Wednesday, September 21, 2016

CHỦ QUYỀN VÀ NIỀM TỰ HÀO DÂN TỘC

CHỦ QUYỀN VÀ NIỀM TỰ HÀO DÂN TỘC
 
                                                                                               Ngô Quốc Sĩ
            Chủ quyền và niềm tự hào dân tộc thường đi đôi với nhau như hình với bóng. Một nước có chủ quyền thì dân nước đó thường có niềm tự hào về dân tộc mình, tiêu biểu như ông Trump, ứng cử viên Tổng Thống Mỹ của đảng Cộng Hòa đang nêu cao khẩu hiệu “America First” để vận động tranh cử.  Trái lại một nước mất chủ quyền thường làm cho dân tộc nước ấy cảm thấy nhục nhã, tiêu biểu như Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã biểu lộ cảm thức tủi hổ phải mang hộ chiếu Việt Nam.


          Những diễn biến quốc tế trong giai đoạn vừa qua đã phản ảnh một khía cạnh khá lý thú trong ý niệm chủ quyền và niềm tự hào dân tộc.
          Trước hết, phải nói đến cuộc tiếp đón Tổng Thống Hoa Kỳ tại Hàng Châu khi ông Obama dẫn phái đoàn sang tham dự hội nghi Thượng Đỉnh G-20 tại Trung Quốc. Theo thủ tục ngoại giao, quốc gia chủ nhà thường trải thảm đỏ để nghênh đón các vị thủ lãnh quốc gia khác đến viếng thăm quốc gia mình. Tại sân bay Hàng Châu, Trung Quốc cũng đã theo thông lệ, trải thảm đỏ nghênh đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Tổng thống Brazil Michel Temer, Thủ tướng Anh Theresa May, nhưng lại không trải thảm đỏ tiếp đón ông Obama là vị Tổng Thống Hoa Kỳ được coi là siêu cường số một của thế giới. Ông Obama đã phải xuống thang cửa hậu được  báo chí gọi một cách mỉa mai là “Ass door” để bước xuống phi trường trước sự ngạc nhiên của mọi người! Thêm vào đó, bà Cố Vấn An Ninh Susan Rice cũng bị ngăn chặn và quát mắng khi tiến về đoàn xe hộ tống! Rõ ràng Uy tín của Obama bị nhục mạ và niềm hãnh diện của Hoa Kỳ cũng bị tổn thương nặng nề. Phân tích sự kiện, nhiều người cho rằng, đây chính là chiêu thức trả đũa Tập Cận Bình dành cho Obama khi nhà lãnh đạo Hoa Kỳ lên tiếng chỉ  chỉ trích  mộng làm chủ Biển Đông của Trung Quốc và nhất là thái độ ủng hộ phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế La Haye phủ nhận đường lưỡi bò 9 đoạn của Bắc Kinh. Lời qua tiếng lại là chuyện bình thường trên diễn đàn quốc tế, nhưng sự kiện Tập Cận Bình làm nhục Obama và Susan Rice chứng tỏ, một đàng, Trung Quốc đang thách đố Hoa Kỳ, coi thường chính quyền Obama, đúng như tờ Guardian của Anh dẫn lời cựu đại sứ Mexico ở Trung Quốc Jorge Guajardo nói rằng “Việc đón tiếp ông Obama như vậy là có tính toán. Những thứ này không xảy ra một cách vô tình. Không phải với người Trung Quốc. Đó là một sự sỉ nhục,  là một cách để nói “anh không đặc biệt đến thế với tôi”. Thật đáng trách về ngoại giao; Nhưng xét kỹ,Trung Quốc đã muốn chứng tỏ chủ quyền và niềm tự hào dân tộc của quốc gia chủ nhà đúng như lời một quan chức Trung Quốc quát mắng một ký giả Mỹ “"Đây là đất nước của chúng tôi. Đây là sân bay của chúng tôi"
          Một sự kiện khác cũng không thể bỏ qua, là lời Tổng Thống Phi Luật Tân Duterte mắng nhiếc Tổng Thống Mỹ Obama. Sự thể là hai vị lãnh đạo dự kiến gặp mặt  bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Lào. Nhưng khi một phóng viên hỏi ông dự tính sẽ trả lời ông Obama về các vụ giết hại không qua xét xử như thế nào, thì ông Rodrigo Duterte đã nổi giận, cảnh báo Tổng thống Obama không nên chất vấn ông về chuyện này, nếu không thì, “đồ chó đẻ, tôi sẽ chửi vào mặt ông”. Duterte khẳng quyết, ông là lãnh đạo của một quốc gia có chủ quyền và chỉ trả lời chất vấn của người dân Philippines. “Chiến dịch chống ma túy sẽ tiếp diễn. Còn rất nhiều người sẽ phải chết, sẽ bị giết cho tới khi kẻ buôn ma túy cuối cùng không còn trên đường phố. Chúng ta sẽ tiếp tục cho tới khi kẻ sản xuất ma túy cuối cùng bị giết chết, và tôi sẽ tiếp tục, tôi cóc quan tâm xem mọi người nghĩ gì về hành vi của tôi.”
          Tiếp sau những lời mắng chửi nặng nề đó, ông Duterte đã ra lệnh cho lực lượng biệt kích Mỹ rút khỏi Phi Luật Tân, và hủy bỏ các cuộc thám sát biển Đông chung giữa Phi và Mỹ. Nhiều người chỉ trích ông Duterte về những xâm phạm nhân quyền và thái độ lỗ mãng của ông đối với Obama. Nhưng nhìn từ một góc cạnh khác, ông Duterte cũng có cái khẳng khái của một người ý thức mạnh mẽ về chủ quyền và niềm tự hào dân tộc, không muốn thế lực ngoại bang xía vào nội bộ nước mình.
          Còn một sư kiện khác cũng rất đáng nói, là thái độ thách đố của Thủ Tướng Do Thái Netanyahu đối với Tổng Thống Obama. Do Thái là một đồng minh gắn bó lâu đời của Hoa Kỳ. Nhưng chính quyền  Obama đã tỏ ra không mấy thân thiện với Do Thái, làm cho mối căng thẳng dâng cao. Obama đã chỉ trích thái độ cứng rắn của Thủ Tướng Netanyahu đối với Palestin, nhất là Obama đã bất chấp những khuyến cáo của Do Thái, nhất quyết nhượng bộ Iran trong thỏa uớc nguyên tử, hoàn  toàn bất lợi cho nền anh ninh Do Thái và thế giới. Trước tình thế tế nhị đó, Thủ Tướng Netanyahu đã phớt lờ, đến thuyết trình trước luỡng viện Mỹ mà không cần đếm xỉa đến Obama. Ông còn khẳng quyết, Do Thái sẽ làm bất cứ gì để bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ Do Thái. Thái độ của Netanyahu, tuy có vẻ diều hâu, nhưng cũng thể hiện ý thức chủ quyền và niềm tự hào dân tộc của Do Thái. Nhờ thế, Do Thái mới có thể tồn tại giữa khối Ả Rập thù nghịch.
          Nhìn về Việt Nam, chúng ta càng hãnh diện về quá khứ dân tộc bao nhiêu, thì lại càng tủi hổ với hiện tại đất nước bấy nhiêu.Trong qúa khứ, cha ông chúng ta đã thể hiện ý thức tự chủ và niềm tư hào dân tộc tuyệt vời. Lý Thường Kiệt đã công bố bản Tuyên Ngôn Độc Lập xác quyết “Nam quốc sơn hà Nam đế cư, tiệt nhiên định phận tại thiên thư”. Còn Trần Bình Trọng đã để lại một di ngôn bất hủ “Thà làm qủy nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Tiếp tục truyền thống tôn trọng chủ quyền đó, ông Ngô Đình Diệm đã từ chối lời mới của Vua Bảo Đại làm Thủ Tướng, vì không muốn bị người Pháp khống chế, và sau này ông cũng đã nhất quyết không chấp nhận cho Hoa Kỳ đem quân chiến đấu vào Việt Nam, đưa đến kết qủa thảm khốc, là chế độ đệ nhất Cộng Hòa đã bị giật sập và anh em Diệm Nhu đã bị thanh toán một cách  dã man!
          Trái ngược với truyền thống hào hùng đó, hôm nay cộng sản Việt Nam đã nhẫn tâm đánh mất chủ quyền đất nước và niềm tự hào dân tộc qua chủ trương dâng hiến lãnh thổ, biển đảo và tài nguyên cho kẻ thù phương Bắc! Hoàng Sa Trường Sa không còn. Bản Giốc và Nam Quan cũng bị chia cắt, Bình Dương, Vũng Áng  đã lọt vào tay giặc. Việt Nam có thể trở thành một tỉnh bang của Thiên Triều, thêm ngôi sao thứ 6 vào lá cờ 5 sao của Trung Quốc! Ai chịu trách nhiệm về tình trạng nhục nhã này? Hỏi tức là trả lời. Một khi còn bóng dáng cộng sản trên mảnh đất chữ S, thì không những chủ quyền và niềm tự hào dân tộc không còn, mà con người Việt Nam cũng biến mất và Tổ Quốc Việt Nam cũng mãi trầm luân dưới vực thẳm!


No comments:

Post a Comment