Friday, November 10, 2017

TRẦN TUẤN KIỆT KHÚC TRƯỜNG BI CA QUÊ HƯƠNG

TRẦN TUẤN KIỆT
 KHÚC TRƯỜNG BI CA QUÊ HƯƠNG
             
                                                  Ngô Quốc Sĩ
          Trần Tuấn Kiệt sinh tại Sa Ðéc, do đó có bút hiệu là Sa Giang. Từ thời còn rất trẻ, vào thập niên 1950, thơ văn của ông đã xuất hiện nhiều trên báo chí. Ban đầu Trần Tuấn Kiệt nhờ Nhất Linh, Nguyễn Vỹ, Tam Ích giới thiệu viết báo. Năm 1975 ông đã cộng tác với báo Sinh lực của Đồng Tân, Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh, Phổ Thông của Nguyễn Vỹ, Vui Sống của Bình Nguyên Lộc, Sống của Chu Tử, Nghệ Thuật của Mai Thảo.

          Vào khoảng thập niên 70, ông chủ trương nhà xuất bản Hồng Lĩnh với Mặc Tưởng, Phạm Quốc Bảo, Bùi Ngọc Tuấn. Năm 1971 ông được trao giải thưởng văn chương toàn quốc của tổng thống Việt Nam Cộng hòa với tập thơ “Lời gởi cho cây bông vải.”
          Ngoài bút hiệu Sa Giang và tên thật Trần Tuấn Kiệt, ông còn dùng nhiều bút hiệu khác để viết sách võ thuật, tư tưởng, truyện thần thoại, truyện kiếm hiệp, chuyện dã sử tình cảm...
          Sau năm 1975 Trần Tuấn Kiệt phải đi tù cộng sản 10 năm.
          Ông đã cho xut bản nhiều tác phẩm đủ thể loại như Thơ: Thơ Trần Tuấn Kiệt, Nai, Bài ca thế giới, Cổng gió, Mê cung Màu kỉ niệm , Niềm hoan lạc, Lời gửi cây bông vải. Truyện: Sa mạc lan dần, Tiếng đồng nội. Biên khảo: Thi ca Việt Nam hiện đại
          Cũng thuộc nòi tình, Trần Tuấn Kiệt đã trải vào thơ những lời tình tha thiết với hương thơm của thân xác ngà ngọc, với nhịp đập của con tim nồng cháy:
                    Anh còn giữ mùi hương lan dạ thảo
                   Mùi hạnh nhân kỳ ảo tấm thân em
                   Lời em gọi tiếng thì thầm nhật nguyệt
                   Lửa yêu thương huyền hỏa đọng buồng tim
                   Giây phút đó cận kề nhau mãi mãi
                   Nguồn ái ân hoa trái rụng bên thềm
                   Đâu đấy có giọng chim hồng bay lại
                   Tiếng sáo chiều vi vút thoảng yêu đương
          Cái đẹp của tình yêu ở đây, là có một chút gì dòn mỏng, một chút ngăn cách vừa đủ để khóc, để gợi sầu thương và mơ mộng kết tinh thành hoa đời:
       Em hãy khóc để lá vàng rơi rụng
       Chuỗi sầu mơ kết lại trái hoa đời
       Mai trần thế phai mờ như chiếc bóng
       Ta và em dựng lại chút tình người.
Yêu em tha thiết, Trần Tuấn Kiệt cũng dành cho quê hương một nỗi nhớ khôn nguôi. Sống xa nhà ông vẫn luôn luôn gắn bó với quê mẹ dấu yêu:
                    Lưng gầy lạnh gió đầu thu
                    Tóc bay theo khói sương mù bãi xanh
                    Cồn tiên sóng lớp vây quanh
                    Năm mươi năm đã dấu hình mẹ xưa
          Nhớ quê mẹ đẹp, thì hẳn nhiên phải thương quê mẹ điêu tàn do chiến tranh tàn phá. Với nỗi lòng quặn thắt, nhà thơ đành cúi mặt khóc thầm cho quê hương khổ đau:         

                   Thanh bình khúc hát vu vơ
                   Đêm nay nhớ mẹ bên bờ lau không
                   Cồn tiên bóng hạc lượn vòng
                   Sầu riêng cúi mặt đôi giòng lệ sa
          Khóc thầm là phải, vì quê hương ngập tràn khói lửa, máu đổ xương rơi, như khúc bi ca nỗi buồn Việt Nam, làm môi lưỡi tê điếng như ngậm bồ hòn:
                   Quê hương thưa nhạt sắc hồng
                   Ráng chiều in đỏ trăm vùng máu xương
                   Biển chiều thao thiết vong hồn
                   Rét tê đầu lưỡi khúc trường bi ca
                   Mai em uống nước giang hà
                   Giòng sông biền biệt chảy qua linh hồn
                   Đắng cay trăm quả bồ hòn
                   Em ơi hãy nhớ nỗi buồn Việt Nam
          Tuy quê hương còn đó, nhưng dân Việt đã thật sự mất quê hương. Người lưu lạc xứ người. Kẻ ở lại bị lưu đày trên chính quê hương mình! Trăm con Việt như cánh chim lạc mẹ, luôn luôn nhớ về tổ ấm kêu than như tiếng quốc văng vẳng:
                   Vẫn ngày tháng trăng sao ngàn cánh gọi
                   Vẫn muôn trùng chim nhớ tổ kêu vang
                   Vẫn từng ấy buổi chiều xanh tựa ngọc
                   Mộng êm đềm kiều diễm bủa vây em

          Tiếng quốc ảo não nhưng không tuyệt vọng. Nhà thơ vẫn chờ vẫn đợi ngày quê hương trở lại tươi thắm như người xưa ngồi thả câu đợi thời:
                   Anh vẫn cứ ngồi bên bờ sông vắng
                   Vẫn nghe rì rào tơ liễu phất phơ
                   Vẫn nhìn ngó dưới lòng sông mây trắng
                   Nỗi bên trời trong trẻo mắt em thơ
          Rồi trong nỗi chờ mong thao thức, nhà thơ đã khoác áo Kinh Kha mài kiếm dưới trăng chờ ngày tiếng trống thúc quân vang dậy, sẽ hiên ngang lên đường diệt thù:
                   Mộng vàng ai thếp màu son nhạt
                   kiếm khách mài gươm dưới nguyệt tàn
                   ta về trễ quá muôn năm trước
                   trống đồn bi ký cõi nhân gian
          Mài kiếm dưới trăng, tác giả đã bước vào ảo giác, nhìn thấy bóng dáng người xưa trở về, chập chờn với chiêng trống dậy thành, ngựa hí vang trời:
                   Ấy ai cưỡi ngựa chơi vườn cũ
                   khua trống chiêng xưa bóng chập chờn
                   kìa xem trăng mộng thành thiên cổ
                   hoa lá vin cành điệp dưới thôn

          Đẹp thay! Chen lẫn với bóng người xưa, còn có bóng em dịu dàng đưa tay hái trái trong vườn, như dáng thơ bên giàn thiên lý:
                   Em còn hái trái bên cây
                   Vết son mùa để dấu hài đầu tiên
                   Loi choi bước nhảy chân chim
                   Gió tan mây tụ đảo điên hồn người
          Thế là đã có em về, ươm hoa vàng trái mộng trên quê hương thắm tuơi huy hoàng:
                   Vườn chim trái mộng hoa vàng
                   Nửa đêm trăng cũng huy hoàng bên em

          Từ tình yêu và quê hương, Trần Tuấn Kiệt đã bước qua ngưỡng cửa nhân sinh để cảm nghiệm ý nghĩa cuộc đời như cõi sa mạc hoang vu, bốn bề lạnh vắng:
                                Em đi chân bước lạc đà
                   Suốt miền ải hạn giữa sa mạc người
                   Phượng hoàng xuống đậu hai vai
                   Ngậm hoa quỳ nhớ thiên thai không về
                   Ngàn năm mây trắng trôi đi
                   Với hồn xưa động bốn bề không gian
          Trong cõi sa mạc hoang lạnh đó, đã ẩn hiện bóng dáng thần chết  qua dấu tích bia thành vách mộ
       Xưa kia ta đến bên thành
                   Cỏ cây cũng nhớ thương mình ra hoa
                   Vầng trăng bến ngựa giang hà
                   Bia thành vách mộ lòng ta chợt buồn
          Nói chung, cuộc đời chỉ là cõi sa mù, mà  thế sự đổi thay huyễn hoặc như lá sầu rơi rụng trên bến hoang:
                   Biên cương gió bão sa mù
                   Nửa vầng trăng lạ ửng màu xanh cây
                   Rừng xưa thả lá theo ngày
                   Giòng tan tác đổ xuống hoài bến hoang
                   Gót nai đi giữa thu tàn
                   Sầu tơi tả rụng muôn vàn lông non

Để kết, xin biểu tỏ mối đồng cảm với Trần Tuấn Kiệt, cùng chia sớt nỗi nhớ quê hương và mối sầu nhân thế của nhà thơ mẫn cảm..

       

No comments:

Post a Comment