Tuesday, May 5, 2020


NHỮNG GIỌT HUYẾT NGÀ
Ngô Quốc Sĩ

          Nếu người mẹ được coi là tác phẩm tuyệt tác của Tạo Hóa, thì tình mẹ chính là ân huệ vô bờ của Trời Đất, như nguồn sống, nguồn thương và nguồn vui của con người. Văn chương dân gian đã ca tụng “nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Y Vân tôn vinh lòng mẹ “bao la như biển Thái Bình dạt dào”. Nguyễn Chí Thiện cũng chỉ mong ước “Mẹ ơi con lòng chỉ nguyện một điều. Được gần sống đừng xa lìa khỏi mẹ”. Trong kho tàng văn chương ca tụng tình mẹ, chúng ta không thể không nhắc tới bài thơ “Những giọt huyết ngà”của nữ sĩ Trinh Tiên, đã được đăng trong “Văn Hóa Ngày Nay” của Nhất Linh, sau được đưa vào “Hương Bình thi phẩm” của Hoàng Trọng Thược.
          Trước khi đi sâu vào nội dung của bài thơ, chúng ta hãy nghe các các nhà thơ tiền chiến nổi danh nói về tác giả. Năm 1944, khi đọc được bài thơ này trong thi tập "Tình Thơ" ở Huế, nhà thơ "Ông đồ" Vũ Đình Liên đã phải thốt lên: "Đông Tây Kim Cổ chưa từng có!" Thi sĩ Quách Tấn cũng xếp thi phẩm này vào bài viết "Những bài thơ bất hủ trên đất Khánh Hòa".           Riêng Vĩnh Hữu, con trai của tác giả cũng bày tỏ nỗi lòng gắn bó không rời với người mẹ kính yêu: Viết về Me, có lẽ viết bao nhiêu cũng không đủ, có viết dài lê thê thậm thượt cách mấy cũng trở thành ngắn ngủn sơ sài. Nếu hết thảy mười bốn anh chị em chúng tôi cùng ngồi lại với nhau để cùng viết mấy pho sách về Me cũng không thể viết hết chuyện, không thể kể hết lời, không thể diễn tả hết những gì Me - cũng như Ba - đã để lại cho con cái.” 
            Được con cái tôn vinh và người đời ca tụng là chuyện dĩ nhiên, bởi lẽ Trinh Tiên, lúc phong trào thơ mới vừa thịnh hành, đã làm say mê độc giả, với những vần điệu và ý thơ tuyệt vời, đúng như cảm nhận của Vũ Đình Liên, Đông Tây kim cổ chưa từng có. Và đến hôm nay, những ai có dịp thưởng thức bài thơ, cũng không cầm nổi nước mắt với những rung cảm sâu xa…
          Vào thơ, tác giả đã cảm nhận ơn Trời ban cho con người tình mẹ, chính là suối thương, là huyết sống, là hơi thở chảy thành nguồn sữa ngọt ngào, làm ấm môi và ấm lòng con thơ nhỏ dại. Niềm thương tuyệt đối của mẹ đã được tác giả diễn tả với lời thơ tuyệt bút, có thể nói là đến tận cùng của ngôn ngữ, như thể đi vào vô ngôn, khi nấu nguồn sữa bằng hơi thở, và đồng hóa sữa với máu:
                   Đây dòng sữa Me nấu bằng hơi thở
                    Truyền từ nguồn huyết thống, suối thương yêu
                    Huyết Me khô cho phần sữa thêm nhiều
                    Me vâng lĩnh ý trời, ban con đó!
            Phải nói đây chính là thứ ngôn ngữ không lời, và người ta thưởng thức bằng con tim bên kia ngưỡng cửa của lý trí, với cảm nghiệm thầm kín trong thinh lặng. Qủa vậy! Vành môi con thơ đã được tô son bằng máu mẹ, và khi chạm vào máu mẹ, môi con đã uốn cong như để nức cạn tình thương vô bờ. Máu và sữa hòa đã vào nhau thành mật ngọt, thành hơi ấm vỗ về tuổi thơ như một phép lạ từ trời:

                        Con uốn hai vành môi son thắm đỏ
                        Dòng huyết ngà tuôn theo nhịp vành môi
                        Huyết thân Me, nhưng phép lạ tay trời
                        Pha dịu ngọt trong đôi dòng sữa ấm
            Đẹp làm sao khi mỗi tia sữa bỗng nhiên biến thành luồng điện từ thân mẹ đi vào thân thể con thơ! Đây chính là nhân điện, điện của tình yêu làm say mê điên đảo cả mẹ lẫn con khi con ngất ngây áp vào ngực mẹ, nhấp từng giọt sữa để lòng say. Còn mẹ thì nghe từng giọt sữa nhỏ trong thớ thịt, rồi nâng niu con thơ như nâng vàng cưng ngọc:
                   Mỗi tia sữa là mỗi luồng điện sống,
                        Bú đi con! Hứng nhận cả lòng say...
                        Con nghĩ gì trong bộ óc thơ ngây,
                        Mà mơn trớn như nâng vàng hứng ngọc?
          Khi dòng sữa mẹ thấm vào thân con thì con bỗng hóa thân. Con không còn là đứa trẻ ngu ngơ bất động, mà là thực thể linh động đầy sức sống. Da của con thành da sữa. Thịt của con bốc hương thơm, và tiếng của con, dù là cười hay khóc, cũng là tiếng chim hót líu lo, làm vui cả nhà và cả đời:

                        Me yêu quá, giọng cười và tiếng khóc
                        Ai bày con tôi nói tiếng chim đây?
                        Dễ thương chưa? Da sữa thắm hây hây
                        Ai ướp cả muôn hương vào thớ thịt?
          Đẹp như thế và thương như thế là hết chỗ nói, thật đã cạn lời. Có nói cũng bằng thừa, vì làm sao diễn tả được tình thương tuyệt đích và vô bờ, cao như non, rộng như biển? Nếu Hàn Mặc Tử đã phải câm nín lặng nghe Trời giải nghĩa yêu:
                   Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
                        Để nghe dưới đáy nước hồ reo.
                        Để nghe tơ liễu run trong gió,
                        Và để xem trời giải nghĩa yêu.
           Thì ở đây, Trinh Tiên cũng đành câm lặng cảm tạ Đất Trời đã ban cho con người tình mẹ như một hồng ân không còn lời nào để diễn tả và ngợi ca. Tác giả chỉ còn biết hòa mình vào tiếng sóng biển, lời gió núi để cảm nghiệm tiếng lòng thỏ thẻ ngất ngây
                   Thương chẳng có chỗ cùng, thương tuyệt đích
                        Me thương con thắm thiết lắm, con ơi!
                        Cao như non? Cao sánh vút chân trời,
                        Rộng như biển? Rộng lan trùm trái đất

            Như một lời kết, Trinh Tiên đã thốt lên một tiếng như một tuyên ngôn tình mẹ vang vọng muôn đời. Con là tất cả. Là ý thơ. Là niềm vui. Là lẽ sống.
                   Con là tất cả ý niềm vui sống!          
          Xin thân tình chia sẻ nỗi vui và niềm hãnh diện  với những người con của mẹ Trinh Tiên như Nha Trang, Quy Hồng và Vĩnh Hữu, Vĩnh Hảo... Cũng xin chân thành tự hỏi những ai không may mắn có mẹ, hay không còn mẹ, có cảm thấy mất mát và ngậm ngùi tiếc nhớ nguồn sữa yêu thương như những giọt huyết ngà không? Cám ơn Trịnh Tiên, người nữ sĩ còn sót lại của văn chương tiền chiến. Cám ơn Quy Hồng đã cho thưởng thức bài thơ không tiền khoáng hậu của mẹ Trinh Tiên…



No comments:

Post a Comment