Friday, May 5, 2017

CAO MỴ NHÂN DƯ ÂM THỜI CHINH CHIẾN

CAO MỴ NHÂN
DƯ ÂM THỜI CHINH CHIẾN

                                                                            Ngô Quốc Sĩ
          Cao M ỵ Nhân sinh quán tại Chapa, Hoàng Liên Sơn, là cựu học sinh Trưng Vương, Hà Nội. Bà di cư vào Nam 1954, đầu quân  chiến đấu bảo vệ tự do cho miền Nam, thăng chức Thiếu tá Quân Lực VNCH.
Bà  đã giữ chức Tổng Thư Ký Trung Tâm Văn Bút Tây Nam Hoa Kỳ, nhiệm kỳ 94-96. Bà đã cho xuất bản nhiều tập thơ như Hoa Sao, Thơ Mỵ, Lãng Đãng vào Thu, Đưa Người Tình Đi Tu, Sau Cuộc Chinh Chiến, và tập bút ký Chốn Bụi Hồng.
           Dòng thơ Cao Mỵ Nhân đã chuyên chở những tình cảm thật tha thiết và đôn hậu dành cho người tình, đặc biệt quê hương thời chinh chiến. Qua dòng thơ Cao Mỵ Nhân, người ta nhìn thấy thấp thoáng một nữ chiến sĩ can trường xông pha trong lửa khói bảo vệ tự do dân chủ của miền Nam Việt Nam.
          Trước tiên, phải nói tới những vần thơ tình thật da diết của Cao Mỵ Nhân. Nhà thơ đã dành cho người tình những lời thật âu yếm:
                   Người tình ơi, sớm nay
                   Nơi không gian giấu mặt
                   Hồn em bỗng đắm say
                   Bóng anh nhoà trước mắt..
          Em yêu anh đắm say và anh cũng yêu em say đắm, cứ mỗi sáng, lại vẽ tim em trong hồn anh ấm nắng mai:
                   Anh vẽ trái tim em
                   Trong lòng anh buổi sáng
                   Mặt trời còn chưa lên
                   Em chờ hong ấm nắng
          Nhưng có đắm say, có vẽ ra trái tim thì cũng chỉ để ngắm, bởi lẽ tình yêu là vô ngôn, nói cũng bằng thừa. Nếu không thể giải nghĩa được tình yêu, thì thôi cứ im lặng mà nhấp từng ngụm tình:

                   Đừng viết bài thơ nào cả
                   Thơ tình thì phải …vô ngôn
                   Dẫu cho lệ rơi ướt má
                   Vẫn anh ngự trị Tâm hồn …

          Bóng anh còn ngự trị trong hồn em, nhưng vì quê hương, vì chính nghĩa  dân tộc, em đành đốt thiên tình sử, hóa thân thành nữ chiến sĩ cầm súng xông pha chiến trường. Vừa cầm bút vừa cần súng tác giả đã cảm thấy dòng máu anh hùng sục sôi trong huyết quản, nhưng cũng không tránh khỏi cảm thức cô đơn hiu quạnh:
                    Thuở làm thơ đã xa xưa
                   Bây giờ bàng bạc như chưa biết vần
                   Rời trường trong nỗi phân vân
                   Một tay cầm súng, tay cầm bút hoa
                   Đốt thiên tình sử vừa qua
                   Hôm nay em viết bài ca anh hùng.
                   Chợt nhìn ra chốn mênh mông
                   Thấy hiu quạnh cả non sông, tâm hồn.
          Tay cầm súng, tay cầm bút, thơ cao Mỵ Nhân đã biến thành tiếng hờn chiến mã qua sông Dịch Thủy, như thể tiếng roi Phù Đỗng trên ngựa sắt tung vó, hay tiếng trống Tràng Thành dậy vang lung lay bóng nguyệt:
                Chiến mã một lần qua “Dịch Thủy”
                Bâng khuâng thương nhớ bạn đồng song
                Hình xưa, kiếm khách vờn tâm trí
                Vô nghĩa muôn năm bóng ngựa hồng.
                Phế cuộc, hay là non ý thép
                Lửa tàn, ma lực giục hồi quân
                Bỗng tan cờ xí trên đường chiến
                Xa, mã cuồng quay... hận kỷ nhân.
          Oai hùng đó, nhưng cũng nhức buốt đó, bởi lẽ người chiến sĩ đã phải đem sinh mạng treo đầu ngọn súng, và bao người đã nằm xuống trong tức tưởi khi chí tang bồng còn nguyên! Bao chiến sĩ nguyện đem  thân cứu dân cứu nứớc, rồi cũng nhắm mắt trong tức tuởi, giờ đây biến thành tượng đá nhỏ lệ  nơi an nghỉ cuối cùng:
              Tượng đá suy tư, buồn nhỏ lệ
                   Giọt sầu tan nát cả hoa thơ
                   Người ơi, thà chẳng là chi cả
                   Đỡ phải băn khoăn với đợi chờ
.
          Thế là nguời chiến sĩ đành từ giã cuộc chiến, có khi vĩnh viễn ra đi như tượng đá nghĩa trang, có khi còn đó như tác giả mà lòng se thắt, nhớ về đồng đội đã từng sống chết bên nhau thở nào:
               Im lìm xa mã não nề
               Nhớ khi chinh phạt hả hê bên trời
               Âm vang xích động trong đời
              Còn theo nhau mãi những thời giao tranh
          Nhớ anh, nhớ đồng đội đã từng sống chết bên nhau, Cao Mỵ Nhân cũng đã canh cánh bên lòng nỗi nhớ quê hương mờ khuất bên kia đại dương. Mang thân phận lưu vong, nhà thơ đã cảm thấy tủi thẹn cho một thời từng ôm mộng Triệu Trưng, nhớ non sông, nhớ người xưa, nhớ một thời chinh chiến oai hùng:
                   Bến cũ bờ xưa khách đợi thuyền
                   Người đi năm tháng đã an nhiên
                   Quê hương vẫn muộn sầu bao nỗi
                   Đất nước còn sông núi mấy triền 
                   Tị nạn nhớ hoài tên Lạc Việt
                    Di dân quên bẵng chuyện Rồng Tiên
                   Tha phương càng thẹn đời chinh chiến
                   Bạn có cùng ta gánh tủi phiền

          Càng nhớ càng đứt ruột, nhưng vẫn phải nhớ, vì đó là quê hương,  nơi đã chôn dấu bao kỷ niệm của một thời cầm bút và cầm súng như thể “gươm đàn nửa gánh non sông một chèo”. Từ nỗi nhớ thương ray rứt đó, tác giả bỗng cảm thấy cô đơn như kẻ độc hành nơi đất khách quê người, vắng bóng tri kỷ, ngồi đây mà tường nhớ quê hương mịt mù:
              Bến chiều bát ngát trời không 
              Hoang liêu quá chợt mênh mông nỗi niềm
              Sông im lặng, thoáng ưu phiền
              Bờ xa cát lở chân mềm phiêu-du
              Độc hành viễn phố đêm thu 
              Cành cao quạ đậu mờ lu trăng tà
              Giữa đường vẫn chỉ riêng ta
              Bâng khuâng mây nổi nẻo xa mịt mù.
          Từ cảm nghiệm cô đơn  lạc lõng nơi xứ người, nhà thơ đã tìm cách buông bỏ, để cho tâm hồn lắng xuống mà trầm ngâm nhìn về ý nghĩa cuộc đời và người đời. Từ cái nhìn mang màu sắc triết lý đó, nhà thơ đã tìm thấy trong vô ngôn một giá trị vĩnh cửu. Đó là tình yêu. Không phải tình yêu chỉ dành cho mình, cho người yêu, cho đồng đội, mà cho tất cả vạn vật, yêu rừng, yêu người, yêu đời và yêu thơ:
                             Phải thật tình yêu rừng
                             Mới cuốc núi trồng hoa
                             Phải thật tình yêu người
                             Mới thích thú làm thơ…
  
                             Phải thật tình yêu người
                             Như rừng thương đá vỡ
                             Phải thật tình yêu đời
                             Mới quên mau quá khứ
          Thật tuyệt vời! Cuối mùa chinh chiến, lòng còn ray rứt. Nhưng rốt cuộc, Cao Mỵ Nhân đã tìm thấy sự an nhiên tâm hồn trong tình yêu nở hoa thơ. Yêu nước, yêu đời, yêu người và yêu thơ.  Tất cả biến mất, chỉ còn lại Thơ viết bằng chữ hoa trong vô ngôn.. “Anh về nếu vắng tim mong, là em đã ở trong lòng..hư vô”


No comments:

Post a Comment