Monday, November 7, 2016

NGỌN SÓNG HỜN CĂM

NGỌN SÓNG HỜN CĂM
                                                                                      Ngô Quốc Sĩ
           Thi ca yêu nước đã đã vọng ra từ ngục tối, từ vũng lầy xã hội chủ nghĩa đói khát bất nhân,  cũng như  tuôn trào từ hơi thở uất nghẹn  của dân oan, từ máu nóng của người trẻ yêu nước, cũng như từ tiếng kêu gào của biển chết, cá chết..
Thi ca yêu nước cũng nhấp nhô trên ngọn sóng của những con thuyền vượt biển tìm tự do, của thuyền nhân đi tìm một phần trăm cái sống giữa chín mươi chín phần trăm cái chết. Có thể gọi dòng thơ vượt biển đó là những ngọn sóng căm hờn cuộn lên từ biển Đông, vốn là biển Thái Bình nay thành biển sôi máu..

           Cuộc vượt biển năm 1975, qủa là một cuộc bỏ phiếu bằng chân.Thật vậy, cả triệu dân Việt lao mình vào sóng gió biển Đông đã nói lên cho thế giới biết dân Việt không chấp nhận cộng sản. Dân Việt ra đi, bỏ xác trong lòng biển cả, linh hồn tức tưởi cuộn lên những ngọn sóng căm hờn  uất ức như những tiếng gào thét của tự do đã bị cộng sản cướp mất. Ra đi là vượt thoát, nhưng là một cuộc phiêu lưu đầy hiểm nguy nên Cao Tần chi biết chấp tay cầu nguyện:
                   Có bạn nào đang rắp tâm vượt thoát
                   Nhớ rằng ta luôn cầu nguyện cho người
                   Láng đời chót đã tan trên chiếu bạc
                   Thì sá gì thêm một chuyến ra khơi
          Cao Tần chấp tay cầu nguyện, nhưng Huy Lực lại lo âu và hoài nghi, không biết tiếng cầu kinh có thấu Trời Phật không?
                   Mênh mông trời nước ai hay
                   Tiếng kinh cầu nguyện gió bay lạnh lùng
           
Lời cầu nguyện như thể tan biến vào cõi không, nên  Huy Lực Bùi Tiến Khôi đã tỏ ra tuyệt vọng:
                   Còn gì đâu nữa mà mong
                   Ngươi thương nước mắt lưng tròng cách xa
                   Quê hương mất hút nhạt nhòa
                   Ruột đau như cắt vỡ òa con tim
          Vì hai chữ tự do, dân Việt đã lao vào hiểm nguy, treo mạng sống trên ngọn chỉ mành của biển gió. Vẫn biết trong 99 phần trăm cái chết, chỉ có 1 phần trăm cái sống. Nhưng dân Việt chấp nhận đánh đổi, hơn thua với số mệnh như Trương Phong đã thổ lộ:
                   Dù ngày đêm biển động cố thét gào
                   Người lũ lượt vượt biên tìm sự sống
          Đi tìm sự sống trong niềm hy vọng thật mong manh là một liều lĩnh, như một cuộc đánh cá tuyệt vọng. Con người qúa nhỏ bé, hoàn toàn bất lực trước thiên nhiên, nhưng con người vẫn nhất quyết đi tìm cái sống trong nỗi chết, vì không thể chấp nhận ở lại trong địa ngục cộng sản, như Lưu Văn Giỏi đã khẳng định:
                   Gió áo ạt thuyền chông chênh sóng biển
                   Đêm mịt mù đen tối thiếu tương lai
                   Quyết ra đi không sá chi nguy biến
                   Hơn chết mòn trong địa ngục trần ai
          Giữa biển cả mù khơi, tất cả biến thành số không to tướng. Chỉ còn lại tiếng mẹ ru. Đó là tiếng mẹ Âu Cơ. Nhưng tiếng ru của mẹ không còn là tiếng vỗ về con thơ, mà trở thành từng giọt nước mắt uất nghẹn qua thơ Ngô Thiên Tú
                        Ru con giữa biển Đông
                   Theo sóng gió bềnh bồng
                   Từng giọt như ngậm ngùi
                   Từng giọt như uất nghẹn
                   Nhìn con thơ nằm im
                   Say đói khát rũ mềm
                   Giọt nước mắt thương con
                   Mênh mông như nước biển
          Điều bi đát nhất là trong cuộc vượt biển tìm tự do, dân Việt không những phải đánh cuộc với thiên tai, sóng cồn bão tố, mà còn phải đối diện với nhân tai, với bọn hải tặc cuồng dâm, háo sắc khát máu, như lời  chứng của Lưu Văn Giỏi qua lời kể lại của một bé gái:
                   Em kể tiếp, giết cha xong hiếp mẹ
                   Hiếp mẹ em rồi chúng thả trôi sông
                   Đến lượt em trên ghe người chết hết
                   Chỉ còn mình em chúng cũng không tha!
          Và cũng là lời chứng của Bảo Tuấn:
                             chúng lồng lên
                             vung mã tấu
                             chém thẳng tay !
                             ba quị ngã
                             máu chảy đầy ra đó !
          Còn mẹ quá đau đớn, cũng đành nhắm mắt đi tìm ba trong tuyệt vọng trong tiếng nức nở của con thơ:
                    
Mẹ mệt rồi, mẹ đi tìm ba
                             Chưa dứt câu tay mẹ đã buông ra
                             Em khóc nấc: Mẹ ơi trở lại !
                             đừng bỏ con, con sợ quá mẹ ơi
                             Mẹ cứ trôi,
                             Mẹ chẳng trả lời
                             Em nhìn mẹ mà òa lên khóc
          Sóng gió vô tình. Hải tặc vô tâm. Sinh mạng con người giống như bọt biển trôi đi hững hờ và oan hồn thuyền nhân còn vất vưởng đó đây trên sóng nước vô tình:
                             Giữa biển trời cuộc hành trình cô đơn,
                             Một chiếc tàu và bao nhiêu sinh mạng,
                             Họ trôi theo tiếng thét gào của biển,
                             Tiếng họ thét gào biển có nghe không?      
          Bảo Tuấn đã khóc. Bùi Minh Hằng còn nức nở hơn mỗi tháng Tư về, tưởng nhớ tới oan hồn người vượt biển:
                        Tháng Tư ra biển khóc người
                   Oan hồn hỡi, đáy trùng khơi, xin về
                   Biển chiều vàng ánh tà huy
                   Dài tay sóng níu bước đi vô hồn
                   Đứng trên bờ đá cô đơn
                   Khóc người bằng tiếng thơ buồn xót xa
            Tiếng khóc Bùi Minh Hằng chính là tiếng khóc của mẹ Âu Cơ, thương đàn con phải lìa xa mẹ vào lòng biển sâu, hay hơn nữa, đó là tiếng khóc của con cháu Lạc Hồng vì cộng sản mà phải tan tác điêu linh, phải chấp nhận số kiếp  đoạn truờng:
                   Ai hay đáy biển là nhà
                   Máu pha lệ hận chan hòa đại dương
                   Thịt da nát dưới bạo cuồng
                   Ngàn trang huyết sử bên đường tử sinh
                   Mắt buồn nhìn sóng biển xanh
                   Thấy sương khói vẫn vô tình khói sương
                   Mà lòng đòi đoạn đau thương
                   Xót người đáy biển đoạn trường chưa nguôi

           Trải qua bao nỗi đoạn trường vì mẹ đã chết, cha đã chết và đàn con bơ vơ vất vưởng nơi đất khách quê người. Nhưng dân Việt đã tìm thấy đất hứa với cuộc sống tự do dân chủ. Dân Việt vẫn sống, vẫn vươn lên trong hy vọng và tin yêu như màu xanh biển cả, đúng như ước mơ của Nguyễn Thị Thanh Dương:
                    Bao nhiêu năm nữa biển vẫn màu xanh,
                   Đẹp cho đời thường cho người thơ mộng,
                   Bao nhiêu năm nữa biển còn dậy sóng,
                   Trong lòng những người vượt biển năm xưa.
          Thế đó! Bao năm nữa biển vẫn dậy sóng. Nhưng  tiếng sóng biển hôm nay khác với tiếng sóng biển nghẹn ngào của người vượt biển chạy trốn cộng sản năm xưa. Tiếng sóng biển hôm nay là tiếng sóng Bạch Đằng của Bùi Minh Quốc, là tiếng kình ngư của Triệu Thị Trinh, là tiếng gọi đáp lời sông núi của toàn thể dân Việt trong nước cũng như ngoài nước. Sức mạnh dân tộc đang dậy sóng Vũng Áng, đang nổi bão Hoàng Sa Truờng Sa, đang tuôn thác Bản Giốc. Cơn  Bão lửa đã châm ngòi! Lời hẹn về của người đi sắp thành hiện thực qua thơ Trần Mộng Tú:
                             Còn giòng sông nữa đêm biệt ly
                             Tôi đã cùng sông khóc hẹn về
                             Trăng nước thân yêu còn lắng đợi
                             Giữ giùm nước mắt kẻ ra đi
          Nước mắt kẻ ra đi sẽ thành tiếng cười vang ngày trở lại. Xin được kết bằng mấy câu thơ như lời nguyện trên sóng của một thuyền nhân 40 năm trước:
                   Anh sẽ về trong trong vòng tay của mẹ
                   Anh sẽ về trên vai gầy của cha
                   Anh sẽ về, sẽ về với kiếm báu Kinh Kha
                             Gươm trần sáng quắc
                             Hồ Trường cạn vơi
                             Cùng dân ta mở hội
                             Cùng dân ta làm nguời
                   Qủy sứ ma vuơng chấp tay đền tội
                   Đêm qua rồi! Ta chào đón bình minh



No comments:

Post a Comment