốc gia, hay sự đa dạng quốc gia trong hành tinh của chúng ta, có thể cống hiến những lợi ích lớn lao. 



.

No comments:

Post a Comment