TÌM HOA HƯỚNG DƯƠNG
Ngô Quốc Sĩ
Tình yêu vẫn thường là một cuộc đuổi bắt. Hẳn
nhiên yêu nhau, người ta luôn luôn muốn được gần gũi gắn bó với nhau như hình với
bóng. Nhưng trong thực tế, tình yêu ít khi suôn sẻ, mà thường gặp hoàn cảnh trái
ngang làm cho người yêu phải xa nhau trong ngậm ngùi thương nhớ. Điều bi đát là
khi xa nhau, người ta thường đi tìm nhau, nhưng cũng ít khi được gặp để nối lại
hay ít ra cũng ôn lại tình xưa! Phạm Tín An Ninh trong bài thơ “O Huế” đã thể hiện tính cách bi đát của
tình yêu trong lửa khói. Văn Nguyên Dưỡng trước đây cũng đã ôm “Chiếc áo khinh cừu” như thể ghì siết bóng
hình người yêu đã mất. Nay, Văn Nguyên Dưỡng lại cảm tác bài thơ “Đi Hướng Tây Tìm Hoa Hướng Dương” để diễn
tả nỗi bi đát của kiếp người và nỗi oan khiên của chiến tranh qua cuộc tìm kiếm
người yêu trong vô vọng của Lê Kim Hoàng, một Dược Sĩ cũng là một chiến sĩ Việt
Nam Cộng Hòa thuở nào..
Qua những vần thơ truyền cảm, Văn Nguyên
Dưỡng đã thuật lại mối tình chớm nở thật thơ mộng giữa chàng -người trai thời
chiến, và nàng-em gái hậu phương, gặp nhau rồi yêu nhau nhưng chỉ là “thầm yêu trộm nhớ”:
Trăng
khuyết, trăng tròn, trăng vẫn thương,
Ta nhớ em cười, má vẫn hường;
Em vẫn đi về trên lối cũ
Thương em, không dám nói rằng thương...
Tuy
chưa dám nói, nhưng con tim đã gắn bó, nên khi phải rời xa, chàng đã bỏ lại con
tim bên vệ đường, như để làm tin, hẳn là có dụng ý
cho nàng nhặt bỏ vào mắt xanh, để đêm đêm tưởng nhớ, thương về trên gối mộng:
Ta bước, tưởng chừng vướng lá vương,
Bỏ lại con tim ở vệ đường...
Em nhặt, bỏ vào đôi mắt mộng,
Đêm về, nằm nhớ... nhớ mà thương.
Thế rồi
chiến tranh đã gieo tai ương bất hạnh. Ta đã yêu em da diết, nhưng đành phải
chia tay, bởi lẽ bọn họ đã về nổi lửa đốt cháy quê hương, thiêu rụi mộng mơ của
dân Việt. Họ là ai? Không cần nói thì ai cũng biết, đó là kẻ thù từ miền Bắc vào xâm lăng miền Nam
gieo bao tang tóc lên đầu dân Việt, nổi lửa thiêu rụi cả quê hương:
Ta yêu em
suốt một đời ta,
Như khách đường xa, ai biết xa...
Ai biết tai ương mà tránh được,
Họ về, nổi lửa đốt quê nhà!
Từ ngày
họ về, dân Việt đã kéo nhau ra đi, bỏ lại sau lưng tất cả những gì thân thương
nhất, thơ mộng nhất, với vườn trăng, với nắng vàng và ruộng vườn phố thị. Quê hương
nay chìm trong mưa giăng, làm ta liên tưởng tới làn mưa che lấp quê hương của Trần
Dần trong Nhân Văn Giai Phẩm “ Tôi bước
đi, không thấy phố, không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”:
Kẻ bỏ vườn
thơ, kẻ bỏ trăng,
Lớp lớp người đi bỏ nắng vàng...
Bỏ đất, họ cày lên máu đỏ,
Bỏ thành xưa
cho gió mưa giăng!
Bỏ đất
bỏ thành ra đi, dân Việt mang theo cả trời sầu hận. Làm sao không sầu không hận
khi tình nhà chưa trọn, nợ nước chưa đền?
Lòng người đi tan nát như những mảnh trăng khuyết. Cố hương xa cách. Cố nhân cũng
biệt tăm!
Cố hương, cố quận, cố nhân ơi,
Xa lắm, ơ hay, xa lắm rồi!
Sao mãi trong lòng còn bận bịu
Tình nhà, nợ nước, mảnh trăng vơi...
Thế là
dân Việt đã mất quê hương và ta cũng đã mất em! Lòng người uất hận. Dân tộc tan
tác. Người lên núi kẻ xuống biển, chạy trốn cộng sản, như thể theo dấu chân mẹ Âu Cơ và cha
Lạc Long, đi tìm đất hứa. Còn ta phải ở lại chiến đấu đến phút chót, trở lại tìm
em thì ôi thôi! Em đã bay xa, khác nào người xưa của Thôi Hộ “nhân diện bất tri hà xứ khứ” ! Ta đành ở
lại một mình trong cô đơn nghe gió lộng đêm dài…
Người theo hướng núi, người ra biển;
Em đi chăng? Ta bỏ trấn biên
Trở lại tìm nhau, không thấy nữa!
Nghe đêm dài gió lộng ngoài hiên...
Lạc mất
em rồi, nhưng trách ai oán ai? Ta đã ở lại trấn biên tận phút cuối khi bạn bè đã
ra đi trước, đã buông súng, chỉ còn mình ta sau chót! Ta chẳng oán ai mà cũng
chắng oán ta, vì dù sao, ta cũng đã chiến đấu đến phút cuối cùng:
Thất lạc em rồi, ta oán ai?
Oán ta, ta bận ngoài quan ải,
Bạn bỏ hết rồi, ta mới đi...
Buông súng, buông rồi một sớm mai!
Thôi
thì đã lỡ
mất nhau, nay đành mò tìm khắp nơi khắp chốn. Nhưng bao nhiêu năm rồi em vẫn biệt tăm. Hình như ta đã lạc lối. Làm
sao tìm thấy em khi anh đi tìm hướng Tây, chốn tạm dung đất khách, còn em lại là
hoa hướng dương, mắt
không rời phương Đông, phía mặt trời mọc? Hẳn đó là quê hương bỏ lại?
Đi
hướng Tây tìm Hoa Hướng Dương
Dừng chân bên quán trọ ven đường...
Chợt nhớ Xuân xưa vào đất lạ
Bỏ cả quê nhà, xa cố hương.
Biết rằng em vẫn nhớ về anh, và anh vẫn quấn quýt bên em. Mùi hương xưa vẫn
thoang thoảng đâu đây từng ngày từng giờ, nhưng cuộc tìm kiếm càng ngày càng vô
vọng. Anh mãi tìm từ hướng Tây mà em lại đâu đó ở hướng Đông! Đại dương là sông
Ngân cách trở tình ta. Thôi anh đành tự an ủi với chút hương xưa xa xôi mông
lung:
Chỉ níu chút tình, nhớ chút hương...
Bao nhiêu năm ấy, nhớ đoạn trường!
Ai bảo xa quê thì ráng nhớ
Đi hướng Tây, tìm Hoa Hướng Dương.
Tìm
bao nhiêu năm chẳng thấy, nhưng mãi vẫn đi tìm, vì vẫn còn níu chút hương xưa,
tuy vẫn biết là không đủ sưởi ấm lòng anh. Giờ đây, em vẫn biệt tăm làm
tim anh lạnh giá:
Ta tìm em từ bao nhiêu năm
Hướng Dương nào thấy, thấy căm căm...
Những quảng đường dài xa tắp mãi,
Người ở đâu mà vẫn bặt tăm!..
Nay hình
như chẳng còn hy vọng gặp lại. Trong tuyệt vọng, anh đã có chút hoài nghi. Không biết em còn đó hay đã
ra đi? Biết đâu em đang vui duyên mới với ai đó bên kia chân trời? Thôi! Anh chẳng trách ai oán
ai, chỉ ngồi đây trong quán trọ mà nhấp nỗi cô đơn tột cùng:
Ta mất em vì em thất tung...
Hay vì em đã nên duyên mới,
...............................................
Quán trọ đêm nay vẫn lạnh lùng!
Bi đát
thay! Đó là tình yêu như một cuộc đuổi bắt, hay đúng hơn, một cuộc tìm kiếm vô
vọng. Nhất là tình yêu tình yêu thời chinh chiến thường nhuộm màu bi đát. Trách
trời như chinh phụ “Trời kia thắm thẳm
từng trên”, hay trách đời “sinh ly tử
biệt” cũng vô ích. Thôi thì cứ hái lấy những niềm vui nhỏ hiện tại để sống,
nhất là hãy vịn vào thơ để đứng dậy và tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm tình yêu
là hạnh phúc đích thực…
No comments:
Post a Comment