Thursday, October 10, 2019


LỜI THẦM GỬI GIÓ
Ngô Quốc Sĩ

                Tuổi trẻ Việt nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung đang phải sống trong một chế độ khép kín, hầu như tự cô lập đối với thế giới văn minh. Người dân thì bị bịt mắt và huyễn hóa bởi những huyền thoại giả trá về chủ nghĩa, chính sách cũng như lãnh đạo. Tuổi trẻ lại bị đầu độc bởi những giáo điều vô nghĩa bất nhân. May thay! Với những tiến bộ của kỹ thuật truyền thông hiện đại qua mạng lưới toàn cầu, dân Việt dù bị chế độ bịt mắt, vẫn có thể mở rộng tầm nhìn ra thế giới bên ngoài. Trường hợp  cô bé Thùy Dung, sinh va và lớn lên trong lòng chế độ như “lòng giếng khô cạn” theo ngôn từ của Nguyễn Từ Huy, cũng đã phóng tầm mắt qua đại dương, gửi vào trong gió những lời mộc mạc như tiếng kêu kêu thảm thiết vọng ra từ chốn lưu đày…
          Mở đầu bài thơ “Có Ai Gửi Về Đây” Thùy Dung, dù chưa hiểu biết nhiều về chính trị, chưa nhận thức rõ ràng xã hội chủ nghĩa là gì, tư bản chủ nghĩa là gì, nhưng cũng đã cảm nhận được thân phận đọa đày trên chính quê hương mình của dân Việt hôm nay. Tuy tuổi còn non trẻ, nhưng lời cô bé bánh mì có thể nói là chững chạc đanh thép như “bà cụ non.” Cô bé đã nhận thức rằng, sau 74 năm tại miền Bắc và 44 năm tại miền Nam bị đày đọa, dân Việt hôm nay đang khao khát Tự Do Dân Chủ như món qùa từ thế giới tư bản làm lẽ sống, làm khí thở, thay cho độc tài toàn trị,  bạo lực cường quyền, đe dọa trấn áp và tù đày…
                   Có ai gửi về đây
                   Chút tự do bên ấy
                   Để người dân tôi thấy
                   Tư bản họ quá hay

                   Có ai gửi về đây
                   Chút dân chủ bên ấy
                   Để người dân tôi thấy
                   Công dân họ thế này
          Dân chủ tự do luôn luôn đi đôi với nhân quyền và cuộc sống ấm no. Từ Việt Nam hôm nay như nhà tù lớn nhốt gần trăm triệu dân Việt trong đói nghèo và phi nhân, cuộc sống lây lất, nhân quyền bị dẫm nát, nhân phẩm bị chôn vùi, Thùy Dung đã mở rộng tầm nhìn qua then cài ngục thất, bên kia “thiên đường mù”, trải rộng tư duy ra bốn phương để chuyển đi mơ ước nhân quyền và cuộc sống ấm no sung túc cho dân tộc Việt Nam trong cảnh đọa đày:
                   Có ai gửi về đây
                   Chút nhân quyền bên ấy
                   Để người dân tôi thấy
                   Nhân quyền họ thế này

                   Có ai gửi về đây
                   Chút giàu sang bên ấy
                   Để người dân tôi thấy
                   Tư bản họ đủ đầy
          Một mối quan tâm lớn đi song song với tự do dân chủ và nhân quyền, là môi trường và thực phẩm. Hiện thực xã hội Việt Nam hôm nay đang xuất hiện trước mắt Thùy Dung như một bãi rác khổng lồ. Môi trường bị ô nhiễm bởi khí thải, bùn đỏ bauxite, rác rưởi ngập phố, cống rãnh thối tha, ruồi muỗi dày đặc!  Còn thực phẩm bị nhiễm độc bởi hóa chất,  phân bón, nhất là chất thải từ công nghệ. Biển chết. Cá chết,  Dân Việt  cũng đang chết dần mòn trên thân xác và tâm hồn, đúng như lời cảnh báo của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp và Hoàng Đức Oanh về thảm nạn văn hóa trải dài qua bao thế hệ. Ở đây, cô bé Thùy Dung cũng biểu tỏ mối quan tâm chính đáng đó:
                   Có ai gửi về đây
                   Môi trường sạch bên ấy
                   Để người dân tôi thấy
                   Họ sạch đẹp lạ thay


                   Có ai gửi về đây
                   Thực phẩm sạch bên ấy
                   Để người dân tôi thấy
                   Chất lượng họ đủ đầy
          Món ăn thể xác bị nhiễm độc, món ăn tinh thần tại Việt Nam hôm nay càng bị nhiễm độc nặng nề hơn bởi chủ thuyết độc tài toàn trị, độc đảng độc tôn. Trong khi thế giới hôm nay, ngay cả nước Nga là cái nôi cộng sản nguyên thủy, đã liệng chủ thuyết Mác Lê vào sọt rác, thì Việt Nam vẫn u mê ngoan cố bám víu vào tư tưởng Mác Lê làm chỗ dựa tinh thần để tiếp tục ngồi trên đỉnh cao quyền lực. Thế nên, từ lòng giếng cạn khô chất sống, Thùy Dung đã mở rộng tư duy dân chủ, mơ ước một nền dân chủ đa nguyên, với tam quyền phân lập. Cộng sản  vẫn rêu rao “Dân chủ cộng sản dân chủ hơn dân chủ Tây phương cả ngàn lần”. Thực chất, dân chủ cộng sản chỉ là “chủ dân” với ngôn từ lừa đảo “Dân làm chủ, nhà nước quản lý, đảng lãnh đạo”. Tài sản, vận mệnh, quyền làm người, ngay cả quyền sống của người dân cũng đều nằm trong tay sinh sát của đảng. Cộng sản chính là chủ nhân ông, là bạo chúa bóc lột xương máu dân Việt như những đầy tớ không công, để xây ngai vàng  đao phủ. Thế nên, ước mơ dân chủ đa nguyên, tam quyền phân lập là ước mơ cấp thiết, là con đường giải cứu quê hương:
                   Có ai gửi về đây
                   Cái đa đang bên ấy
                   Đ
ể người dân tôi thấy
                   Đa đảng họ rất hay

                   Có ai gửi về đây
                   Tam quyền phân lập ấy
                   Để người dân tôi thấy
                   Họ phân chia rất hay
          Đặc biệt, từ vũng lầy tăm tối lặng im ngộp thở mà cô giáo Lam đã buồn lòng than thở “trước những bất công vẫn không dám kêu đòi”, cô bé bánh mì đã biểu tỏ lòng cảm phục đối với tinh thần yêu nước thương nòi của những người tị nạn cộng sản, đã một lần nghẹn ngào bỏ nước ra đi. Dân Việt lưu vong khắp nơi, dù phải vật lộn với cuộc sống mới, vẫn luôn luôn canh cánh bên lòng hình ảnh của quê hương khổ đau, vẫn mãi mãi nâng cao niềm tự hào dân tộc, tích cực đấu tranh nhằm giải thể cộng sản, giải cứu quê hương:
                    Có ai gửi về đây
                   Tinh thần đấu tranh ấy
                   Để người dân tôi thấy
                   Vận nước cần đổi thay

                   Có ai gửi về đây
                   Chút tự hào bên ấy
                   Để người dân tôi thấy
                   Nước Việt thật nhục thay
          Và sau cùng, bị bắt buộc sống dưới cờ đỏ sao vàng vẫn được gọi là cờ máu, cô bé bánh mì đã gửi vào gió ngàn một ước mơ chính đáng và cao đẹp. Đó là ước mơ dựng lại cờ vàng trên quê hương thân yêu. Thùy Dung tự hỏi, cờ vàng, biểu tượng của tự do dân chủ, là hồn nước đang bay phất phới khắp các nẻo đuờng trên vùng đất tạm dung, sao lại không bay phất phới tại Sài Gòn ngà ngọc, tại Hà Nội thương hoài?
                   Có ai gửi về đây
                   Cờ vàng ba sọc ấy
                   Để người dân tôi thấy
                   Cờ dân tộc là đây
          Điểm cần nói, là để dựng lại ngọn cờ chính nghĩa, dân Việt phải chỗi dậy như bão cát từ lòng giếng, như ngọn roi Phù Đỗng  hay cuộn sóng kình ngư, quyết tâm xô ngã bức tường ô nhục, xé toang bức màn sắt, dẫm nát búa liềm. Thùy Dung đã chắc tâm rằng, một khi cờ máu bị cuốn đi nhường chỗ cho cờ vàng phất phới,  thì tất cả sẽ đổi thay. Đất nước sẽ đi vào vận hội mới, dân Việt sẽ vui hưởng tự do thanh bình, sạch bóng thù trong giặc ngoài.
                   Có ai gửi về đây
                   Tinh thần đấu tranh ấy
                   Để dân tôi đứng dậy
                   Để nước Việt đổi thay .
          Dân tôi đứng dậy. Đất nước đổi thay. Giấc mơ Thùy Dung gửi gió ngàn. Bao giờ giấc mơ thành hiện thực? Câu trả lời tùy thuộc mỗi con dân đất Việt, nhất là những người “chiến sĩ tháng Tám” của Bùi Minh Quốc, trước hiện thực “tự do bị vỡ nợ” hôm nay!

                  




                  



No comments:

Post a Comment