TÔI KHÔNG CÓ KẺ THÙ !
Lưu Hiểu Ba
Sống đã non nửa thế kỷ, vậy mà khi nghĩ lại, cuộc đời tôi vốn
chẳng có gì đáng nổi bật cho đến khi sự kiện Thiên An Môn xảy ra vào tháng 6,
1989. Đến tận ngay trước thời điểm ấy, tôi vốn trải qua một cuộc sống rất bình
đạm.
Tôi thuộc lớp sinh viên đầu tiên của Trung Quốc được chính quyền
cho phép đăng ký tham gia thi đại học trở lại sau Cách mạng Văn hóa, khoá năm
1977. Và tôi đã trải qua khoảng thời gian rất yên ổn tại Đại học, Cao học, và
cả khi làm luận án Tiến sĩ. Tất cả đều hết sức thuận lợi.
Rồi tôi trở thành giáo sư tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, và vẫn
tiếp tục hưởng thụ một cuộc sống ổn định. Là giáo sư, tôi được sinh viên yêu
mến. Trong xã hội, tôi là một trí thức được kính trọng. Các bài viết và sách
của tôi gây tiếng vang trong thập niên 1980, và do đó tôi thường xuyên được mời
đi thỉnh giảng khắp nơi trên cả nước. Tôi còn được các trường đại học ở Châu Âu
và nước Mỹ mời đến với tư cách là một học giả của Trung Quốc.
Nhưng danh vọng và hào quang không hề thay đổi những giá trị mà
tôi đã tự đặt ra cho bản thân. Cho dù ở đâu và làm gì đi nữa, tôi luôn tâm niệm
rằng, tôi sẽ mãi mãi sống một cách lương thiện, có trách nhiệm, và có phẩm giá.
Trở lại câu chuyện của mùa hè năm 1989. Tôi đã vội vã rời nước
Mỹ để có thể kịp trở về đồng hành cùng phong trào sinh viên Thiên An Môn. Và vì
tham gia, nên khi phong trào bị đàn áp, tôi đã bị chính quyền Trung Quốc bắt
giữ. Họ đã ném tôi vào tù và cáo buộc tôi với tội “phản cách mạng và tuyên
truyền chống phá nhà nước”. Tôi cũng bị mất đi công việc giảng dạy mà tôi hết
sức yêu thích. Nhà nước cũng cấm phổ biến các bài viết của tôi. Không một ai ở
Trung Quốc được phép mời tôi đến làm diễn giả nữa.
Chỉ vì dám có những ý kiến khác biệt với đường lối chính trị của
nhà nước và tham gia vào một phong trào dân chủ ôn hòa của sinh viên mà một
người thầy giáo mất đi bục giảng, một người viết mất đi quyền được phổ biến các
tác phẩm của mình. Và một trí thức đã không còn được phép lên tiếng tại tất cả
các diễn đàn công cộng. Đó là một bi kịch. Bi kịch của cá nhân tôi, mà cũng là bi
kịch của một nước Trung Hoa sau 30 năm khát khao “đổi mới và mở cửa” với thế
giới.
Khi tôi nhớ về những ngày tháng đó, những trải nghiệm kịch tính
nhất sau ngày 4/6/1989 lại là những giây phút trải qua ở tòa án. Hai lần duy
nhất mà tôi có cơ hội nói chuyện trước công chúng sau sự kiện Thiên An Môn là
những lần tôi ra tòa tại Toà án Nhân dân cấp Trung gian Beijing (Beijing
Municipal Intermediate People’s Court).
Một lần là vào năm 1991, và một lần nữa là ngay lúc này đây, năm
2009. Mặc dù tại hai phiên tòa, các tội danh mà nhà nước cáo buộc đối với tôi
có thay đổi về mặt tên gọi và hình thức, nhưng bản chất của chúng như nhau và
đều là các tội liên quan đến quyền tự do ngôn luận.
Đã 20 năm trôi qua nhưng các hồn ma của cuộc thảm sát Thiên An
Môn vẫn chưa được yên nghỉ, mà tôi là một ví dụ cho điều đó. Sau khi được thả
ra từ nhà tù Qincheng vào năm 1991, tôi đã bị đẩy vào thế phải tự lần mò đi
trên con đường của một kẻ bất đồng chính kiến, mang theo bên mình là những sang
chấn tâm lý bắt đầu từ đó.
Tôi đã mất đi quyền được phát biểu trên các phương tiện đại
chúng và chỉ có thể lên tiếng khi được truyền thông nước ngoài phỏng vấn. Vì đã
tham gia vào phong trào Thiên An Môn mà tôi bị chính quyền theo dõi mọi nơi,
mọi lúc.
Từ tháng 5/1995 đến tháng 1/1996, tôi bị quản thúc tại gia.
Nhưng vẫn chưa đủ, đến tháng 10/1996, tôi bị bắt đi lao động cải tạo 3 năm, cho
đến tận tháng 10/1999. Và bây giờ, một lần nữa tôi lại bị nhà nước và lòng thù
địch của họ ném tôi vào tù.
Thế nhưng, tôi vẫn muốn nói với chính quyền Trung Quốc, những kẻ
đã tước đoạt đi tự do của tôi rằng, tôi vẫn kiên định với lập trường đã viết rõ
trong “Tuyên bố tuyệt thực lần thứ hai trong tháng 6” của 20 năm về trước.
Đó là, tôi không có kẻ thù và cũng chẳng hề thù ghét bất kỳ ai.
Tôi không có kẻ thù, kể cả những viên công an đã từng theo dõi,
bắt giữ và thẩm vấn tôi, những kiểm sát viên đã truy tố tôi, hay những thẩm
phán đã phán tôi có tội và bỏ tù tôi. Mặc dù tôi không bao giờ chấp nhận lối
hành xử của công an hay bản án mà phía công tố và tòa án đã dành cho tôi, tôi
vẫn muốn nói với những người này rằng, tôi tôn trọng nghề nghiệp của họ và cả
phẩm giá của họ nữa.
Tôi muốn nói điều đó đối với cả hai kiểm sát viên, Zhang Rongge
và Pan Xueqing, là những người đang đảm nhận vai trò truy tố tôi trong vụ án
hiện nay. Tôi nói như thế là vì trong buổi thẩm vấn ngày 3/12, tôi đã cảm nhận
được sự tôn trọng và thành ý của họ dành cho tôi.
Sự thù hằn có thể hủy hoại trí tuệ và lương tâm của một con
người. Lòng thù địch sẽ đầu độc tinh thần của một quốc gia, kích động sự tàn ác
trong những cuộc tranh giành tầm thường, và cản trở sự tiến bộ của đất nước
trên con đường tìm đến tự do và dân chủ.
Vì vậy, tôi hy vọng rằng kinh lịch cá nhân của tôi có thể đóng
góp phần nào vào công cuộc phát triển quốc gia và kiến tạo sự thay đổi trong xã
hội. Tôi sẽ đối mặt với sự tàn ác của chính quyền bằng một sự tử tế tinh tuyền
nhất, và sẽ dùng yêu thương để xóa bỏ hận thù.
Chúng ta đều biết rằng, chính thời kỳ “Đổi mới và Mở cửa” đã
mang đến sự phát triển cho Trung Quốc và thay đổi xã hội của chúng ta. Theo ý
kiến của cá nhân tôi, thời kỳ “Đổi mới và Mở cửa” đã giúp xóa bỏ chính sách
“đấu tranh giai cấp”, vốn đã in hằn trong mỗi chúng ta từ thời đại Mao Trạch
Đông. Và thay vào đó là một mô hình phát triển kinh tế và xã hội hoà hợp. Bằng
việc cố gắng thoát ra khỏi triết lý đấu tranh giai cấp, xã hội của chúng ta bắt
đầu tiến đến việc loại bỏ tâm lý thù địch, rồi từ đó có thể xóa bỏ sự thù ghét
giữa người với người.
Chính nhờ quá trình này mà xã hội Trung Quốc mới có cơ hội để
trở nên ôn hòa hơn. Khi những giá trị nhân bản được khơi gợi để giúp con người
biết đối xử với nhau bằng tình cảm chân thành, biết chung sống trong hòa bình
ngay cả khi mang trong mình sự khác biệt về quan điểm và giá trị. Từ đó, chúng
ta có thể truyền cảm hứng cho nhau và tạo điều kiện cho những hạt mầm nhân bản
được nở rộ trong xã hội, nơi mà sự sáng tạo và lòng trắc ẩn sẽ đơm hoa kết trái
trong mỗi một công dân.
Chúng ta có thể nói rằng, chính việc dám loại bỏ ra khỏi xã hội
các khẩu hiệu “chống đế quốc” và “chống những kẻ thuộc thành phần xét lại” đã
giúp cho công cuộc đổi mới và mở cửa được thực hiện. Sự phát triển về kinh tế
của một xã hội đa nguyên, và việc chúng ta đang nhen nhóm để hướng đến một nhà
nước pháp quyền là những điều đã đạt được khi chịu loại bỏ tâm lý thù địch.
Ngay cả trong không gian chính trị, nơi mà sự tiến bộ thường là
hiếm có khó tìm, sự suy yếu của tâm lý thù địch có thể nhận thấy được khi mô
hình xã hội đa nguyên được nhắc đến với một thái độ ít e dè hơn trước. Việc đàn
áp và bắt giữ những người bất đồng chính kiến cũng có thể xem là đã giảm bớt và
ngay cả tên gọi của chính quyền về phong trào Thiên An Môn cũng đã đổi. Thay vì
gọi đó là một cuộc bạo động như trước kia, họ nay gọi đó là một biến cố chính
trị.
Sự suy giảm của tâm lý thù địch đã mở đường cho việc nhà nước
dần dần chấp nhận các giá trị phổ quát của quyền con người. Năm 1997 và 1998,
Trung Quốc đã đưa ra tín hiệu là họ sẽ cam kết tham gia vào hai công ước quốc
tế trọng yếu về nhân quyền. Điều này cho thấy là chính quyền đã bắt đầu chấp
nhận những chuẩn mực chung của thế giới.
Năm 2004, Quốc hội Trung Quốc đã sửa đổi Hiến pháp và lần đầu
tiên trong lịch sử, họ đã đưa vào đó dòng chữ “chính quyền cam kết tôn trọng và
đảm bảo quyền con người,” cho thấy luật pháp Trung Quốc đã có thay đổi về nhận
thức.
Tôi cũng đã có một số trải nghiệm cá nhân về sự thay đổi chung
của xã hội qua những đối đãi mà tôi đã trải qua từ khi bị bắt.
Mặc dù tôi luôn kiên định rằng mình vô tội và tất cả tội danh mà
chính quyền áp đặt lên tôi là vi hiến, tôi vẫn bị tống giam hơn một năm qua.
Tôi đã bị giam giữ ở hai nhà tù khác nhau, trải qua bốn lần thẩm vấn của công
an, gặp gỡ ba vị kiểm sát viên và hai vị thẩm phán. Thế nhưng, tất cả những
người này đều không hề tỏ vẻ bất kính hay vượt qua giới hạn trong việc đối xử
với tôi, cũng không ai bức cung tôi cả. Thái độ của họ khá ôn hòa và hợp lý. Mà
hơn thế, tôi còn cảm nhận được thiện ý từ họ.
Ngày 23/6 vừa qua, tôi đã bị di chuyển từ một địa điểm mà chính
quyền đã dùng để quản thúc tôi, đến nhà tù của thành phố Beijing, Trại số 1
thuộc Bộ Công an, nơi thường được biết đến với tên gọi Beikan. Trong sáu tháng
bị giam ở Beikan năm nay, tôi cho rằng chế độ quản lý trại giam đã có một số
thay đổi tiến bộ.
Năm 1996 tôi đã từng bị giam ở Beikan, và tôi có thể làm chứng cho
những thay đổi tại đó, từ hoàn cảnh giam giữ cho đến việc quản lý trại giam.
Tôi nhận thấy rằng tù nhân tại đây được đối xử một cách nhân bản hơn, qua việc
trại giam cho mọi người đọc báo và nghe nhạc. Thái độ của các cán bộ trại giam
đối với tù nhân cũng tốt hơn. Trong thời gian ở Beikan, tôi đã trở nên thân
thiết với một cán bộ quản giáo, anh Liu Zheng, và anh ấy đã đối xử với tôi một
cách hết sức ấm áp và chân tình.
Chính vì những gì mà bản thân đã trải qua nên tôi càng tin rằng
Trung Quốc sẽ có những thay đổi tiến bộ về chính trị. Cũng như, tôi vẫn vững
lòng là đất nước của tôi sẽ trở thành một quốc gia tự do trong một tương lai
gần.
Bởi vì không một cá nhân nào có thể ngăn cản được lòng khát khao
tự do của con người, cho nên sẽ có một ngày Trung Quốc trở thành nơi mà pháp
luật được tôn trọng và nhân quyền được vinh danh.
Tôi cũng hy vọng rằng những biến chuyển tốt đẹp đó có thể được
nhìn thấy ngay tại phiên tòa mà họ sắp mang tôi ra xét xử. Tôi mong sẽ có được
một bản án công bằng cho mình, một bản án mà sau này những người xét xử tôi sẽ
không bị lịch sử phán xét.
Nếu tôi còn có thể chia sẻ tiếp với quý vị, thì tôi mong rằng có
thể gửi đôi lời đến vợ tôi, Liu Xia. Điều may mắn nhất của đời tôi chính là có
được tình yêu vô bờ bến của nàng. Vì vợ tôi sẽ không được tham dự phiên xét xử
tôi trong những ngày tới, thế nên tôi cần phải nói với nàng, là tôi biết rất rõ
tình yêu của nàng dành cho tôi sẽ không bao giờ thay đổi.
Trong những năm tháng sống thiếu tự do, tình yêu của chúng tôi
luôn gặp nhiều cay đắng bởi những yếu tố bên ngoài. Thế nhưng mỗi khi tự chiêm
nghiệm lại, tôi vẫn nếm trải được vị ngọt ngào vô bờ bến.
Khi tôi bị giam giữ trong một nhà giam thật sự, thì vợ tôi phải
chịu đựng sự giam cầm vô hình nơi tận cùng của trái tim. Thế nhưng, tình yêu
của nàng chính là tia nắng ấm xuyên qua những cách cổng trại giam, dịu dàng ve
vuốt tôi và sưởi ấm từng tế bào trong thân thể. Tia nắng đó đã giữ cho tôi sự
bình an trong tâm hồn, ban cho tôi một tấm lòng rộng mở, làm cháy bùng sự nhiệt
tình trong trái tim tôi, và khiến cho mỗi giây phút tù tội của tôi ngập tràn ý
nghĩa.
Nhưng tình yêu của tôi dành cho vợ thì ngược lại. Nó chứa đầy sự
hối hận và ăn năn, nhiều đến nỗi có những lúc tôi cảm thấy chúng đè nặng lên
khắp cơ thể tôi. Nhưng tôi mong vợ tôi biết rằng, cho dù tôi có trở thành một
phiến đá vô tri nơi rừng sâu hoang vắng, và dù cho gió táp mưa sa đã khiến tôi
trở nên tận cùng giá lạnh đến nỗi không ai thèm nhặt lấy, thì tình yêu của tôi
dành cho nàng vẫn vững bền và sâu sắc. Tình yêu đó có thể xuyên qua bất kỳ trở
ngại nào, và cho dù tôi có bị nghiền nát thành cát bụi đi nữa, thì tôi vẫn dùng
chút tàn tro đó để bảo vệ nàng.
Vì tình yêu của vợ mà tôi có thể bình thản đối diện với phiên
tòa sắp đến mà không hề ân hận gì cả. Tôi lạc quan đón chờ ngày mai.
Tôi mong biết mấy ngày mà mình có thể nhìn thấy quê hương trở
thành một đất nước mà mọi người dân đều có quyền tự do biểu đạt; nơi mà quyền
tự do ngôn luận của mỗi công dân được đối xử tử tế; các chính kiến, quan điểm,
và giá trị khác nhau đều được cạnh tranh trong ôn hòa; và phe thiểu số hay đa
số đều được đảm bảo sự công bình.
Là nơi mà các tiếng nói đối lập với chính quyền đặc biệt được
tôn trọng và bảo vệ, tất cả các quan điểm chính trị đều được thể hiện và mỗi
người dân đều có quyền được nói lên bất kỳ suy nghĩ gì mà không phải sợ hãi,
càng không có ai bị bắt bớ hay cầm tù chỉ vì họ dám có thái độ chính trị khác
biệt với số đông.
Tôi cũng mong biết mấy tôi sẽ là người tù nhân chính trị cuối
cùng trong công cuộc trù dập người bất đồng chính kiến – một loại văn tự ngục
thời nay – mà chính quyền đã tiến hành triền miên ở Trung Quốc, và rằng từ nay
sẽ không còn ai bị bỏ tù vì thực thi quyền tự do ngôn luận của mình nữa.
Quyền tự do biểu đạt là nền tảng của nhân quyền, là nguồn cội
của tính nhân bản, và là người mẹ vĩ đại của sự thật. Bóp nghẹt tự do ngôn luận
là dẫm đạp lên nhân quyền, dập tắt nhân tính, và ép chết sự thật.
Nhưng nếu muốn quyền tự do ngôn luận được thực thi theo đúng
Hiến pháp, thì mỗi một người Trung Quốc chúng ta cần phải làm tròn nghĩa vụ
công dân của mình.
Tôi thì luôn cho rằng bản thân chưa bao giờ có hành vi vi phạm
pháp luật nào cả. Thế nhưng, nếu nhà nước nhất định dùng những cáo buộc này để
kết tội tôi vì đã có những suy nghĩ như trên thì tôi cũng không muốn phàn nàn
gì thêm nữa.
Xin cảm ơn tất cả.
Lưu Hiểu Ba
No comments:
Post a Comment