Friday, November 24, 2017

TRÚC PHƯƠNG
BI ĐÁT CỦA KIẾP NGƯỜI
                  
                                          Ngô Quốc Sĩ
          Trúc Phương là một nhạc sĩ tài hoa, đã được tôn vinh là “vua Bolero”, nhưng cuộc đời người nghệ sĩ lại qúa hẫm hiu, sống cô đơn, nghèo khó với nhiều bất hạnh. Ông sinh tại Trà Vinh, sinh hoạt văn nghệ tại Ty Thông tin tỉnh Vĩnh Bình trong một thời gian ngắn rồi lên Sài Gòn. Trúc Phương bắt đầu học nhạc ở lớp nhạc của nhạc sĩ Trịnh Hưng chung với Đỗ LễThanh ThúyÁnh Tuyết...và lập nghiệp luôn ở đó.

          Những sáng tác đầu tay của Trúc Phương là hai bản Tình thương mái lá và Tình thắm duyên quê  và  sau đó là Chiều làng em  và Đò chiều ... Trúc Phương  sáng tác gần 70 bài hát tiêu biểu như Nửa đêm ngoài phốBuồn trong kỷ niệmThói đờiHai lối mộngKẻ ở miền xa...
 Xin cảm ơn đời là ca khúc cuối cùng Trúc Phương  có thể coi như những tâm tình, uẩn khúc nhất mà ông muốn gửi lại cho đời lần sau chót.
          Năm 1975, Trúc Phương không di tản và sống tại Sài Gòn. Sau 3 lần vượt biên không thành công, ông không nhà cửa, không người thân, giấy tờ, sống lây lất khắp nơi cho đến ngày lìa đời..
          Nhạc của Trúc Phương  chuyên chở nhiều khía cạnh bi đát của kiếp người, từ tình yêu đến tình nước và tình đời.
          Về tình yêu thì phải nói là Trúc Phương không mấy thành công trong tình trường. Ông đi vào tình yêu bằng con đường gai góc, như thể con đường thập tự giá, giăng đầy buồn thảm:
                   Đường vào tình yêu... có trăm lần vui... có vạn lần buồn
                   Đôi khi nhầm lỡ... đánh mất... ân tình cũ
                   Có đau chỉ thế... tiếc thương chỉ thế
                   Khi hai mơ ước... không chung cùng... vui lối về 
          Trúc Phương đã trải nỗi cô đơn của mình vào nốt nhạc khi tình đã lỡ, khi người yêu đã ra đi, để lại tác giả một mình với chăn lạnh gối chiếc;
                   Bao năm... qua rồi... còn gối chiếc
                   Nghe lòng... nhiều nối tiếc
                   Thương... nhau rồi
                   Xa... nhau rồi
                   Một lần... dang dở ấy
                   Đêm lạnh... vui với ai ? 
          Với nỗi đau ê chề, người nhac sĩ  không còn dám tin vào tình yêu, mà chỉ ngửa tay xin đời bớt khắt khe cho ông thêm một ân huệ để ông trân qúy:
                   Ai cho tôi tình yêu 
                   Của ngày thơ ngày mộng 
                   Tôi xin dâng vòng tay mở rộng 
                   Và đón người đi vào tim tôi 
                   Bằng môi trên bờ môi 
          Nhưng  hình như đời vẫn làm ngơ quay mặt đi. Kết qủa  tay vẫn tay không,  nên tác giả đành đi tìm tình yêu một cách bâng quơ trong vô vọng:

                   Nửa đêm lạnh qua tim
                   Giữa đường phố hoa đèn
                   Có người mãi đi tìm,
                   Một người không hẹn đến
                   Mà tiếng bước buồn thêm
                   Nhưng biết chỉ là mơ ...
                   Nên lòng nức nở, thương còn đi yêu thì chưa đến
                   Tên gọi tên tình chưa đỗ bến, nẻo mô mà tìm? 
          Nhấp nỗi cô đơn trong tình yêu hẩm hiu, Trúc Phương đành đi tìm vui trong tình “huynh đệ chi binh”, hy vọng những người bạn lính sống chết bên nhau sẽ đem lại niềm an ủi lớn cho con tim rạn vỡ:
                   Rồi sống vui đời lính
                   Đời xui tôi gặp anh
                   Bụi đường mang trên đôi vai
                   Làm vẻ vang thân trai với duyên đời còn đẹp hoài.
          Trúc Phương đã dành cho người bạn cầm súng một tình cảm đặc biệt, như thể tình yêu gắn bó, thương nhớ bạn đến nỗi thức trắng đêm như bóng với hình:
                   Thương nhớ hoài
                   Thương đôi vai màu áo nắng
                   Thương qua nhiều đêm trắng
                   Thương người là lính chiến kiêu hùng.

                   Mơ màng nhìn khói thuốc đêm mưa
                   Đôi ta không rời như bóng hình chung mối tình
                   Khi bên nhau tràn vui sống khi xa buồn trông ngóng
                   Nên đời còn mãi mãi ghi lòng.

          Từ tình lính, Trúc Phương còn đi tìm niềm vui trong tình quê hương đất nước; Ông đã cảm thấy an ủi thật nhiều khi nhớ lại những buồi chiều làng quê với mẹ trong áo nâu sồng, với em mơ mộng chờ đợi trong nắng vàng:               
                   Nhớ mãi mấy tình của mẹ quê nâu sồng
                   của người em mơ mộng,
                   Và chiều vàng ngát mênh mông
                   là chiều ấy sang sông em chờ trông.
          Về với quê hương, tác giả cảm thấy long ấm lại với tình tự dân tộc với bóng dừa thoáng mát, với tiếng hát như lời ru của mẹ ngọt ngào:
                   Anh ơi nhớ về thăm thôn xưa,
                   Ðể nghe tiếng ngọt ngào ru bóng dừa
                   Xa xôi bước người anh lữ thứ
                   Nhớ thương hoài câu hát chiều làng em

          Thân tình nhất là có hoa cỏ may níu gót chân những nguời con vì hoàn cảnh phải xa nhà, nay có dịp về đi lại trên con đường xưa thân ái thuở nào còn phảng phất mùi tóc em, dù em đã một lần chối từ:
                   Tóc mây thơm mùi cỏ, đưa anh thoát xa dần vùng trần gian, 
                   vơi những ưu tư, cỏ may đan dấu chân tròn, 
                   đường đi ướt mòm, sợ khi người đi để thương, 
                   để nhớ tiếng yêu đương ai nỡ chối từ
          Tìm lại đuợc phần nào an ủi trong tình lính và tình quê hương,Trúc Phương vẫn không tìm thấy hạnh phúc thật sự trong đời. Ông phải kéo lê cuộc sống hẩm hiu trong tình đời bạc bẽo, trong thói đời vô ơn:
                   Trông thói đời cười ra nước mắt. 
                   Xưa trắng tay gọi tên bằng hữu. 
                   Giờ giàu sang quên kẻ tâm giao 
                   còn gian dối cho nhau. 
          Tiêu biểu nhất của tình đời bạc bẽo là sự ruồng rẫy của người yêu đã một thời gắn bó chiếu chăn:
                   Người yêu ta rồi cũng xa ta
                   nên chung thân ta giận cuộc đời.
                   Đôi mắt nào từng đêm buốt giá
                   bên chiếu chăn tình xa nhịp thở

          Tác giả cũng muốn bắt chước người xưa tìm quên  nỗi sầu nhân thế trong men ruợu. Nhưng một khi đã sa xuống vũng lầy nhân thế thì chẳng còn gì có thể cứu vớt. Rượu trở thành mật đắng trên vành môi:
                    Rượu trần ai gội niềm cay đắng. 
                   Những suy tư in đậm đường hằn. 
                   Mình còn ai đâu để vui 
                   khi trót sa vũng lầy nhân thế. 
          Thôi đành cúi mặt chấp nhận cơn đau, và chỉ còn chỉ còn biết chia sẻ niềm đau với bạn bè bốn phương:
                    Giờ vướng cơn đau
                   Còn cõi xanh xao
                   Những cơn đau tuổi xuân rớt lại
                   Cám ơn em bè bạn nơi nơi
                   Gửi chút xót xa người 

          Trúc Phương từ giã cõi đời trong tủi hận. Chúng ta từ giã Trúc Phương trong niềm chua xót thân tình. Thương cho con người nghệ sĩ tài hoa với số phận hẩm hiu. Đó chẳng phải là “tài hoa bạc mệnh” hay sao?





No comments:

Post a Comment