MẸO VẶT
Bùi Quang Vơm
Hội
nghị TƯ 6 kết thúc buồn tẻ. Bài diễn văn bế mạc của ông Tổng bí thư rời rạc, trống
rỗng. Chuyện kiểm điểm tình hình kinh tế là chuyện muôn thuở, chả phải đợi đến
Hội nghị TƯ để thảo luận, mà có đến Đại hội lần sau, thì cũng chỉ có «ba khâu đột
phá», nhưng chẳng làm được gì khác. «Định hướng» nhưng lại muốn thiên hạ nhận
là «Thị trường», có đến vài ngàn Hội nghị Trung ương nữa thì vẫn vậy.
Giữa
lúc Ngân sách thiếu hụt triền miên, «nợ công nếu tính đủ đã vượt trần», nền Tài
chính Quốc gia có triệu chứng sụp đổ, chuyện bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ dân
chúng chỉ là chuyện nói cho vui, lừa bịp mị dân hoặc tung khói che đậy việc gì
đó khuất tất, kiểu dương Đông kích Tây.
Nội
dung chính, nội dung chủ yếu được Bộ chính trị giao thành «Đề án để báo cáo Hội
nghị TƯ 6» từ tháng 10 năm 2016 là đề án «cải cách tổ chức nhằm tăng cường hiệu
lực và hiệu quả sự lãnh đạo của đảng» mà nhiều người gọi toạc ra tên của nó là
«Nhất thể hoá thể chế», loại bỏ các tầng nấc trung gian, đưa đảng tới trực tiếp
với quyền lực. Nhưng cuối cùng lại được đưa vào chương tình ở vị trí thứ tư, với
cái tên «Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống
chính trị» như một việc xưa nay vẫn đang làm, chả mấy quan trọng, và được
ghép thêm vào chương trình, như kiểu tiện thể, tranh thủ.
Trong lời bế mạc, ông Trọng cũng nói lấp
lửng: «...Ví dụ như: Kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây
Nguyên, Tây Nam Bộ. Tổ chức lại Đảng bộ Ngoài nước và Đảng bộ Bộ Ngoại giao. Sắp
xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới hoạt động của các ban bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ
cán bộ. Đẩy mạnh xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh
nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài nhà nước. Cơ bản thực hiện mô hình bí
thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân; thực hiện bí thư cấp uỷ đồng
thời là chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã những nơi có đủ điều kiện.
Tăng cường phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với xây dựng cơ chế kiểm soát quyền
lực và kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Rà soát, sắp xếp giảm các ban chỉ đạo, ban
quản lý dự án và các cơ quan phối hợp liên ngành cho phù hợp. Các bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ rà soát, chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ công cho doanh
nghiệp, người dân đảm nhiệm. Tiếp tục hoàn thiện thể chế về chính quyền địa
phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo,
đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức
hoạt động gắn với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối, tinh giản biên
chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ chuyên trách của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể
chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp…»
«Cấp
uỷ đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân, bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch
huyện, xã». Đây chính là linh hồn của Đề án Nhất thể hoá, nhưng lại chỉ được
nhắc đến như một việc vặt trong hàng loạt công việc khác, thậm chí rất quan trọng,
như việc «Kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ».
Hội
nghị Trung ương 6, với nội dung chờ đợi là Hội nghị Nhất thể hoá, đã bị biến dạng.
Người ta đã tưởng ông Trọng thất bại. Nhưng không. Cho dù Nhất thể hoá đợt này
mới chỉ hai phần, nhưng là hai phần mấu chốt, hai phần quyết định. Nó chứa đựng
một cuộc cải cách có thể làm đảo lộn bản chất chế độ. Ông Trọng đã «dụng mẹo» để
vẫn đúng như ý mà không hề nói đến hai chữ «nhất thể», vì hai chữ này đã bị lộ
là chiến dịch đảng tràn sang chính quyền.
Sẽ
không còn Hội đồng Nhân dân
Dù
ông Trọng lập lờ với những từ «những gì đã chín», «ở những nơi đủ điều kiện»,
nhưng ai cũng biết, khi đã đưa vào kết luận của Hội nghị Trung ương, thì tính
chính danh đã được giải quyết. Những gì sẽ xảy ra tới đây, coi như trung ương
đã nhất trí.
Tới
đây, Bí thư cấp uỷ, nghĩa là từ Tỉnh uỷ, Thành uỷ sẽ đương nhiên là Chủ tịch Hội
đồng Nhân dân - một loại cơ quan giống như Quốc hội nhưng của địa phương. Đại
biểu của dân không phải bầu ra Chủ tịch hội đồng của mình nữa. Cho dù dưới chế
độ dân chủ giả hiệu, Hội đồng thực chất chỉ là vật trang trí, bù nhìn, nhưng
bây giờ, ngay cả việc khoác chiếc áo giả dân chủ ấy cũng thành thứ khó chịu, nó
làm cho đảng cứ phải qua ông Hội đồng mới nắm mà nắn được chính quyền.
Từ
nay, quyết định của Bí thư không phải là đề nghị Hội đồng xem xét và bỏ phiếu nữa.
Nghĩa là cơ cấu các cơ quan hành pháp của chính quyền địa phương, từ Chủ tịch,
phó Chủ tịch Uỷ ban tới các Ban, Sở, sẽ do Bí thư trực tiếp bổ nhiệm, phân công
hoặc chỉ định. Cũng có nghĩa rằng, nếu Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân buộc phải là một
người khác Bí thư, thì quyền lực thực tế vẫn nằm trong tay Bí thư, vì đã bổ nhiệm
được thì phế truất được, đó là quy tắc. Ông Chủ tịch theo cơ cấu là Phó bí thư,
nguyên tắc Tập tung dân chủ không cho phép ông làm khác nghị quyết hay chỉ thị
của Bí thư, một dạng nghị quyết «sống», nghị quyết chưa được viết thành văn bản.
Hội
đồng nhân dân cấp Huyện, Xã xưa nay chỉ để làm vì, bầu ra chỉ để có người ngồi
chơi ăn lương, hầu hết các địa phương dù không tuyên bố nhưng trên thực tế đã từ
lâu, không còn hoạt động.
Như
vậy, sau Hội nghị Trung ương 6, một tầng nấc trung gian giữa đảng và chính quyền
từ cấp tỉnh trở xuống sẽ chính thức biến mất. Sẽ không có chuyện đảng uỷ cấp tỉnh
phải đề cử cán bộ và giới thiệu qua Hội đồng nhân dân để được bầu theo kết quả
hiệp thương với Mặt trận Tổ quốc cấp Tỉnh.
Cán
bộ thuộc khối Hành pháp sẽ do đảng uỷ trực tiếp sắp xếp và phân công. Không còn
loại quan chức dân cử, dù giả hiệu. Điều này có ý nghĩa là bớt đi được một loại
Đại hội đại biểu không ít tốn kém và xoá bỏ một bộ phận quan chức vô công rồi
nghề. Ý chí của đảng, hay sự lãnh đạo của đảng sẽ không còn phải qua tầng nấc
trung gian nào, sẽ có hiệu lực trực tiếp. Nhưng điều này cũng có nghĩa rằng, nếu
người cầm đầu bộ máy, tức là ông Bí thư Tỉnh uỷ yêu ai và ghét ai, thì toàn bộ
hệ thống hành pháp tỉnh biến dạng theo tinh thần đó. Và trường hợp ông tha hoá,
ông sẽ biến bộ máy thành hệ thống tham nhũng toàn phần, chẳng hạn nếu cần tiền,
thì ông có thể lập ra một hệ thống biển thủ khép kín, bất khả phát hiện, bất khả
công phá, giống Sài Gòn thời ông Lê Thanh Hải.
Không
có cơ chế Tư pháp độc lập, nếu kết luận của Hội nghị này mở rộng ra cho toàn quốc,
tình trạng tham nhũng, không nghi ngờ gì, sẽ lan ra toàn hệ thống và sẽ không một
thế lực nào ngăn chặn được.
Hai
kịch bản
Tuy
vậy, có hai cách để đi đến nhất thể hoá các chức danh bên đảng với chức danh
tương ứng bên chính quyền.
Bỏ
cơ quan dân cử trung gian, Bí thư đảng trực tiếp kiêm chức Chủ tịch Uỷ ban Nhân
dân. Các ban ngành thuộc uỷ ban sẽ do Ban chấp hành đảng bộ bầu hay phân công
trong nội bộ đảng. Đại hội đảng bộ sẽ theo chức năng quản lý hành chính và hành
pháp bên chính quyền để bầu ra các vị trí tương ứng cho Ban chấp hành. Mỗi
thành viên của ban chấp hành trúng cử đều đương nhiên đảm nhận chức vụ bên
chính quyền. Hai bộ máy đã thành một.
Ở
cấp Trung ương, Tổng bí thư không bầu theo tiêu chí lý luận mà theo chương
trình hành động. Người trúng cử Tổng bí thư tất yếu kiêm chức Nguyên thủ quốc
gia, đứng đầu Nhà nước. Đại hội đảng bầu ra Ban chấp hành có cơ cấu phù hợp
tương ứng với các nhiệm vụ do chương trình của Tổng bí thư - Chủ tịch nước đặt
ra. Ban chấp hành gồm tất cả các thành viên của chính phủ. Thủ tướng đồng thời
là Phó tổng bí thư, do Tổng bí thư giới thiệu và Ban Chấp hành bầu.
Đây
là phương án độc đảng toàn trị. Quốc hội sẽ dần biến mất như Hội đồng nhân dân
các cấp. Chế độ chính trị là một chế độ độc tài độc đảng chuyên chế. Đại hội đảng
là cơ quan quyền lực cao nhất của Quốc gia, thay thế và kiêm nhiệm chức năng của
Đại hội Quốc dân (Quốc hội).
Kịch
bản thứ hai theo chiều ngược lại. Tất cả các cơ quan dân cử, như Hội đồng nhân
dân xã, huyện, tỉnh và Quốc hội bầu ra các Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp và
Chủ tịch nước ở cấp Trung ương. Theo lý thuyết đảng của toàn dân cộng với một
chế độ bầu cử trung thực, các thành viên trúng cử do chiếm uy tín và tin cậy của
dân, đương nhiên trở thành người giữ chức vụ cao nhất tương ứng trong đảng. Chủ
tịch xã đương nhiên kiêm chức Bí thư xã. Chủ tịch huyện, Chủ tịch tỉnh đồng thời
là Bí thư huyện, và Bí thư đảng bộ tỉnh. Quốc hội cả nước bẩu ra Chủ tịch nước,
và Chủ tịch nước, tự động giữ chức Tổng bí thư đảng.
Theo
phương án này, tất cả mọi cơ quan đều thông qua dân cử. Đại hội công dân từ cấp
xã tới Trung ương bầu ra tất cả các cơ quan cần thiết của Chính quyền các cấp
và của Chính phủ trung ương. Đại hội đảng trở thành một hoạt động có tính tượng
trưng tinh thần, chuyển chương trình hành động của Chủ tịch nước đắc cử, thành
nghị quyết Trung ương đảng, chuyển các chức danh do Quốc hội bầu thành các chức
danh tương ứng trong đảng. Đây là chế độ Dân chủ nhất nguyên. Một đảng nhưng
lãnh đạo quốc gia thông qua dân cử.
Điều
đáng phải lo sợ
Thực
chất, Hội nghị Trung ương 6 đã quyết định bỏ Hội đồng nhân dân tới cấp tỉnh,
nhưng ông Trọng lấp lửng với cách gọi chung chung «cấp uỷ». Với cấp Huyện, Xã
thì «thực hiện» nhưng cao hơn tức là cấp Tỉnh, Thành, thì «Cơ bản thực hiện mô
hình».
Tại
sao Nhất thể hoá là một chủ trương lớn được nghiên cứu từ nhiều kỳ đại hội, đến
đại hội lần thứ XI đã được chỉ đạo thí điểm tới cấp tỉnh tại Quảng Ninh, và tới
đại hội XII đã được giao thành Đề án quốc gia, do Bộ chính trị trực tiếp chỉ đạo,
nhưng không được tổng kết, không có nghị quyết trước khi đưa ra thảo luận và kết
luận tại Hội nghị trung ương?
Ngày
27/3/2017, đoàn giám sát của Quốc hội về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà
nước giai đoạn 2011 - 2016, đã có chuyến kiểm tra, đã trực tiếp nghe báo cáo của
lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, nhưng đoàn kiểm tra của Quốc hội khi đó đã không đưa
ra được kết luận, và phản ánh của Quốc hội chắc chắn đã không được Bộ chính trị
đồng tình.
Có
hai vấn đề bị bỏ lửng sau đợt kiểm tra:
1-
Kiểm soát quyền lực như thế nào khi gộp mọi quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp
vào trong tay một người?
2-
Khi Bí thư và Chủ tịch do một người nắm, thì Chủ tịch được dân bầu sẽ kiêm Bí
thư, hay Bí thư do đảng bầu sẽ kiêm Chủ tịch?
Hai
câu hỏi này không thấy được giải đáp, đồng thời việc Tổng kết chương trình thí
điểm không được nhắc đến nữa. Điều này cho thấy, những người chủ trương nhất thể
hoá không quan tâm tới chuyện trong tình trạng không có cải cách tư pháp, nhất
thể quyền lực tất yếu dẫn đến tham nhũng, mà họ chỉ lấy việc nắm quyền trực tiếp
của đảng làm mục đích.
Ngày
4-8-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 89 và
90-QĐ/TW với tham vọng nhốt quyền lực vào khuôn khổ đạo đức để đảng kiểm soát.
Với Quy định này, đảng viên giống như đàn chuột bị nhốt trong lồng, quyền giám
sát và sinh sát nằm trong tay Bộ chính trị và Ban bí thư.
Ngày
7/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 98-QĐ/TW của Bộ
Chính trị về luân chuyển cán bộ. Từ nay, tất cả mọi sự luân chuyển cán bộ,
nghĩa là lên hay xuống, ở Trung ương hay ở địa phương, không còn do cơ sở quyết
định, tự tung tự tác nữa. Quyền luân chuyển, bố trí, đề bạt, thay đổi, thuộc về
cấp quản lý trực tiếp, nghĩa là từ cấp viên uỷ viên Trung ương, sẽ do Bộ chính
trị và Ban bí thư quyết định.
Hai
văn bản này được cho là hai cái gậy để xử lý Nhất thể hoá. Bất cứ sự phản kháng
nào đều sẵn sàng bị vô hiệu hoá.
Như
vậy, ông Trọng và những người cùng cánh với ông trong Ban bí thư, đặc biệt là
ông Phạm Minh Chính, hoàn toàn ý thức được tầm quan trọng dẫn đến chuyển đổi chế
độ và tính chất vi phạm nghiêm trọng các quy chế dân chủ, nếu đào thải Hội đồng
nhân dân. Nó sẽ khởi đầu cho một thể chế độc tài toàn trị không che đậy, và bắt
đầu cho một hệ thống tham nhũng quốc gia.
Có
thể thấy, ít nhất là ông Trọng và ông Phạm Minh Chính đã tính hết mọi chuyện để
Nhất thể hoá trót lọt.
Thâu
tóm quyền lực, tập trung khả năng điều hành trực tiếp, tạo dựng các công cụ trấn
áp, nhưng được tiến hành một cách mờ ám, quanh co. Rõ ràng, đây là hành vi của
người có động cơ đen tối...
Đó
là điều đáng phải lo sợ.
13/10/2017
B.Q.V.
No comments:
Post a Comment