TRỒNG NGƯỜI.
Cách đây hơn hai ngàn năm, một chính trị gia lỗi lạc, ông
Quản Trọng, đã nói một câu bất hủ:“Muốn trồng cây phải mười năm; muốn trồng người phải
trăm năm.”
Cách đây tám mươi năm, Hồ Chí Minh (HCM) đã ăn cắp lại câu
nói đó làm như một ý tưởng riêng tư vĩ đại mà toàn dân dưới chế độ cộng sản
phải học tập từ đó đến nay. HCM đã có khoảng thời gian cần thiết để bắt
đầu trồng người.
Nay đã gần một trăm năm, những cây mà HCM trồng đã
nẩy chồi và đơm trái. Điều ngạc nhiên là những chồi trái đó lại chẳng… giống ai
và nói theo một tiếng thời thượng thì đó là những “trái lạ.” Chính
một nhân vật cộng sản sáng giá, ông Robert Hue, Tổng Bí Thư đảng cộng sản Pháp
cũng đã phải nhận xét:
“Chủ nghĩa cộng sản là một loại
cây kỳ diệu mà không hiểu sự tình cờ oái ăm nào khiến nó lại mọc ra toàn những
nấm độc.”
(Lời phát biểu của Robert Hue trong
chương trình truyền hình La marche du siècle ngày 7/11/1997 để
phản biện lại những tố cáo tội ác của chủ nghĩa cộng sản trong cuốn sách Le
Passé d’une Illusion của François Furet).
Những
trái lạ đầu tiên được nhận thấy là ở trong giới lãnh đạo. Nếu so với các nước
khác thì chính quyền Việt Nam gồm nhiều bằng cấp tiến sĩ nhất trên thế giới,
hơn cả Mỹ, hơn cả Canada và phần đông các nước văn minh khác. Đó là những tước
vị có được nhờ học hàm thụ, chuyên tu, tại chức (“dốt như chuyên tu, ngu như
tại chức“), lại còn thêm cái nạn bằng dổm, bằng giả đầy rẫy. Có vị chui vô
rừng khi mới 15 tuổi, khi chui ra thì có được bằng cử nhân luật (rừng!)
Có vị chưng tấm bằng tiến sĩ Mỹ mà chỉ học có một tuần lễ Mỹ và không biết
tiếng Mỹ!
Để khỏi áy náy với những tước vị khoa bảng, thỉnh thoảng
các vị đó cũng không quên nhả ngọc phun châu, để đánh thức toàn dân khỏi buồn
ngủ. Nguyễn Minh Triết nhận xét: “Khi
Việt Nam ngủ thì Cu Ba thức; khi Cu Ba ngủ thì Việt Nam thức,” để cho thấy
là mình đã qua được bậc tiểu học để biết rằng trái đất tròn và xoay quanh mặt
trời.
.
Nguyễn Phú Trọng thì không muốn mình
bị đánh đau nên phát biểu: “Đánh tham nhũng là tự đánh mình,” nên
đã giơ cao đánh khẽ.
Nguyễn
Tấn Dũng thì gọi tên Thủ tướng Pháp Jean Marc Ayrault bằng cách phiên âm tiếng
Việt là “Răng Ma Kê Rô” nghe phát âm như Jean maquereau (có
nghĩa là tên ‘ma cạo’ Jean), báo hại đài truyền hình Canal Plus chiếu
đi chiếu lại để mua vui cho khán giả Pháp được mấy tuần lễ.
Còn
thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đọc diễn văn trước Hội Nghị Quốc Tế về sông
Mékong đã biểu lộ kiến thức của mình qua mấy chữ “Cờ Lờ Mờ Vờ,” để rồi
từ đó ngoài cái danh hiệu “Ma dze in Vietnam,” ngài còn được tặng thêm
danh hiệu là “Thủ tướng Cờ Lờ Mờ….”
Dưới sự hướng dẫn của các đỉnh cao trí tuệ đó lẽ tất nhiên
những tầng lớp khác trong xã hội Việt Nam hiện tại cũng không ra ngoài
chữ “lạ.” Đừng ngụy biện rằng đó chỉ là trường hợp cá
thể, nhưng vì xảy ra thường xuyên thì đó là tấm gương phản ảnh lại cả một hiện
trạng xã hội. Sau đây là một vài trường hợp điển hình.
Người làm giám đốc chương trình văn hoá trên đài truyền
hình nhà nước với một cái tên tuyệt đẹp Ngọc Trinh lại là một tay ăn cắp tái
phạm nhiều lần ở nước ngoài. Nếu gọi không nhầm thì chức vụ này phải chăng là
để rao giảng thứ văn hóa… ăn cắp.
Một bác sĩ giải phẩu làm chết người thì lại đem vứt xác
bệnh nhân xuống sông Hồng giữa lòng thủ đô Hà Nội, chốn ngàn năm văn vật.
Những phụ nữ Việt Nam bị từ chối nhập cảnh vào Singapore vì
cảnh sát đã lùng bắt hằng trăm cô gái Việt Nam sang để làm gái điếm ở khu Joo
Chiat.
Cảnh sát Nhật đã lục soát trụ sở Hàng Không Việt Nam để
tịch thu những hàng ăn cắp và ở các siêu thị Nhật có yết bảng “Ăn cắp là tội
phạm” bằng tiếng… Việt Nam.
Ở Nam Phi, bí thư thứ nhất tòa đại sứ Việt Nam Vũ Mộc Anh
bị bắt quả tang vì tội buôn lậu sừng tê giác.
Ở Thụy sĩ, du khách Việt Nam tức là thuộc hạng khá giả, đã
bị bắt giữ vì tội ăn cắp trong siêu thị.
.
Chuyện kể còn dài dài,
càng kể càng nhục!
Trong khi đó thì ở trong nước những mần non đang phát triển
không được nhìn thấy một tương lai sáng sủa mà đang bị bịt mắt bịt tai và
bao quanh bởi những tệ nạn đầy rẫy. Đạo đức học đường càng ngày càng suy
thoái. Trong một nước mà thiên hạ đánh nhau như cơm bữa (theo báo Người Lao Động thì chỉ trong ba ngày
Tết Đinh Dậu vừa qua có tới 2.203 trường hợp nhập viện vì đánh nhau với 14 tử
vong) thì trẻ con làm gì mà không bắt chước.
Thoạt đầu trẻ con đánh nhau ngoài đường vì những sự hiềm khích nho nhỏ, viên
kẹo, cái bánh, hòn bi… Dần dà tiến đến chỗ đánh nhau trong nhà trường trước
cái nhìn vô cảm của bạn bè và của cả thầy cô. Gây cấn hơn nữa là các nữ sinh
đang tuổi cặp kê, thay vì mộng mơ uỹ mị thì lại ra tay cấu xé nhau như những võ
sĩ thứ thiệt. Đồng thời với sự tuột giốc đạo đức học đường lại có sự tiến bộ
công nghệ kỹ thuật số nên nhất cử nhất động đều được đưa lên mạng tức khắc.
Nhất là các cô bé lại thường có lối xé áo quần nhau nên các màn đấm đá càng
được cổ vũ. Quý vị không khỏi đau lòng khi vào “Google” bấm chữ “Nữ sinh đánh nhau” thì hiện ra
hằng trăm, tôi nói hằng trăm, cái link sôi động mà các bình luận gia VC
phải dùng đến chữ “cực sốc.”
Theo
phương châm “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên XHCH” thì hiện
tượng đánh nhau trong học đường cũng nâng cấp đến giai đoạn siêu việt là thầy
trò đánh nhau, điểm tột cùng của sự suy đồi.
Đến đây không thể cắt nghĩa rằng chỉ vì những sự hiềm khích nhỏ mà thầy trò trở
nên thù hằn giận dữ. Hai đối tượng này đang ở trong hai từng lớp xã hội
vừa có bổn phận vừa có trách nhiệm với nhau, phải tuyệt đối tương kính nhau để
cho xã hội tiến bộ và là cốt lõi tương lai của dân tộc. Một đoạn vidéo quay
cảnh vào ngày 15 tháng 2 năm 2017 tại lớp học 10A3 trường Tầm Vu tỉnh Hậu
Giang hai thầy trò đánh nhau kịch liệt,”thầy đánh trò như đánh
giặc, trò đánh thầy như đánh kẻ thù,” mà hình như họ không phải là đối
tượng thật sự của căm hờn. Hình như có một sự uất ức
vô hình nào đó đang bị dồn dập từ lâu, nay vì một chút khơi mào nhỏ nhoi nào
cũng đủ để bộc phát. Thứ vô hình để họ trút sự giận dữ đó là bức tranh xã hội
mà họ đang sống, công an đánh vỡ đầu người biểu tình ngoài đường phố, đánh chết
người trong nhà tù…. chứ không phải là đối thủ trước mặt chỉ vì chuyện vô kỹ
luật của một cô học sinh bé bỏng hay của một thầy giáo nổi tiếng là hiền từ.
Trách nhiệm về ai?
Cái sở trường hách dịch và độc đoán của chế độ đang xâm
nhập học đường. Bà hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc (lại một cái tên tuyệt đẹp nữa)
đi xe taxi vào sân trường có trẻ con đang chơi (một chuyện lạ chỉ
có ở Việt Nam) cán gãy giò em học sinh Trần Trí Kiêm mà lại chối bai bải và còn
bắt các nhân viên khác trong trường xác nhận láo là không có xe taxi vào sân
trường. Lẽ ra bà hiệu trưởng nên cho đậu taxi ngoài cổng rồi nhờ người khác…
cõng vào (như một giới chức cao cấp đi họp hôm trời mưa lớn mới đây) thì
có phải đỡ phiền phức hơn không?
Với trăm ngàn chuyện lạ như vậy, thử hỏi nền giáo dục Việt
Nam sẽ đi về đâu?
Hậu quả đã thấy rõ. Mới đây, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã thừa nhận rằng trong năm 2016 đã có đến
200.000 kỹ sư và tiến sĩ không tìm được việc làm và Bộ đang lập kế hoạch cho
xuất cảng lao động thành phần trên từ 2017 đến 2020. Lại một chuyện lạ khác của Việt Nam gây tranh cãi về cái
gọi là “chảy máu chất xám.”
Theo
quan niệm thông thường nhất thì tất cả mọi quốc gia đều đào tạo chuyên viên để
phục vụ cho quốc gia mình, chưa kể nhiều nước có chính sách “bố ráp
chất xám” (raffle des cerveaux) về nước mình, đứng đầu là Hoa Kỳ. Do
đó xảy vụ dành giựt chuyên viên giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ, vì Ấn Độ cũng có đội ngủ chuyên viên khá giỏi, nhất là trong lãnh vực vi
tính và y khoa. Một chuyên viên giỏi đang ở Ấn Độ nếu được một công ty Mỹ thâu
nhận, liền được lo cho từ A đến Z, tìm nhà tìm cửa, tìm chỗ học cho con cái rồi
bốc ngay qua Mỹ. (Sự kiện này đang vấp phải trở ngại bởi đạo luật cấm nhập cư
mà Tổng Thống Donald Trump mới ban hành).
Vấn đề đặt ra là ở Việt Nam người có bằng cấp có đủ khả
năng và kỹ năng để phục vụ hữu hiệu trong lãnh vực chuyên môn của mình
không ? Theo nhà giáo Đỗ Việt Khoa thì kỹ sư tiến sĩ thất nghiệp là
vì “nền giáo dục ở Việt Nam
không phù hợp với sự phát triển kinh tế hiện tại (…) Luận án tiến sĩ với những
đề tài lạ hoắc, vô bổ, viết như trẻ con.” Theo ông Chu Tiến Dũng, Giám
đốc Công ty Phần Mềm Quang Trung thì những người ra
trường với bằng tiến sĩ cũng không đủ tiêu chuẩn để tuyển lựa. Họ không tìm
được việc ngay trong nước với chính ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Lối thoát duy nhất
là tìm việc ở nước ngoài, nhưng phải biết ngoại ngữ và trình độ chuyên môn cao.
Theo cô Ngô Minh Uyên hiện đang công tác tại Nhật để phiên dịch và quản lý du
học sinh ở đảo Shinkoku cho biết rằng việc tuyển chọn các thực tập sinh rất
khó, phải thông thạo tiếng Nhật và kỹ năng cao, nếu không, dù có bằng tiến sĩ ở
Việt Nam qua Nhật cũng chỉ làm lao động phổ thông thôi.
Ở nước nào cũng vậy, muốn hành nghề chuyên môn phải thi
bằng tương đương và biết ngoại ngữ sở tại. Như vậy có nghĩa là mất toi bao
nhiêu công khó và tiền bạc đổ ra trong sáu năm đại học để nặn cho được một ông
tiến sĩ. Trong khi ở các nước khác thì tấm bằng tiến sĩ đúng nghĩa chỉ mới là
điểm khởi đầu cho sự nghiệp đời người, để tìm tòi, để phát triển, để đóng góp,
để phát minh, còn ở Việt Nam thì đó lại là điểm cuối cùng để kiếm cơm mà lại
phải đứng trước một con đường đầy gian nan.
Đó là kết quả sau gần một trăm năm trồng người của Hồ Chí
Minh, một thực trạng đau buồn cho tương lai Việt Nam, tội nghiệp cho con em
Việt Nam đang ở vào cái gọi là thời đại Hồ Chí Minh.
Phương Vũ Võ Tam-Anh
Paris, 26/06/2017
No comments:
Post a Comment