MỘT NƠI ĐỂ TRỞ VỀ
Ngô Quốc Sĩ
Người Việt lưu vong, chọn đất khách làm
quê hương thứ hai, nhưng lòng vẫn hướng về quê mẹ như một nơi để trở về, dù chỉ
trong tâm tưởng. Nguyệt Ánh đã “Mơ một
ngày về”. Nam Lộc cũng đã mong ước “Cho
tôi đi lại đoạn đường, hàng cây vương dài bóng mát.Cho tôi an phận ngàn đời,
bên bờ đê vắng làng tôi.” Riêng Quyên Di, nhà văn, nhà thơ, và nhà giáo, đang tiếp tục con đường phấn trắng bảng đen tại hải
ngoại, cũng đã chia sẻ tâm tình nhớ thương quê nhà như một nơi muôn thuở để trở
về, qua bài thơ “Miền Quá Khứ” viết
cho cô nữ sinh viên với tất cả nỗi lòng u uất của một “ông thầy” trong kiếp tạm dung…
Vào thơ, Quyên Di đã ngỏ lời với cô sinh viên
UCLA đã trên đôi tám, bằng lời nhỏ nhẹ dịu dàng như bàn tay vỗ về của người mẹ
dành cho con thơ, không được may mắn ôm ấp quá khứ dân tộc, nay đã trở thành xa
lạ với nhiều người, đặc biệt là thế hệ sinh sau đẻ muộn. Quá khứ đó, dù thật đã
trở nên xa lạ, nhưng lại là nơi chốn để trở về, như nguồn cội, như quê nhà dấu
yêu ngàn đời không quên. Thế nên, dù bận rộn cách mấy, ông thầy vẫn cảm thấy có
trách nhiệm giữ gìn quá khứ vàng ngọc đó để gửi lại cho thế hệ đến sau:
Con
ạ, thầy sẽ để thì giờ
Dẫn con về miền tên là Quá
Khứ
Miền ấy chắc chưa bao giờ con
đến thử
Vì con còn nhỏ quá, biết gì
đâu.
Miền ấy mang tên Quá Khứ, nhưng ngày
ngày vẫn hiện rõ nguyên hình trong mỗi bước đi, trên môi cười, nơi tiếng khóc,
và trên cả gối mộng khi đêm về, bởi lẽ nó đã in vào tim óc, hòa vào giòng máu của
người bỏ nước ra đi, với nắng cháy, với bão bùng, nói chung là với bao bất hạnh,
bao oan khiên còn đọng trên áo sờn của mẹ, trên vai gầy của cha, trên những sỏi
đá của lối mòn đất nước:
Miền ấy có hai mùa mưa nắng dãi dầu
Thầy đã có một thời sống và
lớn lên ở đó
Miền ấy có những ngày bão
bùng dông gió
Lại có những khi nóng rát
nung người
Quá khứ bất hạnh thế đó,
không những vì nghịch cảnh thiên nhiên, mà còn vì chiến tranh tàn phá chết chóc
hủy diệt. Dòng sinh mệnh dân tộc tuôn tràn máu lửa và đầy nước mắt mồ hôi, nhưng điều cần
nói và cần biết, là những con người mang giòng máu Lạc Hồng vẫn kiên cường thách
đố với thiên nhiên, với nghịch cảnh, vượt qua sóng gió thử thách để sống còn và
vươn lên như Phù Đổng, ấp ủ những mơ ước cao xa, đúng theo tên gọi cha ông đã đặt
cho non sông xã tắc bằng 2 chữ Việt Nam “Việt”=Trỗi vượt, và “Nam”= tại phương Nam.
Thầy dẫn con về miền tên là Quá Khứ
Đứa bé lớn lên giữa những đau
thương
Đất nước chiến tranh, người
vẫn kiên cường
Nuôi lớn nhau, nuôi lớn cả
những điều mơ ước.
Nơi phương Nam trỗi vượt
đó, đã mọc lên những hoa trái thơm tho, đã hun đúc những con người hiền hòa, và
những nét đẹp đơn sơ nhưng đầy tình tự dân tộc. Chính vì thế, Sài Gòn đã trở thành hòn ngọc Viễn Đông,
làm cho các quốc gia láng giềng phải mơ ước được sánh vai chung lối:
Thầy dẫn con về thăm Sài Gòn thuở trước
Có chợ Bến Thành và những
công viên
Có chị bán chè với nụ cười
hiền
Có nước mía Viễn Đông, có
thịt bò khô, đậu đỏ
Sài gòn một thời hoa
lệ mỹ miều như thế nên Y Vân mới phải thốt lên “Sài Gòn đẹp lắm! Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!”. Nay thì Sài Gòn đã thay tên, đến nỗi Nguyễn Đình
Toàn đã phải kêu lên: “Sài Gòn ơi! Ta mất
người như người đã mất tên”. Nay thì
thủ đô ánh sáng đã bị vùi giập bằng dép râu liềm búa. Giờ đây, dân Việt chỉ còn
biết tiếc nuối một thời vàng son, với hình ảnh Sài Gòn xưa, với cảnh đẹp người đẹp,
với những nét sinh hoạt đầy thơ mộng của nam thanh nữ tú, với tà áo gió bay phất
phơ và mái tóc dài thơm của nàng trước những con mắt ngơ ngẩn của mấy chàng
trai đa tình:
Cô nữ sinh đạp xe mini, gót nhỏ
Trên những con đường, tà áo
trắng tung bay
Mái tóc thơm dài theo với
tháng ngày
Phố đông người, có chàng trai
nhìn theo ngơ ngẩn
Cảm nhận của Quyên Di cũng
chính là cảm nhận của Nguyễn Tất Nhiên trước vẻ đẹp hồn nhiên của những bước chân
chim rón rén ngoài đường phố, trong sân
trường:
Ta gặp nhau một chiều nắng
quê hương.
Áo em vàng như màu nắng sân
trường.
Ta mang nắng nhốt vào lớp học
Lúc tan trường thả nắng tung
tăng.
Tô điểm thêm cho nét đẹp
thư sinh với áo trắng tóc dài và cái nhìn ngơ ngẩn, còn có vẻ đẹp hiền hòa
thanh khiết của những bàn tay đầy phấn trắng của ông thầy đứng trên bục giảng,
nhìn xuống những mái đầu xanh mắt nai, mà cảm thấy lòng rộn rực. Có một chút e
lệ, như muốn dấu đi những rung cảm tuyệt vời phía sau thiên chức “ông thầy”:
Thầy
dẫn con về thăm lớp, trường, bảng phấn
Có ông thầy còn rất trẻ, thư
sinh
Là thầy nhưng đôi mắt chẳng
dám nhìn
Sáu mươi nữ sinh ngây thơ mà
nghịch ngợm.
Đồng cảm với Quyên Di,
người viết cũng đã có một thời đứng trên bục giảng với những rung cảm nhẹ nhàng
kín đáo. Bài thơ “Dấu Chân Chim” tuy có chút lãng mạn, nhưng chỉ dừng lại trong
trong lễ nghĩa thầy trò như nét đẹp văn hóa của dân tộc:
Em mang mùa thu vào lớp học
Phấn trắng ngỡ ngàng trên tay
anh
Mây trời bỗng hạ xuống thật
thấp
Chữ nghĩa vỗ cánh bay rất
nhanh
Nét đẹp văn hóa chữ nghĩa
đó còn đậm đà hơn trong khung trời đại học, nơi đó có những trang sách miệt mài,
những giảng đường thênh thang rợp bóng cây lá xôn xao:
Thầy dẫn con về miền tên là Quá Khứ
Thăm những khuôn viên đại học
ngày nào
Những giảng đường bên ngoài
cây lá xôn xao
Những sinh viên miệt mài bên
trang sách.
Nét đẹp quê hương với
những kỷ niệm êm đềm đó nay đã xa! Quê hương hôm nay chỉ còn là quê hương trong
tâm tưởng. Sài Gòn hôm nay cũng chỉ còn là “Sài Gòn Nhỏ”. Nhưng người ta vẫn nói
“chúng ta còn mãi những gì chúng ta đã
mất”, thì miền qúa khứ của Quyên Di vẫn hiện nguyên hình trong hiện tại và
sẽ còn mãi trong tương lai, bởi lẽ đó chính là quê hương đích thực, là niềm an ủi
vô bờ đối với tất cả những ai là ly khách muốn tìm về nguồn cội:
Miền Quá Khứ ấy vô cùng trong sạch
Trong trái tim của tuổi hoa
niên
Bây giờ đã xa, chỉ thấy trong
nỗi nhớ triền miên
Của ông thầy đã già theo năm
tháng
Thế đó. Đã một lần mang
danh “ông thầy” thì sứ mệnh dẫn dắt lớp
trẻ là sứ mệnh thiêng liêng, là thiên chức cao qúy, mãi đeo đuổi nhà giáo, đúng
theo truyền thống “lương sư hưng quốc”.
Trong niềm hãnh diện vô bờ đó, Quyên Di đã lùi vế quá khứ, hướng dẫn lớp trẻ Việt
Nam hải ngoại hướng về miền thương nhớ ngọt ngào, tìm về nguồn suối thương bất
tận của mẹ Âu Cơ:
Những kinh nghiệm cuộc đời lồng trong ngôn
ngữ, văn chương?
Ông thầy lấy trong một chuỗi
ngày thường
Ở một miền có tên là Quá Khứ.
Thầy sẽ để thì giờ dẫn con về
miền Quá Khứ..
Đẹp thay tình thầy trò. Cao quý thay sứ mệnh
trồng người trăm năm của Quản Trọng “Bách
niên chi kế mạc như thụ nhân”…Cám ơn Quyên Di. Nhớ ơn truyền thống văn hóa
cao đẹp của dân tộc Việt Nam…
No comments:
Post a Comment