Thursday, May 18, 2017

CUỘC ĐẤU TRANH CỦA DÂN VIỆT BƯỚC QUA KHÚC QUANH MỚI

CUỘC ĐẤU TRANH CỦA DÂN VIỆT
BƯỚC QUA KHÚC QUANH MỚI    
                                 
                                                             Ngô Quốc Sĩ
                Theo dõi các diễn biến mới đây tại Việt Nam, chúng ta nhận thấy có sự chuyển hướng đấu tranh chống cả thù trong lẫn giặc ngoài. Hôm nay, cuộc đấu tranh đã đạt tới  kích thước lớn hơn,  phương  thức đa dạng hơn và bản chất phong phú hơn. Có thể nói rằng, cuộc đấu tranh đã bước vào một khúc quanh mới.

          Thật vậy, về kích thước, từ những cuộc biểu tình vài ngàn tại Sài Gòn Hà Nội,  đến vài chục ngàn tại Kỳ Anh, Diễn Châu và lên đến gần 50 ngàn tại Xã Đoài. Cả rừng người với biểu ngữ ngợp trời, đòi trong sạch hóa môi trường và bào vệ công lý, làm ta có cảm tưởng cuộc cách mạng Đông Âu đang tái diễn.
          Về bản chất, đang có sự chuyển đổi từ dè dặt thế thủ, đến mạnh dạn đối đầu. Người dân đã vuợt qua bức tường sợ hãi, quyết đem cả mạng sống thách đố với bạo quyền, tiêu biểu như cuộc tấn chiếm trụ sở Uỷ Ban Nhân Dân Huyện Lộc Hà,  cuộc bắt nhốt 38 công an cảnh sát tại Đồng Tâm, và bắt giam 4 tên công an giả dạng côn đồ gây rối tại Diễn Châu. Người dân không còn cúi đầu “xin cho”, mà mạnh dạn đứng lên “chống” cộng sản bắt người phi pháp và “đòi” cộng sản trả tự do cho người vô tội và “ra lệnh” Formosa cút khỏi Việt Nam!
          Về phương thức, ngoài phương thức thông thường là xuống đường biểu tình, dân Việt đã có sáng kiến tạo ra những phương thức mới, như hiệp thông cầu nguyện, cà phê nhân quyền, cổng thông tin, dã ngoại , và mới đây là khiếu kiện và thỉnh nguyện thư.
          Đặc biệt, Thỉnh Nguyện Thư của Giáo Phận Vinh gửi chính phủ Đài Loan và các quốc gia thế giới đã thể hiện cả 3 đặc tính trên. Về mức độ, thỉnh nguyện Thư đã đạt được một tầm mức đấu tranh đáng khích lệ, với trên 200 ngàn chữ ký, và phổ biến rộng rãi tới Liên Hiệp Quốc và các quốc  gia yêu chuộng tự do hòa bình như Na Uy, Thụy Sĩ, Đức, Bỉ và nhiều quốc gia khác.
          Về hình thức, thỉnh nguyện thư đã mở ra một chân trời mới. Đó đấu tranh pháp lý trên bình diện quốc tế, thay vì chỉ giới hạn vào tính cách cục bộ của Việt Nam. Phi Luật Tân đã kiện Trung cộng ra tòa án quốc tế về tranh chấp biển đảo. Trước thảm họa Vũng Áng, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã làm ngơ chạy tội, nên Dân Việt phải đứng lên làm lịch sử.   Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, đã chuyển đi một Thông điệp rất cảm động: “Con cháu chúng ta sau này sẽ hỏi: vào thời điểm đất nước lâm nguy, Biển Đông bị ô nhiểm, ông bà, cha mẹ đã làm gì để cứu biển và cứu chúng tôi?” Trả lời câu hỏi “chúng ta phải làm gì”,  Thỉnh Nguyện Thư đã xác định: “Trong một hoàn cảnh như vậy, Ban hỗ trợ ngư dân, các linh mục trong giáo phận Vinh trợ giúp cho người dân, không chỉ là xuống đường biểu tình, lễ cầu nguyện, mà còn ký thỉnh nguyện thư xin can thiệp từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức nhân quyền, bảo vệ môi trường lên tiếng để góp phần làm minh bạch cũng như giải quyết thảm họa Formosa.”
            Về bản chất, có thể coi Thỉnh Nguyyện Thư là một bản cáo trạng tội ác cộng sản và là lời hiệu triệu kêu gọi toàn dân đứng lên đấu tranh cho sự thật và công lý.
          Thỉnh Nguyện Thư  đã nói lên hiện thực bi đát do ô nhiễm Formosa: “Tháng Tư, 2016, công ty Formosa đã thải một lượng lớn chất thải độc hại ra biển miền Trung Việt Nam gây ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài hơn 250 km bờ biển làm sinh vật chết hàng loạt. Độc tố từ chất thải công nghiệp đang tích tụ vào trầm tích đáy biển là hiểm họa có thể gây bệnh tật nguy hại cho tương lai lâu dài của người dân Việt Nam.”
          Rồi Thỉnh Nguyện Thư cũng đã tố cáo tội ác cộng sản, quay mặt đi trước những bất hạnh của dân Việt:“Formosa gây họa tại Việt Nam, người dân là nạn nhân trực tiếp của thảm họa này. Suốt ba tháng trời mặc dù người dân phản ứng bằng cách biểu tình khắp nơi, từ Hà Nội đến Sài gòn, nhưng nhà cầm quyền đàn áp một cách dã man, rồi chối tội cho Formosa, còn thảm họa thì nhân dân phải gánh chịu.
          Sự thật là thế, nhưng nhà cầm quyền Hà Nội đã giả câm giả điếc để chạy tội, ngậm miệng ăn tiền, lại còn đàn áp dã man những nạn nhân vô tội, thấp cổ bé miệng. Trước tình hình khẩn truơng đó, Thỉnh Nguyện Thư đã phải gióng lên tiếng nói của Công Lý, đưa ra  ánh sáng tội ác những thành phần liên hệ:  
          “Trong gần một năm qua, chính quyền Việt Nam quay lưng lại lợi ích của người dân trong sự cố Formosa, người dân đệ đơn lên tòa án thì bị ngăn cản, bức hại, sách nhiễu. Chính quyền Nghệ An luôn tìm cách công kích và sách nhiễu các hoạt động hỗ trợ ngư dân của các linh mục thuộc giáo phận Vinh.”
          Ngoài ra, Thỉnh Nguyện Thư cũng bày tỏ lòng Nhân Ái đối với các nạn nhân môi sinh, đang phải đối phó với nạn thất nghiệp, trẻ em thất học, nhất là nỗi lo âu trước tương lai đen tối:
“Thảm họa này đã cướp mất nghề nghiệp của hàng trăm ngàn lao động trong các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá…Nhiều gia đình lâm vào cảnh túng quẫn do thất nghiệp, nhiều người phải bỏ quê hương xứ sở đi mưu sinh ở những nơi xa. Nhiều trẻ em có nguy cơ rơi vào cảnh thất học do gia đình mất nguồn thu nhập…Chúng tôi thật sự rất hoang mang lo sợ cho sức khỏe, tính mạng của chúng tôi và tương lai giống nòi của chúng tôi.”
           Thế đó! Sự thật bị xuyên tạc. Công Lý bị chà đạp. Bất công và Bất nhân lan tràn!  Có thể coi Thỉnh Nguyện Thư Giáo Phận Vinh như Bình Ngô Đại Cáo mới, với một thông điệp quyết chiến và quyết thắng với thù trong giặc ngoài.Chưa biết Đài Loan và thế giới sẻ đáp ứng thế nào, nhưng thế giới đã được nghe tiếng nói của sự thật, của công lý và nhân ái. Đây không phải chỉ là tiếng nói của Giáo Phận Vinh, mà là tiếng nói của toàn thể dân Việt. Hy vọng thế giới sẽ đáp ứng tích cực..






No comments:

Post a Comment