ĐẦU
KHÔNG ĐI
ĐUÔI
KHÔNG LỌT
Ngô Quốc Sĩ
Tục ngữ Việt Nam đã phản ảnh những kinh
nghiệm sống thực tiễn và chí lý của dân Việt, chẳng hạn, “Ông nói gà bà nói vịt”, “Treo đầu dê bán thịt chó” , “Đầu voi đuôi chuột” hay “Đầu đi đuôi lọt”.
Nhìn vào hiện thực Việt
Nam hôm nay, người ta nhận thức rằng, những câu tục ngữ nói trên đang ứng nghiệm
một cách thật sát nghĩa. Thật vậy, với bản chất đối trá và giáo điều của cộng sản
Việt Nam, cái đầu và cái đuôi ít khi ăn khớp với nhau, tạo nên tình trạng “Đầu
không đi mà đuôi cũng không lọt”. Nhiều khi người nói chẳng hiểu mình nói gì,và
người nghe cũng chắng hiểu thế nào. Có thể nói tại Việt Nam hôm nay, nguời ta
đang lâm vào bế tắc trong tư duy cũng như hành động, mà hà Sĩ Phu đã mô tả là
hiện thực “lọc ngược..”
Này nhé! Cộng sản Việt vẫn rêu rao
“Dân chủ cộng sản còn dân chủ hơn dân chủ Tây Phương cả ngàn lần” rồi chủ trương
“dân làm chủ, đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý”. Cái đầu-dân làm chủ thật khôi
hài, bởi lẽ cộng sản chủ trương độc tài toàn trị, vô sản chuyên chính, thì làm
gì có chuyện “dân làm chủ?” Nhất là khi cái đầu kỳ khôi đó lại móc thêm cái
đuôi “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý” thì rõ ràng là cái đuôi đã quật ngã cái
đầu, bởi lẽ một khi đảng lãnh đạo, nắm quyền sinh sát với bộ máy đàn áp do quân
đội và công an làm công cụ, thì thử hỏi làm sao còn kẻ hở cho dân chủ? Nhất là
một khi nhà nước quản lý, thì tài sản, bản thân và quyền lợi kể cả quyền sống đều
nằm trong tay nhà nước, thì người dân chủ đâu còn cơ hội làm chủ, và làm gì có
chuyện nhà nước triệt tiêu theo lý thuyết của Marx, đến nỗi Trần Mạnh Hảo phải tự hỏi “ Marx đã sai lần tại Việt Nam hay Việt nam
đã phản bội Marx?
Tiếp đến, cộng sản đang vỗ ngực hãnh diện với nền kinh
tế được gọi là “Kinh tế thị trường theo
định hướng xã hội chủ nghĩa”. Phân
tích cụm từ khó hiểu đó, nhiều nguời đã đưa ra những nhận định khá sâu sắc. Cái
đầu “kinh tế thị truờng” cột vào cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” thật là ngược đời
và bất thuận lý. Rõ ràng là kinh tế bị chính trị
hóa. Tiến sĩ Ngô Trí Long cho biết đây là một vấn đề đã bàn thảo rất nhiều lần
trong các nghị quyết Trung ương, nhưng cuối cùng vẫn “dậm chân tại chỗ”. Ông
đặt ra câu hỏi là Hiến pháp Việt Nam có qui định nền kinh tế nhà nước ở vai trò
nòng cốt, chủ đạo hay không? Theo ông“Trên
thế giới không có một đất nước nào mà dựa vào nền kinh tế doanh nghiệp nhà nước
mà phát triển một cách có hiệu quả cả. Nếu vẫn còn tư tưởng, suy nghĩ như vậy
thì tôi nghĩ khó có thể để cho nền kinh tế phát triển có hiệu quả và khả năng
tụt hậu ngày càng rõ.”
Ông
Long đã coi chính sách kinh tế của Hà Nội là
cái vòng luẩn quẩn: “Cái đấy chính là quanh quẩn cố níu
kéo cố bám lấy định hướng xã hội chủ nghĩa. Thế giới đã định hình rất rõ kinh tế
thị trường thuần tuý hay kinh tế thị trường xã hội. Nói chung đất nước nào mục
tiêu cũng làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh.”
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng
Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đưa ra những ý kiến khá xác đáng khi được hỏi Việt Nam cần phải làm để thúc đẩy sự phát
triển của nền kinh tế nước nhà. Ông nói: “Việt nam hiện nay đang đẩy mạnh
việc khởi nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển. Để doanh
nghiệp tư nhân có thể sinh và có dưỡng thì phải giảm những chi phí về tham
nhũng quyền hành của bộ máy nhà nước.”
Kết qủa, nền kinh tế Việt Nam đang tụt hậu,
chỉ vì kinh tế đang bị chính trị siết cổ. Cái đuôi -xã hội chủ nghĩa đang quật
ngã cái đầu- kinh tế thị trường..
Ngoài
ra cũng cần nói tới ý niệm đầu đuôi trong chính sách chống tham nhũng của tập đoàn
lãnh đạo cộng sản Việt Nam hôm nay. Nguyễn Phú Trọng đang lớn tiếng hô hào làm
sạch lãnh đạo bằng kế sách chống tham nhũng. Nhưng đó chẳng qua chỉ là “dấu đầu
lòi đuôi”, bởi lẽ chống tham nhũng chỉ là bình phong che đậy chủ trương thanh
trừng nội bộ để củng cố quyền lực. Càng
hô hào chống tham nhũng thì tham nhũng càng lan tràn. Qua đám mây mù chống tham
nhũng, Nguyễn Phú Trọng đã lần lượt loại bỏ những quan chức có khả năng chiếm mất
địa vị Tổng Bí Thư của ông, như Nguyễn Tấn Dũng, Trần Đại Quang, Đinh Thế
Huynh..Thế là Tổng Trọng được mệnh danh là “Trọng Lú” cứ an nhiên tự tại trên
ghế Tổng Bí Thư…
Buớc qua một hiện tượng đầu đuôi khác
cũng rất đáng để ý. Cộng sản Việt Nam và truyền thông lề phải trong nước vẫn
coi cuộc chiến tranh Việt Nam là cuộc nội chiến nồi da xáo thịt để đánh lừa thế
giới về ý đồ xích hóa thế giới của cộng sản quốc tế. Nhưng đáng quan tâm hơn là
một số người làm chính trị, làm truyền thông và kể cả một số bậc thức giả tại hải
ngoại cũng rập theo luận điệu tuyên truyền xảo trá đó, để coi cuộc chiến tranh
Việt Nam là “Cuộc nội chiến”. Người ta đã ghép cái đầu “Cuộc nội chiến” vào cái
đuôi “Ý thức hệ” làm cho cụm từ “ Cuộc Nội Chiến Ý Thức Hệ” trở thành vô nghĩa!
Thật vậy, đã gọi cuộc chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến “ý thức hệ quốc cộng” hay đúng hơn, “Ý thức hệ cộng sản-tự do dân chủ”
thì cuộc chiến tranh Việt Nam mang bản chất quốc tế. Chính cộng sản quốc tế giàn
dựng cuộc chiến tranh Việt Nam để cộng sản Bắc Việt là công cụ xâm lăng miền
Nam, đưa toàn cõi Việt Nam vào qũy đạo đỏ. Còn dân quân miền Nam cuơng quyết hy
sinh xương máu tự vệ và bảo vệ tự do dân chủ, với sự trợ giúp của đồng minh, đăc
biệt là Hoa Kỳ, thì đó là cuộc chiến bảo
vệ chính nghĩa quốc gia, ngăn chặn làn sóng đỏ tràn xuống Đông Nam Á. Thế là hiển
nhiên, không thể coi cuộc chiến xâm lăng của cộng sản miền Bắc theo lệnh Nga Tàu,
và cuộc chiến tự vệ của miền Nam tự do dân chủ là cuộc nội chiến. Cái đầu -nội
chiến đã bóp chết cái đuôi-ý thức hệ. Gọi cuộc chiến Việt Nam là nội chiến, chính
là bóp méo lịch sử, và đầu độc tư duy của con cháu chúng ta, hôm nay và mai
sau!
Tóm lại, đầu đi thì đuôi lọt. Nhưng một
khi đầu đuôi đối chọi nhau thì mãi sẽ mắc kẹt, và chỉ còn chết dần chết mòn đó thôi..
No comments:
Post a Comment