Friday, August 25, 2017

TRẦN HOÀI THƯ
THƠ NỨC MÙI KHỔ LỤY

                                                      Ngô Quốc Sĩ
                Trần Hoài Thư tên thật Trấn Quí Sách, sinh năm 1942 tại Đà Lạt. Tuổi thơ sống ở thành phố Nha Trang. Sau theo học Quốc Học Huế, đại học Sài Gòn. Từ năm 1964-1966 là giáo sư trường trung học Trần Cao Vân tỉnh Quảng Tín
.
          Năm 1967, ông nhập ngũ, rồi làm phóng viên chiến trường, đã từng bị thương 3 lần.
          Sau 30 tháng 4 năm 1975, ông phải ở tù cộng sản hơn 4 năm. Năm 1980 Trần Hoài Thư vượt biển, định cư tại Mỹ.
          Ông khởi sự viết văn từ năm 1964. Truyện ngắn đầu tay Nước Mắt Tuổi Thơ đăng trên tạp chí Bách Khoa Sài Gòn.  Ông cũng cộng tác với Văn, Văn Học, Đời, Bộ Binh, Thời Tập, Vấn Đề, Khởi Hành, Ý Thức... 
          Ông đã cho xuất bản nhiều tác tác phẩm giá trị, như “Những vì sao vĩnh biệt”,  “Ngọn cỏ ngậm ngùi”,  “Mặc niệm chiến tranh”, “Tản mạn văn chương”,”Thơ Trần Hoài Thư”, “Ngày vàng”, “Xa xứ”, “Vịn vào lục bát”.
          Thơ văn Trần Hoài Thư đủ thể loại. Văn thì có tạp bút, tập truyện, tự truyện. Còn thơ thì đa số là Thơ Mới 7-8 chữ, nhưng nổi bất nhất là thơ lục bát, với sức đánh động sâu xa, như Đỗ Trường đã thổ lộ: “ Khi nhận được thi tập Vịn Vào Lục Bát, tôi đã đọc ngay, đọc một mạch. Đọc rồi, đâu đó, vẳng lên tiếng thét, sắc nhọn như mũi khoan xoáy thủng hồn người, xuyên thủng 143 trang sách trước mặt…”
          Trước hết, qua nhiều bài thơ mới, Trần Hoài Thư đã trải lòng ra với đất nước qua những trăn trở của dân tộc về chiến tranh, đến hình ảnh những cuộc hành quân hiểm nghèo, và niềm vui của những ngày phép ngắn ngủi.
          Cảm thức chiến tranh thì thật ngậm ngùi. Là một chiến sĩ với tinh thần chiến đấu kiên cường, nhưng cũng như bao người khác, tác giả đã không dấu nỗi cảm thức chán ghét chiến tranh.
          Chiến tranh đưa tuổi trẻ đi vào ngõ cụt như thể bản án tử hình treo vào tuổi thanh xuân
                 Thế hệ chúng tôi mang đầy vết sẹo
                 Vết sẹo ngoài thân và vết sẹo trong hồn
                 Không phạm tội mà ra tòa chung thẩm
                 Treo án tử hình ở tuổi thanh xuân
          Bản án tử hình đó được hiểu như số phận hẩm hiu của người trai thời chiến, phải lao vào lửa máu, hận thù, tù ngục và cõi chết, ít khi thấy được niềm vui:
                    Thế hệ chúng tôi chỉ thấy toàn lệ máu
                    Chưa bao giờ thấy được một ngày vui
                    Thời chiến giày saut, lao vào cõi chết
                    Hòa bình phận tù, trâu ngựa khổ sai
          Biết mình phải lao vào cõi chết, nhưng thân trai vẫn phải làm tròn sứ mệnh bảo vệ tổ quốc, và Trần Hoài Thư đã “xếp bút nghiên theo việc đao cung”, lên đường hành quân, xông vào lửa khói:
                   Tôi qua đèo xám mây mờ núi
                   Thương về đâu một lũ sáo rừng
                   Hôm qua đồi ngập hàng trăm xác
                   Đạn pháo đào sâu bãi chiến trường 
          Hình ảnh người chinh phu ngày nào “xông pha gió bãi trăng ngàn, tên reo đầu ngựa giáo lan mặt thành”, nay lại tái diễn trên chiến trường miền Nam:
                   Có ai dưới lớp mồ hoang dã 
                   Nằm xuôi chân mắt mở trợn trừng 
                   Chiều nay sao mọc về phương bắc 
                   Sao ruột lòng vắt đỏ phương nam 
          Ngày đêm đối diện với tử thần nơi tiền tuyến, người chiến sĩ phải tận hưởng những ngày phép thật ngắn gủi mà qúy giá, bên em gái hậu phương, với ly cà phê nóng:

                   Quán sớm cô hàng nhăn nếp lụa
                   Tóc còn vương vít lòng chiếu chăn
                   Nước sôi reo ấm gian nhà chật
                   Bếp lửa hồng. Gió tạt. Mùa đông
                   Năm giờ. Hết phép chờ xe hốt
                   Từ biệt cô từ biệt bạn bè
                   Từ biệt một ngày trai phóng đãng
                   Mai về trên ấy thiếu cà phê
          Những vần thơ mới nói trên đã chuyên chở cảm thức của Trần Hoài Thư về cuộc chiến, vẫn được coi là cuộc chiến tranh ý thức hệ quốc cộng mà có người hiểu sai là cuộc nội chiến. Nhưng phải đồng ý với Đỗ Trường rằng, chính thơ lục bát mới là nét son của Trần Hoài Thư. Qua vần điệu lục bát của anh, người ta thầm nghe tiếng thỏ thẻ của con tim, nhịp thở của buồng phổi, tiêu biểu như bài thơ “Dường Như” đã thốt ra tiếng thì thào với nỗi cô đơn tuyệt đối khi nhìn vợ đột qụy:
                    Dường như tôi sắp quị rồi
                   Nghe chăng tiếng thét vỡ màng nhĩ tôi
                   Này em, em đừng bỏ tôi
                   Này thơ, xin đừng bỏ tôi một mình
                   Tôi cần thơ, tôi cần mình
                   Sao mình cứ mở mắt nhìn ở đâu…
          Bên cạnh nỗi sợ cô đơn vì sợ mất người yêu, Trần Hoài Thư còn gói ghém tâm thức lưu vong trong những vần lục bát thật truyền cảm. Tiếng mưa rơi ngoài trời cũng là tiếng mưa rơi trong lòng người xa xứ:
                   Ở đây đất lạ quê người
                   Mấy mươi năm cũng một đời xứ xa
                   Ngày ở Mỹ đêm quê nhà
                   Có khi thức giấc, bên ngoài, trời mưa!
                   Buồn ơi lạnh khép chăn thưa
                   Nghe như lời vọng quê nhà: Tiếng                            mưa !!!”
          Thế rồi, trước  nỗi sợ mất em, mất thơ, và mất cả quê hương, Trần Hoài Thư chỉ còn níu lấy một chút gì còn lại thật qúy giá. Đó là tình mẹ, tình cha và tình bạn. Tình mẹ thì thật mặn nồng, như gà con nương tựa dưới cánh mẹ tháng ngày:
                   Lan can mẹ, mẹ khom lưng
                   Để con được vịn, khỏi cần nhón chân
                   Đứng bên mẹ, bé vô cùng
                   Thấy như tay mẹ sẵn sàng dẫn con…
          Còn tình cha cũng không kém tha thiết, như niềm hãnh diện vô bờ của con trong cuộc lữ hành trần thế:
                   Lan can ba, ba thẳng lưng
                   Ba dạy con, chân đạp bùn mà đi
                   Con nhón chân, con đưa tay
                   Con vịn ba với cái đầu ngẩng lên !…
          Và trải rộng ra tình bạn, những người thề sống chết có nhau:
                   Lan can bạn – vịn thân tình
                   Để còn thấy được cuộc đời dễ thương
                   Chai rượu quí chắc phải buồn
                   Nếu không có bạn, ai người cụng ly ?
          Đẹp nhất là tình em, sáng như trăng rằm, nguồn ơn cứu rỗi, đưa tác giả hồi tâm trở về với chính mình:
                    Lòng em là cả trăng rằm
                   Lòng tôi trăng tối như nhằm ba mươi
                   May nhờ tôi được dựa hơi
                   Nên lòng cũng nhẹ, ít nhiều hồi tâm
          Em là thiên thần. Dựa vào em, Trần Hoài Thư cảm thấy  nhẹ nhõm, chan chứa thêm tình mẹ, tình cha, tình bạn. Đó chính là thơ, đặc biệt là thơ lục bát, nhẹ như tiếng tơ trời, như hơi thở của Tình Yêu viết hoa…
         






     



No comments:

Post a Comment