TÂM THƯ
Kính Gởi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
Lời chào trân trọng và đầy tin yêu xin được gởi đến tất cả
Quý Vị Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục, các Cha Bề Trên, các Linh Mục Hạt Trưởng, và tất cả các vị Chủ Chăn thuộc Hội Đồng
Giám Mục Việt Nam và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.
Con là Linh Mục Gioan Hà Trần,
một người Công Giáo Việt Nam, gốc miền Tây, thuộc Giáo Phận Cần Thơ. Con được
sinh ra và lớn lên trong lòng Giáo Hội Việt Nam, và hiện nay con đang phục vụ cộng
đoàn dân Chúa ở Savannah, Georgia, thuộc Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ. Hôm nay con
muốn viết lá thơ này để bày tỏ nỗi băn khoăn, sự ưu tư lo lắng, và những ý nghĩ
của con, hầu có dịp tâm sự với những người Mục Tử của Chúa hiện đang chăn dắt cộng
đoàn dân thánh ở cánh đồng Việt Nam.
Các
Đức Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục, và các Linh Mục thân mến, con rất hãnh diện
được sinh ra làm người Việt Nam và được trở nên người con của Chúa. Kể từ khi
chào đời, con đã được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, và qua sự dưỡng dục đầy yêu
thương của Giáo Hội Việt Nam, con đã được Rước Lễ, Thêm Sức, Bao Đồng,… và
không bao giờ con quên được hình ảnh những vị Linh Mục tận tâm và các Giám Mục
Địa Phận đã trao ban nguồn ơn thánh Chúa cho cuộc đời con. Mãi đến hôm nay nguồn
ơn thánh đó vẫn còn dạt dào tươi mát trong tâm hồn con. Tuy rằng bây giờ con
đang ở xa quê hương, lưu lạc nơi đất khách quê người, nhưng con vẫn luôn hướng
về quê nhà để cầu nguyện cho Tổ Quốc Việt Nam, cho Giáo Hội Việt Nam, cho các Vị
Mục Tử Việt Nam, cho Đoàn Chiên Việt Nam, và nhất là cho những con chiên đói khổ,
đang lang thang đọa đầy, bị hành hạ bất công, bị tù tội trái phép, mất đất, mất
nhà, bị oan ức, và tuyệt vọng kêu la mà không ai nâng đỡ, ủi an, che chở, và trợ
giúp, nhất là lúc họ xuống đường để đòi công lý, bày tỏ sự thật, sự tự do, dân
chủ, và nhân quyền.
Con
vẫn biết rằng Giáo Hội Việt Nam được gieo trồng trong đau thương, được tưới gội
bằng dòng máu Tử Đạo, được tôi luyện qua nhiều cuộc chiến tranh, và ngày nay vẫn
còn bị cỏ hoang, cỏ lùng, và gai góc chèn ép tấn công tứ bề. Trong tâm trí của
con, hình ảnh Giáo Hội Việt Nam cao đẹp lắm, vì trong suốt chiều dài dòng lịch
sử, Giáo Hội Việt Nam luôn có Chúa đồng hành, chăn dắt, và bảo vệ. Cho dù Giáo
Hội Việt Nam có phải long đong vất vả, và phải trải qua nhiều giai đoạn cấm đạo
hay nhiều thập niên tử đạo, nhưng Giáo Hội Việt Nam vẫn sống sót, vẫn xanh
tươi, vẫn tiếp tục vươn lên, và đơm hoa kết trái. Đã hơn 3 thế kỷ qua, Giáo Hội
Việt Nam đã phát triển theo dòng thời gian, thăng tiến trong dòng đời xuôi ngược,
và luôn hiện hữu trong lòng người dân mặc dù môi trường hơi có chút khắc nghiệt
và thể chế đã vài lần thay đổi với sự khác biệt. Chúa đã thương chúc lành và
ban cho Giáo Hội Việt Nam một cánh đồng phì nhiêu, trong đó có sự xuất hiện của
nhiều vị Mục Tử đức độ, anh dũng, và oai hùng, như: Ðức cố Hồng Y Giuse Maria
Trịnh Như Khuê, Ðức cố Tổng Giám Mục Phêrô Martinô Ngô Ðình Thục, Ðức Cha Tađêô
Lê Hữu Từ, Ðức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Ðức cố Tổng Giám Mục Philipphê
Nguyễn Kim Ðiền, Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, và Đức Tổng
Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt. Tạ ơn Chúa đã luôn an bài và sai các vị Mục Tử
nhân lành đến với đàn chiên, chăn dắt chiên, và cùng đồng hành với chiên trong
suốt thời kỳ chinh chiến. Sau khi cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt năm 1975, đất
nước Việt Nam được hòa bình thông thương, đường phố đã nối kết tình người từ
Nam ra Bắc, và người dân không còn nhìn thấy cảnh bom đạn khói lửa; thế nhưng,
cuộc chiến giữa các tầng lớp nhân dân và người dân trong nước vẫn còn tiếp diễn;
đó là những cuộc chiến tranh giành quyền lợi giữa giai cấp thống trị và người
dân bị trị, giữa những người có công với cách mạng và người phản cách mạng, giữa
tầng lớp Đảng Viên giàu có và người dân nghèo khó, giữa nhóm người cùng tôn
giáo và người khác biệt tôn giáo, giữa người có đạo và người không có đạo, giữa
người tốt và người xấu, giữa cái thiện và ác, sự lành và sự dữ, giữa những bất
công và sự chống trả, và tất cả những ước mơ cũng như sự hứa hẹn của Đảng liên
quan đến sự hạnh phúc ấm no, sự tự do, dân chủ, và nhân quyền mà người dân vẫn
chưa được hưởng, chưa được tìm thấy. Như thế, quê hương Việt Nam tuy bề ngoài
là thời bình, nhưng bên trong vẫn còn chinh chiến, và Giáo Hội Việt Nam luôn phải
đương đầu với những thử thách chông gai, đại khái là cứ phải nhẫn nại, rồi nhịn
nhục, và im hơi lặng tiếng để cho qua tháng, qua ngày.
Trong
suốt thời gian 43 năm qua, kể từ khi Đảng Cộng Sản Việt Nam lên nắm quyền điều
khiển đất nước, Giáo Hội Việt Nam đã phải biến đổi để dễ dàng hội nhập vào “Đường
lối và chính sách của Đảng.” Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã “cộng tác” với Đảng
để hướng dẫn đoàn chiên “Sống Phúc Âm và hòa mình giữa lòng dân tộc.” Trong lần
diện kiến Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô mới đây vào ngày 5-3-2018, Chủ Tịch Hội Đồng
Giám Mục Việt Nam là Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Chí Linh đã hãnh diện công bố:
“Giáo hội Việt Nam với 3 giáo tỉnh Huế, Sài Gòn, và Hà Nội, gồm 26 giáo phận,
có 33 giám mục tại chức đang hiện diện đầy đủ trước mặt Đức Thánh Cha, khoảng
4,500 giáo xứ với hơn 4,000 linh mục, 22,000 tu sĩ nam nữ thuộc hơn 240 dòng
tu, hơn 2,400 đại chủng sinh, 7.000.000 giáo dân, tỉ lệ khoảng gần 8% dân số cả
nước, 95.500.000”. Như thế, theo con số thống kê và các dữ liệu sử sách cho biết
thì số lượng giáo dân của Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam có phần gia tăng theo
dòng thời gian (1,500,000 năm 1938, 4,500,000 năm 1988, và 7,000,000 năm 2018),
thế nhưng tỉ lệ giáo dân (7,8%) so với dân số cả nước thì vẫn không hề thay đổi
trong suốt 43 năm qua kể từ khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt 1975. Điều này
cho thấy Giáo Hội Việt Nam luôn bị kiềm kẹp, khống chế, và không hề có sự phát
triển, vẫn đứng yên và dặm chân tại chỗ! Điều đáng buồn là nhiều Giám Mục Việt
Nam hiện nay vẫn “âm thầm đi đêm” và “ngấm ngầm hợp tác” với Đảng để thực hiện
“Quy Chế Xin-Cho,” hầu được “yên thân, yên phận” để chu toàn bổn phận và trách
nhiệm của mình.
Trong
những năm gần đây, con thấy Giáo Hội Việt Nam có những điểm son thế này:
1.
Hàng Giám Mục Việt Nam luôn cộng tác, liên lạc, và kết hợp chặt chẽ với Giáo Hội
Mẹ, nghĩa là Giáo Hội Việt Nam luôn thông công, hiệp thông, và thống nhất với
Giáo Hội Hoàn Vũ trên mọi phương diện. Như thế, Giáo Hội Việt Nam vẫn luôn liên
kết với cây, gắn chặt với cành, và là Chi Thể của Đức Kitô; thế nên, chúng ta
phải hãnh diện về sự kiện hiệp nhất - tin yêu này.
2.
Các Giám Mục Việt Nam luôn gắn bó, liên hệ, giao lưu, và khắng khít với nhau
trong tình huynh đệ, hiệp nhất với nhau trong các nghi thức phụng vụ, và đồng
nhất với nhau trên phương diện rao giảng, dạy giáo lý, và cử hành các Bí Tích.
Nhiều videos sống động đang được phát sóng trên mạng đều minh chứng về điều
này. Ngoài ra, các hình ảnh sinh hoạt đa năng của Giáo Hội Việt Nam còn được
đăng tải và phát tán rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Nếu chỉ xem qua phim ảnh
và thấy được sự quy tụ hoành tráng của các Đấng Bậc Chủ Chăn, sự trình diễn
trang phục của các tầng lớp giáo dân, hoặc các chương trình sinh hoạt tôn giáo
rất ngăn nắp và trật tự trong các Ngày Đại Lễ ở Việt Nam, chẳng hạn như: Khai Mạc
Năm Thánh, Lòng Chúa Thương Xót, Đại Hội La Lang, Đức Mẹ Núi Cúi, Lễ Tấn Phong
Giám Mục, Truyền Chức Linh Mục, Tang Lễ Giám Mục, Lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên, Lễ
Tuyên Khấn Trọn Đời, Khấn Dòng…v.v, người dân khắp nơi trên thế giới sẽ dễ dàng
lầm tưởng rằng: Giáo Hội Việt Nam không hề bị cấm cản, nhưng được tự do tín ngưỡng,
và giáo dân không hề gặp khó khăn ngăn trở từ phía chính quyền, vì ai cũng được
tự do đi lại, được tự do hội họp, và tự do sống đạo. Thế nhưng, tin tức từ nội
bộ cho biết sự tự do tôn giáo ở Việt Nam không được tôn trọng, mọi người không
hề được tự do tín ngưỡng, và các sinh hoạt niềm tin không hề được thoải mái.
3.
Hình ảnh nổi bật nhất trong thời gian gần đây có lẽ là sự đồng loạt sửa sang và
xây cất. Nhiều công trình mở mang các khu hành hương, kiến thiết trung tâm
thánh địa, xây cất nhà thờ mới, xây dựng trung tâm mục vụ…và nhiều chương trình
xây cất khác đang tiếp tục mọc lên như nấm, trải dài từ Nam ra Bắc. Một hình ảnh
khó giải thích cho du khách nước ngoài là tại sao đất nước mình thì nghèo đói lạc
hậu, xã hội thì kém phát triển, dân thì đói khổ, nhà dân thì rách nát, giáo dân
thì lầm than, nhưng đi tới đâu cũng thấy những công trình xây cất hàng tỉ và
nhiều nhà thờ vĩ đại? Đây có phải là chương trình và hình ảnh đánh bóng cho một
thể chế tham nhũng thối nát? Đây có phải là sự tiếp tay xây dựng một Thiên Đường
Xã Hội Chủ Nghĩa và góp phần làm cho Đảng thêm hào nhoáng vinh quang? Đây có phải
là hành động tô son điểm phấn cho bộ mặt hối lộ, tham nhũng, và gian ác của Đảng
hầu che lấp các chính sách hèn mạt, ngu dân, và phản dân chủ chăng?
4. Vấn
đề làm con rất băn khoăn lo lắng là “sự im hơi lặng tiếng” của Hội Đồng Giám Mục
Việt Nam về sự dối trá và gian ác của một đảng phái chính quyền mà bản chất lại
là tà quyền. Họ luôn tuyên truyền là người của dân, do dân, và vì dân; thế
nhưng, họ luôn ra tay đàn áp, khủng bố, đánh đập, bắt bớ, giam cầm, tra tấn, và
sát hại người dân. Thật sự, đây là những người công dân yêu nước, là công nhân
lao động đang miệt mài đóng góp công sức và tiền thuế cho xã hội, và là con
chiên đáng thương của Giáo Hội. Con cảm thấy rất đau lòng khi biết Hội Đồng
Giám Mục Việt Nam chưa hề bày tỏ sự phản kháng hoặc mạnh mẽ lên án những hành động
sai trái và những cái ác ôn của nhà cầm quyền, không lên tiếng chống lại sự bất
công của bọn tà quyền trong xã hội, không mạnh dạn cất lên tiếng nói cùng người
dân, không hòa cùng nhịp tim với hồn thiêng dân tộc, chưa dám xuống đường với
dân oan, chưa gặp gỡ và ủi an những người dân bị hại, chưa đến thăm viếng gia
đình nạn nhân cũng như người thân của họ, và chưa thấy dấy lên hồi chuông để
xóa tan nỗi khát vọng. Trong thực tế, con cũng chưa hề được đọc qua bất kỳ một
tin tức nào nói về việc Hội Đồng Giám Mục chính thức lên tiếng phản đối “chính
quyền” về hành động cưỡng chế đất đai trái phép của nhân dân hoặc của cá nhân,
chẳng hạn như khu đất ở Tòa Khâm Sứ, Giáo Xứ Thái Hà, Dòng Thánh Phaolô Hà Nội,
Dòng Chúa Cứu Thế, Đan Viện Thiên An Huế, Văn Giang, Hưng Yên, Đồng Tâm, Tiên
Lãng, Hải Phòng, An Giang, và hàng ngàn, hàng vạn nơi khác. Kế đến, con cũng
chưa nghe thấy Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lên tiếng khen thưởng những tấm gương
anh dũng và ủng hộ việc làm quảng đại, đầy tình bác ái yêu thương của các Linh
Mục gương mẫu, như: Cha Đặng Hữu Nam, Cha Nguyễn Đình Thục, Cha Phêrô Nguyễn
Văn Lợi, Cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải, Cha Phêrô Trần Đình Lai, Cha Tađêô Nguyễn
Văn Lý, Cha Jos Nguyễn Duy Tân, Cha Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, Cha Phêrô Nguyễn
Văn Khải…v.v. Ngoài ra, con cũng chưa hề nhìn thấy hành ảnh Hàng Giám Mục Việt
Nam cùng đứng chung với hàng ngũ giáo dân khi họ phản kháng, cùng đi chung với
dân oan khiếu kiện, lên tiếng cho quyền lợi của toàn dân, khuyến khích an ủi
dân, và bảo vệ người dân giống như hình ảnh, tiếng nói, và hành động đơn độc của
một vài Giám Mục lẻ tẻ là Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Đức Cha Cosma Hoàng Văn
Đạt S.J, Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, và Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp O.P.
5.
Sau cùng, điều con muốn nhìn thấy nơi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam là sự can đảm,
hòa đồng, và hành động công lý đầy mùi chiên với lòng thương xót. Các vị Chủ
Chăn thân mến, sự bày tỏ tâm ý và góp ý của con ở đoạn văn dưới đây không có ý
qua mặt để dạy khôn, dạy đời, hay nhắc khéo làm xúc phạm đến uy danh các đấng bậc
“Cha-Thầy” của con; tuy nhiên, nếu điều đó có xảy ra thì xin các ngài cũng rộng
lượng thứ tha và giảm án phạt ngàn đời cho con.
Theo
con được biết thì tất cả các quan chức ở Mỹ dù lớn hay nhỏ cũng đều phải tuân
thủ một quy luật thế này: “Không bao giờ hợp tác với kẻ xấu, bất kể là kết quả
sẽ ra sao,” nghĩa là trong bất kỳ tình huống nào dù máy bay bị bọn khủng bố tấn
công, tàu hàng bị hải tặc khống chế, hoặc nạn nhân bị bọn cướp dí dao vào cổ,
và cho dù sự kiện ấy có nguy hại đến tính mạng thì người thuyền trưởng, viên
phi công, hay người bị bắt làm con tin cũng không được phép cộng tác với kẻ xấu,
chẳng hạn như đám Hồi Giáo quá khích, tụi ISIS, bọn khủng bố…v.v. Cộng Sản là
bè lũ dối trá và gian ác; thế nên, chúng ta không thể cộng tác với chúng.
Xin
đừng sợ hãi vì phải nói lên sự thật cho dù phải hy sinh tính mạng. Chúa Giêsu
Kitô đã minh chứng điều này khi Ngài rao giảng sự thật, sống cho sự thật, và chết
cho sự thật. Cái chết của Ngài trên cây thập giá chính là gương sáng, và rất
đáng ngợi khen.
Xin hãy mạnh dạn nói sự thật và làm chứng cho sự thật,
nhất là sự dối trá và hành động xấu xa của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Thánh Gioan
Tẩy Giả là tiếng kêu trong hoang địa, nhưng ngài đã cất tiếng để kêu gọi để mọi
người thống hối ăn năn, chịu phép rửa, và sửa lại đường đi lối bước. Mặt khác,
ngài cũng không hề nhu nhược trước bạo quyền, không im hơi lặng tiếng trước những
hành động sai trái của Vua Hêrôđê, và chỉ vì lên tiếng cho sự thật, nói sự thật,
và làm chứng cho sự thật mà ngài đã bị Vua Hêrôđê ra lệnh chém đầu.
Xin
hãy giải thích cho giáo dân Việt Nam biết rõ sự thật về chủ thuyết Cộng Sản, vì
người dân đã bị bè lũ Cộng Sản tẩy não hơn 40 năm qua. Cho đến hôm nay người
dân Việt Nam không biết được đâu là thật đâu là giả, và phần đông họ cũng không
thể phân biệt được cái đúng cái sai. Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero là người Công
Giáo gốc Salvador. Ngài đã mạnh dạn lên tiếng phản đối sự nghèo đói lạc hậu, chống
lại sự bất công trong xã hội, luôn đồng hành cùng với người dân, và kết quả là
ngài đã bị chính quyền khủng bố, quân đội hành hung, bọn tà quyền tra tấn, và
sau cùng họ đã ám sát ngài ngay tại bàn thờ trong khi đang cử hành thánh lễ.
Hãy
nhanh chóng ngăn cản sự lan tràn của những cái hư, tật xấu, nhất là đối với những
kẻ đang nắm quyền hành trong tay. Thánh Tôma More là một Luật Sư danh tiếng người
Anh và là Quan Trưởng Ấn thuộc Giáo Hội Công Giáo. Ngài đã trung thành với đạo
lý và hết lòng bảo vệ chân lý, và cho dù có bị chém đầu, ngài cũng mạnh dạn lên
tiếng cho sự thật, sống cho sự thật, và ngài đã không luồn cúi, tham nhũng, hay
bao che cho hành động sai trái của Vua Henry 8.
Nếu
không thể lên tiếng tranh đấu cho những cái tốt cái đẹp trong xã hội thì cũng
không nên răn đe hay cấm cản người khác hành động. Ngược lại, hãy luôn động
viên và khuyến khích đoàn chiên của mình để họ hành động với tinh thần trách
nhiệm của một người công dân theo tiếng nói lương tâm. Ông Mahatma Gandhi, gốc Ấn
Độ, là cha đẻ của các phong trào bất tuân dân sự, nghĩa là không cộng tác với
nhà cầm quyền, biểu tình bất bạo động, và kết quả là ông bị ám sát 1948. Hành động
và sự chỉ dạy của ông đã đánh động lòng dân, thức tỉnh người dân, và họ đã tự
mình đứng lên tranh đấu để dành lại sự tự do, dân chủ, và nhân quyền. Người dân
Ấn Độ đã đạt được ước nguyện của mình.
Hãy can đảm xuống đường cùng với đoàn chiên để làm
lên sự khác biệt, nhất là thi hành quyền công dân, giúp đất nước phát triển,
làm xã hội thăng tiến, bênh vực lẽ phải, đòi hỏi công lý và sự thật. Hơn nữa, với
cương vị là Chủ Chăn, ngài sẽ đi trước để làm gương, để hướng dẫn chỉ đường, để
khuyên răn dạy bảo, để khuyến khích an ủi, và làm bia đỡ đạn để con chiên được
thoát nạn. Đức Tổng Giám Mục Desmond Tu Tu thuộc Hội Thánh Tin Lành, gốc Châu
Phi, và là người đã lãnh giải Nobel Hòa Bình 1984. Ông đã mạnh mẽ lên tiếng chống
lại chính sách kỳ thị chủng tộc, phân chia giai cấp, chống lại những bất công bạo
quyền, và nhiệt tình ủng hộ việc biểu tình bất bạo động để đòi hỏi công lý và
nhân quyền. Sau cùng, người dân đã thực hiện được ước mơ của mình.
Hãy dành chút ít thời gian để đến thăm viếng gia
đình nạn nhân cũng như người thân của họ, nhất là những người đang còn gặp khó
khăn vấn nạn; đặc biệt là những nạn nhân còn đang ở trên giường bệnh, dưỡng
thương ở nhà, hay còn ở trong lao tù. Sự thăm viếng ủi an của các đấng bậc Chủ
Chăn sẽ là động lực để đem lại cho họ nguồn sống, sự thứ tha, niềm ủi an, và hy
vọng. Hình ảnh Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 là nhân chứng cho tình yêu này khi
ngài trở lại nhà tù để thăm viếng kẻ ám sát, người đã dùng súng bắn ngài ngay tại
Quảng Trường Thánh Phêrô.
Xin
đừng bao giờ dùng quyền thế hoặc vai vế để ép buộc con cái của mình phải nhu
nhược trước bạo quyền, im tiếng trước sự thối tha gian ác, và không làm gì trước
những bất công; hơn nữa, xin các ngài cũng đừng dùng vai vế hay quyền thế của
mình mà trừng phạt những “đứa con can đảm,” nhất là đừng sử dụng “Lá Bùa” của bọn
tà quyền là “Quy Chế Xin-Cho” để dập tắt tiếng nói của các Linh Mục đang hết
lòng vì dân, đang tranh đấu với dân, đang là ngọn đuốc cho dân, và là chiếc
phao cứu hộ của dân; quan trọng nhất là đừng sử dụng chiêu bài “Đức Vâng Lời” để
di dời các Linh Mục “phản động” vào nơi thanh vắng, hầu cắt đứt tia hy vọng cuối
cùng của dân. Dr. Martin Luther King là Mục Sư người Mỹ, gốc Châu Phi, người đã
đạt giải Nobel Hòa Bình năm 1964. Ông là nhà hoạt động dân quyền và tranh đấu bất
bạo động. Ông nhiệt tình ủng hộ người dân và luôn cùng đồng hành với họ để đòi
hỏi quyền được đối xử công bằng và quyền bình đẳng. Kết quả là ông đã bị ám sát
năm 1968 lúc 39 tuổi; tuy nhiên, giấc mơ của ông sau đó đã trở thành hiện thực,
và người dân cùng tranh đấu với ông đã nhận được những gì họ tìm kiếm.
Thánh
Phaolô khuyên nhủ giáo dân thế này: “Đừng để cho sự gian ác thắng được mình,
nhưng hãy làm việc thiện mà thắng ác” (Rom 12:21). Thánh Giacôbê Tông Đồ còn
truyền dạy rằng: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết,” nghĩa là “Đức tin
phải được chứng minh qua hành động” (Gc 2:17 & 26). Hành động đức tin không
nhất thiết chỉ thực hiện ở trong nhà thờ, nhưng ở ngoài xã hội và cả những nơi
tù tội! Chúa Giêsu tuyển chọn các Thánh Tông Đồ không phải để các ngài ngồi bên
trái hay bên phải trong sự vinh dự hay quyền bính vinh quang, nhưng để các ngài
uống chén đắng hầu được phúc chia sẻ nỗi đau và sự chết của Người. Bổn phận và
trách nhiệm của người Mục Tử là chăn dắt đàn chiên, trong đó có sự hiện diện của
các vị Giám Mục, Linh Mục, các Tu Sĩ Nam Nữ, và toàn thể giáo dân. Con chiên
ngày nay không chỉ xuất hiện ở nhà thờ, nhưng ở tất cả mọi nơi, nhất là ở những
nơi mà người dân thường tụ tập để khiếu kiện và bày tỏ sự phản kháng. Theo con
được biết thì rất đông giáo dân đã có mặt trong các cuộc xuống đường, trong
đoàn lũ người biểu tình ôn hòa bất bạo động, trong đám dân oan đi khiếu kiện,
nhóm các tù nhân lương tâm, và những người dân đang bị thương, đang dưỡng
thương, đang bị cưỡng chế, hoặc đang bị giam giữ trái phép. Xin các vị Mục Tử
hãy luôn đồng hành với những con chiên đáng thương này, đặc biệt luôn để ý quan
tâm, tận tình chăm sóc, và hết lòng hy sinh phục vụ đoàn chiên giống như tấm
gương oai hùng của các Anh Hùng Tử Đạo Viêt Nam.
Mến
chào và chúc bình an trong Chúa Kitô,
6 tháng
7 năm 2018.
Lm. Gioan Hà Trần
No comments:
Post a Comment