Monday, July 23, 2018


SỨ MỆNH TÔN GIÁO TRƯỚC LỊCH SỬ

                                                  Ngô Quốc Sĩ
          Đạo và Đời là 2 thực thể khác biệt, nhưng mật thiết liên hệ với nhau. Đạo thuộc lãnh vực tâm linh và hướng về cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Đời trái lại, là cuộc sống trần thế giới hạn trong thời gian và không gian, được coi là “cõi tạm” là “cuộc hành trình hướng về nhà Cha”, hay là bến mê, là cõi hồng trần ngắn ngủi như “nấm cỏ khâu xanh rì”.
          Cảm nhận như thế, nên một số người lánh xa cuộc đời để nhập đạo, tu hành để nên thánh, thành Phật. Một số người khác tu tại gia, chủ trương sống đạo trong tim, không tha thiết đến chuyện đời, nhất là chuyện chính trị. Hẳn nhiên, đó là những lựa chọn có ý nghiã và đáng tôn trọng. Nhưng nếu suy nghĩ một cách sâu xa hơn, người ta sẽ thấy đạo và đời  đều lấy con người làm căn bản. Đời phải là “đời người” và người cũng là “người đời”. Cũng thế, tín hữu phải “sống đạo”, “ đem đạo vào đời.” Nói khác, công dân nước Trời cũng chính là công dân trần thế, phải chu toàn sứ mệnh song đôi, công dân cũng như giáo dân..
          Nhận thức như thế, chúng ta không khỏi đau lòng nhìn về hiện thực Việt Nam hôm nay, đạo còn xa đời hay tránh né đời và thậm chí, đời đang trấn áp đạo. Thực vậy, trước những oan khiên trút lên đầu dân Việt với bao bất công và bất nhân, mà nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo vẫn thản nhiên, như thể vô can, vô cảm và vô tâm trước nỗi khổ dân tộc, và có khi còn hợp tác với chế độ phản lại dân tộc!
          Trên đống gạch đổ nát của chùa Liên Trì bị cộng sản san bằng, ai mà chẳng đau nhói khi nghe Hòa Thượng Thích Không Tánh ngậm ngùi than thở cho nỗi cô đơn của mình và cho số phận Phật Giáo bị bách hại trước sự thản nhiên của Phật giáo nói chung Phật giáo quốc doanh nói riêng! Cũng thế, có bao nhiêu người Phật tử đồng cảm với Trương Nhân Tuấn trước nỗi đau dân tộc bị thảm họa ô nhiễm môi sinh tàn sát: “Ta thường nghe nói “Phật Giáo sống trong lòng dân tộc” Vậy thì người Phật giáo ở đâu, trí thức Phật giáo ở đâu, không lên tiếng khi khi luân thường đạo đức xã hội đảo lộn, khi dân tộc này bị đe dọa diệt vong?..Vấn đề là khi nói người Phật tử sống trong lòng dân tộc thì người Phật tử phải biết trăn trở, biết chia sẻ nỗi đau nhục vinh của dân tộc..”
          Phật giáo là thế! Còn các tôn giáo khác thì sao? Trước thảm họa Vũng Áng, Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã thổn thức trước nỗi chết trong tâm hồn với “cái chết của lương tâm, cái chết của luân lý, cái chết của lý trí, cái chết của chính trị”, thì đa số các nhà lãnh đạo công giáo đã giữ thái độ im lặng, bàng quan ngoại cuộc, đến nỗi nhà văn Tịnh Khê đã phải nêu câu hỏi “Hội Thánh Chúa đang ở đâu?.Hội Thánh có vô can truớc sự bần cùng nhân cách của người dân Việt?.Người Kitô hữu có còn là chứng nhân của sự thật, của tình yêu và lòng trung tín”
          Hôm nay, tình hình Việt nam đang cực kỳ sôi bỏng. Dân Việt  phải đối đầu với bộ máy đàn áp với vòi rồng, hơi cay, súng đạn, xe tăng thiết giáp. Dân Việt kiên cường, thách đố với bạo lực, nhưng các tôn giáo vẫn còn thờ ơ, vô cảm trước đại họa mất nước do Dự Luật Đặc Khu Kinh Tế, và tự do ngôn luận bị bóp chết với Luật An Ninh Mạng!  May mắn thay, dư luận đã thật sự phấn khởi trước tiếng nói của  các Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, Hoàng Đức Oanh, và đặc biệt là Nguyễn Thái Thành từ California. Đức Giám Mục Hợp, Chủ Tịch Ủy Ban Công Lý Hòa Bình Việt Nam, đã phổ biến Thư Ngỏ, phân tích những điểm sai trái và độc đoán trong Dự Luật Đặc Khu Kinh Tế: “Chúng tôi thiết nghĩ, để thông qua một Dư Luật quan trọng với ý định mang lại cuộc sống phồn vinh hạnh phúc cho nhân dân, song lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia như Luật Đặc Khu, cần thiết phải có sự tham gia đóng góp ý kiến của toàn dân..”
          Đức Giám Mục Hoàng Đức Oanh cũng viết thư cho Trần Đại Quang, phản đối Dự Luật Đặc Khu với lời lẽ thật mạnh bạo: “Tổ quốc lâm nguy! Tàu đó có mặt tại Việt Nam! Thêm 2 Dự Luật An Ninh Mạng bịt miệng dân và 3 Đặc Khu Kinh Tế tạo cho Tàu Cộng dễ chiếm Việt Nam..! Có phải thái độ vô thần đến độ “Thằng Trời đứng qua một bên, để ông nông hội đứng lên làm Trời” không? Thư ngỏ còn phơi bày hiện thực bi đát của Việt nam với nạn tham nhũng lan tràn, văn hóa suy đồi, đạo đức xuống cấp và óc thủ cựu, đưa tới tình trạng tụt hậu, nhận chìm đất nước xuống vực thẳm. Thư ngỏ còn thách đố: “Ông Chủ Tịch có thể bịt miệng trói chân trói tay người dân, nhưng không thể bịt lòng trói trí dân được..Xin cho nước Việt nam thoát khỏi cái roi cộng sản vô thần..
          Đặc biệt từ hải ngoại, Đức Giám Mục Nguyễn Thái Thành cũng  lên tiếng kêu gọi toàn dân Việt đứng lên bảo vệ chủ quyền lãnh thổ:  Trước sự sống còn của quê hương đất nước, tôi mạo muội khẩn thiết kêu gọi tất cả quý anh chị em tín hữu, quý đạo hữu và đồng hương hải ngoại hãy cùng nhau hướng về quê hương, thắp lên một nén nhang, dâng một lời cầu nguyện và nhất là tích cực đồng hành và yểm trợ tinh thần cũng như vật chất, để giúp đồng bào quốc nội thêm kiên cường bất khuất, sẵn sàng chịu hy sinh trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng này, để đấu tranh cứu nguy dân tộc, bảo toàn lãnh thổ, chống lại âm mưu nhượng biển, bán đất cho Tàu Cộng, và dần dần đồng hoá dân Việt chúng ta…”
          Ước mong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, và các giáo hội khác đồng thanh lên tiếng, đồng cảm và đồng hành với dân tộc trong nỗi đau chất ngất. Hy vọng các tôn giáo sẽ ý thức sứ mệnh của mình trước lịch sử, tạo sức mạnh liên tôn, hòa với sức mạnh dân tộc, dấn thân làm đòn bẫy động viên tinh thần ái quốc, diệt nội thù chống ngoại tặc..Tôn giáo đứng lên. Toàn dân quật khởi. Đó là con đường cứu quốc và hưng quốc của dân Việt..



No comments:

Post a Comment