BÌNH
NGUYÊN LỘC
QUÊ
HƯƠNG MIỀN NAM YÊU DẤU
Ngô Quốc Sĩ
Bình Nguyên Lộc tên thật là Tô Văn Tuấn sinh tại Biên Hòa trong một gia
đình trung lưu. Truyện ngắn đầu tay của ông có tên Phù sa. Năm
1943, ông hoàn tất tác phẩm Hương gió Đồng Nai sau thất lạc vì chiến
tranh.
Năm 1949, ông về sống tại Sài Gòn. Năm
1950, ông viết cuốn Nhốt gió. Năm 1952, ông chủ trương tờ Vui
sống. Năm 1956, ông cùng các văn hữu cho ra đời tờ Bến Nghé, và
thành lập Nhà xuất bản Bến Nghé, chuyên xuất bản các tác phẩm văn chương mang
hương sắc Đồng Nai, Bến Nghé.
Ông đoạt giải nhất Văn chương toàn quốc
1959-1960 với tiểu thuyết Đò dọc. Giai đoạn 1970-1975, ông làm hội
viên Hội đồng văn hóa giáo dục Việt Nam.
Tháng 10 năm 1985, ông được gia đình bảo
lãnh sang Mỹ chữa bệnh
và từ trần tại Rancho Cordova, Sacramento,
California năm
1987.
Người ta thường nói tới Bình Nguyên Lộc
như một nhà văn, nhà báo, mà ít ai nhắc tới thơ của ông. Thực ra, Bình Nguyên Lộc
đã để một số bài thơ chuyên chở nét đẹp bình dị của đồng quê của miền Nam qua mấy
tác phẩm mang tên thật lạ như Thơ Tay Trái,
Thơ Ba Mén, truyện thơ Việt Sử Trường
Ca và các bài thơ đăng trên tạp chí Thanh Niên và Bách Khoa..
Trước hết, thơ Bình Nguyên Lộc không
chải chuốt bóng bẩy, mà đơn sơ mộc mạc, nhưng luôn luôn chất chứa tình quê lai
láng, thể hiện bản chất yêu quê cha đất tổ của dân Việt. Hãy nghe Bình Nguyên Lộc
tả cảnh đồng quê Việt Nam vào buổi sáng tinh sương, trong lành như bát nước
trong vắt:
Có những ngày lòng thấy trống không
Lâng lâng không bợn như chén
nước trong
Như không khí đồng quê buổi sáng
Như tiếng chuông chùa rơi
trong mênh mông
Với lòng trống không như thể xa bụi trần
để hòa theo tiếng chuông chùa lâng lâng, Bình Nguyên Lộc đã chạnh nhớ quê, cảm thấy tâm hồn có chút lạnh
giá và cô đơn, đành phải tìm tách cà phê để thở hơi ấm:
Lạnh thấm lòng mưa mai lác đác
Quán bên hè uống tách cà phê
Nhìn ghe bỗng chạnh tình quê
Rưng rưng nước mắt tư bề người
dưng
Tâm trạng nhớ quê của Bình Nguyên
Lộc ngày nào đã phản ảnh tâm thức lưu vong của dân Việt hôm nay, lạc lõng giữa
rừng người dưng xa lạ, đất khách quê người, mà hình bóng quê hương vẫn luôn luôn
canh cánh bên lòng như thể mùi thơm ruộng đồng còn phảng phất:
Mùi đất nước ruộng vườn phảng phất
Nhớ cố hương ngây ngất lòng sầu
Năm năm bao cuộc bể dâu
Phút dây ôn lại như hầu hôm
qua
Nhớ mùi đất nước ruộng đồng cỏ nội,
nhà thơ cũng thương cảm cho những người đồng cảnh ngộ, cùng hoàn cảnh chiến
tranh, phải chìm nổi đầy vơi trong dòng
sinh mệnh nhấp nhô của đất nước:
Viết lại đây mẫu đời loạn lạc
Thương những người chìm nổi đầy
vơi
Thơ quê khôn tả hết lời
Để ghi dấu vết một thời chiến
tranh
Tiếp đến, Bình Nguyện Lộc đã bày
tỏ lòng thương nhớ đặc biệt đối với người
mẹ già, đẹp một cách đơn sơ chân chất. Đó là hình ảnh của những bà mẹ quê Việt
Nam, suốt đời hy sinh cho con cháu. Phạm Duy đã mô tả “Mẹ quê, mẹ quê vất vả trăm chiều, nuôi một đàn con chắt chiu” thì Bình
Nguyên Lộc cũng mô tả hình bóng mẹ già với những lời thơ thật truyền cảm:
Má của con không son không phấn
Má của con không áo đẹp nước
hoa
Không lên xe xuống ngựa như
các má gần nhà
Mà sao con thấy gò má của má nõn
nà
Con hít mùi má lại nghe ngà
ngà say..
Nhớ nhất là tiếng ru ngọt ngào trầm
ấm như ngụm mía lau của mẹ già, như thể hồn đất mẹ Việt Nam vọng lại từ xa xưa:
Từ đây thời gian dậy tiếng ru
Ù ơi lời má giọng trầm phù
Má ơi hồn đất bao năm thiếp
Bỗng chốc trưa nay vắng tịt
mù..
Nghe tiếng ru của mẹ già hòa theo
tiếng võng đưa kẽo kẹt, nhà thơ đã mường tượng nghe thấy tiếng đồng vọng từ xa,
như thể tiếng quê hương thơm phức, tiếng qúa khứ xa xăm trở về trong tâm tình
hoài cổ có chút ngậm ngùi:
Kẽo kẹt xà nhà tiếng võng đưa
Đâu đây đồng vọng cõi xa xưa
Thổ ngơi thơm phức hồn ma cũ
Lòng rộn vui mà mắt lệ mờ..
Từ nỗi nhớ mẹ với tiếng võng kẻo
kẹt và lời ru ngọt ngào, Bình Nguyên Lộc
cũng gửi gấm vào thơ một chút xót xa cho người tình lỡ, như thể giấc mộng tàn
phù du, qua năm gút thắt cuộc đời mãi vẫn khó quên:
Gút đầu ghi dấu cuộc tình lỡ như một
niềm đau, một mất mát khi mộng mơ tàn héo:
Gút đầu đánh dấu niềm đau
Nhìn bao mộng thuở ban đầu êm
ru
Mộng tàn như bọt phù du
Ước xưa mộng cũ được ngôi mộ
đầu
Còn bốn gút sau kể lại trình tự cuộc tình tan vở
để lại vết thương đã thành thẹo:
Vở lòng yêu là cái gút sau
Gút ba là gút tôi trao thư
tình
Gút tư người đẹp làm thinh
Gút năm chết hụt khi rình xe hoa..
Một cách tổng quát, có thể nói Thơ
Bình Nguyên Lộc không chải chuốt gò bó, mà tuôn chảy một cách tự nhiên, đẹp một
cách bình dị, diễn tả đúng tâm trạng của một người Việt Nam, luôn luôn gắn bó với
thôn quê ruộng đồng, với lúa thơm nước mát, với lời ru tiếng võng. Tiếc rằng hôm
nay,Việt Nam đang bị đô thị hóa, và những bà mẹ quê đã bị đuổi khỏi ruộng vườn,
trở thành người vô gia cư, sống lây lất bên hè phố, nơi bờ hồ, tại công viên. Có
những bà mẹ quê còn bị công an đánh vỡ đầu, loang máu khi quyết tâm bảo vệ xóm
làng. Chắc chắn nơi chín suối, nhà thơ, nhà thơ của đồng quê Việt Nam Bình Nguyên
Lộc không khỏi ngậm ngùi nuối tiếc một thời xa xưa an bình:
Thổ ngơi thơm phức hồn ma cũ
Lòng rộn vui mà mắt lệ mờ..
Còn chúng ta, người Việt lưu
vong, sống vất vưởng nơi đất khách quê người, cũng đang mang tâm trạng Bình
Nguyên Lộc, mắt lệ mờ khi nhớ về thổ ngơi thơm phức, mong một ngày về tìm lại
ruộng đồng ngát thơm mùi quê mẹ dấu yêu..
No comments:
Post a Comment