HOA KỲ CẦN CỨNG RẮN
VỚI TRUNG QUỐC
Donald Trump
Ngày hôm nay, thế giới phải đối đầu với hai
“phiên bản” của Trung Quốc. Trung Quốc “tốt” là Trung Quốc đã xây dựng những
thành phố vĩ đại và cung cấp nhà ở lẫn giáo dục cho hàng triệu người.
Trung Quốc “tốt” cho phép công dân họ
du lịch khắp thế giới để học tập, và giúp tạo ra một tầng lớp trung lưu ngày
càng phát triển. Trung Quốc “xấu” là Trung Quốc gần như bị giấu kín với người
bên ngoài. Đó là chính quyền kiểm soát quyền tiếp cận Internet của người dân,
giới hạn tự do cá nhân, phát động tin tặc tấn công trên mạng và sử dụng sức ảnh
hưởng của họ trên khắp thế giới để thao túng các nền kinh tế. Và đồng thời
trong suốt thời gian đó, họ đang củng cố sức mạnh quân sự của mình.
Không còn nghi ngờ rằng việc giải
quyết Trung Quốc, cùng với việc giải quyết nước Nga, sẽ tiếp tục là thách thức
dài hạn lớn nhất của chúng ta.
Chúng ta hiện cạnh tranh với Trung
Quốc về kinh tế và chúng ta đã thua cuộc chiến này từ rất lâu. Trung Quốc đã
trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của chúng ta, chỉ đứng sau hàng xóm của
ta như Canada và Mexico. Dẫu vậy, Trung Quốc nắm giữ nợ của nước Mỹ (hơn 1,5
ngàn tỉ đôla) nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác (dù Nhật Bản cũng gần sát). Nhưng
chúng ta đã chứng kiến vào mùa hè năm 2015 khi thị trường chứng khoán Trung
Quốc sụp đổ, nền kinh tế hai nước bị buộc vào nhau theo một lối rất tiêu cực. Chúng
ta biết rằng chúng ta đã trở nên phụ thuộc vào thị trường đang nổi lên của
Trung Quốc. Trong năm 2014, chúng ta nhập khẩu 17% hàng hóa Trung Quốc, nhiều
hơn bất cứ nước nào trên thế giới.
Hong Kong, nay đã hoàn toàn thuộc về
Trung Quốc, đứng thứ hai và Nhật Bản đứng xa thứ ba. Sức khỏe của nền kinh tế
Trung Quốc dựa vào chúng ta. Họ cần thương mại của chúng ta hơn là ta cần họ.
Trong vòng vài thập niên qua, nền kinh
tế Trung Quốc đã tăng trưởng thần kỳ 9 – 10% mỗi năm, mặc dù gần đây đã có dấu
hiệu nguội đi. Bất chấp những biến động gần đây, các nhà kinh tế học dự báo
rằng trong thập niên tiếp theo Trung Quốc sẽ thay thế Hoa Kỳ giữ vị trí nền
kinh tế lớn nhất thế giới.
Chúng ta đã làm gì để đảm bảo chúng ta
sẽ có khả năng cạnh tranh với họ? Chúng ta đã làm gì để đánh bại họ? Tôi sẽ nói
các bạn nghe chúng ta đã làm gì: Chúng ta cứ kệ để mọi việc diễn ra.
Hẳn sẽ có người mong tôi không nhắc
đến Trung Quốc như kẻ thù của chúng ta. Song họ chính xác là như thế. Họ đã hủy
diệt toàn bộ những ngành công nghiệp bằng việc tận dụng lao động giá rẻ,
khiến chúng ta mất hàng chục ngàn việc làm, do thám các doanh nghiệp của chúng
ta, đánh cắp công nghệ của chúng ta, thao túng và hạ giá đồng tiền của họ,
khiến cho việc nhập khẩu hàng hóa của chúng ta bị tốn kém hơn và đôi khi là
bất khả thi. Tôi biết rõ, bằng kinh nghiệm của mình, rằng đây là một vấn đề khó
khăn. Người Trung Quốc là những doanh nhân rất khôn khéo và họ có lợi thế lớn
so với những hãng sản xuất của chúng ta.
Chừng nào chúng ta còn chơi theo những
điều kiện này, chừng đó các công ty Mỹ sẽ không có lựa chọn. Các quốc gia thuộc
thế giới thứ ba có chi phí sản xuất căn bản thấp hơn. Họ có chi phí đầu người
thấp hơn và trả lương công nhân ít hơn rất nhiều. Là một doanh nhân, tôi có
nghĩa vụ với tất cả nhân viên của mình, với người tiêu dùng và cổ đông, trong
việc làm ra sản phẩm tốt nhất với giá thấp nhất có thể. Tuy nhiên, trong vấn đề
chính sách toàn cầu của Mỹ, chúng ta muốn tước đoạt lợi thế của Trung Quốc.
Năm ngoái, Tổng thống Barack Obama đến
Trung Quốc và họ đã tổ chức một yến tiệc thịnh soạn đón ông. Trước khi lãnh
đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thực hiện chuyến thăm ngược lại đến Mỹ, Nhà Trắng
đã thông báo kế hoạch tổ chức một bữa quốc yến phung phí. Tôi đã phát biểu rằng
việc tổ chức một bữa tối để vinh danh ông ta là điều tôi không bao giờ làm.
Thay vào đó, tôi sẽ bảo ông ta rằng đã đến lúc chúng ta bàn chuyện làm ăn và
chúng ta đi thẳng vào công việc.
Để “khai vị”, chế độ Trung Quốc cần
ngừng hạ giá đồng tiền của họ vì làm thế khiến phần còn lại của thế giới khó
cạnh tranh hơn.
Thực
tế là Trung Quốc cũng cần một nước Mỹ mạnh về kinh tế y như chúng
ta cần nền kinh tế của họ. Ví dụ vào tháng 5-2015, cứ mỗi 5 đôla
hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng đó thì người Mỹ mua
trị giá 1 đôla. Chúng ta mua tới 20% tổng giá trị xuất khẩu của họ,
nhiều hơn đáng kể giá trị mua của EU – vốn là nơi tiêu thụ hàng hóa
Trung Quốc lớn thứ hai. Và với thực tế sức mua của Mỹ tiếp tục tăng
mỗi năm, Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào người tiêu dùng Mỹ để
trở nên thịnh vượng.
Vậy chúng ta cần làm gì đây? Chúng ta
sẽ sử dụng đòn bẩy đang có để thay đổi tình hình sao cho có lợi cho đất nước và
người dân Mỹ. Chúng ta phải bắt đầu bằng việc trở nên cứng rắn với người Trung
Quốc.
Tổng
thống Obama đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ và hứa hẹn với chúng ta về những
hành động quyết liệt nhưng rồi chẳng có gì xảy ra.
Khi
làm ăn với Trung Quốc, chúng ta cần đứng thẳng trước họ và nhắc họ nhớ rằng
việc lợi dụng khách hàng tốt nhất của họ là không tốt cho việc kinh doanh. Và
rồi chúng ta nên ngồi xuống và tìm cách để mối quan hệ này trở nên hợp tình
hợp lý hơn. Không có một chính sách đối ngoại nào phù-hợp-cho-tất-cả. Chúng
ta cần làm cho niềm tin của mình trở nên thật rõ ràng và để chúng hình thành
bộ khung cho chính sách của chúng ta.
Mọi thứ bắt đầu bằng một nền quân sự
mạnh. Chúng ta sẽ có quân đội mạnh mẽ nhất trong lịch sử, và người của ta sẽ
được trang bị vũ khí tốt nhất cùng sự bảo vệ tốt nhất hiện có. Điều này
đồng nghĩa với hệ thống tên lửa tốt nhất, chất lượng đào tạo và trang thiết
bị tốt nhất phục vụ chiến tranh trên mạng, cùng với những binh lính được
huấn luyện tốt nhất. Và khi họ trở về nhà sau cuộc chiến, thương tích đầy mình,
binh lính của chúng ta sẽ không phải chờ nhiều tháng để được chữa trị.
Vậy làm sao để chúng ta đảo ngược tình
thế để bắt đầu chiến thắng trở lại? Như tôi đã nói, điều này bắt đầu bằng quân
đội mạnh nhất và tối tân nhất thế giới, và cũng là quân đội cơ động nhất. Chúng
ta cần hạch toán một phần chi phí giúp biến chuyển chất lượng quân
sự sang người Saudi Arabia, người Hàn Quốc, người Đức, người Nhật và người
Anh. Rốt cuộc thì chúng ta đang bảo vệ họ và họ nên chia sẻ chi phí.
Tiếp theo, chúng ta cần hoạt động từ
vị thế của sức mạnh kinh tế. Chúng ta có bộ máy tiêu dùng mạnh mẽ nhất thế
giới. Chúng ta chỉ cần bắt đầu sử dụng nó sao cho có lợi nhất. Chúng ta cần
dùng sức mạnh kinh tế của thị trường Mỹ và người tiêu dùng Mỹ để hỗ trợ bạn bè
của chúng ta, và nhắc nhớ kẻ thù chúng ta về những lợi ích của việc hợp tác.
Chúng
ta cần chú ý đặc biệt đến người Trung Quốc. Thời kỳ họ phá giá chúng ta bằng
những chính sách bảo hộ và gián điệp điện tử đã hết rồi.
Bình
minh mới của nước Mỹ chỉ vừa bắt đầu.
Như Steve Forbes từng viết trong tạp
chí của ông: “Tài sản của Trung Quốc trong Ngân khố Mỹ, vốn đạt mức kỷ lục
trong năm 2013, đang rung lên những hồi chuông báo động. Không phải thế.
Chúng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đang
trở nên phụ thuộc vào Mỹ và phần còn lại của thế giới để duy trì sức mạnh và
thịnh vượng của họ”. Hãy nhớ: Người Trung Quốc cần chúng ta cũng nhiều như
chúng ta cần họ. Thậm chí có lẽ còn nhiều hơn.
|
No comments:
Post a Comment