Thursday, October 13, 2016

CHIẾN HẠM HOA KỲ CẶP BẾN CAM RANH

CHIẾN HẠM HOA KỲ 
CẶP BẾN CAM RANH

          Đầu tháng 10.2016, báo chí nhà nước cộng sảnViệt Nam bất chợt đưa tin của Hải quân Mỹ về “tàu ngầm USS Frank Cable và khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS John S.McCain đã ghé thăm Cam Ranh hôm 2.10, như một phần của các hoạt động giao lưu giữa Hải quân Mỹ và Hải quân Việt Nam”

          Đây là một sự kiện quân sự rất đặc biệt vì chỉ diễn ra lần đầu tiên kể từ khi Việt Nam và Mỹ bình thường hoá quan hệ cách đây 21 năm (1995).
          Như vậy, phải mất đến 4 năm kể từ năm 2012 khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đến thăm Cam Ranh kể từ sau chiến tranh Việt Nam và tuyên bố “ Mỹ mong muốn có mặt ở Cam Ranh”, tàu chiến Mỹ mới xuất hiện tại quân cảng nhìn thẳng ra Biển Đông.
          Cũng phải mất đến 3 năm kể từ tháng 4/2013 khi Mỹ và Việt Nam bắt đầu có hoạt động “giao lưu hải quân” đầu tiên ở Đà Nẵng, người Mỹ mới tiến thêm được 400 cây số đến cảng Cam Ranh.
          Ngay trước chuyến công du Việt Nam tháng 5/2016 của Tổng thống Mỹ Obama, phía Mỹ đã có hoạt động hỗ trợ Việt Nam phòng chống thiên tai tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, đó chỉ là Đà Nẵng mà chưa có bất kỳ hơi hướng nào liên quan đến Cam Ranh.
          Nhưng việc Tổng thống Mỹ bất ngờ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam vào tháng 5/2016 đã khiến dư luận ngỡ ngàng. Nhiều tin tức khẳng định rằng giữa Mỹ và Việt Nam hẳn đã đạt được một “thỏa thuận ngầm” nào đó liên quan đến số phận của quân cảng Cam Ranh.
          Hồi tháng Bảy vừa qua, lại xuất hiện tin tức Việt Nam bất ngờ đưa tên lửa ra quần đạo Trường Sa. Cho dù không một cơ quan hoặc tờ báo nào của chính quyền Việt Nam xác nhận sự việc này, nhưng cũng chẳng thấy ai phản đối. Thậm chí tướng Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng – còn lần đầu tiên “lên giọng” về “Việt Nam có quyền bảo vệ chủ quyền của mình”.
          Gần đây, liên tiếp các tàu chiến Pháp, Nhật, Úc đã cập cảng Cam Ranh. Hồi đầu năm nay, thậm chí giữa Nhật và Việt Nam đã có một cuộc tập trận hải quân ở ngoài khơi Đà Nẵng đến 4 ngày. Nhật Bản lại là đồng minh của Mỹ.
          Đang diễn ra những động thái đáng chú ý về quân sự giữa Việt Nam và những nước đồng minh với Mỹ, kể cả Mỹ. Những động thái này lại diễn ra cùng với lời tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ về việc Mỹ sẽ không thay đổi chính sách xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương, cho dù tổng thống mới của Mỹ là ai.
          Câu hỏi nóng hổi hiện nay là người Mỹ đang làm gì ở Cam Ranh, và phía Trung cộng sẽ phản ứng như thế nào?
Lê Dung
(SBTN)





No comments:

Post a Comment