Saturday, July 15, 2017

LƯU HIỂU BA QUA ĐỜI

LƯU HIỂU BA QUA ĐỜI

Song Chi.
RFA
Thế là nhà văn, nhà bất đồng chính kiến, Khôi nguyên Hòa Bình Lưu Hiểu Ba đã qua đời sau một thời gian dài bị tù đày và một thời gian ngắn chống chọi với căn bệnh ung thư.
Tin ông mất ngay lập tức được báo chí truyền thông thế giới loan tin rộng rãi, với nhiều kính trọng, thương xót dành cho ông và người vợ vẫn còn đang bị quản thúc tại gia. Với những người bất đồng chính kiến, những người đấu tranh dân chủ cũng như tất cả những ai quan tâm đến tình hình chính trị trong và ngoài nước ở VN, tin Lưu Hiểu Ba mất khi vẫn đang trong thời gian bị tù đày gây ra một xúc cảm mạnh mẽ.
Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa Bình năm 2010.
Ông là người thứ 3 được trao giải thưởng này khi còn ở trong tù hay bị giam giữ sau Carl von Ossietzky (1935) của Đức dưới thời Đức quốc xã và bà Aung San Suu Kyi (1991) của Burma. Ông cũng là người thứ hai (người đầu tiên là Ossietzky) bị từ chối không cho người đại diện đi nhận giải dùm và chết trong trại giam.
Còn nhớ, khi lễ trao giải Nobel Hòa Bình 2010 được phát sóng trên truyền hình, cả thế giới đã vô cùng “ấn tượng” với hình ảnh chiếc ghế trống dành cho ông Liu tại buổi lễ và sau đó, giải thưởng được chủ tịch ủy ban Nobel Thorbjoern Jagland đặt lên chiếc ghế trống ấy.
Với trường hợp Lưu Hiểu Ba, chế độ độc tài do đảng cộng sản Trung Quốc lãnh đạo đã đi vào lịch sử thế giới bởi hai vết nhơ: không cho phép một người bất đồng chính kiến và cả người thân của ông được đến nhận giải Nobel Hòa Bình; thứ hai, bất chấp những lời kêu gọi từ khắp nơi trên thế giới, đã giam giữ ông cho đến khi bịnh nặng gần chết mới đưa đến bệnh viện thì không còn cứu chữa được nữa.
Vì chuyện trao giải Nobel Hòa Bình cho Lưu Hiểu Ba mà mối quan hệ giữa hai nước Na Uy và Trung Quốc xấu đi suốt một thời gian dài.
Tôi còn nhớ, khi Ủy ban Nobel Na Uy công bố trao giải Nobel Hòa bình 2010 cho nhân vật bất đồng chính kiến đang bị cầm tù Lưu Hiểu Ba, một người quen của tôi đang sống tại Paris đã nói với tôi đầy vẻ phấn khích: “Cô thấy Na Uy ngon lành không. Một nước nhỏ mà dám vuốt mặt Trung Quốc nhé. Chứ Pháp ấy à, ngay cả nếu Ủy ban trao giải có là một tổ chức hoạt động độc lập với chính phủ đi chăng nữa, Tổng thống Pháp (lúc đó là Nicolas Sarkozy) cũng sẽ đi năn nỉ, thuyết phục, thậm chí vận động từng vị trong Ủy ban, thôi các ông đừng trao giải cho ông ấy, không thì Trung Quốc sẽ gây khó dễ đủ chuyện cho chúng ta ngay.” Điều này thì tôi thừa nhận. Dám trao giải cho Lưu Hiểu Ba bất chấp những cảnh báo của chính quyền Trung Quốc, Ủy ban Nobel Na Uy quả là ngon lành!
Và sự ngon lành đó đã bị trả giá! Từ người phát ngôn Mã Triêu Húc của Bộ ngoại giao Trung quốc cho đến giới truyền thông Trung Quốc liên tục chỉ trích Ủy ban Nobel Na Uy về việc trao giải, và mặc dù chính phủ Na Uy đã phân trần rằng Ủy ban Nobel là một tổ chức độc lập với chính phủ, người phát ngôn Mã Triêu Húc còn khẳng định rằng Trung Quốc đặc biệt quy lỗi cho chính phủ Na Uy về giải thưởng này. (theo đài VOA ngày 12.10.2010) . Và hàng loạt biện pháp “trả đũa” về kinh tế đã được Trung Quốc thực hiện, đồng thời Trung Quốc gây sức ép với tất cả các quốc gia để họ không cử đại biểu tham dự lễ trao giải Nobel.
Nhiều gười Na Uy, theo cảm nhận của tôi, cũng không hiểu rõ về Trung Quốc. Dù có biết về chế độ độc tài và về “thành tích” nhân quyền của nhà nước Trung Quốc, điều đó không ngăn cản nhiều người Na Uy ngưỡng mộ Trung Quốc về nhiều thứ: một quốc gia khổng lồ, một nền văn hóa lâu đời, sự phát triển thần kỳ về kinh tế trong hơn 3 thập niên qua …
Khi Trung Quốc phản ứng quá đáng với Na Uy chỉ vì giải Nobel Hòa bình, họ không biết rằng họ đã làm cho người dân Na Uy kinh ngạc và không thể hiểu nổi. Tôi đã nghe một số người Na Uy khi nói về điều này cứ lặp đi lặp lại câu: “Tại sao Trung Quốc lại phản ứng như vậy? Sao họ không chịu hiểu Ủy ban trao giải là một tổ chức hoạt động độc lập, nếu có ghét thì ghét cái Ủy ban trao giải, chứ sao lại đổ lỗi cho chính phủ Na Uy và làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước?” Hoặc: “Tại sao họ lại không để cho ông Lưu Hiểu Ba đến nhận giải? Việc ông ấy đến nhận giải thì có sao đâu?”
Tôi phải giải thích đây rõ ràng là chuyện hai bên không hiểu nhau vì hai chế độ, hai xã hội quá khác nhau, rằng ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam, nhà nước kiểm soát tất tần tật mọi thứ, nên những người lãnh đạo Trung Quốc không thể hiểu và cũng không thể chấp nhận việc có một Ủy ban, một tổ chức nào đó lại có thể hoạt động độc lập với chính quyền mà chính quyền lại chịu, không can thiệp vào công việc của họ như vậy! Dù sao, tôi nghĩ thầm, qua một “chuyện nhỏ” này chắc người Na Uy sẽ hiểu hơn phần nào cách ứng xử của một nước luôn tự cho mình là nước lớn nhưng khi hành xử thì rất…tiểu nhân, chứ còn người Việt Nam chúng tôi thì đã quá hiểu và quá kinh nghiệm suốt từ hàng ngàn năm nay rồi!
Có một chi tiết khá là khôi hài: trong rất nhiều biện pháp trả đũa của Trung Quốc đối với Na Uy, có việc giảm mạnh số lượng nhập khẩu cá hồi. Và rồi có một dạo báo chí Na Uy đưa tin bỗng nhiên số lượng nhập khẩu cá hồi Na Uy của VN tăng cao và sau đó báo chí khám phá ra, VN nhập khẩu cá hồi Na Uy để bán lại cho Trung Quốc! Không biết đây có phải là “chỉ thị” từ Trung Quốc hay không, nhưng nhà cầm quyền VN như chúng ta thấy, luôn luôn là tay sai đắc lực của nhà cầm quyền Trung Quốc, luôn luôn chiều ý, vuốt đuôi Trung Quốc trong ứng xử đối với Đài Loan, Hongkong, người Duy Ngô Nhĩ hay ngay cả những người Việt tu tập Pháp Luân Công…
Cái chết của nhà văn, nhà bất đồng chính kiến, Khôi nguyên Hoà bình Lưu Hiểu Ba làm tôi nhớ đến những cái chết trong khi bị giam giữ, tù đày của những tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm tại VN.
Có bao nhiêu người đã chết trong những ngục tù của cộng sản, cả ở Trung Quốc và VN? Không thể biết con số chính xác nhưng chúng ta thấy cả hai chế độ cộng sản (và mọi chế độ cộng sản nói chung) đều giống nhau trong cách đối xử phi nhân, hèn hạ đối với những người bất đồng chính kiến, tù nhân chính trị.
Chẳng hạn, năm 2011, ông Nguyễn Văn Trại, một tù nhân chính trị bị bắt năm 1996 và kết án tù 15 năm tù, bị ung thư gan suốt một thời gian dài nhưng không được chữa trị, khi gần chết ông và gia đình chỉ có một nguyện vọng duy nhất là ông được về với gia đình và chết bên người thân nhưng nhà cầm quyền đã từ chối. Và cuối cùng ông đã chết trong trại giam Z30A-Xuân Lộc Ðồng Nai, vào ngày 11 tháng 7 năm 2011.
Gia đình xin đưa thi hài ông về an táng tại quê nhà “nhưng Ban Giám Thị trại từ chối, với lý do ông “NGUYỄN VĂN TRẠI LÀ MỘT TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ, CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI.” (“Người tù chính trị Nguyễn Văn Trại đã qua đời,” Dân Làm Báo).
Người tù thế kỷ Trương Văn Sương nguyên trung úy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sau 33 năm tù đày vì “tội phản động,” được tạm thả về một năm để chữa bệnh rồi lại bị đưa vào trại giam và chết chỉ hai mươi lăm ngày sau, vào ngày 12 tháng 9 năm 2011.
Một tù nhân chính trị khác nữa, cũng là một cựu sỹ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Thiếu Úy Không Quân Bùi Đăng Thủy cũng qua đời tại trại giam Xuân Lộc Đồng Nai năm 2013 sau 17 năm bị giam cầm, một thời gian dài mang căn bệnh lao phổi mà không hề được chữa trị.
v.v…
Đến những tù nhân thế hệ sau này, như trường hợp của thầy giáo, nhà đấu tranh ôn hòa Đinh Đăng Định bị bắt hồi tháng 10 năm 2011, bị đưa ra xét xử sơ thẩm hồi tháng 8 năm 2012, bị tuyên án 6 năm tù theo điều 88 Bộ Luật hình sự. Trong thời gian thụ án, ông Định có triệu chứng bệnh ung thư dạ dày, ông và gia đình đã nhiều lần làm đơn gởi đến cán bộ trại giam để ông được đến bệnh viện điều trị, nhưng phía chính quyền đã cố tình chậm trễ. Đến khi ông được đưa đi bệnh viện thì không còn kịp nữa…Ông mất tháng 4.2014.
Chế độ cộng sản ở Trung Quốc và VN đã dùng ngục tù để hành hạ những người bất đồng chính kiến nhưng họ đã không thể khuất phục được những con người can trường, chấp nhận hy sinh cả sinh mạng vì một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước. Ngược lại, lịch sử từ xưa đến nay đã chứng minh rằng mọi chế độ độc tài chuyên sử dụng ngục tù, bạo lực để hành hạ những người yêu nước và đối xử hèn hạ, phi nhân với tất cả những ai đám lên tiếng chống lại họ, cuối cùng cũng sẽ sụp đổ.


No comments:

Post a Comment