CẤM HAY KHÔNG CẤM TIN GIẢ?
Hà Tường Cát
Câu hỏi đặt ra có vẻ nghịch lý, nhưng để giải
đáp không hề đơn giản. Trong lãnh vực thông tin, tin tức là loại sản phẩm đến
với mọi người một cách gián tiếp, qua nhân sự và phương tiện truyền thông. Tin
tức chỉ là sự tường trình với nhãn quan và nhận định của người làm truyền
thông, không bao giờ tuyệt đối đầy đủ và độc lập
.
Các cá nhân và chế độ độc tài tìm cách ngăn cấm
những tin tức bất lợi cho mình và cáo buộc đó là tin giả. Điều đó chính là một
hình thức vi phạm quyền tự do ngôn luận. Vì thế không nên đặt ra luật lệ ngăn
cấm bất cứ thông tin gì, trong từng tình huống, nếu cần hãy phân xử bằng pháp
luật.
Tin giả (fake news) là thuật ngữ được nhắc đến
lần đầu tiên trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 và ngày nay trở
thành hiện tượng toàn cầu.
Loan truyền những chuyện vô căn cứ, bịa đặt, hoặc cố ý xuyên
tạc không phải là điều xa lạ, từ khi loài người có báo chí. Ngày nay bên cạnh
mặt tốt về khả năng truyền bá tin tức nhanh chóng, rộng rãi và dễ dàng, cũng có
hiện tượng không tốt là nó khiến môi trường thông tin bị “ô nhiễm,” đến mức
không ai dám chắc cái gì là thật và đáng tin, còn cái gì là giả.
Một phân tích của MIT (Massachusetts Institute
of Technology) và Twitter về các tin loan truyền trên mạng xã hội cho biết tin
đồn, tin giả, lan truyền nhanh chóng và đến với nhiều người hơn tin thật do nó
được đăng tải lại, re-tweet nhiều. Lý do vì tin giả có xu hướng tạo ra bất ngờ,
có vẻ mới lạ hơn tin thật, và mọi người thường muốn chia sẻ các thông tin mới
lạ.
Theo kết quả nghiên cứu tại Anh, tin giả được
đăng tải lại nhiều hơn 70% so với tin thật. Tin thật tốn thời gian gấp 6 lần so
với tin giả để đến tay 1,500 người đọc. Và tin thật hiếm khi có được lượng chia
sẻ trên 1,000, trong khi tin giả có thể đạt tới lượng chia sẻ 100,000 người.
Môi trường xuất phát tin giả dễ dàng nhất và
nhiều nhất là trên Internet với các mạng xã hội: Twitter, Facebook, YouTube.
Các cơ quan truyền thông chuyên nghiệp có thể phải lãnh trách nhiệm về mặt pháp
lý khi loan tin và các nhân viên hiểu rõ những nguyên tắc phải tuân thủ. Sai
lầm về mặt kỹ thuật đôi khi không thể tránh khỏi, nhưng trường hợp đó không coi
là tin giả vì không có sự cố ý.
Chủ đề liên quan đến chính trị có nhiều tin giả
nhất, tiếp theo là những tin đồn kiểu huyền thoại. Các đề mục khác như kinh tế,
khoa học, giải trí, xã hội có tin giả ít hơn. Những kỳ bầu cử luôn luôn là lúc
xuất phát các tin giả và chuyện vu cáo các tin thật là tin giả. Viện lý
do ổn định tình trạng ấy, nhiều chính quyền đưa ra luật cấm tin giả mà mục đích
chính là ngăn chặn các thông tin không lợi cho họ.
Malaysia vừa thông qua một đạo luật, quy định
tin giả là “sự phổ biến sai một phần hoặc toàn bộ tin tức, thông tin, dữ liệu
và báo cáo dưới dạng tài liệu, hình ảnh, ghi âm hay bất kỳ hình thức nào khác
có khả năng gợi ngôn từ hoặc tư tưởng.”
Phổ biến tin giả cũng có tội như phát hành,
tiền phạt có thể tới 500,000 ringgit ($123,000) và án tù tối đa 6 năm. Dư luận
phê phán cho rằng đạo luật cấm tin giả này là một cách hạn chế quyền tự do ngôn
luận và ngăn chặn sự công kích chính quyền đương nhiệm trước cuộc tổng tuyển cử
vào Tháng Sáu sắp đến.
Malaysia không phải nước duy nhất đặt vấn đề
tin giả, các nước Châu Á khác như Singapore và Philippines cũng đều chuẩn bị
luật lệ tương tự. Thái Lan đã coi việc loan truyền “tin tức sai” trên Internet
là tội hình sự. Bộ Thông Tin Cambodia tháng trước họp kín để tìm biện pháp
“chống tin giả.”
Tạp chí The Diplomat ở Nhật cho biết Việt Nam
đã có luật mới về “an ninh mạng” và “Lực Lượng 47” với 10,000 nhân
sự theo dõi những quan điểm sai trái trên mạng.
Bà Aung San Suu Kyi, khi chưa nắm quyền hành
từng là nhà tranh đấu nổi tiếng cho tự do ngôn luận, bây giờ bào chữa cho chính
quyền Myanmar, gọi vụ đàn áp dân thiểu số Hồi Giáo Rohyngia, mà truyền thông
quốc tế tường trình là “tin giả.” Bộ trưởng Thông Tin Indonesia dọa đóng cửa
Facebook trước cuộc bầu cử năm 2019 vì để lộ dữ kiện cá nhân và loan tin giả.
Nhiều nước Âu Châu cũng soạn thảo những dự luật
về tin giả. Liên Âu đề nghị luật lệ áp dụng với các hãng điều hành mạng xã hội
chứ không nhắm vào người sử dụng. Pháp muốn các thẩm phán có thể can thiệp gỡ
bỏ những tin tức có nội dung sai trái ra khỏi mạng xã hội, nhưng không truy tố
nguồn tin. Anh thành lập “đơn vị chống tin giả” nhằm răn đe các cá nhân, tổ
chức và quốc gia phổ biến tin giả, nhưng chưa cho biết chi tiết về phương cách
hành động.
Ấn Độ cũng đã đưa ra luật trừng trị các nhà báo
loan tin giả, nhưng bị nhiều chỉ trích và chỉ 24 giờ sau, Thủ Tướng Narendra
Modi phải cho lệnh thu hồi. Câu lạc bộ báo chí Ấn Độ nói rằng: “Việc chính phủ
hạn chế đệ tứ quyền, một trụ cột dân chủ của chúng ta, không phải là giải
pháp.”
Tại Mỹ, cuộc chiến trường kỳ giữa Tổng Thống
Donald Trump và giới truyền thông đã tiếp diễn không ngừng, từ hơn một năm bất
phân thắng bại. Hầu hết các cơ
quan truyền thông liên tục chỉ trích ông Trump, không chỉ phê phán đường lối
chính sách mà còn khai thác những chuyện tai tiếng để làm giảm uy tín cá
nhân ông chứ không nhắm mục tiêu gì nhiều hơn. Chỉ trích,
phê bình chính quyền là truyền thống sinh hoạt dân chủ và của báo chí ở mọi xứ
tự do.
Ngược lại ông Trump
gọi bất cứ cáo buộc nào về mình là tin giả, không cần viện ra bằng chứng hay lý
lẽ đáng tin cậy, Những người tuyệt đối ủng hộ ông cũng hùa theo, phụ họa vô
điều kiện vào lập luận ấy. Do thiếu ý thức chính trị căn bản, họ còn đi xa hơn,
cáo buộc tất cả các cơ quan truyền thông dòng chính là thiên tả, có tư tưởng xã
hội chủ nghĩa và thậm chí là cộng sản.
Một nghiên cứu của hai giáo sư Đại Học Yale cho
biết, qua cuộc đối đầu dai dẳng này, những người Cộng Hòa thiên về chỗ tin
tưởng các cơ quan truyền thông nặng đảng tính và sẵn sàng gieo rắc tin thất
thiệt, hơn là truyền thông dòng chính có khuynh hướng cấp tiến mà họ gán cho là
phe đảng Dân Chủ. Hiện tượng này
phát triển do Tổng Thống Donald Trump công khai tán trợ các cơ quan truyền
thông thiên vị như Fox News và Sinclair Broadcasting.
Ngay từ buổi đầu, Tổng Thống Donald Trump đã
công khai coi truyền thông Mỹ là thù địch, ông muốn đưa ra những luật lệ mới
kiềm chế báo chí kể cả kiểm duyệt. Nhưng ý đồ đi tới độc tài đó không thể nào
phát triển trong lòng nền dân chủ Mỹ đã có căn bản bền vững từ thời lập
quốc.
Tuy nhiên khi một tổng thống Mỹ gọi tất cả
những thông tin không vừa ý mình là “Fake News” (tin giả), thì ông còn khuyến
khích những chính trị gia ở các nước – vốn không có truyền thống tôn trọng quyền
hiến định về tự do ngôn luận – sẵn sàng gia tăng tấn công vào giới truyền
thông. Những người đó không lo ngại sự chỉ trích của dư luận quốc tế, bởi vì
chính nhà lãnh đạo quốc gia giữ vai trò cầm cương nảy mực về tự do báo chí cũng
đang muốn làm giảm uy lực của báo chí.
Vì vậy,
cấm việc nói sai, làm sai, cấm điều gian trá, ngăn chặn sự lừa dối là nghĩa vụ
chung, nhưng chớ nên lầm lẫn thiếu sáng suốt trong những chuyện liên quan đến
cái gọi là tin giả.
Hà Tường
Cát
Nguon: Người Việt
No comments:
Post a Comment