XIN GIỮ CHO ĐỜI MỘT
CHÚT DỄ THƯƠNG
Ngô Quốc Sĩ
Con người ở đời luôn khao khát hạnh phúc.
Có thể gọi cuộc hành trình trần thế là một cuộc tìm kiếm hạnh phúc. Nếu hỏi tìm
kiếm ở đâu thì xin thưa, ở ngoài thiên nhiên, ở trong chính mình, và thiết yếu ở
giữa cuộc đời với người đời. Thiên nhiên có trăng thanh gió mát, nắng ấm chan hòa, hoa lá muôn màu. Chính mình có niềm
hãnh diện về kinh nghiệm, hiểu biết cũng như thành tích và nhân cách cao vời. Còn
người đời thì phải nói tới tình yêu, ân nghĩa và ủi an vỗ về..
Thường tình là thế. Nhưng cảm nghiệm của
Trần Ngọc về thiên nhiên, về người đời lại khác. Anh đã đọc thấy nghĩa tình gắn
bó trong thiên nhiên như thể keo sơn, trong khi mối liên hệ giữa người và người
lại qúa lỏng lẻo, nếu không nói là vô tình,
bất nhân bất nghiã!
Trước hết là tình nghĩa của đất và nước. Đất thường làm nền móng, làm
chỗ đứng của vạn vật. Đền Nam Giao của Việt Nam thuở xưa đã thể hiện sự kế hợp
hài hòa của Tam Tài Thiên -Địa- Nhân. Đất
có hình vuông làm bệ cho Trời tròn tạo chỗ đứng cho con người “Đầu đội trời chân đạp đất”.Thế nên đất được
gọi là đất đứng của người và con nguời là gạch nối giữa đất trời. Còn nước lại thể hiện sự hoà lẫn vào nhau của
vạn vật. Có nước hòa tan mới có sự “hoà đồng”
vào nhau thật sự, như “vạn vật nhất thể”
mà không phải là “đồng hóa”, vì mỗi cá
thể vẫn giữ nguyên bản chất của mình. Nhất là nước đã thể hiện nguồn sống của vạn
vật. Con người có thể nhịn ăn 40 ngày, nhưng không thể nhịn uống 2-3 ngày. Cũng
thế, chỉ cần thiếu nước vài tháng là đất sống thành đất chết, cây cỏ tàn úa héo
khô..
Tôi
hỏi đất: Đất sống với nhau thế nào?
Đất
trả lời: Chúng tôi làm nền móng cho nhau.
Tôi
hỏi nước: Nước sống với nhau thế nào?
Nước
trả lời: Chúng tôi hoà lẫn vào nhau.
Tác giả tiếp tục hỏi gió và mây. Gió thể hiện sự nâng đỡ nhau để vươn cao tận trời và trải
rộng bốn phương. Người ta không thể nhìn thấy gió ở đâu, từ đâu đến hay đi về đâu,
mà chỉ thấy cây rung lá đổ, mặt hồ gợn sóng, mái tóc vờn bay. Không có gió, vạn
vật sẽ trở thành bất động, và chết ngộp trong nắng thiêu. Còn mây, cũng quyện vào
nhau như một kết hợp không thể chia lìa. Tuy mây có khi hợp có khi tan nên mới
gọi là “bức tranh vân cẩu” , nhưng bản
chất của mây vẫn là tan biến trong nhau:
Tôi
hỏi gió: Gió sống với nhau thế nào?
Gió
trả lời: Chúng tôi nâng cánh cho nhau.
Tôi
hỏi mây: Mây sống với nhau thế nào?
Mây
trả lời: Chúng tôi tan biến vào nhau.
Tiếp theo, nhà thơ đã đi tìm dấu vết của cỏ và cây. Cỏ thì hẳn là khiêm tốn,
chen lẫn vào nhau như thể tựa vai nhau mà sống. Cỏ còn chung lòng chung tiếng,
cùng cất tiếng hát như thể lời thầm thiên nhiên, réo rắt bên nhau như tiếng sáo
diều đồng nội, như lời ca dao thỏ thẻ khi làn gió lướt qua. Nguyễn Du cảm thấy
đời tươi hẳn lên với “Cỏ non xanh tận
chân trời”. Thảm cỏ xanh non chính là màu tươi mát của cuộc đời tuổi hoa mộng.
Còn cây thì có cây lớn cây nhỏ, cây cổ thụ rợp bóng che chở cho cây non mới lên
mầm nảy lộc. Đã thế, còn có những cây leo, bám vào thân cây già cỗi để vươn lên,
quấn vào nhau như mẹ ôm con vào lòng:
Tôi
hỏi cỏ: Cỏ sống với nhau thế nào?
Cỏ
trả lời: Chúng tôi hoà quyện và réo rắt bên nhau.
Tôi
hỏi cây: Cây sống với nhau thế nào?
Cây
trả lời: Chúng tôi che chở và leo quấn cho nhau
Thiên nhiên là thế. Tình nghĩa hài hòa gắn bó như
ruột thịt giữa vạn vật trăm loài nghìn thứ. Còn con người thì sao? Con
người thường được tôn vinh làm chúa tể vũ trụ, hay hơn nữa là tâm vũ trụ. Thử hỏi
con người đối xử với nhau thế nào? Trần Ngọc không khỏi ngạc nhiên đến sững sờ
khi câu hỏi rơi vào khoảng trống như thể hòn đá ném vào khoảng không! Hàn Mặc Tử
đã nghe được lời thầm của vạn vật như người yêu thỏ thẻ trao nhau lời thương “Ai hãy làm
thinh chớ nói nhiều. Để nghe dưới đáy nước hồ reo. Để nghe tơ liễu run trong
gió.Và để xem trời giải nghĩa yêu.” Nhưng sao xã hội con người lại im lặng như thể hư vô?
Sao con người có thể thờ ơ, quay lưng, bịt tai và nhắm mắt, coi nhau như xa lạ,
làm Trần Ngọc phải thốt lên một cách hằn học:
Tôi hỏi người: Người sống với nhau thế nào?
Không ai trả lời, Không ai nói gì cả!
Câu hỏi rơi vào hư không, bởi lẽ con người đang dần
dần bị tha hóa. Nho giáo đặt tên cho con người là “nhân”, với bản chất là
“nhân ái”, là tình yêu. Nhưng thực tế, con người lại đối xử với nhau như
lang sói đúng như thành ngữ tây phương “người là chó sói của người”,
(Homo homini lupus) hay như triết gia hiện sinh Andre Gide “Địa ngục là tha
nhân” (L’enfer c’est les autres). Phật giáo
đã nói tới “Tham Sân Si”. Tuân Tử cũng đã xác nhận “nhân chi
sơ tính bổn ác”. Ở đây, Trần Ngọc cũng ghi nhận con người chỉ biết chà đạp
lên nhau mà sống, chỉ biết giận hờn, thù ghét, tranh dành, bít lối cảm thông và
đối thoại với nụ cuời và tâm hồn cởi mở:
Vì
người còn đang bận giận hờn và chà đạp lên nhau
Vì
người còn chôn chặt nụ cười và không cùng chia sẻ.
Đã thế, con người còn nghi kỵ, bày mưu chước ám hại
nhau vì ghen ghét hay để trả thù, gieo rắc bao thương đau bất hạnh, biến kiếp
người thành địa ngục oan khiên:
Vì người còn nghi kị và mưu chước lẫn nhau
Vì
người còn nặng nỗi thương đau.
Con người đang bị nát thây tại Trung Đông. Con người đang bị giập đầu tại Hồng Kông. Và con
người cũng đang bị dao kề cổ,
cùm tra chân tại Việt Nam. Nhất là mới đây, không còn lời nào để diễn tả nỗi bi
đát của kiếp người trước cảnh 39 nạn nhân người Việt, mang thông hành Trung Quốc,
đa số là người Nghệ An và Hà Tĩnh, đã bị chết ngộp trong thùng đông lạnh như thể
chiếc quan tài khổng lồ trên đường tìm đến Anh quốc để trốn thoát thiên đường xã
hội chủ nghiã. Sao xã hội con người có thể đốn mạt đến thế? Sao số phận con người
hẩm hiu đến thế? Người ta đã đánh mất con tim , nếu không nói là biến con tim
thành dao sắc, búa liềm hay lưỡi hái tử thần để giết chết đồng loại! Sao con
người không noi gương thiên nhiên mà sống, mà xem trời giải nghĩa yêu, và cùng
nhau kiến tạo hạnh phúc như trời che đất chở, như chim liền cánh như cây liền cành?
Rốt cuộc, chỉ vì thiếu tình yêu mà con người đã đánh mất bản
chất người, đã bỏ quên tình người. Thật
mỉa mai! Cuộc đời ngắn ngủi. Sự sống rất mau tàn lụi. Nhưng thay vì hối hả yêu
nhau mà sống như Xuân Diệu đã nhắn nhủ “Mau
với chứ vội vàng lên với chứ. Em em ơi tình non sắp già rồi” thì người ta lại
nhìn nhau bằng cặp mắt cú vọ, như thể muốn nuốt sống nhau?
Vì
người còn quên cách yêu nhau
Vì
người còn chưa biết được rằng sự sống vốn rất mau... tàn lụi...
Thế là nguyên nhân của mọi tai họa chì
vì con người quên yêu nhau! Tình yêu là lẽ sống. Tình yêu là suối nguồn hạnh phúc.
Tình yêu là vĩnh cửu trong cuộc đời tàn lụi..Thôi! Trách móc cũng bằng thừa.
Trần Ngọc chỉ
xin chuyển đi một lời nhắn nhủ, như tiếng thì thầm trong gió “Xin giữ cho đời một chút dễ thương…” Lời
xin tuy đơn giản nhưng rất chân tình. Không biết con người có đủ nhân ái để
chia sẻ cho nhau một chút..một chút dễ thương không?
No comments:
Post a Comment