VĂN HÓA KHOANH TAY
Tôi
nhớ, năm đầu đặt chân đến Hoa Kỳ, phần muốn học hỏi về ngôn ngữ, văn hóa xứ người, phần muốn tìm lại không khí “sân trường, lớp học” và nối lại giấc mơ “cùng theo lũ em học hành như xưa” như lời bài hát nào, tôi đã lò dò cắp sách đi học lại ở một trường đại học cộng đồng.
Khoanh
tay và khoanh tay đứng nhìn
Lớp học tiếng Anh gồm sinh viên đủ các sắc dân, người bản xứ có, người nhập cư có, nhiều nhất vẫn là người gốc Á châu. Một hôm, vào
cuối giờ học, bà giáo người Mỹ bước lại gần bàn tôi, cười cười và hỏi “Anh là người Việt Nam, phải không?”
“Chỉ là chút kinh nghiệm riêng thôi.” Bà giáo cười, giải thích thêm, “Sau nhiều năm dạy học, tôi tìm được cách phân biệt các sắc dân người châu Á với nhau, như người Tàu, Nhật, Hàn, Thái, Việt, Lào…”
“Phân
biệt cách nào, bà chỉ cho tôi với?” Tôi hỏi.
“Không
khó lắm. Chẳng hạn, người Việt và người Tàu thoạt trông khá giống nhau, điểm khác biệt là người Việt
có thói quen ngồi trong lớp thường khoanh tay lại. Tôi để ý thấy anh hay ngồi khoanh tay nên tôi chắc là anh đến từ Việt Nam.”
Tôi…
giật mình. Chỉ đơn giản vậy sao? Có đúng là động tác vô thức ấy của tôi đã vô tình “tố giác” với mọi người rằng “I’m from
Vietnam”? Cứ như nhận xét của bà giáo ấy thì cử chỉ khoanh tay của tôi đã như một cách tự giới thiệu hay ngầm nói với mọi người rằng, “Tôi là người Việt Nam đây.”
Tôi
không rõ liệu có những dân tộc nào khác có cùng thói quen khoanh tay như thế, chỉ biết là
bà giáo người Mỹ ấy, một người ngoại cuộc rất khách quan, đã cho nhận xét như vậy. Hẳn bà phải quan sát trong nhiều ngày cái thói quen lặp đi lặp lại đó mới tìm ra được cái mẫu số chung để nhận diện người Việt qua cử chỉ khoanh tay ấy.
Kể từ hôm ấy, tôi
để ý quan sát những bạn học người Việt của mình để thấy quả là bà giáo nói đúng, và còn phải cám ơn bà nữa vì đôi lúc tôi không chắc anh/cô sinh
viên ấy có phải là người Việt cho đến khi tôi “bắt” được cử chỉ khoanh tay ấy.
Không
những thế, tôi cũng nhiều lần “bắt quả tang” tôi đang ở tư thế khoanh tay khi ngồi trong lớp, khi ôn bài,
khi chuyện trò, khi nghe nhạc, khi xem phim, khi đang suy nghĩ chuyện gì, khi đang nghỉ ngơi hoặc khi… không làm gì cả. Có vẻ tư thế này mang lại cho tôi cảm giác thoải mái,
thư thái và dễ chịu.
Tôi
cũng đôi lần thử tìm cách loại bỏ thói quen này nhưng không có kết quả, tư thế khoanh tay sau cùng vẫn trở về với tôi. Hầu như, chỉ một chút lơ là thiếu “cảnh giác” là tôi lại bắt gặp tôi đang… khoanh tay. Thói quen kỳ cục này như đã ăn sâu vào tiềm thức tôi từ đời thuở nào.
Thói
quen này thực sự mang ý nghĩa
gì? Không chỉ là cử chỉ, điệu bộ, nó hình thành một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt mình, phát xuất từ nền giáo dục về phép tắc, lễ nghĩa mà cha mẹ, thầy cô giáo
đã dạy dỗ con cái và học trò mình như những bài học vỡ lòng:
Khoanh
tay chào bố mẹ khi đi học về. Khoanh tay chào khách đến chơi nhà. Khoanh tay cúi đầu chào hỏi người lớn tuổi.
Khoanh
tay trước ngực hay khoanh tay
lên bàn, mắt nhìn lên bảng, chăm chú lắng
nghe lời thầy cô giảng.
Khoanh
tay đứng lên chào thầy cô bước vào lớp hay chào khách đến thăm lớp học. Khoanh tay khi trả bài hay khi trả lời thầy cô giáo. Khoanh tay chào thầy cô lúc tan học, ra về. Khoanh tay, úp mặt vào tường khi quậy phá bị thầy cô hay
bố mẹ phạt.
Trong
lớp học, giáo viên yêu
cầu học trò khoanh tay lên bàn cũng là để “khóa” đôi tay
nghịch ngợm của các em đang ở độ tuổi hiếu động, buộc các em chú tâm nghe thầy cô giảng bài.
Cử chỉ khoanh tay tỏ sự vâng phục, tôn kính các bậc trưởng thượng. Trẻ em biết khoanh tay chào hỏi, thưa gửi với người lớn tuổi được đánh giá là con nhà tử tế, có nề nếp, thừa hưởng nền giáo dục tốt, và bố mẹ cũng lấy đó làm điều hãnh diện.
“Cháu
ngoan quá! Anh chị khéo dạy cháu
quá.”
Người Việt cũng thường được thấy đứng hay ngồi với tư thế khoanh tay khi tham dự các nghi thức tôn giáo ở nhà thờ, nhà nguyện, chùa chiền hay những lễ lạc, hội nghị, diễn đàn… mang không khí tôn nghiêm, trang trọng.
Có
lần bước vào một nhà thờ của giáo xứ người Mỹ, nhìn quanh, tôi bắt gặp đâu đó những người cùng màu da với mình đứng khoanh tay trong lúc tham dự thánh lễ. Nhớ lời bà giáo người Mỹ, tôi biết rằng đấy là những đồng hương của mình.
Cái
văn hóa khoanh tay ấy hẳn đã có từ lâu đời. Các trường học ở miền Nam thời trước năm 1975 chỉ nối tiếp truyền thống mang bản sắc dân tộc ấy qua những bài học “dạy con từ thuở còn thơ” như “thảo kính cha mẹ, “gọi dạ, bảo vâng”, “đi thưa, về trình”, “khoanh tay, cúi đầu”…
Trẻ em, cho dù có được học đến dăm, bảy điều tốt (học tập tốt, lao động tốt, đoàn kết tốt, kỷ luật tốt, vệ sinh tốt) nhưng cái khoản “hạnh kiểm tốt” chả thấy đâu cả thì cũng khó mà “tốt” được. Cái gì cũng tốt, tốt, tốt mà khách khứa của bố mẹ đến chơi nhà, con cái cứ giương mắt ếch ra nhìn chả thèm chào hỏi thưa gửi chi cả thì vẫn gọi là… thiếu giáo dục.
Nói
cho ngay, đấy chẳng phải lỗi của các em, vì có được ai dạy cho đâu mà biết. Giá mà học trò được thầy cô dạy cho
những bài học “Có học phải có hạnh”, “Kính trên, nhường dưới”, “Kính thầy, yêu bạn” thì cũng bớt được những màn học sinh nam nữ đấm đá nhau tàn bạo như phim “xã hội đen” hay những màn “song đấu” kịch liệt giữa thầy và trò. Hơn thế nữa, cũng bớt được những
biểu hiện của “hội chứng vô cảm” đang ngày càng có xu hướng phát triển khiến cho nền văn hóa “khoanh tay chào hỏi” từ bao đời được đổi thành “khoanh tay… đứng nhìn”.
Tôi
thực tình không muốn đẩy câu chuyện đi xa hơn, như làm một sự so sánh giữa các nền giáo
dục ở miền Nam và miền Bắc trước năm 1975 cũng như luôn tin rằng vẫn có nhiều người thầy, cô giáo trong nước vẫn âm thầm tận tâm tận lực dạy dỗ học trò mình những điều hay lẽ phải, giúp các em trở thành những con người tử tế, có tầm nhận thức đúng đắn để biết sống một đời sống có ý nghĩa và có ích cho xã hội.
Khoanh
tay và ngôn ngữ cơ thể
Không
chỉ bà giáo người Mỹ của tôi, cô gái người Mỹ khác từng đặt chân đến Việt Nam, Angela Schonberg, cũng cho một vài nhận xét về động tác “the crossing of the arms” của người Việt:
“The
act of crossing your arms also has a different meaning in Vietnam. Instead of
something that is done when someone is upset, here crossing your arms is
considered a sign of respect.” Cô nói thêm, “In Vietnam, the ordinary
posture people use while praying is arms folded.” (*)
Những nhận xét này cho thấy, các tư thế khoanh tay mang ý nghĩa khác nhau tùy vào sự khác biệt về văn hóa của các nước, không giống như cách hiểu của người Việt, hoặc có khi được hiểu ngược lại. Người Nhật chẳng hạn,
khoanh tay và nhìn thẳng vào người đối diện được xem là điệu bộ khiếm nhã hay diễu cợt. Văn hóa chào hỏi của họ thể hiện bằng động tác đứng thẳng người, hai cánh tay duỗi thẳng dọc theo thân mình (hoặc xếp hai bàn tay
phía trước nếu là nữ) và cung kính cúi
đầu chào, chứ không có chuyện khoanh tay, chắp tay chi cả.
Các
nhà nghiên cứu về ngôn ngữ cơ thể còn tiết lộ rằng tư thế đứng hay ngồi khoanh tay tạo một hàng rào chắn với người đối diện, biểu tỏ sự nghi ngại, thụ động, thiếu tự tin, không hứng thú, ngụ ý “Tôi đang phòng thủ” hay “Tôi không đồng ý”. Hoặc, hơn thế nữa, biểu tỏ thái độ kém thân thiện, bất bình, thậm chí đối kháng mạnh mẽ, kiêu căng và thách thức.
Tư thế ngồi khoanh tay trước ngực, nghếch mặt lên, nhìn chằm chằm vào đối phương của Tổng Thống Mỹ Donald Trump trong cuộc tranh luận với các nhà lãnh đạo thuộc khối G7 tổ chức tại Quebec, Canada gần đây minh họa rõ nét cho dạng ngôn ngữ cơ thể này.
Trở lại với văn hóa khoanh tay của người mình, tôi nhớ, khi còn cộng tác với một trường dạy tiếng Việt
cho trẻ em người Mỹ gốc Việt, một phụ huynh nói với tôi rằng, “Muốn biết học sinh học được những gì ở một trường Việt ngữ, hãy đến thăm trường ấy trong giờ ra chơi của các em.” Trước đó, ông đã đến thăm trường này, và chỉ sau ít phút đứng quan sát các em trong giờ chơi, ông quyết định ghi tên cho con mình theo học tại trường. Ông đã “thấy” gì? Ông thấy các em nhỏ khi gặp thầy, cô giáo và các phụ huynh đều khoanh tay cúi
đầu chào “Con chào Thầy/Cô”, “Con chào Cô/Chú”… Ông gặp lại mình, gặp lại hình ảnh cậu
học trò nhỏ nhiều năm về trước, lễ phép khoanh tay cúi đầu chào thầy cô giáo, bố mẹ và những người lớn tuổi, và ông muốn con mình cũng học hỏi được văn hóa chào hỏi của người Việt ấy.
Phần tôi, thỉnh thoảng gặp cháu bé nào lễ phép khoanh tay cúi đầu chào mình, tôi có hơi bất ngờ và cảm thấy vui trong lòng, không hẳn vì được tôn trọng mà vì biết rằng cái nếp văn hóa cũ kỹ ấy vẫn còn tồn tại.
Cũng
thỉnh thoảng, nhác trông
thấy anh chàng hay cô nàng da vàng, tóc đen nào đó có cử chỉ khoanh tay vô thức như tôi, tôi có cái vui nhận ra đồng hương của mình; hơn thế nữa, cái vui có chung một quá trình giáo dục về phép tắc lễ nghĩa của người Việt. Những khi ấy tôi lại nhớ lời bà giáo người Mỹ, “Người Việt có thói quen ngồi khoanh tay trong lớp”. Tôi lại nhớ từng có
lần muốn từ bỏ thói quen này, nhưng làm cách nào thì làm, động tác ấy như đã nằm sâu trong máu trong thịt, không sao
tách rời khỏi tôi được.
Thế nhưng, việc gì phải thay đổi thói quen này chứ? Việc gì phải từ bỏ cái tập quán tốt trong nếp sống văn hóa của người Việt? Việc gì phải từ bỏ cái “căn cước tỵ nạn” của mình, khi mà chính người nước ngoài nhắc cho ta nhớ ra rằng ta còn có được chút gì gọi là bản sắc văn hóa của người Việt để phân biệt với những sắc dân da vàng khác. Không đáng tự hào sao?
Khoanh
tay đấy, có sao đâu! Hãnh diện nữa là khác. Như một cách tuyên xưng: “Tôi là người Việt Nam.”
Lê Hữu
No comments:
Post a Comment