Thursday, March 22, 2018

MÙA ĐÔNG LƯU VONG NỖI NHỚ QUÊ HƯƠNG RAY RỨT


MÙA ĐÔNG LƯU VONG
NỖI NHỚ QUÊ HƯƠNG RAY RỨT

                                                                                           Ngô Quốc Sĩ
                Nỗi nhớ quê hương của người Việt lưu vong thật da diết. Xa quê hương, dân Việt vẫn luôn luôn canh cánh bên lòng hình ảnh  đất mẹ dấu yêu đang trải qua bao tang tóc dưới bàn tay lũ con hoang đã bị tha hóa, đánh mất bản chất con người nói chung và con người Việt Nam nói riêng. Thi ca yêu nước đã chuyên chở đầy đủ tâm trạng nhớ thương  ray rứt đó, tiêu biểu là những vần thơ truyền cảm của Văn Nguyên Dưỡng qua bài Chiếc Áo Kinh Cừu Trong Giá Đông.
          Thực ra bài thơ Chiếc Áo Khinh Cừu chỉ là một chấm nhỏ trong gia tài văn chương thắm đượm tình tự quê hương của nhà thơ nhà văn Vĩnh Định- Văn Nguyên Dưỡng, cũng là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đã từng cầm súng chiến đấu bảo vệ tự do miền Nam trước cuộc xâm lăng của cộng sản Bắc Việt. Ông đã đóng góp cho nền văn học lưu vong nhiều tác phẩm giá trị bằng tiếng Việt cũng như tiếng Anh, tiêu biểu như Vùng Đêm Sương Mù , Trường Ca Trên Bãi Chiến ,  Lessons from the Vietnam War, Inside An Lộc: The Battle to Save Saigon …
                Trở lại bài thơ Chiếc Áo khinh Cừu trong Giá Đông, nhà thơ đã thể hiện tâm trạng “nhớ về” và “nhớ thương” những gì đã bỏ lại sau lưng khi rũ áo chiến binh, rời bỏ quê hương trong ngậm ngùi và tủi nhục.
          Nhớ về thì trước hết là nhớ chiếc áo trận đã từng lấm bụi gió sương, lấm bùn chinh chiến và lấm máu quân thù, nay đã bạc màu theo năm tháng, chỉ còn lại như một kỷ niệm giữa mùa tuyết trắng xứ người:
                   Một mùa Đông nữa mỗi hoàng hôn
                    Bông tuyết rơi rơi lấp bụi hồng
                   Chiếc áo khinh cừu nay đã bạc
                   Nghìn trùng thiên lý trắng mênh                              mông
          Chiến bào mang theo làm kỷ niệm, không biết là áo thực hay áo ảo như mộng mơ, làm nhớ thêm chiến bào bỏ lại nơi quê hương đọa đày. Bỏ lại chiến bào là bỏ lại tất cả. Thế nên nhớ về chiến bào là nỗi nhớ mông lung, như thể bao quát cả qúa khứ. Nào là mộng hải hồ của người trai thời loạn. Nào là đất nước thống khổ điêu linh. Nào là người thân và người yêu trong xóm nhỏ:

                Phấn tuyết chập chùng gợi nhớ nhung
                   Nhớ mông lung mà nhớ vô cùng
                   Nhớ bỏ chiến bào trong phố nhỏ
                   Bỏ lại em yêu mắt não nùng
          Còn nhớ thương thì hẳn đó là hình bóng người  em  yêu đã phải nhỏ lệ vì xa anh, đã từng khô môi vì ngăn cách, đến nỗi nhan sắc tàn tạ theo gió sương:

                  Nhớ giọt lệ nào trên má xanh
                   Môi nhạt vành khô cắn nửa vành
                   Mái tóc buông dài che nửa mặt
                   Một đêm sao... biến sắc                                                khuynh thành
          Da diết nhất là nỗi nhớ thương quê hương chìm lửa khói, điêu tàn trong hoang vắng đến nỗi trăng sao cũng phải rưng rưng ngấn lệ:

                   Trong hụt hẫng sa trường chợt biến
                   Lửa bập bùng còn sáng trấn biên
                   Cớ sao dinh lũy thành hoang vắng
                   Trăng não nùng lênh láng mái hiên
          Thương quê hương, thương phố cũ, và thương cho chiếc áo khinh cừu em gửi tặng anh, như để sưởi ấm  thân xác và tâm hồn anh nơi sa trường, nhưng tiếc thay,  anh không dám mặc, sợ hoen lấm màu tuyết trắng tinh anh, trắng như hồn em thơ ngây:

                   Nhớ trăng xưa ta trấn cổ  thành
                   Đêm đêm gió lạnh trống tàn canh
                   Khinh cừu em gởi không hề mặc
                   Vì trắng màu tuyết trắng tinh anh
          Nhớ về đất mẹ, nhớ thương em gái thiên thần tuyết trắng, nhà thơ đã chợt quay trở về với thân phận lưu vong, thương cho chính mình bơ vơ nơi cõi lạ, lòng tan nát vì thương em thương nước thương nhà, nhưng chỉ một mình ôm mối sầu riêng:

                   Rồi một sớm ta vào cõi lạ
                   Đông lạnh lùng se siết thịt da
                   Đói cơm vẫn giữ lòng chung thủy
                   Nước mất nhà tan ta biết ta
          Đau đớn nhất là mối sầu mãi là sầu riêng, không biết chia sẻ với ai, bởi lẽ cuộc sống lưu vong nơi  đất lạ không có người tri kỷ! Thôi đành đêm đêm ôm chiếc áo trận đã bạc màu để tìm hơi ấm, như thể ôm người yêu, chờ ngày về gặp lại em nơi quê mẹ ngàn thương:

                   Thấm thoát phong sương đã                                       bấy mùa
                   Đói lạnh cơ hàn trải nắng mưa
                   Tấm áo hằng đêm ôm sưởi ấm
                   Chờ ngày trở lại với người xưa
          Nhưng oái oăm thay!  Thời gian có hứa mấy khi”, lúc về nơi ấy thì tất cả đã đổi thay!  Em đã rời bến cũ, sang thuyền khác, vui duyên mới, để lại cho anh giòng sông tang thương và giòng đời đớn đau:
                   Trở về bến cũ thuyền đã sang
                   Sông dậy tang thương sóng xếp hàng
                   Lớp lớp trùng trùng đau thế sự
                   Em hỡi làm sao nỡ phũ phàng
          Tìm về quê hương, mong gặp lai hình bóng cũ thì ôi thôi! Người yêu đã sang ngang! Có trách ai phũ phàng thì cũng vô ích! Văn Nguyên Dưỡng, nhà thơ, nhà binh, đành quay trở về chốn tạm dung để tiếp tục sống, tiếp tục phần đời còn lại với chiếc áo khinh cừu đã bạc màu, qua những mùa đông lạnh giá, mà nhớ về thương về quê hương đang rên xiết dưới gót thù trong giặc ngoài:

                   Đông đến đông này đã mấy đông
                   Tuyết trắng mênh mông đến chạnh                            lòng
                   Mảnh áo khinh cừu vai đã nặng
                   Hồn quê còn lãng đãng mang mang
          Hồn quê còn lãng đãng mang mang. Đó là tâm trạng của Văn Nguyên Dưỡng nói riêng và  của người Việt xa xứ nói chung, kể cả trên 90 triệu đồng bào đang bị lưu đày trên chính quê hương tại quê nhà. Nhưng điều đáng nói là một khi hồn Việt còn, thì nước Việt cũng vẫn còn. Dù hôm nay,  đất nước đang lọt vào tay bọn con hoang phản bội công ơn tổ tiên, đánh mất bản chất Việt Nam, nhưng hồn Việt vẫn còn mất nước chỉ là tạm thời, và công cuộc đấu tranh dành lại đất tổ sẽ thành tựu một ngày không xa..




No comments:

Post a Comment