Sunday, January 7, 2018

PHẠM THANH NGHIÊN LỜI CHỨNG TỪ NGỤC TỐI

PHẠM THANH NGHIÊN
LỜI CHỨNG TỪ NGỤC TỐI

                                                 Ngô Quốc Sĩ
        Viết về tù cộng sản thì đã có nhiều tác phẩm được thế giới biết đến, tiêu biểu như Quần Đảo Ngục Tù của Alexander Solzhenitsyn, Đại Học Máu của Hà Thúc Sinh, Tắm Máu Đen của Võ Đại Tôn, Hoa Địa Ngục của Nguyễn Chí Thiện, và Tôi Phải Sống của Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ..Nhưng đa số ngòi viết đều thuộc phái Nam, những chứng nhân sống của trại tù cộng sản đuợc mệnh danh là trại cải tạo. Hôm nay, cô Phạm Thanh Nghiên, một khuôn mặt nữ, đã cuốn hút sự chú ý của dư luận qua bút ký “Những Mảnh Đời Sau Song Sắt.”

        Tên cuốn sách “Những Mảnh Sau Song Sắt”  dày 512 trang, gồm nửa tiếng Việt, nửa tiếng Anh, đã nói lên nội dung của tác phẩm. Đây là một cuốn bút ký, ghi lại những bằng tim óc, bằng máu và nước mắt, về những mảnh đời nhục nhã nhất, đau đớn nhất và bất nhân nhất trong bốn năm tù đày của một người con gái.
        Nếu hỏi động lực nào đã thúc đẩy Phạm Thanh Nghiên dấn thân đấu tranh và thực hiện tập bút ký như bản cáo trạng tội ác cộng sản này, thì xin nghe lời tác giả thổ lộ: “Chúng tôi không thể sống và thức dậy mỗi sáng để đón nhận sự sợ hãi. Không còn cách nào khác. Chúng tôi phải bước qua. Và chính khát vọng tự do, khát vọng được sống với đầy đủ quyền con người của mình, đã thúc đẩy chúng tôi đi về phía trước..”
        Đi về phía trước để làm gì? Vũ Thư Hiên trả lời là để “Quét rác xã hội”. Thật ra Phạm Thanh Nghiên không chỉ muốn quét rác xã hội bình thường như một nhà hoạt động xã hội,  mà cô đã đóng vai một nhà đấu tranh dân chủ để quét rác “Xã Hội Chủ Nghĩa”, luôn chủ trương độc tài toàn trị, với bản chất bạo lực và dối trá. Cộng sản Việt Nam qua chiêu bài “Giải phóng, Độc lập Thống nhất” đã biến Việt Nam thành thành địa ngục trần gian, biến đất nước thành nhà tù lớn đày đọa dân tộc và các trại lao động khổ sai thành nhà tù nhỏ hủy diệt tinh hoa đất nước, đúng như Phạm Thanh Nghiên đã mô tả: “ Cái địa ngục không cần đợi đến lúc chết mới nếm trải. Nó là địa ngục trần gian mang tên “nhà tù cộng sản”. Từ địa ngục đỏ Việt Nam, gần nửa triệu người đã bị thảm sát trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất, trên 5 ngàn người đã bị chôn sống tại Huế, và biết bao tinh hoa đã bị vùi lấp trong các trại tù di sử từ Nam chí Bắc!  Đó là chưa nói tới cả triệu người chết tức tuởi giữa biển khơi, chết nghẹn ngào trong tay hải tặc. Nay trên 90 triệu người cũng đang ngắc ngoải trong địa ngục đó. Từ nhà tù cộng sản, Phạm Thanh Nghiên đã gào lên “khát vọng tự do, khát vọng được sống với đầy đủ quyền con người”.  Còn gì cao qúy hơn! Can đảm đến thế là cùng..
        Chọn quét rác xã hội chủ nghĩa qủa là một một thách đố lớn, bất chấp bạo lực, vượt qua sự sợ hãi, dám đối đầu với chế độ công an trị được Nhân Văn Giai Phẩm mô tả là bộ máy chém giết và  Bùi Minh Quốc gọi là “Giàn thiêu”. Phạm Thanh Nghiên cũng sẵn sàng đối đấu với chế độ cộng sản, dù biết rằng, đó chỉ là máu, là tăm tối và độc ác : “Ở đó, có sự tăm tối, độc ác, có mùi máu tươi với tiếng thét kinh hoàng của những người vô tội..”.
        Hiển nhiên, cuộc sống tù đày vốn mang bản chất nhục nhã và khổ đau với đói rét, bệnh hoạn và tra tấn cực hình. Nhưng dưới ngòi bút Phạm Thanh Nghiên, người ta sẽ nhận ra bộ mặt man rợ, cầm thú phi nhân bản của cộng sản Việt Nam. Nguyễn Chí Thiện đã khẳng định, trước khi đào tạo đảng tính, cộng sản Việt Nam đã đào tạo thú tính. Thật vậy, với cộng tất cả chỉ là thảm họa, đau thương, chém giết và hủy diệt, gây phẫn nộ đến uất nghẹn, nên Phạm Thanh Nghiên phải hằn học lên án: “Cần thẳng thắn thừa nhận nhà tù cộng sản là mọi khổ đau cùng cực, mọi nỗi uất hận nghẹn ngào. Là đau thương, rệu rã, mệt mỏi, tăm tối và cả chết chóc. Là sự tàn bạo và bất lực, là nhẫn tâm, thù oán, là trông đợi, tuyệt vọng, là nỗi chết. Và là địa ngục, địa ngục của những người còn đang hít thở, đi lại và cười khóc..”
        Đời sống tù nhân sau song sắt bi thảm hết chỗ nói. Muối hẫm cơm ôi trộn lẫn đất cát. Tra tấn, nhục hình. Chỗ ăn và chỗ làm vệ sinh sát cạnh nhau trong căn phòng 4 mét vuông. Bàn chải đánh răng phải cắt cụt phân nữa để khỏi sử dụng làm vũ khí gây hấn hay tự sát. Ngay chuyện làm vệ sinh cũng khó khăn vì sợ công an dòm ngó, như lời Luyến thỏ thẻ với Nghiên: “Em luyện mãi mà không được! Cứ nhìn thấy công an là nó thụt vào. Hình như cứt sợ công an chị ạ..”
        Ghê tởm nhất, theo lời chứng của Phạm Thanh Nghiên, các nữ tù nhân đã bị đối xử một cách man rợ hết chỗ nói. Họ không được mang nịt ngực, không được cung cấp băng vệ sinh, không được kết thân với bạn tù, ăn uống thiếu thốn, thuốc men hạn chế, còn bị ép cung và hành hạ đủ điều đến nỗi nhiều người đã tìm cái chết để được giải thoát, tiêu biểu như chị Hồng Tỷ tự tử bằng thắt cổ, chị Thao quyên sinh bằng thuốc trừ sâu, chị Cúc cắt mạch máu, cô Nụ nhảy xuống giếng..Oái oăn thay! Tự tử mà không chết, lại bi đem ra đấu tố, chế diễu về tội tự tử!
        Tù nhỏ man rợ như thế, tù lớn cũng bất nhân không kém. Dương Thu Hương đã mô tả xã hội chủ nghĩa là vũng lầy mất văn hóa, nơi đó, “máu và nước mắt  dân tộc bị trị trộn lẫn với vàng của kẻ thống trị”. Còn Bùi Minh Quốc cũng mô tả xã hội chủ nghĩa là nơi đáng nôn mửa “Quay mặt phía nào cũng không thể ghìm cơn mửa, một thời đểu cáng đã lên ngôi”. Ở đây, Pham Thanh Nghiên cũng mượn lời anh Long để biểu tỏ cảm giác buồn nôn trước những thối tha của chế độ “Chế độ thối, thời những thằng đểu lên ngôi..”. Trong những thằng đểu đó, bọn công an là đại đểu, là côn đồ là số một: “Thế mới biết, trên đời to nhất ghê gớm nhất là công an..chứ không phải ông Trời. Dứt khoát là thế! Ông Trời không đoạt mạng ai. Công an đoạt mạng người dễ như ngồi bàn nhậu..”.
        Lời chứng của Pham Thanh Nghiên về sinh mạng con người qúa nhỏ bé trong tay bọn đao phủ, làm ta liên tưởng đến những xót xa mai mỉa của cô giáo Lam: “Những dự án và tượng đài nghìn tỉ. Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay...”
        Cần nói thêm rằng, cộng sản đối xử độc ác không những đối với người sống, mà còn cả với người chết. Trong đám tang thân mẫu của Nghiên, bọn công an cán bộ phường khóm đã dành giật với gia đình để đọc điếu văn nhằm rêu rao ân huệ của đảng và nhà nước, nói là “Được sự quan tâm và và giúp đỡ của chính quyền địa phương và đảng bộ..” Thật mỉa mai hết chỗ nói. Thật xảo trá đến thế là cùng. Trần Đĩnh kể lại Hồ Chí Minh giả vờ khóc với những giọt nước mắt cá sấu khi trong buổi sửa sai Cải Cách Ruộng Đất. Bùi Minh Quốc phẫn nộ trước cảnh cộng sản giết người xong lại đặt vòng hoa tưởng niệm:
                Giết xong một thiên tài 
                   Hắn dâng hoa trước mộ 
                   Hoa đao phủ ngạo cười 
                   Giết anh thêm lần nữa.

          Ở đ ây, cộng sản đã hành hạ Phạm Thanh Nghiên dã man hết chỗ nói, thế mà còn dành đọc điếu văn truớc quan tài bà mẹ để rêu rao an huệ của đảng, thì thử hỏi, cộng sản còn là người không?
        Điều đáng nói thêm là ở tù cộng sản, nhiều nguời muốn tìm cái chết để giải thoát. Riêng Phạm Thanh Nghiên, nàng phải sống để chứng kiến và hứng chịu những độc ác chế độ hầu nuôi chí phục thù. Nàng đã thản nhiên tự nhủ “Sự trừng trị đối với người khát khao tự do đôi khi là một cơ hội để khám phá ra bản thân, không chỉ qua khả năng chịu đựng đói rét, bệnh tật, mà là bản lĩnh đối mặt với nỗi cô đơn tinh thần..”
        Từ quyết định vượt qua bức tường sợ hãi và khổ đau để chỗi dậy và vươn lên, Pham Thanh Nghiên đã tìm thấy một con đường mới mở ra với tương lai đầy hứa hẹn: “ Tôi chỉ cho mình khóc một chút thôi…Mọi chuyện đã kết thúc. Đang bắt đầu một chặng đường mới. Chặng đường mù mịt và tăm tối. Chính tôi phải thắp sáng đường đi cho mình..Bởi, tôi không phải ai khác, mà chính tôi đã chọn cho mình con đuờng ấy: Con đường Tự Do..”
        Bước vào con đường tự do đầy chông gai, nhưng Phạm Thanh Nghiên luôn luôn tin tưởng mãnh liệt vào sự tất thắng của lẽ phải và chính nghĩa dân tộc. Hãy nghe Phạm Thanh Nghiên đối chất với tên công an Đinh Trọng Chiềm khi hắn đọc lệnh bắt giữ Nghiên. Hắn mỉa mai “Chị Nghiên, chị thua rồi”. Phạm Thanh Nghiên đã đáp lại bằng một tuyên ngôn hùng hồn với giọng điệu xuất thần : “Không,  tôi thắng chứ. Tôi thắng các anh về chính nghĩa. Tôi thắng các anh về lẽ phải. Tôi thắng các anh về lòng yêu nước. Tôi thắng các anh về lương tâm và trách nhiệm..Tôi chỉ thua các anh về cơ bắp thôi! Nhưng các anh không thể dùng vũ lực mãi được. Vũ lực sẽ dẫn các anh đến thất bại..’

        Trong niềm tin chiến thắng đó, Pham Thanh Nghiên đã  bất chấp bạo lực, dấn thân tranh đấu cho tự do dân chủ và sự vẹn toàn lãnh thổ. Phạm Thanh Nghiên quyết góp bàn tay với các chiến sĩ dân chủ, tranh đấu dẹp bỏ nhà tù nhỏ cũng như nhà tù lớn hiện nay tại Việt Nam để giải cứu dân tộc.  Hiện thực tù lớn cũng như tù nhỏ còn đó như một thách đố. Dân Việt đang ngột ngạt trong cùm đỏ, trên giàn thiêu. Dân oan đang thét gào. Giáo oan đang thổn thức. Các tiếng nói dân chủ đang bị bóp nghẹt. Lê Quốc Quân, Nguyễn Văn Đài, Trần Huỳnh Duy Thức, Mẹ Nấm.. đang mòn mỏi trong ngục tối. Nhưng con đường tự do đã rộng mở với ý chí quyết chiến và quyết thắng của  Pham Thanh Nghiên. Đó cũng chính là con đường quyết chiến và quyết thắng của dân tộc..Hẹn nắm tay Phạm Thanh Nghiên một ngày nắng ấm trên quê hưong Việt Nam thân yêu..

No comments:

Post a Comment