Friday, July 21, 2017

GIỮ THƠM QUÊ MẸ

GIỮ THƠM QUÊ MẸ
                                                                           
                                                                                                   Ngô Quốc Sĩ
            Ý thức rằng, ngôn ngữ là yếu tố sống còn và  phát triển của một dân tộc, nên dân Việt, dù phải tản mác bốn phương do hoàn cảnh đất nước điêu linh, vẫn luôn luôn nhờ về nguồn cội và không quên sứ mệnh bảo tồn tiếng mẹ, làm căn bản cho công cuộc vun xới con người Việt Nam.

Thật đáng mừng, khắp chốn lưu vong, người Việt đã mở các trường dạy Việt ngữ, tập trung đông đảo trẻ em Việt Nam tới quay quần học tập và vui đùa. Các chùa chiền, các thánh đường, đa số đều có lớp Việt Ngữ giáo lý. Tiêu biểu nhất là các Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang, mà Trung Tâm San Jose đựợc coi là lâu đời nhất với 35 năm giảng dạy ,phong phú nhất với nhiều sinh hoạt đa dạng và đông đảo nhất với cả ngàn học sinh và trên trăm thầy cô đuợc huấn luyện sư phạm kỹ càng.

          Ba mươi lăm năm, một chặng đường lịch sử khá dài, nói lên quyết tâm của những người thiện chí, dù phải xa quê hương, vẫn luôn luôn ôm ấp đất mẹ trong lòng và gìn giữ hồn Việt như thể gìn vàng giữ ngọc. Thiện chí đó thật có ý nghĩa và đáng ca ngợi, bởi lẽ hôm nay tại quê nhà, tiếng Việt đang mất dần tính cách chính thống, bị tha hóa và thoái hóa do những yếu tố chủ quan như sự ngu dốt và chủ trương chính trị hóa giáo dục, cũng như yếu tố khách quan với chủ trương Hán hóa  của ngoại bang và óc vọng ngoại của tập đoàn thái thú. Thế nên quê hương tạm dung đã trở thành cái nôi văn hóa còn lại của dân tộc, chờ ngày về dựng lại quê hương.
          Không cần phải dài dòng bàn về tính cách phong phú của tiếng Việt chính thống, như âm điệu trầm bổng với các dấu sắc huyền nặng hỏi ngã, như tính cách uyển chuyển và tế nhị thể hiện trong cách xưng hô,  từ “cụ, ông bà, chú bác, đến anh chị” ..hay như tính cách đa âm đa nghĩa  “ma, má, mạ, mà, mã, mả” hay “cà chớn, cà khịa, cà nhỗng, cà rề, cà lăm, cà chua”…Nhất là tiếng Việt còn chuyên chở cả một triết lý sâu sắc, mà nhà văn Lưu Văn Vịnh gọi là “triết lý cái bụng” lấy cái ăn làm căn bản cuộc sống, như  “ăn nói, ăn làm, ăn học, ăn chơi, ăn ngủ, ăn nằm, ăn ở”.  Đặc biệt, chữ Quốc Ngữ  bắt nguồn từ tiếng Latin, dễ đọc dễ viết hơn chữ Nôm chữ Hán, và còn giúp dân Việt dễ làm quen với các ngoại ngữ Tây Phương như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức…
          Điều đáng quan tâm là tại quê nhà, và đã dần lan ra hải ngoại, tiếng nói và chữ viết chính thống đó đã bị biến thái, trở thành quái dị đến nỗi có người gọi đó là hiện tượng “hiếp dâm ngôn ngữ” hay nhẹ nhàng hơn là “quái thai ngôn ngữ”.
          Thật vậy, bản chất dân Việt tế nhị kín đáo và thanh nhã, đâu sỗ sàng và thô lỗ đến nỗi gọi nhà vệ sinh là “nhà đái nhà ỉa”, giữ vệ sinh chung bảo là “cấm đái cấm ỉa” và nhà bảo sanh là “xưởng đẻ”, làm cho văn chương dân gian phải mỉa mai nhạo báng:

Ỉa nam ỉa nữ đảng ta
Đem vào giải phóng dân mà biết chi
Xưởng đẻ là cái chi chi
Tạo ra những giống ngu nhi bác Hồ
Chế biến những chữ hồ đồ
Dạy dân ta nói bô bô suốt ngày
          Đã thô lỗ lại còn cường điệu lố bịch, chẳng hạn một tô phở lớn thơm ngon gọi là“ tô phở hoành tráng”, ăn uống thoải mái tự nhiên  gọi là “ăn uống vô tư”, nhân viên phụ tá gọi là “trợ lý”, người nghệ sĩ hay kiến trúc sư, điêu khắc gia gọi là “nghệ nhân”.. qủa là những tiếng mới kỳ cục, chẳng mang ý nghĩa sáng tạo nào, mà còn thể hiện chủ trương bóp chết ngôn ngữ!
          Đã thế, người ta còn chế ra những cụm từ nghe mà nổi gai ốc. Kết duyên vợ chồng thì gọi là “quản lý đời em”, khai khẩn đất hoang lại gọi là “giải phóng mặt bằng”, giải quyết đơn từ thì gọi là “xử lý hồ sơ”. Gieo giống gọi là “xử lý hạt giống” thì xin hỏi ai mà chẳng cảm thấy nực cười?
          Thêm vào đó, người ta còn mang bệnh vừa tha hóa vọng ngoại,vừa tự kỷ tự mãn. Một đàng, người ta dùng những chữ Hán hóa không cần thiết thay cho những tiếng Việt thông dụng, tiêu biểu như bài soạn gọi là “giáo án”, chương trình giảng dạy gọi là “giáo trình”, thủ tục phải theo gọi là “quy trình”, hay tiếng Anh pha chế như  lý luận gọi là “logic”, bị đánh động gọi là “sốc”. Trong khi đó, những từ ngữ Hán Việt đã quen lại chuyển qua tiếng Việt nghe thật lạ tai, như Toà Bạch Ốc là “Nhà Trắng”, Ngũ Giác Đài là “Lầu năm Góc”, Thủy Quân Lục Chiến là “lính thủy đánh bộ”, hàng không mẫu hạm gọi là “tàu sân bay”, phi cơ trực thăng gọi là “máy bay lên thẳng”.
          Còn trình dộ ngoại ngữ thì khỏi nói. Một ông làm đến chức thủ tướng mà đọc tiếng Anh “made” là “ma-dê”, các chữ viết tắt Campuchea, Laos, Myanmar và Vietnam, mà ông đọc là “Cờ, Lờ, Mờ, Vờ” thì ai nghe cũng phải độn thổ.
          Đó là chưa nói tới những cụm từ đấy tuyên truyền xảo trá, nhằm đánh lừa quần chúng và thế giới. Chẳng hạn “Dân làm chủ, nhà nước quản lý, đảng lãnh đạo”thì qủa là dân chủ bánh vẽ!  hay “Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” thì chẳng qua là kinh tế chỉ huy theo đường lối của đảng. Cũng thế, “giải phóng” chính là xâm lăng, “độc lập” là lệ thuộc ngoại bang, “thống nhất” là nhốt toàn dân vào cùm Đỏ.  Hơn thế  nữa, “tù cải tạo” thì chỉ là lao động khổ sai, “khúc ruột ngàn dặm” chính là những con bò sữa người Việt lưu vong đã từng bị Hà Nội kết án là “liếm gót đế quốc”!
          Nguyên nhân tình trạng quái thai ngôn ngữ hiện nay chính là do tính tự cao của những đầu óc ngu dốt, muốn tự coi mình là “đỉnh cao trí tuệ loài người” rồi tự chế ra những kiểu nói mới để gọi là có óc sáng tạo, đến nỗi văn chương dân gian đã phải phơi bày bộ mặt thật của bọn mán rừng:
                    Bao nhìêu tiến sĩ giáo sư
                   Trình độ tiểu học dốt ư dốt à
                   Bóp méo ngôn ngữ nước ta
                   Cụm từ bức xúc ỉa ra đầy đuờng
                   Hầm hố chúng ở là thường
                   Chữ nghĩa chúng chế từ trường này ra
          Điều đáng nói là không biết các bậc thức giả trong nước ở đâu mà tất cả đều im hơi lặng tiếng?  Chẳng lẽ các ngài không quan tâm về hiện tượng quái thai hôm nay, hay các ngài  đành quay mặt vì không thể ghìm cơn mửa, như Bùi Minh Quốc đã thốt lên “Quay mặt phía nào cũng không thể ghìm cơn mửa, một thời đểu cáng đã lên ngôi!”
           Nhất là hiện tượng quái thai ngôn ngữ từ trong nước đã  lan ra hải ngoại, xâm thực vào một số cơ quan truyền thông, báo chí, truyền thanh, truyền hình, đúng theo chủ trương giao lưu văn hóa của cộng sản Việt Nam qua Nghị Quyết 36! Vô tình hay hữy ý, một số cơ quan truyền thông hải ngoại đã tiếp tay, nối dài cái loa tuyên truyền của cộng sản Việt Nam ra cộng đồng người Việt tha hương với thứ ngôn ngữ quái thai nặc mùi Hà Nội mới…
          Từ hiện thực đáng buồn và nguy hiểm nói trên, thiết tưởng dân Việt cần cảnh giác, nhất  là các tổ chức cộng đồng và trung tâm Việt ngữ phải rất cẩn trọng trong việc sử dụng sách giáo khoa, các từ ngữ giảng dạy, và ngay cả các nhân viên giảng huấn để bảo vệ tối đa ngôn ngữ chính thống của dân tộc. Có người sợ rằng, nếu hải ngoại không dùng các từ ngữ mới trong nước thì có thể tạo ra một ngăn cách, và một ngày nào đó, người Việt hải ngoại và người Việt trong nước không còn hiểu nhau.
          Thật ra, mối lo âu đó cũng có lý phần nào, nhưng điều quan trọng là  chúng ta phải lên tiếng báo động cho dân Việt trong nước và ngoài nước về hiện tượng quái thai ngôn ngữ như một thảm họa văn hóa, để  cùng nhau tìm về cội nguồn, bảo vệ tiếng mẹ và những giá trị truyền thống. Vai trò của các trung tâm Việt Ngữ, trong đó có Văn Lang, thật qúa quan trọng và ý nghĩa. Mất nước thì hy vọng còn có ngày lấy lại. Đến như mất ngôn ngữ là mất luôn con người, thì mọi hy vọng sẽ tiêu tan. Lúc ấy, dân Việt phải trả lời thế nào trước lịch sử và ăn nói thế nào với tiền nhân  đã hy sinh xuơng máu xây dựng ngôi nhà Việt Nam?
         


No comments:

Post a Comment