Thursday, November 10, 2016

Phản Ứng Của Thế Giới về Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump

Phản Ứng Của Thế Giới về Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump
          Việc đắc cử chức vụ Tổng Thống Hoa Kỳ của Donald Trump không những đã gây ngạc nhiên cho một số đông dân chúng và chính trị gia trên nước Mỹ mà còn làm rung động cả thế giới. Các nhà lãnh đạo trên thế giới đã gửi lời chúc mừng đến tân Tổng Thống Mỹ. Tuy nhiên họ cũng kèm theo những ý kiến đáng chú ý.
          UN và NATO - Lo ngại về những lời tuyên bố của ông Trump trong thời gian tranh cử cho rằng Liên Hiệp Quốc (UN) và Tổ Chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không góp phần đồng đều về nhân lực cũng như tài chánh.  Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (UN), ông Ban Kimoon nhắc nhở rằng việc hợp tác của Mỹ với UN rất quan trọng vì Mỹ là một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Tổng thư ký của NATO cũng nhắc đến những giao ước pháp lý giữa các quốc gia trong tổ chức này, trong đó có Hoa Kỳ.
          Biên Giới Mỹ-Mễ - Trong thời gian tranh cử ông Trump đã tuyên bố sẽ xây tường dọc biên giới Mỹ-Mễ để chống việc di dân bất hợp pháp và nước Mễ phải trả tiền cho cho việc xây dựng bức tường này. Đồng thời sẽ dẹp bỏ hiệp ước Nafta, trao đổi kinh tế giữa các quốc gia bắc Mỹ, trị giá $500 triệu USD mỗi năm. Tổng thống Mễ, ông Enrique Peña Nieto, tuyên bố "Mỹ và Mễ vẫn là bạn và đồng minh." Bộ trưởng ngoại giao của Mễ, Claudia Ruiz Massieu, lập lại lời tuyên bố trên TV là nước Mễ sẽ không trả tiền cho việc xây bức tường biên giới.
          Colombia (Nam Mỹ) - Những nhà lãnh đạo của quốc gia này gửi lời chúc mừng đến ông Trump bằng Twitter và nói rằng "Chúng ta nên tiếp tục gìn giữ quan hệ sâu xa đã có từ lâu giữa 2 quốc gia".
          Argentina (Nam Mỹ) - Tổng thống Mauricio Macri, người ủng hộ bà Hillary Clinton, tuyên bố rằng "Chúng tôi lo ngại về việc thay đổi chính phủ của nước Mỹ, nhưng đó là điều chúng tôi sẽ phải chấp nhận."
          Canada - Thủ tướng Justin Trudeau, người có quan hệ mật thiết với tổng thống Obama, tuyên bố: "Hoa Kỳ vẫn luôn là người bạn và đồng minh gần nhất của Canada. Mối quan hệ này là một khuôn mẫu cho thế giới." Tuy nhiên ông Trump đã tuyên bố sẽ xem xét lại hiệp ước kinh tế Nafta có thể gây khó khăn cho nền kinh tế của Canada. Đồng thời gây khó khăn cho việc tăng thuế "thán khí" (carbon tax) nếu ông Trump không muốn tiếp tục chương trình liên hệ tới việc thay đổi khí hậu. Một điều có lợi cho Canada là ông Trump có thể sẽ bỏ việc cấm xây đường ống dẫn dầu Keystone XL.
          Nga - Tổng thống Putin nói ông sẵn sàng nối lại quan hệ với Mỹ sau khi được tin ông Trump đắc cử."Chúng tôi đã được nghe những lời tuyên bố trong thời gian tranh cử về việc hồi phục lại liên hệ giữa Nga và Mỹ. Đây không phải là một con đường bằng phẳng, dễ dàng, nhưng chúng tôi sẽ làm những gì thuộc về phần của chúng tôi và làm tất cả những gì để khôi phục lại liên hệ giữa hai quốc gia Mỹ và Nga. Đây là một điều rất tốt cho cả hai dân tộc và tạo ảnh hưởng tốt đẹp cho toàn thế giới".
          Tại Moscow, ông Vladimir Zhirinovsky, người đứng đầu đảng Dân Chủ Tự Do của Nga mở tiệc mừng sự đắc cử của ông Trump. Cựu lãnh tụ Xô Viết Mikhail Gorbachev cũng gửi lời chúc mừng.
          Trung cộng - TV chính phủ cho biết tổng thống Trung cộng, Xi Jinping (Tập Cận Bình), chúc mừng ông Trump bằng một điện tín. Trước đó bộ trưởng ngoại giao Trung cộng, Lu Kang, đã nói Trung cộng hy vọng tân chính phủ Mỹ sẽ tăng cường liên hệ song phương với Trung cộng. "Việc giao dịch thương mại giữa Mỹ và Trung cộng là lợi ích chung. Hai quốc gia lớn mạnh như Mỹ và TC sẽ làm việc chung dễ dàng hơn. Chúng tôi hướng về tương lai với hy vọng tân chính phủ Hoa Kỳ sẽ đẩy mạnh quan hệ vững chắc và lành mạnh giữa hai quốc gia để đem lại lợi ích cho cả đôi bên cũng như toàn thế giới."
          Toà Thánh La Mã (Vatican) - Tổng thư ký toà thánh, Hồng Y Pietro Parolin, nói rằng Vatican "tôn trọng sự chọn lựa của dân chúng Mỹ" và hy vọng rằng ông Donald Trump sẽ "đem lại hạnh phúc và hoà bình cho thế giới".
          Lo ngại của Âu Châu
          Trong lời chúc mừng ông Trump, hai người đứng đầu Liên Hiệp Âu Châu là Donald Tusk và Jean-Claude Juncker viết "Dân chúng Âu Châu tin tưởng vào nước Mỹ, nơi mà nền dân chủ là dấu hiệu cho hy vọng trên toàn thế giới, sẽ tiếp tục giữ liên hệ bạn hữu và đồng minh để giúp dân chúng trong nước cũng như trên thế giới được an toàn và sung túc hơn."
          Sau đó ông Tusk, từng là cựu thủ tướng của Poland (Ba Lan), lên tiếng cảnh báo rằng việc tách rời Liên Hiệp Âu Châu (Brexit) của Anh và sự đắc cử của ông Trump là một dấu hiệu lo ngại "Những việc xảy ra trong mấy tháng vừa qua nên được xem là dấu hiệu đáng lo ngại cho những người tin vào nền Dân Chủ Tự Do (Liberal Democracy)".
          Ông Guy Verhofstadt, người đứng đầu của một nhóm những nhà lập pháp của Nghị Viện Âu Châu và là cựu phó thủ tướng của Bỉ (Belgium), gọi việc đắc cử của Trump là "lời cảnh tỉnh cho giới lãnh đạo Âu Châu bởi vì Donald Trump đã tuyên bố nhiều lần là những ưu tiên của chúng ta không phải là ưu tiên của ông ấy." Ông nói thêm "Chúng ta không thể lệ thuộc mãi vào nước Mỹ. Chúng ta phải tự gánh lấy trách nhiệm cho tương lai của Âu Châu và nên bỏ đi những khác biệt để kết hợp lại với nhau."
          Thủ tướng Anh, bà Theresa May, nói với công chúng rằng "sự quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia vẫn tồn tại."
          Tổng thống François Hollande của Pháp cho rằng "vài quan điểm của ông Trump trong thời gian tranh cử phải được đem ra thử nghiệm để so sánh với quan điểm của Pháp." Ông nói thêm "Những xáo trộn trên thế giới gây lo ngại khắp nơi, kể cả Mỹ, cường quốc số 1 của thế giới."
          Thủ tướng Pháp, ông Jean-Marc Ayrault, nêu câu hỏi "Ông Donald Trump muốn xem xét lại những phần nào về sự đồng ý của Pháp về khí hậu, và nguyên tử với Iran?"   
          Bà thủ tướng Đức, Angela Merkel, chúc mừng ông Trump và đề nghị hợp tác, nhưng nhấn mạnh rằng phải tôn trọng Nhân Quyền và không đối xử phân biệt. Bộ trưởng ngoại giao của Đức, Frank-Walter Steinmeier, nói "Nếu Donald Trump muốn thực sự làm tổng thống của nước Mỹ thì, theo tôi, việc đầu tiên phải làm là hàn gắn những rạn vỡ gây ra trong thời gian tranh cử."

Vui mừng của những nhà lãnh đạo cực hữu
          Hai nhà lãnh đạo cực hữu (far-right) chống di dân -- Geert Wilders của Netherlands (Hà Lan) và Marine Le Pen của Pháp -- ca tụng việc đắc cử của ông Trump.
Ông Wilders, một nhà lập pháp đứng đầu đảng Tự Do (Party for Freedom) và là người bị kiện về những bài diễn văn có tính cách căm thù (hate-speech) ở Netherlands, viết trên Twitter  "Người Mỹ đã giành lại quốc gia của họ" và gọi việc đắc cử của ông Trump là "một chiến thắng lịch sử" và là "một cuộc cách mạng"
          Bà Le Pen, đứng đầu đảng Mặt Trận Quốc Gia (National Front) của Pháp và đã từng là ứng cử viên tổng thống, chúc mừng ông Trump trên Twitter và tuyên bố rằng dân chúng Mỹ được "Tự Do" và gọi đây là "tin tức tốt lành cho quốc gia của chúng ta."
          Ông Viktor Orban, thủ tướng Hungary, một trong ít nhà lãnh đạo của Âu châu đã lên tiếng ủng hộ ông Trump trong thời gian tranh cử, viết trên Facebook "Đây là một tin vĩ đại, chính thể Dân Chủ vẫn còn sống." 

Iran hứa sẽ giữ hiệp ước nguyên tử
          Tháng Giêng vừa qua, ông Trump đã gọi hiệp ước giữa Iran và các quốc gia hùng mạnh trên thế giới là "một sự trao đổi tồi tệ nhất" và hứa sẽ tự ý bãi bỏ nó. Trong hiệp ước này, Iran bỏ đi một phần lớn của chương trình hạt nhân để đổi lấy sự giảm thiểu trong việc cấm đoán buôn bán với thế giới.
          Một nhà phân tích, Farshad Ghorbanpour, có liên hệ gần gũi với chính phủ Iran cho biết ông lo ngại rằng việc đắc cử của ông Trump sẽ là điều vui mừng cho phe "diều hâu" để làm áp lực với thủ tướng Iran là ông Hassan Rouhani, người được xem là thân Mỹ.

          Netanyahu gọi Trump là "Người bạn thực sự" của Israel
Thủ tướng Do Thái, Benjamin Netanyahu, nói "Tổng thống đắc cử Donald Trump là người bạn thực sự của quốc gia Do Thái (State of Israel) và tôi mong đợi ngày được làm việc với ông trong việc ổn định, an toàn và hoà bình trong khu vực." Ông nói Hoa Kỳ là "một đồng minh quan trọng nhất của Israel. "
          Chính phủ Do Thái vẫn có nhiều căng thẳng với chính phủ Obama, trước đây đã tránh lên tiếng trong thời gian tranh cử của Mỹ vì không muốn đứng về bên nào, đồng thời đã mở rộng quan hệ với India (Ấn Độ) và Russia (Nga) và đàm thoại với China (Trung cộng) về hợp tác kinh tế.
          Ông Ron Prosor, cựu đại sứ của Israel ở Liên Hiệp Quốc (UN), nói rằng dưới sự lãnh đạo của ông Trump, Iran sẽ bị kiểm soát và chịu trách nhiệm với bất cứ vi phạm nào với hiệp ước hạt nhân, một hiệp ước mà Israel đã chống đối mãnh liệt.

Sự bất an cho một Trung Đông hỗn loạn
          Trong toàn vùng Trung Đông, nơi mà nước Mỹ vẫn có quan hệ lâu dài đôi khi không tốt trong lịch sử, nhiều quốc gia không biết phải phản ứng như thế nào.
          Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi của Egypt và thủ tướng Binali Yildirim của Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ) đã nhanh chóng chúc mừng ông Trump, nhưng không có nhiều lời từ Saudi Arabia. Ông Trump đã từng tuyên bố các vương quốc dầu hoả này đừng mong đợi người Mỹ sẽ bảo đảm việc chống giữ cho họ và nên "tặng dầu hoả cho dân Mỹ trong 10 năm tới".
          Nước Syria cũng không biết viết gì để  nói lên tình trạng nội chiến đang xảy ra. Những người chống đôi thì đã cho biết rằng trước đó họ hy vọng bà Hillary Clinton sẽ đắc cử và sẽ giúp đỡ họ nhiều hơn trong việc chiến đấu để lật đổ chính quyền của tổng thống Bashar al-Assad.
          Ông  Murhaf Jouejati, chủ tịch của hội Day After (Ngày Hôm Sau), một tổ chức độc lập nhắm vào việc chuẩn bị cho một quốc gia Syria dân chủ trong tương lai, nói "Tôi lo ngại cho Syria. Donald Trump là người đã từng nói ông ấy sẽ để Russians (Nga) lo về việc Syria. Đây là một chiến thắng cho chế độ của Assad."
          Nhiều người tỏ ra lo ngại về những lời nói tiêu cực về Đạo Hồi và người theo Hồi Giáo sẽ có thể được giải thích thành những chính sách hỗn loạn trong vùng, đồng thời gây khó khăn cho dân Syria đang tìm nơi tị nạn chiến tranh.

Nhật với nỗi lo âu về người bạn đồng minh
          Thủ tướng Shinzo Abe, người đã dự tính một cuộc gặp mặt với bà Clinton tại Washington trong tháng Hai năm 2017, đang cố gắng giữ yên tĩnh cho quốc gia trong khi giá tiền lên cao và cổ phiếu đang bị sụt giá. Ông nói "Tay trong tay với ông Trump, tôi sẽ cố gắng làm việc với ông ấy".
          Trong thời gian tranh cử, ông Trump đã đặc biệt nói về nước Nhật đã không công bằng trong việc trợ giúp các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ và đặt câu hỏi về việc Hoa Kỳ cam kết bảo vệ Nhật trong trường hợp bị tấn công.
          Với sự vươn lên của China (Trung cộng) và những lời tuyên bố của ông Trump về Á Châu, ông Shin Kawashima, giáo sư về Quan Hệ Quốc Tế của Viện Đại Học Tokyo nói "Có thể ông Trump sẽ giảm bớt những cam kết về sự an toàn của vùng Thái Bình Dương. Nếu ông ấy thực hiện chính sách như vậy thì thẩm quyền của Trung cộng sẽ lớn mạnh và sẽ xâm lấn biển đảo nhiều hơn ở vùng Thái Bình Dương. Rồi thì những quốc gia đồng minh trong vùng và chuyên gia an ninh ở Washington sẽ chống lại chính sách như vậy. Đó là một khó khăn cho ông Trump để thay đổi tất cả chính sách của Hoa Kỳ về vùng Thái Bình Dương."
          Những lời nói của ông Trump có thể khuyến khích ông Abe trong việc tái tạo quân đội và tăng cường liên hệ với Russia (Nga).

Nam Hàn cảnh cáo Bắc Hàn không nên "đoán sai" lời nói của ông Trump
          Tổng thống Park Geun-hye của Nam Hàn chỉ thị cho chính phủ của bà cộng tác gần gũi với nội các mới của ông Trump để bảo đảm cho Nam Hàn và Hoa Kỳ vẫn giữ được những ngăn cấm và áp lực với Bắc Hàn nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của họ.
          Người phát ngôn của Nam Hàn, Jeong Joon-hee, tuyên bố "Bắc Hàn không nên đoán sai về sự vững bền của liên minh giữa Nam Hàn và Hoa Kỳ và khả năng kết hợp để trả đũa bất cứ sự khiêu khích nào".
          Ông Trump đã tuyên bố rằng có thể rút quân đội Mỹ ra khỏi Nam Hàn nếu quốc gia này không phụ giúp chi phí cho sự có mặt của họ. Ông cũng cho biết có thể để Nhật và Nam Hàn tự bảo vệ với vũ khí hạt nhân và có thể sẽ điều đình trực tiếp với lãnh tụ Bắc Hàn, Kim Jong-un.
          Sự đắc cử bất ngờ của ông Trump đã khiến các nhà phân tích không kịp trở tay, nhưng lại là một tin mừng cho Nam Hàn đang có ý định chế tạo vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ chống lại Bắc Hàn.

Hai nhà lãnh đạo Đông Nam Á Châu ủng hộ Trump
          Thủ tướng Najib Razak của Malaysia (Mã Lai) là nhà lãnh đạo đầu tiên gửi lời chúc mừng nồng nhiệt đến ông Trump."Thế giới đã được xem một cuộc bầu cử tổng thống tuyệt vời," ông nói trong bài diễn văn. "Hầu như trong từng thay đổi đang diễn ra của ngày bầu cử cho thấy những nhà bình luận đều đã sai và kết quả dự đoán của các những nhà chuyên môn đều đã bị đảo ngược. Donald Trump được xem là người ngoài khi ông tuyên bố tranh cử. Ông đã đánh bại các chính trị gia chuyên nghiệp để được đảng Cộng Hoà đề cử và làm như thế một lần nữa với sự đắc cử vẻ vang ngày hôm nay. Sự thành công của ông Trump cho thấy rằng chính trị gia không nên xem lá phiếu của cử tri như món quà tặng."
          Ông Najib nói thêm "Ông Trump đã lôi cuốn được những người dân Mỹ được xem là bị bỏ quên  -- những người muốn chính phủ để ý nhiều hơn về quyền lợi và hạnh phúc của họ, đồng thời giảm bớt sự can thiệp vào các quốc gia khác đã được xem là chống lại Mỹ -- để đem lại chiến thắng trong cuộc chạy đua vào White House."
          Đến Malaysia vào chiều ngày thứ Tư, Rodrigo Duterte, tổng thống Philippines, người đã thường đả kích Mỹ và Obama bằng những lời lẽ thô tục, nhắc đến ông Trump trong bài diễn văn với dân Filipino làm việc ở ngoại quốc."Xin có lời chúc mừng." ông nói "Chúng ta rất giống nhau. Chúng ta đều chửi thề."

Một ngạc nhiên cho quốc gia có nền Dân Chủ lớn nhất thế giới
          Thủ tướng Narendra Modi của India (Ấn Độ) viết trên Twitter gửi cho ông Trump "Chúng tôi cảm kích về tình hữu nghị mà ông đã nói về India trong cuộc tranh cử".
          Đối với India thì câu hỏi chính với chính phủ Mỹ là việc cắt giảm sự hiện diện của quân đội.
          Dhruva Jaishankar, một nhà nghiên cứu của Brookings Institution India Center nói "Nếu câu hỏi đó được nêu lên thì India sẽ không thể  trông cậy vào Mỹ trong việc bảo vệ quốc gia." Kết quả có thể được xác định bởi thái độ của Trung cộng, Nhật và Hàn Quốc.
          Bà Manjeet Kripalani, tổng giám đốc của Gateway House, một trung tâm nghiên cứu ở Mumbai, so sánh Trump với Putin của Russia (Nga), tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ), và ông Modi của India (Ấn Độ).
          Bất kỳ thay đổi nào về sự liên hệ giữa India và Hoa Kỳ, bà tiên đoán rằng "Bạn sẽ thấy chính phủ của ông Trump sẽ có những hành động thực tiễn hơn với Pakistan, India và Trung cộng."

Hoa Kỳ không có người bạn nào "tốt hơn Úc"
          Thủ tướng Úc, Malcolm Turnbull, cam đoan một lần nữa với dân Úc rằng "Người Mỹ hiểu rằng họ không có đồng minh mạnh hơn, bạn tốt hơn dân Úc."
          Ông Turnbull nói vai trò của Mỹ ở vùng Thái Bình Dương đã được xem là nền móng của sự ổn định, phát triển kinh tế và tuân thủ luật lệ. Đây là những lời lẽ mà Julie Bishop, bộ trưởng ngoại giao Úc, đã dùng để thảo luận cho việc giải quyết sự tranh giành với Trung cộng về chủ quyền và quyền đánh cá ở vùng biển Hoa Nam (Biển Đông).
          Ông Turnbull nói "Tôi rất tin tưởng vào tất cả những lời hứa của chúng tôi sẽ tiếp tục vững mạnh và thân thiện, đầy tín nhiệm như đã được thể hiện từ nhiều năm qua."




No comments:

Post a Comment