Friday, September 23, 2016

ĐẠO ÔNG BÀ TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM

ĐẠO ÔNG BÀ
TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM
                                                                                                                 Ngô Quốc Sĩ
       Dân Việt vơi truyền thống hữu thần, thường thể hiện niềm tin qua nhiều tôn giáo khác nhau. Nào là Tam Giáo Đồng Nguyên gồm Khổng Lão Phật. Nào là Thiên Chúa Giáo gồm Công Giáo và Tin Lành. Ngoài ra còn có Cao Đài, Hòa Hảo..Nhưng bên ngoài các tôn giáo nói trên còn một thứ tôn giáo rất phổ biến gọi là Đạo Ông Bà.


             Theo Nguyễn Thùy, Đạo Ông Bà có thể mang 3 sắc thái khác nhau: Thờ cúng tổ tiên, đạo Hiếu, và Đạo Hiếu Thảo.
             Trước hềt, nói tới Ðạo Ông Bà, ta thường nghĩ tời việc thờ cúng Tổ Tiên, như tết Nguyên Ðán có Lễ Gia Tiên cũng như  hằng năm , mỗi gia đình đều có ngày giỗ cúng Ông Bà, Cha Mẹ vào từng thơi gian khác nhau theo ngày tháng qua đời của các ngài..
            Ngoài cộng đồng cũng có các lễ hội cúng tế tổ tiên, chiêng trống, bàn thờ, ruợu tế..Bàn thờ tế lễ thương có nhang đèn, hoa qủa, đặc biết là ngũ quả. Riêng cùng giỗ hay cùng giao thừa, thường có thêm thức ăn. Tuy ông bà không ăn, nhưng là để tỏ lònh hiếu thảo
            Thứ đến Đạo Ông Bà  còn là Đạo hiếu. Chịu ảnh hưởng Khổng Giáo, dân Việt đã coi trọng đạo hiếu với ông bà cha mẹ, nhớ ơn công đức sinh thành.
            Nguyễn Công Trứ coi đạo hiếu là căn bản của đạo làm người
                        Có trung hiếu mới đứng trong trời đất
            Nguyễn Du đã đề cao đạo Hiếu của Kiều trong hành động bán mình chuộc cha:
                         Duyên hội ngộ, đức cù lao,

                        Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn ?
                        Để lời thệ hải minh sơn,
                        Làm con trước phải đền ơn sinh thành.

            Hiếu là biết ơn cha mẹ:
                         Công cha như núi Thái Sơn
                        Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
             Hiếu là vâng lời người xưa
                        Cá không ăm muối cá ươn
                        Con cải cha mẹ trăm đường con hư
            Hiếu cũng là gìn giữ truyền thống dòng tộc:
                        Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh
             Và Hiếu là nối dõi tông đường: Nhà nào cũng muốn có con trai nối dõi.                           Tuyệt tự bị coi là bất hạnh
            Đạo ông bà còn mở rộng kết hợp hài hòa giữa Hiếu với Thảo thành ‘Ðạo Hiếu Thảo’. ‘Thảo’ có nghĩa là  ‘nhường nhịn, san sẻ, bù đắp cho nhau’  bao dung rộng rãi, chứ không ganh tỵ, ích kỷ, tranh giành, giữ riêng cho mình. Như thế, ‘thảo’ chỉ cách đối xử, liên hệ giữa con cái, anh chị em luôn yêu thương, hòa thuận, tương nhượng, giúp đỡ nhau.  Chính chữ Thảo đã nâng chữ Hiếu lên một bậc, khiến cha mẹ, ông bà vui lòng thấy con cháu luôn thuận hòa, gắn bó, yêu thương, không khí gia đình được vui vẻ, ấm cúng. Có lẽ, do ý nầy nên người Việt Nam ta thường gọi chung là ‘Ðạo Hiếu Thảo’ chứ không riêng chỉ có Hiếu.
            Đi tìm căn bản của Đạo Ông Bà, người ta có thể tìm thấy những tư duy triết lý rất vững chắc.
        Trước hết, Ðạo Ông Bà là “Ðạo Lý tức là nguyên lý hướng dẫn tư duy và hành động cùng thái độ cư xử của con người trong cuộc sống cộng đồng. Muốn trở nên người tốt, phải trọn đạo làm người, phải Trung Hiếu, Tiết Nghĩa
            Tiếp đến, Đạo Ông Bà cũng “Con Đường” đưa dẫn con người hướng đến, tìm về một thứ gì đó tốt đẹp, cao sâu, huyền nhiệm để cuộc sống thường nhật của từng người và của cả cộng đồng mang lấy một ý nghĩa cao quí hướng đến một  cứu cánh nào đó..
            Ngoài ra,  Ðạo Ông Bà là một “Tín Ngưỡng”, chứ không phải là tôn giáo , vì không có tín điều vì không có những nguyên tắc, giới luật, giới răn, giới cấm, những nghi lễ nhất định, không tuân thủ theo một hệ thống tri thức rao giảng cùng hành động thực hiện nhất loạt thống nhất. Đạo Ông Bà không tổ chức thành giáo hội, không có giáo chủ, không có hàng ngũ đóng vai trò chỉ đạo, dẫn dắt, không có nơi  thờ phượng nhất định như nhà chùa, nhà thờ, không có kinh kệ, không có truyền giảng cũng chẳng nhằm giáo huấn theo lối trường ốc.
            Thêm nữa, Ðạo Ông Bà nặng về “Tình Cảm” hơn là lý thuyết với tín lý tín điều. Ðạo Ông Bà thể hiện nơi tấm lòng, nơi tâm khảm, nhiều khi không cần thiết một lễ nghi và cũng không nhất thiết phải thật đúng vào ngày qua đời của ông bà, cha mẹ. Một nén huơng,một chén nước, một nhớ tưởng bất kỳ lúc nào trong tâm tưởng dù còn trong gia đình hay tha hương nơi kiều địa cũng là một thể hiện Ðạo Ông Bà nơi mình.
            Cũng nên ghi nhận rằng, Đạo Ông Bà có tính “Dung Hợp”.  Là ‘Tín ngưỡng không tôn giáo’ nên dân tộc ta dễ dàng dung hợp với bao tôn giáo du nhập khác như Phật, Khổng, Lão, Ki-Tô giáo. Với tính cách dung hợp này, người theo Đạo Ông Bà cũng có thể theo các tôn giáo khác, và các tôn giáo nầy cũng luôn khuyên ta thờ cha, kính mẹ, hòa thuận với anh chị em, bạn bè.  Đó chính là ý nghĩa của châm ngôn “Đạo nào cũng tốt”, và “mọi con sông đều tuôn ra biển cả”
            Bàn về vai trò Đạo Ông Bà trong đời sống, người ta ghi nhận nhiều khía cạnh tích cực, giúp bảo vệ và kiện toàn con người Việt Nam.
            Thực vậy, Ðạo Ông Bà giúp nối kết mọi thế hệ.
            Nào là nối kết người còn sống với tổ tiên đã khuất. Tổ Tiên hoàn toàn chỉ tiền nhân, lớp người quá cố, thuôc các thế hệ trước. Thế nên, khi cúng vái, con cháu thường mời tổ tiên về chứng giám.
            Nào là nối kết con cháu còn sống với Ông Bà, cha mẹ còn sống, giữa con cháu, rể dâu, chắt chít trước tiên cùng huyết thống, dòng họ, rồi mở rộng đến những người khác dòng họ với mình, bên nội bên ngoại.. Lễ thượng thọ, lễ chúc tết, dành cho cha mẹ ông bà cao tuổi còn sống. Có nhiều gia đình VN hội đủ cả bốn năm thế hệ nối tiếp, tất cả còn tại thế từ ông bà cố đến chắt, chít nội ngoại. Chắc hẳn nhiều gia đình như thế nhất là với những người tuổi thọ đến tám chín mươi hoặc hơn nữa.
            Ngoài ra, Đạo Ông Bà còn nối kết giữa các thế hệ tuổi tác. Người già với người trẻ, tuổi cao niên với tuổi thanh xuân hay thiếu nhi. Người qúa cố có thể là những người còn trẻ, còn bé không may qua đời trước mình, nên cha mẹ tưởng niệm con cháu, vợ chồng giỗ chồng, giỗ vợ, anh chị em tưởng niệm anh chị, các em không may chết trước mình, nói lên lòng nhớ nhung, thương tiếc.   
            Trong ý nghĩa này, Ðạo Ông Bà nói lên mối liên tục lịch sử của cuộc sống chung, sợi dây liên đới nối kết bao thế hệ quá khứ với thế hệ hiện tại cùng mối liên hệ giũa những lớp người còn sống. Mối liên hệ nầy không chỉ vì tình thương huyết thống, dòng họ mà còn cả về công nghiệp, về thành quả dựng xây được lưu truyền và tiếp tục được kế thừa qua lịch sử.  Ca dao VN có câu : « Non cao ai đắp mà cao, Sông sâu ai xới ai đào mà sâu ». Non kia, sông nọ, nơi đây trong ý nghĩa gần gũi, chỉ đất nước, non sông do công nghiệp lâu dài, bền bĩ của bao đời tích tụ đến hôm nay, không chỉ về mặt vật chất mà còn là cái truyền thống văn hóa đã gìn giữ cuộc sống chung hài hòa, tốt đẹp lưu truyền từ quá khứ mà nay ta được thụ hưởng. Tất cả đều là di sản của tiền nhân, của ông bà, bao trùm lên tất cả là cái nguồn gốc xa xưa từ khởi thủy của giống nòi. Ðạo Ông Bà biểu hiện tấm lòng biết ơn, quí trọng cùng trách nhiệm, bổn phận và ý chí gìn giữ, kế thừa cùng phát huy cái di sản tốt đẹp đó.
            Một khía cạnh khác, Đạo Ông Bà còn nối kết giữa người với người trong hiện tại và tương lai về sau. Gia đình, dòng họ, giữ được mối tương giao hòa thuận, thân ái, gắn bó trong thương yêu, đùm bọc, tôn trọng nhau thì tổ tiên, ông bà đang còn sống hay đã qua đời sẽ rất vui lòng, sung sướng khi nghĩ tới con cháu đầy đàn và trưởng thành, nên người trong tương lai . Cha mẹ hiền lành để đức cho con, và để phúc cho con, trong khi “cha ăn mặn thì con khát nước
            Sau cùng, Ðạo Ông Bà còn thể hiện hướng vọng về Cội Nguồn. Cội nguồn dân tộc là Cha Rồng mẹ Tiên, Hai chữ Ông-Bà đại diện cho Nam và Nữ, Âm và Dương là 2 yếu tố cấu tạo vũ trụ và con người..Trong minh triết Việt, Hai yếu tố Dương và Âm chính là nguồn gốc sinh ra vạn vật. Thái Cực là “Một” nguyên khởi đã sinh ra Âm Dương là Luỡng Nghi, tác động nhau qua thời gian, sinh thành vạn vật tức vũ trụ hiện tượng. Thế nên, đạo ông bà cũng đưa chúng ta suy niệm về nguồn gốc vũ trụ và con ngời.. Riêng văn hóa Việt Nam, Rồng Tiên chính là cội nguồn dân tộc, bởi lẽ từ đó đã đẻ ra bọc mẹ trăm trứng nở ra trăm con, lan tỏa ra tận cùng núi cao biển rộng..
            Với những tính chất trên, tín ngưỡng không tôn giáo, liên tục lịch sử giữa các thế hệ, hướng vọng về nguồn và thực hiện ngay trong hiện tại mối tương giao thuận hảo giữa người và người, ta có thể nói ‘Ðạo Ông Bà’ chính là ‘Ðạo Sống’ vừa tâm linh vừa thực tiễn của con người.
            Xác quyết như thế, hẳn nhiên, chúng ta phải nghĩ tới sứ mệnh bảo tồn Đạo Ông Bà như một di sản văn hóa truyền thống, thay cho chủ trương phá sản văn hóa dân tộc của của cộng sản hôm nay. Những nét đẹp truyền thống của Đạo Ông Bà  như  thờ cha kính mẹ, tiếp nối lịch sử, nối kết thế  hệ, tìm về cội nguồn, phải đuợc phục hồi, thay cho tình trạng phá sản văn hóa,  đánh mất gia tài của mẹ hôm nay.



No comments:

Post a Comment