Tuesday, November 7, 2017

TRẦN THIỆN HIỆP THAO THỨC MỞ LỐI VÀO THIỀN

TRẦN THIỆN HIỆP
THAO THỨC MỞ LỐI VÀO THIỀN

                                                                        Ngô Quốc Sĩ
                Trần Thiện Hiệp  Sinh quán tại Biên Hòa, thời thơ ấu sống ở Di Linh, Đồng Nai Thượng, sau  tản cư về Phan Thiết, Bình Thuận. Ra hải ngoại, ông sống tại Hoa Kỳ và Canada. Trần Thiện Hiệp đã cho xuất bản nhiều Tác phẩm như:  Cây Lá Phận Người,  Mặt Trời Lưu Vong, Đỉnh Mây Qua, Đá Mọc Rêu Xanh Tuyển tập Thơ Trần Thiện Hiệp Tiếng Đất Gọi Người.

          Qua thơ Tần Thiện Hiệp, độc giả có cảm tưởng như lạc vào rừng ngôn ngữ của thơ, của triết và thiền, với những thao thức về người đời và đời người. Thơ ông chuyên chở tình yêu da diết, tình quê đậm đà, tình nước thiết tha và tình người nồng thắm và tình mình xót xa.
          Trước hết là tình yêu. Trần Thiện Hiệp đã trải vào thơ những lời tình thiết tha nghe như tiếng thỏ thẻ của con tim nồng cháy. Ai bảo rằng, yêu là chết ở trong lòng một ít, còn Trần Thiện Hiệp thì luôn vẫn thấy tình yêu đẹp như hoa:
                   Em tượng thời thiên cổ
                   Xiêm y một vầng trăng
                   Thơ ta mềm dải lụa
                   Đón em về hoa đăng
          Em là vầng trăng, nên chỉ ước được mãi ghì siết em trong vòng tay nồng ấm:
                    Em về cho gót chân son
                Cho môi hạt lựu, cho tròn vòng tay
          Tiếp đến là tình bạn. Trần Thiện Hiệp đã dành cho bạn những thân tình gắn bó như thể anh em ruột thịt :
                   Tạ ơn các bạn gần xa
                   Hằng ngày chia sẻ cùng ta đủ điều...
                   Thăm hỏi bạn, biết rằng người còn đó
                   Nỗi mừng vui tràn ngập cõi lòng tôi
                   Cuộc đời này bao sóng gió, nổi trôi
                   Vui được biết, bạn bình an vui sống
          Tình yêu tha thiết, tình bạn gắn bó, đến như tình quê hương thì phải nói là qúa đậm đà. Tình quê đã kết tinh thành khối sầu nhớ trong hồn người xa xứ:
                   Xứ người cơm áo buồn nẫu ruột
                   Lấy chữ kết tình bạn gần xa
                   Rượu rót một mình, sầu một khối
                   Nhớ thương chất ngất nỗi quê nhà
          Mất quê hương là mất tất cả. Từ nghìn trùng xa cách, nhà thơ cảm thấy phận mình như chiếc lá thu bay, trôi dạt trong không gian vô định:
                   Bây giờ trôi dạt nơi đây
                   Nhìn thu lá đổ lòng đầy nỗi ta
                   Nỗi ta trôi với nỗi nhà
                   Nỗi non nước ấy đã xa nghìn trùng

                   Ngồi với chiều nay ngang đỉnh gió
                   Ta mong nắng gọi bước em về
                   Ngâm bài thơ cổ ngàn xưa ấy
                   Thấy nỗi nghìn trùng ta nhớ quê
          Hình bóng đất nước tang tóc luôn luôn làm tác giả thao thức đúng như Trần Tuấn Kiệt diễn tả :  « Những nhịp điệu lập đi lập lại nỗi ta, nỗi nhà, nỗi non nước ấy gợi cho lòng người dấy lên một nỗi buồn căm, một sự cô độc của một người tha hương đi khắp nơi, càng ngày càng thấy xa xăm biền biệt về cội nguồn, về đất nước ».
          Thật vậy, xa cách đã mấy mươi năm, tình yêu đất nước đã kết thành khối, nặng chĩu đôi vai người lính già tha hương:
                   Hai mươi lăm năm dài hai thế kỷ
                   Xa cội nguồn sét rỉ mộng đời trai
                   Người lính già còn nặng trên vai
                  Nguyên khối tình sông núi   
          Nặng mang khối tình sông núi trên vai, người Việt tha hương chỉ còn biết nhỏ lệ cho quê hương với tiếng thở dài trong làn gió thoảng:         
                   Con đường khuya em khóc
                   Hạt lệ mềm trên tay
                   Ngày chia lìa Tổ Quốc
                   Lời nào cho đắng cay

                   Con đường từ luân lạc
                   Hai mươi năm tàn phai
                   Sầu sóng dâng Đông Hải
                   Đêm nghe gió thở dài...
          Thương em, thương quê rồi thương nước, Trần Thiện Hiệp còn trải rộng con tim vào cõi nhân sinh. Nhìn thấy cuộc đời nổi trôi vô thường, tác giả đã theo bước người xưa tìm quên trong men ruợu:
                   Tí tách tàn bay
                   Tan vào bóng tối
                   Rượu thấm men cay
                   Quên đời trôi nổi..
          Tưởng quên đời nổi trôi khi thấm hơi men, nhưng oái oăn thay, hiện thực cuộc đời lại hiển hiện trước mắt làm tác giả thổn thức:
                   Rượu cạn tưởng rồi quên nỗi nhớ
                   Hai mươi năm cũ, mới ngày qua
                   Đã đi mòn gót đường thiên hạ
                   Về nhánh sông gầy soi bóng ta
          Trở về nhánh sông gầy để soi thấy bóng mình, thơ Trần Thiện Hiệp bỗng nhiên khoác mùi triết lý. Nhà thơ hóa thân thành triết nhân, thấy đời như một cõi hiện sinh bi đát, với nước đóng băng, trăng chết, hồn lạnh , sói gào..
                   Vũng nước đóng băng. Trăng chết                                lạnh
                   Vũng hồn trăng lạnh cũng thành băng
                   Chợt đâu tiếng sói gào trăng muộn
                   Vang dội rừng sâu. Động cánh bằng
          Đời là thế!Tất cả chỉ là phù vân ảo ảnh như một cơn say dưới cái nhìn của một triết nhân phảng phất tư tưởng Lão Trang
                   Năm mươi năm nhìn lại
                   Tuổi dài như mây bay
                   năm mươi năm thành bại
                   Gẫm đời một cơn say
          Trong cơn say triết lý, tác giả đã thực hiện cuộc trở về tìm lại chính mình. Nhưng tìm chẳng thấy gì! Tất cả hiện lên thành câu hỏi như một tra vấn bất tận, làm cho tác giả  lại càng hoài nghi thêm:
                    Nghiêng-đời-nửa-bóng tìm ta mãi
                   Truy vấn càn khôn một nỗi mình
                                                  
                   Đêm vây tôi giữa trùng trùng
                   Tôi vây tôi giữa vô cùng hoài nghi
                   Lượng đời bàng bạc tà huy
                   Núi nghiêng bóng núi mãi truy vấn                                mình
          Tắc nghẽn trong tư duy triết lý, nhà thơ đành mở cửa thiền để tìm về chân tướng của vũ trụ và chân ngã của chính mình:
                   Từng bước chậm lên đồi nghe gió hát
                   Gặp mặt trời đỏ rực ở trên vai
                   Ta nghĩ đến kẻ thiền sư tìm đạo
                   Đạo vô bờ giữa trần thế chông gai
          Và may mắn thay! Hình như tác giả đã tìm thấy chân lý cuộc đời sau cánh cửa thiền. Đời là cõi sinh diệt tuần hoàn, là vô thường, nhưng  cõi bất diệt đã hé lộ sau cửa thiền. Đó  cũng chính là cõi thơ, là khúc thiên ca, là nguồn thiện mỹ giữa muôn hoa:
                   Cõi sinh diệt đời đời thơ lồng lộng
                   Nhật nguyệt tròn-vòng-nối khúc thiên                             ca
                   Kẻ thiền sư tìm chân nguyên đường                                ngộ
                   Ta tìm nguồn thiện mỹ giữa muôn hoa
          Lúc này Trần Thiện Hiệp đã tìm thấy Đạo. Nhà thi vào vô ngôn  sống thật sự hạnh phúc, đúng là thứ hạnh phúc của một thi sĩ, quên mình, quên đời, tĩnh lặng để  hòa nhập vào cỏ hoa:
                             Hạnh phúc là suối mát cỏ hoa
          Thế là tuyệt vời. Sống mà như thoát tục. Chân dù có bám đất, hồn vẫn níu đựợc trời vô biên:
                          Phù du còn lại nửa đời
                          Vẫn chân bám đất vẫn trời vô                                    biên

                              

                   

No comments:

Post a Comment