Friday, October 20, 2017

THANH NAM TỪ SẦU TÌNH ĐẾN SẦU ĐỜI

THANH NAM
TỪ SẦU TÌNH ĐẾN SẦU ĐỜI
                                                   Ngô Quốc Sĩ
           Thanh Nam tên thật là Trần Đại Việt, quê làng Mỹ Trọng, tỉnh Nam Định. Mới 15 tuổi, Thanh Nam đã được tờ báo Thiếu Nhi tại Hà Nội đăng thơ và mời cộng tác. Ông cũng viết một số Sách hồng cho nhà xuất bản Văn Hồng Thịnh

          Thanh Nam vào Sài Gòn năm 1953, và chỉ sau mấy tháng, được mời làm Tổng Thư ký báo Thẩm Mỹ, viết truyện ngắn, truyện dài, bình thơ..
          Năm 1960, ông hợp tác với nguyệt san Hiện Đại do Nguyên Sa và TháiThủy chủ trương, và cùng Đinh HùngVũ Hoàng ChươngTô Kiều Ngân phụ trách chương trình thơ nhạc Tao Đàn trên Đài Phát Thanh Sài Gòn, Đài Quân Đội,
          Ông di tản sang Hoa Kỳ năm 1975, tạm cư tại New Jersey, rồi dời về Seattle, tiểu bang Washington. Ông cộng tác với tờ Đất Mới do Vũ Đức Vinh sáng lập, giữ chứcTổng Thư Ký rồi Chủ bút. Ông phụ trách nhiều mục văn học nghệ thuật, ký thêm nhiều bút hiệu nữa như Việt Trần, Viễn Khách, Tiểu Lưu Linh, Đồ Say…
          Ông đã cho xuất bản nhiều tác phẩm     giá trị, như Hồng Ngọc,   Buồn ga nhỏGiấc ngủ cô đơn, Còn một đêm nay, Cho mượn cuộc đời  Bầy ngựa hoang, Những phố không đèn,  Mấy mùa thương đau,  Xa như dĩ vãng,  Gã kéo màn,  Đất khách ..
          Thơ Thanh Nam luôn phảng phất một mối sầu, vừa sầu tình, vừa sầu đời, nhưng da diết nhất là sầu xa xứ. Với tâm hồn đa sầu đa cảm, Thanh Nam đã trải vào thơ một nỗi buồn man mác, một nỗi sầu thấm thía của người con gái phải giã từ người yêu để bước lên xe hoa:
                   Mai mốt em sầu như dáng liễu 
                   Pháo hồng làm bạn với xe hoa 
                   Rưng rưng mắt lệ em thầm nói 
                   Thôi nhé, thôi rồi chuyện chúng ta 
          Nói là thôi rồi, thôi nhé, nhưng lòng vẫn vấn vương.  Vui hưởng hạnh phúc bên chồng bên con, nhưng vẫn không thể quên hình bóng người tình xưa khi chiều xuống trăng lên:

                   Mai mốt đời em vui hạnh phúc
                   Bên chồng, bên một đứa con ngoan
                   Rồi khi chiều xuống trăng lên ấy
                   Giở áo em ngồi lặng lẽ đan 
                Mất người yêu, tưởng tượng nguời yêu còn nhớ mình, và mình cũng mãi mãi ấp ủ hình bóng người yêu cũ, đầy nhớ thương, rồi gọi tên em trong mộng mị:
                   Ta gọi em thầm em gái ơi
                   Chiêm bao toàn những chuyện                                     phương trời
                   Hờn lên ly rượu miền gai lửa
                   Chợt thấy em sầu lệ đẫm rơi

           Đó là sầu tình. Còn mối sầu đời của Thanh Nam cũng thật man mác. Nhà thơ đã  nhìn thấy cuộc đời như một cuộc hí trường, chỉ vỏn vẹn có 2 nhân vật, em là diễn viên, tác giả là khán giả. Đó chính là hình ảnh trường đời vắng vẻ cô đơn:
                   Đêm nay Nhạc Hội có hai người
                   Ca sĩ là em, khán giả tôi.
                   Sân khấu mượn ngay đời rộng lớn
                   Phông, màn đã sẵn cỏ hoa tươi. 
          Phận người là thế! Đời người là điệp khúc sầu và nhà thơ phải ngụp lặn trong điệp khúc tang thương đó, từ nhiều ngả thương đau, và  chỉ còn biết tìm khuây khỏa trong men tình đã mất:
                   Ta lãng du trong điệp khúc sầu
                   Khởi hành từ những ngả thương đau.
                   Nét son nhoà lệ môi còn ấm
                   Những nụ hôn đầy hạnh phúc trao. 
          Nỗi mất mát lớn lao trong tình yêu, nỗi buồn man mác về cuộc đời, cũng chưa thấm thía bằng nỗi hận mất nước. Thanh Nam đã ấp ủ mối hận vong quốc như thể vết thương mãi còn rỉ máu:
                   Ta như giông bão tan rồi hợp
                   Trôi dạt còn hơn sóng đại dương
                   "Lận đận bên trời chung một lứa"
                   Say càng chua xót, tỉnh càng thương! 
          Nhà thơ đã muốn bắt chước người xưa tìm quên trong men ruợu, uống và say cho bớt cuồng nộ chốn lưu đày:
                   Uống đi! Uống cạn cơn cuồng nộ!
                   Rót hết cho nhau những bẽ bàng.. 

                   Rót hết cho nhau những bẽ bàng
                   Những buồn cơm áo, nhục tha hương
                   Bốn năm đã thấm trò dâu biển
                   Một cõi lưu đày rộn nhiễu nhương
       
          Oái oăm thay! Càng rót, càng uống, thì lại càng thấm thía nỗi đau mất nước. Như  chim gãy cánh, tác giả buộc phải cúi đầu chấp nhận số phận mà nuối tiếc một thời vàng son:
                   Chim bỏ trời xanh đau cánh gẫy
                   Ngựa lìa chiến địa nhớ yên cương
                   Mượn men tủi hận làm phong vũ
                   Mơ thuở đầu xanh dựng tuổi vàng 
                Qúa khổ đau, tác giả đã gào như tiếng thét của một cuồng sĩ với nỗi u uất tột cùng:
                   Dằn chén, lòng đau, thương tích rợn
                   Gào lên da thịt xích xiềng vang
                   Bàn tay bất lực che ngang mặt
                   Người ơi! Người ơi! Sao đoạn                                       trường!
 
          Khi cơn cuồng nộ lắng xuống, nhà thơ cố trầm tĩnh nhìn lại chính mình, nhưng càng cố quên lại càng nhớ rõ mồn một hình bóng người chiến sĩ trong binh giáp ngày nào:
                   Khép mắt cố quên đời chiến sĩ 
                   làm thân cây cỏ gục ven bờ 
                   chợt nghe từ đáy hồn thương tích 
                   vẳng tiếng kèn truy điệu mộng xưa 
          Thương mình lận đận, thương nước điêu linh, thương nòi bị cộng sản đày đọa, rồi thương tự do rẫy chết tức tưởi do bàn tay lũ bạo cường:

                   Canh bạc chưa chơi mà hết vốn
                   Cờ còn nước đánh phải đành thua
                   Muốn rơi nước mắt khi tàn mộng
                   Nghĩ đắt vô cùng giá Tự Do! 
          Để lấp kín nỗi sầu xa xứ, tác giả chỉ còn biết tìm về qúa khứ, ôn lại những kỷ niệm yêu dấu thời ấu thơ tại quê nhà:
                   Ôi! cố hương xa nửa địa cầu 
                   Nghìn trùng kỷ niệm vẫn theo nhau 
                   Đâu đây trong khói trầm thơm ngát 
                   Hiện rõ trời xuân một thuở nào 

                   Thấy lại con đường tuổi ấu thơ 
                   Cỏ mềm nhung biếc đón chân tơ 
                   Cành non lộc mới ngang tầm mắt 
                   Trang sách thần tiên bụi chửa mờ 
          Thế là hy vọng đã chớm nở. Trong dĩ vãng buồn, đã hé nụ một mùa xuân, có hoa đào thắm, có khói trầm hương. Đó là mùa xuân dân tộc khi búa liềm đã rơi xuống, cờ đỏ bị cuốn trôi, chỉ còn những nẻo đường đất nước trải dài mộng mơ:
                   Trong góc hồn đau dĩ vãng buồn
                   Vẫn còn xanh ngát cõi xuân non
                   Tưởng như khói pháo chưa mờ nhạt
                   Trên lối hoa đào trải mộng thơm 


          Nay tuổi đã cao, “Tuổi già ví tựa thân tơ mỏng ,Cuộc sống trăm cơn gió bạo cuồng!” không biết tác giả có còn được diễm phúc nhìn thấy “hoa đào trải mộng ngát thơm” trên quê hương yêu dấu  không, nhưng chắc chắn mùa xuân dân tộc sẽ đến một ngày không xa..

No comments:

Post a Comment