CÔ GIÁO QÚA NHIỀU THẮC MẮC
Sinh
ra trong thời bình, đã từng tự hào về màu cờ sắc áo, đã từng yêu đảng, yêu bác.
Nhưng càng trưởng thành, tôi càng đặt ra cho mình nhiều câu hỏi:
1- Việt Nam có 9.000 giáo sư, 24.000 tiến sĩ nhưng không có bất kỳ bằng sáng
chế nào. Vậy những giáo sư, tiến sĩ đó, họ làm gì ?
2- Giáo dục Việt Nam cải cách không ngừng, vậy tại sao 63% sinh viên thất
nghiệp khi ra trường?
3- Báo chí ca ngợi người Việt Nam thân
thiện hiếu khách, vậy tại sao đa số du khách nước ngoài tuyên bố sẽ không quay
trở lại Việt Nam lần thứ 2?
4- Đảng Cộng sản Việt Nam thừa nhận
rằng chưa có nhận thức rõ, cụ thể và đầy đủ về thế nào là "Nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa", vậy rốt cuộc ai nghĩ ra mô hình này?
5- Nhiệm vụ của báo chí truyền thông là
nói lên sự thật hay là nói lên những điều có lợi cho đảng?
6- Nhà nước nhận lương từ tiền thuế của
dân để làm việc phục vụ nhân dân hay để cai trị nhân dân?
7- Công an là lực lượng được thành lập
để bảo vệ dân hay bảo vệ chế độ?
8- Khẩu hiệu của quân đội là
"trung với đảng", vậy sao khi hi sinh lại ghi trên bia mộ là "tổ
quốc ghi công" chứ không phải "đảng ghi công"?
9- Tại sao có "huân chương kháng
chiến chống Pháp, chống Mỹ" mà lại không có "huân chương kháng chiến
chống Tầu"?
10- Đảng cử thì đảng bầu, tại sao đảng
cử lại bắt dân bầu?
11- Chủ nghĩa xã hội là chế độ ưu việt,
vậy tại sao nó sụp đổ tại Nga, nơi nó được sinh ra và tại sao chỉ còn vài quốc
gia theo mô hình này?
12- Tư tưởng Mác-Lenin là tư tưởng khai
sáng nhân loại, vậy tại sao tượng Lenin bị phá sập tại Nga và các nước Đông Âu
trong tiếng hò reo của nhân dân.
13- Hồ Chí Minh từng nói: "Không,
tôi chẳng có tư tưởng gì ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê". Vậy giáo trình
tư tưởng Hồ Chí Minh ở đâu ra?
Những câu hỏi trên đây là của cô giáo Trần Thị Lam ở Hà Tĩnh, Việt Nam,
trong một bài tựa đề là “Thắc mắc biết hỏi ai?”
Hai năm trước, tháng 4.2016, cô giáo
Trần Thị Lam đã gây ra một “cơn bão mạng” với bài thơ dưới đây:
Đất nước mình ngộ
quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi...
Đất nước mình lạ
quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay...
Đất nước mình buồn
quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa...
Đất nước mình
thương quá phải không anh
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu...
Đất nước mình rồi
sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu....(ngưng trích)
Bao nhiêu người ở trong và ngoài nước Việt Nam đã đọc bài thơ ấy, bài thơ
đã tạo cảm hứng cho bao nhiêu bài viết khác chung quanh chữ “ngộ”. Bao nhiêu
người đã ca ngợi và khâm phục sự can đảm của tác giả, lo lắng cho an ninh của
tác giả.
Hai
năm đã trôi qua, “hình như” cô giáo Lam vẫn bình an vô sự. Và, mới đây cô lại
“thắc mắc” nữa và viết bài “Thắc mắc biết hỏi ai?”
Thật
tình mà nói, chắc không ai nghĩ cô giáo Lam cần câu trả lời cho những thắc mắc
của cô vì trong mỗi câu hỏi đã có sẵn câu trả lời, hay câu hỏi cũng chính là
câu trả lời, trừ câu thứ 11: “Chủ nghĩa xã hội là chế độ ưu việt, vậy tại sao
nó sụp đổ tại Nga, nơi nó được sinh ra và tại sao chỉ còn vài quốc gia theo mô
hình này?”
Câu
hỏi này hơi khó trả lời, dù rằng cô giáo Lam cũng đã tự trả lời một phần trong
ba câu mở đầu của bài thơ “Đất nước mình ngộ
quá phải không anh”:
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi...
Có thật vì dân Việt Nam ngây thơ,
ấu trĩ nên cứ nhởn nhơ nhậu nhẹt tối ngày sáng đêm, theo nhau đua đòi ăn diện
áo quần hàng hiệu và thi hoa hậu chân dài, chân ngắn, “cúi đầu trước năm châu”
mà không biết hổ thẹn”?
Thật
ra thì không hoàn toàn như vậy. Đất nước Việt Nam không thiếu người tài giỏi và
anh hùng, như …cô giáo Lam. Trước khi cô Trần Thị Lam ra đời rất
lâu, đã có nhiều người can trường lên tiếng chống lại cái chế độ
“ngộ quá” ấy dù đã bị đàn áp, khủng bố, tù tội.
Thế
tại sao cái chế độ gian ác, xấu xa ấy có vẻ không hề bị lay chuyển mà còn trở
nên gian ác, xấu xa hơn, tiếp tục hại dân bán nước, trong lúc cha đẻ ra nó là
“Liên Sô vĩ đại” và khối cộng sản đàn em Đông Âu đã sụp đổ tan tành từ 30 năm
trước?
Hình như dân Nga và dân các nước Đông Âu không có tài làm thơ và viết nhạc
chống cộng hay như dân Việt Nam, nhưng họ có...lá gan lớn và có bầu máu nóng để
làm cách mạng, để tự cứu mình, tự giải phóng mình khỏi xiềng xích nô lệ của
những con quái thú mang hình dáng người đã tròng lên đầu lên cổ họ. Họ không
chờ ai cứu họ, họ không đợi phép lạ có người đem Tự Do như món quà miễn phí
tặng không cho họ và con cháu họ. Họ cũng không cần có đấng lãnh tụ anh minh
xuất hiện.
Họ đã rủ nhau xuống đường đòi lại Quyền Tự Do đã bị cướp đoạt. Những người
trẻ đầy ước mơ đã đi đầu, tới gõ cửa từng nhà. Họ biết sự tàn bạo của cộng sản
đã gieo não trạng sợ hãi vào đầu mỗi người dân, nên đã dùng chính bản thân mình
để thuyết phục mọi người đừng sợ. Tại sao lại sợ chúng? Chúng là cái gì mà phải
sợ chúng?
Chúng sợ trí nhớ của người già,
Chúng sợ ước mơ của tuổi trẻ,
Chúng sợ những bài thơ,
Chúng sợ cả cây đàn…
Vậy tại sao ta lại sợ chúng nó?
Cứ
thế, gõ cửa, rung chuông từng nhà và từng nhà… Mới đầu người dân còn rụt rè rồi
mạnh dạn dần… Năm người, mười người rời khỏi nhà bước ra phố, rồi
hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn người tiến lên, tay không tấc sắt hay gậy gộc,
nhưng với trái tim rực lửa và ý chí sắt đá. KGB tàn
bạo đã trở thành vô dụng. Kho vũ khí nguyên tử có thể hủy diệt mấy lần trái đất
đã chỉ còn là những đống sắt vô ích.
Và, như thế “Đế quốc Đỏ Liên-Sô” đã sụp đổ như trở bàn tay. “Phép lạ” đã
xảy ra trước sự kinh ngạc và khâm phục của thế giới đối với các dân tộc xứng
đáng ngẩng cao đầu sống trong tự do và nhân phẩm dưới ánh mặt trời.
Trông người lại nghĩ đến ta. Trong dịp Tết Mậu Tuất vừa qua, người Việt tại
Mỹ đã vui mừng chào đón Nhạc sĩ Việt Khang vừa thoát ngục tù cộng sản ở VN sang
Mỹ, và đã xảy ra hiện tượng “tranh công” giữa các cá nhân và phe nhóm người
Việt ở hải ngoại về “sự thắng lợi” của cuộc đấu tranh, vận động để Việt Khang
được đi Mỹ.
Nhân vụ này, Ký giả Huy Phương đã viết bài chào mừng Việt Khang, trong đó
có đoạn như sau:
Việt Khang không phải là nhà tranh đấu dân chủ cho Việt Nam đầu tiên đến
Hoa Kỳ, trước đây đã có những nhân vật như Đoàn Viết Hoạt, Đoàn Thanh Liêm,
Nguyễn Chí Thiện, Hoàng Minh Chính, Tạ Phong Tần, Trần Khải Thanh Thủy, Mục Sư
Nguyễn Công Chính, Cù Huy Hà Vũ, Đỗ Thị Minh Hạnh, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải,
Nguyễn Chính Kết… Trong
này có những người như Đỗ Minh Hạnh được sang Áo thăm mẹ, đi một vòng sang Úc,
cuối cùng trở về Việt Nam. Ông Hoàng Minh Chính sang Mỹ chữa bệnh, đã về lại
Việt Nam. Trong trường hợp này thì Nguyễn Chính Kết đến Mỹ bằng con đường tự
chọn, không phải do CSVN cho phép ra đi.
“Những
nhà tranh đấu ra hải ngoại có dễ dàng tranh đấu hiệu quả hơn ở trong nước hay
không?” Đó là sự băn khoăn của nhiều người khi nghe tin một người bất đồng
chính kiến với nhà cầm quyền trong nước, “bị” hay “được” ra đi. Tôi đã có dịp
đặt câu hỏi này với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, nhà thơ này cho rằng, ra hải
ngoại việc tranh đấu thuận lợi hơn, nhờ không khí tự do, gần gũi với truyền
thông thế giới.
Câu
trả lời của một người khác, đã hoạt động trong cộng đồng lâu năm là “không!”
Nhân
vật này nêu lý do, trừ một vài trường hợp đặc biệt, như Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt
và Luật Sư Đoàn Thanh Liêm, dễ hội nhập với đời sống mới, ít lo đến sinh kế, có
nhiều mối liên kết với cộng đồng và các nhân vật ngoại quốc. Phần lớn các nhà
tranh đấu ra nước ngoài khó hội nhập với đời sống mới, một mặt phải lo cho cuộc
sống áo cơm, lo ăn, lo mặc, chịu cảnh nhà thuê, nên một số đành thúc thủ, im
hơi lặng tiếng vì “lực bất tòng tâm.”
Đó
là chưa nói đến sự đánh phá, vùi dập, bôi xấu của nhiều phe phái, Cộng Sản hay
không Cộng Sản, tại hải ngoại hay được yểm trợ từ các thế lực trong nước mà
trường hợp của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện là rõ nét nhất. Ông bị vu cáo là
“Nguyễn Chí Thiện giả,” “ăn cắp thơ,” thậm chí bọn đánh phá, táng tận lương
tâm, đã gắn cho ông cái tội xấu xa, là đã hành nghề “chủ động đĩ!”
Một
số khác có thành kiến hiểm độc, kết án các nhà tranh đấu có gốc gác là bộ đội
như Điếu Cày, công an như Tạ Phong Tần… là đối lập cuội, khổ nhục kế. Nếu khổ
nhục kế mà phải dùng đến cái chết của mẹ già như trường hợp Tạ Phong Tần, thì
bọn vu oan, giá họa này đúng là bọn “ngậm máu phun người!” Nói chung không có
nhà tranh đấu nào sau một vài năm còn giữ được khí tiết và hoạt động hữu hiệu
cho đất nước.
Phải
chăng vì vậy mà Bác Sĩ Nguyễn Đan Quế, một người bất đồng chính kiến tại Việt
Nam, đã ba lần bị tù tội, với tổng cộng thời gian trên 20 năm, mặc dầu được
quốc ngoại can thiệp cho ra đi, đã chọn con đường ở lại tranh đấu cùng với đồng
bào trong nước.
Hải
ngoại đã có bao nhiêu bài báo, bao nhiêu cuộc phỏng vấn, bao nhiêu bản nhạc bài
thơ, bao nhiêu đêm thắp nến cho những nhà tranh đấu, nhưng chúng ta đã tiếp đón
những người này với thái độ như thế nào, khi họ ra hải ngoại, được hít thở bầu
không khí tự do như chúng ta?
Thay
vì một vòng hoa tri ân, chúng ta gửi đến họ những quả trứng thối!
Nhiều
người cho rằng việc đánh phá những người tranh đấu từ trong nước khi ra hải
ngoại là chủ trương của Cộng Sản, nhưng tham gia công việc “giết người chẳng lọ
gươm dao” này hôm nay lại là những người thường vỗ ngực cho mình là người chống
Cộng ở hải ngoại.
Đó
là hình ảnh một miếng thịt tươi được vứt xuống một hầm cá sấu, và chính quyền
cộng sản trong nước luôn luôn tìm cách đẩy họ ra khỏi nước để nhờ tay người
khác giết họ để khỏi bị mang tiếng là đao phủ thủ! (ngưng trích)
Đọc đến đây, tôi bỗng có một ước mơ: “Dù chuyện gì xảy ra và có thế nào, cô
giáo Trần Thị Lam đừng bao giờ nghĩ đến sang Mỹ. Cô sẽ ở lại cùng đồng bào và
những Chiến sĩ Tự Do can trường, nối vòng tay lớn đấu tranh, cho đến khi không
còn điều gì để...thắc mắc.”
Ký Thiệt
(Đời Nay ra ngày 16.3.2018)
No comments:
Post a Comment