Sunday, January 14, 2018

ĐÌNH CÔNG LỚN TẠI VIỆT NAM

ĐÌNH CÔNG LỚN TẠI VIỆT NAM

Ngày 12/1, gần 7.000 công nhân dệt may của Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng và Công ty TNHH MTV Moon Chang Vina (thuộc khu công nghiệp Tam Thăng, xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đã đình công đòi quyền lợi.

Cụ thể, khoảng 700 công nhân thuộc Công ty TNHH Moon Chang Vina và gần 6.000 công nhân của Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng tổ chức đình công trong cùng một ngày.
Theo công nhân ở 2 công ty, nguyên nhân dẫn đến việc đình công là do các quyền lợi của người lao động không được đảm bảo, từ việc tăng ca quá nhiều ngày trong một tuần, lương thưởng Tết Nguyên đán thấp, suất ăn không đảm bảo, thiếu dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe cho công nhân…
“Trong một tuần, chúng tôi có đến 5 buổi tối phải làm việc tăng ca. Đôi khi công nhân phải làm cả 2 ngày cuối tuần. Những ngày lễ, người lao động hầu như không được nghỉ mà phải đi làm”, một công nhân của Công ty TNHH Moon Chang Vina nói và cho hay dù làm việc nhiều nhưng tiền tăng ca quá thấp.
“Lương công nhân khi được ký hợp đồng là hơn 3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi thưởng Tết Nguyên đán, chúng tôi chỉ nhận được 50% tiền thưởng tương ứng với lương. Ngoài ra, theo quy định mỗi bữa ăn của công nhân là 15.000 đồng, nhưng thức ăn lại không đảm bảo để công nhân đủ sức làm việc”, một nữ công nhân ở công ty Panko nói.
Cũng theo người này, tăng ca, suất ăn không đảm bảo và thưởng Tết thấp là một trong những lý do khiến gần 6.000 công nhân thuộc các phân xưởng nhuộm, dệt và may mặc tổ chức đình công.
Cùng ngày, lực lượng an ninh và đại diện của Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam đã có mặt tại 2 công ty để nắm bắt những phản ánh của những công nhân.
 LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT TỰ DO: Thật đau xót khi biết thời gian làm việc nhiều còn hơn cả máy móc, robot của gần 7.000 công nhân trên, trong khi thu nhập của họ quá thấp.
Vâng, con giun xéo lắm cũng oằn, làm việc nhiều hơn cả máy móc, thành quả nhận được lại quá thấp, ăn uống lại kham khổ. Có lẽ hiếm nơi nào trên thế giới mà người lao động lại khổ như ở Việt Nam, và hiếm có nơi nào mà sức chịu đựng, nhẫn nhịn của người lao động lại như ở Việt Nam.
Thế nhưng, hàng tháng họ còn phải trích một phần công sức của mình để nuôi đội ngũ Liên đoàn lao động hùng hậu vô dụng. Dù công nhân đã chịu bất công nhiều năm tháng qua, đến khi họ buộc phải hành động bằng việc đình công thì Liên đoàn lao động lại phát ngôn như người ngoài, như những người bề trên của người lao động. Mà họ đã quên rằng, công nhân mới là những ông, bà chủ thực sự của họ. Công nhân đang trả tiền nuôi họ để họ làm việc cho công nhân.
Lẽ ra, trong công cuộc trên, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã phải cùng công nhân đàm phán với người lao động, và các bứơc tiếp theo như đình công, kiện ra toà. Thế nhưng, chỉ có công nhân với nhau đứng lên đấu tranh cho quyền lợi của mình.

Chúng tôi, Liên đoàn Lao Động Việt Tự Do nguyện cùng người lao động Việt Nam đấu tranh đòi quyền lợi, bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Liên đoàn lao động Việt tự do sẽ tư vấn pháp lý cho người lao động, đồng hành cùng người lao động lên tiếng, đấu tranh đến cùng đòi quyền lợi.
Điểm tin số 85 của LĐLĐVTD



No comments:

Post a Comment