Thursday, January 18, 2018

MÁU TRƯNG VƯƠNG HỒN LÊ CHÂN

MÁU TRƯNG VƯƠNG
HỒN LÊ CHÂN
                                                              Ngô Quốc Sĩ

         Blogger Phạm Thanh Nghiên, người tù kiên cường bất khuất, với quyết tâm chống ngoại xâm và lòng yêu nước thiết tha, đã được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam trao Giải Nhân Quyền, và Tổ Chức Quốc Tế Front Line Defenders tại Ái Nhĩ Lan chọn vào chung kết giải thưởng “Những Người Bảo Vệ Nhân Quyền Bị Đàn Áp Năm 2017”.
Cô vừa cho xuất bản tác phẩm “Nhưng Mảnh Đời Sau Song Sắt”, bằng tiếng Việt và tiếng Anh, đang được dư luận  chú ý, bày tỏ lòng cảm mến và ngưỡng mộ.
         Đã có nhiều người ca tụng cuốn bút ký này như một lời chứng sống động từ ngục tối về tội ác cộng sản, và niềm tin tất thắng của dân Việt vào công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền, tiêu biểu như Vũ Thư Hiên, Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Phong Vũ, và đặc biệt là Đào Trường Phúc : “Đọc hồi ký Những Mảnh  Đời Sau Song Sắt của Pham Thanh Nghiên, do vậy, không phải chỉ để thu lượm thêm một số dữ kiện về nhà tù cộng sản, mà còn là dịp ghi nhận thêm nhiều yếu tố giúp chúng ta theo dõi những chuyển biến chắc chắn sẽ tới từ cuộc đấu tranh kiên cường, quyết liệt của những con người tự nguyện dấn thân để đòi lại nhân quyền căn bản cho 90 triệu đồng bào, dành lại chủ quyền lãnh thổ cho tổ quốc và trồng lại cây trái tình người trên những mảnh  đất chết khô vì một chủ thuyết vô nhân tính..”
          Trong lãnh vực thi ca, nhà thơ Lê Chân đã có những vần có thể gọi  là xuất thần, ca tụng lòng qủa cảm và chí quyết thắng  của người con gái thân xác mảnh mai,  mà tâm hồn sắt đá, đã vượt qua bao cực hình để sống còn, và  thực hiện bản cáo trạng về bản chất độc ác và chủ trương phi nhân bản của cộng sản Việt Nam. Cần nói ngay là nhà thơ lấy bút hiệu Lê Chân, hẳn phải là người cùng quê Hải Phòng với Phạm Thanh Nghiên, nơi có đền thờ Thánh Mẫu Lê Chân, là vị anh thư đã giúp Trưng Vương phá tan giặc Hán, dành độc lập và chủ quyền  cho xứ sở. H ình ảnh Thánh Mẫu Lê Chân khá đậm nét trong thơ Lê Chân viết về Phạm Thanh Nghiên.

          Dưới ngòi bút của Lê Chân, Phạm Thanh Nghiên đã xuất hiện như một anh thư nước Việt, nối gót Triệu Trưng và Thánh Mẫu Lê Chân, đứng lên làm lịch sử, quét sạch bóng thù. Người con gái yếu mềm với 4 năm tù giam và 3 năm quản chế chỉ vì tội yêu nước, đã có được ý chí hoa cương, chính nhờ khí thiêng sông núi và chính khí dân tộc đã hun đúc người con gái da vàng mềm yếu thành vị anh thư mình đồng da sắt:
                   Gởi em cô gái Việt,
                   Mang dòng máu Trưng Vương.
                   Gởi em cô gái Việt,
                   Có trái tim quật cường.
          Theo Lê Chân, cô gái Hải Phòng mang tên Phạm Thanh Nghiên hẳn phải là kết tụ tinh hoa nòi giống, với của máu Trưng Vương, hồn Lê Chân và trời An Biên:
                   Giòng Trưng Vương, máu em giòng Trưng Vương
                   Trời An Biên sóng dâng trào yêu thương.
                   Hồn Lê Chân sống trong lòng em tôi,
                   Ngàn năm sau chí anh hùng khôn nguôi
          Chí anh hùng ngất nghểu ngàn năm đã thể hiện trong thái độ ngạo nghễ, như thể “tung xiềng vào mặt nhân gian”, dám thách đố với bạo lực cường quyền đang gây bao sóng gió bão giông trên quê hương yêu dấu:
                   Nghiên! em làm đảo điên bạo quyền
                   Nghiên! em ngạo nghễ trong xích xiềng
                   Nghiên! em là khúc hát thần tiên
                   Nghiên! em là giòng suối triền miên
          Pham thanh Nghiên không còn sống cho riêng mình, mà quyết đem thân mang nỗi đau của dân tộc, đem vai gánh vác giang sơn. Nghiên đã hy sinh tuổi xuân cho quê hương đất nước:
                    Ngày áo trắng Tổ quốc phủ khăn tang.
                   Là nỗi đau quốc hồn bất diệt,
                   Là tinh thần gái Việt cứu giang san.
                   Em hy sinh tuổi xuân thì vì nước,
                   Lưu lại đời trang sử mới An Biên.
          Tmột cá nhân nhỏ bé, sinh trưởng tại vùng đất linh thiêng của Thánh Mẫu Lê Chân, Phạm Thanh Nghi ên đã hóa thân thành con người Việt Nam, mang trên mình tất cả niềm đau và hy vọng của cả dân tộc:
                   Em quyết vươn cao ngọn cờ cứu nước,
                   Em quyết lên đường dầu sóng gió bão giông.
                   Phạm Thanh Nghiên đang lao mình phía trước,
                   Song sắt lao tù kìa bão nổi cuồng phong
          Giữa lao tù cuồng phong, người tù lương tâm Phạm Thanh Nghiên đã biến đau khổ thành hoa, biến máu lệ thành đôi vầng nhật nguyệt chính, nhờ tình người, tình nước đã kết tinh thành con tim của Nghiên, và đó cũng chính là con tim Việt Nam:
                   Nghiên! em nổi đau ngút trời
                   Nghiên! em nhật nguyệt tuyệt vời
                   Nghiên! tình em luôn vời vợi
                   Nghiên! hòa máu lệ tuôn rơi
          Lê Chân đã hãnh diện v Phạm Thanh Nghiên, với cảm nhận nàng mang  giòng máu Trưng Vương phất cờ khởi nghĩa, mang  ý chí quyết thắng của Triệu Thi Trinh, cưỡi kình ngư, đạp sóng dữ, chối bỏ thân phận nữ nhi thường tình:
                   Nghiên! em hiên ngang tuyến đầu
                   Nghiên! trong bão giông dãi dầu
                   Nghiên! cá tràng kình em chém
                   Nghiên! ngạo nghễ trước bể dâu

          Với thái độ ngạo nghễ trước bể dâu, xua sóng ba đào, Phạm Thanh Nghiên  đã được Lê Chân coi là vốn qúy của dân tộc, là cành hoa tô điểm sông núi và là ưóc vọng của ngàn sau:               
                   Nghiên! xua sóng dậy ba đào
                   Nghiên! tên em sáng ngàn sau
                    Nghiên! em điểm tô sông núi
                   Nghiên! là ước vọng khôn nguôi
          Để gói ghém những tình cảm tốt đẹp nhất dành cho Phạm Thanh Nghiên, Lê Chân đã chân thành thổ lộ, Nghiên sẽ còn mãi trong lòng nhà thơ như ánh sao xé tan mây mù đêm tối:
                   Nghiên! tình thiêng liêng ven lời
                   Nghiên! vì nước non trọn đời
                   Nghiên! xé mây mù đêm tối
                   Nghiên! em mãi mãi trong tôi..

          Mây mù sẽ tan. Bóng tôi sẽ chìm khuất. Đó là bóng tối của dối trá bạo lực, của bất công và bất nhân do chủ trương nhuộm đỏ tổ quốc với búa liềm và cờ máu của cộng sản Việt Nam. Bình minh đang ló dạng trong ý chí quyết thắng của Phạm Thanh Nghiên, trong tâm hồn mn cảm của Lê Chân và trong niềm tin tưởng mãnh liệt vào chính nghĩa dân tộc của dân Việt.

No comments:

Post a Comment