NƯỚC MỸ TRONG TÔI
Theo bản thống kê dân số của nước Mỹ
năm 2015 hiện nay có 1,975680 người Việt đang sinh sống trên nước Mỹ.
Chúng ta những ai hiện nay đang sống, học hành, làm việc hay dưỡng già ở đây, đều
đã trải qua một phần đời mình trên mảnh đất này, thường gọi là “tạm dung” nhưng
thực tế là vĩnh viễn.
Từ biến cố 30 tháng 4 năm 1975, những
đứa trẻ sinh ra lớn lên ở đây, ngoài huyết thống ra, chúng không khác gì những
đứa trẻ Mỹ. Những người trung niên còn mang theo cả một thời thơ ấu và những
kỷ niệm không quên từ nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng vẫn lăn lộn với cuộc đời
trên đất khách này để mưu sinh, có người thời gian sống với quê hương ngắn ngủi
hơn là ở nơi quê người.
Tiểu bang California, nơi có nhiều người
Việt sinh sống nhất đã rộng lớn bằng diện tích cả nước Việt Nam, nên cũng chưa
có ai trong chúng ta tự hào đã đặt chân đến hết 50 tiểu bang của nước Mỹ, cũng
như không ai dám nghĩ rằng mình hiểu hết những gì về nước Mỹ, dù đây chỉ là một
nơi mới lập quốc hơn 300 năm. Có người cho Mỹ là anh chàng trẻ tuổi, xốc
nổi, dại khờ, nhưng cũng có người công nhận nước Mỹ là ông cụ thâm trầm thường
triển khai những bước đi tính toán trước cả trăm năm.
Ðối với những người già đã đến nơi này
muộn màng, nhưng cả cuộc đời còn lại coi như sống chết với nước Mỹ, thường gọi
là quê hương thứ hai.
Một người Việt về thăm lại quê hương,
nơi họ đã từ bỏ tất cả để ra đi, lúc đặt chân trở lại nước Mỹ, cho rằng tâm hồn
lại cảm thấy an toàn và nhẹ nhàng hơn như lúc về thăm quê nhà...
Một người Việt xa quê hương đã lâu trở
về Sài Gòn, có dịp vào Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ, ông thú nhận khi nhìn những hình ảnh
tổng thống hay ngoại trưởng của Hoa Kỳ, ông lại có cảm giác quen thuộc, an toàn
hơn là những lúc lang thang ở Hà Nội nhìn hình lãnh tụ và quốc kỳ Cộng Sản.
Gần
như chúng ta không còn lệ thuộc gì với đời sống nơi quê nhà, ngoài những tình cảm
sâu đậm trong máu huyết, làm cho chúng ta gần gũi với ngôn ngữ, đời sống Việt
Nam, mà chúng ta có cảm tưởng đang dần dần tách rời, cho đến một lúc nào đó trở
thành xa lạ. Phải chăng vì vậy, mà đã có những đứa con ngày trước trở về,
xót xa nhận ra rằng, họ đang đi, đứng trên một đất nước xa lạ, không còn là của
họ nữa.
Quê hương ngày nay chỉ còn là nơi thăm
viếng mà không phải là nơi để trở về. Nước Mỹ đã là nơi quen thuộc chúng
ta đang sống, có gia đình, nhà cửa, công việc, bà con, bạn bè, thì làm sao
chúng ta lại không có những suy nghĩ, có những câu chuyện buồn vui, hay những
trăn trở về nước Mỹ. Cách đây 41 năm, chưa lúc nào, chúng ta, những người
dân ở một đất nước xa xôi bên vùng trời Ðông Nam Á, cách biệt nơi này đến nửa
vòng trái đất, lại có ý nghĩ rằng, một ngày kia chúng ta sẽ đến đây, sống lâu
dài nơi đây, sinh con đẻ cháu nơi này, để tạo ra một nhánh người Việt lưu
vong. Ðời sau, còn giữ được ngôn ngữ, phong tục hay không, lại là một điều
mà nhiều người khác đang trăn trở, lo âu làm sao để duy trì, gìn giữ!
Trong cái cộng đồng gần gũi, thân mật
gắn bó này, với sách vở, báo chí, truyền thông, quán xá, chợ búa, tiệm buôn,
món ăn thức uống, cả cái tên vùng đất hay bảng hiệu Saigon chúng ta mang theo,
đôi khi gần như quên hẳn là chúng ta đang sống trên đất Mỹ. Cả cái bữa
cơm, cá mắm, canh rau, đôi đũa, chén nước mắm ớt, có khác gì ở Việt Nam.
Cả cái bàn thờ nhang khói, hình ảnh tổ tiên, ông bà, cành mai, chậu lan, những
cô thiếu nữ, trẻ em mặc quốc phục lên chùa ngày Tết, hồi trống, tiếng pháo Mùa
Xuân làm chúng ta quên mất là chúng ta đang sống thật xa quê nhà.
Ðiều tôi muốn nói ở đây là chúng ta
thường quên chúng ta đang sống trên đất Mỹ.
Ông Khổng Tử của nước Trung Hoa có ví
von: “Ở chung với người thiện như vào nhà
có cỏ chi lan, lâu mà mà chẳng thấy mùi thơm, tức là mình cũng đã hóa ra thơm vậy.”
Một kẻ vào vườn hoa lan đầy hương thơm, lúc đầu còn nhận ra mùi hương nhưng dần
dà trở thành quen thuộc, trở thành bình thường, không còn thấy hương thơm, như
kẻ tiểu nhân sống với người quân tử dần dần được cảm hóa lúc nào mà không hay
biết.
Nước Mỹ có nhiều hương thơm như thế mà
cảm giác chúng ta bị dung hòa lúc nào không hay đến nỗi không còn cảm nhận được
mùi thơm nữa. Hương thơm đó là những điều tốt lành, thấm nhập vào con người
chúng ta lúc nào chúng ta cũng không biết, không hề quan tâm hay nhận ra được sự
khác biệt trước và sau.
Chúng ta học hỏi được ở nước Mỹ tính bảo
vệ đời sống riêng tư, tôn trọng luật pháp, sống an hòa, sự tử tế và mối tương
quan giữa con người và con người trong xã hội. Ðiều này không chỉ có ông
Bá Dương (1920-2008), sau khi đi New York, Las Vegas hay San Francisco về, đã
tường thuật lại trong cuốn “Người Trung Quốc Xấu Xí,” mà bất cứ người Việt Nam
nào khi đi du lịch nước Mỹ về cũng nhận ra. Có người thắc mắc sao lái xe
trên đường vắng vào một hai giờ sáng, gặp bảng “stop” cũng phải đừng lại, sao một
đứa bé phải đi tìm cái thùng rác để vứt cái giấy kẹo nhỏ chỉ bằng hai ngón tay,
sao ở đây xe hơi nhiều như thế mà không nghe một tiếng còi? Trong cái
không khí dễ chịu, thanh thản, an lạc người ta cảm nhận ra khi bước chân trở lại
một nơi, có một chút mỉa mai, không phải là quê nhà của mình.
Chúng ta bước đi từ môi trường tử tế,
trong lành của miền Nam qua giai đoạn “thống nhất” để bước đến một xã hội hỗn
loạn như hôm nay, khi mà con người tốt đẹp dần dà trở thành vô cảm, lừa lọc,
gian trá, đạp lên nhau mà sống, để mưu tìm một đời sống ích kỷ cho riêng mình,
mà không thấy đó là bất thường, bất nhân và vô loại. Thì chúng ta, trong
xã hội này, cũng theo lời ông Khổng Tử: “
Ở chung với người bất lương, như vào trong chợ cá ươn, lâu mà chẳng biết mùi
hôi, vì mình cũng hóa ra hôi vậy!” Như người mới vào chợ cá, lúc đầu
còn nghe mùi hôi tanh, dần dà quen thuộc, không còn nghe mùi tanh tưởi khó chịu
nữa, như người quân tử sống với kẻ tiểu nhân, dần dần đồng hóa bởi cái xấu mà
mình không hay biết. Thử hỏi một viên chức trong chế độ... hiện nay, xem
những chuyện cường quyền áp bức, mạng sống của người dân xuống hàng súc vật,
con người chỉ biết có đồng tiền và dục vọng, tráo trở, vô đạo lý hiện nay có là
điều gì làm cho con người lạ lùng, khó chịu không? Hay đó là chuyện bình
thường, thấy đã quen mắt, nghe đã quen tai, đầu óc đã xơ cứng, chai đá như khứu
giác của con người ở lâu trong chợ cá, còn đâu phân biệt được mùi hôi nữa...!
Ðiều cuối cùng chúng tôi muốn nói là sự
may mắn đã giúp ta có cơ hội không phải chỉ cho riêng mình mà cả con cháu đời
sau, tránh khỏi được kiếp oan nghiệt, ra khỏi được cái chợ cá ấy, được sống
trong cái “chi lan, chi thất” cái vườn lan thơm ngát, mà qua một
thời gian chúng ta không còn cảm nhận được mùi thơm nữa, nhưng trên thực tế,
mùi thơm đó vẫn hiện hữu.
Nhiều kẻ hãnh tiến vẫn cho rằng nước Mỹ
nợ chúng ta mà quên rằng, món nợ của chúng ta, và cả con cháu đời sau đối với
nước Mỹ thật khó lòng trả nổi.
Hãy
CÁM ƠN bằng cách sống thật có ý nghĩa cho đời sống.
No comments:
Post a Comment