Saturday, May 2, 2020


ĐỢI NHÉ CỐ NHÂN ƠI!
Ngô Quốc Sĩ

          Sống trong dòng thời gian, con người có thể vui với hiện tại, nhớ tiếc qúa khứ hay hướng về tương để gửi gấm ước mơ. Riêng dân Việt, với nỗi buồn lưu vong nơi xứ người, với nỗi thất vọng trước hiện thực bi đát tại quê nhà, lại càng gắn chặt với qúa khứ đau thương như một mối hận khôn nguôi. Mối hận chất ngất đó đã tuôn trào thành những vần điệu cay đắng như những giọt nước mắt pha máu qua bài thơ “Thăm Mộ Cố Nhân” của Nguyễn Thanh Khiết.
          Vào thơ, tác giả đã mượn ly ruợu, không phải chén Hồ Trường của cuồng sĩ Nguyễn Bá Trác, lại càng không phải ly rượu mừng của Phạm Đình Chương, mà là  ly rượu tế để tưởng niệm hương hồn của người đã khuất, ngày nào ra đi tức tưởi không thể nhắm mắt. Tính cách bi đát tột cùng ở đây, là nhà thơ chỉ dành cho người qúa cố nửa ly thôi. Nửa ly còn lại xin dành cho chính mình, cho núi sông, cho đồng bào, cho thiên hạ hay hơn nữa cho cả đất trời, bởi lẽ tất cả đã chứng kiến nỗi đau chất ngất của dân Việt mà tiêu biểu là cái chết oan nghiệt của người  trai hùng từng ôm súng bảo vệ quê hương:
                   Tao rót cho mầy nửa ly thôi
                   Để nửa kia tế cáo đất trời
                   Tế thiên hạ, tế người cùng giống
                   Tế tao, tế mầy, tế núi sông.
          Có người đã bỏ nước ra đi tìm tự do, chấp nhận cuộc sống tạm dung trên quê hương thứ hai, với căn cước tị nnạn cộng sản, nhưng đã vội quên qúa khứ, chủ trương xóa bỏ hận thù, hòa giải hòa hợp với bên thắng cuộc. Với Nguyễn Thanh Khiết, người Việt không thể quên qúa khứ đau buồn, mà phải nhớ, nhớ thật rõ ngày tự do bị bức tử, ngày dân tộc tắt thở trong tủi nhục hờn căm:
                   Tao nhớ cái ngày ta thua trận
                   Giặc đuổi sau lưng, pháo nổ bầy
                   Một cái poncho gói mầy giữa núi
                   Đất đắp vội vàng lộ cả thây.
          Ngày ấy năm xưa, bao người trai Việt đã nắm xuống như những cánh sao rơi trong uất hận. Người may mắn còn sống, thì trở về như kẻ thua cuộc, gãy súng, chiến y tả tơi, bước chân rã rời giữa quê hương hoang tan đổ nát. Nỗi nhục nhã vô bờ đó không những làm hoen lấm đời trai thời loạn, mà còn làm nhơ nhuốc cả cuộc đời, và cả nơi tôn nghiêm linh thánh:
                   Ngày nầy năm đó mầy chết trận
                   Năm đó ngày nầy – tao kẻ thua
                   Nát áo về thành – thành đã mất
                   Nhục rửa làm dơ mấy cảnh chùa.
           Làm sao diễn tả được những nỗi đắng cay của người đã nhắm mắt ra đi cũng như người còn ở lại, cùng chia nhau một niềm đau và một nỗi tủi hờn dân tộc. Người sống mà như đã chết, chỉ biết tìm quên trong men say, nửa tỉnh nửa mê, cuộc đời chập chờn ảo ảnh:
                   Uống đi mầy uống nửa ly thôi
                   Chia với tao những đắng cay nầy
                   Mấy mươi năm – cái đời cơm áo
                   Tao sống còn – nửa tỉnh nửa say
          Tuy người sống  thương mình đang chết dở sống dở, nhưng thương mình thì ít mà thương người đã ra đi thì nhiều. Thật vậy, ngườiđã ra đi hồn tức tưởi nghẹn ngào, còn thân xác lại bị vùi giập vội vàng, không mộ bia, không hương khói, tuy  đã hy sinh tất cả cho đời, đã đem hết tâm huyết đền trả nợ nước thù nhà:
                   Chỉ tội thân mầy nằm ở đây
                   Mả lệch mồ xiêu đã bao ngày
                   Tấm bia vỏn vẹn hai cây chéo
                   Nợ nước thù nhà trả hai tay
          Như một hờn dỗi mỉa mai, tác giả đã nhắn nhủ người đi thôi cứ ngủ yên như thể vô niệm vô ưu, mặc cho đời hững hờ, cho rừng núi mưa gió thản nhiên, và nước non thay tên đổi chủ, trăm họ sống như đã chết, sống vô nghĩa, sống thừa:
                    Thì cứ nằm đây như lúc xưa
                   Mặc núi, mặc rừng, mặc gió mưa
                   Mặc nước, mặc non thay tên chủ
                   Mặc cho trăm họ sống như thừa
          Đáng mỉa mai hơn nữa là ngay cả những bạn bè đã bỏ xứ ra đi, chấp nhận cuộc lưu vong như một kẻ vô tổ quốc, nay cũng bị tha hóa, trở thành những đứa con hoang, sống vật vờ mất cả lý tưởng, quên cả khí phách, mất cả cội nguồn. Nói ra thì mất lòng, nhưng đành phải nói, vì thật tội nghiệp cho người đã nằm xuống, nghẹn ngào trong lòng đất mẹ tại quê nhà:
                   Mầy sẽ thấy bên kia phía biển
                   Đông lắm bạn bè bỏ xứ đi
                   Đứa giống con hoang – xin giữa chợ
                   Thằng như ở chực – chẳng ra gì
          Buồn cho hiện thực quê nhà vô vọng, cho hiện thực hải ngoại tha hóa vong thân, nhà thơ chỉ còn biết đi vào mộng tưởng để mơ về một khung trời huy hoàng, có mặt trời rực rỡ ánh vàng, có gió lùa mây bay và biển xanh dạt dào. Đó phải chăng là quê hương mơ ước? Đó phải chăng là đất nước thanh bình?
              Mai mốt nầy nếu có cơ may
                   Tao đưa mầy lên chỗ gần mây
                   Có biển xanh gió lùa vách đá
                   Mặt trời lên rực rỡ ngày ngày
          Rồi như một lời dặn dò tha thiết, nhà thơ đã nhờ người dưới mộ nằm yên đó như một gã cận vệ, canh giữ dùm giang sơn gấm vóc đang bị giày xéo bẳng dép râu, đang bị cứa nát bằng búa liềm, chờ ngày dân Việt đứng lên quang phục quê hương, dựng lại cờ vàng, mở hội hoa đăng:                
              Thôi kệ – nằm đây giữ dùm tao
                    Một cái giang sơn thấm máu đào
                    Một đời lá cờ ba sọc đỏ
                    Mấy đời vì nó – mấy đời đau
          Trước khi từ giã người dưới mộ, nhà thơ đã rót nốt nửa ly sau còn lại, rải khắp núi cao rừng thẳm, như thể những hạt mưa ân tình chan hòa nước mắt, khóc cho người đã nằm xuống cho quê hương. Những giọt mưa hồng pha máu sẽ bốc lên thành khói hương niệm hồn dân tộc:
              Tao rót thêm mầy nửa ly sau
                   Rải nửa ly nói với núi rừng
                   Bên mồ người trẻ – xưa chết trận
                   Bạn cũ về thăm dòng lệ rưng
          Thế đó! Người đã nắm xuống. Máu đã thấm vào lòng đất mẹ. Xin ngủ yên trong giấc ngàn thu, chờ ngày máu nở thành hoa, đúng như mơ ước của Nguyễn Chí Thiện ngày nào: “Máu ươm hoa hoa máu chan hòa. Hoa sẽ nở muôn nhà muôn vạn đoá..”
         




         


No comments:

Post a Comment